Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Tuyên Quang - Vùng đất cổ giàu bản sắc văn hóa

Tuyên Quang - Vùng đất cổ
giàu bản sắc văn hóa

Nhắc đến Tuyên Quang ai cũng nghĩ ngay đến “Miền gái đẹp” với những cái tên nổi tiếng một thời: Từ Người mẫu Châu Á – Thái Bình Dương Thanh Chấn, chị em người mẫu Thuỷ Hương – Mỹ Hạnh, diễn viên điện ảnh Thu Hà “Lá ngọc cành vàng”, Á hậu năm 1994 Tô Hương Lan, Á hậu Báo Tiền Phong năm 1992 Nguyễn Minh Phương đến phát thanh viên truyền hình Tùng Lâm, Thu Hiền… nhưng ít người biết Tuyên Quang còn là một trong những nơi khởi nguồn của dòng chảy văn học cách mạng.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi làng Xuân Huy, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn là nơi đùm bọc, chở che cho cơ quan văn nghệ Việt Nam thời ấy (nay là Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) với những tên tuổi lớn như: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… ở và làm việc.
Trong chuyên đề Văn học Tuyên Quang do nhà văn, nhà báo Nguyễn Tham Thiện Kế – Ủy viên Ban Biên tập Vanvn.vn và nhà thơ, nhà báo Thèn Hương – Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức, sẽ lần lượt làm rõ sự hình thành và phát triển của văn học Tuyên Quang – nơi khởi nguồn của dòng chảy văn học cách mạng, hoà mình vào dòng chảy văn học Việt Nam đương đại với những tác giả, tác phẩm đáng tự hào, có đóng góp nhất định làm giàu đẹp thêm cho nền văn học Việt Nam hôm nay.
Đầu tiên, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu bài viết “Tuyên Quang – Vùng đất cổ giàu bản sắc văn hoá” của tác giả Thèn Hương.
Trong bài ký “Phong thổ Tuyên Quang” (Nam Phong Tạp chí), TS. Nguyễn Văn Bân viết “Tuyên Quang là một tỉnh lớn, núi khe tốt lạ, thế đất kỳ khôi, sản vật rất nhiều, thắng tích chẳng ít”.
Quả vậy, nằm ở vị trí địa lí là vùng đệm giữa các tỉnh miền núi và đồng bằng, địa hình Tuyên Quang có đặc điểm núi đồi chiếm ưu thế nhưng bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó lớn nhất là sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy và vô số khe, suối nhỏ chằng chịt. Xen kẽ hệ thống sông suối và núi đồi có những thung lũng, cánh đồng rộng rãi khá bằng phẳng được bồi đắp bởi phù sa, rất thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Đây chính là cơ sở để Tuyên Quang sớm trở thành vùng đất hội tụ và sinh sống của cư dân cổ.
Tuyên Quang là tỉnh có hoạt động khảo cổ từ rất sớm. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số học giả người Pháp đã đến khu vực thị xã Tuyên Quang và vùng ngoại thị xã để khảo cổ học. Năm 1920, học giả H. Mansuy đã công bố phát hiện địa điểm tiền sử thuộc Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương và tìm thấy một số di vật thời đồ đá mới cách đây hàng nghìn năm.
Trong những năm 1994, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008 Viện khảo cổ đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang khai quật nhiều di chỉ trên địa bàn tỉnh và tìm được rất nhiều dấu tích người xưa. Trong đó, những chiếc răng của người khôn ngoan được tìm thấy ở hang Đá Đen tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên có niên đại ít nhất cách đây khoảng 100.000 năm. Qua di tích đá cũ ở Hàm Yên cũng cho thấy cách đây khoảng 20.000 năm, cư dân cổ ở Tuyên Quang sinh sống dọc sông Lô, họ không chỉ sống trong các hang động đã mở rộng cư trú trên thềm sông, suối, tận dụng điều kiện tự nhiên kiếm sống cả trên rừng và dưới nước. Đến giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí, cư dân cổ đã phân bố đều trên khắp các địa hình của tỉnh với những vết tích văn hóa được tìm thấy dọc đôi bờ sông Lô, sông Gấm, sông Phó Đáy.
Đến thời kỳ kim khí, cư dân cổ Tuyên Quang cùng cư dân cả nước bước vào giai đoạn Nhà nước sơ khai với những di tích khảo cổ học cùng hàng loạt đồ kim khí mang đặc điểm của thời kỳ đồ đồng Đông Sơn trong đó có 4 chiếc trống đồng được tìm thấy tại các huyện: Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương. Trong bộ sưu tập đồ đồng tìm được ở Tuyên Quang có nhiều vũ khí dùng để săn bắn. Dấu tích cư trú của cư dân thời vua Hùng cũng đã xuất hiện ở 3 làng cổ: Bình Xa, Bãi Soi và Thiện Kế. Chứng tích ở 3 vùng này chứng minh đã xuất hiện các làng xóm tập chung dân cư đông đúc cách đây từ 4.000 năm, cuộc sống định cư thành bản làng và dựa vào nền kinh tế nông nghiệp đã tạo ra những tập tục có tính chất cộng đồng. Qua bộ di vật Đông Sơn có thể thấy, thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương cư dân cổ Tuyên Quang đã cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nhà nước sơ khai Văn Lang và Âu Lạc, chính các tộc người của Tuyên Quang đã thành lập 1 trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang xưa.
Qua những di chỉ khảo cổ, chúng ta nhận diện rõ Tuyên Quang là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, có sự phát triển văn hóa liên tục.
Địa danh Tuyên Quang xuất hiện trong Bộ Vũ Định của nước Văn Lang thời các Vua Hùng. Sau đó, vùng đất này trải qua các thời kỳ lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau. Ngày 04.11.1831, vua Minh Mệnh tiến hành chia định địa hạt trên phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang có 01 phủ và 05 châu, bao gồm: huyện Yên Sơn, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Na Hang và thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang; huyện Lục Yên, Yên Bình của tỉnh Yên Bái; huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng và toàn bộ tỉnh Hà Giang ngày nay.
Từ năm 1888 đến năm 1956, địa giới hành chính tỉnh Tuyên Quang có nhiều thay đổi. Phủ Đoan Hùng của tỉnh Sơn Tây được sáp nhập vào tỉnh Tuyên Quang; lần lượt châu Lục Yên và các huyện Yên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc được tách ra để sáp nhập vào tỉnh Yên Bái, Lào Cai và tỉnh Cao Bằng; huyện Vĩnh Tuy, Vị Xuyên được tách ra để thành lập tỉnh Hà Giang. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Kể từ đó, đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang ổn định đến ngày nay. Tỉnh Tuyên Quang hiện có 6 huyện, 1 thành phố với 138 xã, phường, thị trấn.
Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1723-1782) đã chép: “Tuyên Quang có các giống người như: giống người Nùng, giống người Răng Vàng, giống người Hóa Thường, giống người Tạo, giống người Ngô Ngàn, bảy chủng tộc người Mán trong đó có Sơn Trang, Sơn Tử, Cao Lan, Sơn Man, Sơn Bán, Sơn Miêu…” – chứng tỏ từ thủa xa xưa, Tuyên Quang đã có đông dân tộc sinh sống. Hiện một số dân tộc (giống người) đã được đổi tên.
Theo thống kê, thời điểm hiện tại Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 8 dân tộc số dân đông hơn cả là: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, Hoa, Mông, Sán Dìu. Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán riêng. Tiếng nói của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang được xếp vào bốn nhóm hình là: Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường có dân tộc Kinh, dân tộc Mường; nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có các dân tộc Tày, Cao Lan, Nùng; nhóm ngôn ngữ Mông – Dao có các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn…; nhóm ngôn ngữ Hán có các dân tộc Sán Dìu, Hoa.
Mảnh đất Tuyên Quang giàu tài nguyên thiên nhiên, có tuyến đường thủy sông Lô, sông Gâm thuận lợi, nên xa xưa đã có các thuyền buôn người Kinh từ vùng xuôi lên giao thương. Vào thập niên 50 – 70 của thế kỷ XX, những người Kinh (chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ) lên Tuyên Quang xây dựng vùng kinh tế mới, sống xen cư và cộng cư với các dân tộc thiểu số khác. Trong số 750 nghìn dân của Tuyên Quang có 56% là đồng bào dân tộc thiểu số, 44% là người Kinh. Văn hóa giữa người bản địa và người Kinh có sự giao thoa khá lớn, làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của tỉnh.
Một vùng đất cổ đa sắc tộc – có thể nói đây là những chất liệu vô cùng phong phú cho văn học Tuyên Quang hình thành, phát triển. Từ văn học dân gian như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ca dao tục ngữ, vè, câu đố… đến văn học viết trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tạo nên một bức tranh văn chương với những nét chấm phá độc đáo riêng của tỉnh.
28/6/2023
Thèn Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Đợi Chờ Thời gian là cái thước, ta trải ra để đo những gì đã qua hay ta gập lại để tìm lại những gì chưa xảy đến. Bước vào mùa thu, ...