Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Sức khỏe quý giá vô cùng

Sức khỏe quý giá vô cùng

Ai đó đã nói: Có sức khỏe thì có vô vàn điều ước, không có sức khỏe chỉ có một điều ước là có sức khỏe. Câu nói ấy thật chí lý.
Thế nhưng trong cuộc đời của mỗi người, từ thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành mấy ai nghĩ phải quan tâm đến sức khỏe, mấy ai nghĩ phải làm gì để bảo vệ sức khỏe? Cứ xem sức khỏe là việc hiển nhiên ta có, nó là của ta, không lo, không nghĩ, không chăm sóc. Đến tuổi trung niên vẫn thế, làm việc, ăn uống thoải mái, bình thường, có thể dốc hết sức lực, thời gian để làm một việc gì đó, có thể say một điều gì đó mà lao vào, không quan tâm đến sức khỏe. Đến lúc ốm đau bệnh tật, đến lúc tuổi già sức yếu ngẫm lại mới thấy mình thật dại dột, thiếu hiểu biết. Bệnh từ miệng mà ra, từ cách sống của mình, hiểu ra có khi đã quá muộn.
Có những người biết thuốc lá, rượu bia nếu nghiện là hại cho sức khỏe nhưng họ vẫn hút, vẫn uống, vẫn say, vẫn chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình vì nó. Thế mới biết con người ta không dễ gì từ bỏ thói hư tật xấu của mình. Biết độc hại mà không đủ ý chí để từ bỏ, đành thành nô lệ của nó. Tôi có một người quen còn khá trẻ đã tuyên bố sống vì bia. Cậu ấy đã uống bia thay nước, thay cơm hàng ngày và kết quả rất nhiều lần vào viện nhưng ra viện lại chỉ có bia. Lục phủ ngũ tạng hỏng hết và cậu ấy đã về cõi vĩnh hằng khi mới hơn 30 tuổi. Cậu ấy không biết thương lấy thân mình thì vợ con, anh em, bè bạn, bác sĩ có khuyên bảo cũng bằng thừa. Thương cho đứa trẻ không còn cha nhưng rồi tự nhủ lòng mình có lẽ vậy còn hay hơn khi phải chứng kiến người cha như thế.
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Nhưng làm thế nào để mọi người từ trẻ đến già hiểu được điều ấy và hành động vì điều ấy, để không còn những việc làm táng tận lương tâm: luống rau này nhà mình để ăn, những luống kia để bán, bơm tạp chất vào tôm, lợn, mực, rượu độc, bóng cười, ma túy…Hóa chất độc hại tràn lan ruộng đồng, chất nguy hiểm xả thải ra hồ, sông, biển, tội những con sông đã chết và đang chết. Bỏ chất gây nghiện, chất độc bán cho trẻ em trước cổng các trường học. Gia súc, gia cầm nuôi tăng trọng, siêu nạc… Cây trái cho thuốc kích thích, thuốc trừ sâu…Phù phép thực phẩm ôi thối để bán cho nhà hàng, bếp ăn tập thể…
Đến bao giờ người ta mới thấy giá trị của sức khỏe, mới quý, trân trọng và chăm lo cho sức khỏe của mình và của mọi người? Nước ta tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng cao, phải xây thêm bệnh viện. Nguyên nhân từ đâu? Ta không thể đổ lỗi cho hậu quả chiến tranh, biến đổi khí hậu… Ta phải thẳng thắn nhìn nhận là người Việt đang hại người Việt, chất độc từ đồ ăn, thức uống ngấm vào cơ thể dần dần. Đồng tiền làm mờ mắt con người. Người ta có thể làm tất cả vì tiền mà không mảy may quan tâm đến sức khỏe. Làm thế nào để thu được lợi nhuận càng cao là lao vào làm, không nghĩ đến hậu quả. Biết bao gia đình tán gia bại sản vì có người bị ung thư mà vẫn không cứu được tính mạng. Thật đau lòng! Bây giờ ăn uống gì cũng lo, lo hít thở không khí cũng sợ, thành phố ô nhiễm, nông thôn có thực trong lành? Khi có nơi, một làng nhiều người bị ung thư.
Vẫn biết hãy là người tiêu dùng thông thái. Nhưng các bà nội trợ chủ yếu mua hàng ở chợ hoặc siêu thị. Chợ thì hàng hóa ở các nơi đưa về, không rõ nguồn gốc. Còn siêu thị mua hàng có thật an toàn? Một lần tôi đi siêu thị buổi tối thấy con vịt ngon định mua nhưng lại thôi để sáng mai mua con khác cho tươi. Hôm sau tôi đến vẫn con vịt ấy (vì tôi nhìn kỹ hôm qua nên có một dấu ở trên con vịt làm tôi khó quên) đã được thay nhãn dán ngày sản xuất mới. Tôi nhìn tất cả các mặt hàng tươi sống đều dán nhãn của ngày mới. Tôi sợ quá! Thảo nào một lần mua thịt bò ở siêu thị về ăn tôi bị ngộ độc mà mãi mới tìm ra nguyên nhân. Hóa ra là thế.
Không chỉ tôi mà nhiều người cũng như tôi, chẳng biết làm thế nào. Ra chợ lại bảo nhau: không ăn thì chết mà ăn thì ngắc ngoải, vẫn phải mua, phải sống. Đâu phải ai cũng có điều kiện tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình mình, nhất là những người dân ở thành phố.
Vẫn biết không phải tất cả người chăn nuôi và trồng trọt làm ẩu, làm sai, chạy theo lợi nhuận. Hiện nay đã có nhiều trang trại chăn nuôi và trồng trọt sạch, nhiều sản phẩm sạch ra đời. Nhưng trắng đen còn lẫn lộn, người tiêu dùng khó tiếp cận với thực phẩm sạch đúng nghĩa.
Vậy làm thế nào để cho người dân mình từ trẻ đến già hiểu được giá trị của sức khỏe trong cuộc đời để chăm lo giữ gìn, bảo vệ cho mình và bảo vệ cho cộng đồng? Làm thế nào dân mình sản xuất ra thực phẩm sạch cho người Việt dùng, chứ không chỉ dành thực phẩm sạch cho xuất khẩu. Quả là câu hỏi khó. Tôi chỉ biết ước mơ cho bệnh viện vắng người, cho bác sĩ nhàn nhã. Đến bao giờ ước mơ của tôi thành hiện thực? Bạn có ước mơ như tôi không?.
20/8/2023
Phạm Thị Hồng Thu: 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tắc đường

  Tắc đường Lô! Tôi sẽ đến ngay!... Khoảng 1 giờ nữa, được không?... Ừ, thế nhé!... Bỏ điện thoại vào túi quần, hắn nhìn đồng hồ thầm nghĩ...