Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Thu hết thiên hạ vào cho mình

Thu hết thiên hạ vào cho mình

Giai thoại xưa về những ông trạng này trạng nọ, về những bác ba bà tám, vốn là sản phẩm dân gian về những nhân vật dân gian. Đã là giai thoại và truyền thuyết dân gian thì nó là sáng tạo của cộng đồng, được nhiều đời sau thêm dấm thêm ớt, đâu cần tìm địa chỉ chính xác cho nó, cũng như không nhất thiết phải gán nhân vật vào một địa danh cụ thể nào. 
Làng Quỳnh xã Quỳnh Đôi xứ Nghệ trong dịp khai trương tour du lịch mới
Tiếu lâm xưa về xứ Nghệ
Đất Nghệ Tĩnh xưa từng mang thêm vào mình sự tích cá gỗ. Đã gọi là truyền thuyết thì có phần thật có phần ảo. Có phần nghiêm nghị có phần hài. Một anh học trò xứ Nghệ lều chõng thượng kinh đi thi, nghèo quá, vào quán chỉ dám gọi một bát cơm trắng. Nhưng anh ta lại lục ra trong tay nải một con cá bằng gỗ, trông giống như cá thật, lấy đó làm lý do để xin bà chủ quán một tí nước mắm. Xin thêm tí nước mắm để chấm con cá. Cứ thế mà hết được bát cơm. Cứ thế mà diễn lại ở bữa khác, ở những quán khác.
Tác phẩm sắp đặt lấy cảm hứng từ giai thoại cá gỗ
Phần hài là chế giễu tính sĩ diện, tính tiết kiệm, thậm chí là keo kiệt của người xứ ấy. Còn nếu đi xa hơn để chế giễu cái nghèo, dù đem cái nghèo ra giễu là sai về cách xử thế, thì người đời cũng chỉ coi như là đàm tiếu, cho vui.
Phần nghiêm nghị là để nói về tính nghèo vượt khó của người Nghệ Tĩnh. Từ trong nghèo khó mà rèn giũa nghị lực bản lĩnh, hun đúc cái chí học hành để thoát nghèo, làm quan để thoát nghèo. Từ đó mà hình thành một xứ nhiều người học hành thành đạt.
Đó là giai thoại về cả xứ Nghệ, không riêng một làng một xóm nào. Vậy nên không hiểu cơ sở đâu mà Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức một tour du lịch đến xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và đặt tên đấy là tour Làng Cá Gỗ? Một làng không thể nhận hết về phần mình cái biệt danh của cả một xứ như vậy.
Làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi) vốn đã là một địa chỉ có danh có tiếng. Ở đấy có những dòng họ lớn, và người họ Hồ từ đấy ra đến Thanh Hóa có Hồ Quý Ly, ra đến Hà Nội có Hồ Xuân Hương, vào đến Bình Định có Hồ Thơm (Nguyễn Huệ – hoàng đế Quang Trung). Trong lịch sử còn có những người như Hồ Sỹ Dương (1621-1681), là tham tụng (tể tướng) dưới triều Lê trung hưng, năm lần đàm phán biên giới thắng lợi… Đấy cũng là vùng đất qua nhiều đời có nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc và học giả. Du khách đến đấy có dịp viếng thăm bia tưởng niệm và tượng đài nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng các danh nhân như Hồ Quý Ly, Hồ Thơm, nhà thờ Hồ Sỹ Dương… Ở đó vẫn còn không gian một làng quê thanh tịnh, xưa kia là một làng dệt lụa và làm nông để nuôi dưỡng quyết tâm và nghị lực cho con em họ.
Tượng hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm – Nguyễn Huệ)
Một làng quê như vậy kể cũng xứng cho một chuyến thăm của người phương xa. Tất nhiên, để trở thành một tour trọn vẹn thỏa mãn du khách thì ngành du lịch, chính quyền tỉnh và người làng Quỳnh Đôi còn nhiều việc phải làm như tu bổ các di tích, quy hoạch một cách khoa học việc xây dựng thêm những khu tưởng niệm mới. Cũng có thể tạo dựng hình thức bảo tàng sống (living museum) để phục dựng lớp học gõ đầu trẻ của ông đồ Nghệ, phục dựng ngành nghề truyền thống của làng như dệt cửi xe tơ, giới thiệu những nét riêng ẩm thực bún giá cá ruốc và bánh mướt vốn được truyền tụng… Nơi đặt tượng các danh nhân như Hồ Thơm, Hồ Quý Ly cũng nên tập trung vào điểm nhấn và giảm bớt sự hiện diện trưởng giả của nhà tài trợ. Một tầm cỡ danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO ghi nhận như nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì khu đặt bia tưởng niệm cũng không nên để các danh nhân có “thế lực” khác đến sau chèn lấn như hiện tại.
Một làng quê có những nơi chốn để thăm thú và suy ngẫm như vậy, tự nó đã là một “thương hiệu”, muốn quảng bá chỉ cần đặt điểm nhấn vào đó, đâu cần phải viện đến thủ thuật tiếp thị giật gân bằng cách vơ vào cho riêng mình là “làng Cá Gỗ”. Quảng bá là cần thiết, thời buổi này không nên chỉ ỷ vào cái lý hữu xạ tự nhiên hương, nhưng người làm du lịch cũng không nên thiếu tự tin mà phải viện đến phương pháp tiếp thị gây sốc, vì thế thiếu công bằng với cả vùng văn hóa là xứ Nghệ xưa.
Có một hội chứng…
Từ tour du lịch tự danh phong này, người ta dễ liên tưởng đến hội chứng tạm gọi là vơ vào. Tất nhiên một khi giành hết thiên hạ về mình thì đều gây ra thắc mắc, thậm chí gây tranh luận gay cấn. Chuyện nơi phát tích của phở chẳng hạn. Chưa có một luận điểm và chứng cứ nào chuẩn xác. Nó có thể phát tích từ một vùng rộng lớn là đồng bằng Bắc bộ, nhưng khó chứng minh nó thuộc về riêng một tỉnh hoặc một xã. Phở là sản phẩm ẩm thực thuộc dạng kết cấu mở, phở xởi lởi đón nhận đặc điểm văn hóa của những vùng đất mà nó có mặt. Từ xứ Bắc ra đi, đi đến đâu, phở rộng lượng bổ sung nội dung và phong vị của nhiều miền quê đó. Rất hiểu thói quen của các nhà nghiên cứu là chuyện gì cũng phải truy nguồn truy gốc tích. Cũng như thói quen của người sản xuất là khăng khăng rằng sản phẩm của mình mới là chính gốc authentic, mới đạt tiêu chuẩn hàng đầu. Như thế có khi gây nhiễu loạn và hoang mang. Mặt khác có thể nhờ việc ai cũng nhận mình là phở chính gốc và bổ sung hương vị khác nhau cho nó, người thưởng thức được hưởng lợi nhiều hơn, có thêm nhiều hơn lựa chọn cho mình.
Một chuyện khác, từ ấn triện của một triều đình xưa, giờ đền thờ phục dựng nghi thức khai ấn đầu năm. Vấn đề là danh nhân ấy của chung dân tộc, đền thờ ngài có ở nhiều nơi, thế là các đền thờ ngài trong cả một vùng châu thổ đều dựng lên nghi lễ khai ấn. Tục khai ấn bị hiểu nhầm thành ban phát bổng lộc, thăng quan tiến chức. Dù nghi lễ chỉ nên hiểu là mang tính tượng trưng, nhưng dường như đền thờ nào cũng nhận mình mới là chính gốc, người đi hội đền nào thì tự coi đấy là đền gốc, vì chính gốc thì mới thiêng, mới thực sự là tối linh. Nhưng ấn triện một triều vốn là duy nhất, kể cả tượng trưng thì cũng khó mà quen được với việc đâu cũng tự nhận rồi ban phát tràn lan.
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở xã Quỳnh Đôi
Ở một trường hợp tự nhận lấy danh tiếng nữa, công chúng từng ngạc nhiên khi có người kể về thời thơ ấu của mình ở một vùng quê khi ông bà ấy là đứa trẻ không có đèn điện, không có đèn dầu, phải đi bắt đom đóm cho vào một cái lọ thủy tinh để thay đèn ngồi học. Tạo dựng giai thoại cho riêng mình nhưng lại không đủ sáng tạo để chọn lấy một sự tích đáng tin cậy hơn một chút. Sự tích này đã quá quen thuộc trong lịch sử, và nó gắn với một tầm cỡ như Mạc Đĩnh Chi từ bảy thế kỷ trước. Bậc danh nhân lớn ấy từng bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để thay đèn trong đêm. Giai thoại, dù là về một bậc thầy, thì vẫn là giai thoại. Còn người thời nay tự tô vẽ cho mình, bê nguyên xi lại câu chuyện ấy, tất nhiên phải chịu thắc mắc vì một câu chuyện quá đát, không hợp cảnh hợp tình.
Những sự việc vừa kể, và cả vô vàn những sự việc không thể kể hết vào đây, đều có một cái lý sâu xa của thời đại, một thời đại mà mọi sự đều phải tiếp thị. Người ta không thể cậy mình có sản phẩm tốt mà không quảng bá, không tiếp thị. Nhưng tiếp thị một cách thật ngọt, thật êm, thật thông minh sáng tạo, thì không hề dễ dàng. Người ta phải chọn cách quảng bá giật gân gây sốc. Và một trong những cách gây được sự chú ý nhiều nhất là vơ vào, uyển ngữ thì có thể gọi đó là hội chứng thu hết thiên hạ vào cho riêng mình.
3/1/2024
TUỆ NHÂN
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biê...