Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Vĩnh biệt hoa thiên lý

Vĩnh biệt hoa thiên lý

Ở chiến trường, lính cảnh vệ cũng cầm súng đánh như bộ binh. Nhiều đêm khó ngủ, tôi cứ tưởng tượng ra hàng cúc áo màu trắng, lấp lánh dưới trăng trên áo em, rồi đếm một chiếc cúc, hai chiếc cúc, ba chiếc cúc… Cứ thế, rồi chả biết là ngủ lúc nào nữa.
Tàu như một ngón tay của thành phố đang cố đâm vào bóng đêm. Ngoài ô cửa mưa như bao con mắt tròn cố nhìn vào trong. Ông bạn già bỗng háo hức khác thường, dán mắt vào ô cửa kính, nhìn đăm đăm rồi thở dài:
– Này bác Xuyên này, sao lại phải xuống ga Việt Trì? Rồi ở lại một ngày? Mình đi Yên Bái cơ mà… Có gặp ai không?
– Không. Không gặp ai qua. Đi loanh quanh rồi về khách sạn thôi.
-Lạ nhỉ, ông anh là lính Cảnh vệ, nhiều năm sang Campuchia, bị thương nặng trở về nước. Sau đó làm gì, bảo vệ tiếp cận với ai, cấm có hé môi nửa lời. Nhiều lần em tò mò hỏi, bác cứ im thin thít,…
– Nghề của tôi lặng thầm như thế. Nhiều anh em Công an ở các bộ phận khác còn ghen tị: “Sướng thế. Đúng là lính cậu. Quần áo sang trọng. Toàn đi cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp…” Có mấy ai biết những giao lao, vất vả, hy sinh của chúng tôi đâu!
Vậy mà đêm nay, tôi may mắn được nghe ông kể một kỷ niệm lạ lùng – một kỷ niệm không gắn bó nhiều với trận mạc, đạn bom, nhưng đau nhiều và thanh thản cũng nhiều…
Năm đó, tôi tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo Cảnh vệ, rồi được phân công bảo vệ một đồng chí lãnh đạo cao cấp sang giúp nước bạn Campuchia, sau khi thoát khỏi họa diệt chủng nhưng tàn quân của Pôn pốt vẫn còn chống phá dai dẳng. Tôi và bạn bè cùng khóa được tuyển chọn khắt khe: Khỏe mạnh, cao to, trung thành, rồi phải tập luyện gian khổ để thành thạo bắn súng, võ thuật và nhiều khoa mục chuyên môn khác. Trong trường hồi đó cấm tiệt chuyện yêu đương. Nhưng làm sao mà cấm tuyệt đối được? Tuổi trẻ mà…
Tôi yêu Vy – người con gái duy nhất, được đặt tên là “Bông hồng thép”, của cả khóa học ấy. Về võ thuật, cô ấy thắng trong mọi cuộc đấu đối kháng với bọn con trai, trừ tôi. Cũng chẳng biết là cô ấy thua thật hay nhường người yêu nữa. Riêng tôi đặt cho em một biệt danh: “Hoa Thiên lý”. Bởi em yêu loài hoa này, trồng nó rất mát tay, hay cài hoa Thiên lí lên mái tóc dài, đen, dày nặng của mình. Có một đêm, chúng tôi đang hôn nhau ở gầm cầu thang thì giật bắn người bởi tiếng quát:
– Á à. Ghê nhỉ. Đẹp mặt nhỉ. Đất nước đang có chiến tranh. Là chiến sĩ Cảnh vệ phải tập trung vào học hành tập luyện. Thế mà anh chị lại vào đây hú hí à? Có biết Pavel Kơraxeghin nói gì không?
“Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình…”
Cứ thế, bà Thu – tổ trưởng tổ Bảo vệ khét tiếng, đêm nào cũng lăm lăm đèn pin, biên bản cầm sẵn, lùng sục tìm bắt những đôi lứa yêu nhau trong trường…, đọc thuộc lòng một đoạn văn dài.
Sáng hôm sau, bà Thu lên báo cáo Hiệu trưởng về vụ việc bắt quả tang một đôi hôn nhau ở gầm cầu thang, do mải đọc đoạn văn nổi tiếng trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, quay lại thì hai đứa ranh con đã lủi mất. Hiệu trưởng nghiêm giọng:
– Thế chị có biết hai đứa đấy tên là gì? Học lớp nào không?
– Em… Em cũng không rõ…
– Thế thì đành chịu rồi. Lần sau nhớ phải lập biên bản xong rồi mới đọc đoạn văn nổi tiếng kia nhé…
Sau này, mỗi khi gặp bà Thu, hai đứa đều cười tủm, liếc nhau, rồi lao ra chỗ vắng ôm bụng cười.
Nhưng rồi ngày xa nhau đến nhanh quá. Em về quê công tác. Tôi sang Campuchia. Đêm cuối cùng bên nhau, tôi đưa em ra bờ mương, ngồi ngẩn ngơ không biết nói gì, làm gì. Cả hai đứa ngượng ngập liếc nhau, rồi vội vàng quay đi. Cầm sỏi ném lõm bõm mãi cũng chán. Đêm trăng đẹp quá, vườn mía bên kia cứ lao xao, cọ vào nhau kẽo kẹt. Bỗng em bật khóc. Tôi run run ôm lấy em dỗ dành. Rồi một ngọn lửa thiêu đốt từ bên trong, giục giã… Bàn tay bị vô thức sai bảo lập cập lần mở cúc áo em. Tất cả diễn ra vội vã, luống cuống, xấu hổ. Cả hai cùng vụng về trong lần đầu tiên. Khi tôi mệt bải hoải trong hạnh phúc, đỡ em đứng dậy để ra về, còn lo nhỡ có em bé, nhìn lại mới thấy cả hai đứa còn mặc quần áo, chỉ khi cố cài cúc áo lại cho em, em mới lí nhí: “Không cần. Em tự cài được…”
Cũng chẳng rõ đêm ấy tôi có làm gì em không? Như một giấc mơ vậy. Rồi xa nhau biền biệt hơn năm năm trời. Thư của em cứ thưa vắng dần…
Hôm hẹn chia tay ở ga tàu, tôi đã có một dự cảm không lành cho tình yêu của mình. Đợi chờ mà ruột gan nóng như lửa đốt. Đến sát giờ tàu chạy, em cuống quýt ào tới, run rẩy nói không nên lời, trao cho tôi bình thủy tinh nhỏ đựng đầy hoa Thiên lí. Nụ hôn chia tay mặn lắm, vì nước mắt em. Nhưng khi tôi chạy đuổi theo, bám vào toa cuối để lên tàu, chiếc bình ấy đã vỡ, những bông hoa Thiên lý ở lại với sân ga, cánh hoa lẫn vào đá sỏi, chỉ có hương hoa cố đuổi theo mà không được, rồi đành theo gió bay về đâu không rõ nữa.
Sang nước bạn, tôi lao vào một cuộc chiến đấu lạ lùng. Những con đường ngoằn nghoèo xuyên qua rừng. Rừng tràn ra sát lề đường, um tùm, bí ẩn. Tàn quân của Pôn pốt thoắt ẩn thoắt hiện, lúc đóng giả là dân thường lúc là những tay súng nấp trong rừng cây, bắn rất nhanh và chạy còn nhanh hơn thế. Nhớ hôm dừng chân ở một Binh trạm, ăn một bữa cơm nóng sốt sau bao ngày đói khát, tôi thấy một thằng bé tầm 13-14 tuổi, mắt trong veo, đứng mút ngón tay xem bộ đội ta chơi bóng chuyền. Thấy nó mặc một chiếc quần rách, hở cả “chim” ra ngoài, tôi nghịch, thò tay búng “chim” nó, thằng bé quay lại cười hiền khô, mắt trong veo. Một “Anh nuôi” mặt già cấc, vừa cọ xoong nồi vừa thủng thẳng:
– Cậu vừa búng “chim” một thằng đao phủ ngây thơ nhất quả đất này.
– Đao phủ?
– Phải. Nghe đồn nó đã đập chết rất nhiều người bằng cuốc, gốc tre…
– Trời! Ai? Cái gì nhồi sọ để một thằng bé trở thành ác quỷ mà vẫn ngây thơ như thế?
Rồi lại lên đường. Nắng gay gắt. Những hàng cây Thốt nốt héo khô. Những trận đánh thi thoảng vẫn diễn ra trên con đường ngập bụi đỏ. Tàn quân của Pôn pốt đánh du kích rất giỏi. Hôm ấy, đoàn xe ba chiếc của chúng tôi đang tiến về Phnôm Pênh, xe chở thủ trưởng của tôi đi giữa đường bị tắc xăng phải dừng lại, cậu lái xe loay hoay sửa xe. Từ bìa rừng, hai quả đạn B.40 bắn cháy chiếc xe đi đầu và đi cuối. Súng cối của chúng giã xuống liên tục. Đội bảo vệ trên xe tản ra, lập đội hình vòng tròn, dùng súng AK bắn xối xả. Tôi lấy thân mình che cho thủ trưởng. Có lẽ cũng phải hơn chục lần tôi thực hiện động tác này. Lần nào tôi cũng thầm gọi “Vy ơi…” và nghĩ về mấy chiếc cúc áo trên ngực em. Lạ thế. Chả nghĩ gì, chỉ nghĩ về mấy cái cúc áo nhỏ xinh. Lần nào tôi cũng bình an như có thần hộ mệnh. Nhưng hôm ấy không thế nữa. Tôi vẫn gọi tên em, nhưng lại nghĩ về những gì phập phồng, trắng hồng sau làn vải áo ấy. Một mảnh đạn cối xuyên vào lưng tôi…
Vết thương quá nặng. Tôi được đưa về Việt Nam, vào ngay bệnh viện 19/8, bác sĩ bảo chỉ chậm một ngày nữa là vô phương cứu chữa. Trong gần một trời nằm bệnh viện, tôi đã biết tin em lấy chồng, giờ công tác tại Việt Trì. Tôi khao khát tìm em. Không như anh nghĩ đâu, đấy là mối tình đầu của tôi và em. Nó trong sáng và đẹp lắm. Và tôi quyết định đi tìm, gặp em một lần cuối cùng. Nếu em hạnh phúc, tôi thanh thản mà đi. Còn nếu em khổ đau…?
Đứng trên tầng cao nhìn ra xa, sông Hồng thao thức và thở dài, bên bờ lở cứ lặng lẽ dâng hiến phù sa cho bên bồi, nào có tính thiệt hơn bao giờ. Phố xá đông vui, rất nhiều đôi lứa bên nhau đi dưới mưa lạnh cuối thu, nụ cười của họ làm ấm những cơn gió chớm đông đang rụt rè gõ cửa thành phố. Ở phía trời xa kia, có em trong một ngôi nhà ấm cúng. Nhà em hình như ở gần ngã ba sông, nơi có ba dòng sông gặp gỡ. Ba dòng sông có thể giao hòa, sóng dù xanh hay hồng thì vẫn có thể ôm lấy nhau mà hát. Nhưng ba con người thì sao? Liệu có thể gặp gỡ rồi yêu thương nhau như ba dòng sông? Phải có một tình yêu lớn hơn tình yêu đôi lứa. Có lẽ thế! Nếu tâm niệm là mong mang hạnh phúc đến cho người mình yêu thương, dù phải nhận thiệt thòi về mình thì có thanh thản không, có dễ dàng không? Không! Lý trí bảo thế. Trái tim vẫn đang cãi lại thì sao? Hình như giá lạnh như lưỡi dao mỏng cứ cứa thật sâu vào ngực. Ngoài sông Hồng, bờ vật vã, phát ra tiếng kêu tha thiết, trước khi buông tay, để đất nâu, cây xanh, lá biếc của mình rời xa. Bao năm gian khổ đã qua, lần đầu tiên có hai giọt lệ rơi khỏi đôi mắt trũng sâu này, nó tìm đến cơn mưa giăng mờ, rồi gió mang đi về phía nhà em. Những giọt mưa ân tình tìm đến một mái nhà, không gọi, không giằng giật đâu, chỉ xoa thật nhẹ những vết nứt trên mái nhà. Vì đau mà giành giật cào cấu thì cũng tầm thường. Vượt qua nỗi đau mới khó khăn! Nhưng cuộc đời người lính chẳng phải là sự kế tiếp nhau những cuộc chiến đấu, cả hữu hình và vô hình, để dâng hiến cho bao điều rộng lớn, cao đẹp, vượt lên trên cái tôi của chính mình?!
Mưa đã ngớt. Gió cũng bớt lạnh hơn. Ở gian quán nào đó dưới kia đang bay lên giai điệu một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”
Tôi đến ga Việt Trì tầm 9h30’ tối. Mưa nhỏ, dai dẳng như người con gái tủi thân, khóc thầm. Đã hỏi được địa chỉ nhà em rồi. Tôi khoác balo đi bộ trong mưa, đến gõ cửa nhà em… Thành phố trong mưa đêm lạ lắm. Nó vừa như một mái tóc dài đẫm nước, vừa như chiếc đòn gánh cong xuống, gánh hai đầu buồn vui của con người. Đường từ ga ra tù mù lắm. Lũ chó ở hai bên đường đang sủa nhanh nhách bỗng im bặt, giương mắt nhìn, chẳng lẽ cái thằng lính chiến từ chiến trường về có một mùi gì đó làm cho lũ chó cảm thông? Bước chân tôi cũng lạ, lúc nhẹ bẫng như gió, lúc nặng như đeo đá. Cứ vừa đi, tôi vừa tưởng tượng khoảnh khắc giáp mặt đầu tiên sau bao năm tháng xa cách. Em sẽ òa khóc, lao tới, ôm chầm lấy, vừa khóc vừa đấm thùm thụp vào ngực tôi? Hay là em đứng sững, hai bàn tay xinh đẹp ôm lấy gương mặt từng hiện về hàng trăm lần trong giấc mơ chập chờn của tôi giữa hai trận đánh? Rồi lệ mặn chát ròng ròng chảy theo những ngón tay. Không. Có lẽ em chỉ ngồi thụp xuống, mái tóc dài che kín mặt, cũng chẳng còn nước mắt để khóc nữa, chỉ có những tiếng nấc như những mũi dao nhọn, đâm vào ngực trái của thằng lính si tình, lặn lội qua đêm mưa tìm về đây. Ở trên đời, không biết có ai hành động như tôi không? Em không biết đâu, nhờ em mà tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong những hoàn cảnh tưởng chừng đã tuyệt vọng. Bên cạnh rất nhiều lý do đẹp đẽ, có một lý do vô cùng quan trọng: Tôi chiến đấu như một anh hùng để không phải xấu hổ trước đôi mắt em. Một đôi mắt to, lông mi dài rợp bóng, mắt nâu thăm thẳm, với ánh nhìn thẳng, trong sáng và cương quyết. Tôi không thể trở thành thằng hèn trước đôi mắt ấy…
– Khoan đã bác. Bác đến đường đột như vậy, không sợ tay chồng em hiểu lầm. Rồi có thể xảy ra xung đột? À mà bác võ thuật cao cường, có ngại gì?
– Không. Tôi thanh thản gõ cửa, lòng mình trong veo thì sợ gì. Mà lúc ấy, cũng chẳng hiểu sao, tôi không coi gã chồng em bằng cái lá khô hay cái cột đèn đường tù mù kia… Tôi chỉ muốn gặp một lần, để nhìn thấy em hạnh phúc hay bất hạnh thôi…
– Rồi. Rồi. Bác kể tiếp đi. Đến gõ cửa nhà người yêu cũ trong hoàn cảnh ấy kể cũng quái dị thật…
Sau khi gõ cửa, cửa mở ngay tức khắc. Cứ như là có người chờ sẵn vậy. Em mở cửa. Chồng em đứng ngay sau lưng em. Hai đôi mắt nhìn tôi. Em bình thản lạ lùng, như chưa hề có hơn năm năm xa cách nào, chưa hề có kỷ niệm ở bờ mương hôm nào, cứ như em biết trước tôi sẽ đến mà chờ, mà đợi. Tôi lúng búng nói đi công tác, tiện đường ghé vào thăm vợ chồng em. Tôi bịa như vậy, chắc họ cũng chả tin, nhưng cứ giả vờ tin vậy thôi. Tôi vào nhà. Họ cũng không mời uống nước. Anh chồng là bác sĩ, rất lịch sự bảo: “Cũng muộn rồi. Anh đi đường xa chắc cũng mệt. Mời anh đi nghỉ. Mai ta trò chuyện sau…”.
Vy dọn giường cho tôi ngủ ở phòng khách.  Rồi họ tình tứ cầm tay nhau vào ngủ trong buồng.
– Khoan. Khoan đã. Giời ơi. Một đêm thức trắng. Vật vã. Lắng nghe tiếng nan giường kẽo kẹt bên trong?
– Sai hết. Sến quá. Ai cũng tưởng như thế. Nhưng quả thực tôi ngủ ngon vô cùng. Sau mấy năm chiến trường đói khát ngủ hầm ngủ rừng, đêm nay thanh thản vô cùng.
Ở chiến trường, lính cảnh vệ cũng cầm súng đánh như Bộ binh. Nhiều đêm khó ngủ, tôi cứ tưởng tượng ra hàng cúc áo màu trắng, lấp lánh dưới trăng trên áo em, rồi đếm một chiếc cúc, hai chiếc cúc, ba chiếc cúc… Cứ thế, rồi chả biết là ngủ lúc nào nữa. Đêm trăng ở bờ mương ấy, em mặc áo phin trắng, cổ khoét hình trái tim, quần lụa. Tóc em dài, lại cài một chùm hoa Thiên lý. Chao ôi. Mùi thơm của em, hình như có trộn thêm mùi ánh trăng, mùi mật mía, mùi cỏ non, thơm lạ lùng lắm. Hương em ấy theo tôi suốt bao ngày đêm hành quân, gọi tôi cố bò dậy trong cơn sốt khủng khiếp giữa rừng già. Tôi phải trở về như một anh hùng, để ngắm những chiếc cúc áo cứ phập phồng theo hơi thở, để ngửi mùi hương kỳ diệu từ em. Vậy mà giờ giáp mặt, những chiếc cúc áo ở ngay trước mặt, mùi hương không thơm như ngày xưa, nó pha thêm vị chát của trớ trêu, vị mặn của xót xa, vị đắng của chấp nhận. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ không cần đếm như những ngày xa em. Anh bảo thế có lạ không?
-Vậy…vậy… Em suy diễn bừa rồi, bác kể tiếp đi. Quả thật, mỗi con người là một cuốn tiểu thuyết không để cho ai đọc hết bao giờ… Mà em biết bác đang viết tiểu thuyết về những tháng năm ác liệt ấy. Cần và quý lắm bác ạ. Kẻo lũ con cháu chúng ta sau này sẽ chẳng biết ông cha đã sống, chiến đấu và hy sinh lớn lao đến thế nào…
Tôi ngủ ngon quá, dậy muộn. Anh chồng đập đập vào vai gọi, tôi vùng dậy, đã gần 9 rưỡi sáng rồi. Mâm cơm thịnh soạn được dọn sẵn. Ba chúng tôi uống rượu nhiều và nói rất ít. Anh chồng hỏi về Tháp Bay On bốn mặt của Campuchia có ý nghĩa gì. Vy hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ tôi…
Nhà em nhỏ nhưng gọn sạch. Trước cửa trồng một giàn Thiên lý, lá xanh, hoa trắng ngà, thơm dịu nhẹ. Tôi nói bâng quơ:
-Thiên lý thơm lạ lắm. Như mùi kỷ niệm. Nhưng hái hoa phải cẩn thận. Tôi nghe mẹ tôi bảo: Rắn lục hay nấp sau lá, nó cắn thì rất nguy hiểm…
Em thở dài rất khẽ, phải tinh lắm mới biết:
– Em yêu hoa Thiên lý từ bé. Trồng cho thơm. Chưa hái nấu canh bao giờ.
Anh chồng thở hắt ra, rồi thủng thẳng:
– Có những thứ nên để thật xa, rồi ngắm nhìn thôi. Cố mang về, có khi lại chẳng được như mình mong ước…
Gió bỗng từ đâu thổi về ào ạt. Cánh cửa cong vênh, cũ mọt rung khe khẽ. Nhiều cánh hoa Thiên lý rụng xuống, lốm đốm trắng một khoảng sân…
Tôi ăn thật nhanh. Không hiểu sao lúc ấy tôi muốn ra ga tàu đến thế. Khi tôi xin phép đi, không ai giữ tôi cả, dù chỉ là một lời xã giao. Anh chồng lấy xe đạp, chở tôi ra ga tàu. Tôi quay lại nhìn lần cuối cùng, căn nhà, mảnh sân, giàn Thiên lý thơm dịu nhẹ… Tôi nhìn một lần cuối cùng, vì biết mình sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa, rồi thoáng thấy sau khe cửa có một bờ vai đang rung bần bật.
– Trời ơi. Bác ơi. Em lại phải có ý kiến: Những người lính chúng ta gian khổ hy sinh đã đành. Lại còn thiệt thòi nhiều quá. Nếu không ra chiến trường, cô ấy đã là của bác. Sao bác không chiến đấu để giành lại cô ấy? Hai người yêu nhau đến thế. Mà bác xứng đáng được hạnh phúc, được đền đáp kia mà?
– Cậu sai rồi. Đêm ấy tôi ngủ ngon vì thấy Vy đã hạnh phúc. Vì tôi đã có một nơi cư trú bình an cho tinh thần, cho bao khắc khoải của mình. Chúng ta ra chiến trường chẳng phải để cho những người thân yêu của mình được hạnh phúc hay sao? Nếu phá vỡ hạnh phúc của Vy, tôi cũng sẽ tầm thường như bao kẻ ích kỷ, hèn nhát khác.
Anh chồng quả thực là là một người đàn ông đàng hoàng. Anh ta đưa tôi ra sân ga, nhìn thẳng vào mắt tôi, bàn tay to khỏe bắt rất chặt, nói thật ngắn:
– Chiến tranh mà. Vĩnh biệt anh.
Tôi cười khẽ, cũng bắt tay anh ta thật chặt, buột miệng nói: “Vĩnh biệt hoa Thiên lý”.
Tôi và ông bạn già xuống tàu, ra khỏi ga. Tôi đã ngắm một khách sạn khá sang nằm ở bên kia đường. Gọi mãi, không thấy trả lời, quay lại thì thấy ông bạn già đang ngoái nhìn ra phía ngoại ô thành phố, miệng lẩm bẩm:
– Mùi hoa Thiên lý thơm quá. Cậu có ngửi thấy không?
– Trời ạ! Mùa này làm gì có hoa Thiên lý?!
Mưa đã tạnh từ bao giờ. Bỗng nồng nàn mùi thơm hoa Thiên lý, từ một khoảng trời rất xa, có hai vì sao nhỏ, dù ở hai bên trời vẫn lặng lẽ ngắm nhìn nhau.
27/2/2023
Nguyễn Đức Hạnh
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 7/2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...