Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Người cả đời mải mê đuổi một con diều

Người cả đời mải
mê đuổi một con diều...

Giới thiệu tác giả - tác phẩm
Ấy là nhà thơ Đồng Đức Bốn,
Người yêu thơ xứ mình, hầu như đều thuộc vài ba câu thơ của Đồng Đức Bốn. Đó là may mắn và hạnh phúc của Đồng Đức Bốn trong thời buổi loạn thi ca này,...
Những câu thơ ấy, như: “Cành hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không”; “Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng đẻ cả chiều thành tro”; “Chiều nay Hồ Tây có giông/ Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm”; “Xong rồi chẳng biết đi đâu/ Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương”; “Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi/ Lá bùa chẳng biết làm gì/ Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày”; “Trở về với mẹ ta thô/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”; ‘Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”; “Đợi em ở trước cửa thiền/ Lá cây rụng một chiếc thuyền đang trôi”... Đại loại vậy. Dẫu chỉ thế thôi những tưởng cũng là đủ với người làm thơ!?... Song không, Đồng Dức Bốn còn có nhiều hơn... Tôi nghĩ thế.
Trước tập thơ CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA (NXB Lao động, 1993), Đồng Đức Bốn xuất bản tập thơ đầu tay, CON NGỰA TRẮNG VÀ RỪNG CÂY CỎ ĐẮNG (NXB Văn học, 1992), và sau đó, từ năm 2000 đến năm 2006, Đồng Đức Bốn còn xuất bản thêm 4 ấn phẩm nữa, nhưng riêng tập CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA, với 112 bài thơ ở vào thời kỳ tác giả vừa độ chín sáng tạo, thiết tưởng cũng đủ để nhận diện một tài năng thơ Đồng Đức Bốn, đặc biệt thể Lục bát.
Quả thật, tập "Chăn trâu đốt lửa", thơ lục bát chiếm già nửa. mà hầu như bài nào cũng đọc được. Vậy là, lục bát viết được như như thế không phải dễ, không phải ai, nhà thơ nào cũng viết được.
Nào thử xem Đồng Đức Bốn làm gì với mớ lục bát của mình?.
@ Trước hết, Đồng Đức Bốn sử dụng ngôn ngữ dân gian, câu cửa miệng, thản nhiên nói ra như chẳng có gì, mà lại có gì vậy.
Ví như, bài CUỐC KÊU, mở đầu: “Cuốc kêu như thể cuốc kêu/ Ngàn năm cái giọng vẫn đều thế thôi”, đúng là chẳng có gì thật, nói ra là để nói, thế thôi. Câu tiếp theo: “Bụi tre bụi dứa tan rồi/ Cuốc kêu ai biết cho lời cuốc đâu”, thấy như có cái gì đó rồi. Câu tiếp: “Đường đời còn lắm bể dâu/ Trắng đen còn một Mỵ Châu để buồn”, có chuyện lớn rồi đó, mà chuyện quốc gia đại sự, chuyện hưng vong của cả một dân tộc. Lại tiếp: “Thì cho chớp bể mưa nguồn/ Cuốc kếu vẫn giữ cái hồn cuốc kêu”, đã là sự suy ngẫm, triết lý sinh tồn rồi đấy. Câu tiếp nối: “Tôi nghe nẫu cả những chiều/ Câu thơ ngã xuống đổ xiêu quán chùa”, trở về với suy tư cá nhân về lẽ đời. Và bất ngờ: “Thoắt nghe dựng tiếng gươm khua”, kết để mở ra một chương mới,... Tôi thích bài thơ này, bởi tính giản dị như không của nó, mở đầu là nói một việc thường nghe thường thấy, ai cũng biết, song chẳng mấy người lưu tâm, ấy là tiếng cuốc kêu mỗi ngày, chẳng cần đao to búa lớn, rủ rỉ dẫn dắt đến việc đại sự, lẽ sinh tồn và bài học giữ nước cả cả dân tộc.
Hay như bài ĐỢI CHỜ THÁNG BA, mở đầu cũng bằng một việc hết sức bình thường: “Bây giờ chờ đợi tháng ba/ Tôi ra đứng ở cây đa đầu làng”. Đúng là chắng có gì, thậm chí là vu vơ vớ vẩn, cũng phải. Song câu tiếp theo: “Khói nhà ai cứ mọc ngang/ Con nhà ai cứ lang thang chợ chiều”, thì quả là bắt đầu có chuyện rồi. Nào xem có chuyện gì: “Lề dường trong những chiếc lếu/ Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày”, thấy chút lộ diện chút về một làng quê nghèo, chẳng mấy ai mua bán gì. Nhưng tiếp đến: “Ngả nghiêng mấy lão thợ cày/ Rượu say vác cả cối chày nện nhau”, thì rõ rồi, nghèo, không có việc làm, sinh “nhàn cư vi bất thiện”. Ai cũng biết, tháng ba là tháng giáp hạt, hay đói kém. Làng xóm giàu có, người dân của ăn của để thì đỡ, chứ vốn thiếu thốn triền miên thôi rồi. Vì nghèo nàn, đến thần phật cũng mất thiêng, bất lực, còn dân chúng lo thân chẳng xong, nghĩ gì đến thần phật, mà lễ bái: “Miếu thờ phật tượng ngồi đau/ Cửa thiền rêu đã lên màu cổ xưa”. Để rồi kết ở câu thơ khiến người ta phải suy nghĩ: “Tháng ba vẳng tiếng chuông chùa/ Bây giờ tôi đợi bóng vua về làng”. Bài thơ với một cái kết như vậy là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo động. Vua quan gì đâu, ấy là lời thỉnh cầu khẩn thiết về một sự quan tâm của các nhà quản lý đất nước, cần phải làm gì đó để thay đổi cơ chế, đem lại công ăn việc làm cho người dân, thoát nghèo, làm giàu,...
Cái lối mở đầu cửa miệng thản nhiên như không ấy, để rồi gây sự, xưng mọc về những chuyện đâu đâu ấy, khá phổ biến trong thơ Đồng Đức Bốn. Có thể thấy như vậy trong các bài Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn, Chợ buồn, Cái đêm em ở với chồng, Hoa dong riềng, Hội Lim, Sông Thương ngày không em, Đàn buồn lại mắc dây oan, Bờ sông, Nhà quê, và nhiều bài thơ khác của ông...
@ Thơ Đồng Đức Bốn nhìn chung là Gợi.
Trong lời Tựa thơ Đồng Đức Bốn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã phân chia ra mấy loại người làm thơ (loại một là các thiên thần, loại hai là những người khởi nghĩa,...), và ông đưa ra nhận định “Đồng Đức Bốn là một nhà thơ, một người khởi nghĩa”. Tôi chẳng rõ, nói như vậy, Nguyễn Huy Thiệp định dạng Đồng Đức Bốn thuộc loại nào?
Tôi thì thấy, thơ Đồng Đức Bốn nhin chung là gợi.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng đời Thanh là Viên Mai, trong cuốn sách "Tùy Viên thi thoại" của mình, đã nghiên cứu thơ ca Trung Hoa cổ đại để đưa ra quan điểm, thơ trước tiên ở gợi (sức gợi), và cùng với đó là ý tứ, ngôn từ, nhạc điệu,... Như vậy, thơ hay thì quan trọng ở sức gợi, rồi theo đó là ý,ngôn,nhạc. Tôi đồng tình với quan điểm này. Thế nên, cũng như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định, tôi thấy thơ Đồng Đức Bón hay.
Lại xem thơ Đồng Đức Bốn gợi thế nào?
“Khói nhà ai cứ mọc ngang/ Con nhà ai cứ lang thang chợ chiều” (Chờ đợi tháng ba), câu thơ thật gợi, khiến người ta cứ phải hình dung xem sao. Hay như, gợi làm sao: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều” (Chăn trâu đôt lửa): “Em như chim bay về ngàn/ Để rơi một cánh hoa tan nát chiều” (Sông Thương ngày không em): “Nhà em ở chỗ vòng quanh/ Sao tôi đi mãi không thành đường đi” (Về Nhổn tìm em): “Cái đêm em ở với chồng/ Để ai hóa đá bên sông đợi đò/ Cái đêm hôm ấy gió mùa/ Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan” (Cái đêm em ở với chồng): “Chuông chùa tiếng đục tiếng trong/ Thảo nào cát bụi long đong thân cò” (Bờ sông): “Bây giờ tuổi đã hoàng hôn/ Tôi ra đứng gió đợi buồn trên sông” (Đợi buồn)...vv... Thơ Đồng Dức Bốn, rất nhiều nhưng câu thơ giàu sức gợi như thế,...
Tôi nghĩ, thơ Đồng Đức Bốn, nhờ sức gợi mà hấp dẫn người đọc.
@ Liên kết lỏng làm nên sức bền thơ Đồng Đức Bốn,
Thơ Đồng Đức Bốn, phần lớn cả bài không rõ ý tứ, liên kết các khổ thơ trong bài cũng lỏng, thậm chí, câu trước, khổ thơ trước như chẳng liên quan gì đến câu sau, khổ thơ sau. Ấy vậy, mỗi câu, mỗi khổ thơ lại có vai trò làm cọc tiêu cho các câu thơ trong bài nương tựa vào nhau mà đứng vững., đến mức, nếu lược bớt đi lại cảm thấy chống chếnh. Các bài thơ Chăn trâu đốt lửa, Cuốc kếu, Chờ dợi tháng ba là những bài thơ có ý tứ rõ ràng, liên kết khá chặt chẽ, chiếm số ít trong thơ Đồng Đức Bốn. Nhìn chung, thơ ông thuộc dang liên kết lỏng, đơn giản, bởi mỗi câu thơ đều mang ý tứ riêng và dường như hoàn thành xứ mệnh của nó rồi.
Này đây, bài Chợ buồn, cả thảy 4 cặp lục bát: “Chợ buồn đem bán những vui/ Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em”, nếu chỉ ngắn gọn thì thế cũng thành bài thơ rồi. Nhưng tác giả vẫn thêm “Chợ buông bán nhớ cho quên/ Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày”, rồi lại thêm nưa “Chợ buồn bán tỉnh cho say/ Bán thương suốt một kiếp này cho yêu”, cũng không thừa, vẫn  thêm nữa để kết “Tôi giờ xa cách bao nhiêu/ Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư”. Mấy câu sau, tách riêng ra, mỗi cũng thành câu đủ làm nên ý của nó, song tất cả xếp liền với nhau lại làm nên sự dày dặn cho cái kết chung, mà cũng là tâm trạng thực của nhà thơ.
Bài thơ Sông Thương ngày không em, cũng là một bài thơ như vậy. Câu đầu “Không em ra ngõ kéo diều/ Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay”. Vậy thôi, cũng gợi và mở rồi, để cho người ta mặc sức liên tưởng. Nhưng vì muốn đi đến cái kết chở tâm tư của mình “Không em từ bấy đến giờ/ Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang” thi tác giả phải thêm “Sông Thương như gỗ hóa trầm/ Mùi hương để vết tím bầm trên da”, và “Sông Thương từ buổi em xa/ Tay anh quờ xuống hóa ra bị chàm”. Cảm thấy chưa đủ, tác giả dông dài thêm mấy cặp lục bát nữa, mà câu nào cũng đủ ý của mình “Em đi như chim về ngàn/ Để rơi một cánh hoa tan nát chiều”, “Tôi đi trên dòng sông gai/ Lối chân chim đâu trên vai thành hồ”. Có vẻ như chúng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng mỗi câu đều khá gợi, nên đứng được, riêng mình, hay nương tựa vào nhau thành bài thì vẫn ổn.
Nhiều bài thơ Đồng Đức Bốn là vậy, chiếm số đông, nhất là thơ lục bát. Có cảm giác, khi sáng tác, tác giả chắp nối các câu thơ riêng vào với nhau, hoặc tác giả không làm chủ được mình, mặc cho câu thơ dẫn dắt mình đi, lạc bước, để rồi khi giật mình tỉnh giác, ngơ ngác tìm đường trở về. Các bài Đàn buồn lại mắc dây oan, Thôi đừng hát nữa người ơi, Chiều mưa trên phố Huế, Em bỏ chồng về ở với anh không,... đều thuộcvdạng này.
Lối kết cấu lỏng, dựa vào các câu thơ cọc tiêu ấy làm nên sức bền cho thơ Đồng Đức Bốn. Tựu chung, bài có thể dông dài, hay lan man, khong rõ ý, thậm ý tứ tản mát đi chăng nữa, thì nhờ có một, đôi câu thơ hay, khiến bạn đọc thích thú mà thể tất, mà bỏ qua cho cái tội dông dài của tác giả. Bởi người ta, chỉ cần nắm bắt một câu thơ giàu sức gợi, ấn tượng, hay là thấy đủ, thuộc nagy được, đặng ngâm ngợi hay mang ra bình luận, tán thưởng vui bạn vui bầu lúc trà dư tửu hậu. Vậy là Đồng Đức Bốn làm được điều này, bởi thơ ông có nhiều câu như thế!...
@ Với lại, Đồng Đức Bốn có cái lối, cứ “xưng xưng mọc mọc”, cũng có thể cho là dùng phép “thậm xưng” nói ra cái ý của mình, đặt điều, nói quá lên, đem gán ghép cho người ta những thứ ấy, rồi lấy đó làm cái cớ, chỗ nương tựa, để mà buồn rầu, khổ ải, than vãn này nọ, kiểu bắt đền, ăn vạ,... Ở ngoài đời, nếu ai mà sống và ứng xử thế, cứ cường điệu, làm quá lên mọi chuyện thì thật không ổn chút nào, song trong thơ thì lại ổn, thậm chí là đắc địa, nếu biết tiết chế. Tôi nghĩ, Đồng Đức Bốn rất chi đắc địa và thật lợi hại với thủ pháp này.
Thì những đây: “Em đi từ hạ vào thu/ Gặp tôi ở chốn sương mùa chưa tan/ Em đi từ phái gian nan/ Gặp tôi ở chỗ cung dàn dứa dây” (Về phố Hàng Tre); “Một chiều về phố hàn Thuyên/ Sao em lại nỡ bỏ quên tôi rồi” (Về phố Hàn Thuyên); “Anh từ trong em bước ra/ Tiếng thương tiêng nhớ gấp ba chuông chùa/ Em từ anh ra lạ chưa/ Một ngày những có bốn mùa đổi thay” (Chuông chùa Quán Sứ); “Tôi ngồi làm thơ cho ma/ Và coi quỷ dữ như là tình nhân/ Chán chơi với các vị thần/ Tôi đi tìm cỏ mùa xuân đắp mổ” (Viết bên hồ Hai Bà); “Gọi em một tiếng tưởng xong/ Không ngờ ai nấp trong lòng trộm nghe” (Ở phố Bà Quẹo); “Có ai yêu gỉ bào giờ/ Để tội cái ngõ gọi ngờ Tạm Thương/ Tôi về ngày ấy nhiều sương/ Mà sao chỉ một giọt vương trong lòng” (Ngõ Tạm Thương); “Phố tình bạc bẽo bao nhiêu/ Mà sao tôi vẫn cứ yêu như thường” (Nhà em ở sát chợ Mơ); “Ước gì mưa mãi chẳng tan/ Để cho sấm cứ râm ran khắp trời/ Để cho em nép vào tôi/ Ôm chung một giọt mưa rơi xuống lòng” (Phố Nối mưa rào);  “Màu hoa đỏ một nụ cười/ Lặng im mà sóng luân hồi dâng cao” (Hoa dong diềng); “Một mình đi với một đêm/ Một ddeeem đi với sấm rền trong mưa” (Ở phố Bà Quẹo); “Chiều nay Hồ Tây có dông/ Tôi ngồi trên sóng mà khong thấy chìm” (Chiều nay Hồ Tây có dông)...vv... Nhiều làm những câu thơ như thế, nên có thể xem, “thậm xưng” là thủ pháp phổ biến được Đồng Đức Bốn dùng đạt hiệu quả cao.
@ Nếu như trong thơ, Trần Đăng Khoa và trong văn, Nguyễn Huy Thiệp đều chú trọng và rất tài tình trong nghệ thuật tạo dựng không gian truyện, thì trong thơ Đồng Đức Bốn, cái không gian nghệ thuật ấy lại lễnh loãng, thậm chí chẳng có không gian nào. Thế nhưng, gần như bài thơ nào, cũng có câu thơ hay và may sao, tự thân câu thơ ấy làm nên không gian riêng cho mình, hư ảo, ấn tượng, ám ảnh, để người đọc phải nhớ và vì thế cứu vớt cả bài thơ.
Ví như: Bài thơ Bờ sông, câu kết “Bờ sông có một con đò/ Gác chèo ông lão nằm lo trăng buồn”. Tự thân, tạo được không gian riêng có, chẳng cần đến mấy câu thơ trên “Bờ sông hoa cải hoa cà/ Ước chi áo tím như là ai mong”; “Chuông chùa chùa tiếng đục tiếng trong/ Thảo nào cát bụi long đong thân cò”. Hay như: “Tôi là một kẻ mồ côi/ Thế gian mất, tôi còn tôi một mình” (Nửa dêm Đà Lạt) ; Hay như bài Thăm mộ Nguyễn Du, tác giả luận đề “Đời Kiều sao lắm tái tê/ Đời tôi sao lắm đam mê chưa thành”, rồi những câu thơ tiếp nối cứ lan man mỗi câu một ý cho đến khi thấy cần thôi thì tác giả vội kết: “Tôi đi về vẫn dọc ngang/ Câu thơ thập thững nén nhang cho ngươi”,may  câu này lại khá ấn tượng...Hay nữa, trong bài thơ Tôi là vua không có ngai, câu mở đầu tuyên bố thản nhiên như thế, tác giả triết luận bâng quơ theo cái kiểu “nói đại không chịu trách nhiệm”, là để đi đến cái kết bất ngờ, ngẫm ra mới thấy hay “Chìm trong vương quốc của thơ/ Không cho người được may cờ để treo”,...v.v...
@ Lại có cảm giác, cứ như tác giả sướng gì viết nấy, rồi đem chúng thả chung vào một cái ao và cố tình khoắng loạn lên cho các câu thơ riêng lẻ chao động, trô dạt, và quệt dan díu vào nhau mà thành. La tôi cứ hình dung vậy khi đọc thơ Đồng Đức Bốn, chẳng hay?
Bài thơ Nhà quê, tác giả chia làm mấy khúc, là cách để đỡ phải mất công nhào luyện vo viên chúng với nhau, bởi nhà quê thì có cả ngàn vạn chuyện, biết nói sao cho hết, mà có nói ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác cũng không hết chuyện. Thế nên, tác giả chỉ buông vài câu “Nhà quê có cái giếng đình,”, rồi “Nhà quê chân lấm tay bùn,” đã thấy chẳng cần phải con cà con kê nữa, dẫu có mang chuyện Thị Màu ra bàn thì mãi cũng nhàm, nên thôi, túm chuyện vào một mớ cho xong “Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Cũng không bằng được nhà quê của mình,...”, tự hào kiểu nhà quê, ra điều nhà quê của tớ còn ối chuyện để kể nhưng đây không thèm nhé,... Đây cũng là thói ma lanh, láu cá đầy chất “nhà quê” của Đồng Đức Bốn mà nhà thơ sử dụng trong thơ mình,...
Hay như, bài  Vu vơ chùa Hương, gồm mấy phần, mỗi phần một ý, ngưòi ta có thể quên, song sẽ khó quên câu thơ trong bài, như "Có gì trong tiếng chuông êm/ Quả mơ vẫn héo cả đêm lẫn ngày/ Chùa Hương nghi ngút hương bay/ Phật ngồi cũng héo cả ngày lẫn đêm,". Rồi như bài Qua nhà người yêu cũ, nhà thơ thấy gì nói đó, vu vơ cho có chuyện, nếu như thiếu đi câu hay “Vẫn còn thấy vướng trên môi/ Tóc em một sợi rong chơi lạc vào” thì bài thơ nhạt hoét. Nữa là bài thơ có cái tít rất kêu Thơ viết gửi người tình khi tôi đã chết, cũng đâu  có gì ghê gớm, to tát, chỉ vu vơ thôi, nếu như không có câu dỗi mình giân người “Chết rồi tôi vẫn làm người/ Để nhân những nỗi đau đời cho em”... Chịu khó tìm kiếm, nhặt nhạnh trong thơ ông, dạng thức này không hiêm. Tôi cho, đây cũng là một dạng thức hợp làm nên chất Đồng Đức Bốn.
Bình sinh lúc Đồng Đức Bốn còn chưa là gì cho đến khi trở thành nhà thơ nổi tiếng, được nhiều người biết đến tôi có gặp ông mấy lần. Đôi lần là ở tòa soạn Báo Nông nghiệp (nay là Nông nghiệp Việt Nam) năm trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, và một lần đâu đó tại nhà riêng nhà thơ Trương Hữu Lợi. Ngày ấy, một dạo tôi cộng tác thường xuyên cho một chuyên mục của Báo Nông nghiệp, chuyên bình các bài thơ về đề tài nông thôn, nông dân, nông nghiệp ( 3N). Tôi đã chọn bài thơ Chăn trâu đốt lửa của Đồng Đức Bốn để bình. Tình cờ chạm mặt nhau ở đấy, Đồng Đức Bốn nói lời cảm ơn vì việc tôi đã làm, sau đó ông rủ tôi xuống quán chè chén lề đường cửa tòa soạn báo cho tiện nói chuyện. Ông lấy trong cặp tập thơ mới xuất bản ký tặng tôi, ấy là tập Chăn trâu đốt lửa (NXB Lao động, 1993), mà sau này, đọc lại thật kỹ, tôi cho rằng đây là tập thơ hay, nếu không muốn nói tập thơ ấy dồn tụ tinh túy thơ ca của Đồng Đức Bốn ở độ chín, tập hợp được những bài thơ hay, có nhiều câu thơ hay để bạn đọc, người yêu thơ xứ mình đến giờ vẫn nhớ và mang ra bình luận.
Nói như vậy, là để thấy, trước đó tập thơ đầu tay (Con ngựa trắng và rừng quả đắng), và sau đó là mấy tập thơ nữa, thì cái người ta nhắc đến (sẽ còn nhắc đến) phần lớn là những bài thơ, câu thơ nằm trong tập Chăn trâu đốt lửa. Ngay khi làm tập, Đồng Đức Bốn đã nhặt nhiều bài thơ trong tập thơ đầu tay (Con ngựa trắng và rừng quả đắng) mang sang tập Chăn trâu đốt lửa. Rồi sau đó, ông vẫn tiếp tục lựa chọn một số bài thơ hay, được người đọc yêu thích sang làm cốt cho tập thơ mới của mình. Đặc biệt tập thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn xuất bản năm 2006 vào năm ông mất, dày hơn nghìn trang, có thể xem là tuyển tập thơ Đồng Đức Bốn (Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, NXB Hội Nhà văn). Lại cũng không có nghĩa, những tập thơ sau không có những bài thơ hay, câu thơ ấn tượng. Bởi dù có hay không những tập thơ khác của ông thì giờ đây trên không gian mạng, người ta có thể tìm đọc hàng trăm bài thơ được nhặt ra từ các tập thơ của ông, mà có thể xem đó là những bài thơ hay, hoặc được người đọc yêu thích trong toàn bộ thi cả của Đồng Đức Bốn.
Có điều, không may cho Đồng Đức Bốn là không mấy thọ, hưởng dương chưa đến tuổi lục tuần bởi căn bệnh hiểm ghèo, tuy  đã thành danh và thơ vừa độ chín. Giả sử, trời cho ông thọ thì nhà thơ vẫn có thể cho ra thi phẩm hay. Đáng tiếc là vậy. Song tôi nghĩ, với chất thơ này, cùng các thủ pháp sáng tác mà tôi đã nêu ở trên, Đồng Đức Bốn khó có thể tiến xa hơn nữa, hoặc giả chỉ để làm mới mình thôi. Còn như, vẫn tiếp tục giọng điệu ấy, chỉ càng thêm cũ, thêm nhàm, thậm chí, không khéo còn làm nhạt nhòa đi cái đặc sắc mình từng có. Bằng chứng, tính từ thời điểm Đồng Đức Bốn bắt dầu tập tọng thơ phú (khoảng năm 1980) cho đến lúc ông qua đời (2006), với mấy trăn bài thơ, thì đến nay, số bài thơ được người yêu thơ đọc nhiều nhất và thích nhất của ông cũng độ chừng đâu đó mươi bài (Trở về với mẹ ta thôi, Vào chùa, Chăn trâu đốt lửa, Em bỏ chống về ở với ta không, Đời tôi, Chợ buồn, Chờ đợi tháng ba, Nhà quê, Cái đêm em ở với chồng, Đêm sông Cầu, Bờ sông,...). Tất nhiên, nếu tính theo đơn vị câu, thơ Đồng Dức Bốn khá có nhiều câu thơ hay, gợi, được ngươi ta nhớ và thích,... Chí ít, ông có sự vinh hạnh vì mình đã gây được ảnh hưởng đến người khác.Và tôi tin thế, bởi đã thấy, những câu thơ gợi và hay của Đồng Đức Bốn thực sự ảnh hưởng đến nhiều cây bút thơ sau ông, cũng như một thời, ối cây bút văn xuôi xứ ta bị ảnh hưởng, chi phối bởi giọng điệu, khí chất Nguyễn Huy Thiệp, trong sáng tác của mình,...
Chuyện cuộc đời ông, tôi không mấy biết về Đồng Đức Bốn. Tuổi Mậu Tý, mệnh "Tích lịch hỏa" cùng với ông (sinh 1948), làng văn chương xứ Việt mình nhiều người có tài (Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hiếu,... ). Bản thân Đồng Đức Bốn xuất thân con nhà nông dân nghèo ở An Hải (Hải Phòng), song ông lăn lộn qua nhiều loại nghề (Thanh niên xung phong thời chiến tranh chống Mỹ, rồi thợ cơ khí qua nhiều đơn vị, rồi nữa là thương nhân), nên có thể xem là người từng trải, giàu vốn sống. Đó là lợi thế của ông. Tôi cũng từng nghe người ta nói nhiều về đời thơ, việc xuất bản thơ và chuyện lang bạt đó đây, giao lưu bạn bè, làng văn chương,... hay nhiều mà dở cũng có, thành giai thoại cả, lại thật hư chẳng mấy rõ...!?...Nên không dám bàn.
Tôi nghĩ là, trong cái rủi lại có cái may, bởi rời bỏ dương thế, ông chẳng còn phải đau đời, vật vã với chuyện chữ nghĩa, thơ phú nữa. Kể từ khi dính cái bẫy thi ca, coi như ông đã vướng nghiệp, đánh cược đời mình, dại dột "mải mê đuổi một con diều" rồi. Song còn may mắn hơn nhiều người, cả  đời thu phú tay tắng vẫn hoàn tay trắng, còn ông, với ngần ấy thôi, nhất là thơ lục bát, Đồng Đức Bốn đã đủ để ngao du với đời rồi.
Hơn chục năm trước, trong một vài bài viết, khi bàn về thơ Việt Nam hiện đại, riêng thể lục bát, tôi đã mạo muội khi xếp bốn nhà thơ ngồi bốn góc chiếu Lục bát, ấy là Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ, và Đồng Đức Bốn. Giờ thì trong chiếu thơ Lục bát ấy, tôi nghĩ, vẫn còn cả bốn vị này, nhưng chẳng thể trấn giữ riêng mình mỗi người một góc chiếu, mà xin các ngài phải xê dịch đôi chút để nhường chỗ cho mấy người khác nữa cùng ngồi,...
Tôi muốn ngưng bài viết này, bằng câu thơ kết trong bài “Đời tôi” của Đồng Đức Bốn sáng tác năm 1986. nghĩa là khi ông mới tập tọng thơ phú, vậy mà đã mang tính tiền định: “Đời tôi giàu ở chiêm bao/ Bây giờ ngồi hút thuốc lào với trăng”,...
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...