Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Ngày xưa ấy

Ngày xưa ấy

Một người đỗ đạt cả họ được tiếng, đó là một câu cửa miệng mà đến nay vẫn có giá trị và được nhiều người nhắc đến ở vùng quê tôi, nhất là những dịp làng có ma chay cưới xin, hoặc giỗ chạp.
Làng Giải Oan quê tôi gần như thuần nhất một họ Nguyễn, nhưng chia thành ba chi: Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Huy. Như thế có nghĩa là ông tổ của họ Nguyễn của làng có ba con trai, từ đó hình thành ba chi họ như ngày nay. Theo thứ tự thì Nguyễn Văn là chi trưởng, Nguyễn Xuân là chi thứ và chi út là Nguyễn Huy. Ấy thế, duy chỉ có chi út sản sinh ra một nhân tài khoa bảng, đỗ đồng tiến sĩ xuất thân thời Hậu Lê ( tôi đã từng đề cập trong truyện “Thấm thoát tháng ngày”). Đỗ đạt làm quan, đó là niềm khát khao của ông tổ họ Nguyễn sinh thời, một người vốn dòng dõi quan lại khoa bảng từ Thăng Long trôi dạt về vùng đất chiêm trũng này. Có người kế tục đỗ đạt, tưởng đó là niềm vinh hạnh, song không phải chỉ đơn thuần như vậy, bởi từ đó nảy sinh chuyện chẳng lành, được coi là nỗi sỉ nhục, nhức nhối trong cả dòng họ suốt bao đời nay, không dễ gì xóa nhòa đi được.
Nguyên cụ Thủy tổ họ Nguyễn thuở lập làng có hai vợ. Tuy đông con nhưng mỗi bà chỉ sinh hạ được một con trai, sau này phát sinh hai chi Nguyễn Văn và Nguyễn Xuân. Đa đinh, phú túc như thế, nhưng cụ thủy tổ vẫn buồn lắm. Cụ buồn bởi cả hai người con trai đều chỉ say mê và giỏi nghề nông tang, chứ không ai chịu học hành, có chăng cũng chỉ ê a đôi ba câu Tam tự kinh để khỏi mang tiếng không biết chữ thánh hiền. Cụ thủy tổ nuôi chí kiếm một thằng con trai nữa, hy vọng sau này người đó sáng dạ, học hành đỗ đạt. Như thế cụ sẽ phải lấy một người vợ khác, mà người đó phải thuộc dòng dõi khá giả, có học. Suy ngẫm mãi, cụ thủy tổ quyết định hỏi cô con gái út của một người quen ở làng khác trong tổng.
Cụ Nguyễn tự thân đến nhà người bạn, trước hết là với lý do thăm hỏi. Đôi mắt sắc sảo của cụ thỉnh thoảng lại ánh lên dõi theo bóng dáng của cô Vy, con gái út của người bạn mà cụ đã nhắm trước. Càng ngắm cụ càng ưa. Cụ thầm nghĩ “Con người tươi trẻ, óng ả, sáng láng thế kia, thế nào cũng sinh hạ cho ta quí tử”. Rồi cụ Nguyễn ngỏ ý với người bạn.
Thoạt tiên, người bạn hơi sửng sốt, bởi con gái mình tuổi mới độ trăng tròn lẻ, mà bạn mình thì đã ngót lục tuần. Nhưng cứ nhìn cụ Nguyễn, tóc còn xanh, râu vểnh, lông mày rậm hơi xếch, mặt đỏ, thì phần nào yên tâm. Rồi thì ván cũng đóng thuyền, cô Vy trở thành vợ ba cụ Nguyễn.
Về nhà cụ Nguyễn, cô Vy không phải làm việc nặng, bởi công việc đồng áng đã có bà cả, việc nội trợ gia đình thì đã có bà hai. Hằng ngày, công việc chính của cô Vy là lau chùi bộ ấm chén uống trà, đánh bóng chiếc tràng kỷ và tủ sách, bàn thư của cụ Nguyễn. Lẽ dĩ nhiên, tối tối chừng gà gáy thứ nhất, cụ Nguyễn mới vào với vợ ba. Thường khi đó, cô Vy chỉ có một cảm giác duy nhất là sự sợ hãi cộng với nỗi tủi thân, nên cô co rúm người lại, nhắm nghiền mắt, mặc cho ông chống già vần vò muốn làm gì thi làm. Khi chồng đã thỏa mãn ngủ say, cô vẫn còn sợ, chỉ nằm im, ứa nước mắt và lúc này cô mới đủ tĩnh tâm để nghĩ đến chàng khóa Huy. Chàng hơn cô bảy tuổi và là học trò của cha cô. Chàng thông minh, vóc dáng ung dung thư thái. Cha cô bảo, sau này thế nào chàng cũng đỗ đạt. Cô và chàng thầm yêu trộm nhớ nhau. Mới tết vừa rồi, chàng cùng đám khóa sinh đến nhà cô chúc tết, chàng đã giả vờ ra đầu hồi nhổ bã trầu rồi len lén dúi vào tay cô bài thơ xuân chàng viết tặng cô. Bài thơ ấy đến giờ cô vẫn thuộc. Chỉ tiếc nỗi, biết chữ nhưng chẳng hay thơ để làm mấy vần hồi đáp chàng. Với cô, ban đêm vừa đáng sợ, vừa là nỗi mong chờ. Bởi là vì, chung đụng với chồng tuy thật khổ sở, nhưng sau đó, cô được thả hồn về với chàng khóa Huy, mặc sức cho trí tưởng tượng bay bổng. Có một lần, cô mơ thấy đám cưới mình với chàng khóa Huy, rồi đêm tân hôn, cô mê man trong vòng tay xiết chặt của chàng, nhưng lạ lùng thay, sau những phút giây khoái cảm, chàng khóa Huy mặt xanh mét và đầu chàng tóc mọc ra lởm chờm. Cô sợ quá lay gọi thì chẳng thấy chàng đâu và thay vào chỗ chàng nằm là một đống tóc. Không hiểu tóc ở đâu mà lắm thế. Những mẩu tóc cắt vụn cứ đùn ra như tổ mối xông. Cô hét lên, choàng tỉnh, người đẫm mồ hôi. Cụ Nguyễn đang ngủ say mê mệt sau những phút giây hành lạc, cũng giật mình ngồi dậy. Cô phải nói dối là ngủ mê thấy ma để chồng khỏi nghi. Từ đó, mỗi đêm với cô Vy chỉ còn là đêm của cực hình.
Lạ thay, về làm vợ cụ Nguyễn hơn năm trôi qua, cô Vy vẫn không có thai. Điều đó làm cụ Nguyễn buồn lắm. Còn cô Vy thì chẳng hiểu sao qua những biểu hiện của đàn bà, cô vẫn thấy bình thường. Hay là trời đất phạt cô? Phạt cụ Nguyễn? Trong sâu thẳm tâm can, cô muốn có đứa con để trút hết lòng yêu thương nỗi giận hờn của cuộc đời vào đấy, song cô tự mâu thuẫn, không muốn đứa con mà cô phải mang nặng đẻ đau là của cụ Nguyễn, mà đứa con phải là của chàng khóa Huy, người cô yêu thương. Phải chăng, sự đau đớn dằn vặt đã tước đi của cô khả năng hoài thai? Song linh cảm vẫn mách bảo cô một điều gì đấy. Và cô nén lòng chờ đợi. Chờ đợi mông lung…
Rồi một đêm mưa ngâu sùi sụt. Đã sang gà gáy canh ba, khi đang mơ màng nghĩ, chợt cô Vy nghe thấy tiếng gọi tên mình mơ hồ như gió thoảng.
Cô lắng tai nghe ngóng. Đúng là ai đó gọi mình rồi. Hay là oan hồn ma quỉ từ kiếp nào hiện về ám cô. Cô đã làm gì nên tội. Lắng tai nghe. Không. Đúng là ai đó gọi chứ không phải hồn oan nào hết. Cô khẽ mỏm dậy. Thôi đúng là chàng rồi, chàng khóa Huy của lòng cô. Nếu đúng là chàng, thì làm sao lại dám mò đến đây nhỉ? Cô Vy liếc nhìn chồng. Cụ Nguyễn ngủ say mê mệt. Cô ngồi hẳn dậy, sửa sang lại yếm váy. Nhìn chồng tần ngần. Tiếng chàng khóa như vang lên tha thiết ngoài kia mà chỉ mình cô nghe thấy. Tiếng gọi của đáy lòng thúc giục cô. Cô buông thõng chân xuống khỏi giường và nhẹ nhàng trườn ra. Tự nhiên, cô bỗng thấy thương chồng. Lại phân vân, thừ người ra. Phải nói, từ ngày lấy cô về làm vợ, chưa bao giờ cụ Nguyễn nặng lời với cô một câu. Cô cũng không phải làm việc nặng, còn chuyện cô bị dày vò mỗi đêm thì cô cũng chỉ xem là lẽ thường tình đối với thân phận của người đàn bà có chồng. Nhưng cô còn cuộc đời riêng của mình chứ, có nỗi khát khao không giống một ai. Bằng mọi giá cô phải đoạt lấy.
Đúng là chàng khóa Huy. Nhưng làm sao chàng vào được với mấy lần cửa đóng then cài, cùng bầy chó dữ canh gác, mà sức vóc chàng lại yếu ớt thế kia. Đấy là cô nghĩ vậy chứ lúc ấy cô làm gì có đủ thời gian và sự tỉnh táo vấn chàng. Không còn giữ lễ nghĩa phép tắc gì, cô ngả vào lòng chàng khóa Huy. Chàng vuốt ve, xoa nắn khắp cơ thân thể cô, miệng lắp bắp những lời yêu thương, nhớ nhung xen lẫn những lời trách móc hờn giận. Mưa ngâu vẫn rắc đều làm hai người ướt đẫm, nhưng cơ thể họ vẫn cứ dần nóng lên. Chiếc yếm che ngực của cô Vy đã bung ra, còn tóc vấn đầu thì sổ tung. Đúng lúc ấy, tiếng chó sủa rộn lên. Cô Vy giật thót mình. Về đây đã hơn năm nay, cô biết, hễ con chó mực đầu đàn một khi đã lên tiếng sủa thì khó có gì qua được nó. Cô vội buông chàng khóa, nhưng chàng đang cơn mê man, cứ xiết chặt lấy làm cô đau nhức người. Rồi hai người giằng co. Cô Vy luôn miệng giục chàng khóa chạy đi kẻo không thoát được. Đến lúc chàng khóa tỉnh người, ngộ ra điều gì, vội lẩn vào bóng cây đến bên chân tường rào, bám vào leo lên tìm cách thoát ra ngoài, thì mọi sự đã muộn. Mấy tay đầy tớ còn nhanh hơn cả lũ chó, chúng đã kịp thời bám sát, túm lấy hai chân chàng khóa giật mạnh xuống. Chàng khóa Huy ngã dập mặt xuống, máu mồm, máu mũi trào ra ướt đẫm ngực áo lụa mỏng.
Chàng khóa bị trói chỏng gọng, vứt nằm trong nhà ngang. Cụ Nguyễn chống chiếc gậy trúc mấu đi xuống, cầm chiếc đèn từ tay tên đến tớ, soi vào mặt kẻ bị bắt. Chàng khóa nhắm nghiền mắt lại, nhìn kỹ hồi lâu, cụ Nguyễn lờ mờ hiểu ra là đã từng thấy con người này ở đâu rồi. Hay đó là hình bóng của cụ thuở nào? Hay người trong giấc mơ đây? Cụ nhìn ra sân đầy bóng tối… Chợt ngộ, khẽ gọi nhưng giọng đanh thép: “Dì ba đâu, lại tôi bảo”. Cô Vy rón rén bước vào. Hết nhìn chồng lại nhìn người bạn tình bị trói chỏng gọng nằm giữa gian nhà ngang. Cụ Nguyễn hết nhìn vợ lại nhìn kẻ lạ mặt, nhát gừng: “Dì ba…có biết người đàn ông này không…nhỉ?”. Cô Vy lúng túng: “Dạ, dạ … không ạ!”. “Thế hả?”- cụ Nguyễn cộc lốc: “Thế thì đánh!”. Những chiếc roi thi nhau vụt xuống.
Cô Vy rùng mình. Mặt cụ Nguyễn đanh lại. Cụ hạ lệnh: “Thôi”. Rồi cụ đưa cô Vy lên nhà, dặn bọn đầy tớ canh phòng cẩn thận kẻo kẻ gian chạy trốn.
Cả cụ Nguyễn và cô Vy nằm lặng thinh bên nhau, không ngủ. Cả hai đều nghĩ đến một người. Mệt mỏi và sợ hãi, rồi cô Vy cũng thiếp đi. Lúc cô tỉnh dậy, thì giường trống không. Không hiểu cụ Nguyễn thức từ bao giờ và đi đâu. Cô lại hoảng lên và lo sợ cụ Nguyễn sẽ làm gì chàng khóa Huy, còn lo cho chính bản thân mình nữa. Cứng người chôn chân không dám đi đâu.
Trong lúc cô ngủ, cụ Nguyễn trở dậy xuống nhà ngang, lại soi đèn vào mặt người lạ. Người lạ nhìn cụ chằm chằm. Không nói. Cụ Nguyễn gọi tên đầy tớ vào ghé sát tai dặn khẽ rồi yên tâm chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, tên đầy tớ bưng vào một bát cháo to.
Cụ Nguyễn đón lấy, chìa bát cháo vào sát mặt người lạ, rằn giọng: “Hãy nghe ta nói đây. Dù thế nào người cũng là kẻ gian. Người phải chọn một trong hai cách. Hoặc ăn hết bát cháo này rồi ta cởi trói tha bổng cho. Hoặc ngày mai, ta cho lột truồng dẫn dọc đường làng, đưa ra đình hạch tội vì lẻn vào nhà ta ăn trộm. Thế nào?...”. Chàng khóa im lặng một lát, dứt khoát: “Đưa cháo đây... ta ăn”. Cụ Nguyễn: “Tốt lắm. Yên tâm mà ăn…Cháo không có thuốc độc đâu”. Và chàng khóa Huy đã rướn cổ trào nước mắt nuốt hết bát cháo trộn tóc băm nhỏ. Chàng đã được cụ Nguyễn tha bổng như đã hứa.
Chuyện tưởng tầy đình, không ngờ lại được thu xếp khéo đến thế. Mấy đầy tớ được cụ Nguyễn cho ít tiền kèm với lời căn dặn nửa đe dọa rằng: “Đứa nào hé chuyện ra ngoài thì cũng phải ăn cháo tóc như thế”. Chàng khóa Huy biết mình ăn hết bát cháo tóc sẽ chết dần chết mòn, nhưng thà như vậy còn hơn, chàng làm sao chịu nổi sự nhục nhã khi bị lột truồng đi giữa bàn dân thiên hạ, nhất là trong số đó có cô Vy. Chàng chết khổ sở sau mấy tháng mắc bệnh đau bụng, đau thắt ruột gan, đau đớn quằn quại.
Sau chuyện đó, cô Vy vốn đã ít nói thì nay gần như câm lặng. Cô đi lại như một chiếc bóng, người dần héo hon. Cụ Nguyễn ngắm cô mà thở dài thương xót. Cùng với nỗi đau, niềm thương xót kia, hy vọng có đứa con trai học hành khoa bảng của cụ cũng mất theo.
Nhưng rồi một chuyện khác xảy ra làm thay đổi hết thảy. Nguyên gia đình cụ có nuôi một người ở trẻ tuổi. Cậu ta chuyên nghề chăn bò, lợn trong nhà. Người này có tên là Vọng. Cụ Nguyễn từng gặp Vọng đói lả bên đường, bèn dắt Vọng  theo về nhà, vì làng xóm lúc đầu còn vắng nên rất cần người. Vọng mặt mũi dễ coi, đặc biệt có tài khoét trúc làm sáo, làm tiêu và thổi rất hay. Vọng có thói quen, cứ chiều tối mùa hè, sau khi làm xong công việc của mình, Vọng lại vắt áo lên vai đủng đỉnh ra bờ sông. Vọng cởi hết quần áo lội ào xuống sông, bơi thỏa thích, rồi lên bờ hóng mát. Thường lúc này, Vọng mới lấy tiêu ra thổi. Tiếng tiêu của Vọng nghe mà buồn bã làm sao, người làng ai cùng bảo vậy. Gió bờ sông đưa tiếng ấy đi xa hơn. Có người trong làng cho rằng, Vọng vốn không phải là kẻ tầm thường mà là người danh giá thất thế, phiêu bạt đến nông nỗi này. Nghe người làng bảo vậy, lúc đầu cô Vy cũng tin phần nào, nhưng khi tiếp xúc nhiều, cô thấy cốt cách Vọng cũng tầm thường thôi, không có gì của người danh giá cả. Vọng cũng không hề biết chữ bẻ đôi. Được cái, Vọng có dáng vóc thanh mảnh, thư sinh. Nhìn kỹ cô thấy hao hao giống dáng vẻ của chàng khóa Huy. Thực ra trước đó, chẳng mấy khi cô để ý đến Vọng. Nhưng từ khi biết chàng khóa Huy chết, cô Vy đau buồn và khi ấy cô mới nhận ra người đầy tớ tên Vọng có những nét hao hao chàng. Thỉnh thoảng hỏi han Vọng đôi câu, cô thấy Vọng cũng không đến nỗi ngu đần lắm. Và một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu, rồi nó cứ lớn dần ám ảnh cô những đêm dài cô độc. Nhất định cô phải có con, có con bằng mọi giá, nhưng quyết không phải là con của cụ Nguyễn. Vọng có thể giúp được cô việc này. Từ khi nảy sinh ý nghĩ ấy, cô Vy thử tìm cách gợi chuyện với Vọng, song khốn nỗi, gã ta rụt rè quá, vả lại thân phận tôi đòi nên cứ lảng tránh cô.
Một buổi chiều, Vọng theo thói quen đủng đỉnh đi ra bờ sông, cởi quần áo và nhảy ùm xuống nước bơi lội. Chán chê, nhìn lên bờ, Vọng hoảng hốt thấy bà ba của ông chủ đang ngồi bên đống quần áo rách của mình, mân mê trên tay chiếc tiêu mà Vọng vứt lắn lóc bên cỏ. Vọng vội ngụp sâu xuống, lúc nhô lên thấy bà ba vẫy tay ra hiệu gọi lên bờ. Vọng suy tính một lát, rồi cũng bơi vào gần bờ, dừng ở chỗ nước nông. Vọng lúng búng: “Thưa bà…con không thể lên được…bởi vì con…” Cô Vy: “Ta hiểu rồi… anh không có quần áo chứ gì? Cứ lên đi…Ta ngoảnh mặt cho là được chứ gì ”. Vọng lên bờ, vơ vội lấy quần áo, vừa lúc đó thì cô Vy đột nhiên quay lại và Vọng chỉ kịp thấy cặp vú thây nẩy của bà chủ áp sát mặt mình. Vọng hoảng sợ tột độ, nhưng bà chủ đã giữ chặt lấy, vuốt ve đầu Vọng. Vọng chợt hiểu bà chủ cần gì ở y, nỗi sợ dần biến mất và thay vào đó chỉ còn dục vọng của người đàn ông khỏe mạnh nổi lên hừng hực trong thân xác y. Tay y quờ quạng lung tung, nhưng rồi dưới bàn tay hướng dẫn của bà chủ, hai tay Vọng cũng biết lần mò xuống dưới váy, và chỉ chờ có thế, chiếc váy tụt xuống. Vọng mê đi, chìm nghỉm xuống rồi như bay lên trong niềm hoan lạc trần thế mà từ bé đến giờ y chưa từng biết. Vọng cứ bồng bềnh, bồng bềnh và trôi dạt mãi. Đến lúc y hồi tỉnh lại để hiểu ra điều gì đã đến với mình thì chỉ còn lại một mình y, bên cạnh là bộ quần áo rách vá víu và chiếc tiêu nằm lăn lóc trong bóng chiều chạng vạng phủ tối lên mặt sông hiu quạnh. Tự nhiên, Vọng thấy cô đơn, cô đơn khủng khiếp, và y ứa nước mắt. Chẳng hiểu y khóc vì khổ đau hay sung sướng? Hay vì cả hai? Tối ấy, mọi người không thấy Vọng về. Cũng không ai quan tâm lắm ngoài cô Vy. Cô nấu nước lá thơm, gội đầu tắm táp. Thấy vợ ba điệu bộ, thân thể quyến rũ lạ thường, cụ Nguyễn không nén nổi lòng ham muốn. Phá bỏ lệ thường đợi sau gà gáy thứ nhất như mỗi lần trước đây, cụ xếp gọn bàn thư vào với vợ ba từ lúc chập tối. Lần đầu, cụ thấy vợ ba nồng nàn thế và cụ như mê đi lạc lối vào cõi ảo. Cô Vy nằm bên chồng thổn thức, không biết nên vui hay nên buồn. Ngoài trời, vầng trăng mùa hè tỏa ánh sáng đùng đục và trong không gian bi nồng ấy, tiếng tiêu bổi hổi như hàm ơn, như ai oán từ bờ sông vọng về. Cô Vy lắng nghe…
Rồi cô Vy mang thai. Đủ tháng đủ ngày, cô sinh ra một đứa bé trai kháu khỉnh. Ngắm kỹ đứa trẻ, tuy không mấy giống mình song cụ Nguyễn an tâm lắm. Không giống cha thì giống chú, giống ông bà, cậu di bên ngoại, thiếu gì người để giống. Không con cụ thì con ai. Thằng khóa Huy chết từ tám hoánh rồi còn đâu, ai vào đây được nữa, hả giời?!
Thằng bé càng lớn càng kháu khỉnh, có vẻ dĩnh ngộ. Song người làng bắt đầu đàm tiếu rằng, nó hao hao giống Vọng. Chuyện đến tai cụ Nguyễn, cụ giật mình, ngắm thằng con thật kỹ lưỡng. Quả là nó giống thằng Vọng, kẻ ở đợ của cụ trước đây. Sao thế được nhỉ? Cụ vắt tay lên trán nghĩ nát óc mà không ra.
Thằng Vọng cũng chết rồi mà. Nó chết đuối chềnh ềnh trên sông dạo nào. Ngày ấy, người ta đồn, do nó làm lụng vất vả nên đang tắm bị cảm lạnh đột ngột.
Cụ cũng tin là thế. Cụ còn làm phúc bỏ tiền ma chay chôn cất tử tế. Mỗi khi nhà giỗ tết, cụ đều bảo bà ba thắp hương trên mộ nó nữa kia. Ai ngờ. Nhớ lại, thôi đúng rồi thằng Vọng chết vào cái đêm bà vợ ba của cụ bỗng nhiên nồng nàn, quyến rũ. Một linh cảm mơ hồ bỗng nhiên xuất hiện và cụ Nguyễn hiểu rằng, thằng con trai kháu khỉnh mà cô Vy sinh hạ với cụ chính là con của Vọng. Mặc dầu, cố ngụy biện, cá vào ao ai người ấy được, song thâm tâm vẫn cay cú vì mình chỉ là kẻ đi đổ vỏ cho thằng ở đợ nhà mình. Cụ Nguyễn đau đớn âm thầm, ít xuất hiện ở nơi đình đám giỗ chạp đông người. Hai năm sau, cụ Nguyễn qua đời, cô Vy cũng chỉ sống đến lúc đứa con trai lên mười tuổi.
Có ai biết đâu, cái đêm xa xưa ấy, sau khi cô Vy bỏ mặc y ra về, Vọng cứ ngẩn ngơ mãi ở bờ sông. Y không muốn về, y sung sướng rồi y buồn. Vớ lấy chiếc tiêu, y thổi, thổi mãi, trút hết nỗi buồn vui của cả kiếp người vào tiếng tiêu. Đầu y váng vất, tai y ù đi và mắt y mờ mịt khói sương, ngực thì thắt lại trong niềm hoan lạc, rồi y tung chiếc tiêu lên trời, nhảy xuống sông, bơi đi mãi cho đến lúc y cảm thấy hụt hẫng, đuối đi. Y lờ mờ cảm thấy một cái gì sẽ đến với y. Y chìm dần, song ở một nơi nào đó sâu kín trong tiềm thức mách bảo rằng, y vẫn còn lại đứa con gửi trên trần thế, và sức lực như trở lại với y. Y cố ngoi lên, ngoi lên, nhô hẳn đầu lên trên mặt nước, vươn hai tay lên, cầu một câu gì đấy. Liệu đất trời có thấu hiểu cho y hay không? Chỉ biết rằng sau đấy, y chìm hẳn, chỉ còn để lại trên mặt nước dăm ba cái bong bóng nước nhỏ, và bị vỡ tan ngay sau khi nó vừa sủi kên trong sóng nước rì rầm.
Ngày xưa là thế. Làng Giải Oan này là một làng lớn với hàng ngàn nóc nhà. Ba chi họ Nguyễn tồn tại song song nhau. Hằng năm có một ngày giỗ tổ chung, chính là ngày giỗ cụ Nguyễn mà tôi kể trên đây. Trong bữa rượu thế nào cũng có chuyện lời ra tiếng vào về nguồn gốc tổ tiên của mình, dẫn đến sự to tiếng, thậm chí cãi vã hoặc động chân động tay.
Theo dòng chảy của thời gian, chẳng biết từ đâu, chàng ở đợ tên Vọng lại được suy tôn làm Thành Hoàng của làng Giải Oan, và được thờ cúng ở đình hẳn hoi. Cụ Nguyễn thì có công gây dựng làng bởi từ cụ mà làng được như bây giờ. Làng vinh hạnh có một người đỗ đạt, đó là tiến sĩ thuộc chi Nguyễn Huy thời Hậu Lê, đời thứ bao nhiêu của đứa trẻ ngày xưa. Chi Nguyễn Huy vẫn tồn tại trong nỗi nhức nhối của cả họ.
Không hiểu rồi, người làng Giải Oan sẽ còn truyền nhau câu chuyện này đến tận bao giờ?
Mỗi khi nghĩ đến chuyện ấy, tôi lại bâng khuâng, không biết nên vui hay nên buồn?
Nhưng chắc chắn là, làng Giải Oan quê tôi cùng với ba chi họ Nguyễn sẽ tồn tại mãi mãi, mặc sự buồn vui của người đời!.
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...