Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Mùa trâm gối tim tím tuổi học trò

Mùa trâm gối tim tím tuổi học trò

Khi những cơn mưa đầu mùa hè rơi xuống trên từng tán lá non xanh, là báo hiệu một mùa trâm chín đã về. Nhắc đếm trâm người dân quê lại nhớ về loại trái dại miền quê tuy dân dã, mộc mạc nhưng gắn liền với tuổi thơ của bao người con miền sông nước.
Trâm là loài cây thân gỗ, có tán lá rộng, nhiều cành, sống theo tự nhiên. Trâm tỏa bóng mát làm nơi trú nắng, nghỉ ngơi cho những người nông dân giữa buổi lao động trên đồng. Trâm trước sân nhà hay sau hè là nơi đám trẻ thường tụ tập vui chơi mỗi buổi trưa, buổi chiều tan học.
Mỗi năm, cứ vào mùa hè trâm lại trổ bông kết trái vào tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Trái kết thành từng chùm, khi chín có màu tim tím, to bằng đầu ngón tay, cơm mỏng nhưng hạt to. Ở quê, trâm có hai loại là trâm gối và trâm sẻ, đợi trái chín mùi có màu tím thẫm thì ăn ngon nhất vì ngọt, thơm. Bọn con nít như tôi thì thích ăn trâm gối hơn vì ngọt và thơm hơn trâm sẻ.
Còn nhớ những ngày ấy đến mùa trâm chín, mấy thằng con trai “lẹ giò” leo tít lên cây cao hái những chùm trâm to, chín đều thả xuống, mấy đứa con gái “yểu điệu thục nữ” đứng dưới gốc nhốn nháo cố chụp lấy những chùm trâm căng mọng màu tím thẫm, còn những chùm thấp thấp trong tầm tay thì vớ tay hái rồi bỏ vào miệng thưởng thức luôn tại chỗ. Có đứa lén đem theo chén muối hột đâm với ớt hiểm xanh bẻ được trái nào là chấm với muối ăn ngay.  Sau một hồi trèo hái thì cả bọn tụm lại vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả và chia trái cho nhau, xua tan cái nắng gió, nóng nực của buổi ban trưa. Rồi cứ vậy, thời gian trôi nhanh mà làm sao quên được! Mùa trâm giờ chỉ còn trong ký ức xa xôi…
Nhớ lúc nhỏ, bọn con nít trong xóm nhỏ miệt đồng bưng trốn ngủ, hễ thấy má lơ đi là chạy thụt mạng ra cây trâm ở đầu bờ ruộng. Đứa thì leo trên cây ngồi vắt vẻo, đứa thì ngồi dưới tán cây đọc bài đồng dao: “Trời mưa lâm thâm/cây trâm có trái/con gái có duyên/đồng tiền có lỗ”. Cứ thế qua hết buổi chiều, khi về, đứa thì bị má la, đứa thì bị “ăn cây” . Vậy mà vẫn “lì đòn” hôm sau cũng lén chạy ra ngồi tụm ba tụm bảy dưới gốc trâm.
Màu và vị của trâm gối khiến cho ai ăn rồi là mê. Mê vị ngòn ngọt, chan chát làm tê đầu lưỡi, luyến lưu sắc màu tim tím thơ ngây của tuổi học trò và bồi hồi nhớ về thời tuổi thơ dữ dội đã đi qua…
Hồi đó, mỗi lần đi hái trâm gối là tôi sợ nhất đám kiến vàng. Chúng như một đội quân háo chiến và hung tợn. Có khi bị kiến cắn, chúng tiết ra chất dịch hăng hăng làm da bỏng rát,  tôi và mấy đứa nữa phải tuột lẹ giò xuống rồi phủi lia lịa, càng giẫy là chúng càng bám chặt vào da, cả đám đành chịu đau mà gỡ từng con kiến vàng ra khỏi người.  “Chiến tích” đi về là một rổ trâm gối chín mùi và đứa nào đứa nấy ê ẩm cả người vì bị kiến vàng “tập kích”. Tôi về kể cho má nghe, má tôi bày cho cách, đi hái trâm là mỗi đứa phải hốt tro bếp đem theo, leo lên thấy con kiến vàng nào là nhanh tay hốt tro rải con đó, nó sợ mà chạy ráo trọi. Quả thật hiệu quả đến bất ngờ. Cả đám miệt mài hái, có khi trời chạng vạng tối còn chưa chịu về.
Rồi cứ vậy, mỗi mùa trâm qua đi là những kỷ niệm lại chất chồng ngày một nhiều thêm, nhớ những lúc té bầm tím, trầy trụi cả người, những lúc bị đội quân kiến vàng “khiêu chiến”, những lần chí chóe cãi nhau trái to trái nhỏ, trái ngọt trái chua và cả những bài thơ lấy cảm hứng từ trái trâm cũng tím hồn nhiên, thơ ngây như màu của nó,  những lúc cả đám ê a bài đồng dao quen thuộc… Làm sao mà quên được!
Giờ đây, quê xưa chỉ có những con đường trải nhựa, những  ngôi nhà xây nóc Thái khang trang, bề thế mọc lên, những loại cây ăn quả lai giống, những vùng đất hoang sơ được người dân quê cải tạo trồng lúa, trồng sen…  đã thay chỗ những cây trâm mọc dại. Mùa trâm hiếm lắm mới có.
Nhớ về mùa trâm, loại trái cây mọc dại, dân dã ấy làm nên tuổi thơ dữ dội với bao kỷ niệm thật đẹp, khiến tôi nhớ mãi.  Mùi vị của trâm chính là mùi vị quê hương phù sa thân thương, một miền ký ức tuổi thơ sẽ theo tôi cả đời, không thể nào quên.
24/6/2022
Diệp Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...