Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Nhà văn Đinh Công Diệp một đời "Phiêu" cùng chữ nghĩa

Nhà văn Đinh Công Diệp một
đời "Phiêu" cùng chữ nghĩa

Nhà văn Đinh Công Diệp (1942 – 2012) là lứa thanh niên đầu tiên hăng hái nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên “miền Tây vời vợi nghìn trùng” để thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, “khai hoang phục hóa dựng cơ đồ”!
Ông sống hết cả đời trên miền núi, gắn bó với Hà Giang – Tuyên Quang, sớm ôm mộng văn chương, chữ nghĩa, thuộc diện nhà văn mới, được phân công đi sống và làm việc ở các tỉnh lẻ miền núi “bám” địa bàn, “cắm” thôn bản, chung thủy với đề tài, như là một nhiệm vụ được cách mạng phân công. Ông sống một cuộc đời thanh đạm và “phiêu” cùng chữ nghĩa đến giây phút cuối cùng.
Nhà văn Đinh Công Diệp là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Hội VHNT Tuyên Quang
Tác phẩm chính của ông đã xuất bản:
– Chỉ mình em mặc áo đen (Tiểu thuyết)
– Cô bé lắc chuông (Tập truyện thiếu nhi)
– Truyện ngắn Đinh Công Diệp (Tập truyện ngắn)
– Rừng có tiếng người (Tiểu thuyết)
Giải thưởng:
– Giải Nhì (Không có giải nhất) do tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc trao tặng năm 1971
– Tặng thưởng của Liên hiệp VHNTVN năm 1996
– Giải C của Hội VHNT các DTTSVN năm 2009
– Giải B của Hội VHNT các DTTSVN năm 2021
– Giải “Tác giả xuất sắc” của Liên hiệp VHNTVN năm 2021.
– Giải thưởng Tân Trào đợt 1 năm 2012 do UBND tỉnh Tuyên Quang trao tặng.
Chuyên đề Văn học Tuyên Quang của Vanvn.vn trân trọng giới thiệu 2 truyện ngắn Ông già ở xóm Lùng bung, Lùng tù của nhà văn Đinh Công Diệp.
ÔNG GIÀ Ở XÓM LÙNG BUNG
Thực ra, ông già Sưởng được đẻ và lớn lên ở thôn Rồng. Một thôn heo hút nơi rừng già từ ngàn xưa. Gọi là thôn nhưng chỉ có chừng năm mười nóc. Quanh đi quanh lại đều là anh em con cháu cả.
Ngày ấy, rừng nhiều cây to. Thợ đục thợ xàm không thiếu. Nhà này giúp nhà kia thôi. không có tính công như bây giờ. Bởi vậy, ông Sưởng được ở trong ngôi nhà sàn to, rộng. Cột kéo đều là gỗ tốt, mối mọt không bao giờ.
Hình như người thôn Rồng sinh rừng. Để rồi, rừng lại sinh ra người thôn Rồng. Cây rau. Rừng cho. Cái củi, rừng cũng cho! Có thời dài dài câu hát, nửa đẩy đi, nửa kéo lại:
Ơ.ới…
Củ mài thì sâu
Cán thuổng thì ngắn…
Nằm trong vòng quay này, vợ chồng nhà Sưởng ba lần sinh con, chỉ đậu một. Nó là trai, ông đặt tên là Khởi
Khởi ham ăn, mau lớn. Năm nó sắp vào tuổi mười tám ông đã vội lấy dâu. Khởi khác ông. ba lần sinh con, đwocj cả ba. Ông mừng như bắt đwocj nhiều gôc quý, bởi suốt ngày, nhàg vang tiếng cháu, tiếng con.
và cứ thế. Tưởng đời nối vào đời. Câu hát nối vào câu hát. cán thuổng ngán, cán thuổng lại dài. Củ mài thì mãi sinh sôi. nào ngờ vào cái đậu cả nước có giặc dã, tối ngày tối đêm đạn réo bom rơi. con trai thôn Rồng lên đường nhập ngũ. Con gái thôn Vàng cũng lên đường làm “xung phong”. Thôn bản cứ vơi dần lũ trai trẻ. Bỗng dưng thằng Khởi phải đứng vào nơIi lẻ loi. Lạc bầy! nó buồn, bỏ ăn, bỏ uống. Phải thôi, vì nó thương đàn, nhớ lũ. Rồi cũng tới lúc nó ngỏ lời với cha xin được theo chúng bạn. Nghe xong, ông Sưởng ngửa người trên dát. mấy ngày mấy đêm nghĩ, tâm ông hồi lại. Mắt ông đã tinh, đã nhìn ra con suối khi nước lũ về. Nước ào chảy thì liệu một viên đá có chắn được nào! Ông mang việc này bàn với vợ, với con dâu. Ai ai cũng klhông nói, chỉ có nước mắt nói thay.
Ngày thằng Khởi lên đường. Mẹ nó lấy bắp non trộn gạo nếp làm cho mấy ống cơm lam. vợ nó thì mổ gà, tẩm muối, bóp gừng sấy khô. Dặn ăn dài dài tới đơn vị. Riêng ông Sưởng, tay vịn lan can, tay nâng ống điếu hút thuốc liên hồi, cái điếu sôi lên òng ọc.
Nhà chỉ vắng một người, sao thấy cái gì cũng rộng, cũng thừa. May có mấy đứa trẻ, chúng đã biết lên rừng bắt chim mang về, “sai” ông kết lồng treo nơi cầu thích. Rồi chẳng ngày nào là chúng không cãi lộn nhau, ông phải đứng ra làm quan tòa phán xử. Bực mình lắm. Song cũng nhờ những việc này mà ông Sưởng thấy vui vui.
Dạo này bà Sưởng ốm yếu luôn, không nương không ruộng được. Nhà năm sáu miệng ăn đều trông vào sức con dâu và ông Sưởng. Dâu ông tính hiền.. Ngày hai buổi làm, rừng đổ bóng tối mới về, trên vai không khi nào vắng bó củi hay gánh rau lợn. Tầm tầm vậy nên trong nhà cũng không đến nỗi túng. các cháu ông có tấm áo lành mà mặc, ngày hai bữa có bát cơm mà ăn. Ngày xưa ấy – ở tuổi ông Sưởng thì bất luận việc gì cũng hay so với ngày xưa. Ngày xưa, ông và dân làng khổ biết bao nhiêu. Củ rừng thay cơm. Vỏ sui thay áo. mà cũng lạ. lâu lắm rồi, cây sui không còn chịu mọc ở nơi nào. nó bỏ người hay là người bỏ nó, ai mà biết được. Đôi lúc chợt nhớ, lòng ông bâng khuâng không rõ đường rõ lối…
Một ngày nọ, như một tia chớp rạch ngang trời mùa hạ: Tin thằng Khởi hy sinhg ngoài mặt trận. Mấy đứa cháu ông ôm nhau ngồi nơi góc nhà. Con dâu ông vật vã ngất lên ngất xuống. Vợ ông thì gào khóc đến nỗi tiếng nói không còn. Ông Sưởng phải nén sự tê dại trong người mà chèo lái. Kẻ chưa chém phải tay chưa biết xót. Người chưa đứt ruột chưa biết đau. Ông thường nói: Làng bên, nhà ấy, nhà nọ có hai ba người con ra trận mà không về, thế mà họ vẫn giữ được tấm gan bền, sống để nuôi nhau!
Cứ vậy. Ngày này qua đi, ngày khác lại về. Ông Sưởng làm giảm nỗi đau trong nhà bằng chính sự đau của mình. Nỗi đau chưa hết, nỗi lo đã đến. ấy là chuyện của con dâu. Dâu ông tuy là người mẹ ba mặt con nhưng chưa tròn ba mươi tuổi. Sự vất vả ruộng nương càng làm cho nó mịn da, chắc thịt. Ngày chồng nó còn đương ngũ, đã không thiếu kẻ lượn lờ, ngó trước, ngó sau. Ông Sưởng nghĩ: Một đốm lửa có thể đốt cháy cả khu rừng. Nhỡ có thế nào thì cột gãy, nhà tan! ấy thế là, đến khi con trai ông hy sinh, bọn lếu láo bên kia bờ dậu ngêu ngao rằng:
Chanh chua ai thấy chẳng thèm
Gái đẹp ai thấy chẳng len chân vào.
Ngồi trên sàn nàh, ông Sưởng muốn ném cây củi gộc vào mặt chúng. Nghĩ đI, nghĩ về, ông chỉ thấy thương cho đứa con dâu trẻ. Ông mang việc này bí mật bàn với bà. Và đến ngày đoạn tang thằng Khởi, có đủ mặt anh em trong họ, bà bảo:
– Dâu ơi! bằng ấy năm vợ chồng con sống với nhau khác nào dây đậu cuốn vào cây ngô, thật là đoàn kết thuận hòa. Rồi bằng ấy năm con nuôi con từ lá cái trứng chim để nên cái trứng gà. Không may thằng Khởi nhà này… (bà lấy vạt áo lau nước mắt) Tuổi con như cây bắp mới trổ cờ, cây tre cần đẻ thêm măng cho ấm bụi. Vậy nên bây giờ con thuận hòa với ai, bố mẹ chẳng nỡ ngăn dòng…
Bà Sưởng chưa nói hết câu, dâu bà đã phục ngay xuống sàn:
– Con lạy cha, lạy mẹ, lạy đôi hàng chú bác anh em. Nếu như anh Khởi mà còn được trở về thì vợ chồng con cùng nhau chăm dưỡng cha mẹ. nay anh Khởi nằm lại đất người, việc nhà, mình con xin gánh cả. Con nguyện rồi. Mong cha mẹ đừng đuổi con xuống sàn. Xuống sàn để thành cọc dậu nhà khác. Khổ lắm…
Việc này tưởng như vậy là đã qua đi, nếu như không có một sự kiện nữa đến với ông già Sưởng: Thống nhất đất nước được lâu lâu, thằng Sơn – con trai đầu lòng của vợ chồng Khởi và là cháu đích tôn trong nhà, có giấy gọi đi lao động ở nước ngoài. Ông Sưởng hỏi:
– Nước ngoài là cái nước nào?
– Nước Đức ông ạ.
– Nước Đức ở đâu?
Thằng Sơn vội mở tấm bản đồ ra, chỉ cho ông vị trí của nước Đức. Ông nó lại hỏi:
– Gần thế thôi à?
Thằng Sơn cười trả lời:
– Ông ơi, trên mặt giấy, cứ một gang tay như thế này, người ta phải đi bộ vài năm mới tới.
– Khiếp quá – Ông Sưởng nhăn mặt: Thế cháu đến đấy để làm gì?
– Kiếm tiền ông ạ!
– Nhà mình thiếu tiền chắc?
– Không thiếu, nhưng không được nhiều.
Ông Sưởng nhìn băng lên rừng. Không hiểu.
– Đời ông…
Thằng Sơn biết ngay ông nó sắp dở bài “ngày xưa” nên nó vội nói:
– Ngày xưa. Đời ông khác. Bữa ăn ông có thể bằng lòng với ngọn măng chấm muối. Đời cháu ấy à. Nhất định là không có chịu – Nó nói như dỗ dành ông: Ông ơi. Chuyến đi, cháu chịu khó làm làm để kiếm thật nhiều tiền mang về nuôi ông…
– Ông già rồi.
– Người già không cần tiền hả ông?
– Có khi là như vậy.
– Ông tưởng đi lao động nước ngoài dễ à? ối đứa muốn mà không được. Cháu đây thuộc diện ưu tiên đấy.
Ngày thằng cháu đích tôn lên đường bay, ông già Sưởng tỏ ra không buồn mà cũng chả vui. Đâu như được một hai năm, thằng Sơn lù lù trở về. Nó bảo rằng “vỡ hợp đồng” giữa hai quốc gia thế nào ấy. Có điều là từ nay ông cầm chắc được chân nó trong nhà. Ông sẽ cưới vợ cho nó. Tuổi ông có được đứa chắt là phúc đức lắm rồi. ấy thế mà vấn đền đưa ra bàn bạc, thằng Sơn chuyển hướng ngay:
– Cháu chưa lấy vợ. Phải xây cái nhà đã.
– Tiền đâu cháu ơi?
– Ông khỏi lo. Cháu có “đô”.
Ông già Sưởng lại nhìn lơ lên rừng. Ông nói mà như chả nói với ai.
– Nhà này còn tốt cháu. vài ba đời người chưa chắc đã hỏng đâu.
– Cháu không xây ở đây – Sơn hăng hái.
– Vậy cháu định dựng nó ở nơi nào?
– Xóm Lùng Bung. Tiện đường cái to. Chỗ ấy làm ăn, đi lại đều dễ dàng.
– Ôi chao!
– Vâng. Thời buổi buôn bán mà. Ông ơi!
Cứ tưởng lời nói của người trẻ như ngọn gió, có chịu đậu nơi nào. Ai ngờ ngay ngày hôm sau, thằng Sơn đã bát tay vào việc. Đầu tiên nó đi mua chiếc máy kéo công nông, tự tay chở cát, chở gạch về. Rồi những người thợ xây từ đâu kéo đến, ngày đêm ồn ã như một công trường. tất cả những việc này, ông già Sưởng nghe con dâu kể lại, thực mắt thì chưa nhìn thấy, bởi đường đi từ thôn Ròng đến xóm Lùng Bung cũng khá xa. Cho mãi tới ngày khánh thành nhà, cháu Sơn nó mới chịu về đón ông. Đường ghập ghềnh, đoạn dắt, đoạn cõng. Tới noi, cháu mời ông ngồi nơi trang trọng nhất.
Nhà cháu ông đây ư? Quả thật nó là ngôI nhà mà ông già Sưởng chưa được nhìn thấy bao giờ. Nhà không một tàu lá, không cây gỗ, đoạn tre. Thật quá tài tình. cái nhà lại cứ ngỡ cái hộp vuông vuông. Tường quét vôi trắng, vội vàng. Trong nhà từ bàn ghế, tủ, giường đến tấm gương soi đều mới tinh khôi. Ông già Sưởng thực sự bất ngờ:
– Ông mừng. Ông mừng!
–  Cháu làm nhà cho ông đấy.
– Ông mà ở đây?
– Đúng vậy. Cả đời ông. Cả đời cha cháu. Đổi lấy đời cháu!
– ừ.
– vậy thì ông phải được quyền hưởng tất cả những thứ như thế này.
– Không. Không! Ông già Sưởng khăng khăng: Ông quen ở nhà sàn. Nơi ấy nó gần đất, gần rừng. Thoáng mà mát.
Thằng Sơn đỡ ông ngồi xuống ghế:
– ở đây rồi cũng quen thôi ông à – nó nói giọng của người từng trải: Với lại cháu tin là nay mai sẽ có điện. Có điện là có gió mát, có sáng trong…
Từ đấy thàng Sơn giữ luôn ông nó trong “chiếc hộp vuông vuông” này. Với những tấm lòng hiếu thảo, ngày ngày, ông già Sưởng không thiếu thứ gì. Có điều nỗi nhớ, khi nào cũng đẻ ra nỗi buồn. Nơi đây quả là có đông người mà sao cứ thấy trống vắng. Ngày ông bước ra cửa thì gặp đường, bước ra sau không thấy rừng đâu cả. Đênm không ngủ trên giường, ông lần xuống đất. Ông đập bàn tay không nghe tiếng kêu của những tấm dát khi nào, không nhìn thấy những tre mai, tre chinh đã bao năm ăn khói và mồ hôI mà lên nước bóng ngà. Và nhất là từ khi tới xóm Lùng Bung này, đêm đêm ông không còn được mơ, được nhìn thấy bóng dáng thằng Khởi.
Ông già đổ bệnh.
Cả nhà xô vào thuốc thang. năm ngày ông không khỏi, bẩy ngày không qua. Mười phần tưởng đã chết chín. Thằng Sơn thương ông quá. Nó luôn mồm kêu “Ông ơi. Ông ơi!”. mẹ nó thì khóc: “Cha ơi. Đời cha vất vả đến khi con cháu kiếm được cho cha miếng ăn, nơi ở, thì cha lại thế này…”.
Ông già Sưởng thều thào:
– Sơn ơi…cháu cho ông về thăm lại…
Thằng Sơn hiểu. Nó vội vàng ghé vai cõng ông ngay. sau nó là cả một đoàn rồng rắn đang cùng ông già Sưởng từ Lùng Bung trở về thôn Rồng. Vừa tới ngõ, ông già Sưởng đã vội tụt từ vai thằng cháu xuống. Ông byứơc phăm phăm. Những bước đI thân quen và chắc nịch. Ông già Sưởng vịn cầu thang bước lên nhà. Quét lớp bụi mờ mờ và thay nước trong ống điếu. Khi chống tấm phên che cửa lên, có một làn gió nhẹ từ núi thổi về mang theo tiếng chim của rừng già muôn thủa.
Năm ấy ông già Sưởng vào tuổi tám mươi. Vóc dáng khỏe và vẻ mặt tươi tươi.
LÙNG TÙ
Bố mẹ đẻ ra, đặt cho cái tên đẹp: Vàng Mí Lùng!
Mí Lùng càng lớn, càng đẹp trai, xuống chợ có nhiều gái để mắt, đi núi có nhiều gái theo. Mười lăm tuổi, Mí Lùng đã lấy được vợ. Cô vợ khá nhất bản Hồ Giàng. Đám cưới của Mí Lùng cũng to nhất: mổ mười con dê, ba con bò, gà, lợn thì không kể được. Khách núi xa, núi gần đều về mừng vui. Ngày đêm, tiếng khèn, khuôn mặt hòa trong bát rượu. Nhà Mí Lùng lo được cho con như vậy, kể cũng đẹp mặt lắm.
Mấy năm sau, Mí Lùng bắt được đứa con trai. Năm sau nữa, Mí Lùng bắt được đứa con gái. Anh ra ở riêng, làm nhà to, tường đất dầy hàng sải, mái lợp ngói tím lịm. Cùng với những việc vui mừng ấy, anh liền sắm cái lễ đổi tên cho mình. Được ăn thịt, uống rượu, từ nay người Hồ Giàng phải gọi Mí Lùng bằng cái tên mới: Vàng Lử Lùng! Việc này rất danh giá cho họ Vàng, danh giá cho Lùng. Khối người trai bằng tuổi, vì không có của, không làm được lễ đổi tên, suốt đời phải mang cái tên “Mí” hèn hạ!
Gió thổi trong khe núi bao giờ cũng mạnh. Vàng Lử Lùng mạnh như ngọn gió ấy. Vợ Lử Lùng đẻ thì nương, ruộng cũng theo vợ anh đẻ thêm. Hạt bắp, hạt lúa về nhiều, nên con trâu, con bò cũng lắm. Chuồng nuôi súc vật dài đúng bằng nhà ở của người. Phiên nào, Lử Lùng cũng cưỡi con ngựa đẹp nhất Hồ Giàng xuống chợ. Con ngựa ấy cao, to lại có hai đốm đen, tròn như đồng bạc già, đóng đúng hai bên vai, trông rất cân. Người chợ bảo: “Nhìn kìa, con ngựa bốn mắt của ông Vàng Lử Lùng!”. Chủ nó sướng lắm, uống thêm một bát rượu nữa, có thêm người bạn nữa.
Thấy lời nói của Lử Lùng trơn như ống điếu, bóng như ống điếu, hội đồng xã họp, bổ sung anh vào chính quyền, với chức vụ xã đội phó. A, đã giàu lại được sang. Từ nay, anh được làm quan – quan cách mạng hẳn hoi. Rồi anh sẽ thành cây lim., cây nghiến trong làng cho mà xem!
Hiện thời, xã đội trưởng trong làng là một người ốm yếu, nhợt nhòa và nhu nhược. Đứa làm sai, dọa đánh, dọa đốt nhà. Đứa khôn ngoan hơn thì mời nhau chén rượu, miếng thịt, thế là mọi việc cho qua.
Xã đội phó Vàng Lử Lùng không phải vậy, công việc là công việc, riêng tư là riêng tư. Đối với người mắc tội, nhẹ thì cảnh cáo, nhắc nhở; vừa thì yêu cầu ra ủy ban kiểm điểm, sau đó là lên núi lấy củi; nặng thì: Tù!
Nhờ sự thẳng thắn và nghiêm khắc ấy, Vàng Lử Lùng vọt lên, che mờ xã đội trưởng. Tháng, vài ba kỳ, anh cưỡi ngựa xuống các bản, đi tới đâu, người nơi ấy chắp tay chào. Bọn làm cắp không dám làm cắp nữa.
Nhưng có một lần, trời vừa tối, anh cũng về ngang bản Lũng Nhùa, thấy có mùi thuốc phiện đưa ra. Cái mùi ấy không thể lẫn vào đâu được. Nó ngầy ngậy, beo béo y như cái hạt dầu, ta mang đốt nửa chừng.
“Ai nhỉ?” – Lử Lùng băn khoăn. Lâu nay, cái việc nghiện hút đã đwocj cắt đI rồi, vì nó là đầu của mọi việc làm sai, làm ác. Thế mà kẻ nào dám bịt mắt ta?
Con ngựa bốn mắt như đoán được ý chủ. Nó liền phăm phăm bước chân vào một ngôi nhà tồi tàn, đơn độc, ẩn trong một nương ngô ẩm ướt.
“Lão chột!”. Vàng Lử Lùng khẽ kêu. Lão chột thì khôn ngoan có tiếng ở Hồ Giàng. Hàng ngày, lão không đi nương, không vượt biên để cõng hàng về bán kiếm lời. Lâu lâu, lão mới ra khỏi nhà, sau cái phút nhìn trước ngó sau, không thấy ai, lão nhấc đôi chân ngắn ngủn, đi gần như chạy. Lão đến nhà ai đó, làm một việc gì đó, rồi về nhà ngay. Lão là bóng mây trong mùa hạ, ngọn gió hiếm của mùa đông. Có người nói, đêm đêm lão chột vẫn đi mò gà! Lời nói cứ nói, nào ai đã cầm được tay lão một lần? Đích thực thì lão sống bằng nghề cuốn lũ đàn em, cuốn lũ người khờ dại vào quanh cái bàn đèn để lão ăn ngọn thuốc. Chả thế, đời lão lúc nào cũng ung dung, nhàn hạ. Thật là một con người mang dòng máu của cáo! Chuyến này thì lão chột biết tay. Lử Lùng vừa nghĩ, vừa buộc ngựa vào gốc cây đào, rồi ung dung bước vào. Lúc ấy, vợ lão chột ngồi ngay phía cửa bếp lò, nên ánh sáng chỉ lờ mờ chiếu vào chiếc giường chật hẹp. Nơi ấy có ba, bốn người, kẻ nằm, người ngồi. Rõ là chúng đang say sưa trong bữa hút. Lão chột khôn ngoan, với cái điếu ục, cùng hộp thuốc lào, kéo Lử Lùng ra khỏi nơi ấy. Lử Lùng gạt phăng, quát to: “Tất cả ngồi im. Chúng mày thì tù!”.
Lập tức, ngọn đèn tù mù bằng mỡ lợn đặt trọng khay vụt tắt. Tất cả những kẻ kia nháo nhác chạy trốn. Vàng Lử Lùng hộc lên. Lần đầu tiên anh ân hận vì đã quá tin vào cái uy tín của mình. Nhưng thôi, anh nghĩ, tóm lão chột là được rồi. Anh trở lại bình tĩnh và nói:
– Ông có biết Chính phủ cấm hút thuốc phiện không?
Lão chột cứ chậm chạp lần mò mãi mới đốt được ngọn đèn trên vách. Trong khi đó, vợ lão đã vơ gọn đồ hút, tót lên gác sàn. Bấy giờ, con mắt của lão chột mới nhìn xoáy vào Lử Lùng:
– Hả? – Mồm lão há hốc, đen ngòm.
– Ông phạm pháp. – Lử Lùng quát.
Lão giả vờ như người điếc, hỏi lại:
– Hả?
– Ông đã hút thuốc phiện và chứa người hút thuốc phiện.
– Đâu?
– Ngay tại nhà này.
– Lấy gì làm gốc? – lão hấp háy con mắt còn lại.
Lúc ấy, anh xã đội phó Vàng Lử Lùng mới ngẩn ra: ừ nhỉ? Chúng nó tháo chạy cả rồi! Lập biên bản, lấy ai làm chứng? Vợ lão thì nhất quyết không có làm cáI việc này rồi. Lần đầu tiên sau mấy ănm công tác, anh thua cuộc. Lử Lùng buồn bã vớ cái điếu ục, hút liền mấy điếu. Lão chột thì lượn và nhanh như một con mèo, tay cầm chai rượu, tay cầm tảng thịt bò khô, lùi ngay vào bếp than rừng rực. Mùi thịt từ chỗ oai oai, hôi hôi, rồi khen khét, rồi thơm thơm…Vàng Lử Lùng không thèm, mà chỉ thấy ghê tởm lũ người trí trá, quen mua chuộc cán bộ theo cái kiểu này. Lử Lùng định đứng phắt dậy, định ra về. Lão chột khôn khéo kéo anh lại, kể dài dài nào là chuyện rừng, chuyện săn muông thú, chuyện ngựa gầy vỗ thành ngựa béo và cuối cùng, lão tán dương về dòng họ Vàng của anh; rằng, trên cõi đời này thì không có họ nào to như họ Vàng, mạnh như họ Vàng và giàu sang được bằng họ Vàng.
Quả thật, chuyện của lão bền như sợi lanh, dài như sợi lanh, người nghe không thể nào dứt được. MãI tới lúc con gà cất tiếng gáy lần đầu trong bản, thì Vàng Lử Lùng mới chịu nâng bát rượu cùng lão chột, bụng nói với cái đầu: “Chỉ bát này thôI nhé”. Những người đã từng uống rượu, hẳn phải thông cảm với Lử Lùng về điểm hứa này. Lý do là một khi rượu đã ướt môi, mềm lưỡi thì tự rượu nó khắc đòi. Rượu chảy xuống bụng để rồi bụng trả lại bằng lời.
Ngà ngà say, Vàng Lử Lùng cũng thích nói chuyện. Anh nói về công tác, về pháp luật. Tất nhiên, những kiến thức này là chỗ lồi, chỗ lõm, lão chột biết thừa. Đến khi chuyện của Lử Lùng, câu đầu không cùng đường với câu cuối, lúc ấy, lão chột mới ấn cái dọc tẩu vào mồm anh và bảo: “Hút, hút”.
– Ừ thì hút! – Lử Lùng gạt cáI que ấy ra, nhưng đôi tay anh đã mềm.
– Hút, hút! – lão chột nói những lời dỗ dành, như ra lệnh, như ngọn gió xoáy.
– Ừ thì uống! – Lử Lùng nhắc lại. Quái lạ, sao cái thứ rượu này nó lại không ướt mồm, mà chỉ là khói thôi? Cái vòng khói lờ mờ, bay tỏa. “Thuốc phiện!”. Lử Lùng chợt tỉnh. “Không sao, – Anh tự an ủi. – Làm thằng người trai là phải nếm thử”. Thế rồi, Lử Lùng kéo thêm mấy điếu nữa…Đến khi đầu anh rũ xuống, cánh mũi phập phồng những nước và mồ hôi. Thớ tim, thớ gan muốn kéo cả ra ngoài…Rồi vợ anh đến. Ấy, sao vợ anh lại thành cái Mỷ, cái Say? chúng nó không mặc váy, áo. Tất cả đều cởi truồng, trắng nõn nà như cột nhũ trong hang đá! Những cột nhũ ấy bỗng chốc tan ra thành thứ nước mát lạnh. Vàng Lử Lùng biến thành cây gỗ trôi bồng bềnh trên guồng nước ấy…Anh có biết đâu mình đang thiếp đi trên cái giường hẹp trong tư thế nằm co như con sâu rừng!.
Lão chột kéo tấm chăn nhàu nát phủ lên người Vàng Lử Lùng. Lão cười khùng khục, rồi tắt ngay để còn kịp đọc một câu thần chú: “Hỡi những mầm cỏ tranh trong những mồi thuốc vừa rồi, hãy thức dậy thành mũi tên, đâm vào ruột nó, đâm vào gan nó, làm cho nó không thể nào xa được những đêm như đêm nay!.
Hôm sau, mặt trời lên đến gần đỉnh núi, Vàng Lử Lùng mới mở được mắt. Đầu anh nhẹ bâng bẫng, người như treo tít trên ngọn cây nào. lão chột đã bỏ đi tự bao giờ. Vợ lão bưng đến cho anh một bát cháo nóng. Lử Lùng vồ lấy như một kẻ đói lâu ngày. Sụp soạp và mồ hôi chảy ròng ướt đẫm lưng áo. Anh tỉnh dần, tỉnh dần…Anh nhớ lại rất rõ những gì đã xảy ra trong đêm qua. Giận đấy, nhưng không biết làm sao. Vào nhà người, được ăn ngon, được ngủ ấm, chả lẽ lại không nói vài lời cảm ơn. Người chứ có phải là chó đâu? Anh miễn cưỡng làm việc ấy xong thì dắt ngựa ra về.
Ba ngày sau, Vàng Lử Lùng bắt vào cơn đau bụng. Anh vật vã, lăn từ góc nhà này, sang góc nhà khác. Bụng trương phềnh, ì ạch thở. Vợ Lử Lùng sợ quá, phải đi gọi người về đắp ngải vào rốn, ghé mồm mút hết gió độc ở các đầu ngón chân, ngón tay mà Lử Lùng vẫn không khỏi, vội đưa đi trạm xá. Nửa đường thì cơn bệnh nó lui. Anh khắc đi ngựa về nhà. Được vài ngày rồi lại thế. Lần này thì bệnh to hơn, dài hơn. Vợ Lử Lùng ngỡ con ma nó làm, toan đi mời thầy cúng về. Giữa lúc ấy, lão chột xuất hiện. Lão gạt phăng mọi người ra ngoài, rồi lấy một thứ thuốc gì đó, ném vào bát, đổ nước vào, dùng ngón tay ngoáy tít mù. Lão không quên phù phép vào bát nước ấy. Miệng lão rít lên những lời man dại. Lử Lùng uống thứ thuốc ấy vào, tỉnh ngay. Anh sụp xuống lạy lão chột: Lạy ông! nhà tôi bé như miệng cái quẩy tấu, bàn chân đặt không vừa, bàn tay đặt không tới, lấy gì đền ơn…
Mép lão chột cười vếch lên, con mắt còn lại thì loe lóe như một cục lửa. Lão nói:
– Cán bộ Lùng à, miệng quẩy tấu nhỏ nhưng bụng đựng được nhiều thứ đấy. Thôi, tôi về.
Lão ngoáy cái đít rúm ró đi ra, nhìn muốn cười được.
Và những ngày sau, Lử Lùng không chỉ có đau bụng mà còn luôn hắt hơi, nước mũi chảy ròng. Cả ngày mệt mỏi, chả muốn lên núi nữa. Mỗi lần như vậy, khi thì tự anh tìm đến nhà lão chột, khi thì lão chột đến nhà anh. Xã đội phó Vàng Lử Lùng đi xuống xóm, xuống bản, đi công việc cách mạng, đố ai dám hỏi!
Tới đây, bạn đọc hẳn đã đoán được Vàng Lử Lùng của chúng ta đã bước vào con đường nghiện mất rồi. Tội nghiệp anh ta quá!
Người Mông thường nói: Đá lở sau nhà là sức mạnh của núi. Nước lũ trên rừng là sức mạnh của suối!
          Đá lở và nước lũ, hai đứa xấu ấy, có thể tàn phá được nhà cửa, ruộng nương, thế nhưng chưa ác bằng nghiện. Chỉ mấy năm thôi, kêt từ ngày Lử Lùng bước chân vào nhà lão chột thì trâu, bò, dê… của anh cứ rủ nhau đàn đàn lũ lũ mà chui tọt vào cái lỗ bé tí tẹo bằng cái lỗ con dòi! trong nhà không còn thứ gì để bán, anh chỉ còn bấu vào các chức xã đội phó, ngày ngày ngật ngưỡng trên lưng con ngựa bốn mắt đI bản này, bản khác để công tác. Nhưng thực sự chỉ để mong có người mời, người biếu vật này, thứ kia, để tối đến lại mò về nhà lão chột.
Vào một đêm trăng sáng nhờ nhờ – Bây giờ, Vàng Lử Lùng cũng không nhớ rõ là ngày nào, tháng nào và năm nào – Khi anh từ nhà lão chột đi ra, một đoạn rồi lại một đoạn nữa, anh gặp phải con bò. Ôi a! con bò mộng thật to, thật béo, thật là hết tầm. Lử Lùng xuống ngựa. Con bò thấy người lạ thì lồng lên, nhưng đầu trạc đã vướng vào khe đá, ghì nó lại” “Con bò lạc chuồng”, anh kêu khẽ. Bỗng một ý nghĩ đen tối ập đến trong đầu” “Ngày qua ta không có tiền. Ngày mai và mãi mãi ta không có tiền. Ông trời mang của về cho ta đây. Con bò này, đuổi qua biên giưới, bán cũng được vài ba trăm ngàn. Có tiền trả cho lão chột để lão khỏi khnh ta. Dạo này, lão khinh ta nhiều quá, chỉ còn thiếu cái việc lão bắt ta đi giặt váy cho vợ lão mà thôi. Con bò này, nó lạc chuồng mà!”.
Con ngựa bốn mắt thật tinh khôn. Nó cắn nhẹ vào cánh tay Lử Lùng, như bảo :”Đừng làm vậy”. Anh tát yêu vào má nó. Nó cúi đầu đi bước một về nhà. Lử Lùng dắt con bò đi vào một con đường khác. Chưa được bao xa, bỗng hai bên đường đổ ra những mấy con người, tay bổ gậy, miệng thét: “Thằng làm cắp bò! Thằng làm cắp bò!”. Rồi đám người kia dùng dây rừng trói Vàng Lử Lùng, điệu về nộp ủy ban.
Vàng Lử Lùng bị tòa án phạt ba năm tù giam, về tội xâm phạm tài sản của công dân và ý đồ vượt biên trái phép.
Ba năm ở tù, anh bỏ được thói nghiện hút. Rồi anh được trở về. Vợ con được tin, ra tận cổng trời đón. Có điều không phải là đón anh về ngôi nhà ngói năm xưa – ngôi nhà ấy, vợ anh đã phải bán đi lấy tiền đút vào túi những kẻ lừa phỉnh. Chúng bảo có tiền, anh sẽ sớm ra tù. Lại còn mấy lần chị đi thăm anh, từ cao nguyên xuống đồng bằng, dọc đường thiếu gì những kẻ khôn ngoan, tàn bạo. Chúng xúm vào bòn rút vợ một người tù khốn khổ!
Nay thì anh đã về, tưởng rũ sạch được nỗi khổ đau. nào ngờ, ra đường gặp lũ trẻ con, chúng vỗ tay và gọi: “Lùng tù! Lùng tù!”. Mà sao cả những người lớn cũng thích gọi anh bằng cái tên như vậy?
Nhục quá, cả Hồ Giàng khinh anh. Làm cho anh không dám ra đường, quanh quẩn trong nhà, thế là vướng phải cái bàn đèn cũ. A, đã thế thì lại hút. Bàn đèn là cái thứ để người ta mân mê sờ mó nó suốt ngày này qua đêm khác. Nó còn được yêu quý hơn cả những người gái non kia đấy. Người ta bảo, kẻ nghiện bao giờ cũng nghĩ được nhiều mẹo để kiếm tiền, vậy thì phải hút. Lùng tù này không phải tù vì tội hút đâu nhá. Sự đó ai ai cũng rõ. Lão chột giờ đây đã vĩnh viễn chuyển vùng theo quy luật của cha trời, mẹ đất. Lão nằm sâu dưới lớp đá kia. Và từ đấy, mọc lên một lão chột khác. Đời người hay thật!
Từ đây, Lùng tù lại lao vào con đường nghiện hút một cách mãnh liệt hơn. Nhưng sao Lùng tù vẫn chưa tìm được cách kiếm tiền mới nhỉ? Đã có lần, anh muốn đi ăn trộm một thứ gì đấy, nhưng nghĩ đến ngày ở tù mà sợ. Sợ nhất là cái đói. Đói mà liều ăn, thối cũng ăn, tanh tưởi cũng ăn. Từ đó mà sinh bệnh, mà chết. Ối thằng trong tù chết theo kiểu này.  Chết mà không được về với núi, về với ông bà, tổ tiên là chết khổ. Lùng tù không muốn như vậy. Cơn nghiện lên thì phải tìm cáI gì trong nhà mà bán. ờ, đây là đôI vòng bạc của bà tái (mẹ vợ), cho con gái lúc về làm dâu họ Vàng: bán! Chiếc khăn len, vợ đội đầu trong những ngày vui, ngày xuống chợ: bán! và cuối cùng là tấm váy lanh. Bán hết váy lành đến lượt váy rách ra đi. Vợ Lùng tù xấu hổ quá, không dám đi đâu vào lúc ông mặt trời còn sáng. Cảnh này dài mãi ra, không chịu nổi, chị đành bỏ lại cho chồng ba đứa con mà đi ở núi khác.
Thế rồi, lần đầu tiên sau mấy đêm suy nghĩ, Lùng tù đã tìm được cách kiếm tiền. Anh lên núi, lấy một cây gỗ rỗng ruột, chế thành cái bễ lò rèn. Việc này, do các bạn trong tù bày cho. Ngày ngày, hai đứa bé phì phò kéo bễ, thằng lớn phụ với bố gõ búa, rèn lại con dao, cái cuốc cho người trong làng. Người ta trả tiền công nhiều hơn so với sức lao động của mấy bố con bỏ ra.
Được tiền, Lùng tù lại mải mê với cái bàn đèn khốn khổ. Nhiểu khi cầm tiền của người ta rồi mà việc thì bỏ đấy, dân dần đâm mất khách. cái bễ lò rèn nằm chỏng chơ như một cỗ quan tài. Ngẫm lại, vì nghiện hút mà ta mất vợ, mất nhà. Vì nghiện hút mà ta phải mang một cái tên Lùng tù nhục nhã. Bất giác, Lùng tù thở rất mạnh. Ôi, cái hơi thở trong lồng ngực ta, bây giờ nó đi đâu? Sức lực trong đôi cánh tay, bây giờ nó cũng về đâu, để lại những khúc xương bọc trong tầu lá chuối rừng? Chi bằng! Chi bằng!!! Lùng tù run rẩy đứng dậy, vét nắm bột ngô còn dính ở đít thùng, làm một chõ mèn mén. Lùng tù cũng xin đâu được con gà to bằng nắm tay, làm một nồi canh gà… Xong thì anh bầy ra chiếc bàn gỗ, đặt giữa nhà, gọi các con cùng ăn.
Tội nghiệp cho những đứa trẻ, lâu ngày vắng mẹ, lâu ngày đói ăn, thấy vậy, chúng vục vào. Riêng thằng lớn, nó linh tính thấy điều gì không lành. Nó bỏ ăn, bò vào xó nhà, phục xuống cái ổ lót bằng lá cây thông. Lùng tù nói với hai đứa con bé, nhưng thực ra để thằng lớn nghe; rằng: cái nghiện là đời ma. Bố nhất định cắt cái nghiện để các con được nối vào đời người! Anh không nói nữa, mà chỉ nghĩ thầm trong bụng: sau khi ta chết, lũ con ta không còn bố, như vắng cây cột cái trong nhà. Thế nào người Hồ Giàng cũng đón chúng về. Thôi thì chúng chăn bò, cắt cỏ ngựa và người ta sẽ cho chúng ăn cơm!
Khuya lắm. Lại một đêm trăng mờ. Khi tiếng ngáy ngủ của lũ trẻ vừa cất lên, Lùng tù rút sợi dây da bò trên giàn bếp, nhẹ nhàng đi ra và khép cửa lại. Anh đi về phía con suối cạn đầu bản. Nơi ấy, có cây tống quá sủ, tuổi chừng trăm năm, cành  lá vươn ra, lòa xòa mặt suối. Anh chọn một cành thật chắc khỏe, mắc cái dây vào, giật thử mấy lần.
Sương mù đổ xuống mỗi lúc một dầy thêm. Đêm trở nên lạnh buốt và cô độc. Đất Hồ Giàng sinh ra Lùng tù, vì lầm lạc, nay xin trả thân này về với đất! Lùng tù như nhìn thấy nấm mồ của lão chột. Anh nghiến răng: tao sẽ đi tìm mày, hỏi xem vì sao mày biến đời tao thành đời ma? Lùng tù thong thả chui đầu vào chiếc thòng lọng…
– Vàng Lử Lùng!
Tiếng nói khi đứt, khi lành ngay trước mặt. “Ai? – Lùng tù nghĩ, ai lại đến tìm ta trong lúc này, gọi ta bằng cái tên rất trang trọng của ngày lễ đổi tên năm xưa?”.
Lùng tù nhìn xuống và thấy vợ mình, lại cả ba đứa con nữa. Giọng người đàn bà vẫn rầu rĩ:
– Anh đừng chết, anh khổ, tôi khổ, các con nó cũng khổ. Mấy năm, tôi bỏ anh, bỏ con, không phải tôi đi lấy chồng mới, lấy chồng mới thì phải mang của cưới về đền cho anh. Tôi đi núi khác để làm ngô, làm lanh thôi. Bây giờ đã được nhiều, tôi về đón…
Trên trời, đám mây chậm chạp trôi. Ông trăng có dịp đưa muôn ngàn cánh tay xuống, cầm lời nói của con người. Nhờ vậy mà Lùng tù nhìn rõ thêm được mặt của vợ mình, của con mình. Và cái dây trên cổ Lùng tù cứ lỏng dần, lỏng dần…
28/6/2023
Đinh Công Diệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm thơ Tối nay tôi vô tình đọc bài “Kỹ Thuật Thơ Việt Nam Hiện Đại” do chị Việt Dương Nhân trích dẫn để làm nguồn cảm hứng cho các th...