Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Người đi tìm vẻ đẹp văn hóa dân gian Nam bộ

Người đi tìm vẻ đẹp
văn hóa dân gian Nam bộ

Nhà nghiên cứu Lê Xuân tên thật là Lê Xuân Bột – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh là người đa tài, tính tình hiền lành dễ gần. Hiện anh đang sinh sống tại thành phố Cần Thơ. Quê gốc của anh ở Thọ Hải, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học tại vùng đất miền Tây Nam Bộ, cây bút chủ lực tham gia nhiều đề tài khác nhau.
Độc giả không chỉ biết đến anh là một nhà văn mà còn biết anh là Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Con đường đến với văn chương của anh, gắn bó với nghề dạy văn. Xuất thân từ một nhà giáo dạy văn ở trường sư phạm và phổ thông trung học (dạy văn trường chuyên). Từ những năm 1966-1980, anh đã gắn bó suốt 15 năm với miền núi Tây Bắc (tỉnh Nghĩa Lộ cũ, nay là tỉnh Yên Bái), và cuối cùng đậu tại thành phố Cần Thơ, nơi vùng đất giàu hoa trái và trí dũng “Ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Khi được chuyển về Cần Thơ năm 1980, anh vừa dạy học vừa làm báo. Nhiều người biết đến anh với chức danh Trưởng Văn phòng liên lạc báo Giáo dục và thời đại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm trước đây. Với lòng đam mê văn học từ ngày còn học sinh cấp 3 Thọ Xuân (nay là Trường PTTH Lê Lợi), Năm 1964 anh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh Thanh Hóa. Anh đến với văn chương như một cái duyên. Và thế rồi cái duyên ấy cứ quấn vào anh như cái nghiệp với nghề. Anh đã có 30 mươi tác phẩm viết in chung. In riêng có 3 cuốn nghiên cứu văn học; “Tiếng nói tri âm” (Tiểu luận phê bình) và “Lời đồng vọng”(Bình thơ), Chân dung văn học - “Nhà báo, nhà giáo, nhà văn”. Ngoài ra anh còn có tập truyện ký “Tây Bắc yêu thương”, tập thơ: “Hát nữa đi em” cùng nhiều bút ký, tản văn, nghiên cứu văn hóa, văn học, đăng tải trên các báo và tạp chí Trung ương, địa phương. Và mới đây, anh đã cho ra mắt cuốn tiểu luận phê bình văn học: “Nhặt những hạt vàng”, tập sách đã có nhiều người tìm đọc, tham khảo.
Đặc biệt lần này, anh gửi tặng tôi cuốn sách“Cảm nhận vẻ đẹp Văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ”dưới dạng tiểu luận & khảo cứu- xuất bản năm 2021 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Việt Nam ấn hành. Cuốn sách được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Đọc tác phẩm “Cảm nhận vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian”, nổi lên sự tinh tường trong cảm nhận của anh. Mỗi bài viết là một bông hoa đậm hương sắc với đầy đủ yếu tố từ cách nhìn đánh giá, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn, đến những tinh hoa do văn hóa, văn nghệ dân gian đem lại. Với tầm suy nghĩ rộng, uyên bác trong khảo cứu, anh đã phân tích, bình luận khá rõ nét nhiều vấn đề mang sắc thái riêng, không lẫn với nhiều người đi trước. Đó là một ưu điểm mà hiện nay vẫn không ít có người lặp lại. Xuất phát từ quan niệm Văn học là nhân học, văn học dân gian là một bộ phận của Văn hóa dân gian, anh đã có cái nhìn khoa học, tinh tường trong học thuật. Mỗi bài viết có sự cảm nhận tinh tế với năng khiếu thẩm bình, nhất là những bài ca dao, tục ngữ mà lâu nay ta thường gọi những “hòn ngọc” được nhiều người bàn đến.
Tác phẩm “Cảm nhận vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian” của Lê Xuân
Từ góc độ chuyên môn, qua nhiều năm giảng dạy nghiên cứu, anh đã có nhiều kỹ năng phân tích, luận bàn có sức gợi lớn, đem đến những rung cảm thẩm mỹ nhất định. Nội dung các bài viết trong cuốn sách khá phong phú về đề tài, chủ đề, bàn về nhiều khía cạnh, góc nhìn. Đăc biệt trong thi pháp thể hiện rõ nét quan niệm những điểm tương đồng, khác biệt và dị bản đối sánh. Nhiều bài viết toát lên đặc điểm hình thức nghệ thuật về phương thức, thủ pháp miêu tả, biểu hiện thuyết phục. Anh đã xác lập phạm trù thi pháp. Những phát hiện riêng lẻ được qui chiếu trong thời gian và không gian nghệ thuật. Nhân vật người kể chuyện, các kiểu lời văn (gián tiếp, trực tiếp, trần thuật), giọng điệu, tính đa thanh ngôn ngữ, lời độc thoại, đối thoại đều thể hiện sự nghiên cứu công phu mang đậm nét đặc trưng Văn hóa, Văn nghệ dân gian. Cuốn sách chia làm 3 phần với 32 bài khảo cứu bình luận.
 Phần 1: Bàn về sinh hoạt văn hóa ca dao, dân ca, tục ngữ (12 bài).
Trong các bài ấy, anh đã nêu bật được hồn cốt của một số bài ca dao, dân ca, tục ngữ với điểm nhìn sắc sảo. Những tinh hoa nghệ thuật qua các chi tiết thẩm mỹ, đánh giá, đưa ra những kiến giải dưới góc nhìn của một nhà lý luận nên có sự khái quát cao, giàu tính thuyết phục.Tôi rất thích các bài anh viết ở dạng khảo cứu. Vì đối với văn học dân gian không giống văn học bác học. Nó mang tính truyền miệng, có nhiều dị bản khác nhau. Vì vậy khảo cứu, lục tìm tư liệu, đối thoại, phản biện, lý giải để chứng minh cho những vấn đề nêu ra đem lại hiệu quả cao.
Trong phần một, khi bàn về ca dao tục ngữ, trong bài “góp phần tìm hiểu dân ca việt Nam” anh đã đưa ra một thực tế lý luận của học giả Dương Quảng Hàm giải thích khá tường minh trong Việt Nam Văn học sử yếu. “Ca dao là những bài có âm điệu, phối vần trong sáng, những thanh âm bật ra từ ngôn ngữ có tiếng vang thì bỗng nhiên nó trở thành dân ca”. Bằng những ví dụ chứng minh nhà văn Lê Xuân đã chinh phục được độc giả. Hàng loạt các bài bình ca dao ở các trang sau thực sự là một bữa tiệc văn chương đầy thú vị khi được giải mã các bí ẩn chứa vẻ đẹp nghệ thuật bên trong của ca dao, dân ca. Tại sao hình tượng ấy không thể thiếu được trong ca dao dân ca? Phải chăng, những điều ấy được xuất phát từ sinh hoạt văn hóa trong lao động, giao tiếp có được. Chả thế mà hình tượng “trầu cau” được lý giải cho vẻ đẹp ca dao trữ tình khá thuyết phục. Hiện tượng trầu cau là một mã văn hóa dân gian. Xuất hiện từ thời kỳ Hùng Vương. Nó đã chảy dài xuyên suốt lịch sử đến ngày nay. Sức sống trường tồn đi vào đời sống chảy dài từ cực Bắc đến cực Nam đất nước. Dù di đâu vẫn không quên lấy trầu cau làm câu chuyện kính lễ “Ai về tôi gửi buồng cau/ Buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy”.Vẻ đẹp của trầu cau trong ca dao lan tỏa vào những câu chuyện cổ, sang cả thơ, kết nối giao duyên giữa con người với con người trong tình yêu đôi lứa. Lê Xuân dẫn chứng “Những câu chuyện thách cưới trong ca dao” đẹp cả nội dung, hình thức, đậm dà có duyên. Những câu chuyện bàn về “Vẻ đẹp của tình yêu trong bài ca dao mình nói với ta”; có phát hiện mới trong phân tích, bình luận vẻ đẹp tình yêu. “Nỗi nhớ và lời trách yêu trong bài ca dao”, “Thiếp nhớ chàng” hay những bài viết “Bàn về câu ca dao“Gái thương chồng…” đã đưa ra nhiều cách hiểu tìm đến nghệ thuật độc đáo của Văn học dân gian Việt Nam.
Riêng thể loại ca dao có yếu tố trữ tình, Lê Xuân viết có sự đa dạng về cách nhìn. Một thực tế vấn đề này các nhà nghiên cứu thường đưa ra nhiều điểm khác nhau trong cách hiểu. Còn anh cho rằng, ca dao có nội hàm rất rộng. Anh nghiên cứu rất sâu ca dao ở các vùng miền. Đặc biệt là vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Một vấn đề rất quan trọng để so sánh, đối chứng, tìm ra vẻ đẹp riêng trong các sắc thái văn hóa của đất mẹ Việt Nam. Bài viết “Ca dao về tình yêu đôi lứa dùng từ Hán ở Nam Bộ” thể hiện sự sắc sảo trong nghiên cứu. Vấn đề Chúa Nguyễn Hoàng mở đất vùng phương Nam cũng được giải thích cho nhiều bài ca dao có gốc tích ra đời với những giai thoại văn học đặc sắc. Hình ảnh “cây cầu trong ca dao Nam bộ” là những bài viết điển hình thể hiện những ngôn từ thấu cảm toát lên vẻ đẹp vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ có nét riêng văn hóa đậm sắc. Sức thuyết phục ấy, tạo thêm cho du khách sự háo hức muốn tìm về. Chỉ một cách bàn về “Phương ngữ Nam Bộ” thôi cũng đã hiểu sự uyên thâm của nhà văn Lê Xuân.
Đáng chú ý, anh đã khai thác nghệ thuật ẩm thực với bài viết “Món ăn dân dã Nam Bộ qua ca dao”. Trong đó có nhiều câu ca dao đã trở thành thương hiệu được các nhà văn, nhà viết ký đưa vào trang văn của mình. Ví dụ: Nói đến Cần Thơ không ai không nhớ câu ca dao nổi tiếng “Cần thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Thưởng thức hoa quả là đặc điểm không quên của mỗi người khi đến. “Miền Nam hết nắng rồi mưa/ Cho cam lắm trái cho dừa thêm xanh/ Sầu riêng nặng trĩu trên cành/ Mãng cầu, măng cụt ngon lành biết bao”. Trong nghệ thuật ẩm thực, ca dao đã ăn sâu tiềm thức bao đời của người dân Nam Bộ. Không chỉ thể hiện những câu ca dao độc đáo mà còn bộc lộ sự giao thoa trong văn hóa ẩm thực của người Việt-Hoa-Khmer trên đất Tây Nam Bộ. Mỗi dân tộc đều lưu giữ nét văn hóa riêng của dân tộc mình như phong tục, tập quán, ngôn ngữ ẩm thực, nhưng luôn có sự hòa hợp và giao thoa lẫn nhau. Gắn kết tình hữu nghị giữa ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer trên dải đất Việt Nam.
Một điểm không thể quên được khi nhà văn đề cập đến “Chợ nổi Cái Răng-dấu ấn sinh hoạt của vùng sông nước Nam Bộ đã đi vào ca dao từ lâu đời. Một sự giải thích cho những câu ca dao đậm chất phương ngữ vùng miền Tây Nam Bộ “Cái răng, Ba Láng, Vàm Xáng Phong Điền/ Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”. Hình ảnh chợ nổi Cái Răng với nhiều câu ca hò vè, điệu lý của người dân miệt vườn sông nước Nam Bộ đã cho ra đời những câu ca dao xa rồi vẫn nhớ “Dòng sông khi đục khi trong/ Chỉ riêng chợ nổi người đông bốn mùa”. Chợ nổi Cái răng đã trở thành thương hiệu độc đáo đi vào ca dao bằng những hình ảnh mĩ cảm mang hồn cốt người dân miền Tây Nam Bộ nhiều nhất. Một góc nhìn rất riêng được nhà văn Lê Xuân thể hiện trên ngòi bút rất thành công.
Có thể nói, Ở phần một, bàn về sinh hoạt văn hóa, ca dao, tục ngữ ở địa bàn miền Tây Nam Bộ đã ánh lên vẻ đẹp Văn hóa Văn nghệ dân gian Nam Bộ đặc sắc. ví như câu ca dao có xuất xứ từ miền Bắc “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây” thì khi đến với vùng Nam Bộ đã có sự sáng tạo mới, theo dị bản, phù hợp với giọng hò và tính dí dỏm của người miền Tây: “Tưởng giếng sâu quá anh nối sợi dây cụt/ ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây/ Qua tới đây không cưới được cô Hai mầy/ Qua chèo ghe ra biển, đợi nước đầy qua lại chèo vô” (Trang 68) . Nó khẳng định một lần nữa, nhà văn Lê Xuân rất có duyên với vùng đất nơi anh vốn coi là quê hương thứ hai của mình. Trong quá trình diễn ngôn, thẩm bình những câu ca dao, tục ngữ mang đậm bản sắc địa phương đã đem đến một luồng gió mới cho những người yêu văn chương, yêu vùng đất này muốn tìm đến khám phá. Và họ sẽ được chứng kiến cái hay, cái đẹp mà bản thân nó đã được thiên nhiên ưu đãi với con người dễ mến không quên.
 Phần 2. Cảm nhận về Đình chùa, lễ hội, ẩm thực, đờn ca tài tử (8 bài).
Đây là những vấn đề rất cần kiến thức tổng hợp, đã cung cấp cho người đọc trong đời sống hiện nay hiểu thêm về quá khứ của cha ông. Nếu nói một năm có bốn mùa ở nước ta thì mùa nào người dân Việt cũng giành nhiều thời gian hơn cho các điểm đến từ đình chùa, lễ hội. Bởi nơi ấy chính là nơi hội tụ những nét văn hóa tâm linh có nguồn gốc sâu xa trong thế giới nội tâm của con người, nên những phần anh viết trong phần hai như chắp cánh cho người đọc có thêm niềm vui khi họ cần tìm đến và tra cứu. Điều đặc biệt hơn là các độc giả phía Bắc hiểu thêm về đình chùa, lễ hội, phong tục tập quán của người dân vùng sông nước đồng bằng miền Tây Nam Bộ, mà nét nổi bật nhất là “đờn ca tài tử” – văn hóa phi vật thể đã được Hội đồng Unesco công nhận. Từ những quan niệm theo định nghĩa của Unesco “Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền lợi cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng…đều do con người sáng tạo”, nhà văn Lê Xuân đã đi sâu nghiên cứu “Kiến trúc đền chùa”, “Đờn ca tài tử” mang sắc thái “độc vị”. Một món ngon mà chỉ có vùng này đậm sắc thái hơn cả. Nổi bật nét văn hóa hơn ở người Khmer có “Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Chén Cửu ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Người Kinh có Chùa Hội Linh, Nam Nhã, người Hoa có Chùa Ông… Mỗi một địa danh đều có địa chỉ văn hóa mang bản sắc riêng. Là nơi cầu tự, giải tỏa ưu phiền, tìm đến sự thanh cao may mắn.
Riêng phần “đờn ca tài tử” là nét đẹp đặc trưng nhất là hơi thở của cư dân Nam Bộ. Nơi có cố soạn giả Cao Văn Lầu nổi tiếng với “Dạ cổ hoài lang”. Qua nhiều cách lý giải, chúng ta có thể hiểu rõ các nhóm nhạc đã hình thành nổi tiếng ngay từ những năm 1930. Đến ngày nay vẫn được phát huy lên tới đỉnh cao. Là thương hiệu lôi cuốn khách du lịch trong nước và quốc tế đến nhiều nhất (Theo trang viết của nhà văn Lê xuân). Những số liệu nhà văn Lê Xuân đưa ra các ngón nghề, cách hát, phương thức hát, càng chứng minh văn hóa đờn ca tài tử được hình thành phát triển lâu đời, có sức sống vĩnh cửu, ngấm vào trang viết của anh rất kỳ diệu. Thể hiện một sự nghiên cứu am tường không gian ca nhạc tại đây. Tôi đồng cảm về những nhận xét của anh “Những biểu hiện thi ca, nhạc tấu của người dân Nam bộ là tiếng lòng có sức sống mãnh liệt hình thành nên tính cách người dân nơi đây”. Tất cả những vẻ đẹp văn hóa không chỉ cho Nam Bộ nói riêng mà còn cho văn hóa Việt nói chung.
Phần 3. (12 bài) Hình ảnh 12 con giáp trong ca dao, tục ngữ, thơ ca đặt ở cuối sách, cũng rất hấp dẫn, tạo thêm dấu ấn khó quên cho người đọc.
Ta đã gặp nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian qua nhiều bài viết nhưng riêng tôi có sự cảm nhận, nhà văn Lê Xuân là người rất cẩn trọng trong từng câu chữ, từng ý, từng lời văn, nên phong cách viết của anh rạng ngời sắc nét. Mỗi bài viết về những con Giáp đều có sự nghiên cứu tường tận văn hóa dân gian trong tâm thức người Việt. Mỗi linh vật đều có sự chảy ngầm trong sáng tạo dân gian qua mạch nguồn ca dao, tục ngữ. Tất cả đã làm sáng lên giá trị nhân bản mà bao đời ông cha ta đã gìn giữ vun đắp, phát triển. Một sự khám phá tinh tế, những con chuột, con heo, con hổ…con mèo, con rồng…đi vào ca dao dao tục ngữ kèm theo những câu chuyện, những giai thoại với nhiều chi tiết hay và lạ. Bên cạnh có sự hóm hỉnh kèm theo yếu tố tâm linh nhiều sắc thái biểu cảm. Không phải ngẫu nhiên những câu ca dao tục ngữ ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt bao đời nay có một niềm tin vào đấng siêu nhân như thế. Có những điều khó lý giải. Tuy nhiên ca dao và tục ngữ qua trang viết của nhà văn Lê Xuân đã sáng lên bao câu chuyện dân gian, để lại cho người đời cảm mến như một chân lý. Đó là những điểm sáng mà anh đã dày công nghiên cứu đem lại. Hơn nữa, các nhà thơ vùng đất Nam Bộ còn học hỏi nghệ thuật từ ca dao tục ngữ để sáng tác thành những bài thơ có nội dung và hình thức như ca dao.
Có thể nói, cuốn sách “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ” là món quà rất ý nghĩa đối với tôi và mọi người. Với loại sách Tiểu luận& Khảo cứu, tôi thiết nghĩ phải đọc đôi ba lần, đọc chậm và nghiền ngẫm sẽ tìm đến nhiều điều thú vị. Bởi việc siêu tầm biên soạn loại sách này phải có một kiến thức hiểu rộng và sâu về loại hình nghệ thuật văn hóa văn nghệ dân gian mới thành công. Tất cả những phẩm chất ấy, nhà văn Lê Xuân đã có. Với tôi, tác phẩm “Vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ” thực sự là cuốn sách hay, có nhiều nét mới, rất cần cần cho người đọc tham khảo. Nó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho chúng ta yêu hơn giá trị truyền thống văn hóa mà cha ông để lại. Từ đó có trách nhiệm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt trong đời sống văn học hiện nay.
28/2/2023
Trịnh Vĩnh Đức
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...