Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Tổ ấm bồ câu

Tổ ấm bồ câu

Chín giờ sáng, Chiêm nhìn lên mặt chiếc đồng hồ quả lắc làm theo lối cổ sang trọng. lẩm bẩm trong miệng. Hôm nay là ngày chủ nhật. Đối với Chiêm thì ngày nào cũng vậy, cô chẳng phải làm gì cả. Sở dĩ cô vẫn nhận ra ngày chủ nhật chỉ bởi vẻ tĩnh lặng khác thường của các gia đình hàng xóm. Họ không phải dậy sớm tất bật như mọi ngày.
Ngôi biệt thự của gia đình Chiêm lọt vào giữa một xóm thơ nằm rìa cảng. Trái với khung cảnh của xóm lao động luôn ồn ào, sôi động, ngôi biệt thự nhà Chiêm luôn tĩnh lặng, trừ những ngày Trịnh, chồng của Chiêm, ở nhà không phải theo tàu, còn đâu, ngôi biệt thự chỉ thấp thoáng bóng Chiêm và bà người ở già đi lại.
 Chiêm ăn xong bát phở tái do bà người ở ra phố mua về cho, cô ngả lưng trên xa lông uống nước, xỉa răng. Chán rồi cô uể oải đứng lên, đến bên tấm lịch lốc cẩn thận bóc từng tờ một và nhẩm tính. Thế là Trịnh theo tàu viễn dương đã được đúng một tháng bảy ngày. Chiêm bần thần, thở dài đi ra hiên. Cô nhìn lên chuồng chim bồ câu đặt trên cao ở góc vườn, con chim mái đậu một mình trên nóc chuồng, ủ rũ.Thương nó quá, Chiêm thầm nghĩ. Trịnh ra khơi được chừng nửa tháng thì con chim trống bị bệnh làm sao đó, nó không ăn mà chỉ uống nước mấy ngày liền rồi chết. Từ khi con chim trống chết đi, con chim mái luôn ủ rũ như thế. Nó như người mất hồn, thỉnh thoảng mới mổ đôi ba hạt đậu xanh như thể cầm hơi thôi. Chiêm từng nghe bố Chiêm giảng giải là bồ câu sống với nhau tình nghĩa lắm, nhiều khi còn hơn con người sống với nhau.
 Chiêm cất tiếng gọi: “U ơi, cho bồ câu ăn chưa? U ơi… Quái, lại đi đâu rồi? Chắc là đi chợ!”. Chiêm quay vào nhà, bật ti vi, rồi ngả người xuống xa lông. Màn hình hiện lên lố nhố đám ca sĩ ngoại quốc ăn vận hở hang, nhảy nhót và tiếng nhạc, tiếng gào thét om xòm. Chiêm chẳng thích gì những thứ đó nhưng cô cần có nó, sự hiện diện của những cái mà cô mờ tịt chẳng hiểu gì và còn cho là nhố nhăng nữa, để phá vỡ sự tĩnh lặng đến ngạt thở của ngôi nhà. Cô nhìn vào mặt ti vi song chẳng thấy gì ở đó bởi đầu óc cô để ở tận đẩu tận đâu…
Thế là Chiêm trở thành bà chủ của căn biệt thự sang trọng này được hơn một năm rồi đấy, kể tự khi Trịnh cưới cô làm vợ. Hai người ở cùng một xã nhưng khác thôn. Trịnh hơn Chiêm đến chục tuổi và là bạn học cấp hai với người anh cả của cô. Hai người gặp nhau tình cờ tại một đám cưới của em họ Trịnh với đứa bạn cùng làng Chiêm. Trong đám cưới thì thường người ta chỉ chú ý đến cô dâu, chú rể bởi họ là nhân vật chính của buổi lễ. Nhưng ở đám cưới đó, cô dâu chú rể bị lép đi, bởi đám con trai chỉ chú ý đến sắc đẹp ẩn chứa nỗi buồn trên khuôn mặt Chiêm, còn cánh con gái lại bị vẻ sang trọng, lịch thiệp kiểu trí thức thành phố của Trịnh thu hút.
Hôm ấy, Trịnh luôn để mắt đến cô, còn bản thân Chiêm, cô có loáng thoáng thấy Trịnh song cô không hẳn để ý đến anh ta lắm, bởi trong lòng cô còn chưa vơi nỗi đau mất người yêu. Trước đó hơn nửa năm, Khôi – người yêu của cô ở cùng làng bị cảm và đột ngột mất. Nhà Khôi nghèo khó ở trong làng, bởi mẹ Khôi ốm đau bệnh tật liên miên còn chị gái Khôi tâm thần nên cũng chẳng làm lụng gì. Học hết cấp hai cùng với Chiêm, Khôi ở nhà làm ruộng cùng với mẹ và chị, còn Chiêm học hết cấp ba. Hai người để ý nhau đã lâu, những tưởng không thể bên nhau được nếu Chiêm thi được vào đại học hay trung học chuyên nghiệp. Song Chiêm học cũng chẳng giỏi gì cho lắm nên cô trượt, ở nhà làm ruộng. Hai đứa chính thức yêu nhau, nhưng gia đình Chiêm tỏ vẻ không đồng ý. Chiêm còn chưa ra ngô ra khoai làm sao thì Khôi chết đột ngột. Chết do ham làm.
Hôm ấy là trưa tháng sáu, Khôi vừa cày về dọc đường, người còn mồ hôi mồ kê nhễ nhại thì bắt gặp úi cá ở trong ống xi phông, Khôi liền lao ngay xuống, lặn ngụp bắt cá, bị cảm bò lên bờ mương thì gục hẳn, người làm đồng đưa về đến nhà chưa kịp cấp cứu đã chết.
 Sau trận đấy, Chiêm ngỡ mình quỵ luôn nhưng sức khỏe làm cô chóng hồi phục và dần nguôi ngoai. Và Chiêm trở thành vợ Trịnh như một tất yếu của duyên phận.Trịnh học đại học hàng hải và trở thành thợ máy tàu, rồi lên chức máy trưởng. Con tàu của Trịnh mang tên Cánh Chim Xanh một năm đi vài ba chuyến, chuyến ngắn nhất cũng phải hơn tháng, còn bình thường từ ba đến bốn tháng. Trịnh theo tàu, làm ăn có tiền, mua đất ở mấy gia đình ở xóm lao động này rồi xây biệt thự. Xong xuôi hết mọi việc mới tính chuyện cưới vợ. Khi đồng ý lấy Trịnh, người làng bảo Chiêm là “chuột sa chĩnh gạo”. Thực tình, Chiêm cũng chẳng hám đống của nhà Trịnh, song cô nghĩ, người mình yêu thì không còn nữa, chờ yêu lại thì chẳng biết đến bao giờ, còn lấy người không yêu thì Trịnh còn gấp mấy đám trai làng lam lũ, tẻ nhạt. Sau ngày cưới một tuần ở quê, Trịnh đưa Chiêm về ngôi biệt thự này và khi đó Trịnh cho tổ chức lễ thành hôn lần nữa, mời toàn anh em bạn bè ở cảng và những người cùng tàu. Lễ cưới lại cực kì xa hoa. Ở nhà được một tháng, Trịnh lại phải theo tàu đi xa và trước khi đi, Trịnh về quê bên ngoại đón một bà già cỡ năm chục tuổi lên, nói là em họ mẹ mình, đến ở cùng với Chiêm cho vui và giúp việc nhà được nhận lương hàng tháng. Bà Lúa cũng gọi Trịnh là cháu, xưng dì. Còn Chiêm thì gọi bà Lúa là u, xưng con cho thân mật. Bà Lúa người xương xương, xởi lởi và cũng có vẻ hiền lành, và theo lời bà thì bà chưa một lần lấy chồng. Chiêm tuy có cảm tình với bà Lúa nhưng cô vẫn hỏi kháy Trịnh: “Anh hay đi vắng nên đưa dì mình về đây để giữ gian em đấy à?”.
Trịnh vội phân bua: “Không, không… Em hiểu lầm anh rồi. Có dì Lúa, em có người đỡ đần, lại có người để chuyện trò đỡ buồn. Mới lại, nhà mình có của, em ở nhà một mình, kẻ gian lọt vào thì sao. Có thêm dì Lúa, dẫu gì cũng còn có người này người kia, bớt sợ hơn”.
 Cô thấy chồng nói mãi thì bảo: “Là em nói đùa vậy thôi, chứ em cảm thấy hợp và quý dì Lúa lắm”…
Chiêm đang mơ màng thì có tiếng bước chân người và giọng bà Lúa vang lên: “Con ạ, con chim mái nó chẳng chịu ăn gì cả. Kiểu này thì cũng đến chết mất thôi…
Thật nó cũng như con người ta, cứ vò võ một mình mãi thì làm gì mà chẳng héo hon”. Chiêm chạm tự ái gắt: “U thì chỉ được cái…”. Bà Lúa biết mình nhỡ lời: “Là tao nói cái thân tao ấy… Thôi để hôm nào tao đi chợ, xem có con chim trống nào mua về ghép đôi cho nó… Nhưng mà ghép người thì dễ chứ ghép bồ câu là khó lắm đấy”.
 Chiêm bâng quơ: “Con cũng thấy người ta bảo thế”…
Rồi bà Lúa cũng mua được một con chim trống. Con chim này màu nâu chứ không trắng như con chim mái, và trông nó có vẻ ngờ nghệch chậm chạp làm sao. Nhìn con chim, Chiêm không mấy cảm tình, bảo: “Sao u không mua con trắng mà lại mua con này?”. Bà Luá chửi yêu: “Cha bố cô, lấy đâu ra mà mua, bán chim bồ câu người ta bán cả đôi. May mà có một ông cụ bán con chim trống này, ông cụ bảo là con chim mái của nhà ông cụ chết, đành phải mang con trống đi bán cho người ta thịt. May mà nhà mình lại mất con trống chứ không thì cậu chàng này có mà chui vào nồi cháo”.
 Nghe bà Lúa phân giải, Chiêm cười. Bà Lúa nhốt hai con vào chuồng rồi chốt cửa chặt lại và giải thích cho Chiêm: “Phải nhốt thế này mấy ngày liền để anh chị chàng làm quen với nhau đã, rồi mới thả để anh chị đưa nhau đi kiếm mồi và trình diện làng xóm”. Chiêm thấy vui vui, ôm cổ bà Lúa: “U thạo ghê”. Rồi Chiêm cảm thấy trong lòng trào dâng niềm hứng khởi và cô lôi bà Lúa vào nhà, ăn ngồi xuống bên cô và líu ríu: “U biết không, anh Trịnh con hay đi xa, nên trước khi u đến ở với chúng con, anh ấy mua về đôi bồ câu trắng này và bảo là đôi bồ câu con thêu trên gối cưới được phù phép biến thành thật. Rồi nhà con lại nói là, bồ câu yêu nhau thắm thiết lắm, nên khi nhà con đi xa, ở nhà con cứ nhìn vào đôi bồ câu mà tưởng tượng là hai đứa chúng con vẫn đang ở bên nhau; rằng con ở nhà chung thủy chờ nhà con, và anh ấy ở nơi xa cũng chung tình và giữ gìn vì con”. Chiêm ngả đầu vào vai bà Lúa mơ màng. Bà Lúa vuốt tóc Chiêm và bảo: “Chiêm ơi, con nói hay cứ như hát ý. Dì mừng cho chúng mày”. Chiêm đỏ mặt chối: “Con có biết gì đâu, con là con bé nhà quê chưa được đi xa nhà, là con chỉ nói theo lời anh Trịnh con đấy thôi”. Bà Lúa vỗ về: “Ừ mà thằng Trịnh cũng giỏi”…
Đêm ấy Chiêm mơ thầy chồng về và Trịnh âu yếm, tình tự với cô. Sáng hôm sau Chiêm dậy sớm và thấy sảng khoái lắm. Bà Lúa trêu: “Đêm qua con mơ thấy gì mà cười rúc rich mãi thế?”. Chiêm đỏ bừng mặt. Bà Lúa cười: “Tao biết rồi!...”.
Thời gian sau, hai con chim quen nhau, nhưng để ý, Chiêm thấy con chim mái có vẻ gì gượng ép và nó không hề quấn quýt với con trống nâu. Còn con trống thì vẫn ngơ ngơ thế nào ấy. Một hôm, cho chim ăn, Chiêm phát hiện là hình như một bên mắt của con trống bị kém hay bị hỏng gì đó, còn một ngón chân nó lại bị cụt mất phần móng. Cô nghĩ: “Thảo nào, nàng mái chê ỏng eo nên không muốn gần gũi”. Chiêm tiếp tục quan sát đôi chim ngày ngày và cô phát hiện ra thêm là tuy chúng đi kiếm ăn cùng nhau nhưng bao giờ con mái cũng bay đi trước một lát  rồi con trống mới bay theo và khi về cũng vậy. Con mái cứ hễ về chuồng là chui tọt vào trong, còn con trống thì đậu ở cửa như ngần ngại một lát rồi mới chui vào.Rồi một lần, Chiêm thấy con trống bay đi một mình, cô bèn bắc ghế lên xem thì thấy con mái đang nằm ổ, cô nghĩ, thì ra là cô nàng sắp đẻ trứng. Cô vào nhà, lén nhìn qua cửa sổ chờ khi nào con mái bay ra thì sẽ leo lên xem quả trứng bồ câu nó thế nào. Nhưng cô chờ một lát thì cô chợt thấy một con chim lạ màu trắng từ phía nhà bên bay xoẹt sang đậu ngoài cửa rồi chui nhanh vào trong chuồng. Cô ngạc nhiên lắm nhưng không đuổi mà nhón chân ra ngoài, lắng nghe. Đúng là có tiếng chim gù nhau, rồi một lát con trắng lại chui ra, sau ít phút dùng dằng ở cửa nó bay sang nhà bên và biến mất, nhanh như lúc nó đến. Trông cái dáng to to của nó, Chiêm hiểu đây là bồ câu trống. Con chim mái nhà cô chui ra khỏi chuồng, đứng bên ngoài chờ đón gì đó, và chút sau con chim trống nâu bay về, miệng nó ngậm một cọng cỏ khô. Con mái có vẻ líu ríu khác ngày thường, và hai con chui vào bên trong. Chứng kiến toàn bộ cảnh ấy, tự nhiên Chiêm thấy nao người như phải cảm và cô bỏ vào nhà nằm. Khi bà Lúa đi chợ về, thấy cô nằm im tưởng cô ngủ, rồi không thấy cô động tĩnh lại ngỡ cô ốm bèn đến bên lay gọi, sờ trán. Nhưng không người Chiêm vẫn mát và mắt cô thì mở to nhìn đăm đăm lên trần nhà. Bà Lúa bảo: “Gớm, con nghĩ gì mà im lặng thế làm dì sợ hết hồn tưởng con làm sao. Mày nhớ thằng Trịnh phải không? Ừ nó đi cũng dễ đến ba tháng rồi nhỉ? Chắc là cũng sắp về thôi…Cứ biền biệt như vợ chồng ngâu thế này. Nó khổ mà mày cũng chẳng sung sướng gì con ạ!”.Chiều hôm ấy, Chiêm tắm sớm hơn mọi ngày. Khi còn con gái sống ở quê, cô quen tắm nước giếng khơi, hoặc tắm sông những đêm hè có trăng, nhưng từ ngày lấy chồng, cô toàn tắm nước ấm trong bồn có pha thêm hương liệu đặc biệt do Trịnh mua về từ nước ngoài. Chiêm nhanh chóng thích nghi với lối sống mới và tỏ ra thích thú, rồi có coi việc tắm như một lạc thú. Nằm khỏa thân trong bồn, đèn sáng choang và bốn mặt toàn là gương, Chiêm có thể ngắm thân mình từ mọi phía. Cô kỳ cọ và mân mê từng bộ phận trên cơ thể mình. Bàn chân cô hơi to, và đôi tay cũng thô vì lao động từ nhỏ, nhưng bù lại gương mặt cô xinh, dáng người cô đẹp, các đường cong uốn lượn rất gợi cảm. Nước da cô không trắng bóc mà hơi ngà. Hôm hai người mới đưa nhau về ngôi biệt thự này, đêm ấy Trịnh để đèn trong phòng sáng, cô thì sợ rúm và bắt Trịnh phải tắt đèn nhưng chồng cô kiên quyết không, bảo là một tuần tân hôn ở quê tối tăm rấm rúi, mọi rợ lắm, để sáng thế này mới thấy được thân thể nhau. Cô nằng nặc: “Nhưng mà da em đen lắm”. Chồng cô bảo: “Anh thích da em thế này, cứ như ngà voi tạc ấy. Con gái vùng Nam Thái Bình Dương cũng có nước da như vậy”. Đúng là chồng cô đã nói thế, ngày ấy cô còn non dại chưa biết gì chứ như bây giờ thì Trịnh chết với cô.
 Chiêm mơ màng, thiêm thiếp trong bồn tắm. Cô nghĩ về đôi bồ câu của nhà cô. Ồ.. ai cũng bảo là bồ câu là giống chung tình nhưng nay xem ra không hẳn thế. Phải, cô đã phát hiện ra mặt trái của điều đó. Mình phải theo dõi tiếp xem sao! Mà không biết khi nào Trịnh về, cô có nên kể chuyện này cho Trịnh không nhỉ?...  
Chiêm bừng tỉnh nhỏm người khỏi bồn tắm vì tiếng đập cửa rầm rầm của bà Lúa. Cô đằng hắng mà miễn cưỡng rời bồn tắm, lau người, trước khi mặc quần áo, cô còn nấn ná ngắm thêm thân thể mình trong gương một lần nữa.
Cô bước ra khỏi bồn tắm, rồi sang phòng ăn. Mâm cơm tươm tất đã bày sẵn, bà Lúa lại chửi yêu: “Cha cô, hôm nay cô làm sao mà từ sáng đến giờ mấy lần làm cho u hết cả hồn?”. Chiêm cười: “Hay lắm u ạ. Hôm nay con phát hiện ra một điều lạ lắm. Để rồi hôm nào con sẽ kể u nghe… Có thể u không tin, nhưng sự việc sờ sờ ra đấy, u có thể tự mắt mình chứng kiến”. Bà Lúa lên giọng: “Này… con làm sao đấy hả Chiêm? Mày học ai cái lối nói ỡm ờ thế… Mà này, con gái xinh đẹp như mày là phải cẩn thận, chớ có lớ xớ gì mà chết đấy nghe con”. Chiêm thấy vui vui trong lòng và cô đùa: “Này, u giữ gian cho cháu u đấy à?”. Hai dì cháu cùng cười rồi ăn cơm.
 Những ngày sau, Chiêm tiếp tục theo dõi động tĩnh của lũ bồ câu. Cô cảm thấy mình bớt chán, không những thế mà còn thích thú nữa là đằng khác. Hệt như các nhân vật trong mấy cuốn tiểu thuyết chữ to nửa tình ái nửa trinh thám mà chồng cô lôi về cho cô xem giải buồn, cô thấy như mình đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Việc này khác hẳn với công việc đồng áng cô vẫn làm ở quê trước đây nên cô càng thích thú hơn, trước hết bởi nó lạ lẫm, sau nữa, cô cảm nhận rằng mình đang khám phá chính bản thân mình. Chiêm chuyển từ ngạc nhiên sang say mê sự đột phá trong suy nghĩ của mình… Bà Lúa cũng nhận ra điều ấy ít nhiều song bà không sao diễn tả được, chỉ bảo Chiêm: “Dì thấy con dạo này vui vẻ, hoạt bát lên nhiều chứ không sầu não như hồi thằng Trịnh mới đi, dì mừng cho con, nhưng mà dì cũng lại lo lo thế nào ấy…
 Lo vì cái gì thì chịu”. Chiêm ôm ghì lấy người bà Lúa, cười bảo: “U ơi, lo con bò trắng răng”.Hằng ngày, con chim trống nâu vẫn đi kiếm ăn một mình, thi thoảng con mái mới đi cùng. Và mỗi khi con trống nâu bay đi thì một lát sau con chim trống trắng lạ đến ngay. Chiêm nghĩ, hẳn là chàng trống trắng phải rình ở đâu đó, để khi con trống nâu bay đi là tranh thủ đến ngay. Sau nhiều lần như vậy, Chiêm lén xem trong ổ song không thấy quả trứng nào. Thì ra là nàng ta chỉ vờ rạo rực tìm ổ đẻ nhõng nhẽo và lừa cho chàng trống nâu đi kiếm ăn một mình, ở lại chuồng chờ chàng trống trắng. Rồi một lần, sau một lúc lâu gù nhau ở trong chuồng, con trống trắng vừa mới thò ra cửa thì Chiêm thấy con mái cũng chui ngay ra theo, nó xù lông cổ, mổ lia lia vào đầu vào cánh con trống trắng khiến con này loạng choạng và không hiểu sao. Vừa ngay lúc đó, con trống nâu từ đâu bay về, miệng đang ngậm một cọng rác, nó liền nhả ra, xông vào trợ giúp con mái. Con chim trống trắng hình như đã hiểu ra, nó cũng xù lông gân cổ giữ thế rồi lùi dần và bay đi. Nàng mái rụi rụi đầu mỏ vào cổ vào âu cánh chàng trống nâu tỏ vẻ oan ức, giận hờn lắm. Và từ ngày ghép đôi với nhau, đây là lần đầu tiên, Chiêm thấy con trống nâu âu yếm con mái ngay trước cửa chuồng… Bẵng đi hàng tuần, tuy con trống nâu vẫn đi kiếm ăn một mình song không thấy con trống trắng đến nữa!...Rồi một hôm, trời có dông, sáng hôm sau, Chiêm dậy sớm ra ngoài sảnh, cô nhận thấy chuồng chim bồ câu bị gió xô đứt dây cột lệch hẳn sang một bên trên giá đỡ. Cô gọi bà Lúa ra xem. Bà Lúa bảo: “Dì cháu mình không làm gì được đâu, để dì nhờ cậu Chiến bên hàng xóm sang giúp cho”.
Chiều hôm đó, khi Chiêm vừa ngủ dậy thì bà Lúa đưa vào nhà một thanh niên. Trông dáng vẻ bên ngoài thì có vẻ già dặn, nhưng nhìn kĩ thì Chiêm nhận thấy anh ta cũng chỉ chạc tuổi cô, cùng lắm là hơn cô vài tuổi. Chiêm mời Chiến vào nhà uống nước, nhưng Chiến bảo: “Để tôi làm trước đã. Xong xuôi rồi uống cũng chưa muộn”. Chiến nói rồi thọc tay vào túi lôi ra chiếc kìm, mở cuộn dây thép mang theo, bắc thang leo lên giá đỡ sửa chuồng chim. Thấy động, đôi bồ câu rủ nhau bay lên nóc biệt thự. Chiêm và bà Lúa lúi húi với nhau trong nhà chuẩn bị ít bánh ngọt và đồ uống. Bà Lúa vừa làm vừa nói chuyện: “Cậu Chiến này khá lắm đấy. Con trai có chí thì nên. Nhà cậu ấy nghèo. Học hết cấp ba rồi ở nhà đi làm. Mà có xin được vào đâu đâu. Cậu ấy đạp xích lô và nghe nói vẫn theo học đại học gì đấy. Giá mà… dì có được một đứa con trai như cậu ta nhỉ?”. Chiêm vô tư: “U khôn thế, không chịu lấy chồng, không phải làm dâu, mang nặng đẻ đau cũng không nốt, thế thì u lấy đâu ra con cơ chứ”.
Bà Lúa hơi sững người: “Con rủa dì đấy hả Chiêm?... Nào đâu dì có muốn thế! Số phận nó vậy đành phải chịu…” – bà Lúa thở dài, Chiêm nhận thấy mình hơi ác, bèn nịnh: “U ơi, là con nhỡ lời chứ con đâu rủa u… Vợ chồng chúng con là con của u chứ đâu!... A này… hay u nhận cái anh Chiến này làm con nuôi. Đúng đấy u ạ”. Bà Lúa vui lại: “Cái con bé này hay nhỉ… Người ta có cha mẹ hẳn hoi, việc gì phải làm con nuôi ai, mới lại mình có nuôi nó ngày nào đâu…”. Chiêm hồn nhiên: “Thì con thấy u cứ ước ao mới nghĩ ra thế”…
Chiến xong việc vào nhà cắt ngang câu chuyện của hai dì cháu. Chiêm mời: “Anh Chiến uống gì? Cam, chanh, Coca hay bia?”. Chiến cười mạnh bạo: “Nếu có thể, cho tôi xin ly bia”. Chiêm rót bia và lấy thuốc lá Malboro của chồng ra mời khách. Ngồi đối diện nhau, nhìn kỹ, Chiêm thấy Chiến rất ưa nhìn, dáng khỏe mạnh, da bánh mật, tóc xoăn tự nhiên, mắt hơi nâu, cằm chẻ… Còn Chiến, hình như chàng ta cũng bị hút mắt vào bờ vai để trần trong chiếc váy mặc ở nhà màu vành nhạt điểm những bông hoa lựu đỏ.
Chiêm lấy thế chủ nhà hỏi han: “Nghe dì Lúa tôi khen anh Chiến giỏi lắm!”. Chiến cười: “Bà cụ quý mà khen đấy thôi, chứ tôi con nhà công nhân, bản thân đạp xích lô…”. “Hình như anh đang theo học đại học thì phải” – Chiêm ướm lời. Chiến cười to: “Chị suốt ngày ru rú ở nhà mà chẳng có chuyện gì không biết. Chắc là nhờ tai mắt bà cụ Lúa. Vâng, tôi có theo học hệ đóng tiền nhưng mà vất vả lắm, chẳng hiểu rồi có nên cơm cháo gì không!”. Chiêm cười buồn: “Thì tôi cũng mới hết phổ thông”. Chiến bảo: “Chị cần gì phải học. Nhà có anh Trịnh giỏi giang là khá đủ rồi!... Chị Chiêm này, hình như chị không muốn ra ngoài thì phải, hàng xóm với nhau hơn năm nay rồi mà…”. Chiêm hiểu Chiến trách khéo mình không quan tâm đến hàng xóm, cô cười: “Thì anh cũng mới đến nhà tôi lần này là lần đầu đấy thôi”. Chiến chống chế: “Tôi lại khác… anh ấy thường xuyên vắng nhà, tôi sang không tiện… Nhưng sau lần này, nếu được anh chị và bà cụ đây cho phép thì tôi sẽ năng hơn. Hàng xóm láng giềng, tắt lửa tối đèn có nhau, nhà ta đây có việc gì cần đến cánh đàn ông đàng ang chúng tôi mà cho gọi, giúp được là tôi giúp ngay. Xin bà và chị đừng ngại!”. Chiêm chuyển hướng: “Nhà anh có nuôi chim bồ câu không?”. Chiến bảo: “Có. Tôi thích lắm. Đôi chim trước nhà tôi già cỗi, tôi thay bằng đôi con của chúng, nhưng gần đây không may, con chim mái bị bọn trẻ con nghịch bắn sung cao su làm gãy một bên chân, nay đã khỏi nhưng sinh tật, con chim trống dạo này cứ bỏ đi đâu ấy… Thôi tôi về”…
Bà Lúa và Chiêm tiễn Chiến về, lúc đi ngang qua chuồng bồ câu, Chiêm lén để ý thì không thấy con trống nâu đâu, chỉ mình con mái cứ thập thò ở cửa, và hình như bên trong có tiếng chim gù. Chiêm nghĩ bụng, thì ra con chim trống màu trắng  này là của nhà anh ta. Lúc ở cổng, nhân lúc bà Lúa đứng ở xa, Chiến nói nhỏ: “Khi nào anh ấy về, chị cho tôi gửi lời thăm anh ấy”. Chiêm bảo: “Vâng, tôi sẽ chuyển… nhưng không biết khi nào anh ấy mới về, sợ để lâu quá lại quên mất”. Chiến cười: “Tôi nghĩ là chị sẽ không quên”.Chiều hôm ấy, Chiêm vào buồng tắm sớm hơn mọi ngày…
Buổi tối, Trịnh gọi điện về từ nước ngoài báo rằng máy tàu của anh bị hỏng hóc gì đó, đang phải nhờ phía cảng bạn chữa giúp, Trịnh sẽ về muộn hơn lịch trình ít nhất là nửa tháng. Bà Lúa buồn bảo: “Khổ cho người chờ đợi!”. Chiêm khuấy động: “U ơi, con quen rồi. Nhà con cứ quanh năm suốt tháng như vậy, nếu cứ đợi chờ sầu não thì có mà chết non!”. Bà Lúa bảo: “Ừ, mà cũng phải thế… Mà này, dì thấy hai đứa chúng mày đều khỏe mạnh, cưới nhau hơn năm rồi mà chẳng thấy gì. Hay là chúng mày kế hoạch? Trời ơi, kế hoạch làm gì, đẻ ra một đứa, trai hay gái cũng vui bao nhiêu. Lúc ấy con sẽ bận bịu, không còn thời gian đâu mà đi ra đi vào đâu”. Chiêm khẽ cười: “Con cũng nghĩ thế!... U ơi, tối nay u ngủ chung với con nhé”. Khi hai dì cháu đã yên vị, Chiêm thủ thỉ: “Con muốn có con lắm nhưng mà anh Trịnh bảo con hãy khoan, để vài năm nữa. Anh ấy hay phải theo tàu, đẻ rồi con ở nhà xoay xở làm sao. Có bao nhiêu tiền anh ấy đổ vào xây nhà và mua tiện nghi gia đình hết rồi. Anh ấy bảo đi biển thêm vài năm nữa kiếm thêm chút tiền để dành, lúc đó xin thôi, lên bờ làm và ở nhà phục vụ vợ sinh con… con đành phải nghe theo”. Bà Lúa bảo: “Này con, thằng Trịnh là cháu tao thật, nhưng chỗ đàn bà con gái với nhau, dì dặn cháu là cứ phải cẩn thận, đàn ông nó như cái nơm ấy, bạ chỗ nào có cá nó cũng úp, vợ chồng ăn nằm với nhau là phải giữ gìn, kẻo thằng Trịnh nó rước cái bệnh gì chết người về nhà là khốn. Dân tàu bè là không thể tin được, con ạ”. Chiêm cười: “Con cũng dặn nhà con kỹ thế… Còn chuyện ấy… u đừng lo, nhà con toàn dùng OK”. Bà Lúa ngạc nhiên: “Cái gì?”. Chiêm cười to: “Thôi u ngủ đi, con có nói chắc u cũng không hiểu được… Con buồn ngủ lắm rồi”.
 
Ngày chủ nhật sau đó, bà Lúa bảo với Chiêm là bà đi thăm một người làng sống ở thành phố này đến tối mới về. Buổi sáng, bà dậy sớm, đi chợ mua sẵn thức ăn về cho Chiêm. Buổi trưa, Chiêm ăn qua loa và ngả lưng ngủ. Chợt Chiêm nghe tiếng chuông, cô vội ra mở cổng tưởng Trịnh về, thì ra là Chiến. Chiến rào đón: “Bấm chuông lúc này có phiền chị và bà cụ không nhỉ?”. Chiêm cười, mở rộng cửa: “Mời anh vào! Không có gì phiền đâu. Hôm nay bà Lúa đi thăm người nhà trong phố đến tối mới về, tôi ở nhà một mình đang buồn, may có anh sang nói chuyện”. Khi đã yên vị ở phòng khách. Chiến lôi trong người ra mấy chiếc băng cát sét bảo: “Hôm nay tôi qua để xem cái chuồng chim có bị xộc xệch gì không thì sửa lại, nhân tiện mang cho chị mượn mấy cái băng học tiếng Anh theo giáo trình mới, hôm nọ để ý tôi thấy cái băng tiếng Anh bên chị đã cũ rồi”. Chiêm vui: “Anh Chiến chu đáo quá. Tôi có học tiếng Anh đâu, ở nhà nội trợ cần gì tiếng Anh tiếng em… Là nhà tôi ôn lại đó”. Chiến bảo: “Thế ạ, thật vô duyên cho tôi…Để tôi mang về vậy”. Chiêm gàn: “Ấy đừng, anh để đây cho nhà tôi mượn, chắc anh ấy mừng lắm”. Và rồi câu chuyện hai người bắt đầu, không biết bao giờ dứt. Hết chuyện nọ xọ chuyện kia. Chiêm mang cả chuyện làng nước ở nhà ra kể. Chiến bảo: “Ở quê vui nhỉ! Nhà tôi mấy đời ở thành phố này, không có quê. Bao giờ được theo chị Chiêm về quê chơi đây?”. Cô sung sướng: “Ừ nhé… Thế mà anh Trịnh nhà tôi chẳng thích về quê. Mấy lần tôi bảo về thăm cụ, anh ấy cứ kêu bận, tôi toàn phải đi một mình”. Chiến reo: “Vậy thì tôi sẽ làm hộ vệ cho chị về quê”…
Mải vui, Chiến uống luôn miệng, hết bay ba hộp bia. Hình như chàng ta ngà ngà! Chiêm bảo: “Tôi thấy bức quá. Anh Chiến cứ ngồi đây uống bia, tôi đi lau người một lát”. Cô nói và đứng ngay dậy, nhưng không hiểu sao cô dẫm trượt guốc, ngã chúi người xuống, Chiến vội vùng ngay dậy đỡ lấy. Và thế rồi, Chiến ôm ghì lấy người cô, lắp bắp vừa nói gì đó, vừa hôn vào miệng, vào đôi bờ vai trần của cô. Chiêm lịm đi trong cánh tay Chiến, nhưng khi bàn tay Chiếng lần tìm trên chiếc váy của cô thì ý thức tự vệ của người đàn bà có chồng trỗi dậy trong cô và cô dùng sức đẩy Chiến, vùng người khỏi vòng ôm của anh ta. Chiến ngã ngồi xuống sa lông, mặt đỏ rự, miệng há ra không thành lời. Chiêm hổn hển: “Anh về đi, kẻo tôi kêu lên bây giờ… Mang theo cả mấy cái băng của anh nữa”. Chiến tái mặt: “Tôi, tôi… xin lỗi…”. Chiêm đanh mặt: “Anh không có lỗi gì cả… Tất cả là do tôi. Thôi anh về nhanh đi, và đừng bao giờ quay trở lại!”.
 Chiến nhìn cô chằm chằm một lát rồi bảo: “Xin vĩnh biệt! Tôi nhầm… Cô mở cổng cho tôi chứ”. Chiêm cầm chùm chìa khóa đi nhanh ra cổng, cô vấp chân mấy lần. Khi Chiến ra khỏi, Chiêm đóng cổng lại rất nhanh, khóa vào và khi đó không gượng được nữa, cô tì lưng vào cánh cổng sắt, từ từ quỵ xuống. Người cô rung lên và những giọt nước mắt ứa ra. Cô thấy trước mặt mình một bóng người, không phải Trịnh mà là Khôi…
Tối sẩm hôm ấy bà Lúa mới về đến nhà. Không thấy đèn sáng ở sảnh, bà mở cửa vào nhà, trong nhà cũng tối om. Bà Lúa bật điện và gọi. Thấy tiếng Chiêm hậm hự trong phòng ngủ, bà bổ vào sờ trán: “Thôi chết rồi, con sốt cao rồi… Khổ thế, dì đi vắng có một ngày… Biết làm thế nào bây giờ? Hay là con để dì đi gọi thằng Chiến mang xích lô chở con vào bệnh viện”. Chiêm gào lên: “Không! Con không cần! Con đã uống thuốc rồi, lát nữa sẽ hạ sốt… U nấu cho con nồi cháo”…
Chiêm ốm đến hàng tuần mới khỏi hẳn. Suốt những ngày ấy cô không ra khỏi nhà. Bà Lúa cứ loanh quanh bên cô. Bà rền rĩ luôn miệng: “Lần này thằng Trịnh về, dì sẽ bảo nó, vứt cha nó tiền của đi. Thế là đủ rồi. Biết bao giờ cho vừa. Ở nhà mà sinh con đẻ cái”.  
Chiêm phải gàn: “Thôi u ơi, u cứ ca cẩm thế con nhức đầu lắm. Bây giờ u chạy ra chợ mua cho con ít cam tươi. Con tự nhiên thèm nước cam lắm”. Bà Lúa mừng quá, vội xách làn ra chợ. Còn lại một mình, Chiêm ra sảnh ngồi. Cô nhìn lên chuồng chim bồ câu thấy vắng tanh, cô tự hỏi: “Không biết chúng nó đâu cả rồi”. Cô đang rẩm riu như vậy thì nghe thấy tiếng cánh vỗ, đôi chim bồ câu vút qua trước mặt cô đậu xuống bậu chuồng. Xem kìa, con mái trắng bay cùng con trống nâu. Thằng quỷ trống trắng đâu? Chắc nàng mái đoạn tuyệt hẳn với nó rồi. Bây giờ, đôi anh chị này bén hơi nhau rồi chắc?!
Đôi chim lại rủ nhau bay đi. Chiêm nhìn theo cười lơ đãng. Cô nhớ về quê nhà. Không biết lúc này thầy u và các em ở nhà đang làm gì nhỉ? Rồi Chiêm tìm hướng đông, rõi mắt nhìn về chân trời phía xa, nơi ấy, ngoài những nóc nhà lô xô, xa xa nữa là biển…!.
5/1996 
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...