Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Cái cối xay bột của mẹ

Cái cối xay bột của mẹ

Sau ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đúng một tháng, mẹ con tôi phải dọn ra ở riêng, đó là một kỷ niệm buồn tôi ít khi nhắc lại vì lý do tế nhị. Tài sản của mẹ con tôi ngoài căn chòi, cột làm bằng cây so đủa,  lợp lá, vài vật dụng cần thiết cho những sinh hoạt hàng ngày, thì giá trị lớn nhất trong nhà tôi lúc đó là cái cối xay bột bằng đá.
Cái cối xay bột này, nghe ngoại tôi kể, nó được gia đình ngoại tôi sở hữu từ hồi đầu thế kỷ, đổi bằng lúa của dân thương hồ từ “miệt trên” chở xuống hạ lưu sông Cửu Long trao đổi, mua bán. Trước khi nó về với mẹ con tôi và trở thành phương tiện mưu sinh chính thức, nó chỉ là một vật dụng thông thường, thỉnh thoảng được đem ra sử dụng khi nhà có đám tiệc hay giỗ chạp. Còn từ ngày nó về với mẹ con tôi, nó là chén cơm manh áo, là cả một tài sản của gia đình nhỏ với bà mẹ đơn thân.
Ra riêng với hai bàn tay trắng, đứa con trai năm tuổi và một mảnh đời nhiều bi kịch, mẹ bắt đầu cuộc bươn chải mưu sinh của mình bằng cái cối xay bột. Mẹ làm bánh bán. Đủ loại bánh, thay đổi hàng ngày để khách hàng không ngán. Bánh bò, bánh da lợn, bánh ít, bánh bèo, bánh lá mít, bánh mặn, bánh tằm… Thỉnh thoảng mẹ đổ bánh xèo bán vào các buổi chiều cho các chị, các dì đi coi cải lương vào tối thứ bảy hàng tuần. Cái cối xay bột gắn liền với cuộc đời mẹ và tôi từ đó, nó như người thân, là một thành viên không thể thiếu trong căn nhà xịu xạo, nghèo nàn. Nó là gạo, là cơm, là quần áo, tập vở của tôi; là nguồn sống duy nhất của hai thân phận bọt bèo.
Mười tuổi, tôi bắt đầu tập tành phụ mẹ xay bột, nạo dừa, lau lá chuối mỗi khi đi học về. Trước đây, nhìn mẹ xay bột, tôi nói thầm trong bụng: Có gì đâu mà khó, dễ ệu! Nhưng, bắt đầu những vòng quay đầu tiên trên cái cối xay tôi mới “lãnh hội” được sự nhọc nhằn của nó. Không hề đơn giản. Mọi động tác phải đều đặn, như các vòng quay chẳng hạn, quay không đều sẽ làm cho bột “sống”, nghĩa là, hột gạo không nhuyễn nhừ, chỉ bể năm bể bảy mà thôi. Còn nữa, múc gạo và nước đổ vào cối xay sao cho vừa đủ và liều lượng cân bằng. Ít nước quá cối xay sẽ bị nghẹn, quay rất nặng tay, nhiều nước quá sẽ làm bột lỏng, hoặc gạo sống, như đã nói ở trên. Khi đã thuần thục rồi thì mọi chuyện trở nên dễ dàng, một tay quay cối xay, một tay múc nước và gạo cho vào cối,  nhịp nhàng. Bài học đầu tiên của tôi khi ngồi xay bột là làm việc gì cũng vậy, mọi thứ phải cân bằng và vừa đủ, nhiều quá đôi khi không tốt, ít quá có lúc lại không hay!
Cái cối xay bột của mẹ nuôi tôi từ lớp một cho tới hết phổ thông trung học. Trên con đường quê sình lầy vào mùa mưa, khô khốc và đầy bụi vào mùa nắng, tôi, một đưa trẻ háp nắng đầu trần đội xề bánh mẹ làm đi bán dạo vòng xóm vào những ngày thứ bảy, chủ nhật hay những ngày hè. Không hiểu sao lúc đó tôi không hề buồn, tự ti, mặc cảm, mà còn “tự hào” vì tự biết kiếm tiền đi học khi chỉ mới bước vào lớp một. Tôi tự hào luôn công việc của mẹ, dù công việc đó với người khác là không sang trọng gì. Có khi vừa ngồi xay bột, tôi vừa… học. Mở cuốn tập để trên chiếc ghế đẩu đối diện, chèn cục đá cho gió đừng lật qua trang, tôi vừa quay cối xay, vừa nhìn vào bài học. Cũng may là tôi thuộc rất nhanh. Có khi xong buổi xay bột là tôi thuộc luôn bài sử hay địa. Lớn hơn một chút, vào trung học cơ sở, lúc bắt đầu ham đọc sách, thì trên chiếc ghế đẩu thay vì là cuốn tập học thì nó là một… cuốn sách. Tôi đọc ngấu nghiến mọi thứ có được (kể cả Kim Dung, Quỳnh Dao) vì thèm chữ, vì đói kiến thức. Thời bao cấp, mượn được cuốn sách, trần thân, nhất là những cuốn sách xuất bản trước năm một chín bảy lăm. Thư viện thì nghèo nàn, tôi lùng sục mọi nơi để tìm sách, dung nạp tất cả các con chữ mà không hề có ý niệm sau này mình sẽ dính dáng với nghiệp chữ nghĩa. Và tôi lớn lên theo từng dòng chảy của bột gạo từ cái cối xay của mẹ.
Năm một chín tám chín tôi tốt nghiệp cấp ba với số điểm khá cao, thầy cô và bạn bè kỳ vọng rất nhiều vào tôi ở kỳ thi đại học. Tôi chọn thi vào Tổng hợp, và tôi cũng rất tự tin. Có điều, khi tôi tâm sự điều này với mẹ, mặt mẹ buồn rười rượi. Mẹ không nói gì mấy ngày liền, và tôi hiểu điều đó liên quan tới hoàn cảnh của gia đình tôi hiện tại. Làm hôm nay, ăn ngày mai là hết, mốt tiếp tục làm để ăn bữa kia, tiền đâu tích luỹ để tôi vào đại học? Quẫn bách và hy vọng mong manh, tôi tìm tới sự ruột rà, cầu viện. Và, điều tôi nhận được là cái lắc đầu cùng cái phủi tay dứt khoát: “Về đi, tự mà xoay sở lo cho bản thân!”. Tôi giấu mẹ điều bí mật này cho đến tận bây giờ. Vậy là ước mơ vào đại học của tôi coi như xa xôi, mù mịt.
Một ngày, khi tôi đi công việc về, tôi thấy góc trái bên hông nhà mình văng vắng, là lạ. Và tôi nhận ra ngay chỗ để cái cối xay bột thường ngày, hôm nay trống lỏng. Tôi chạy vội vào bếp, hỏi mẹ.
– Ủa, cái cối xay bột của mình đâu mất tiu rồi mẹ?
Mẹ quay lại nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe, rơm rớm nước.
– Mẹ bán rồi, được hai chỉ vàng, bán để lấy tiền cho con đi học…
Tôi nghẹn cứng trong cổ họng. Buông thỏng người xuống ngạch cửa, chênh chao, như vừa mất một người thân, như vừa bị ai đó cướp đi một tài sản vô giá.
*     *     *
Tới thời điểm tôi ngồi gõ những dòng tản mạn này thì cái cối xay bột đã gia nhập vào nhóm những loại đồ… cổ. Bây giờ là bột công nghiệp, muốn ăn các loại bánh dân gian Nam bộ, cứ ra tiệm, đủ cả các loại bột, có thứ bánh, bột được pha sẵn, rất tiện lợi, như bột bánh xèo. Mua bột về khuấy đều thêm nhưn nữa là chiên ăn thôi. Thời này ai lại đi ngồi nhắm nháp sự chậm chạp của những vòng quay của cái cối xay bột cổ lỗ.
Người mua cái cối xay bột của mẹ tôi là dì Năm, dì họ của tôi, cách nhà tôi khoảng năm cây số. Không quá xa, nên mỗi khi “nhớ” cái cối xay bột, mẹ tôi lại đội nón lá lội bộ đi “thăm” nó. Nhà dì Năm khá hơn nhà tôi một chút, nhưng lại đông con. Bốn đứa trẻ nheo nhóc mồ côi cha sống nhờ vào sự bươi quào cật lực của dì. Dì mua lại cái cối xay bột của mẹ tôi từ tiền vay mượn cộng với số vàng cưới của dì. Về với dì Năm, cái cối xay bột của mẹ tôi tiếp tục phát huy chức năng của nó, nuôi sống một gia đình. Còn mẹ, sau khi “chia” cho tôi một chỉ vàng để lập thân, còn một chỉ, mẹ làm vốn buôn bán rau cải ở chợ chồm hổm, tiếp tục bươn chải nuôi thằng con bất hạnh. Chỉ vàng mẹ trao cho tôi là thứ “hành trang” giá trị duy nhất để tôi bước vào đời, và, xung quanh nó là những câu chuyện buồn, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn cái cối xay bột của mẹ tôi, nó có câu chuyện riêng của nó. Nhà dì Năm hiện tại là một ngôi nhà lầu khang trang, ẩn trong khu vườn nhãn xum xuê, mướt mát, thay cho căn nhà cột cây lợp ngói ngày xưa. Bốn người con của dì ai cũng có bằng đại học, và thành đạt ở Sài Gòn. Dì sống một mình với người giúp việc, cuối tuần các em gom về quê thăm dì, hoặc thay phiên nhau đem dì lên Sài Gòn chăm sóc. Giờ cái cối xay bột của mẹ tôi được các con dì Năm đặt ở một góc nhà, sạch sẽ và trang trọng, như báu vật. Tôi đã ôm ấp dự định mua lại cái cối xay bột của mẹ tôi từ dì Năm rất lâu rồi, đem về nhà để đó và hoài niệm. Hôm họp mặt gia đình tại nhà dì Năm, trong bữa cơm thân mật, tôi chưa kịp nói với dì Năm ý định của mình thì nhỏ em gái út con dì bước qua ôm cổ mẹ, giọng ngọt ngào:
– Hổm con nghe nói mấy ông mua đồ cổ đòi mua cái cối xay bột của mình hả mẹ? Không nhe, bao nhiêu tỉ con cũng không bán, nó là tài sản của mẹ, của anh chị em con. Không có nó, tụi con không có ngày hôm nay.
Tôi thấy dì Năm cười, nụ cười rất hiền, nhân hậu. Và rồi, tôi huỷ nhanh trong đầu dự định mua lại cái cối xay bột của mẹ tôi, cứ để đó trong nhà dì Năm, thỉnh thoảng tôi và mẹ “ghé thăm” nó cũng được rồi. Giờ thì cái cối xay bột của mẹ tôi nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nó “ở” với ai không quan trọng nữa, trong ngôi nhà lầu khang trang của dì Năm hay ở ngôi nhà cấp bốn có góc hè ọp ẹp như nhà tôi thì giá trị của cái cối xay bột vẫn không thay đổi. Tôi bước ra chỗ để cái cối xay bột của mẹ ngày xưa xoa tay nhẹ lên nó, thấy lòng thanh thản, và thầm, mầy mãi là người thân của gia đình tao, cối đá à!.
5/1/2024
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVua Gia Long và người Pháp 5

Vua Gia Long và người Pháp 5 Chương 18 Olivier De Puymanel (1768-1799) Phần I: Khởi hành Olivier de Puymanel và Laurent Barisy là ha...