Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Vọng tiếng kèn dủ dẻ

Vọng tiếng kèn dủ dẻ…

Chiều rụng. Đó là một chiều xuân già nắng vương vãi óng vàng. Phía trời tây vài ụn mây đủ hình hài nhởn nhơ. Vành trăng chiều thanh mảnh nhợt nhạt như lưỡi liềm ai đó bỏ quên bên trời. Con gió nhẹ mơn trớn làm bông hoa dâm bụt đưa mình lắc lư trước ngõ. Có tiếng kèn lá của đứa trẻ nào đó thổi. Tích… te… te… te… te…. Cái âm thanh kèn lá dủ dủ nghe ấm quá, chợt sống lại ngày xưa với những kỉ niệm cũ càng.
Cái chân đen nhẻm mà hồi mô má hắn cũng kêu “mang dép vô, chưn đen như chưn quất”, cái đôi chân ấy cứ nhảy cà tưng trên con đường mòn nhỏ nhỏ đầy đá sạn. Hai bên bờ đường rậm những cây bụi, thỉnh thoảng khép nép vài ba lùm dủ dẻ. Cứ những ngày xuân phai dần, cái nắng trưa thơm giòn mùi thuốc bắc của cây lá bà nội góp trở mình, lúc ấy thì chiều đổ. Quanh bờ rào, đường đi, vườn lối xóm… lại thơm phức mùi bông dủ dẻ. Cứ tầm chạng vạng, sau khi tắm rửa thì anh em hắn với mấy đứa cùng lứa lối xóm chạy quanh lùng sục mấy bụi dủ dẻ ở bờ rào. Cây nào gần nhà thì xí phần để đó, cây xa hơn thì hái những bông nở.
Những cánh hoa cứng màu mỡ gà mới chiều trước còn cum cum giữ phần nhụy bên trong thì chiều ni đã xòe rộng cánh. Cánh lớn như che cánh nhỏ bên trong. Cái thứ cây kì lạ. Dù gò khô nắng cháy, dù đất sỏi chai sạn bạc màu nó cũng xanh lì lợm. Thân rắn rỏi. Rễ cứng cáp dẻo dai len lỏi trong mớ đất đá để chắt chiu dinh dưỡng nuôi cây. Bông cũng lạ kì. Chỉ thơm tầm chạng vạng. Trước năm giờ chiều đố biết bông nào sẽ thơm. Và sau tám giờ thì tìm chẳng được mùi thơm của bông nào nữa. Trong tầm hơn hai giờ đồng hồ đó, bông gắng gượng phả toàn bộ mùi hương vào không khí yên bình chiều quê xóm núi. Để qua đêm ni thôi thì cả nhụy và cánh hoa lấm tấm hạt đen rồi rụng đi. Thêm một điều kì lạ nữa là đố ai có thể hái bông dủ dẻ về mà ủ cho thơm. Mặc dù chiều ni bông ấy sẽ thơm, nhưng nó chỉ thơm duy nhất khi còn trên cành. Còn nếu hái về trước năm giờ thì đừng mong nó tỏa chút hương nào cho kẻ ham hố.
Cái ly trên bàn học thường úp một vài bông. Thi thoảng khẽ he hé ly. Mùi thơm dịu lan tỏa ra bàn, ra phòng học. Năm mười giây rồi úp lại mà còn học bài. Giải lao giữa giờ, anh chị em chơi trò quay cù. Mỗi đứa một bông. Ngón giữa và ngón cái cầm phần cuống hoa và xoay vòng mạnh ném hoa ra giữa bàn. Những cánh hoa cân xứng xoay tròn tít trên phần cuống làm chân đỡ. Bắt đầu đếm một… hai…. ba…. cù hoa của đứa nào quay lâu hơn sẽ thắng. Phần thưởng là một trận cười hoan hỉ.
Chiều chiều, khi nắng xuân chớm sang hè, đó là những chiều êm nhất, đàn trâu gặm cỏ yên hơn. Trên những bờ rấp, triền đồi, bờ rào… từng đứa lò dò ngửa cái nón cời bung vành mốc cợi. Khép nép mình trong bụi lá xanh, từng chùm dủ dẻ chín căng mọng, vàng tươi. Người ta thường ví von “múp như trái sim” nhưng dủ dẻ nào kém. Năm bảy đứa nhóc, đứa nào cũng ngửa lưng nón cời dủ dẻ, mua, sim… Xúm xít nhau chia ăn. Lột lớp vỏ mỏng tang vàng ươm, phần cơm trắng lộ ra. Bỏ vào miệng mà chiếp, mà mút. Cái hạt đen tuyền trơn tru mới nhả ra.
Lại xúm xít rủ nhau quấn kèn dủ dẻ. Lá dủ dẻ cuộn tròn thành những cái kèn be bé. Cắn đầu kèn và bóp dẹp. Thổi kêu toe… toe… tích te …Có đứa thổi phù phù mà không kêu lại đi bứt lá khác mà quấn. Lại có cái kêu dở quá nên bỏ đi, quấn cái nào kêu ưng ý mới thôi. Bẻ cây gai găng ghim cuống kèn cho lá khỏi sổ ra. Lại đi tước lá dứa quấn phụ vào cho cái kèn to như cây tù và. Cả chục cái kèn không cái nào giống cái nào về kích thước về âm thanh. Chiều. Đàn trâu lững thững về. Dọc đường rộn vang, không phải tiếng sáo diều mà là tiếng kèn lá dủ dẻ.
Có lần xuống chợ thấy người ta treo kèn nhựa đủ màu sắc. Cu cháu đòi má mua cho bằng được. Về nhà thổi toe… toe… tích… Dăm bữa ngán vì cu hàng xóm có cái giống hệt. Rồi ném vào góc nhà, con chó con tha gặm ngoài sân chẳng buồn ngó. Có lần lại thấy một bà mẹ dắt tay đứa bé. Cu nhỏ chèo chẹo khóc đòi mua cái kèn đỏ. Bà mẹ dỗ dành “đồ nhựa độc hại, ngậm dô miệng chẳng khác mô nuốt hóa chất”. Nó nghe đồ độc hại, hóa chất là nín bặt, mặc dù chẳng biết hóa chất là gì, mặc dù vẫn ánh mắt thèm thuồng khi bước đi mà còn ngoái đầu nhìn lại.
Mấy chị sinh. Má biểu đi đào dủ dẻ về phơi rồi sắc nước cho chị uống. Cầm cái cuốc tới từng bụi mà tiếc. Đi vòng về được dăm gốc. Má kêu răn có nấy nhiêu. Nói láo là bụi mô cũng đá cứng đào không được. Kêu bảo anh rể về vườn ảnh mà đào.
Có hôm quấn cái kèn dủ dẻ về cho đứa cháu. Nhìn nó cà tưng vừa nhảy vừa thổi toe… tích… toe… te… mà tự nhiên thấy sống lại những ngày thơ ấu. Như mình lượm lại được mình. Bà chị không cấm vì sợ cái kèn hóa chất độc hại. Nó thì vui hí hửng. Rồi sẽ tiếc nuối nhanh thôi khi ngày mai cái kèn sổ một đống lá vì lá héo queo. Ừ thì cuộc đời có hoan hỉ có tiếc nuối thì con người ta mới níu giữ được kí ức khi mọi thứ đều dần bị bụi thời gian mờ che phủ.
Những chiếc kèn lá dủ dẻ rồi sẽ héo, sẽ sổ đi chỉ còn lại đống lá; những bông hoa dủ dẻ chỉ phả hương một đêm; và những trái dủ dẻ vàng óng kia rồi cũng sẽ dần hiếm đi… nhưng những kí ức thì mãi ở lại trong tiềm thức của mỗi người. Ai đã từng đi ngang qua quá khứ với niềm hạnh phúc đơn sơ ấy, chắc hẳn trong phần hồn mình vẫn mãi thơm mùi dủ dẻ khôn nguôi.
6/8/2022
Thanh Tuân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...