Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú
trong thơ đương đại Việt Nam

Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luận khá sâu sắc về nhiều vấn đề của giáo lý nhà Phật. Nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đề cập đến quan niệm hiện pháp lạc trú được chuyển tải trong thơ đương đại.
Sau năm 1986, đất nước bước vào đổi mới và cũng là thời kỳ Phật giáo trong nước được quan tâm hơn và tạo điều kiện phát triển. Theo quan sát của chúng tôi, danh sách các nhà thơ đương đại có tác phẩm liên quan rõ nét đến triết lí đạo Phật đang ngày càng nối dài. Tuy nhiên, với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ điểm diện và trích dẫn được một số tác giả.
Khái niệm “Hiện pháp lạc trú” là sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại. “Hiện pháp” là bây giờ và ở đây, “Lạc trú” nghĩa là an trú trong hạnh phúc. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng hãy biết tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, sống hết mình trong sát na hiện tại chứ không phải tìm trong quá khứ hay tương lai. Bởi quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa tới và có thể sẽ không bao giờ tới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã chỉ giáo: “Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ/ Làm người một kiếp cũng như không”. Miền tịnh độ thực ra không phải ở đâu xa mà chính là nơi mà tâm thức chúng ta giác ngộ, thanh tịnh, yên bình, vững chãi, thảnh thơi. Nếu tâm không an thì cuộc đời thiết nghĩ sống cũng bằng thừa. Tiếp thu quan niệm này, nhiều nhà thơ đương đại đã nhận diện những chất liệu của hạnh phúc có mặt ở xung quanh, biết lắng nghe thanh âm cuộc sống, biết thiền tâm, biết tự giải thoát khỏi bến mê, thoát khỏi những sai lầm do tham sân si gây ra, biết “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, sống lành mạnh, yêu đời, thường lạc hiện sinh.
1. Hạnh phúc khi biết tự thực hành thiền quán
Hạnh phúc là khi thân tâm an lạc, thiền là cách để tâm tĩnh lặng, an nhiên, từ đó có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới quanh ta.
Các nhà thơ đương đại có hai cách thiền: “thiền động” và “thiền tĩnh”. Thiền tĩnh là tĩnh lặng tự tại ngay cả trong môi trường vận động.  Thiền động là cơ thể vẫn vận động trong môi trường vận động, chỉ có trí tuệ và tâm tĩnh lặng để tiếp dẫn đến các triết lý nhà Phật.
Từ nhãn giới nêu trên, chúng ta bắt đầu với thơ Mai Văn Phấn. Đọc thơ ông, độc giả nhận thấy Niết bàn không ở đâu xa, không phải là một cảnh giới khác mà ở ngay trong hiện tại, ở trong những phút giây tĩnh lặng ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhà phê bình Đinh Thanh Huyền nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn không có sự tiếc thương những gì đang tàn hoại, hủy diệt, bởi nhà thơ hiểu rõ triết lý Bát bất trong Phật giáo”. Dấu ấn Phật tính trong thơ Mai Văn Phấn đều đã được các nhà phê bình trong nước và nước ngoài khẳng định (như Đỗ Lai Thúy, Đinh Thanh Huyền; học giả Ramesh Chandra Mukhopadhyaya người Ấn Độ và nhà phê bình văn học Sebastian Lönnlöv người Thụy Điển…). Những bài thơ giàu Phật tính tiêu biểu của ông là: Cửa Mẫu (in trong tập Bầu trời không mái che), Tĩnh lặng (in trong tập Vừa sinh ra ở đó) và hai tập thơ ba câu: Hoa giấu mặt, Thả. Nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn, tinh thần Phật giáo đã nằm ở ngay nhan đề như: Tạ ơn, Ngày mưa vào lễ Phật, Từ bi, Phật tính, Lên chùa Đồng, Dừng chân trong chùa, Thắp hương xong, Tụng kinh xong, Lễ Phật xong…
Nguyễn Việt Chiến cũng có nhiều bài thơ mang dấu ấn đạo Phật như Ánh trăng trong mộc bản kinh Phật, Thiền, Mẹ ta ở giữa sen hồng, Mẹ ta, vạt áo nâu xưa, Phù điêu cổ, đặc biệt là bài Những ngôi chùa trong đêm được anh sáng tác năm 2008 có một tinh thần thiền quán rất rõ. Khi ở trong những bức tường đá, tưởng tượng ra hình ảnh Đức Phật, nhà thơ đã thấy tâm mình được giải phóng ra khỏi ngục tù của hiện thực và cũng chính là ngục tù tăm tối của cõi tâm: “Người luôn nhìn ta bằng ánh mắt bao dung nhẫn nại/ Để hướng thiện và nâng đỡ ta lên”, ngài đã tiếp sức cho anh có “niềm tin thấm vào niềm tin”, tin vào công lí. Tại chốn lao tù, nhà thơ vẫn thấy lạc quan, cảm nhận dòng máu nóng của mình vẫn “thức”, tràn đầy nhiệt huyết, vẫn nhận được năng lượng của ánh trăng trí tuệ từ trời cao soi sáng cõi lòng, vẫn thấy được sự mát lành của dòng nước từ bi thanh tẩy hết nỗi oan khiên nghiệp chướng đời người. Với anh, đó chính là “nơi máu thức trong đá/ nơi trăng soi trong đá/ nơi nước chảy trong đá”. Mấy câu thơ này khiến chúng ta liên tưởng tới một bài haiku của Basho do Nhật Chiêu dịch: “Nền đá hoang tàn/ Lung linh bóng nắng/ Bụt hiện dung nhan”. Sở dĩ có sự gặp gỡ này là bởi chúng giống nhau ở tinh thần thiền quán. Giữa bốn bức tường đá thì ánh trăng soi, dòng nước chảy đâu có tồn tại, nó tồn tại là do tưởng tri bản ngã mà thôi. Sự tưởng tượng đẹp đẽ đó được hiện lên trong cái nhìn lạc quan của nhà thơ. Nguyễn Việt Chiến cũng đã từng chia sẻ rằng trong những lúc khó khăn buồn khổ nhất, anh luôn tin rằng thân tâm mình đã được che chở bởi phúc lành, bởi những tiếng kinh nguyện cầu của người mẹ là một tín đồ đạo Phật.
Trần Thanh Kim có bài thơ Ghi ở chùa Vĩnh Nghiêm sau khi nhà thơ đến tham quan ngôi cổ tự này. Đây là nơi đã từng có những vị cao tăng nổi tiếng trụ trì từ thời Trần như Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang. Đây cũng là nơi chứa những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, là di sản Unesco. Dưới bóng cây xanh mát trong chùa, nhà thơ đã ngẫm nghĩ về trí huệ khai mở, về thân phận, về thời gian, về kiếp nhân sinh và có cảm giác an nhiên, tự thiền trong sự yên tĩnh vắng lặng: “Mộc bản đầy khai mở/ chữ khắc nhuần phận cây/ thời gian chìm thớ gỗ/ kiếp nhân sinh tỏ bày”. Cách đây 2600 năm, Đức Phật cũng đã ngồi thiền định dưới bóng cây bồ đề để từng bước giác ngộ về kiếp nhân sinh luân hồi sinh tử khổ đau. Từ đó các giáo lí của nhà Phật được nói ra, được truyền trao và được lưu giữ trong mộc bản như một dấu tích của kinh điển và cũng là dấu tích của kiếp người để cho ta khám phá trên con đường trở về với cội nguồn giải thoát giác ngộ. Nguyễn Văn Long có hẳn một tập thơ thiền Huyền âm mộng nguyện, gồm 108 bài với những thông điệp hướng đạo. Nhà thơ hạnh phúc khi biết: “Lắng hồn nghe nhịp núi sông/ Chuông ngân reo gió, đàn không kim thiền”; và biết tu tại gia, buông bỏ tam độc: “Buông đi về núi ngủ ngon/ Đưa hồn phấp phới cõi trời bao la/ Tầng cao, sâu thẳm, thiên ma/ Âm ngàn, độ giới, tu la triệu hầu/ Hai tay chắp thỉnh nguyện cầu/ Đạo tu tĩnh chói đất trời tam Thiên/ Thân nguyên thu tịch, biến Liên”.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991) nhưng đã được trao giải nhất Cuộc thi Thơ lục bát Tổ quốc và Đạo pháp. Bài thơ Quét chùa buổi sớm của cô có cảm quan Phật giáo sâu sắc và rõ nét, ca ngợi cái tâm thiền an nhiên, thanh sạch, tịnh không của một ni cô thoát tục quét chùa buổi sớm: “Gió thiền trên ngọn phù đồ/ Áo nâu khua lá. Mặt hồ ngân chuông/ Cõi tâm tỏa bóng trầm hương/ Chổi lia mặt đất dọn đường tịnh không/ Thoát siêu về kiếp lửa hồng/ An nhiên xác lá ấm lòng phù sinh”. Còn Đoàn Thị Thu Vân lại tự hào ca ngợi thiền sư thời Trần (Tuệ Trung Thượng sĩ), một nhân văn vô chấp, tự tại giữa mọi thăng trầm của cuộc thế để phụng hiến đất nước muôn dân Đại Việt: “Thiền tâm đâu nệ nơi trong đục/ Tự tại ngao du giữa đất trời” (Tuệ Trung).
Các nhà thơ đương đại ngoài việc ngợi ca thiền thì cũng đã thực hành thiền tâm bằng nhiều cách khác nhau, có người ngồi nhắm mắt, lặng nghe, có người niệm chú tiếng Phạn, có người tụng niệm danh hiệu Phật… Tâm thế thiền, cảm giác an nhiên của các nhà thơ được thể hiện qua các bài thơ khác nhau. Đỗ Thượng Thế trong bài “Vừa đi vừa niệm” (Tạp chí Văn nghệ quân đội số 1015 – tháng 6/2023) đã tự quán thiền bằng cách niệm câu: Án ma ni bát di hồng (Om Mani Padme Hum). Đây là một câu thần chú tiếng Phạn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Mật tông, cầu sự gia trì của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Còn gọi là “lục tự đại minh chân ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”. Mục đích của nhà thơ với việc vừa đi vừa niệm này là để trong mỗi bước chân, tâm hồn mình “tự tại”, “thong dong”, “tĩnh lặng”, “bao dung”, rũ bỏ vô minh, “đặt xuống gánh buồn”: “Vừa đi vừa niệm/ mắt nghiền tay chắp hoa sen/ tĩnh lặng xoay vần/ xoay vần thong dong/ chuông gióng từng hồi tự tại/ hơi thở con đường vô hạn/ cỏ chờ nâng bước chân…/ Vừa đi vừa niệm/ đến với ngọn núi cao cô đơn/ bao dung bao điều tồi tệ/ cự tuyệt cuộc chiến trái tim/ lửa vô minh ngàn năm rũ bỏ/ đặt xuống gánh buồn/ bước qua cái chết…”.
Còn thi sĩ Khánh Phương khi tụng chú đại bi (câu thần chú nuôi dưỡng chất liệu của sự yêu thương và hiểu biết) đã cảm nhận được một năng lượng tích cực tràn ngập thân tâm, thấy được sự bình thản sau những run rẩy âu lo: “Hạt cát/ Còn run rẩy/ Khi nước triều rút xuống/ Bình thản trong ánh mặt trời” (Đọc chú đại bi). Nhà thơ Tịnh Bình khi ngồi trên núi, giữa mây gió, cỏ cây hoa lá cũng cảm nhận được sự giác ngộ, an nhiên hành thiền trong tâm thức: “Đỉnh cô phong/ Mây tọa thiền tư lự/ Núi trầm ngâm/ Âm ba gió lời kinh/ Và hoa lá/ Tràng hạt sương kết chuỗi/ An nhiên ta/ Ngồi tựa chiếc bóng mình” (Ngồi). Phải chăng, đây là cảnh giới trong nhà Phật thường hay nói: “Tâm bình thế giới bình, tâm an thế giới an” hay “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Nguyễn Bình Phương cũng lặng lẽ nhắm mắt tự thiền để tìm kiếm vẻ đẹp ngọt ngào trong trí tưởng của mình: “Tôi châm thuốc ra ngoài gặp cỏ/ Nghĩ đến mình nghĩ đến mình thật nhiều/ Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện/ Một vườn mía ngọt lúc trăng lên (bài N.B.P). Nhà thơ giàu nghị lực Đỗ Trọng Khơi chắc chắn thấu hiểu câu: “Phàm sở hữu Tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư Tướng phi tướng, tắc kiến Như lai”. (Nghĩa là: phàm cái gì có hình Tướng đều là hư dối, nếu thấy các hình Tướng đều không phải tướng, đó là thấy Phật). Vì thế, anh đã tự “lặng nghe”, tự thiền trong tịnh vắng để thấy mình hình tướng hư vô: “Mà về thăm thẳm tâm linh/ Lặng nghe tịnh vắng xóa hình dáng ta” (Cầm thu). Tác giả Minh Trang trong bài thơ: Mái chèo vô thức đã cho thấy sự cảm nhận thanh thoát của Thiền định: “Về xem trăng ngả màu thiền/ Nhịp chài vô thức động miền tịch hư/ Nguyệt tà vẽ bóng chân như/ Tình em lá nõn về từ mùa xuân”.
Nữ tác giả trẻ Trần Hạ Vi trong bài Thiền yêu đã có ý thức rất rõ trong việc cần buông xả hận thù dù từng bị phản bội trong tình yêu để tâm mình thanh thản: “Em mỗi ngày mỗi thiền / yêu anh trong uất hận / để mỗi ngày vơi dần / vơi dần / tịnh tiến miền thanh thản”. Tuy nhiên, làm được điều này chắc không phải dễ dàng gì, bởi vấn đề tình ái, lục dục thất tình là một trong những nỗi khổ lớn nhất của con người trần thế. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nghĩ được như vậy là người trẻ này cũng đã bắt đầu ngộ đạo rồi. Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn lại dành cho mình những khoảng lặng để hòa mình vào thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp hiện hữu của cuộc sống và thấy lòng mình đã xóa bỏ được ngã chấp mê lầm: “Lặng nghe ngọn cỏ yên bình/ Mới hay mặt đất ân tình làm sao/ Lặng nghe tiếng gió trên cao/ Mới hay chim chóc trăng sao vui vầy/ Lặng nghe nhịp đập tim này/ Mới hay Ngã chấp từ nay phai tàn” (Lặng nghe). Ngã chấp hay Chấp ngã là một thuật ngữ trong Phật giáo. Chấp ngã là bám vào cái ta, thường đặt cái ta của mình lên trên những cái ta của người khác, vì thế tham sân si trỗi dậy. Theo nhà Phật thì không có cái ta, cái ngã riêng biệt bởi mọi sự vật đều có mối liên hệ tương tác với nhau. Để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc thì phải nhìn đời bằng con mắt vô ngã, biết phá bỏ Ngã chấp và nhiều nhà thơ đương đại đang từng bước thực hành.
2. Hạnh phúc là biết rũ bỏ vô minh ngã chấp, sống hết mình trong hiện tại
Vô minh là gốc rễ đưa đến khổ đau và mọi bất thiện trong thế gian. Hạnh phúc là biết diệt trừ “tam độc” tham sân si, cởi bỏ oán thù, tự mình cứu mình rũ bỏ khổ đau, tự mình biết thắp đuốc lên mà đi.
Trước giai đoạn thơ đương đại, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã làm một cuộc “đáo bỉ ngạn” ngoạn mục để từ giã những vần thơ buồn bã thất tình, say sưa chán chường. Ông đã tìm được lối thoát khi bắt gặp đạo lý Phật giáo Thiền tông. Nhà thơ đã được tiếp kiến với các bậc chân sư, được chứng kiến cái chết tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức nên đã đóng góp cho văn học Phật giáo ba thi phẩm Lửa từ bi, Ánh trăng đạo lý và Bút nở hoa đàm đậm đà bản sắc nhân văn. Ông hiểu: muốn thoát khỏi những buồn bã, chán chường, đau khổ thì tự mình phải chuyển hóa, bởi vì cho dù “Phật có bàn tay dẹp bất bình/ Cả ngàn con mắt chiếu vô minh” nhưng “Chỉ đôi tai Phật sao nghe xiết/ Tiếng khóc giờ đây của chúng sinh?” cho nên phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Sau này nhà thơ trẻ đương đại Trần Ngọc Tuấn cũng xác định: “Đường dài/ Mù mịt/ Đêm đen/ Tự mình thắp sáng/ Ngọc đèn/ Chân như” (Tự tâm).
Khi không màng danh lợi, ham muốn sân si thì thân tâm chúng ta được an nhiên, hạnh phúc. Nguyễn Long có bài thơ Thường dân nổi tiếng vượt qua hàng vài ngàn bài thơ khác để giành giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 2003. Bài thơ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với những con người không bon chen danh lợi: “Mặc ai mua nổi bán chìm thiệt hơn”, họ có cách sống vô ngã: “Hòa vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. Trương Nam Hương cũng không có thói quen khoanh tay xu nịnh cấp trên, nếu có dạ thưa thì hãy dạ thưa với mẹ; anh ý thức rằng danh lợi là phù du, là những vật ngoại thân nên luôn giữ cho mình cái tâm bình an, thanh thản: “Đứng ngoài các cuộc bon chen/ Lắng trong nước mắt muộn phiền nhân gian/ Chẳng quen khoanh dạ mặt bàn/ Về thưa ghế đẩu cơ hàn mẹ cho!” (Dặn lòng).
Hồng Thanh Quang lại thấm nhuần quan niệm: Phật không ở đâu xa, Phật tại tâm. Anh có một số bài thơ đề cập đến đạo Phật như bài: Nguyện ước, Chùa Hương, đặc biệt là bài Ở đâu gần Phật nhất. Nhà thơ cho rằng không phải cứ gần các đại thiền sư, gần những ngôi chùa lớn hay những nơi phát sinh huyền tích thì là được gần Phật, được gần Niết bàn. Khi gần Phật nhất chính là lúc tâm ta an lạc nhất, gần với giáo lí nhà Phật nhất, biết giúp đời giúp người, sống một đời tử tế, biết làm thiện nguyện từ nguồn thu nhập chính đáng của mình: “Cúng dường bằng tần tảo/ Tạo dựng đời ấm êm/ Giúp muôn loài cùng khổ/ Bớt buồn, an lạc thêm…”.
Trần Huy Minh Phương cũng quan niệm: Phật không ở đâu xa, Phật chính là cha là mẹ, người đã dạy con những điều nhân nghĩa. Nâng đóa sen cung kính đặt lên bàn thờ thắp hương dâng cha mẹ, nhà thơ tự thấy Phật tính trong lòng mình: Con vừa xuống ao nhà nâng sen lễ Phật/ Phật trong con bừng sáng/ giọt giọt trong (Phật trong nhà tôi). Nhà thơ trẻ ấy khi mặc tấm áo lam, đeo tràng chuỗi đứng trước ban thờ có bình hoa huệ trắng đã nghĩ đến cõi Ta Bà (đây là cõi được ví như một “trạm dừng chân”, nơi mà chúng ta phải trút tâm sám hối và rũ bỏ những nghiệp quả từ các đời trước để bước đến con đường giải thoát). Chính mùi thơm của hoa huệ đã “trút nhịp thiền” cho nhà thơ thấy lòng thanh tịnh: “Rung rinh hương gọi nắng hồng/ mà nay từng búp rụng vòng chân nhang/ lời thơm như đã thật gần/ trút tâm sám hối tựa lần chia xa/ áo lam, tràng chuỗi thành hoa/ ta còn ôm cả ta bà ngả nghiêng/ huệ hương đã trút nhịp thiền/ mình vừa sụp lạy bóng mình đó thôi” (Chợt nghĩ bên hoa huệ).
Có tinh thần từ bi trí huệ, có Phật tính trong lòng cũng là cách để có một đời sống an nhiên, hạnh phúc cho mình và góp phần làm lành mạnh xã hội. Tinh thần bao dung, độ lượng với người, quên đi oán ghét cũng có mặt trong thơ Nguyễn Quang Thiều khi nhà thơ ý thức được: “Ghét người trong một kiếp/ Nợ đời mười kiếp sau” (Một bài thơ năm chữ). Tinh thần “thương người như thể thương thân” của triết lí đạo Phật cũng góp mặt trong thơ của Nguyễn Hoàng Kiên Nhật: “Ta yêu người ngây dại/ Yêu người là yêu tôi” (Rớt rơi). Nhà thơ Đồng Đức Bốn trước khi rời cõi thế cũng nhắn nhủ mọi người: “Trở về với suối với sông/ Trở về với đất với không còn gì/ Hồn thơ lục bát ra đi/ Xin người ở lại sống vì nhau hơn” (Thơ gửi người ở lại).
Nhà thơ kiêm dịch giả Thái Bá Tân đã dựa vào một tích truyện tôn giáo để diễn tả sự từ bi trong bài thơ Thiền sư và con rắn. Một vị thiền sư gắng sức để cứu một con rắn độc sắp chết trôi dưới sông nhưng nó đã đớp ông, nọc độc đã làm cho bàn tay ông sưng tấy nhưng ông vẫn loay hoay tìm cách vớt nó. Một người đi qua, thấy thế khuyên ông đừng cứu nữa vì nó sẽ cắn ông chết. Nhưng thiền sư đã ngoái đầu lại và trả lời: “Bản chất rắn là cắn/ Bản chất người: Cứu đời!”. Triết lí của câu chuyện này là: Nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người thì phải biết chịu đựng những cú cắn của loài rắn độc, của những lời thị phi, của sự hãm hại, thậm chí của cả việc phải hi sinh tính mạng. Loài vật nào cũng có thói quen riêng, thú tính riêng nhưng đã là người Phật tử thì không thể thiếu vắng sự khoan dung và lòng từ bi. Đức Phật trao lòng từ bi với chúng sinh đều bình đẳng giống như tình cảm của mẹ với các con, đứa hư đứa ngoan đều thương xót không phân biệt, chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa và thay đổi đời sống này. Bởi một người đồ tể khi buông dao vẫn có thể chuyển nghiệp thành cây huyết dụ (Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật, nghĩa là buông bỏ dao xuống thành Phật) (Lập địa thành Phật: lập tức thành Phật; có lời giải khác: đứng ngay đó thành Phật) có ích cho đời sống (xem: Sự tích cây huyết dụ). Thiện và ác, ác và thiện là hai mặt của bàn tay, là hai mặt của thế giới tâm thức, cũng là ranh giới mong manh của mê và ngộ, nếu mỗi con người chúng ta biết quay trở về thấy rõ chân tâm, thức tỉnh những hạt giống tốt đẹp trong mình thì vẫn có thể có cơ duyên chuyển hóa khổ đau bất thiện thành hạnh phúc an vui.
Sống hết mình trong hiện tại là điều tâm niệm của nhiều nhà thơ đương đại. Bùi Kim Anh có tập thơ Thức bước thời gian gồm 120 bài với 1500 lần bà nhắc tới thời gian. Bà luôn hiểu được giá trị và bước đi tàn bạo của thời gian, của kiếp người ngắn ngủi nên đã xác định một cách sống hiện sinh: “cùng sống hết lòng hôm nay đã” và “đừng hẹn nữa ngày mai”, bởi giữa dòng đời biến động, ngày mai chẳng biết thế nào: “một ngày thôi cũng là quá muộn/ mây thiên di cảm xúc cũng rời đi/ lẳng lặng thời gian dòng đời biến động/ chớ để ngày mai/ đừng hẹn nữa ngày mai”. Ngày mai là ngày không bao giờ có thực. Chúng ta chắc không quên câu chuyện ông già bán kẹo kéo treo biển bán hàng: “Ngày mai ăn không phải trả tiền”. Lũ trẻ chờ đến ngày mai để hi vọng ăn kẹo mà không mất tiền mua nhưng thất vọng. Bởi vì thời điểm của hiện tại vẫn không phải là ngày mai và mãi mãi ngày mai vẫn chỉ là ngày mai. Xuân Quỳnh luôn biết quy luật cuộc đời là chẳng có gì vĩnh cửu, là không thay đổi cả, tình yêu này mất đi lại có tình yêu khác thay thế, hết buồn đến vui và ngược lại: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ hôm nay yêu, mai có thể khác rồi”. Vì thế, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Hãy biết tận hưởng niềm hạnh phúc đang có ở ngay phút giây hiện tại: “Nhưng lúc này anh đang ở bên em/ Niềm vui sướng trong ta là có thật” (Nói với anh).
Nữ nhà thơ Cát Du cũng luôn biết rằng sau mỗi sat na, mọi điều đều thay đổi và chúng ta luôn thay đổi: cơ thể thay đổi, ký ức thay đổi, suy nghĩ và tính tình cũng có thể thay đổi; trong từng khoảnh khắc, ta đều mới mẻ. Bài Lạ hoắc của chị đã xác tín chân lí này: “Em ngắm anh mỗi ngày/ Mà sao bỗng lạ?/ Những tế bào yêu của ngày hôm qua đã chết/ Cuốn đi nụ hôn nồng của em/ Đôi môi mới của ngày hôm nay lạnh lùng, thờ ơ quá thể/ Em nhìn thấy người đàn bà hệt em/ Trong mắt anh lạ lẫm/ Em của ngày qua đâu rồi?/ Đâu rồi anh/ Anh của ngày qua đâu rồi?”. Vì thế, chị luôn trân trọng từng sát na của hiện tại, của mối quan hệ đang có với những phút giây thăng hoa của đam mê khoái lạc (bởi vô thường có thể phá hủy ngay những điều tuyệt vời mình đang có như Nguyễn Du đã từng nói: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”): “Không mùi vị gì cả/ Chỉ vòng ôm là thực/ Siết chặt là thực/ Giãy giụa là thực…/…/ Rơi tõm vào/ Cơn cuồng nhiệt/ yêu” (Ám ảnh màu chì). Thơ của chị vì thế đã có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng hiện sinh và triết lí đạo Phật. Trịnh Công Sơn đã từng nói rằng: “Hiện sinh chân chính đâu phải là xấu, mình cho rằng bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống”.
Ngày nay, hầu hết các nhà thơ đương đại đều hiểu biết ít nhiều về triết lí đạo Phật và họ đã phản ánh vào trong tác phẩm. Nhưng giai đoạn trước 1960 là thời mà nhiều đền chùa miếu mạo bị phá hủy, thơ của các tác giả miền Bắc thời gian đó hầu như không dung chứa đức tin tôn giáo. Thế nên, tâm thế sáng tác trong thời kì “văn học phải đạo” của một số nhà thơ tên tuổi như Huy Cận, Hoàng Trung Thông… thật khác xa tâm thế của những nhà thơ giai đoạn đương đại. Tuy Huy Cận có bài Về thăm chùa Keo (viết năm 1959), Hoàng Trung Thông có bài Trên gác chùa Keo (viết năm 1958) nhưng chủ yếu chỉ để ngợi ca vẻ đẹp kiến trúc của ngôi chùa, ca ngợi bàn tay “người thợ khéo” đã tạo nên “Những mái vờn cong, những dáng rồng” mà thôi. Huy Cận cho rằng mọi người đến chùa nhưng “Lòng tin xưa không còn nữa” và dù có sửa lại chùa, treo chuông cũ lên và thỉnh chuông cũng “Đâu phải để gọi hờ lòng tín mộ”. Còn Hoàng Trung Thông thì so sánh tiếng chuông chùa cũng không làm người nghe rung động như tiếng kẻng hợp tác xã: “Thời đại không còn tâm tưởng cũ/ Tôi dù gõ mạnh tiếng chuông reo/ Cũng không rung động như hồi kẻng/ Báo buổi cày tan lúc xế chiều” (?).
Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luận khá sâu sắc về nhiều vấn đề của giáo lí nhà Phật. Nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đề cập đến quan niệm hiện pháp lạc trú được chuyển tải trong thơ đương đại. Cách tự thực hành thiền quán và biết rũ bỏ vô minh chấp ngã, sống trong sạch, biết tự mình cứu mình, sống hết mình trong hiện tại, có tinh thần từ bi giúp đỡ mọi người là cách sống tích cực, khiến cho thân tâm an lạc, hạnh phúc, không mắc những sai lầm do tham sân si tạo ra. Cách sống này cũng góp phần làm lành mạnh xã hội bởi như GS. Cao Huy Thuần đã chia sẻ trong thư gửi tới Tọa đàm Thơ thiền Việt Nam vào ngày 26.3.2023 tại Huế: “Chất thiền càng mạnh trong chất đạo thì đạo càng vững, mà đạo càng vững thì phong hóa đạo đức trong xã hội càng vững, an ninh mới đảm bảo”.
23/10/2023
Hoàng Kim Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...