Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Đời sen - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Đời sen - Truyện ngắn của
Trần Huyền Trang

Bữa đó trời quang. Sau cơn mưa đầu mùa, đất trời chừng cũng đã dịu dàng, không còn gay gắt đỏng đảnh. Cái thời tiết dễ chịu này đủ để vỗ về người ta tạm quên những nhọc nhằn thường trực mà tiếp tục chuỗi mưu sinh.
Vậy đó, trời đang đẹp mà xóm có một người bỗng dưng lăn đùng ra nghỉ chơi với cuộc đời. Má buông cái thúng chất đầy ắp mớ sen mùa giáp hạ đang chực chờ bung nụ, thở một tiếng ơi hời.
– Vô thường. Mới thấy sờ sờ đó mà sáng nay cờ đã treo đầu ngõ.
Ba vừa thưởng hết một tuần trà sớm, giật mình:
– Ai nữa?
– Cả Sen đi rồi!
Ai chớ Cả Sen thì lẽ ra giờ này mình phải ở bên đó, ít ra cũng phụ lau rửa, thay bộ đồ vía đàng hoàng đẹp đẽ cho thằng chả đi chơi.
– Sao giờ bà mới nói? Thiệt tình!
Nói rồi ông già lật đật đi ngược ra đầu ngõ, miệng còn càm ràm nhấm nhẳng. Thằng cha này tệ quá, đi mà không từ biệt xóm giềng tiếng nào!
Chu không dám lên tiếng hỏi han gì, chỉ nói má để con ra ruộng hái hết mớ sen còn lại. Má cứ qua bển, lo chuyện tình làng nghĩa xóm đi. Má nhìn cô, hàm ý hỏi có qua nhìn mặt hàng xóm lần cuối không. Cô lắc nhẹ đầu:
– Má biết mà! Con sợ…
Má chậc lưỡi, nhìn đứa con gái mà thằn lằn rớt xuống tay còn mém xỉu, nói chi đến việc phải nhìn từ biệt khuôn mặt dị thường nhất xóm.
Ba nói, nếu khuôn mặt không có một lỗ hổng sâu và dài bị đục khoét bởi mấy viên đạn lạc vô duyên thời chiến thì Cả Sen cũng đẹp trai cỡ tài tử chớ ít gì.
Thân hình vạm vỡ trên mét bảy sẽ vẹn toàn nếu một chân không rớt lại cánh rừng trong một trận càn. Chiến tranh chưa bao giờ thôi oan nghiệt. Nó lấy đi nhiều thứ tươi đẹp nhất của một đời người rồi đưa lại những thứ người ta không bao giờ muốn nhận về.
Lâu rồi, người trong xóm đã quen với việc dang tay chào đón cái nhân dạng kỳ dị đó. Vậy nhưng, mấy đứa con nít rất ít có cơ hội được nhìn thấy khuôn mặt Cả Sen. Có lẽ nhờ vậy mà trẻ con trong xóm luôn được ngủ ngon. Người ta chỉ thấy ông sấp ngửa ngoài đồng, loay hoay xoay trở trên chiếc cày, điều khiển đôi trâu cực khỏe. Những thửa ruộng của hàng xóm, không thửa nào không in dấu ấn cày bừa của Cả Sen cùng bầy trâu của mình.
Trưa nắng, bầy trâu khoan thai gặm cỏ dưới mấy tán mù u cao lớn giữa đồng thì ông cũng tranh thủ nghỉ ngơi, thổi sáo. Hồi còn khó khăn, nhà làm gì có đồng hồ treo tường, Chu cứ canh tiếng sáo cất lên ngoài đồng là biết sắp đến giờ học buổi chiều. Chừng đó năm tụi con nít theo học trường làng, rồi rời đi, lên phố thị kiếm sống. Tiếng sáo réo rắt của ông già kỳ dị cũng phai lợt đi trong bộn bề lo toan.
Nếu có một ký ức dịu dàng nhất về Cả Sen, Chu chỉ có thể nhớ những bước chân cao thấp nhấp nhổm của ông vòng quanh ruộng sen nhà mình. Có lần nhìn ra ruộng, cô ngỡ đó là kẻ trộm. Má cười phá lên. Ông Cả Sen là người canh trộm. Ông chưa bao giờ bứt một bông sen nào nhưng có thể đứng đó ngắm sen nở mê say.
Bầy trâu xóm bên đôi lần léng phéng xuống giẫm đạp mớ sen, ba má xót của một thì ông xót mười. Rồi từ đó, khi không có ba má Chu ngoài ruộng, ông vừa cày bừa mấy thửa xung quanh, vừa ngó ngàng canh chừng ruộng sen rất kỹ, không con trâu lạ nào dám bén mảng tới quậy phá.
Má hơi khựng lại khi thấy Chu trong hàng người đứng lặng. Cô không nói gì, chỉ nhẹ nhàng hướng mắt về chỗ Cả Sen nằm. Mọi thứ im thinh. Đâu rồi cái giọng âm vang như sấm rền ra lệnh cho đôi trâu phăm phăm trên thửa ruộng năm nào? Thậm chí vợ ông lay gọi, ông cũng đâu thèm nghe. Bất giác, Chu lóe lên một ý nghĩ kỳ quặc. Liệu ông ấy có nhớ đến cô – đứa nhỏ từng bị ông hù suýt chết giấc? Và rồi mãi đến hôm nay, nó còn chưa dám nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy dấu tích chiến tranh kia thêm một lần nào.
Chu lướt qua khuôn mặt sạm đen, lồi lõm quái dị nhưng đến giờ phút này cô mới bình tâm nhìn rõ. Một sự hiền từ, bình thản đến lạ lùng. Cô từng được sư thầy dạy rằng một người nếu rũ được hết những vướng mắc, khi từ biệt thế gian, khuôn mặt thanh lành như một giọt sương. Mà điều gì lại khiến vợ ông có thể sống cùng ông đến tận hơi thở cuối cùng? Người đàn bà nhỏ nhắn đầy vẻ hiền hậu kia có cặp mắt như chứa cả một hồ đầy những nỗi niềm.
Ngôi nhà nhỏ xíu đang rũ rượi trong những mảnh khăn trắng buông hờ. Chu nhìn xung quanh. Bà con xóm giềng đông lắm, đầu trên xóm dưới không thiếu một ai, quây kín khoảng trống giữa gian nhà. Má Chu phụ một tay chưng cắm mớ hoa sen quanh chỗ Cả Sen nằm.
– Hoa sen nay đẹp lắm, anh tha hồ ngắm nha Cả Sen!
Ba Chu xin phép ông thầy tụng đám cho mình thay ba chung trà tim sen – loại Cả Sen thích nhất. Đám tuyệt nhiên không một tiếng khóc. Chỉ có những lời chuyện trò, nhắc nhớ, những cái siết tay ấm áp dành cho người ở lại.
Thốt nhiên, cô giật thót khi bắt gặp nụ cười quen thuộc.
Người mà lẽ ra phải mặc bộ đồ xô trắng, đội nón, cầm gậy đưa ông đi một đoạn cuối cùng thì lại đang ở một góc trên kia, nở nụ cười man dại. Tơ khùng – thằng con trai duy nhất của Cả Sen – đã mang theo nụ cười nhễu nhão nước miếng về thế giới của vô ưu từ mười mấy năm trước.
Trên bàn thờ nhỏ xíu của Tơ, ai đó đặt 1 dĩa ổi sẻ vừa chín tới, vàng ươm, tỏa mùi thơm bay ra đến phía ngoài. Mùi hương bình dị nhưng gói ghém cả khoảng trời tuổi thơ của Chu.
Chu thẫn người. Tơ – trong trí nhớ mài mại của cô, đã từng lớn lên cùng cô và đám trẻ xóm nghèo này nhưng cô tuyệt nhiên chưa bao giờ là bạn với Tơ. Cô nhớ tiếng cười kỳ dị của đứa con trai dặt dẹo. Nó rền vang, kéo dài như tiếng ễnh ương trong những ngày mưa dầm. 2 chân Tơ đi xiên qua xỏ lại như 2 mái chèo, phải khó khăn lắm nó mới có thể bắt kịp những đôi chân nhanh như sóc của bọn trẻ. Khuôn miệng Tơ như một lưỡi cưa. Từ các vết sứt mẻ, nước miếng không ngừng tuôn qua mấy cái răng khấp khểnh, chảy ròng ròng xuống ngực áo.
Khi Chu vào kỳ trổ mã con gái, Tơ cùng bọn con trai cũng nhổ giò cao lớn hơn nhưng Tơ không biết nói, chỉ cười. Ngoài cười, hình như Tơ cũng biết thích con gái. Để bày tỏ, Tơ thường đến gần đối tượng, cười, rồi bất thình lình đưa tay vuốt má. Chu nhớ mình đã hoảng sợ và tức giận đến mức mất ăn mất ngủ mấy ngày chỉ vì cái vuốt má của Tơ. Vì chuyện đó mà cô trở thành trò cười trong mắt lũ bạn hàng xóm. Cô giận Tơ, tìm cách né tránh.
Hồi đó, xóm nghèo nên làm gì có của ngon vật lạ ngoài mấy thứ cây nhà lá vườn hay mấy loại trái cây mọc dại đâu đó. Xóm có cây ổi sẻ già quanh năm sai trái, mọc kế cái giếng hoang. Ổi sẻ chín bói thơm từ đầu trên đến xóm dưới. Mặc kệ cái giếng hoang với nhiều lời đồn thổi ma mị truyền miệng, Chu mê mẩn những chùm ổi thơm tho ngọt lịm. Chiều nào cô cũng len lén tìm đường ra chỗ cây ổi mà không phải ngang qua nhà Cả Sen để tránh mặt Tơ. Nhưng, cô quên rằng Tơ không thích ở nhà. Tơ đi theo cô từ hồi nào không rõ. Khi Chu định trèo lên hái ổi, tiếng cười của Tơ khiến cô hoảng hồn, bỏ chạy.
– Hóa ra Tơ cũng thích ăn ổi sao? Với cái miệng đó…
Ba Chu thở dài:
– Ba cũng không rành. Nhưng con biết không, lúc người ta vớt được thằng Tơ lên từ cái giếng hoang đó, tay nó còn nắm chặt chùm ổi chín bói thơm ngát.
Ba nhắc, Chu mới nhớ. Lần đó, cái chết của Tơ là một cú chấn động của xóm. Đám con nít không buồn không vui nhưng rõ ràng chúng như trút được gánh nặng, nhất là Chu. Cô thấy mình nhẹ hẫng vì không còn bị Tơ quấy rầy, phiền nhiễu. Xóm sau đó cũng trở nên lặng lẽ một cách kỳ cục. Có lẽ lâu nay người ta đã quen với những tràng cười lạ lùng của Tơ – một kẻ vô tư nhất trần đời. Nhưng cuộc đời này có lẽ quá chật để chứa tiếng cười như ễnh ương kêu đó.
Cũng sau bữa Tơ mất, Cả Sen như biến thành một con người khác, nửa mê, nửa tỉnh. Tỉnh thì ông lùa bầy trâu với cái cày, đi cày ruộng thuê từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Bữa nào mê dại, sau những cuộc rượu bí tỉ, ông vắt mình trên lưng trâu, trâu cõng chủ về nhà. Có bữa bầy trâu băng qua sông, nếu ba Chu không ra sông giăng câu, chắc ông cũng đã thả mình trôi theo thằng Tơ về nơi xa tít mù…
Cây ổi sẻ, giếng hoang, Tơ và ông Cả Sen…
Chu rùng mình. Cô nhớ lần mình và tụi con nít trong xóm đã bị Cả Sen chồm từ phía sau thành giếng hoang ra trước mặt la rầy. Đó là lần đầu tiên cũng là duy nhất cô giáp mặt người đàn ông kỳ dị nhất xóm. Khuôn mặt lồi lõm ấy, cặp mắt sáng rực ấy đột ngột nhảy bổ ra khiến cả đám sợ tới mức vừa chạy vừa khóc suốt một đoạn đường. Nhưng bù lại, sáng ra cô ngạc nhiên khi thấy mấy chùm ổi sẻ ngon lành treo vắt vẻo trên cổng rào nhà mình.
Chu hỏi ba, hỏi má, hỏi những đứa bạn hàng xóm… Không ai giải đáp được. Một con cò nào đó đã hái và mang ổi đến tặng cô sao? Như cái cách mà má giải thích về sự có mặt của cô trên đời. Một con cò đã mang cô đến tặng ba, tặng má… Mà con cò này cũng thật kỳ quặc. Nó đem cho cô mấy chùm ổi nhưng lại nỡ lòng nào khiến cây ổi biến mất ngay sau đó. Cây ổi không còn. Con nít không lai vãng khu giếng hoang. Cả Sen cũng thôi cơn mê dại, lại đi chăn trâu, cày ruộng. Cái chân cà thọt vậy mà điêu luyện không ai bì.
Dù vậy, Chu vẫn còn y nguyên nỗi hờn giận người đã mang đến sự khiếp sợ, tô đen một khoảng ngắn đẹp đẽ tuổi thơ mình. Cô luôn tránh mặt mỗi khi nhác thấy bóng Cả Sen.
– Bác ấy từng tìm con để xin lỗi vì làm con sợ, mà bao nhiêu lần rồi không gặp được con.
Chu nghe tim mình nghẹn lại. Giọng ba chìm vào mênh mông.
– Con biết không, nếu phải vớt xác đứa con mình từ dưới giếng sâu, chắc gì ba không mê dại như Cả Sen.
Chu lần ra sau nhà. Cây ổi sẻ đang mùa trái bói, thơm lựng. Cả Sen trồng cây ổi này, chờ mùa trái chín để đền lại cây ổi mà ông đã chặt để tiêu trừ mối họa bên miệng giếng hoang. Nhưng bao nhiêu năm rồi ông mở toang cửa đón chờ mà Chu và những đứa trẻ trong xóm tuyệt nhiên không ghé. Chu lặng người, bất giác nghe nước mắt rơi dài. Hóa ra, lần đó ông ấy bất đắc dĩ phải làm vậy để xua đuổi bọn Chu về. Cái miệng giếng sâu vẫn há ra chực chờ. Nó đâu biết chừa ai ra.
Vợ Cả Sen nhẹ nhàng nắm lấy tay Chu.
– Thay mặt bác trai, bác xin lỗi con vì đã có lúc ông nhà làm cho con sợ.
Và rồi cô ngẩn người khi bà tiết lộ đứa con trai khờ của bà chưa bao giờ thích ăn ổi. Trời ơi! Tại sao tới bây giờ Chu mới biết? Chùm ổi thơm lành trong tay Tơ chính là món quà mà hắn muốn dành trọn cho Chu? Ai nói Tơ khùng không có tình cảm? Đó là một thứ tình lạ lùng, thanh sạch mà người tỉnh như Chu và đám bạn mãi mãi không bao giờ hiểu nổi.
Mười mấy năm tại thế, Tơ là minh chứng sống của di chứng chất độc màu da cam. Chiến tranh đã lấy mất một phần thân thể và băm nát khuôn mặt phơi phới của Cả Sen, rồi bù lại cho ông bằng một mầm sống đầy tổn thương đau đớn.
Thốt nhiên, Chu cảm thấy xấu hổ tột cùng. Sao cô chưa mảy may nghĩ rằng một người biết thương xót một bông sen mỏng manh lại có thể làm đau một ai khác? Chưa và tuyệt nhiên không. 2 cha con Cả Sen là 2 số phận không may mắn. Ấy vậy mà tình thương dành cho cuộc đời vẫn cuộn chảy trong họ. Đến cuộc đời ngắn ngủi của một đóa hoa sen, ông ấy còn thương đứt ruột, huống chi một ai…
Cả Sen đi rồi nhưng cái hình tướng lạ lùng kia chắc chắn vẫn sẽ còn trong tâm trí nhiều người đang đứng đây. Ai đó đang thổi một bài tiễn biệt bằng cây sáo quen thuộc của Cả Sen, thổn thức.
Bây giờ mà Chu nói lời xin lỗi, liệu ông có còn kịp nghe?.
30/6/2023
Trần Huyền Trang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Biệt Ly Ngày đã bước vào cuối tháng Tư. Mưa day dứt cả buổi chiều ngoài hiên. Gió run lập cập bên mấy chậu cây vừa đơm chút lá. Trời...