Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Một đời tôi vẫn người của núi

Một đời tôi vẫn người của núi

Mai Liễu (1950 – 2020) là một nhà thơ có vị trí quan trọng đối với văn học nghệ thuật của tỉnh Tuyên Quang. Thơ Mai Liễu đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những đặc điểm và xu hướng vận động của nền thơ ca Tuyên Quang thời kì đổi mới. Thơ Mai Liễu luôn là đề tài hấp dẫn cho các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.
Tên khai sinh là Ma Văn Liễu. Ông có nhiều bút danh nhưng Mai Liễu là bút danh gắn bó với sự nghiệp sáng tác. Ông sinh ngày 12.01.1950 và mất ngày  26.10.2020 tại xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Các chức vụ ông đã đảm nhiệm:
Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tuyên (Khóa I) và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang (Khóa II), Tổng biên tập Báo Tân Trào Tuyên Quang (nhiệm kì  1992- 1998); Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Văn hóa các dân tộc – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Trưởng ban Văn nghệ địa phương Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…
 Các tác phẩm thơ in riêng:
– Tập thơ “Suối làng”, Nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc, 1994.
– Tập thơ “Mây vẫn bay về núi”, Nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc, 1995.
– Tập thơ “Lời then ai buộc” Nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc, 1996.
– Tập thơ “Tìm tuổi” nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc, 1998.
– Tập thơ “Giấc mơ của núi”, Nhà xuất bản Văn học,2002.
– Tập thơ “Đầu nguồn mây trắng” (Thơ chọn), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2004.
– Tập thơ “Bếp lửa nhà sàn”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2005, nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc tái bản, 2009.
– Tập thơ “Núi vẫn còn mưa”, Nhà xuất bản Văn hóa – Dân tộc 2013.
– Tập thơ “Thơ Mai Liễu” (Tuyển tập), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015.
Các giải thưởng:
– Năm 1995, nhận tặng phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam.
– Năm 1996, giải tác giả dân tộc miền núi với tập thơ “Lời thẹn ai buộc”, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
– Năm 1998, giải C tập thơ “Tìm tuổi”, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
– Năm  2000, giải C hai bài thơ “ Gọi vía” và “Căn lều bé nhỏ” (cuộc thi thơ và truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ do Hội Nhà văn  tổ chức (1998-2000)
– Năm 2005, giải B tập thơ “Đầu nguồn mây trắng”, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
– Năm 2013, giải B cho 5 tập sách: “Vẫn còn mùa thổ cẩm” (2001), “Giấc mơ của núi” (2002), “Bếp lửa nhà sàn” (2005), “Hương sắc miền rừng” (2008), “Núi vẫn còn mưa” (2013), Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
– Năm 2016, giải thưởng tặng cho tác giả là Hội viên Hội chuyên ngành Trung ương của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
BÊN THÁC
Mười bảy tuổi tôi ra thành phố
Bỏ tuổi thơ lam lũ góc rừng
Bỏ lại sau đèo chiều trăng đỏ
Xóm nghèo thả khói lẫn vào sương.
Tiếng hoẵng kêu thảng thốt đồi nương
Con đường mòn hoa bìm buông tím nụ
Em đi cấy gặp ngày mưa lũ
Qua ngòi ai dắt nước đang lên?
Gió chẳng ngừng nên núi chẳng ngồi yên
Mưa nhễ nhại mùa giêng hai măng mọc
Bìm bịp kêu mé rừng gọi nắng
Giữa phố phường khảm khắc vọng trong đêm.
Một đời tôi vẫn người của núi
Suối nguồn chẳng dấu mỗi chân rêu
Bụi bậm, phồn hoa xin gửi lại
Cúi đầu bên thác ngửa lòng tay.
(Rút từ tập Suối làng, 1994)
NẾU MAI EM VỀ CHIÊM HÓA
Nếu mai em về Chiêm Hóa
Cho ta gửi nỗi nhớ cùng
Tháng giêng mưa tơ rét lộc
Em về vừa kịp mùa măng
Sông Gâm đôi bờ trắng cát
Đá ngồi dưới bến trông nhau
Non Thần hình như trẻ lại
Xanh lên ngút ngát một màu
Phố đông cứ mải tìm nhau
Cô gái Dao nào cũng đẹp
Vòng bạc rung rinh cổ tay
Ngù hoa mơn mởn ngực đầy
Con gái bản Tày duyên quá
Sắc chàm như cũng pha hương
Chỉ riêng nụ cười môi mọng
Mùa Xuân e cũng lạc đường
Nếu mai em về Chiêm Hóa
Đầu xuân đi hội “lùng tùng”
Quả còn chạm vai thì nhặt
Ngày lành duyên tốt mừng nhau.
(Rút từ tập Mây vẫn bay về núi, 1995)
TÌM TUỔI
Cây chuối rừng
Một tuổi ra hoa
Tươi như môi em mười sáu.
Cây trám
Bảy năm cho quả
Vị bùi ngấm niêu cá kho mẹ ủ bếp than hồng.
Cây lát
Bảy mươi tuổi
Nổi hoa văn hình đuôi công cánh phượng
Khách quen khách lạ ngẩn ngơ soi.
Những câu thơ của tôi
Những trang viết của tôi
Trời cho mấy tuổi?
Vỗ vào gốc cây rừng
Tôi hỏi
Cây lặng im bóng
Rừng lặng im xanh.                                                            
(Rút từ tập Tìm tuổi,1996)
GỌI VÍA
Cái vía trong mình có là con cá
Mà mẹ ta lấy vợt đi xúc
Cái vía có như đứa trẻ ham chơi bị lạc
Mà mẹ ta tất tả đi tìm?
Mẹ vừa đi vừa gọi
Từ núi ra đồng
Từ đồng về ngõ
Từ ngõ lên cầu thang
Từ cầu thang vào nhà
Nơi ta nằm li bì cơn sốt…
Mẹ còn biết làm gì
Những năm ấy đói nghèo lay lắt
Anh em tôi cứ thế lớn lên
Sau bao lần mẹ đi xúc vía
Sau bao lần mẹ vừa gọi vừa khóc
Khi đi tìm vía cho con…
Quá nửa đời người
Tôi đã lật qua nghìn trang sách
Cái vợt vừa cũ vừa rách trên tay mẹ ngày ấy
Còn run run mãi trong tôi
Có lẽ nhờ nó
Ngày bé đi đường gặp hổ, gặp rắn, hồn vía tôi không bị lạc
Gặp cảnh đẹp hội vui vẫn biết lối đi về…
Mẹ còm cõi như quê nghèo ven núi
Sớm tối ra vào góc bếp lui cui
Mấy bận chuyển nhà thay mái
Cái vợt ngày xưa cũng chẳng còn
Chợt lo
Hồn vía mình chẳng may bị lạc
Chốn thị thành
Ai gọi vía cho tôi???
(Rút từ tập Giấc mơ của núi, 2001)
VỀ QUÊ DỰNG NHÀ
Hơn bốn mươi năm xa quê biền biệt
Khi ta đi cha mẹ đầu chưa bạc, lưng chưa còng
Rừng vẫn đại ngàn, núi đầy chim thú
Ngôi nhà xưa ba gian hai chái
Đã tiễn đưa mẹ cha ta về với tổ tiên
Di ảnh ông bà, cha mẹ lãng đãng khói hương…
Anh em ta đông mỗi người mỗi phận
Con cháu ta Hà Nội, Vũng Tàu
Vài năm về thăm quê một bận.
Sao ta về quê dựng nhà?
Cha mẹ không còn cây rừng đã hết
Nhà thơ nghèo mua nhà cũ dựng chơi…
Ta dựng nhà để chơi với quê thôi
Bạn bè xưa đứa còn đứa mất
Chơi với suối, suối đã cạn nguồn
Chơi với rừng, rừng đã hết cây
Chơi với bạn, bạn đã thành ông lão
Chơi với tuổi thơ ta – ký ức tuôn ròng.
Mai ngày ta ra đi
Xin quê một góc rừng để lẫn vào cây cỏ.
Để biết có đứa con đi xa giờ đã trở về.
28/6/2023
Mai Liễu
Nguồn: Rút từ tập Núi vẫn còn mưa, 2013
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Bốn Mắt Ngồi ở phòng giám học nẩy giờ, tôi ra dấu nhiều, mệt lắm. Bà giáo già không tin tôi hiểu những gì bà đã nói, dù đầu tôi luôn...