Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Sân đình đêm trăng lu

Sân đình đêm trăng lu

Khi chị bày tỏ ý định trở lại quê thì con gái chị giãy nảy. Thực ra, chị cũng muốn ở lại chơi với con, với hai đứa cháu lâu lâu một chút, song chị cứ nóng lòng, lo không biết ở nhà vợ chồng thằng con trai đồng áng, xây nhà cửa ra sao. Thấy chị thần người, con gái chị dấn tới, giọng hờn mát: - Mẹ bao giờ mà chẳng coi con trai hơn con gái… Con nói thật nhé, nó có phải là máu mủ ruột già của mẹ đâu!
- Con ơi!... - Chị buồn rầu – Con đừng tị với em. Con là chị, lại được học hành, đi đây đó…còn em nó ở nhà chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm mới đủ ăn. Giờ nó có vợ rồi nhưng còn vụng dại lắm. Bao giờ xây xong nhà cho vợ chồng em nó, bấy giờ mẹ mới yên tâm… và vào đây ở hẳn với con. Được chưa nào?
- Nào đâu con tị nạnh với em. Chẳng qua là con thấy mẹ vất vả quá… Mẹ đã ngoài năm mươi rồi. Mẹ cả đời vất vả. Nhà con bây giờ không giàu có nhưng cũng tạm ổn, con muốn được nuôi mẹ… Muốn mẹ được nhàn hạ những năm cuối…Con gái chị bỏ dở chừng câu nói, xụt xịt khóc. Chị cũng rân rấn nước mắt. Ừ mà chị đã ngoài năm mươi rồi, đã là bà ngoại, bà nội của mấy đứa cháu rồi… Chị lau nước mắt, gắng giọng vui vẻ:
- Thôi được, mẹ sẽ ở thêm nửa tháng nữa… Sang năm lo xong mọi việc cho vợ chồng em con…
- Con xin mẹ… Mẹ nhớ đấy nhé!- Dào ơi… - chị cười trách yêu con - Bằng từng ấy tuổi đầu mà còn làm nũng mẹ.
- Thì con có mấy khi được làm nũng mẹ đâu!… Hai mẹ con vui vẻ trở lại. Thế nhưng cũng chỉ được một lúc khi hai vợ chồng con gái chị đi làm, mấy đứa trẻ đi học cả, còn lại một mình ở nhà chị lại thấy buồn. Chị chẳng có việc gì để làm. Nhà cửa sạch bóng, đồ đạc sang trọng và toàn những thứ lạ mắt, đến nhìn lâu chị cũng còn thấy ngại nữa là sờ mó vào. Việc cơm nước, bếp núc chị cũng không phải động tay. Chị cứ nghĩ, giá lúc này mình đang ở quê thì được bao nhiêu là việc. Chị hết đứng lại ngồi, ra vào vẩn vơ. Nhà con chị ở ngay gần hồ Xuân Hương. Chị nhìn sang bên kia hồ, những con đường uốn khúc, những rặng thông xanh mờ, người đi lại thưa thớt. Ngắm cảnh, nhìn người chị chỉ thấy nơi đây hiu quạnh quá. Thế mà con chị bảo rằng người tứ xứ, cả người nước ngoài phải mất tiền đến đây thăm thú. Chị thì chẳng bao giờ lại phí tiền vào những việc vô bổ như vậy. Chị nhẩm tính, tiền con gái gửi ra cho chị để chị vào tận đây thăm nó, rồi lại về, giá chị không phải đi, thêm vào cho thằng út làm nhà thì hay biết mấy. Chị không quen rảnh rang. Chị là con người của công việc. Xa nhà thế này, chị buồn chân buồn tay, chị nhớ nao lòng mùi khói bếp rơm rạ, nhớ ngọn gió sông ngái dại lúc chiều hôm. Phải, chỉ nửa tháng nữa thôi, chị sẽ trở lại với đồng quê, với sân đình, bến nước…
Ngoạn góa chồng từ năm mới ngoài hai mươi tuổi. Hồi còn con gái, chị xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Gia đình bên chồng Ngoạn là gia đình phú nông, nhưng dần sa sút. Sau khi đứa con gái đầu lòng ra đời chừng một năm thì bệnh lao của chồng Ngoạn thêm nặng. Chồng của Ngoạn vốn tạng thư sinh, chưa phải làm nặng bao giờ, khi gia cảnh khó khăn, thêm chứng bệnh hiểm nghèo nên sớm qua đời. Ngoạn một thân nuôi con côi cút, bà mẹ chồng khó tính, lắm chuyện, vì thế chị quanh năm suốt tháng chúi mũi vào làm. Khi con Khuyên, con gái chị đến tuổi đi học, Ngoạn còn chưa đến tuổi ba mươi. Trong làng ngoài xã, có vài ba đám nhờ người đánh tiếng, mối mai. Những lúc ấy, bà mẹ chồng nằm võng, đưa đẩy à ơi trống không “Trời mưa bong bóng phập phồng…”. Ngoạn nghe suốt ruột bảo: “Bà đừng lo. Con không đi lấy chồng đâu… Mới lại, bà chẳng bảo con là có tướng sát chồng. Con lấy ai lại khổ cho người ấy à…”. Bà mẹ chồng chủng chẳng: “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng. Chồng chết, có nứng thì lấy dải khoai ngứa mà xát rồi gãi”. Ngoạn giận lắm nhưng cố nín nhịn. Thực lòng, chị cũng không muốn đi bước nữa. Đời người đàn bà, một lần đò đã khổ. Không may sa sảy, lần thứ hai biết đâu mà lường. Với ý nghĩ ấy, Ngoạn sống lầm lụi, lấy việc làm lụng nuôi con làm khuây. Những năm chiến tranh, trai làng kéo nhau ra mặt trận hết. Có những lứa, vừa tốt nghiệp cấp hai, tuổi mười sáu, mười bảy, khám nghĩa vụ quân sự xong là đi luôn, mặt còn chưa kịp sần, tiếng còn chưa kịp vỡ. Ở lại làng toàn đám trung niên, già lão, khoặc không thì cũng thuộc diện đui mù, mẻ sứt. Trong số trai làng ở lại có Minh, vì sức yếu, lại nhà con một nên được tạm hoãn. Minh học hết cấp ba rồi vào học trung cấp y. Những ngày chủ nhật, hoặc dịp nghỉ hè về nhà, Minh ra đồng làm giúp mẹ. Minh không mấy thạo công việc đồng áng. Mảnh ruộng phần trăm của nhà Minh lại liền bờ với của nhà Ngoạn. Có hôm chị làm cỏ bên ruộng nhà mình, nhìn sang bên, chị thấy ái ngại, thương thương. Minh điển trai, nhút nhát. So với trong làng, Minh thuộc diện có học hơn cả. Minh mồ côi bố, mẹ quanh năm ốm yếu, mấy chị gái lấy chồng xa. Nhà neo người nên Minh phải làm, song thực Minh vẫn không phải là con người của đồng ruộng, bởi chị có cảm giác Minh làm đấy nhưng đầu óc nghĩ đi đẩu đi đâu. Những lần như thế, chị làm nhanh cho xong phần việc nhà rồi làm hộ Minh. Chị làm chăm chú, còn Minh lại vẩn vơ, ngắm chị làm. Một vài lần đầu bắt gặp Minh nhìn mình chăm chú, chị ngỡ ngàng. Sau thấy Minh như để ý đến mình, chị bảo: “Cậu làm đi chứ. Phải biết tự mình làm tất cả công việc nhà nông, mặc dù tôi biết cậu không thích… Nhưng ở đời, đâu phải việc gì thích mới làm, và không thích thì không làm”. Minh bảo: “Chị nói phải!... Mà này, sao chị không đi bước nữa? Con bé đã lớn rồi mà… với lại chị còn trẻ, xinh đẹp nữa!”. Chị đỏ mặt: “Tôi không thích…”. Minh nói: “Nhưng mà có người thích!”. Chị nhìn Minh rồi thở dài: “Cậu còn quá trẻ… Mà thôi làm đi kẻo muộn. Tôi còn phải về, ở nhà có bao nhiêu việc đang đợi”.  Làng chị có chiếc đình cổ. Xưa là nơi thờ Thành hoàng làng và là nơi hội họp giải quyết các công việc chung của làng. Sau cải cách, các đồ tế lễ bị người ta vứt bỏ, hoặc thất tán đâu hết. Đình biến thành lớp vỡ lòng, còn sân đình thì biến thành sân kho hợp tác xã. Đình quay lưng vào làng, hướng mặt tiền ra sông. Dưới sân đình là bậc tam cấp dẫn xuống chiếc cầu gạch to, rêu xanh, lở lói. Hai bên cầu sông là hai cây đa cổ thụ gốc to mấy người ôm. Tán đa râm mát một vùng sông, những nhánh rễ phụ buông tua tủa. Cứ tầm chiều chiều, người làng ra tắm giặt đông đặc. Những đêm hạ oi nồng, người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà mang chiếu ra sân đình ngủ.  Một tối mùa hè. Làng xóm có đội chèo của huyện về biểu diễn. Sau một dạo máy bay bom đạn, bình yên tạm trở lại và làng mới lại có chèo. Đội chèo của huyện diễn vở “Kim Nham”. Mọi người lũ lượt ra xem. Lúc chập tối, Ngoạn có ra ngó ngàng một chút rồi về. Chị không xem bởi chị thuộc lòng vở diễn. Mẹ chồng và con gái chị đi xem cả. Một mình chị trần ra xay lúa, rồi sàng sảy, giã gạo. Đêm diễn tan cũng là lúc chị xong mọi công việc. Lo cho con ngủ, chị cầm manh chiếu lững thững ra đình. Sân đình gạch xếp ngổn ngang. Xen kẽ giữa những đám gạch, người ta trải chiếu ngủ la liệt. S au một ngày làm mệt nhọc, tối lại được xem văn công thỏa thuê, mọi người ngủ như chết. Mùi rơm rạ lên men, mùi mồ hôi người quện vào nhau khiến chị rực người lên. Chị muốn tắm làm sao. Trải mảnh chiếu xuống dưới gốc đa vệ sông, chị bỏ áo ngoài và cứ quần chùng như thế lội xuống nước. Nước đến đầu gối, đến ngang hông, rồi đến thắt lưng. Nước đến đâu chị cảm thấy khoan khoái đến đó. Kỳ cọ một lát, chị vẫn chưa thỏa. Nhìn trời, trăng hạ tuần mới lên. Chị muốn bơi. Chị ngầm cởi bỏ quần dài, vắt thành cầu gạch, và chị bơi. Sang tới bờ bên kia, chị leo lên bờ, ngồi bệt xuống cỏ, nhìn ra cánh đồng. Đêm tĩnh lặng. Cỏ chọc vào da thịt làm chị thấy dễ chịu. Chị ngả người xuống cỏ, ngửa mặt nhìn trời. Ánh trăng vừa lên yếu ớt làm chị vừa lòng. Chị sợ những đêm trăng sáng. Không hiểu vì sao chị lại sợ những đêm trăng vằng vặc. Hình như chị cảm thấy rằng trăng sáng quá sẽ soi tỏ lòng chị và như vậy, những dục vọng không còn nơi ẩn nấp. Chị mới ba mươi. Đã gần chục năm chị không biết mùi đàn ông. Hồi mới lấy chồng, chồng chị ốm yếu nên dù có con chị vẫn chưa thỏa sức bao giờ. Vì cái gì và vì ai mà chị đã kìm nén lòng mình từng ấy năm? Ừ mà khôn ngoan như cái cô Súy Vân đấy, giả dại đâu có được…
Đời con người ta, khôn dại, dại khôn, biết đâu mà lường. Sức lực chị dư thừa. Chị làm quần quật mà sức lực vẫn cứ ứ tràn. Chị trằn mình, lăn lóc trên cỏ, rấm rứt. Chị xấp người, tì hai đầu ngực rắn chắc xuống cỏ, miệng cạp một miếng cỏ thật to, ấm ứ trong cổ. Chị lại vùng dậy, lao xuống sông, sải tay bơi điên cuồng về bờ làng. Chị cứ bơi như thế, đến khi đầu gối va vào bậc gạch ngầm chị mới chững người lại. Chị đứng thẳng lên, quên cả chiếc quần ướt vắt ngang cầu sông, chị đi lên chỗ để chiếu tìm quần áo khô. Chị chút nữa va phải một người. Chị bật kêu khẽ trong cổ: “Ai?”. “Tôi… Tôi đây mà!”. Chị đã bớt hoảng: “Cậu đấy à?... Ra đây từ bao giờ? Cậu rình xem tôi…”. “Tôi tình cờ… À không… tôi ngưỡng mộ chị!”. Câu nói làm rung động đáy lòng chị, nhưng chị cố nén, vờ nghiêm: “Cậu tránh ra cho tôi mặc quần áo”. Minh kiên quyết: “Không… Tôi sẽ không đi đâu cả”. Chị dằn giọng: “Tôi kêu bây giờ!”. Minh: “Kêu lên đi! Kêu lên cho cả làng biết thằng Minh nó si mê tôi… Kìa kêu đi chứ!”. Chị mềm giọng: “Thôi đi!”. Minh lên giọng: “Chị không kêu thì tôi sẽ kêu!”. Chị hốt hoảng: “Đừng mà!... Nhưng mà cậu muốn gì”. Minh lắp bắp: “Tôi yêu… yêu…”.
Và hai người quấn vào nhau lúc nào không rõ. Chị phó mặc. Chị chẳng từng khao khát, chờ đợi những phút giây như thế này sao. Trời đất với chị lúc này đều là nhỏ. Mà chị cần chi trời đất. Chị chỉ còn biết niềm sung sướng đến tột đỉnh… Minh lắp bắp những câu gì chị nghe không rõ, chị cũng không biết rằng trăng lu bởi cơn mưa giông kéo đến từ lúc nào, cho đến khi những giọt mưa chạy lộp bộp trên tán đa… Sân đình nhốn nháo, người ta cuốn chiếu chạy mưa. Mấy ngày sau, chị để ý nhưng không hề thấy Minh ở trong làng cũng như ở ngoài đồng. Đêm ấy trở về nhà, chị không ngủ, nghĩ lại tất cả. Chị không hối hận nhưng thấy lo lo. Thâm tâm chị nửa muốn gặp lại, nửa tránh mặt Minh. Suốt mấy ngày liền chị vật vờ, chân tay như chân tay mượn. Ra đồng, không thấy cái dáng lòng khòng của Minh, chị bồn chồn. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra đây?
“Chị Ngoạn!”. Đang cắt cỏ bờ, chị giật mình bởi tiếng gọi. Minh đứng gần ngay chỗ chị. Chị há miệng mà không thành lời. “Tôi sắp phải đi xa rồi”. “Đi đâu?”. Chị hỏi như hụt hơi. “Tôi đã tốt nghiệp… Trở lại trường nhận công tác… Tất cả con trai trong khóa vào quân đội hết… Người ta nói, chiến trường đang cần quân y”. “Bao giờ đi”.
“Hai ngày nữa… Ở nhà, mẹ tôi yếu, các chị tôi lấy chồng xa, việc đồng áng có gì chị giúp hộ”. Chị gật đầu, nhìn Minh không biết nói gì. Con người ấy, mới mấy ngày trước còn xa lạ với chị, nhưng bây giờ… dù một lần cũng nên nghĩa. Chị ứa nước mắt.
“Chị ân hận vì chuyện ấy?...”.
“Không… nhưng dẫu sao cậu cũng là người thân… Ở ngoài ấy, nhỡ ra làm sao…”.
Minh bần thần một lát: “Tôi đi rồi tôi lại về… Nếu lúc ấy chị không chê tôi là trẻ thì…”. “Thôi cậu đừng nói nữa. Cậu cứ đi đi, ở nhà việc gì giúp được tôi sẽ giúp. Chỉ sợ…”. Chị định nói nhưng không nói được, rằng lúc ấy chị đã già mất rồi, rằng cậu ta trai trẻ như thế, lại đi ra ngoài, như con cọp tai quệt vào lá rừng là quên hết.  Minh nhập ngũ âm thầm, không người đưa tiễn, chỉ có người nhà của Minh, bởi Minh không đi theo đoàn như trai làng. Chị muốn tiễn Minh lắm nhưng không dám. Sáng ấy chị ra đồng từ mờ sương. Chị không làm gì, cứ ngóng lên đường cái quan, nhưng trong màn sương mờ mịt, chị nào thấy ai. Ngoạn có linh cảm mơ hồ là chị đã mang một mầm sống trong lòng và linh cảm ấy đã thành sự thật. Chị sợ hãi. Hàng tuần liền chị mất ngủ. Chị bị dằn vặt bởi suy nghĩ tẩy bỏ cái thai. Và rồi sự quyết liệt trỗi dậy, chị phải giữ mầm sống đó bằng mọi giá. Giữ cho người đi xa, biết đâu, đấy là giọt máu cuối cùng của Minh!...
Giữ cho chính chị, bởi có nó, thì dù có phải đắng cay đi chăng nữa, chị cũng có lý do để mà tồn tại, tồn tại không tẻ nhạt, nhàm chán, mòn mỏi. Và nữa, giữ cho cả cuộc đời này. Nhưng để giữ được, chị phải biệt khỏi cái làng này ít nhất hàng năm trời. Đến lúc ấy, tự nhiên chị trở nên không ngoan, mưu mẹo khác với bản tính vốn có của chị. Lấy lý do lên mạn ngược với người anh cả, kiếm tiền về chữa lại ngôi nhà, chị đã thuyết phục được bà mẹ chồng khó tính trông con Khuyên ở nhà đi học. Và chị đã phải bụng mang dạ chửa, làm lụng quần quật để có tiền. Đứa con ra đời là một bé trai. Chị mừng lắm. Chị nghĩ chẳng may Minh có ngã xuống thì cũng có đứa con nối dõi. Hơn một năm, chị về làng, mang theo đứa bé và một số tiền gom góp được. Chị nói với mẹ chồng, với bà con xóm làng rằng chị xin được một đứa con hoang ở mạn ngược làm con nuôi, và có như vậy, chị mới không đi bước nữa, ở vậy nuôi con, nuôi mẹ chồng. Làng xóm, có người tin, người không tin xì xào sau lưng, rồi mọi chuyện cũng yên thấm. Bây giờ, với Ngoạn, chị chỉ còn một mục đích là nuôi hai đứa con khôn lớn, còn Minh có trở về, chị cũng không biết sẽ đối xử với Minh thế nào, và có nên cho Minh biết rằng cậu ta có một đứa con trai hay không. Đặt tên thằng bé là Tâm, chị muốn nói với lòng mình rằng chị không hề ân hận với việc đã sinh ra nó, và nó chính là cái tâm của chị với Minh.  Giấy báo tử Minh về xã trước ngày chiến tranh kết thúc ít lâu. Dù đã lường trước nhưng chị vẫn bàng hoàng khi biết tin. Đêm đó, ngủ bên cu Tâm, chị ôm diết nó vào lòng. Nước mắt chị chảy ướt tóc nó. Nó vô tư cuộn trong lòng chị ngủ ngon lành. Chị thì thầm nói với nó: “Con ơi, con mất cha rồi!...”. 
Ngày làm lễ truy điệu Minh, bà con thôn xóm tập trung đông lắm. Ngoạn đưa thằng Tâm ra theo. Bà mẹ và mấy chị của Minh khóc lóc sầu thảm. Mọi người dự lễ tang, ai cũng nước mắt vòng quanh. Chị dắt con, thắp hương cho Minh. Đáng ra, trên mái đầu thơ bé kia phải có một vòng tang trắng. Vong linh của Minh hãy tha thứ cho chị và con. Chị không thể nào khác được. Tan lễ, chị theo đưa mẹ Minh về nhà. Chị đặt một tay lên vai bà cụ vuốt nhè nhẹ: “Bà ơi, rồi thời gian sẽ đền bù cho bà!”. Bà cụ chắc chỉ nghĩ là chị an ủi. Ngay từ lúc đó, chị đã nung nấu một ý nghĩ là đến thời gian nào đó thích hợp, chị sẽ trả đứa cháu cho bà nội của nó…
Thời gian đi sao mà nhanh. Chưa kịp làm gì đã hai mươi năm rồi. Chị Ngoạn xuân sắc ngày nào đã thành bà. Thằng cu Tâm đã trưởng thành, lập gia đình. Mộ của Minh được quy tập về nghĩa trang của xã. Bà mẹ Minh yếu lắm rồi, không biết có qua nổi mùa đông này. Chị nghĩ, đây là thời điểm thích hợp nhất. Vào thăm con gái lần này, chị vừa thể theo yêu cầu của con là vào xem tình hình để chuyển vào ở hẳn với con, mặt khác chị thăm dò thái độ của con, lựa lời nói với nó câu chuyện mà chị đã giấu con hơn hai chục năm qua. Phải nói ra điều đó, chị thấy khó khăn làm sao. Còn khó hơn cái ngày chị biết mình mang thai với Minh. Chị sẽ bị mang tiếng với xóm làng. Lâu nay, chị được người ta gán cho cái danh hiệu thủ tiết thờ chồng, nuôi con ăn học thành tài. Thế nhưng, chị không thể để bà cụ mẹ của Minh trước khi từ giã cõi đời không biết rằng mình còn có đứa cháu đích tôn… Để làm được việc này, chị phải chấp nhận tất cả. Chị cũng đã già rồi, chị không sợ tiếng. Vả lại, chị có làm điều gì thất đức đâu. Cái chính là chị phải nhận được sự cảm thông ở con gái mình. Và điều đó, cho đến tận lúc này chị vẫn chưa làm được. 
Chiều Đà Lạt sập xuống rất nhanh. Chị nhẩm tính xem lúc này ở nhà, vợ chồng thằng Tâm đã làm được đến đâu. Khi cơ ngơi xong, chị sẽ nói cho Tâm biết và chị sẽ dắt nó đến trả tận tay cho bà cụ. Không biết dự tính của chị có kịp. Chị chỉ e, nhỡ ra bà cụ nằm xuống. Chiếc lá khô trên cành thì biết lúc nào lìa. Chị cầu trời phật cho bà cụ sống thêm chút nữa để mà nhận cháu. Chính vì thế mà chị sốt ruột, muốn về ngay. Ý nghĩ làm chị thêm quyết tâm. Ngay đêm nay, ngủ với con gái, chị sẽ nói hết. Nếu cần, chị sẽ cầu xin nó. Nhưng chị hiểu lòng con chị. Nó là đứa sống tình cảm, biết nghĩ.  Chị thấy lòng thanh thản. Thanh thản như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ngoài kia, tiếng vó ngựa gõ lóc cóc, nghe vui vui. Tự nhiên, chị cảm thấy phảng phất đâu đó hương vị đồng quê. 
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...