Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Văn học dân gian Tuyên Quang

Văn học dân gian Tuyên Quang

Tuyên Quang là một vùng đất cổ đa sắc tộc, đây chính là chất liệu vô cùng phong phú cho văn học dân gian hình thành, phát triển. Kho tàng truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ca dao tục ngữ, vè, câu đố… được truyền miệng bao đời nay đã phản ánh từ cách nghĩ đến hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, nếp sinh hoạt của người xưa.
Trước hết phải kể đến tục ngữ các dân tộc ở Tuyên Quang, điển hình là tục ngữ của dân tộc Tày, Dao, Cao Lan. Từ những câu tục ngữ về thời vụ, về lao động sản xuất, cho đến khuyên răn con cháu coi trọng hiếu nghĩa, tình cảm gia đình, như:
Thời nhịt phát, mấy toóc phôn
Khẻng phủ, pây cộc lời
(Mùng tám tháng tư không mưa/ Bỏ bừa đi phát dọc – dân tộc Cao Lan)
Đăm nà noăng ngoảng á
Khẩu bấu quá ngài chiêng
(Ve sầu kêu rồi mới cấy lúa/ Thóc đủ ăn chẳng quá tháng giêng – dân tộc Tày)
Lui hú trụ đang
(Quần áo rách phải thơm – dân tộc Dao)
Thon thư thon tắng thai
Thon quai thon tắng ké
(Học chữ học đến chết/ Học khôn học đến già – dân tộc Tày)
Cho đến những câu đố vui, thường được thể hiện dưới hình thức miêu tả, ví von, ẩn dụ… đánh lạc hướng người nghe. Đa số những câu đố diễn đạt bằng các lời nói dân dã, đố về các sự vật, hiện tượng xung quanh cuộc sống hàng ngày, như:
Ăn sống được
Ăn chín càng ngon
Gieo trồng không lên
(Hạt muối – dân tộc Sán Dìu)
Không mời khắc đến đậu
Không đánh khắc tan tác
(Họp chợ – người Mông)
Câu đố của các dân tộc ở Tuyên Quang rất phong phú, chỉ riêng về một hiện tượng tự nhiên như sấm mà năm ngành Dao có năm cách đố khác nhau: Người Dao đỏ đố “Thấy tiếng không thấy mặt”; người Dao Quần Chẹt đố “Không gõ mà kêu”; người Dao Áo Dài đố “Không đánh mà kêu”; người Dao Quần Trắng đố “Có tiếng kêu không có nước mắt” (tương tự câu “Mấy đời sấm trước đã mưa” của người Kinh); người Dao Tiền đố “Lúc kêu ở đất mà không ở trời”…
Bên cạnh tục ngữ, câu đố, kho tàng ca dao, dân ca các dân tộc xứ Tuyên cũng vô cùng phong phú, đặc sắc, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi tha thiết, tinh thần lạc quan cho đến chê trách thói hư tật xấu: “Em như chim chích bên đường/ Anh như chim phượng vẫy vùng trời xanh” – ca dao dân tộc Tày; “Thấy hoa anh muốn lại gần/ Thấy cá dưới nước muốn dừng chân xem/ Thấy em anh muốn hỏi em/ Hỏi em đã định tơ duyên nơi nào?” – ca dao dân tộc Cao Lan; “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng/ Em không có lòng thì thôi/ Có lòng thì về ta ở với nhau một đêm/ Em không có lòng thì thôi/ Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày” – dân ca dân tộc Mông.
Từ cuộc sống lao động sản xuất, làn điệu dân ca của các dân tộc Tuyên Quang được hình thành. Điều đáng quý là những làn điệu dân ca ấy vẫn được lưu giữ, phát huy và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, như hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; hát Páo Dung của dân tộc Dao, hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Then, hát Cọi của dân tộc Tày, Nùng…
Bài Đêm không ngủ dưới đây nằm trong làn điệu dân ca của dân tộc Tày thể hiện sự trăn trở, trằn trọc, suy tư, nhớ nhung:
Chang khin nòn bố đắc
Đẩy nhim tiếng khảm khắc loọng soi
Khảm khắc bố đo đôi min loọng
Y như lầu xét toọng đuổi căn
Dịch nghĩa:
Đêm khuya ngủ chẳng được say
Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn
Chim kia còn biết gọi đàn
Buồng không vắng vẻ, can tràng nấu nung
Hay làn điệu ru con da diết của dân tộc Dao:
Ôi í a, mây dỏm hô lìn dòng
Hầu lò dà bam pè thính goang
Óc đí sóng lan mồng săng tìn
Gây vây sóng sá mồng săng tong
Ôi í a, mây dỏm hô lìn dòng
Dịch nghĩa:
Ngủ ngoan, ngủ ngoan đi con hỡi
Mẹ lấy cây tre bắc máng nước
Mong nước chảy về tràn đầy lu
Nước chảy thành vụng cá con mừng vui
Nước chảy thành vụng cá con nhảy múa
Ngủ ngoan, ngủ ngoan đi…
Khúc hát ca ngợi làn điệu Sình Ca của dân tộc Cao Lan:
Lời thơ em như con suối
Chảy quanh năm không cạn
Giọng Sình Ca của anh như dòng nước mát
Càng uống càng thấy ngọt.
Các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang không chỉ là một kho ngôn từ phong phú, đa dạng, mà đi theo đó còn là những nghi lễ trang trọng, liên quan đến tâm linh. Trong đó, tiêu biểu là dân ca dân tộc Tày, Nùng có rất nhiều làn điệu như: Hát sli, hát lượn, hát cọi, hát quan làng, hát ru… đặc biệt là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (có sự đóng góp của Then Tày, Nùng Tuyên Quang) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Một bộ phận cấu thành không thể thiếu của văn học dân gian Tuyên Quang chính là kho tàng truyện cổ tích. Mỗi dân tộc đều có những truyện cổ tích về loài vật, thần kì, địa danh, sinh hoạt… sử dụng không gian miền núi cao với đèo, dốc, thác, ghềnh, hang động. Truyện thường bắt đầu bằng cụm từ: ngày xửa ngày xưa; thuở mới sinh ra trời đất; một ngày nọ; đã lâu lắm không nhớ rõ năm nào, tháng nào…
Có rất nhiều câu chuyện mặc dù được bắt đầu bằng từ “Sự tích…” nhưng trong nội dung lại có lẫn những yếu tố của thần thoại, truyền thuyết như một số truyện có nội dung giải thích các hiện tượng tự nhiên, hình sông dáng núi, địa hình, địa danh trên mảnh đất Tuyên Quang như “Sự tích Ao Trời”, “Sự tích Thác Mưa Rơi”, “Sự tích đầm Mây”… Người dân Tuyên Quang xưa đã rất cố gắng để lý giải các hiện tượng tự nhiên: vì sao mai rùa lại bị rạn, vì sao trâu húc chuối, vì sao người dân Na Hang lấy hoa chuối đỏ cắm răng bừa cùn ném xuống vực để cầu mưa, vì sao kiêng đi qua đèo Nàng khi đưa dâu… nhưng cũng chính vì sự không phân biệt rõ ràng về thể loại của người xưa nên việc xem xét và đặt chúng vào đúng thể loại là điều khó khăn. Có nhiều câu chuyện vừa có yếu tố cổ tích vừa có yếu tố truyện cười như các truyện: “Hột Nhồi”, “Người chăn ngựa nhà Quằng”,… cũng bị lẫn các yếu tố truyện cười với câu chuyện về sự đấu trí, sự thông minh của người dân xưa với tầng lớp thống trị tại mảnh đất Tuyên Quang xưa (khá rộng lớn).
Lại có những câu chuyện cả người Tày lẫn người Dao cùng kể, như truyện “Lấy vợ Tiên”, chỉ thay thế bằng một số chi tiết. Chẳng hạn, chi tiết khi đi gặt hộ chàng mồ côi, các cô tiên trong truyện của người Tày đã lấy nước quết trầu nhổ vào ống trong thân cây lúa nên ngày nay lúa không thể cắt ở đầu ruộng nọ lại có thể gặt tiếp ở đầu ruộng kia được nữa, và màu hồng hồng trong thân cây lúa chính là màu nước quết trầu các cô tiên để lại. Nhưng chi tiết này lại được người Dao cho rằng các cô tiên đã lấy giấy dó nhét vào thân cây lúa (phản ánh sản phẩm giấy dó của người Dao). Điều này cho thấy, do tiếp giáp với bảy tỉnh quanh mình, người dân Tuyên Quang xưa đã có điều kiện để được giao lưu văn hoá dân gian với các dân tộc khác cùng quần cư với mình hoặc gần gũi nhau, nên việc ảnh hưởng và lẫn các yếu tố trong truyện cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều truyện cổ tích Tuyên Quang phản ánh cách nghĩ, cách giải thích của người Tuyên Quang xưa về tên địa danh, địa hình, hình sông dáng núi của nhiều vùng đất Tuyên Quang, đặc biệt là vùng đất Na Hang, núi non hùng vĩ, phản ánh sự gắn bó sâu sắc của người dân xưa với vùng đất này. Người kể chuyện cố gắng giải thích cho người đời sau các hiện tượng tự nhiên như: hình dáng của núi Pắc Tạ trông như hình một chiếc nậm rượu lớn vua ban cho con voi chiến dũng mãnh một thời, núi Nàng Tiên Chú Khách với những hình người còn in trên đá với lời chê bai còn mãi, chiếc ao Trời dở dang còn lại trên đất Na Hang vì lỗi tò mò của bà Then, tên các con đèo ghi lại những câu chuyện tình đau thương, nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng vùng đất Thượng Lâm … Nhiều câu chuyện buồn thương nhưng cũng không ít các câu chuyện hào sảng, thâm thúy mang đậm chất núi rừng, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, tinh tế của người dân Tuyên Quang xưa.
Truyện cổ Tuyên Quang còn tập trung phản ánh cuộc đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng của những người dân miền núi đứng lên chống giặc ngoại xâm (Khan Mạ, Cây vàng Tâm), chống cường hào, ác bá chốn núi rừng như Quằng, Thổ ty, nhà Lang (Loóng, Hột Nhồi, Người chăn ngựa nhà Quằng, nàng Mây, nàng Kháy…). Họ chính là những đại diện của người dân xưa thể hiện khát vọng tự do, đấu tranh cho lẽ phải, cho làng bản, cho đất nước mà không nghĩ đến bản thân.
Hàng trăm truyện cổ tích được sưu tầm đã phản ánh một đời sống tinh thần phong phú của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ngay từ thuở xa xưa, cũng như các tộc người ở các địa phương khác trên cả nước, họ thể hiện một khả năng khám phá, làm chủ thiên nhiên hoang dã, thể hiện khát vọng sống, khát vọng đấu tranh cho lẽ phải, cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi, thể hiện trí tuệ siêu việt của người dân vùng cao luôn đối mặt với bao hiểm nguy cả về tự nhiên lẫn xã hội. Địa thế núi cao, sông sâu, giáp ranh nhiều địa phương khác của Tuyên Quang xưa đã góp phần hình thành nên một hệ thống truyện cổ tích phong phú, đặc sắc, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có thể có được.
Có thể khẳng định rằng, Tuyên Quang có kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú, đặc sắc. Trong thời gian tới tỉnh cần có những công trình sưu tầm, nghiên cứu xứng tầm để bảo tồn, phát huy vốn quý của người xưa để lại, góp phần làm giàu đẹp thêm kho tàng văn học dân gian của Việt Nam nói chung.
28/6/2023
Thèn Hương - Bùi Thị Mai Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm thơ Tối nay tôi vô tình đọc bài “Kỹ Thuật Thơ Việt Nam Hiện Đại” do chị Việt Dương Nhân trích dẫn để làm nguồn cảm hứng cho các th...