Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Tìm về dưới gốc tiêu xanh

Tìm về dưới gốc tiêu xanh

Út Thanh chuẩn bị trang gói. Sáng mai cô lên tỉnh Đồng Nai thu hoạch tiêu theo lời nhắn của đứa cháu ruột. Đây là lần đầu Út Thanh lên tỉnh Đồng Nai làm theo yêu cầu của cháu mình. Nghe đâu vườn tiêu cháu cô đang làm là của một cán bộ quân đội nghỉ hưu, tên Tư Nam. Út Thanh ngờ ngợ có phải Tư Nam, Đại đội trưởng, Đại đội đặc công U1 bị thương sau chiến dịch Mậu Thân.
Nhà ở thị trấn Trảng Bom và đang kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ trang trí nội thất. Trông coi vườn tiêu và kêu công phụ hái, ông Tư Nam đều giao cả cho thằng Tèo, quê Bến Tre. Mỗi tuần ông Tư Nam vào thăm vườn tiêu một lần. Lần nào vào ông cũng mang theo bánh, trái cây đặt vào cái am và đốt hương. Cạnh đó có mấy mô đất được xếp đá vòng quanh. Có một lần thằng Tèo theo ông Tư Nam ra chỗ có mấy mô đất xếp đá. Với bản tính tò mò và tự nhiên, nó hỏi đại:
– Chú Tư Nam nè! Con hỏi thiệt có phải đây là nơi chôn liệt sĩ trong những năm đánh Mĩ? Cô của con trước cũng tham gia kháng chiến vùng này. Cô Út con nói sau tết Mậu Thân, bộ đội hy sinh nhiều và một số không lấy được xác.
– Cô của cháu tên là gì?
– Cô của con tên là Út Thanh…
Tư Nam xuống sắc. Ông không nói thêm câu nào. Bỏ vào nhà lên xe nổ máy về thị trấn Trảng Bom. Thằng Tèo thấy lạ trước thái độ của ông chủ khi nhắc đến tên cô mình.
Thằng Tèo lên làm cho ông Tư Nam lâu lắm rồi. Nhà nghèo, nó quanh năm đi làm thuê mướn. Lên Đồng Nai, nó may mắn được ông Tư Nam nhận làm và xem nó như cánh tay đắc lực “kinh tế vườn”. Ông Tư Nam sang lại  vườn tiêu được ít năm thì đã có thằng Tèo. Chính xác cái am và mấy mô đất xếp đá đã có từ ông chủ trước. Có lẽ ông chủ người Hoa đó đã phát hiện ra hài cốt liệt sĩ nên không muốn giữ làm rồi bán cho Tư Nam với giá hữu nghị. Nhiều năm qua vườn tiêu của gia đình ông Tư Nam luôn xanh tươi và sai hạt.
Tối đó Tư Nam trằn trọc không ngủ được. Quá khứ cứ chập chờn trong tâm não người chỉ huy Đại đội đặc công… Tháng 2 năm 1968, các đơn vị pháo ĐKB, bộ đội địa phương và du kích ở hai huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom hành quân chiếm lĩnh trận địa trước giờ G. Cùng đêm, Đại đội đặc công U1 do Tư Nam chỉ huy cùng Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 đột nhập sân bay Biên Hòa. Bộ đội dùng thủ pháo dù đánh hỏng từng chiếc máy bay đậu trên đường băng. Tiếng nổ gây chấn động toàn thị xã Biên Hòa. Mấy chiếc trực thăng võ trang từ Bộ tư lệnh dã chiến 2 của Mĩ lên bắn roc-két xuống đội hình quân ta. Đại đội của Tư Nam và Đại đội 1 bên bạn vẫn ngoan cường bám trụ ở một góc sân bay đánh trả các đợt phản kích quyết liệt của địch. Pháo Sư đoàn 5 chi viện cho bộ đội phát triển đánh vào khu nhà ở của phi công và nhân viên kỹ thuật chúng. Hai đại đội lực lượng vũ trang tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên. Không được tiếp viện người và vũ khí, lực lượng ta bị hỏa lực địch làm tiêu hao nhanh chóng, hy sinh gần hết. Địch tiếp tục dội bom. Đơn vị được lệnh rút. Sau trận huyết chiến đó, Tư Nam và một số đồng đội sống sót trở lại chiến trường lục bới một vùng vẫn không tìm thấy được một thi thể bộ đội.
Trận đó Tư Nam bị thương ở mông. Chần chừ mãi, cuối cùng lệnh cấp trên buộc ông phải nằm điều trị vết thương tại bệnh xá bộ đội Miền.
– Anh nằm sấp, hơi nhổm lên một chút, để em vệ sinh và băng lại vết thương cho anh. Em tên là Út Thanh quê Bến Tre. Cha mẹ em qua đời trước năm Mậu Thân trong một trận càn của Sư đoàn 7 ngụy. Căm thù giặc, em tình nguyện gia nhập bộ đội Miền và được đi học lớp y tá chín tháng.
Giọng cô gái như còn ấm bên Tư Nam. Ánh mắt đen và nụ cười có lúm đồng xu ấy làm sao quên được. Đôi tay mềm mại của Út Thanh vòng băng vết thương cho ông hằng ngày.
Tư Nam trở mình. Lác đác tiếng gà gáy trong khu phố.
Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh xác định qua thông tin của  Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 4, về số bộ đội hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa. Có thể địch chia làm hai điểm chôn lấp xác bộ đội, đó là xã Trảng Bom 1 và xã Cây Gáo. Điểm X bây giờ thuộc địa bàn ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo là nơi địch chôn lấp bộ đội. Một số điểm trong hai khu vực trên đã được khai quật, số liệt sĩ tìm thấy đã an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Còn lại liệt sĩ chưa tìm được nay nằm đâu? Câu hỏi đó luôn là nỗi day dứt của các cựu binh cách mạng và kéo dài hằng năm tháng chưa có hồi âm. Tại các cuộc hội thảo, xác định vị trí địch chôn lấp liệt sĩ đều có các cựu chiến binh, các thủ trưởng đơn vị từng tham chiến trước và sau chiến dịch Mậu Thân đến 30 tháng Tư năm 1975. Trong đó có cựu chiến binh, Đại úy Tư Nam, nguyên Đại đội trưởng, Đại đội đặc công U1. Tư Nam vẫn không có ý kiến gì khác, ngoài: “Có khả năng số liệt sĩ trên đã mất tích do bom pháo địch…”.
Sau những lần hội thảo, về nhà, ông Tư Nam tìm đến bạn để nhậu. Nhậu cốt cho quên mọi chuyện trên đời luôn ám ảnh, dằn vặt ông qua năm tháng. Mà ông không chiến thắng được, bởi vườn tiêu ông rất quý và còn áp lực từ phía gia đình. Đã có lần ông qua thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước thăm người bạn trước cùng chung đơn vị, đã nghỉ hưu. Bạn ông đưa  đến nơi xem Đội K72, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đang khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88 hy sinh trong trận đánh đồn Phước Qủa, mà địch đưa về chôn lấp tập trung. Nhìn qua khu trung tâm hành chính thị xã Phước Long, trước đây là vùng phụ cận sân bay quân sự Phước Bình, ngồn ngộn một vùng đất đỏ ước tính khoảng trên 50.000 mét khối mà các loại máy đang xúc đào tìm kiếm liệt sĩ. Ông nghe người chỉ huy của đội tìm kiếm nói suốt ba tháng trời mới tìm thấy mấy liệt sĩ. Nghĩ đến vườn tiêu nhà, nếu khai quật quy tập liệt sĩ và tiếp tục tìm kiếm thì sẽ như thế nào? Chừng ấy ha đất vườn tiêu sẽ bị bình địa hoang hoác trong thời gian ngắn. Vườn tiêu mà vợ chồng ông đã gầy dựng hàng năm qua mới có. Cũng đã trồng đi trồng lại mấy lần, cũng qua mấy mùa giông bão mới trụ lại cho đến hôm nay. Khi tiêu mới trồng xuống gặp thời tiết mưa gió, vợ chồng ông phải lấy liếp phơi thuốc lá làm giàn che đậy lên.
Chỉ vì những suy nghĩ đó mà Tư Nam cố quên đi nghĩa tình tri ân liệt sĩ. Huống chi đây là liệt sĩ và có thể là đồng đội của mình từng vào sinh ra tử rồi nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất mẹ. Nhiều khi ông ngồi khóc một mình bên những nấm đất đen vô giác ấy. Có lúc ông như kẻ mất hồn, khôn không ra khôn, dại không ra dại, khó lường… Cứ mỗi lần ông đề nghị gia đình phải thông tin cho đội tìm kiếm liệt sĩ tỉnh Đồng Nai về khảo sát khai quật, liền bị mụ vợ đay nghiến, chì chiết: “Tiền hưu của ông không đủ cho ông ăn nhậu. Mua lại vườn tiêu và tiền công chăm sóc nó đều là tiền của mẹ con tôi làm ra, của cha mẹ tôi ủng hộ thêm. Ông báo với họ có nước mà tanh bành vườn tiêu nhà. Ông xem lại mình đi, có gì không, hay chỉ trên răng dưới dép…”.
Nhậu vào, ông Tư Nam không về nhà mà chạy xe vào vườn tiêu. Nghe tiếng xe, mấy con chó mừng cuống. Thằng Tèo ra mở cửa cổng cho xe vào. Từ khi nó buột miệng hỏi ông về mấy mô đất xếp đá. Ngay sau đó, ông Tư Nam kêu máy kéo chở mấy cuộn kẽm gai vào rào kín xung quanh vườn tiêu và làm cổng cửa khóa. Chưa yên tâm, ông còn “tăng cường” bốn con chó lai béc giữ vườn. Chưa hết, Tư Nam còn cho thằng Tèo lấy cuốc san bằng mấy mô đất đó. Thằng Tèo rất căm nhưng ráng buộc bụng. Nó thầm hứa với lương tâm sẽ tìm cho ra nhẽ ở dưới những mô đất kia. Đêm ngủ, nó nghe ông Tư Nam trú trớ gọi tên cô mình và tên ai đó không rõ lắm.
Nửa đêm thằng Tèo thức giấc. Nó xách đèn bình đi ra nơi có cái am. Mấy con chó cũng lóc tóc đi theo nó. Ra tới, nó để cây đèn bình xuống, bước lại am, nó cúi lấy ba cây hương và cái hộp quẹc ra đốt. Cắm ba cây hương vào lư, nó lẩm bẩm: “Nếu là lính Cụ Hồ, hoặc lính quốc gia…, thì cũng đừng bắt con. Cho con đào thử một lần cho biết. Nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật…”. Nó lăn mấy bửng đá ra ngoài, cầm cuốc lưỡi gà bổ xuống. Trăng mười bốn sáng tỏ soi rõ những khoảng trống giữa các hồ tiêu. Mồ hôi đổ như nước dội trên lưng, trên ngực thằng Tèo. Nó đưa tay vuốt mặt, bàn tay cầm cán cuốc trơn nhẫy mồ hôi lẫn đất. Cuốc sâu xuống chừng nửa thước, bỗng lưỡi cuốc bập trúng một vật tiếng phát ra như đụng phải sắt. Thằng Tèo vả mồ hôi càng dữ. Nó buông cuốc chạy vào nhà, gần tới sân, bước nhẹ, sợ mấy công làm thức giấc biết chuyện thì rách việc. Không khéo đuổi nó về Bến Tre… Hơn mười năm nó làm công cho ông Tư Nam và được tin tưởng giao coi công, chấm công. Ngoài khoản tiền lương tháng. Cuối năm hoặc mỗi lần về thăm nhà, ông chủ vườn tiêu này còn thưởng cho nó mấy triệu đồng.
Thằng Tèo nhẹ chân leo lên sàn gác ngủ của công làm rồi với tay lấy cây đèn pin. Ra nơi vừa đào đụng vật lạ, nó vừa soi đèn pin vừa dùng tay bới đất. Trời ơi, khẩu súng AK đã rỉ sét lòi ra cùng với mấy mẫu xương người. Nó hoảng hồn lấp đất lại và chèn đá như cũ. Cũng may, đợt đó ông Tư Nam đi du lịch nửa tháng sau mới về.
Thằng Tèo lấy hon đa ra ngã ba Trảng Bom đón cô mình. Trưa tháng tư, bầu trời Trảng Bom xanh ngắt sau một trận mưa rào. Tắm rửa, cơm nước xong, thằng Tèo đưa cô mình đảo một vòng xem qua vườn tiêu mà ông chủ giao cho nó trông coi. Nó đưa cô mình đi tránh cái am và mấy bờ đá xếp tròn. Theo nó nghĩ chắc vướng hồ tiêu nên xếp nhiều vòng đá nhỏ. Chứ trước đây địch chôn lấp tập trung thi thể bộ đội, chúng phải ủi một đường hầm rất lớn. Tuy làm mướn làm thuê, song thằng Tèo luôn có nhận thức tích cực. Cha mẹ nó đều tham gia du kích và hy sinh trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Gia đình truyền thống cách mạng, thằng Tèo luôn được cô Út Thanh giáo dục cách sống, đạo làm người. Nhiều lúc nó muốn bỏ làm và đến Ban chính sách, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trình báo. Nhưng lại nghĩ đến gia đình còn quá nghèo, còn phải mưu sinh cuộc sống đỡ đần cô Út. Phần nữa, nó nghĩ đến ông Tư Nam đã cưu mang nó nhiều năm qua.
Cô Út nó đã qua một đời chồng. Năm 2006, chồng cô Út mất do tai nạn giao thông. Cô Út ở vậy không đi thêm bước nữa. Có thời gian cổ làm việc ở Trạm xá xã, được mấy năm thì nghỉ việc ở nhà làm vườn. Đến mùa lúa, cổ và mấy người trong ấp lên huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cắt lúa mướn. Nam nay, thằng Tèo chủ động đưa cô mình lên Đồng Nai phụ hái tiêu. Cô nó đồng ý, lên vùng trển làm ít vất vả hơn và làm trong vườn cũng mát mẽ, không như ở Đồng Tháp phơi lưng, phơi mặt dưới nắng.
Tiếng xe hơi rù rù bò vào sân.
– Ổng vào đó cô Út.
– Kệ ổng, mình cứ làm đi. Vậy con đã báo là có cô lên làm không?.
– Con nói rồi. Ổng chịu nhưng phải là người siêng năng mới được.
– Ai là công mới Tèo?
– Đây chú Tư. Cô Út con đó!
Thằng Tèo chỉ tay qua cô Út nó đang ngồi trên thang ghế sắt.
Út Thanh leo xuống thang. Cô tháo khăn choàng mặt.
– Út Thanh!
– Anh Tư Nam!
Hai người không kiềm nỗi xúc động ôm lấy nhau. Những giọt nước mắt nóng hổi từ hai người hòa quyện nhau, ướt lên môi, lên má. Thằng Tèo và mấy người làm sửng sốt. Chiều đó, ông Tư Nam cho mọi người nghỉ sớm. Ông kêu thằng Tèo bắt con gà trống thiến làm thịt. Bữa cơm tối vừa có uống bia, lan theo câu chuyện của hai người. “Khi anh ra viện, em vẫn còn làm ở bệnh xá một thời gian. Sau đó em được phục viên, về quê. Ít năm sau em lấy chồng. Ông xã em trước đây đi công an nhân dân vũ trang. Chúng em có một cậu ấm. Năm 2006, ảnh đi làm hồ về, lúc đó có uống với anh em thợ mấy ly rượu. Đến cây số 15, quốc lộ 5 bị chiếc xe tải chạy lấn đường va trúng. Ảnh té ngã đầu đập xuống đường, bà con đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng không qua khỏi”. “Đời em lao đao quá. Thế em định đi bước nữa…? Theo anh…”.
Tư Nam định nói “Theo anh cứ ở vậy, anh lo” nhưng nghĩ sao lại ngưng. Út Thanh hiểu được ý trong câu nói ngập ngừng ấy. Mối tình trong chiến tranh dù ngắn ngủi của thời gian anh điều trị tại bệnh xá, nhưng với Út Thanh đã chứa đựng bao điều lưu luyến. Đã có lần cô dành thân thể thanh tân của người con gái xứ dừa cho anh. Khuya, từng hạt sương gió hắt xuống vương trên mái tóc hai người. Hơi đá trong vườn tiêu lành lạnh. Tư Nam dịch sát vào Út Thanh, quàng tay qua, ấm áp. Hơi thở hai người quyện vào nhau thổn thức.
Tờ mờ sớm, Tư Nam trở về Trảng Bom. Mọi người cũng dậy theo để lo cơm nước rồi ra vườn làm sớm. Thời tiết nắng nóng, đứng, ngồi trên thang sắt, nên tranh thủ làm sớm để nghỉ sớm. Miễn là thời gian đảm bảo được 7
tiếng là ổn. Hiệu quả từ công việc chứ không câu theo giờ. Thằng Tèo thay chủ quán triệt người làm, luôn cả cô ruột nó cũng phải chấp hành.  Út Thanh dời thang sắt tới gần cái am để hái mấy hồ tiêu gần đó. Chợt cô thấy mấy bờ đá xếp vòng tròn giữa những khoảng trống hồ tiêu. Chưa kịp hỏi thằng Tèo thì Út Thanh thấy choáng mặt. Cô chỉ kịp kêu lên “Tèo ơi!” rồi lảo đảo. Cái thang ghế sắt nghiêng một phía ngã đập xuống đất, nơi mà thằng Tèo đào lên cách đây mấy tháng. Mọi người xúm lại đỡ Út Thanh dậy xức dầu gió rồi đưa vào nhà. Tối đó, thằng Tèo kể lại mọi sự cho cô mình nghe. Út Thanh chết lặng mấy phút. Cô không ngờ Tư Nam lại có những suy nghĩ và hành động vô tâm như vậy.
Cuối tuần, Tư Nam đánh xe vào thăm vườn. Nhìn sân bê tông rộng hơn ngàn mét vuông phơi tiêu đầy ắp. Ông khấp khởi mừng, vụ tiêu năm nay không dưới mười tấn hạt khô. Ông Tư Nam bước ra vườn, không khí người làm im ắng khác với mọi lần. Chã nhẽ Út Thanh đã phát hiện ra mấy nấm mộ. Mà sao cổ biết? Chẳng lẽ thằng Tèo…
– Tèo đâu cháu?
– Dạ, con đây?
– Thế cô Út Thanh đâu mà không thấy phụ hái…
– Cô Út nghỉ làm ra đón xe về quê rồi.
– Sao vậy?
– Con đâu biết. Cổ có gửi lại lá thư.
Tư Nam mở lá thư ra đọc. Da mặt ông tái dần…
Khi biết có hài cốt bộ đội trong vườn nhưng anh vẫn câm lặng hằng chục năm qua. Anh biết các gia đình, thân nhân của liệt sĩ hy vọng từng ngày từng giờ có thông tin từ các Đội tìm kiếm liệt sĩ. Anh tiếc vườn tiêu tiền tỷ chứ gì. Vài hài cốt liệt sĩ không đáng để gia đình anh hy sinh hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả vườn tiêu? Em thất vọng quá. Người mà em hằng trân trọng yêu quý nhất trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Em biết hết cả rồi. Thằng Tèo đã kể hết cho em và mấy người làm. Anh cứ ra chỗ đó đào thử xem, khẩu súng AK và mấy mẩu xương còn dưới…
Thằng Tèo thất thểu bước vào nhà. Nó quẳng ba lô xuống bộ ván rồi đi ra vườn. Cô Út Thanh đang bồi bùn cho mấy bờ mía thấy nó, ngưng làm.
– Ủa, đang làm sao lại về. Mà sao nhìn mặt con như người thất trận zậy?
– Còn vườn đâu nữa mà làm. Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang khai quật vườn tiêu. Banh chành trước mắt hàng chục hồ tiêu. Cô về nhà hôm trước thì ngày sau bộ đội tỉnh về khảo sát. Chắc là chú Tư Nam thông tin cho biết.
Út Thanh im lặng giây lát rồi nói với thằng Tèo. “Con với cô quay lên chỗ ổng”. “Để làm gì cô?”. “Cô và con cần có mặt lúc này để động viên ổng. Tiếc lắm mấy ngàn nọc tiêu, nhưng cũng phải hy sinh để đào bới tìm kiếm liệt sĩ Tèo ạ. Cái cao quý nhất là tìm được anh em đồng đội trở về với quê hương, người thân gia đình. Những người con đã hiến dâng tuổi xuân vì độc lập thống nhất đất nước”.
Út Thanh, thằng Tèo đứng cạnh Tư Nam. Chiếc ko-be đang cạp từng gàu đất bỏ lên. Từng hàng tiêu cao mấy mét lá xanh ngăn ngắt cứ thế bị liếm dần chỉ trơ lại bờ đất màu đen cao ngộn lẫn đá tàn ong. Quay qua Út Thanh, Tư Nam xúc động nói:
– Đội đã khai quật được năm ngày rồi em ạ và đã tìm thấy ba hài cốt liệt sĩ. Trong số đó có liệt sĩ Hoàng Văn Ngọc ở huyện Vĩnh Cửu. Ngọc là Trung đội trưởng, Trung đội 2, Đại đội đặc công U1. Mấy chục năm rồi mà tấm hình cậu ấy mới chỉ phai phần góc.
Út Thanh cầm tấm ảnh của Tư Nam đưa. Hoàng Văn Ngọc đứng với người yêu chụp trước ngày nhập ngũ. Cô bật khóc…
– Tạm thời em cứ để thằng Tèo ở lại đây với anh. Trước mắt nó ra phụ anh bán hàng trang trí nội thất. Chừng nào bộ đội hết khai quật… thì ta sửa đất trồng tiêu lại. Các đồng chí bộ đội tỉnh mượn căn nhà vườn để thắp hương cho số liệt sĩ đã được quy tập. Anh cho người dọn dỡ gác sàn ngủ trước. Mình đi vào thắp hương cho các liệt sĩ đi em.
Tư Nam quay qua nói với Út Thanh.
– Dạ. Mình đi vào anh…!
Khoảng trời Trảng Bom thanh cao, gió nhẹ. Từng con chim màu trắng vỗ cánh bay về tổ chấp chới trong nắng sớm chan hòa.  
25/2/2023
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...