Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Tuyên Quang vùng đất giàu truyền thống thơ ca

Tuyên Quang vùng đất
giàu truyền thống thơ ca

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm trong Vùng văn hóa Việt Bắc gồm 6 tỉnh Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà (theo giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc Vượng). Với địa hình nhiều núi sông hùng vĩ như Sông Lô, sông Gâm và nhiều phụ lưu của nó, với hai ngọn núi nổi tiếng là Thổ Sơn và Cham Chu, với đất đai màu mỡ – nơi cộng cư của 22 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc sắc, chung đúc và kết tinh thành truyền thống văn hóa Tuyên Quang vô cùng giàu có. Đây là một tài sản vô giá; là dòng sông ngầm thao thiết chảy, nuôi dưỡng bồi đắp cho văn học viết Tuyên Quang, gồm văn học trung đại và văn học hiện đại của địa phương tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử và cách mạng này.
Đặc biệt, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu. Cùng với Trung ương Đảng; Chính phủ, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng về đây công tác và sáng tác. Nhiều thi phẩm xuất sắc viết ở Tuyên Quang, viết về Tuyên Quang đã ra đời trên vùng đất sơn thủy hữu tình này. Tiêu biểu như: Hồ Chí Minh với Rằm tháng Giêng và Đi thuyền trên sông Đáy ….; Tố Hữu với Hoan hô chiến sĩ Điện Biên; Nguyễn Đình Thi với Đất nước; Nông Quốc Chấn với Bộ đội ông cụ; Chế Lan Viên với Nhớ Việt Bắc v.v.. Có thể nói truyền thống văn hóa giàu có lâu đời cùng thơ văn kháng chiến của nhiều tên tuổi lớn kể trên là hai nguồn mạch quan trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành thơ Tuyên Quang hiện đại – một nền thơ địa phương đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc nói chung, trong vùng văn hóa Việt Bắc nói riêng.
1. Thơ Tuyên Quang từ 1954 -1986
Ở giai đoạn lịch sử đặc biệt này, đất nước vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa xây dựng CNXH ở Miền Bắc, Tuyên Quang cùng các tỉnh phía Bắc vừa là “hậu phương lớn” vừa là “tiền tuyến” chống chiến tranh phá hoại của đế Quốc Mỹ. Hoàn cảnh lịch sử ấy quy định Chủ nghĩa Hiện thực XHCN là phương pháp sáng tác duy nhất độc tôn, với hai đặc trưng là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng. Văn học cả nước, trong đó có Tuyên Quang đều vận động theo dòng chảy thời đại này. Dù đã trở về Hà Nội, hồi ức gắn với Tuyên Quang vẫn là nguồn cảm hứng tuôn trào. Nhiều thi phẩm hay viết về Tuyên Quang như những ngọn lửa hồng vẫy gọi các thi sĩ ở nơi đây cầm bút. Xuân Diệu có Về Tuyên; Tế Hanh có Ở chiến khu cách mạng; Huy Cận có Một kỷ niệm về Hồ Chủ tịch ở Tân Trào; Nông Quốc Chấn có Người Tân Trào v.v… Những tác phẩm kể trên như những tiếng gọi, để Tuyên Quang đáp lời. Gia Dũng hào hùng với Bài ca Trường Sơn và Nắng Tân Trào; Cao xuân Thái xuất hiện bề thế với hai tập thơ Trước đá và Cao nguyên Cực Bắc. Đoàn Thị Ký gây ấn tượng mạnh với Nửa vòng bông gạo… và còn nhiều cây bút hứa hẹn khác… Dù viết về đề tài nào, thơ Tuyên Quang giai đoạn này là tiếng hát đẹp trong dàn đồng ca thơ cả nước, với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đây là Nguyễn Chuông với Gặp lại sông Lô:
Cây xanh ngói đỏ đôi bờ
Mọc lên từ dấu chân xưa diệt đồn …
Đó là Gia Dũng hào hùng với Bài ca trường Sơn:
Đêm nay ta đi, Trường Sơn lộng gió
Trời vắng trăng sao nhưng trong tim rực lửa
– Đi ta làm ngọn sóng giữa trùng dương
Quật xuống đầu thù bằng sức mạnh Trường Sơn!
Mai Liễu cũng khai thác nguồn cảm hứng ấy với Ta mãi còn đi, còn đến Tân Trào:
Tôi muốn hôn lên tảng đá cạnh lều
Từ vô tri đã hoá thành huyền thoại
Ngấm vào thớ đá, chân rêu:
Đây chỗ Bác ngồi viết lời kêu gọi
Toàn dân đứng dậy cướp chính quyền.
Nơi Bác đọc công văn và tiếp các nhà cách mạng
Nơi nhận nắm xôi, gói thuốc của đồng bào
Nơi Người tựa lưng khi vừa lui cơn sốt
Cây rừng tròn bóng ô xanh…
Hoàng Quang Trọng viết Sông Năng và Nà Hang cũng theo cảm hứng và bút pháp chung ấy. Có thể nói Thơ Tuyên Quang giai đoạn này vừa hòa nhịp bước cùng thơ cả nước vừa có những gương mặt giàu tiềm năng hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở giai đoạn sau.
2. Thơ Tuyên Quang từ khởi điểm Đổi mới 1986 đến nay
Sau khởi điểm Đổi mới 1986, Thơ Tuyên Quang khởi sắc theo dòng chảy chung của cả nền Thơ Việt Nam hiện đại. Với hai bộ phận mà tiêu chí phân chia mang tính tương đối, bởi có sự giao thoa ít nhiều giữa chúng.
Thứ nhất: Bộ phận thơ sử thi hiện đại vận động theo “quán tính “của thơ Việt Nam trước 1986; với cảm hứng lịch sử dân tộc là cảm hứng chủ đạo. Đó là Nguyễn Kim Thanh với Trở lại chiến khu xưa; Cao xuân Thái với Đêm an toàn khu; Hoàng Kim Dung với Thăm bến Bình Ca; Đoàn Thị Ký với Tân Trào; Giang Lam với Qua bến phà Bình Ca; Chu Ngọc Phan với Sông lô…. Nếu như các sáng tác kể trên chưa có nhiều sáng tạo mới mẻ nên dấu ấn chưa sâu đậm thì cũng với cảm hứng chủ đạo này, một số thi phẩm sóng sánh tình yêu thương quê hương Tuyên Quang lại để thương để nhớ. Đó là Chiều Tuyên Quang của Cao xuân Thái; Ngọc Hiệp với Về Tuyên; Nguyễn Đình Kiền với Nhớ Na Hang… Đặc biệt Nguyễn Đức Hạnh với Bài ca xứ sở, có những câu thơ thật xúc động về cố hương:
Không phải nắng cuối mùa sao đã nhạt
Tuyên Quang lặng lẽ một miền đồi
Em mười tám tóc buông ngày trễ nải
Ta về thanh thản chút buồn riêng…
Bộ phận thứ hai: Thơ Tuyên Quang với khuynh hướng phi sử thi, lấy cảm hứng Thế sự – Đời tư làm cảm hứng chủ đạo. Đây là bộ phận sáng tác đông đảo về tác giả, phong phú về tác phẩm và có nhiều thành tựu. Đó là Gia Dũng, Ngọc Hiệp, Mai Liễu, Phù Ninh, Đoàn Thị Ký, Lê Na, Ngô Đăng Khoa, Nguyễn Đình Kiền, Nguyễn Thị Kim Thu, Vũ Tuấn, Vũ Bé, Trần Thị Kim Cúc, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Bình, Phạm Văn Vui…
Đó là Đoàn Thị Ký với Mong người, chất chứa suy tư, trải nghiệm:
Trái giòn chẳng ở tầm tay
Còn bao trái chát rụng đầy vườn sau
Câu thơ càng ngẫm càng đau
Mà người vẫn sống cho nhau ân tình
Đó là Lê Na với hình tượng đẹp từ người ngồi đan cót bên góc phố:
Tôi đi qua phố một chiều
Em ngồi đan cót bao nhiêu tháng ngày
Cho tôi hát về bàn tay
Xòe ra như sợi nan đầy gió sương.
Đó còn là những khúc hát về tình yêu và hạnh phúc đời thường: Vũ Bé với Mưa bóng mây; Trần Thị Kim Cúc với Qua ô cửa sổ; Nguyễn Hữu Dực với Nà Hang – trời đất và em; Ngọc Hiệp với Tiếng lá rừng; Tạ Bá Hương với Dòng sông thời gian; Hoàng Duy Nho với Bến đậu; Đỗ Minh Tuấn với Nỗi nhớ Lô Gâm... Đó là những chiêm nghiệm triết lí về thân phận con người trong cuộc sống đa đoan, trước mặt trái của cơ chế Thị trường. Ở chủ đề này, thật vui mừng khi những cây bút lão thành cùng những tài năng trẻ có sự hòa thanh thật đẹp đẽ, mang ý nghĩa tiếp nối các thế hệ nhà Thơ ở Tuyên Quang. Một số nhà thơ trẻ xuất hiện trong những năm đổi mới tiêu biểu là Đinh Công Thuỷ, Tạ Bá Hương, Hoàng Kim Yến.
Bên cạnh Mai Liễu với bài thơ Gọi vía nổi tiếng chúng ta có Đinh Công Thủy với Khúc tự sự và Giấc mơ hạt thóc… Bên Gia Dũng già dặn với Anh nói với em và Với Cổ Thành chúng ta có Sự tiếp nối của Tạ Bá Hương với giọng thơ thật đẹp và đặc sắc.
Đó là những suy tư của Đinh Công Thủy trong Khúc tự sự:
Tôi yêu cái võng đầu hồi
Nơi ngày xưa mẹ ru tôi lớn dần
 Cái gương ngoảnh mặt ra sân
Khi tôi lớn mẹ lại tần ngần soi…
Ta gặp một Tạ Bá Hương với tính trữ tình sâu lắng trong Tôi yêu tấc đất quê nhà:
Lặng thầm nhớ, lặng thầm yêu
Khúc sông nặng chở bao nhiêu đắp bồi
Hoặc nhẫn nại vượt lên trong Ngoảnh lại:
Tôi như hạt thóc mẹ gieo ngoài đồng
Cứ hồn nhiên cứ âm thầm
Tự thân tách vỏ đội mầm lớn lên.
Có một số tác giả Tuyên Quang luôn ý thức tự đổi mới, cách tân thơ của chính mình, như Đoàn Thị Ký, Đinh Công Thuỷ. Bài Trả trắng trong tập thơ Nửa vòng bông gạo của Đoàn Thị Ký minh chứng rõ điều này:
ĐỘ GIẤY
Một nền trời
Độ bút
Một trái tim
Trái tim đập ngoài chuẩn mức […]
Cung hồng thắm
Nảy nòi
Trả trắng
Một ngày chơi.
Hoặc những câu thơ sau trong bài Chuyển động hợp lý của Đinh Công Thuỷ:
Quả rụng về đất theo một định luật
khởi đầu một kết thúc từ mục ruỗng nồng nàn ngai ngái hương
đừng trách những con chim tha hạt tới vùng đất
không hứa hẹn nảy mầm
bằng chuyển động hợp lý…
Có thể nói trong thơ Tuyên Quang hôm nay, Đinh Công Thủy và Tạ Bá Hương là hai gương mặt thơ bắt đầu vào độ chín, hứa hẹn có thêm những thành công mới, dù hai nhà thơ chọn hai ngả đường khác biệt nhau. Tạ Bá Hương qua các tập thơ: Dòng sông thời gian; Đêm trở giấc; Đôi mắt đợi, ngày càng nhuần nhuyễn sâu thẳm với bút Pháp truyền thống, nhưng vẫn có nhiều khám phá mới mẻ. Đinh Công Thủy có ý thức cách tân bền bỉ miệt mài ngay từ khi khởi đầu hành trình sáng tạo của mình. Qua các tập thơ: Khi tôi lớn; Giấc mơ hạt thóc; Và trở về bé nhỏ; Sự dịch chuyển của bầy Linh Thuỷ, chúng ta nhận ra bút pháp thơ anh chịu ảnh hưởng nhưng không rập khuôn, học tập chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại để sáng tạo lại, để Việt hóa – Đinh Công Thủy hóa ngày càng nhuần nhuyễn hơn.
Sau Tạ Bá Hương và Đinh Công Thuỷ, thơ xứ Tuyên mong chờ sự bứt phá của các tác giả 8X: Trần Thị Nhung, Thèn Hương, Trịnh Thị Thứ và một số tác giả khác. Trần Thị Nhung đã có tập thơ Ngày không tên; Thèn Hương chuẩn bị xuất bản tập thơ và trường ca đầu tay mang tên Giấc mơ của một loài cỏ; Trịnh Thị Thứ vẫn tích cực sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số. Hy vọng và tin tưởng dòng chảy thi ca xứ Tuyên tiếp tục bắt nhịp, hoà mình với dòng chảy thơ Việt đương đại.
3. Kết luận
Hành trình thơ Tuyên Quang hiện đại (từ 1945 đến nay tính theo quy ước chung của các giáo trình văn học Việt nam hiện đại), còn trong thực tế là tiến trình từ 1954 đến nay, với hai chặng đường trước và sau khởi điểm Đổi mới 1986. Thơ Tuyên Quang, nhìn khái quát chung, hòa thanh nhịp bước cùng thơ Việt Nam hiện đại ở phân kì; phương pháp sáng tác; cảm hứng chủ đạo; kiểu nhân vật trữ tình trung tâm ở từng giai đoạn..v.v. Nhưng xét đến tác giả, tác phẩm cụ thể trong bối cảnh lịch sử – văn hóa của địa phương, chúng ta vui mừng, tự hào về truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương; sự gặp gỡ may mắn của lịch sử khi Tuyên Quang trở thành ATK trong kháng chiến chống Pháp, nhiều thi sĩ lớn của cả nước để trái tim mình thổn thức ở Tuyên Quang. Tất cả tạo ra những âm vang kì diệu để rồi các thế hệ nhà thơ Tuyên Quang, bằng tài năng và tâm huyết đã tạo dựng, bồi đắp một vùng thơ ca đặc sắc, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của thơ Việt Nam hiện đại, nhưng trước đó đã tôn vinh giá trị nhân văn và anh hùng cho đất và người Tuyên Quang trọng công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng quê hương ngày một hạnh phúc, ấm no.
30/6/2023
Nguyễn Đức Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bố Tôi Trong văn chương và âm nhạc người ta thường nói về mẹ. Dễ hiểu thôi, vì tình yêu của mẹ luôn dạt dào như biển cả, theo từng đứa...