Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Vì đó là tổ quốc của tôi mà

Vì đó là tổ quốc của tôi mà!

Trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc được tôi thai nghén từ thời gian nằm bệnh viện điều trị một tai nạn giao thông rất nặng ở Đà Nẵng năm 1978. Nhưng tư liệu thực địa tôi sưu tầm lại bắt đầu từ năm 1977, khi tôi chưa bị tai nạn.
Đi cùng người bạn thân của mình là anh Nguyễn Văn Đồng, hai chúng tôi về Vàm Láng, Gò Công, thăm lại “Đám lá tối trời”, nơi từng là chiến khu của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định. Ngày chúng tôi đi xe lam về Vàm Láng, khu rừng dừa nước này còn xanh mịt, đúng với biệt danh “Đám lá tối trời” như thuở Trương Định ém quân chống thực dân Pháp.
Buổi chiều, gió mạnh thổi rít qua rừng dừa nước, những tiếng xạc xào như tiếng bơi xuồng của những nghĩa quân Trương Định từ Cần Giờ cắt ngang sông Soài Rạp sang Vàm Láng. Cảnh tượng thật hùng vĩ. Tôi đã vận động toàn bộ cơ thể mình để cảm nhận những ấn tượng này, vì tôi cảm giác rất rõ, mình sẽ viết về trang lịch sử đứng vào hàng đau khổ và tự hào nhất của Tổ quốc mình, trang lịch sử của những người dân mộ nghĩa đứng lên đầu tiên chống Pháp xâm lược trên mảnh đất Nam Bộ, mảnh đất của những lưu dân từng vào đây khai rừng mở cõi. Và không hiểu vì sao, khi viết tới đoạn thơ đầy cảm xúc khổ đau này, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh của nụ cười người dân Việt, và hình ảnh chiếc lưỡi cưa dài mảnh tượng hình đất nước tôi “cưa mãi vào biển cả”.
Vừa mới đây, khi một nhà thơ bạn tôi viết một “tút” trên facebook của anh về cuộc viếng thăm “Hai nhà văn đất Quảng” là nhà văn Nguyên Ngọc và tôi, thì có comment của một bạn hỏi:
“Xin hỏi Thanh Thảo có phải là nhà thơ đã viết 2 câu thơ rất hay & rất thương cảm này không: “Nước Việt Nam mảnh như một lưỡi cưa/ Cưa mãi vào biển cả”!? Hai câu thơ đó đã được đọc lên khi kết thúc một bài giảng về tình yêu Tổ quốc, một học sinh của tôi vốn con của một Thứ trưởng đã thốt lên: “Cô ơi! Có lẽ Tiếng Việt là thứ tiếng hay nhất trên thế giới!”. Bây giờ em đã sang Pháp và trở thành một Luật gia và vẫn nhớ về đất nước.
Tự nhiên đọc đoạn comment này, tôi chợt nhớ lại thời gian mình đã trăn trở viết trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, vì hai câu thơ bạn dẫn ấy của tôi nằm trong phần mở đầu của trường ca này:
“cho hiểu vì sao dân tộc tôi giữ lại
nụ cười
sinh trên dải đất dài mảnh như lưỡi cưa
cưa mãi vào biển cả”
Suốt cả năm 1978, tôi đã nằm trên giường bệnh đọc những quyển sách những tài liệu viết về thời chống Pháp đầu tiên ở Nam Bộ, về Trương Định và Nguyễn Đình Chiểu, một lãnh tụ lẫm liệt của nghĩa quân và một nhà thơ mù vĩ đại vì tác phẩm Lục Vân Tiên và những tác phẩm thơ yêu nước, đặc biệt nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – một kiệt tác thơ yêu nước.
Cuối năm 1979, khi về định cư tại Quy Nhơn, tôi đã tập trung viết trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, và đã hoàn thành trường ca này vào năm 1980. Đó là bản trường ca khiến tôi rất ưng ý, không chỉ vì nó tái hiện một quãng lịch sử đặc biệt nhiều xúc cảm đau đớn của đất nước mình, mà nó còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt yêu nước, trong đó có niềm tự hào của tác giả bản trường ca.
Bao nhiêu năm qua, tôi cũng đã viết được mười mấy bản trường ca, nhưng mỗi khi đọc lại, thì trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc vẫn khiến tôi xúc động. Đặc biệt khi viết chương Người hát rong tôi đã nghĩ ngay tới hình ảnh nhà thơ mù Đồ Chiểu, và những câu thơ như nghẹn lại:
“người hát rong cúi xuống cây đàn
rồi ngước nhìn thật chậm xung quanh
tưởng như anh đang điểm từng
khuôn mặt
tưởng như họ với anh đang nhìn nhau
tận mắt
dò hỏi nhau một tiếng trả lời
anh ôm đàn tới đây không để bán
âm thanh
hay mếu máo nụ cười
mua chút lòng thương hại
sau những đòn cay nghiệt cuộc đời
anh không chịu cho dây đàn tê dại
chỉ hát lên nỗi khổ riêng mình
bài hát anh có mùi thơm rau mồ om đất
tiếng đàn rè rè
kiên nhẫn như cỏ mọc
hoang vu ngọn gió đồng bưng
những đám lửa mùa khô lồng lộn
giáo mác dựng cùng sậy đưng
có gươm khua sấm rền đám lá
buổi chiều âm trầm nhịp tù và đổi nước
có người vợ thắp đèn đợi chồng
có người mẹ trẻ cho con bú
nôi đưa ngờm ngợp triều lên
anh tin giọng hát mình
với lời ca bằng gỗ
cung bậc của gió
sức sáng dòng nước
và nụ cười khiêm nhường
nụ cười muốn dấu đi cả một đời lận đận
những thua thiệt những đổ vỡ
bão lụt mất mùa giặc giã triền miên
cho hiểu vì sao dân tộc tôi giữ lại nụ cười
sinh trên dải đất dài mảnh như lưỡi cưa
cưa mãi vào biển cả
sinh trên cây đàn đá
rung bên miệng núi lửa”
Nếu có ai hỏi, vì sao người Việt Nam cứ trào lên niềm xúc động mỗi khi nói về đất nước mình, thì câu trả lời sẽ rất giản dị: “Vì đó là Tổ quốc của tôi mà!”.
30/8/2023
Thanh Thảo
Nguồn: Văn Nghệ số 32/2023
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...