Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

NSƯT Minh Phụng: Hoàng tử sân khấu

NSƯT Minh Phụng:
Hoàng tử sân khấu

Trong thế giới sân khấu cải lương nước nhà gần một thế kỷ qua, hiếm khi ta được gặp một nghệ sĩ thinh sắc lưỡng toàn, lại thêm tính tình nhân hậu rất mực yêu thương vợ con và bạn bè đồng nghiệp như nghệ sĩ Minh Phụng. Dù chỉ sống trên sáu mươi tuổi, nghệ sĩ ưu tú Minh Phụng vẫn để lại một sự nghiệp ca diễn đáng trân trọng và cuộc sống đầy ý nghĩa nhân văn trong lòng công chúng yêu cải lương. Khuôn mặt sáng đẹp kết hợp với giọng ca vút cao réo rắt, dưới ánh đèn màu, nghệ sĩ Minh Phụng xuất hiện rạng ngời như một vì sao và diễn xuất chững chạc được khán giả coi như một hoàng tử trên sân khấu.
Sau ngày thống nhất nước nhà (1975) chưa đầy một năm, hội Văn nghệ Giải phóng Cần Thơ, đang trong thời kỳ tích cực xây dựng và phát triển, có khuynh hướng kết hợp với các đoàn hát Cải lương để phát huy nền nghệ thuật dân tộc. Vào một buổi sáng đẹp trời đầu năm 1976, nữ nghệ sĩ gạo cội kiêm Bầu gánh Kim Chưởng (1926-2014) đến liên hệ với Ban Chấp hành Hội tại Khách sạn Kim Long (ngả tư đường Phan Đình Phùng-Nam Kỳ Khởi nghĩa hiện nay) để cho đoàn Tiếng Hát Quê Hương mà chị là Cố vấn hợp tác trình diễn. Đoàn hát đã cho trình diễn đầu tiên vở “Gánh cỏ sông Hàn” của soạn giả Thu An (1924-2005). Trong đó nghệ sĩ Minh Phụng và cô đào Mỹ Châu cùng thủ vai đào kép chính trong vở tuồng, đã gây được nhiều ấn tượng đẹp nơi lòng công chúng yêu nghệ thuật cải lương tại đất Tây Đô trong buổi bình minh giải phóng nước nhà.
Nghệ sĩ Minh Phụng (1944-2008) sinh ra tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), một địa danh nổi tiếng nghệ thuật thi ca của đất Nam bộ, còn in đậm dấu ấn của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu (1916-1985) trong thời gian nhà thơ làm việc tại Sở Đoan (douane/quan thuế) nơi đây: “Không làm thi sĩ, ắt Tây Đoan/ Nửa việc nhà thơ, nửa việc quan”. Vùng đất màu mỡ này cũng là chiếc nôi ấm áp của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng: Năm Phỉ (1906-1954), Phùng Há (1911-2009), Kim Cương (sinh năm 1935)… và Minh Phụng sau này.
Nghệ danh Minh Phụng được ghép lại từ tên hai đứa con của người bạn rất thân thiết của nghệ sĩ dù rằng ban đầu khi mới vào nghề, ông ó nghệ danh là Tân Tiến. Xuất thân từ một gia đình bình dân, cậu bé Ngô Văn Thiệu (tên trong khai sinh là Nguyễn Văn Hoài) khi chưa tới 10 tuổi đã phải tất bật giúp mẹ bán hàng tại chợ Mỹ Tho. Tính mê ca hát cải lương, cậu bé đã tìm mọi cơ hội rảnh rỗi để tìm nghe rồi học ca cổ nhạc qua radio. Một thời gian sau, Minh Phụng được nghệ nhân Tư Xuân ở Mỹ Tho dạy cho ca hát, rồi soạn giả Hương Huyền khi gánh hát Tân Đô về quê anh biểu diễn. Vào nghề ca hát khá sớm nhưng buổi đầu, anh chỉ được làm công việc nhắc tuồng – một công việc khiêm tốn dành cho những người mới bắt đầu theo nghề ca hát ở các đoàn cải lương ngày trước.
Đến năm 17 tuổi, tên tuổi Minh Phụng bỗng vụt sáng lên, anh được báo giới sân khấu ca ngợi và công chúng cải lương hâm mộ đặc biệt, tặng cho Minh Phụng biệt danh nghệ thuật Hoàng Tử Sân khấu trên cơ sở khả năng diễn xuất và sắc vóc, khuôn mặt sáng đẹp dễ gây cảm tình với khán giả nhất là phái nữ. Được vậy một phần lớn là do Minh Phụng thường thủ diễn các vai chính diện tài năng mà chơn chất hiền lành nên nghệ sĩ dễ chiếm được lòng công chúng yêu cải lương.
Thực ra khi mới bắt đầu chính thức sắm vai kép trên sân khấu, Minh Phụng từng tham gia ở nhiều đoàn hát khác nhau như: Tân Đô, Hoa Thảo – Hậu Tấn, Thanh Phương. Đến đoàn hát Kim Chung, bên cạnh hai nghệ sĩ Minh Cảnh (sinh năm 1937), Minh Vương (sinh năm 1949) có ưu điểm về giọng ca, Minh Phụng đã vụt khiến giới mộ điệu say mê ngưỡng mộ về cả hai phương diện diễn ca và sắc vóc, bắt đầu từ những năm của thập niên 1960.
Trong thời kỳ sung mãn tài năng và phong độ, khi hợp tác với đoàn Kim Chung 5, nghệ sĩ Minh Phụng cùng Lệ Thủy được báo chí phong tặng là Cặp Bão biển qua các vở: Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau… vì đã mang lại doanh thu cao vượt trội cho đoàn. Trong gần nửa thế kỷ gắn bó thủy chung với nghề, Minh Phụng từng đóng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi khác như: Út Bạch Lan (1935-2016), Mỹ Châu (sinh năm 1950), Diệu Hiền (sinh năm 1945)…
Nước nhà được hòa bình (1975), nghệ sĩ Minh Phụng làm Trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi tiếng qua vai Lục Vân Tiên. Một năm sau, nghệ sĩ gia nhập và làm kép chính ở đoàn Hương Mùa Thu, vẫn gây được nhiều cảm tình nơi khán giả qua các vở tuồng: Con cò trắng, Lửa phi trường, Gánh cỏ sông Hàn
Trong giai đoạn khó khăn của cải lương, năm 1994, Minh Phụng củng cố lại đoàn Hương Mùa Thu với dàn diễn viên Minh Phụng, Kiều Tiên, Linh Cảnh, Bảo Ngọc… Và đưa đi diễn ở Minh Hải (Cà Mau) và các tỉnh lân cận. Sau đó, Minh Phụng đổi tên Hương Mùa Thu thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng. Nhưng vì quá bận tâm lo lắng cho chuyên môn ca hát mà không có kinh nghiệm quản lý và điều hành đoàn hát, nhất là việc tài chánh, Minh Phụng lâm vào cảnh thua lỗ ngày càng nặng nên  gánh hát Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng chỉ diễn cầm cự đến qua năm 2000 đành phải cho đoàn hát ngưng hoạt động.

Sau đó không lâu, chuyện không may lại dồn dập xảy đến cho nghệ sĩ Minh Phụng. Trong lúc tài năng đang phát triển, Minh Phụng được phát hiện bị bệnh suy thận và hoại tử chân mãn tính. Dù yêu nghệ thuật không muốn rời ánh đèn sân khấu, nhất là công chúng mộ điệu đã dành nhiều tình cảm cho mình trong nhiều năm ca hát, Minh Phụng đành phải giảm lần sự xuất hiện trên sân khấu. Nhưng nghệ sĩ vẫn cố gắng hiện diện được coi là lần sau cùng trong liveshow của nghệ sĩ Ngọc Đáng, tổ chức tại rạp Hưng Đạo vào đầu tháng 11 năm 2008.
Về cuộc sống gia đình, khi còn hát ở đoàn Kim Chung, nghệ sĩ Minh Phụng đã sống chung với Diệu Huê được 3 người con trong đó có nghệ sĩ Tiểu Phụng. Nhưng năm 1976, hai người chia tay. Minh Phụng gặp được Kiều Tiên, người nghệ sĩ cùng đoàn tỏ ra có nhiều ý hợp tâm đầu , hai vợ chồng đã biết quý trọng nhau cùng gắn bó, chia sẻ buồn vui với nhau trong suốt quãng đời  còn lại cho đến khi nghệ sĩ qua đời.
Nhìn lại suốt cuộc đời cống hiến cả sự nghiệp ca diễn cho sân khấu cải lương nước nhà, nghệ sĩ Minh Phụng đã giữ vị trí kép chánh trong hơn 20 vở tuồng trong đó tiêu biểu là các vai diễn nổi bật: Áo Vũ Cơ Hàn trong Tâm sự loài chim biển; Dũng (Lá trầu xanh); Phong (Kiếp chồng chung); Âu Thiên Vũ (Xin một lần yêu nhau); Hoàng tử (Manh áo quê nghèo); Tâm (Lấy chồng xứ lạ); Mộ Dung Trạch (Kiếp nào có yêu nhau)… Nghệ sĩ Minh Phụng còn tham gia trong hơn 20 bản Tân Cổ, Vọng cổ… tiêu biểu là: Lời ru, Tình phụ tử, Đêm trao kỷ niệm, Mai lỡ hai mình xa nhau,… của các soạn giả nổi tiếng như: Viễn Châu (1924-2016), Quy Sắc (1924-2010)…
Từ những đóng góp ý nghĩa vào sân khấu nước nhà bằng tất cả trái tim nồng ấm của một nghệ sĩ chân chính, nổi bật là tình cảm sáng trong và nhân cách cao đẹp của Minh Phụng – một nghệ sĩ cải lương hàng đầu tài sắc lưỡng toàn trước sau vẫn thủy chung với nghệ thuật và tổ quốc quê hương, ông đã xứng đáng được nhà nước phong tặng là Nghệ sĩ Ưu tú. Nhưng chắc chắn niềm vui lớn mà người nghệ sĩ quá cố và cả gia đình luôn cảm nhận được là chân dung sáng đẹp như một hoàng tử trên sân khấu và tiếng hát réo rắt vút cao, đậm chất trữ tình đoan hậu của nghệ sĩ Minh Phụng sẽ còn mãi âm vang thánh thót trong lòng người mộ điệu cải lương.
1/5/2020
Tương Như
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...