Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Văn học hiện đại Tuyên Quang: Từ 1946 đến nay

Văn học hiện đại Tuyên Quang:
Từ 1946 đến nay

Mang những đặc điểm chung của văn học hiện đại Việt Nam như sự song hành hai đề tài lớn với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng, sự phân kì với những “mốc” thời gian lớn…, văn học hiện đại Tuyên Quang vẫn có những đặc điểm riêng, vừa do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của địa phương quy định vừa do truyền thống và bản sắc văn hóa nơi đây bồi đắp mà hình thành phát triển – Một nền văn học địa phương đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa vùng Việt Bắc.
1. Giai đoạn từ cách mạng tháng 8.1945 đến 1986
a) Giai đoạn từ 1946 đến 1954: Tuyên Quang đón âm vang kì diệu
Từ trước cách mạng tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chọn Tuyên Quang cùng một số tỉnh khác làm An Toàn Khu (ATK). Với lí do ấy, Bác Hồ cùng nhiều cơ quan đầu não của Đảng, chính phủ, Hội văn nghệ Việt Nam đã  về hoạt động cách mạng và gắn bó với Tuyên Quang. Cũng từ khởi điểm lịch sử ấy đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng, Tuyên Quang đã trở thành cái Nôi tuyệt vời cho sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, của nhiều văn nghệ sĩ tài danh của cả nước như Hồ Chí Minh, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu…
Những tác phẩm lớn ấy không chỉ là tấm gương soi cho công cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại bấy giờ, mà còn “khúc xạ” hình ảnh Đất và Người Tuyên Quang vào văn học cách mạng và kháng chiến. Những “âm vang” của những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn ấy, vô hình chung, đã tạo ra “nền móng” để văn học Tuyên Quang hiện đại hình thành, phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn tiếp theo.
* Với tác phẩm thơ ở giai đoạn này.
– Tác phẩm của Hồ Chí Minh: Thơ chúc mừng năm mới (1948 – 1954); Thơ chữ Hán: Nguyên Tiêu; Thu Dạ; Tư chiến sĩ; Báo Tiệp; Tặng Bùi Công… Thơ chữ quốc ngữ: Thơ gửi các cháu thiếu nhi.
– Sáng tác của một số nhà thơ, nhà văn có tên tuổi lớn ở Tuyên Quang, cho Tuyên Quang: Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu.
b) Giai đoạn từ 1954 đến 1975: Văn học hiện đại Tuyên Quang hình thành, phát triển, hòa nhịp bước cùng văn học cả nước.
Với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt cho một dòng chảy văn học đặc biệt, ở giai đoạn vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở Miền Bắc, Tuyên Quang cùng các tỉnh ở Miền Bắc vừa là “hậu phương lớn cho chiến trường Miền Nam vừa là “Tiền tuyến lớn” chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Bối cảnh lịch sử bao trùm cả thời đại ấy, dẫn đến sự đòi hỏi đặc biệt “văn học nghệ thuật là vũ khí trên mặt trận văn học tư tưởng…”, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn này đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, đúng như Tố Hữu từng viết.
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương…
Bởi vậy, văn học Tuyên Quang giai đoạn này cũng vận động, phát triển trong hệ thi pháp chung của văn học cả nước: – Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.
+ Khuynh hướng sử thi: – Các tác phẩm tập trung phản ánh những đề tài thuộc phạm vi lịch sử dân tộc; những sự kiện lịch sử lớn, những biến cố xã hội liên quan đến vận mệnh sống còn của cộng đồng. Hình tượng người anh hùng dân tộc là hình tượng trung tâm…
+ Cảm hứng lãng mạn cách mạng: – Thơ hóa, lí tưởng hóa hiện thực, từ trong hiện tại mà mơ ước về tương lai tốt đẹp một cách duy vật biện chứng chứ không hão huyền, không tưởng…
Đây là hai đặc trưng quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại (1945 – 1975), trong đó các bộ phận văn học địa phương như Văn học Tuyên Quang.
Từ hai đặc điểm thi pháp kể trên, văn học Tuyên Quang (bao gồm sáng tác văn học của các tác giả là người Tuyên Quang, của các tác giả của cả nước viết về Tuyên Quang) đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có tác phẩm viết về một số đề tài chiếm vị trí trung tâm: – Bác Hồ với khoảng thời gian sống và làm việc tại Tuyên Quang; con người và quê hương Tuyên Quang anh hùng và nhân văn trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Đây là tác phẩm của các tác giả của cả nước viết về Tuyên Quang:
+ Thơ: – Một số kỷ niệm về Hồ Chủ Tịch ở Tân Trào (Huy Cận); Người Tân Trào (Nông Quốc Chấn); Ở chiến khu cách mạng (Tế Hanh); Về Tuyên (Xuân Diệu)…
+ Hồi ký, bút kí: Từ Pắc Bó đến Tân Trào (Võ Nguyên Giáp); Gặp Bác ở Tân Trào (Nguyễn Lương Bằng); Lên đường vũ trang (Hoàng Văn Thái); Tân Trào – Mùa thu (Song Hào); Đi dự Quốc dân Đại Hội (Trần Huy Liên); Gặp đồng chí già ở Tân Trào (Lí An Quân); Những ngày đầu Bác ở Tân Trào (Lương Thị Khanh)…
Đây là tác phẩm của các tác giả là người Tuyên Quang viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội: – Cao Xuân Thái với 03 tập thơ Trước đá , Cao nguyên cực Bắc; Từ tuyến đầu tổ quốc; Hoàng Quang Thông với hai tập thơ Sông Năng, Nà Hang; Gia Dũng với hai tập thơ Nắng Tân Trào, Bài ca Trường Sơn… Đoàn thị Ký với Tân Trào; Trần Khoái với Về Tân Trào; Hà Phan với Lán Nà Lừa; Lê Na với Tân Trào – Đêm lửa trại…
– Về truyện và ký có: Phù Ninh với Dâng lên Bác cây đa Tân Trào; Đinh Công Diệp với Ở Tân Trào; Trần Hòa Quảng với Bác Hồ về thăm nhân dân Tuyên Quang; Trần Ngọc Bích với Đón Bác về thăm Tân Trào…
Nhìn chung, văn học hiện đại Tuyên Quang trong giai đoạn này vừa là “tấm gương soi” trung thực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc ở địa phương vừa là một tiếng hát đẹp trong bản “Đồng ca” văn học Việt Nam hiện đại, với hai “giai điệu” hào hùng, xuyên suốt: – khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.
c) Văn học hiện đại Tuyên Quang từ 1975 -1986: – văn học của khoảng giao thời nhiều biến động.
Chiến tranh đã chấm dứt nhưng những vấn đề Hậu chiến tranh còn nặng nề cam go. Công cuộc xây dựng CNXH đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng xuất hiện nhiều bất cập cần giải quyết. Văn học Tuyên Quang cùng với văn học cả nước đang đứng trước cuộc chuyển đổi lớn lao về hệ hình thi pháp: – Từ mô hình văn học sử thi hiện đại chuyển sang mô hình văn học phi sử thi, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự – đời tư. Quá trình chuyển đổi không dễ dàng, nhưng văn học hiện đại Tuyên Quang vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Đó là những tác phẩm vẫn “vận động” theo “quán tính” của nền văn học sử thi hiện đại từng chiếm vị trí độc tôn  trong giai đoạn 1945 – 1975, giờ nghiêng về khám phá nỗi đau “Hậu chiến” như Thúy Mơ với Nhớ về thủa ấy, Trường Sơn; Lê Na với Áo lính chị tôi; Nguyễn Kim Thanh với Trở lại chiến khu xưa….
Đó là những tác phẩm được sáng tác theo khuynh hướng “phi sử thi” lấy cảm hứng Thế sự – Đời tư làm cảm hứng chủ đạo, lấy con người đời thường, số phận cá nhân trước bao thử thách đa tạp làm đối tượng thẩm mĩ trung tâm của phản ánh nghệ thuật. Đó là Mai Liễu với Bếp Lửa Vuông, Nguyễn Thế Hoàn với Xuôi về kí ức; Gia Dũng với Nắng Tân Trào; Đoàn Thị Ký có thơ in chung trong Dòng sữa nuôi tôi…
Có thể nói, đây là giai đoạn chuẩn bị quan trọng cả về đội ngũ tác giả, cảm hứng chủ đạo và phương pháp sáng tác, bút pháp nghệ thuật và kĩ thuật tự sự cho bước đi mạnh mẽ của văn học Tuyên Quang sau 1986.
Ở giai đoạn này sự kiện Hội văn học nghệ thuật Hà Tuyên ra đời vào ngày 26/6/1982 có ý nghĩa văn hóa vô cùng lớn lao: – Tập hợp, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đông và mạnh hơn từ hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tờ báo văn nghệ Hà Tuyên, sau là Tạp chí Tân Trào (1999) là diễn đàn văn nghệ của toàn thể văn nghệ sĩ trong và ngoài hai địa phương sáng tác về một vùng văn hóa miền núi đặc sắc; Hội văn học nghệ thuật Hà Tuyên đã xuất bản một số tác phẩm có giá trị: – Thơ văn Tân Trào 1945 – 1985; truyện và kí của Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Phù Ninh; Thơ của Nguyễn Đình Kiên, Ninh Văn Độ, Gia Dũng, Đoàn Thị Kí, Hà Phan, Nguyễn Bình, Xuân Mạnh, Phạm Văn Vui, Trần Hoài Quang, Trần Khoái… thường xuyên được giới thiệu trên báo Văn Nghệ Hà Tuyên.
2. Văn học hiện đại Tuyên Quang từ 1986 đến nay
Tính từ khởi điểm “đổi mới” 1986, văn học Tuyên Quang cùng văn học cả nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, theo xu hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa, đổi mới trên nền tảng truyền thống. Đời sống thể loại văn học Tuyên Quang ngày càng phong phú và khởi sắc. Có sự xuất hiện đan xen, tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ Tuyên Quang trưởng thành trước và sau 1986, có sự hòa hợp nhiều bút pháp nghệ thuật và cá tính sáng tạo độc đáo… Đó là các tác phẩm: Văn nghệ Tuyên Quang một chặng đường (1982-2012); Thơ văn Tuyên Quang (1999-2004); Hai mươi năm văn học Tuyên Quang (1998); Văn học Tuyên Quang 2005-2010; Thơ Văn Tuyên Quang 2016-2021.
Đặc biệt một số tác giả văn xuôi có tác phẩm tạo tiếng vang lớn trên văn đàn cả nước: Đinh Công Diệp với tiểu thuyết Rừng có tiếng người; Trịnh Thanh Phong với tiểu thuyết Ma Làng, Đất cánh đồng Chum, Kẻ sống sót (Rừng lân tinh); Phù Ninh với tiểu thuyết Tân Trào rạng ngày độc lập; Vũ Xuân Tửu với tiểu thuyết Nửa tỉnh nửa quê, Chúa Bầu, Đinh Tiên Hoàng và nhiều tập truyện ngắn khác.
Một số tác giả thơ với những tập thơ tiêu biểu: Ngõ hoa vàng, thơ trữ tình của Gia Dũng; Suối làng, Đầu nguồn mây trắng của Mai Liễu; Vầng trăng bè bạn của Cao Xuân Thái; Giấc mơ hạt thóc, Và trở về bé nhỏ của Đinh Công Thủy; Tôi yêu tấc đất quê nhà, Đôi mắt đợi của Tạ Bá Hương; Miền quê thơ dại của Nguyễn Đình Kiên; Cô gái cầu vồng, Nửa vòng bông gạo của Đoàn Thị Ký; …
Truyện ngắn và ký văn học cũng có những thành công đáng ghi nhận với các tác giả Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Phù Ninh, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Đình Lãm, Nguyễn Thế Hòa, Hồng Giang, Bùi Quang Khánh, Lương Ky, Triệu Đăng Khoa, Lê Ngọc Cương…
Sẽ thiếu sót khi không kể đến một lớp tác giả kế cận cũng có dấu ấn nhất định ở lĩnh vực truyện ngắn, bút ký văn học như Tạ Ngọc Dũng, Dương Đình Lộc, Vương Huyền Nhung, Lê Ngọc, Lê Quốc Thu. Lĩnh vực thơ có Vương Huyền Nhung, Thèn Hương, Trịnh Thị Thứ. Những gương mặt trẻ xuất hiện như một sự tiếp nối thế hệ văn nghệ sĩ Tuyên Quang là tín hiệu vui mừng cho văn học Tuyên Quang hôm nay và ngày mai.
3. Kết luận
Văn học hiện đại Tuyên Quang là một nền văn học địa phương đặc sắc, vừa có những đặc trưng văn hóa, văn học riêng biệt vừa mang một số đặc điểm chung của vùng văn hóa Việt Bắc. Từ 1945 đến nay, văn học hiện đại Tuyên Quang luôn nhịp bước cùng văn học cả nước phản ánh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Về hệ hình thi pháp, văn học hiện đại Tuyên Quang cũng từng bước chuyển đổi từ mô hình văn học sử thi hiện đại sang mô hình văn học phi sử thi, từ cảm hứng lịch sử – dân tộc sang cảm hứng thế sự – đời tư cùng những kết hợp của nó. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời vừa nóng hổi hơi thở của đất và người Tuyên Quang, vừa mang âm vang thời đại Hồ Chí Minh hào hùng. Liên tục có các thế hệ văn nghệ sĩ tài năng nối tiếp nhau xuất hiện, để văn học Tuyên Quang phát triển cả về “bề rộng” đội ngũ tác giả, số lượng tác phẩm và “bề sâu” của chất lượng nghệ thuật cùng tính tư tưởng. Văn học hiện đại Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp đặc sắc đáng ghi nhận vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam hiện đại.
28/6/2023
Nguyễn Đức Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm thơ Tối nay tôi vô tình đọc bài “Kỹ Thuật Thơ Việt Nam Hiện Đại” do chị Việt Dương Nhân trích dẫn để làm nguồn cảm hứng cho các th...