Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Đi tìm 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất Việt Nam thế kỷ XX

Đi tìm 10 cuốn tiểu thuyết
hay nhất Việt Nam thế kỷ XX

Tôi đã có ý định lập ra một danh sách 10 cuốn tiểu thuyết sáng giá nhất của văn học Việt thế kỷ XX từ lâu rồi mà vẫn còn ngần ngại.
Vì tôi biết rằng xếp hạng các nhà văn và các tiểu thuyết của họ là điều rất nguy hiểm. Không ai dễ yêu, dễ ghét hơn các nhà văn! Sự nguy hiểm và những lời chỉ trích chắc chắn sẽ xảy ra, tôi biết chắc chắn như thế.
Tôi dự đoán được tất cả những tình huống ấy nhưng vẫn quyết làm vì thấy đó là điều cần thiết. Lâu nay chúng ta vẫn gặp các bảng xếp hạng các tác phẩm của các nhà văn khắp thế giới mà hình như ở nước Việt thì chưa có. Tôi lựa chọn danh sách này với tư cách độc giả, theo gu sở thích và đánh giá của tôi. Đấy là dũng cảm hay ngạo mạn tùy theo cách đánh giá của mỗi người.
Tôi chọn Khái Hưng vì ông là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất  của Tự lực văn đoàn, cộng thêm một cái chết đầy bí ẩn. Tôi đã đọc Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, hai tác phẩm Hoàng Đạo viết cùng với Nhất Linh và Tiêu Sơn tráng sĩ của riêng ông.
Và cuối cùng tôi quyết định chọn Tiêu Sơn tráng sĩ. Đây là một quyển tiểu thuyết lịch sử mà có hai điểm tôi rất thích, đó là chất anh hùng ca và những mối tình đẹp như mộng.
Chất anh hùng ca của “Tiêu Sơn tráng sĩ” rất ấn tượng và hiếm có trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Thường là mẫu hình một nhân vật lịch sử trung tâm hoà chung vào số đông, ít xuất hiện khí khái anh hùng và cái tôi cá nhân lớn như thế.
Nhân vật anh hùng trong Tiêu Sơn tráng sĩ là những kẻ gần như bị sử chính thống không quan tâm. Phạm Thái, Nhị Nương, Trần Quang Ngọc… là những chí sĩ đã chủ trương  tôn phò nhà Lê khi Tây Sơn đã trị vì. Những nhân vật ở “cánh bên kia” của lịch sử đã được tác giả xây dựng rất điển hình, sống động và tạo một ấn tượng khó quên với người đọc.
Tôi chọn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh vì cảm quan của lần đọc đầu tôi chưa thấy cuốn tiểu thuyết tiếng Việt đương đại nào thu hút tôi đến thế. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã khiến người ta say mê cùng với những suy tưởng.
Tôi nhấn mạnh, cuốn tiểu thuyết này không chỉ gây cho người ta sự say mê, nó còn gợi cho người ta những suy nghĩ rất lâu sau đó về tình yêu, nỗi buồn, sự bế tắc, sự phản bội, hèn nhát và điều đặc biệt nhất, Bảo Ninh đã nhìn chiến tranh gần như hoàn toàn khác với những người trước đó. Có thể nói từ sau Nỗi buồn chiến tranh các nhà văn Việt mới dám viết khác đi về chiến tranh.
Thời xa vắng của Lê Lựu là cuốn tiểu thuyết tôi cân nhắc khá lâu. Lần đầu tiên tôi cũng bị Lê Lựu làm cho cuốn hút lắm nhưng lần đọc sau tôi thấy sự hấp dẫn giảm đi khá nhiều.
Tôi đọc thêm hai cuốn Chuyện hai nhà và Sóng ở đáy sông của ông để kiểm tra lại cảm giác. Hai cuốn sau tất nhiên không hay bằng cuốn trước và tất nhiên ở thời điểm ra đời, Thời xa vắng có những lợi thế về bối cảnh và cuốn sách đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ với bạn đọc. Nó là cái gạch nối quan trọng để các nhà văn Việt Nam có bước chuyển mình kể cả về nhận thức và cách viết. Thời xa vắng xuất bản lần đầu năm 1984, ra đời trước Nỗi buồn chiến tranh 3 năm.
Trần Dần là một “ca” đặc biệt. Ai cũng biết Trần Dần nổi bật với vai trò một nhà thơ, còn với Trần Dần tiểu thuyết tôi đọc hai cuốn Những ngã tư và những cột đèn và Đêm núm sen. Đêm núm sen có nhiều người ưa thích về ngôn ngữ nhưng cá nhân tôi thì không thích cuốn này, nó đuối hơn so với Những ngã tư và những cột đèn.
Tác phẩm này cũng giống như đời Trần Dần, sau mấy chục năm im lặng, xa rời tác giả rồi khi trở về lại phải chờ đợi thêm một thời gian dài nữa mới được xuất bản. Cuốn sách này có đôi chút ngoại lệ về thời gian, sách xuất bản năm 2010 nhưng đã được tác giả hoàn thành lần cuối vào năm 1989 và tôi vẫn cho nó nằm trong thế kỉ XX.
Trong những cuốn của văn học tiền chiến, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách luôn có một địa vị quan trọng. Đây không phải cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, dù niên đại của nó rất sớm, in lần đầu thành sách năm 1925 nhưng Tố Tâm đặc biệt bởi vì nó đi tiên phong trong việc chủ trương giải phóng con người khỏi những lề luật phong kiến cũ.
Dù chính Hoàng Ngọc Phách cũng mâu thuẫn trong bản thân mình khi ông kêu gọi người ta chính chuyên, nền nếp nhưng cuốn tiểu thuyết của ông lại có phần cổ suý cho ái tình tự do. Và người ta đã từng buộc tội rằng chính cuốn Tố Tâm đã khiến nhiều thiếu nữ vì lụy tình mà quyên sinh. Lời buộc tội thật ghê gớm nhưng cũng là sự khẳng định cho ảnh hưởng của tác phẩm này.
Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đơn giản là một chuyện tình, một chuyện tình đẫm nước mắt nhưng ở cái thời luyến ái vẫn trong vòng của khuôn giáo của lễ giáo phong kiến ngặt nghèo thì nó đã là một tiếng nói rất ghê gớm.
Số đỏ của Vũ Trọng Phụng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt như có lần tôi đã lưu ý. Bởi vì đa số các tiểu thuyết đương thời chìm trong những khổ não của ái tình hoặc run rẩy vì đói khát thì Số đỏ cất lên một tiếng cười vô cùng lớn. Tiếng cười ấy chế giễu những thói hư tật xấu của loài người, tiếng cười ấy nhổ một cú chua cay vào một xã hội ngày càng suy đồi.
Điều đặc biệt của Số đỏ là nó không những đúng với thời đại của Vũ Trọng Phụng đã sống mà ngay cả những dự báo của nhà văn về một xã hội hiện tại, nơi nhiều người đặt tiền bạc và danh vọng lên trên hết, ta vẫn bắt gặp những hình ảnh của “Xuân tóc đỏ”, “cụ cố Hồng”, “bà phó Đoan”, “cô Ánh Tuyết”… trong những phiên bản hiện đại và người ta vẫn đang chờ đợi những Vũ Trọng Phụng mới!
Nguyễn Bình Phương là một trong những gương mặt đáng chú ý nhất của tiểu thuyết Việt đương đại. Cũng giống như Trần Dần, Nguyễn Bình Phương cũng có những thành tựu ở cả thơ và tiểu thuyết.
Người Đi Vắng – Nguyễn Bình Phương, Nxb Tổng hợp TP.HCM
Trong gần 10 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản của Nguyễn Bình Phương, tôi chọn Người đi vắng là “điểm chốt” cho sự lựa chọn của mình.
Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho nghệ thuật viết của Nguyễn Bình Phương, kĩ càng, cầu kì nhưng vẫn đủ nhoè mờ ở những biên độ nhất định, thỉnh thoảng có những pha chồng lấn về Binh biến Thái Nguyên của Đội Cấn. Người đi vắng mang trong mình tư duy hiện đại về tiểu thuyết, một nỗ lực của văn học Việt tìm cách bứt ra khỏi những thứ cũ mòn, lặp lại.
Một gương mặt rất đáng kể của văn học tiền chiến là Nhượng Tống với tiểu thuyết Lan Hữu – tác phẩm cùng chủ để với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách nhưng phát triển ở mức cao hơn.
Cuốn tiểu thuyết này gần như bị lãng quên trong lịch sử văn học, sau một thời gian rất dài mới được in lại. nhưng dần dần Lan Hữu đã được trả về đúng vị trí của mình.
Vào những năm 40 của thế kỉ trước, Nhượng Tống đã có những trang miêu tả tâm lí con người rất tinh tế, một điều rất hiếm thấy trong văn học Việt Nam thời kì đó.
Nhượng Tống đã không ngần ngại miêu tả ái tình ở những pha hóc búa nhất: một mối tình gần như loạn luân nếu xét theo lễ giáo phong kiến và cuộc tình tay ba của một thiếu niên mới lớn.
Điều đặc biệt khi đọc lại Lan Hữu, tôi đã phát hiện ra Nhượng Tống là một trong số ít các nhà văn dám mỉa mai những thói hư tật xấu của người Việt, những thứ từng được coi là khuôn mẫu đạo đức xã hội rất sớm. Không trào lộng như Nguyễn Công Hoan hay “phũ” như Vũ Trọng Phụng, ở Lan Hữu, Nhượng Tống  có những cú mỉa mai rất “nhã” và kín đáo.
Chùa Đàn là cuốn sách tôi thích nhất của Nguyễn Tuân. Và lại phải nói rõ một lần nữa, sự yêu thích này là dành cho phần tác phẩm Tâm sự của nước độc được viết trước khi nhà văn họ Nguyễn bổ sung hai phần đầu và cuối, gọi là “Dựng” và “Mưỡu cuối” và đặt tên mới là Chùa Đàn.
Và tôi cho rằng sự bổ sung của tác giả đã làm cho tác phẩm xộc xệch hẳn đi. Tâm sự nước độc là tác phẩm kết tinh những gì gọi là tinh tuý nhất của Nguyễn Tuân, một thứ văn vô cùng cầu kì, tinh xảo, hoà quyện trong một không gian rợn ngợp, u uất, buồn thảm mà thấm đẫm một vị hoài cổ và đẹp đến rợn người.
Nguyễn Tuân đã lừng danh ở Vang bóng một thời và đến Chùa Đàn, tác giả đã tiến đến đỉnh cao nhất đời văn của mình. Nếu nói mỗi một chữ được gọi là một viên ngọc thì ở tác phẩm này Nguyễn Tuân đã làm được thế và đây xứng đáng là kiệt tác của văn học Việt.
Nhà văn tôi chọn cuối cùng là Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết Miền hoang tưởng của ông. Nguyễn Xuân Khánh từng là nhân vật sáng giá từ rất sớm với một truyện ngắn đạt giải cao trong một cuộc thi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1958. Nhưng từ ấy, đường văn, đường đời của ông ngày càng gian nan.
Vào những năm ở tuổi xế chiều của đời người, Nguyễn Xuân Khánh đã cho ra ba cuốn tiểu thuyết cỡ lớn: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Tôi chọn Miền hoang tưởng vì đây là cuốn tiểu thuyết cách tân nhất của Nguyễn Xuân Khánh, và cũng vì như những cuốn sau của ông in sau năm 2000, không phù hợp với tiêu chí khảo sát.
Miền hoang tưởng được hoàn thành từ năm 1975 nhưng đến tận năm 1990 mới được xuất bản lần đầu. Đến bây giờ thì người ta đã bình tĩnh nhìn nhận nó, sách được xuất bản bình thường và trả lại đúng tên tác giả tác phẩm sau một thời gian dài mai danh, ẩn tích.
10 cuốn tiểu thuyết xếp theo thứ tự năm xuất bản
1. “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, 1925
2. “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng, 1937
3. “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, 1938
4. “Lan Hữu” của Nhượng Tống, 1940
5. “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân, 1946
6. “Thời xa vắng” của Lê Lựu, 1984
7. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, 1987
8. “Miền hoang tưởng” của Nguyễn Xuân Khánh, 1990
9. “Người đi vắng” của Nguyễn Bình Phương, 1999
10. “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần, 2010
(Lựa chọn của nhà văn Uông Triều)
16/8/2019
Uông Triều
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...