Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Tản văn của Vàng Ly: Mùa no ấm

Tản văn của Vàng Ly: Mùa no ấm

Khi cuốn lịch của năm đã bóc đến gần một nửa, ta đột nhiên thấy những vì tinh tú trong đêm trở nên lung linh lạ thường; sáng thức dậy khi loa phường vừa phát nhạc hiệu, thấy bầu trời trong veo như quả trứng vỡ, lòng đỏ lấp ló ở đằng Đông. Ấy chính là khi ta phát hiện ra đất trời đang bước vào mùa hạ.
Nếu mùa hạ cứ dịu dàng như lúc nó bắt đầu thì tốt biết mấy, nắng sẽ không làm cho khô người, cây héo, làm cho con suối cạn nước, muôn vật lẩn trốn. Nhưng mùa hè là lúc cho mẹ thiên nhiên thỏa sức làm phép trên thế gian. Ngài hả hê nung nóng trái đất từ sáng sớm đến chiều muộn, từ ngày này qua ngày khác. Rồi ngài lại hào phóng quá mức khi xoa dịu mặt đất bằng những cơn mưa tầm tã, dầm dề, mưa kéo dài cả tuần, cả tháng, cho đến khi muôn vật sống dậy, con người lại nhớ nắng.
Ngày tôi còn bé, mẹ tôi thường hay bảo: “Người giàu thích mùa đông, người nghèo mong mùa hạ”. Lúc ấy tôi chẳng hề tin: nhà tôi nghèo lắm, nhưng tôi nào có thích mùa hè! Tôi rất sợ những ngày dài rát nắng trên lưng trâu. Lớn lên, tôi nhận ra mỗi khi hè đến, nhà tôi không phải ăn cơm độn khoai sắn, chúng tôi ít buồn hơn khi nghĩ về áo quần, giày dép; sau mỗi buổi lội ruộng, gót chân mẹ không còn bị nứt toác, chảy máu và bà tôi có thể rời xa bếp củi để ngồi làm việc bất cứ đâu trong nhà. Lúc ấy tôi mới hiểu câu nói của mẹ, mới thấy mình yêu mùa hè. Tôi mong mùa hè như khao khát về một cuộc sống ấm no mà chỉ có mùa hè mới mang lại cho chúng tôi khi ấy.
Cái mùa ấy, cái mùa mà người dân quê tôi được sống no ấm bắt đầu vào mùa gặt. Khi những chùm hoa nhãn rớt rụng ngoài vườn, để lấp ló trên ngọn cành những trái nhỏ li ti và mùi bọ xít thoảng bay khắp trong sân, ngoài ngõ, những người phụ nữ tất bật đi từ ngoài đồng về hớn hở bảo nhau: “Sắp được ăn rồi bản mình ạ!”. Bấy giờ, nắng đã bắt đầu vàng ruộm vào giữa trưa, cánh đồng lúa mênh mang một thảm vàng, xanh đầy hứa hẹn. Nước đã vơi cạn trên những thửa đất lầy, những mầm xanh được đất nuôi dưỡng vươn cao thẳng tắp, trổ từng đùm sữa non nặng trĩu, thơm lành. Tinh tuý của đất trời được nắng và gió hong khô, đọng thành từng hạt vàng, gối đầu vào nhau chúi mình hướng về nguồn cội.
Một buổi sớm, khi cây lá còn vương vấn sương đêm, những giọt sữa non đã đọng thành viên ngọc trắng sau lớp áo gai vàng, từng đoàn người ríu rít chân ủng, tay liềm nối nhau ra đồng ruộng. Mặt trời lên khi mảng vàng trên thung lũng đã được tô lẫn bởi những nét màu nâu của bùn đất. Những đôi tay trơn rịt mồ hôi vẫn tất tả đưa lên đặt xuống. Trong gió hanh, tiếng nói cười hoà trộn với tiếng lưỡi liềm cứa vào gốc lúa sắc lẹm, tiếng rì rào của những bông lúa xô ngả vào nhau và tiếng thùm thụp, lách tách khi những bó lúa đập vào thùng gỗ tẽ rơi những hạt chắc mẩy. Bên thùng đập lúa, mấy anh chàng vui tính vô tư ghẹo trêu một thiếu nữ lạ từ bản bên đến gặt giúp người nhà. Cô gái cắm cúi gặt mà hai bên má đỏ như quả gấc chín. Giữa buổi công, người ta đãi nhau bằng những thức quà dân dã của miền sơn cước: đây đào má đỏ, mận chua chấm muối, kia nắm cơm với chút lạc vừng. Những ánh mắt, nụ cười giúp những người xa lạ trở nên quen biết, tình cảm xóm làng ngày càng thắt chặt.
Làm sao tôi quên cũng tại khung cảnh ấy, tôi chính là đứa bé hớt hải địu em trên lưng chạy ra đồng tìm bầu vú mẹ. Đến tuổi thiếu niên, tôi thường mang theo chiếc màn cũ để cùng mọi người tóm lấy vựa lớn bọ xít về rang – món côn trùng khoái khẩu đã góp vào mâm cơm đạm bạc một chút vị ngọt bùi từ đồng ruộng.
Ngày gặt, nhà chẳng còn gì mẹ cũng phải cố vay tiền đong gạo. Bữa cơm đãi khách toàn một màu xanh, may chăng có đĩa thịt, lũ trẻ con tranh nhau gắp, người lớn ngượng cười vì chẳng nỡ mắng đàn con thiếu thốn quanh năm.
Những ngày sau gặt, nắng như rực hơn vì màu vàng của lúa tô kín bức tranh thôn bản. Những người nông dân hì hục phơi mình dưới nắng, mồ hôi như mưa trút xuống, khuôn mặt đen đúa ngước lên nhìn trời. Thóc lúa cùng người lăn lộn trong quy luật tồn tại. Những hạt mẩy trải qua bài sát hạch của gió là phần thưởng đắt giá cho người lao động cần cù, chắt chiu.
Một năm lúa mới chỉ đến có hai lần nên mùa đói kéo dài lắm. Nhưng khi có thóc mới người ta vẫn chưa vội thưởng ngay. Thóc gạo mới phải được dâng lên tổ tiên trong lễ Cơm mới rồi con cháu mới được ăn. Sau nén hương xin phép  thụ lộc, mâm xôi mùa mới được đem vào cối giã để làm bánh giày. Nhà chẳng có nhiều ruộng, cha mẹ tôi thường cùng ông bà và các cô, bác làm chung nhau một lần lễ. Khi những người đàn ông trong nhà đang dùng sức mạnh cơ bắp nện xuống máng gỗ từng nhát chày dứt khoát, những người phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh, nấu và giã nhuyễn đậu mèo để làm nhân. Cái vỏ bánh quánh dẻo, thơm lừng hương nếp và thoang thoảng hương lá dong; phần nhân ngọt ngọt, mặn mặn, cay cay vị gừng nhưng cũng thật thanh đạm, vừa ý. Chỉ thế thôi mà đến tận bây giờ, dù có bao nhiêu thứ bánh cầu kỳ, trong lòng tôi vẫn chẳng có hương vị nào sánh nổi với chiếc bánh ấy.
Buổi sáng thức dậy sau trận mưa đêm ồn ã, lấp ló bên trong đống rơm cháy dở những sợi trắng như những nhành rơm mốc. Đám trẻ chăn trâu khéo léo vén từng lớp rạ mục, nhặt lấy những cây nấm trắng tinh khôi.
Những ngày chuẩn bị vào vụ mùa mới thật là no nê: nào cua, dế lách tách dưới bùn; nào ốc, hến ngập ngụa dưới kênh mương; rồi rau dớn, cà dại um tùm dọc bờ suối… Phải chăng những món quà đó, ông trời dành riêng cho những người con mưu sinh từ đất? Cũng như khi mưa hè xuất hiện, những ngày mưa tầm tã, triền miên như thác đổ, có biết bao thứ giá trị từ đầu nguồn xa thẳm được mẹ thiên nhiên gửi về cùng dòng nước lũ: những khúc củi to như cái cột nhà sàn, những tôm cá bằng búp hoa chuối rừng quẫy dạt vào vùng nước trũng. Những mùa hạ trong đời cha mẹ tôi là những lần đánh cược mạng sống tìm về nơi có tiếng nước gào thảm thiết. Người được tổ tiên che chở quay về với đàn con, đem về những bữa cá tôm no nê, những đôi dép, cái áo để con đến trường, cho ngôi nhà đơn sơ một tấm vách gỗ lành lặn, một mái ngói không còn dột nát…
Sau vụ mùa, ngôi nhà nhỏ không đủ chỗ chứa thóc, mấy anh em tôi dọn buồng sang nằm chung với cha mẹ. Mẹ bảo chúng tôi chịu khó vài hôm thôi, về sau có muốn cũng chẳng có thóc mà để. Thóc đi theo chủ nợ, theo tiền học, tiền chợ rất nhanh. Chúng tôi thầm ước mùa hè kéo dài mãi để mỗi ngày đều được ăn cơm trắng với cá thịt. Những cái óc non nớt rồi cũng nhận ra phận con nhà nghèo, lại trở về những ngày dìu dặt trên nương sắn, nương ngô. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần dậy sớm thấy bình minh đến với một màu vàng trong, lòng tôi vẫn không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về mình của ngày xưa ấy: một thời tôi trông ngóng đất trời bước vào mùa hạ…
6/8/2022
Vàng Ly
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...