Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Hồ Xuân Hương trong mắt Nguyễn Huy Thiệp

Hồ Xuân Hương trong
mắt Nguyễn Huy Thiệp

Khác với tuyệt đại đa số các tác phẩm văn xuôi từ trước đến nay đều cố gắng xây dựng hình tượng nữ sĩ họ Hồ một cách toàn bích trong lý tưởng thẩm mỹ của người viết, Nguyễn Huy Thiệp trong Chút thoáng Xuân Hương chỉ đưa ra những cảm nhận về nữ sĩ trong những khoảnh khắc bất chợt, trong sự soi chiếu cuộc đời và căn tính văn hóa, văn chương của bà với các kiểu hiện thực mà theo hình dung của nhà văn, là bà đã từng nếm trải.
Các nhân vật đã trở thành những biểu tượng lịch sử, văn hóa của một dân tộc đương nhiên sẽ có một đời sống luôn tươi mới, phong phú, bởi họ sẽ không ngừng được làm mới qua lời kể của hậu thế – một dạng lời kể bất tận với những thêm bớt để nới rộng hay kéo gần khoảng cách giữa các nhân vật ấy với thời hiện tại của sự kể; làm biến đổi chiều kích của các nhân vật ấy tùy theo sự ngưỡng mộ hay ngờ vực nơi người kể. Trong tự sự Việt Nam, những Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Gia Long… đều đã được “nếm trải” nhiều đời sống khác nhau trên tinh thần này. Hồ Xuân Hương cũng thế, người đàn bà, nữ thi sĩ kì dị đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới nghiên cứu: rằng có hay không đã tồn tại bằng xương bằng thịt một người đàn bà u buồn và kiêu hãnh ấy? Trong những sáng tác kết hợp tinh thần hoài niệm phồn thực và trào tiếu – cả hai đều có nguồn gốc dân gian, như một sự kết hợp vô thức tập thể và ý chí cá nhân – đâu là, hoặc không là sáng tác đích thực của bà?
Không đông đảo như đội ngũ các nhà nghiên cứu với kỳ vọng bằng các lập luận khoa học tái hiện một cách chân thực (điều có lẽ không bao giờ có được) về một Hồ Xuân Hương từng ngạo nghễ mỉm một nụ cười vào mười thế kỷ văn chương Việt, có phần ít ỏi và do vậy, cũng lặng lẽ hơn, các nhà văn, với sự ngưỡng mộ, hoặc thương xót, có khi cả hai, và với mong muốn tìm kiếm niềm đồng cảm, cũng đã có những nỗ lực xác định, hoặc đặt giả thiết về một chân dung Hồ Xuân Hương bằng các cơ chế của tư duy hình tượng. Người ta đã từng nhìn thấy một Hồ Xuân Hương với tình duyên đầy ngọt ngào và không ít éo le trong Tình sử Hồ Xuân Hương của Bùi Bội Tỉnh, một Hồ Xuân Hương tài sắc, nghị lực và kiêu bạc ở Trong rừng Nho của Ngô Tất Tố…
Khác với tuyệt đại đa số các tác phẩm văn xuôi từ trước đến nay đều cố gắng xây dựng hình tượng nữ sĩ họ Hồ một cách toàn bích trong lý tưởng thẩm mỹ của người viết, Nguyễn Huy Thiệp trong Chút thoáng Xuân Hương chỉ đưa ra những cảm nhận về nữ sĩ trong những khoảnh khắc bất chợt, trong sự soi chiếu cuộc đời và căn tính văn hóa, văn chương của bà với các kiểu hiện thực mà theo hình dung của nhà văn, là bà đã từng nếm trải. Vậy nên Hồ Xuân Hương gần như không hiện lên trong tác phẩm – nói chính xác là nhân vật xuất hiện thấp thoáng, bất chợt trong cái nhìn hồi cố hay trực diện của các nhân vật khác. Chút thoáng Xuân Hương độc đáo. Do vậy mà dẫu không nhiều, nhưng bài viết nào về nó cũng để lại những ấn tượng nhất định.(1)
Truyện có ba truyện nhỏ – cách kết cấu mà Nguyễn Huy Thiệp có thể coi là người tiên phong và bền bỉ nhất với nó trong văn học Việt Nam sau 1975, với nhan đề rõ ràng, rành mạch như từng lát cắt để “dựng” chân dung Hồ Xuân Hương bằng cảm hứng có lẽ mang một ít dáng dấp nghệ thuật Gothic với một ít phong cách Roman, một chút hậu hiện đại, một chút tượng trưng phương Đông. Ở mỗi truyện, Hồ Xuân Hương – đúng hơn là hình bóng Hồ Xuân Hương – hiện ra trong cái nhìn của một người đàn ông, trong đó, có hai người, theo truyền thuyết, đã đi qua cuộc đời lãng mạn và đau khổ của bà.
Truyện thứ nhất chủ yếu kể về Tổng Cóc, người đàn ông được coi là gắn với những câu thơ mà cái nghĩa trào lộng xuất hiện có phần lấn lướt so với cảm giác đau xót thường thấy trong các bài thơ khóc chồng. Hình tượng Tổng Cóc hiện lên có lẽ vừa giống vừa không giống với hình dung của những người từng biết đến bài Khóc Tổng Cóc. Người đàn ông này tuy có cái vẻ xấu xí thô kệch được gợi ý từ tên gọi và thậm chí, cả cái chức chánh tổng mà ông ta đảm nhiệm (trong cảm niệm văn hóa thông thường), nhưng lại “có cái lố cái hiệp của ông”. Truyện thứ hai chủ yếu kể về đám ma ông Phủ Vĩnh Tường cùng với cuộc đối thoại giữa ông với Tri huyện Thặng, thêm vào đó là ấm Huy – em họ của người quá cố; với những xung đột và thỏa hiệp về đường lối cai trị, về lý tưởng sống của ba nhân vật. Sự xuất hiện của Xuân Hương chỉ như cơn gió lướt qua. Truyện thứ ba kể về cuộc gặp gỡ giữa một nhà thơ – diễn viên trẻ với một thiếu phụ tên Hương, để từ đó anh chàng đi đến quyết định có hay không sắm vai Chiêu Hổ trong một vở diễn nói về nữ sĩ họ Hồ.
Nghĩa là người viết truyện đã tạo một sự gián cách trong quan hệ Xuân Hương với một kiểu hiện thực mà, hễ rơi hẳn vào đó, nữ sĩ sẽ trở nên lạc lõng. Và phần nào đó, với sự gián cách ấy, người đọc cũng có thể thấy được cái nhìn “kính nhi viễn chi” của nhà văn với nguyên mẫu (tất nhiên, vẫn là theo hình dung của chính nhà văn). Phải chăng đây cũng là một cái mỉm cười vào những nỗ lực tìm kiếm bản lai diện mục của nhà thơ đàn bà kì lạ và bí hiểm này?
Sự xuất hiện của Hồ Xuân Hương trong cả ba truyện, đúng như tên tác phẩm đã thông báo, chỉ là “chút thoáng”. Tuy nhiên, cái “chút thoáng” ấy lại đủ sức nặng để tạo ra những ám ảnh lạ về những đắng cay, bất hạnh, sự thanh cao và dung tục trong cõi người, và trong cả người đàn bà tài danh đã được thần thánh hóa ở một mức độ nhất định, dưới ngòi bút và miệng lưỡi của hậu thế. Có lẽ không một ai đã, đang và sẽ thấu hiểu Hồ Xuân Hương, kể cả tác giả của Chút thoáng Xuân Hương. Phải chăng Nguyễn Huy Thiệp đã đúng, với phong cách gây hấn quen thuộc?
Hồ Xuân Hương trong mắt Nguyễn Huy Thiệp, trước hết là một số phận, một thân phận đàn bà. Việc bà lấy Tổng Cóc hay ông Phủ Vĩnh Tường, chẳng có gì đặc biệt, cũng chẳng lấy gì làm thiệt thòi. Nguyễn Huy Thiệp nghĩ vậy. Nguyễn Huy Thiệp nghĩ (có lẽ) khác với nhiều người. Trước khi là nữ sĩ, hay Xuân Hương là đàn bà. Vậy thì, trước khi ca tụng Xuân Hương với tư cách nữ sĩ, hãy quan sát đối tượng với tư cách là một người đàn bà. Người đàn bà đời thường ấy đã tự nguyện thực hiện những công việc mà văn hóa thời đại cưỡng buộc. Những công việc ấy là những thử thách, đồng thời là cơ hội để Xuân Hương thể hiện năng lượng sống và phẩm giá của mình: biết thửa cho chồng thứ rượu ngon yêu thích, biết hãm nước vối theo sở thích của chồng, biết lo lắng việc tề gia nội trợ đúng tiêu chuẩn của một người có công có hạnh. Hãy xem:
“Tổng Cóc đứng dậy ra trước bàn thờ. Ông hài lòng thấy bàn thờ sạch sẽ. Nải chuối trứng cuốc bày trên đa sơn, một đĩa hoa trà bên cạnh tinh khiết. Hôm nay mồng Ba tháng Ba. Chắc là Xuân Hương đã dọn bàn thờ từ sáng sớm”.(2)
Xuân Hương xuất hiện trong ý nghĩ của Tổng Cóc, Tổng Cóc xuất hiện trên nền cảnh dường như hoàn toàn đối lập với phẩm giá của Xuân Hương – dĩ nhiên là thứ phẩm giá được hậu thế tưởng tượng và áp đặt. Tổng Cóc ngổn ngang với những câu chuyện mà người đời thường sẽ cho là dung tục, tầm thường: chuyện sửa lại cái cống, chuyện ném số tiền vụ vối để lý Cờ xử lý việc đĩ Huệ mang hoang thai, và nhất là chuyện ông đổ tiền để ngủ với bà quận chúa cao sang… Chuyện là quận chúa thiếu tiền cho cuộc đỏ đen, Tổng Cóc biết điều đó, và mọi chuyện đều được như ông muốn:
“- Tâu lạy quận chúa, nụ cười của quận chúa đáng trăm quan tiền. Tôi xin trả gấp hai lần số đó!
Đêm đó, Tổng Cóc lần đầu được ngủ với một bà lớn quyền thế nghiêng trời. Cành vàng lá ngọc cũng chẳng khác gì con đỏ. Hôm sau hai người gặp nhau, quận chúa nửa đùa nửa thật:
– Ta ngủ với ông mà cứ kinh hoàng tưởng như ông hiếp dâm ta!
Tổng Cóc đáp lại quận chúa:
– Tâu lạy quận chúa, việc mua bán đã xong rồi.” (sdd, tr.410)
Tổng Cóc, bằng những câu chuyện được kể lại ở đây, là một người khá thực tế, có phần lọc lõi. Không lọc lõi không được. Vị thế xã hội, công việc hằng ngày buộc ông phải thế. Cứ xem việc ông xử lí vụ đĩ Huệ thì biết. Ngoài ra, Tổng Cóc còn sâu sắc và có phần tinh tế nữa, nếu nhìn vào cách ông thưởng rượu, nhìn vào cách ông hài lòng về việc bài trí bàn thờ, cách ông phát hiện cái nốt ruồi đỏ như một thứ tướng lạ trên vành tai lý Cờ, cách ông dành tình thương, sự thông cảm cho đĩ Huệ và về cách ông thấu hiểu người vợ của mình:
“Ông chịu Xuân Hương ở chỗ là bà luôn thất bại trong cuộc đời mà vẫn thăng bằng, mà vẫn không có cảm giác thua cuộc. Ông ngờ ngợ rằng bà to lớn hơn ông, mạnh mẽ hơn ông, sống có dũng hơn. Trong cõi nhân gian, tất cả mọi sự nghiêm chỉnh cũng là khôi hài, nên có cơ hội cần phải cười ngay, thế nhưng không hiểu sao ông không cười được” (Sdd, tr.411).
Chừng như trước nay đã từng có ý kiến xót thương cho thân phận làm lẽ của Hồ Xuân Hương, nhất là làm lẽ cho Tổng Cóc. Nhưng, ở đây ta thấy, cái mà người đời cho là bi kịch, dường như ngược lại, là một hạnh phúc âm thầm của Xuân Hương. Nó lớn hơn tất cả những ca tụng mà người đời dành cho bà.
Xuân Hương xuất hiện trong truyện, chỉ ở những thoáng hình dung của Tổng Cóc. Và phảng phất đâu đó trong vài chi tiết đời thường, ít nhiều trong số đó có gợi nhắc những vần thơ của bà: bàn thờ sạch sẽ, ngăn nắp, đẹp một vẻ thanh khiết; be rượu sành thuổng từ bên ngoại, ấm nước vối, khả năng cười cợt, mâm bánh trôi vừa làm còn bốc nóng. Bà với Tổng Cóc, gặp mà không gặp. Truyện khép lại một cách đầy nuối tiếc khi Tổng Cóc “ngơ ngác nhìn quanh ngôi từ đường tĩnh lặng để tìm bóng Xuân Hương” (sdd, tr.413).
Truyện thứ hai đặt Xuân Hương trong thế đối lập với phân cảnh: thứ nhất, đám ma của ông Phủ Vĩnh Tường; thứ 2, triết lí sống của hai hạng người khác nhau trong xã hội. Một đám ma vừa chỉn chu vừa láo nháo, thản nhiên, rất đời, dù là đám ma một vị quan phủ thanh liêm, được trang bị kiến thức và lí tưởng sống nghiêm cẩn, hướng thượng của một bậc chân nho, chân phụ mẫu. Sự xuất hiện của Xuân Hương ở đây thông qua những suy tư của ấm Huy. Và theo hình dung của chàng trai này, Xuân Hương không thuộc về những nơi ấy, kể cả đám ma và mớ lí tưởng, triết lí sống đối lập đang cãi cọ trong một thời đại mà các giá trị đã trở nên lẫn lộn.
Tất nhiên lần này Xuân Hương vẫn chỉ xuất hiện trong hình dung của kẻ khác – ấm Huy – nhưng Xuân Hương đã tham dự vào cái đời sống ô trọc thanh cao lẫn lộn trong một cuộc tranh đấu mà thế yếu thuộc về phía thanh cao. Đấy là cuộc sống. Sự can dự của Xuân Hương vào đời sống vẫn chỉ là “chút thoáng”, nhưng mạnh mẽ, quyết đoán và có độ sát thương cao:
“Ánh trăng vằng vặc lộng lẫy lạ lùng. Lão (Tri huyện Thặng – chú của người viết) bỗng quay lại chỉ ra ngoài trời và gọi ấm Huy:
– Chú hãy lại đây… Tất cả những trò bàn luận của chúng ta đều vô nghĩa hết. Thiên nhiên không hề dối trá!
Ấm Huy đi lại cúi đầu chào chị dâu mình.
– Chị vốn công bằng – Thặng bảo Xuân Hương – chú ấm Huy đây lúc nãy còn muốn gây sự với đệ. Chị bảo đệ đúng hay đệ sai?
– Đừng hỏi chị ấy, – ấm Huy xen ngang câu hỏi, chàng rất trọng chị dâu và không muốn Thặng đẩy bà vào cuộc. – Ông đúng một cách khốn kiếp, thế thôi. Tôi cũng công bằng lắm đấy.
– Thế ông anh họ của chú sai à?
Ấm Huy đỏ mặt, máu chàng rần rật trong người. Chàng nuốt nước bọt.
– Chú tinh tế lắm. – Thặng cười ha hả – Tôi xin báo trước cho chú: tất cả mọi sự thanh cao hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục như thường!
– Điều ấy vẫn thế – Xuân Hương tham gia câu chuyện. – Tôi không ngờ ông tri huyện tiên tri cho cả cuộc thế thời nay điều ấy.” (sđd, tr.419)
Có thể thấy ở đây sự lây lan cảm xúc, trí tuệ của Xuân Hương – một người đàn bà tinh tế, sâu thẳm. Không thấy cái tiếu ngạo của nữ sĩ như một phép cười dễ dãi. Nụ cười lớn lao và sâu sắc của Xuân Hương thể hiện chỉ trong một tán thưởng ngắn gọn đối với ý nghĩ của Tri huyện Thặng. Câu nói khiến những ý tưởng, những lý tưởng cao siêu hay tầm thường dung tục của ông Phủ Vĩnh Tường, của ấm Huy và của Tri huyện Thặng bỗng trở nên vô nghĩa, vô tăm tích. Không phải ngẫu nhiên mà những con người đại diện cho các phần đối lập của thế giới ấy đều nghĩ đến Xuân Hương với một nể phục và tin cậy. Điều quan trọng ở đây là Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn thấy một Xuân Hương rất thấu lẽ đời, thực tế và không hề cả tin – căn bệnh mà rất nhiều đàn bà hay nghệ sĩ từng mắc phải. Hồ Xuân Hương, vì vậy, có viết hay nói một điều gì đó, chỉ như một lựa chọn trong hành trình, trong khát vọng giải phóng năng lượng – một thứ năng lượng đàn bà đã bị giam nhốt hàng nhiều thế kỷ của cõi Việt. Sức cảm hóa, khả năng giác ngộ của Xuân Hương nhiều khi không phải là văn chương, mà chính là từ tinh thần thấu suốt lẽ đời của nàng. Một câu nói, một ứng xử của nàng thôi, đã đem đến cho ấm Huy phút đốn ngộ kì diệu. Để chính chàng thú nhận:
“Chàng hiểu cả Tri huyện Thặng, cả chàng, ngay cả ông Phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGƯỜI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc, đang nức nở cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi người” (sđd, tr.421)
Truyện thứ ba kể về cuộc gặp gỡ hay là cuộc kì ngộ của chàng nhà thơ – diễn viên với thiếu phụ bên một bờ sông vắng. Người ta có thể thấy sự thanh sạch, lương thiện của Xuân Hương khi người kể chuyện để cho đạo diễn nói lý do giao cho diễn viên vào vai Chiêu Hổ: “Cậu có dáng dấp một thằng trai điếm. Phụ nữ mê cậu. Trong phim có cảnh Chiêu Hổ bóp vú các cô thôn nữ, cậu vào vai ấy tuyệt vời”, và rằng “các cụ ngày xưa cũng du côn lắm” (sđd; tr422). Đương nhiên khi đánh giá như thế về Chiêu Hổ, Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn đã phần nào căn cứ vào mấy bài thơ của ông trong lúc xướng họa với Xuân Hương (sách vở chép lại như thế). Ở đây dấy lên một niềm thương cảm: không ai hiểu Xuân Hương. Có vẻ như Tổng Cóc hay ông Phủ Vĩnh Tường lại chân thành và nghiêm túc với Xuân Hương hơn là Chiêu Hổ – văn nhân đôi khi vẫn thế.
Tiếp tục cái nhìn trả Xuân Hương về với đời sống, với những giá trị đích thực từ một cách tiếp cận giàu tinh thần nhân bản, đối thoại với mọi tư tưởng thần thánh hóa ở Truyện thứ nhất và Truyện thứ hai, chàng diễn viên của Truyện thứ ba thể không còn có ý định giấu diếm tư tưởng này: “Anh thấy xót xa. Hình ảnh Xuân Hương trong phim nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhân vật những tư tưởng cao siêu đáng ngờ. Đối thoại đầy rẫy ngôn ngữ hoa mỹ. Diễn viên rất đẹp. Cảnh quay rất khéo. Anh biết chắc chắn sẽ có nhiều đoạn thành công. Cảnh hội làng… cảnh đám ma… Có khi cả cảnh Xuân Hương “sáng tác”… Một thứ hiện thực huyền ảo mông lung” (sđd; tr.423)
Rồi anh gặp Hương – một thiếu phụ làm công việc chăm sóc trại lợn. Một thiếu phụ với vẻ đẹp toát lên từ lam lũ đời thường – như Xuân Hương trong nhà Tổng Cóc, hay ông Phủ Vĩnh Tường. Và, một thiếu phụ sắc sảo, nhạy cảm, tủi nhục, biết điều, trắc ẩn và đanh đá. Một phụ nữ dễ xúc động, hình như có phần cả tin. Nhưng người đàn bà ấy chẳng dễ bị bắt nạt. Chị sẵn sàng nói thẳng vào vị khách tình cờ khi chàng có hành động bột phát động chạm cơ thể:
“Thôi đi… Đàn ông các anh ai mà chẳng thế! Anh giúp tôi mấy bao ngô rồi đòi trả ơn… Đàn ông các anh thế hết”.
“… Đàn ông các anh như trẻ con cả! Cũng giống hệt đàn lợn của tôi. Khi nào được ăn thì phởn”.
Nhưng tại sao chàng diễn viên lại nhìn thấy trong người thiếu phụ ở trại lợn một vẻ đẹp kì diệu mà bản thân anh ta có lẽ cũng không thể giải thích một cách rốt ráo. Rất có thể bởi đấy là một người đàn ông duy mỹ và bị ám ảnh bởi vẻ đẹp mà anh tưởng tượng khi nghĩ về nàng Xuân Hương trong truyền thuyết. Một sự tôn sùng vô điều kiện. Chính bởi lẽ này, khi đạo diễn nói lý do chọn anh sắm vai Chiêu Hổ anh đã “tái mặt, cổ họng tắc nghẹn”. Tắc nghẹn bởi sự xúc phạm đến một giá trị mà anh và người đời vẫn tôn thờ – giá trị Xuân Hương, hay tắc nghẹn bởi sự xúc phạm đến “loài” nghệ sĩ mà chính anh là một trong số đó?
Họ gặp nhau trong một không gian đẹp một cách nhã nhặn có phần u buồn – một kiểu không gian hoàn toàn khác với không gian trong truyện thứ nhất và truyện thứ hai. Đấy là một con thuyền trong chiều mùa đông xám nhạt; nơi có đàn chim sẻ ào xuống mặt sông, qua ngay trên đầu họ, có tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, ở phía chân trời có một cánh vạc đơn lẻ bay về với một bến sông mà cái tên gợi một nỗi niềm ca dao: bến Tầm Xuân. Đấy là thứ không gian dễ khiến người ta sinh tình, dễ tạo lây lan cảm xúc. Nếu như thiên nhiên được miêu tả một cách chấm phá, thì vẻ đẹp thiếu phụ cũng chỉ là những nét gợi, với những biểu hiện rất sâu của đời sống tâm hồn pha chút nhục cảm. Đấy là một vẻ đẹp gợi tình. Vẻ đẹp khiến anh chàng diễn viên – nhà thơ không kìm nổi lòng mình, và có lẽ một cách vô thức, “đưa tay vuốt từ cái cổ trắng ngần xuống lưng thiếu phụ, cảm thấy gời chiếc áo lót dưới lần vải mỏng” (sđd, tr.426). Dĩ nhiên thiếu phụ phản ứng theo cách của đức hạnh nhưng cũng đã độ lượng bỏ qua sau đó, nhất là khi bị cuốn vào những triết lí có phần cay nghiệt của chàng trai về cuộc đời, và nhất là sự chia sẻ phần nào có tính chất “nịnh đầm” đối với chị.
Đã có một cái kết khá tê tái phía sau vẻ êm dịu. Khi chàng trai nói: “Chị Hương này! Ngày xưa có một nữ sĩ tên là Hương đấy. Chị có biết không?”, thiếu phụ chỉ trả lời một chữ “có”, với vẻ mặt hân hoan ngập tràn trong ánh nắng chiều” – không biết vì cái tên hay vì những câu chuyện khách mang đến. Người đàn ông lặng lẽ lên bờ.
“Anh vừa thu được vừa đánh mất một buổi chiều rồi. Có hề gì đâu? Thời gian thật là hào phóng. Nhưng mà hãy vì sự hào phóng ấy ta phải sống cho nhanh lên, có ích.
Với cuộc đời này. Không chờ gì cả. Có lẽ ngày xưa chính là Xuân Hương sống thế.” (sđd.tr430)
Có thể thấy ba cách tiếp cận khác nhau về nàng Xuân Hương ở Tổng Cóc, ấm Huy và chàng diễn viên kiêm thi sĩ. Tổng Cóc nhìn Xuân Hương bằng cái nhìn của một người đàn ông từng trải, ấm Huy nhìn Xuân Hương bằng cái nhìn của một nho sĩ trẻ – cái nhìn mang tính tôn sùng do tinh thần ít nhiều ảo tưởng về các giá trị sống (anh này rất dễ thành hủ nho), chàng diễn viên kiêm thi sĩ nhìn Xuân Hương bằng cái nhìn của hậu thế, phức tạp hơn, hiện đại hơn và có phần đĩ thõa. Trong mắt người đàn ông này, có một Xuân Hương gần mà xa, thanh cao mà thế tục. Nghĩa là Xuân Hương ở đâu đó, bằng những giá trị ngoài tầm với. Nhưng Xuân Hương cũng ở đó, cũng là một khối thịt da dễ đau đớn và tổn thương. Xuất hiện dưới nhiều điểm nhìn khác nhau ấy, hình tượng Xuân Hương hiện lên rất sống, đang sống mà không phải là một Xuân Hương đã sống. (Khiến cho nhân vật trong quá khứ sống một cuộc sống đích thực theo cách của họ vốn là biệt tài của Nguyễn Huy Thiệp). Và người ta không thể nhốt người đàn bà thi sĩ ấy trong những cái rọ giá trị định sẵn.
Chú thích:
(1). Có thể kể đến: Đào Duy Hiệp, “Đọc Chút thoáng Xuân Hương” trong sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa, Thông tin, 2001; Bùi Đào Quỳnh Hương – “Chút thoáng Xuân Hương” (Nguyễn… https://hieutn1979.wordpress.com
(2). Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, Nxb Trẻ – Công ty Văn hóa Phương Nam, 2003, tr. 411. Các trích dẫn về Chút thoáng Xuân Hương trong bài viết đều theo văn bản này.
26/2/2023
Lê Thanh Nga
Nguồn: Tạp chí Sông Lam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...