Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Nhà thơ và ngôn ngữ dân tộc

Nhà thơ và ngôn ngữ dân tộc

Trong môn nghệ thuật sử dụng chữ viết để sáng tác văn thơ trải đã bao đời, và đã có nhiều tác phẩm lớn được viết ra. Với thể loại văn xuôi có tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn… Thơ có thơ trữ tình, trường ca, truyện thơ… Và tất nhiên khi các tác phẩm được người đọc đón nhận, lưu truyền thì đó là niềm vinh hạnh lớn của tác giả.
Tuy vậy, đây mới nói tới việc tiếp nhận của bạn đọc trong nước, nói và viết chung một thứ tiếng. Còn việc quảng bá và tiếp nhận tác phẩm ra nước ngoài, theo thiển ý của tôi, các nhà thơ dù tầm vóc trí tuệ và tài năng nghệ thuật có lớn đến đâu thì phần nhiều tác phẩm vẫn trong giới hạn giá trị thuộc về ngôn ngữ dân tộc. Nhà thơ là người có đủ phẩm chất tâm hồn và ngôn ngữ để cất lên tiếng nói thầm kín, tinh tế nhất của dân tộc mình.
Để phần nào minh xét cho nhận định trên, xin đơn cử trường hợp tác phẩm dịch sang tiếng Việt mà tôi đang có trên tay, thơ Puskin. Tác phẩm thơ Puskin được chuyển ngữ sang tiếng Việt do các dịch giả có uy tín dịch, nhưng trong hình hài con chữ dịch tôi thấy thơ Puskin, qua tiếng Việt, chất lượng nghệ thuật ở mức trung bình khá. Có gì đã xẩy ra với những bài thơ – ngôn ngữ thơ? Chẳng đã có câu dịch là diệt. Lỗi ở đây là do hai ngôn ngữ có sự khác biệt về ngữ pháp, ngữ điệu, âm vận trong cấu trúc câu, song trớ trêu, điểm khác biệt ngôn ngữ đó lại chính là phẩm tính cốt tử mà thơ cần phải đạt được cho nghệ thuật ngôn ngữ dân tộc mình. Vầng mặt trời thơ ca Nga cũng đã phải chịu chìm khuất sau hàng rào khác biệt tâm tình và ngôn ngữ dân tộc. Chắc hẳn tác phẩm Truyện Kiều khi dịch sang tiếng Nga, Anh, Pháp… cũng phải chịu thách thức như vậy.
Vậy còn việc chuyển ngữ các tác phẩm văn xuôi, như từ tiếng Nga sang tiếng Anh, Pháp chẳng hạn? Thực tế ở thể loại văn xuôi việc chuyển ngữ thường đạt hiệu quả cao hơn dịch thơ. Như đã thấy, sự khác biệt giữa hai loại hình văn học, văn xuôi gần với ngôn ngữ giao tiếp hơn, trong khi thơ là sự cô đọng từ ngôn ngữ giao tiếp được cộng hưởng trong ngữ điệu, nhạc điệu nhằm để ngâm nga, hát ca lên. Vì thế những đoạn văn, câu văn hay thường được khen giầu chất thơ. Ngoài ra thơ còn phải nhận mang nhiều hơn văn xuôi lớp nghĩa sâu kín, cách ngôn, ẩn dụ, chơi chữ, láy chữ, bóng chữ…với hình ảnh đặc trưng đậm dấu vết tâm hồn của con người dân tộc. Và việc chuyển ngữ thơ giữa các nền ngôn ngữ, văn hoá có nét tương đồng dễ đạt hiệu quả cao, như trường hợp thơ chữ Hán sang chữ Việt, từ Hán – Việt. Trường hợp may mắn ngôn ngữ gặp sự tương đồng về văn hoá không nhiều, không mang tính phổ quát. Bởi vậy, có thể nói:
Thơ, là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc sắc của tiếng mẹ đẻ!
Nhà thơ, là người con đặc biệt mang đầy đủ phẩm tính tâm hồn dân tộc!
Như trình bày trên, ở đây, theo cách tiếp cận này đang nắm giữ một phần cách lý giải xu thế chuyển đổi thi pháp với một trong những ham muốn đưa ngôn ngữ thơ gần lại với ngôn ngữ, cấu trúc câu văn xuôi, giúp thơ dễ dàng hơn trong việc chuyển ngữ. Với mong muốn này chăng, trên thi đàn ngày càng thấy vắng bóng những bài thơ đặc sắc làm theo các thể thơ truyền thống. Tất nhiên để bàn rốt ráo câu chuyện này thì sẽ chạm tới vấn đề lựa chọn thi pháp, trào lưu nghệ thuật mang ý thức dấn thân tìm đường, sáng tạo: Làm mới cái cũ (tân cổ điển) và làm cái mới (hiện đại, hậu hiện đại); chưa xong, lại xuất hiện thêm câu hỏi cần lời giải sáng tỏ: Cái mới phi truyền thống thì “gốc” của nó ở đâu trong tâm thức và cấu trúc ngôn ngữ dân tộc?
Hiển nhiên trong mọi dòng chảy sáng tạo, ở một khúc quanh lịch sử nào đó, mỗi loại hình nghệ thuật đều có khả năng khai sinh ra một “cái mới” mà tự thân nó ngay khi sinh đã tích hợp đủ giá trị để trưởng thành, tạo tiên đề làm một Cái Gốc Mới cho riêng nó, và tạo mở ra một đường biên, nột dòng chảy mới cho ngôn ngữ dân tộc phát triển, kiểu: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất! Như đã thấy trường hợp thơ chữ Nôm của thi hào Nguyễn Trãi, thơ lục bát hàn lâm trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, hay thơ thời Thơ Mới với chữ Quốc ngữ… Được vậy thì đó là một kỳ tích có một không hai không thể bàn cãi, so ví, và hiển nhiên nó mang tầm vóc tạo nguồn thiết lập nên một dòng văn hoá – văn học mới cho ngôn ngữ dân tộc thêm một phen sinh nở.
Và đây lại là câu chuyện khác, ngoài sức ôm của bài viết nhỏ này.
7/9/2023
Đỗ Trọng Khơi
Nguồn: Văn Nghệ Thái Bình
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...