Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Trám bùi còn rụng

Trám bùi còn rụng

Quả trám bỏ vào bát dọn ra trong bữa cơm nóng mùa mưa, gắp quả tràm lên, tách đôi phần thịt om mềm phía ngoài, hai nửa quả trám trông như chiếc cốc tí hon xinh xinh, xúc đầy chẻo vào mà cho vào miệng thì chỉ chết cơm…
Tháng tám về trên mảnh đất miền Trung yêu dấu, mảnh đất nắng lắm mưa nhiều. Nghe đài dự báo cơn bão số 2 sắp vào đến đất liến, những trận mưa trắng trời trắng đất sẽ đến trong ngày một ngày hai. Đang miên man trong dòng suy nghĩ, bất chợt một trời kỉ niệm ùa về, nhớ những ngày tháng tám thuở xa xưa… Thuở ấy, những khu vườn ở xóm Bưởi chúng tôi hầu như nhà ai cũng có cây trám, thứ cây gắn bó với gia đình tôi, với những người bạn. Trám bùi thơm cả tuổi thơ tôi…
Nhà tôi nơi đỉnh đồi, đất khô cằn đá sỏi. Không hiểu sao nơi ấy lại có loài cây xanh tốt vươn cao đến vậy. Cây trám sau nhà cứ toả bóng sum suê che mát cả khoảnh vườn. Chúng tôi không biết bao lần ngửa mặt lên tán lá xanh mà say mê tiếng chim hót ríu ran. Nơi ấy biết bao loài chim về làm tổ. Nơi ấy biết bao lần lũ chim đánh lộn xao xác, ầm ĩ cả lên… Và hơn hết là những ngày tháng tám, nhất là sau trận mưa kéo dài thế nào chúng tôi cũng rủ nhau ra vườn, nhìn kĩ quanh gốc ây trám già, bới từng lùm cỏ non xanh để tìm thứ trái cây màu đen, da bóng láng. Thứ quả có mùi thơm rất đặc biệt.
Tôi chẳng biết làm thế nào để diễn tả được mùi thơm rất riêng, rất riêng của quả trám. Chỉ biết tôi từng say sưa hít hà thứ mùi vị quê hương ấy. Cảm nhận mùi hương nhưng không quên đưa thứ quả như quả nhót màu đen ấy vào miệng, hơi cứng và chan chát nhưng không sao, nó vẫn là thứ quà quê của chúng tôi, thứ quà đã theo suốt cuộc đời tôi, thứ quà mà mỗi tháng tám về là những kỉ niệm lại ùa về như thước phim quay chậm, những kỉ niệm của những ngày thơ ấu lại mồn một hiện ra.
Nhớ những ngày đi chăn trâu cùng các bạn Hương , Hồng, Mùi, Bé… Những ngày mưa chúng tôi không chăn thả nơi Đồng Côi quen thuộc. Lẽ đơn giản là trâu bò không thích ăn cỏ nơi có những vũng nước đọng nên nó cử nghển cổ lên ngắm trời đất và rủ nhau… đi tản bộ. Trâu bò vẫn kẹp lép hai cái hông, nhưng quan trọng nhất là khi nó chạy như thế chúng tôi không được chơi sậm chơi sụi với nhau. Đó là lí do chúng tôi lùa trâu bò lên chân núi. Ở đó chúng tôi thoả thích chơi đùa.
Kìa, đoá bông trang đỏ lấp ló sau bụi mua um tùm. Chùm sim tím cuối mùa quả tròn căng mọng. Bước chân chúng tôi lại tìm đến gốc cây trám cổ thụ bên đường. Vẫn là những hành động quen thuộc, đứa nhìn lên cây  từng chùm quả đang lắc lư trong gió, trong đầu đang mơ tới phép màu chùm quả bỗng dưng rụng xuống, nhưng sự thật là quả trám có giống với quả thị đâu mà dễ dàng rơi như thế. Mơ mãi chỉ là mơ nên đành căng mắt ra mà tìm quanh gốc, bàn tay tỉ mẩn rẽ từng đám cỏ để rồi cả đám cùng sung sướng khi một đứa bạn trong xóm reo lên: A, có quả đây này. Nhất tề cả đám không ai bảo ai đều dừng lại nhìn vào chỗ đứa bạn vừa hạnh phúc  reo lên.  Chẳng cần chấm muối, mỗi đứa cắn một tí. Bữa tiệc tuổi thơ của chúng tôi đơn giản chỉ vậy thôi.
Những ngày tháng tám, mẹ thường om trám vườn nhà làm thức ăn cho chúng tôi. Thứ quả này khi chế biến cũng khá cầu kì. Đầu tiên là khâu om trám. Người nào chưa quen có khi phhải đỏ đi trong sự nuối tiếc vì chưa kịp thưởng thức đã phải nhanh chóng phi tang. Nước om trám chỉ nóng vừa, cách đơn giản là phải đưa tay thử trước, nước hơi nóng khiến ta khó chịu một tí là phù hợp. Thứ quả này rất lạ. Nếu nước không nóng thì nó cứng  như đá vậy còn nếu nóng quá thì nó cứng lại, nước càng nóng nó lại càng trơ lì. Nếu nước không nóng thì còn có cách chữa đơn giản là cho nó nóng thêm một tí, đổ trám vào om trong chừng hai mươi phút, lúc ấy quả trám mềm ra.
Cách thưởng thức mà tôi thích nhất là ăn trám với chẻo lạc. Thơm. Bùi. Béo. Ngậy. Thật thích. Quả trám bỏ vào bát dọn ra trong bữa cơm nóng mùa mưa, gắp quả tràm lên, tách đôi phần thịt om mềm phía ngoài, hai nửa quả trám trông như chiếc cốc tí hon xinh xinh, xúc đầy chẻo vào mà cho vào miệng thì chỉ chết cơm.
Sau bữa cơm với trám chấm chẻo tôi chén no căng,  mẹ  thường om tiếp bằng cách khá cầu kì. Mẹ đổ nước đã om thay nước lạnh mới. Đổ ngập chỗ trám còn lại, lúc này vô tư đun lửa, nước sôi mẹ bỏ muối, và khi trảm trám bắt đầu săn lại mẹ cho thêm mì chính rồi một ít lá chanh thái nhỏ. Nồi trám nấu mặn sẽ để được lâu hơn, là món ngon trong những ngày mưa rét. Nồi trám om nổi sao, trông như lớp mỡ mỏng, đó là trám nếp ngon bùi phải biết. Mỗi bữa chỉ cần gắp một bát con là đủ. Hạt trám lại được gom vào một chỗ, ít hôm sau chúng tôi  lại có bữa tiệc khi hạt được chặt đôi, lấy chiếc tăm khều nhân ở giữa nhâm nhi.
Bao mùa con học xa, tháng tám về , năm nào cũng vậy, mẹ om trám gửi cho con… Nay trám đã vào mùa mẹ ạ, nhưng  mừa trám này chúng con không còn mẹ, mẹ của con đã về cùng ông bà, tiên tổ. Mẹ hoá làn mây trắng. Mẹ về với xa xanh. .. Con nhớ  thương mẹ nhiều hơn, mẹ của con ơi.  Tháng tám này cũng là tháng bảy âm lịch, sắp đến ngày kị lớn nhất trong năm ở nhà cậu mự. Ông bà đã đi xa, cậu  về trời  cũng đã bốn năm, hôm qua mự cũng đã trút hết mọi muộn phiền, đau đớn. Mẹ có gặp mự ở nơi xa ấy không hả mẹ? Con nhớ ngày kị hàng năm, khi mự còn khoẻ, trong mâm cơm không thể nào thiếu món trám om. Có lẽ, món quê ấy chính là món ông bà từng thích bởi con biết khi cảnh nhà khấm khá hơn vẫn không bao giờ vắng món trám thơm bùi.
Món trám nay đã trở thành đặc sản, người ta đua nhau trồng loại trám lùn, cho quả sau khi trồng chỉ khoảng vài năm. Đã vắng bóng những cây trám cao vút vươn lên trời. Trám đã rộ mùa mẹ ạ. Sáng nay, con mua được mớ trám nếp thật ngon. Con chỉ ước được chạy ù  mang sang  mời mẹ. Mẹ ơi! Trám bùi còn rụng…? Mẹ yêu ơi!.
11/8/2022
Vương Xoan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...