Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Mẹ chó - Truyện ngắn của Cao Thanh Mai

Mẹ chó - Truyện ngắn
của Cao Thanh Mai

Vừa đi làm về tới cửa, thị thấy con chó Phú Quốc lai becgie nằm ngủ ngon lành trên tay chồng. Mặt thị hầm hầm, dựng xe, chưa kịp cởi mũ áo ra, thị chửi chồng cốt dằn mặt trước khi nghe trình bày: “Tối ngày lo ăn nhậu, không làm ra được đồng bạc nào, bày đặt đòi nuôi chó”.
Cái tiếng chó thị cố tình kéo dài kèm theo cái môi xâm màu mận của thị trề ra y như miếng thịt trâu mắc mưa. Cộng thêm đôi lông mày như hai mũi kiếm nhướng lên không khác một nữ tướng chuẩn bị xung trận. Thị hỏi không khí: “Cơm nước gì chưa mà ngồi đây ôm chó?”. Kẻ có tiền luôn cầm quyền. Chồng thị mới hí hững với thằng cháu, nghe thị nói như tạt xô nước lạnh vào mặt đến sửng sờ. “Rồi ông mua nó nhiêu? Tự nhiên rước cái của nợ này về làm gì không biết!”.
Thằng cháu chồng đâm lo, thỏa thuận giữa hai cậu cháu coi như phá sản. Chồng thị sợ mất mặt với thằng cháu nên “cố đấm ăn xôi”, bỏ ngoài tai lời càm ràm, chì chiết của vợ. “Con yên tâm, vụ mùa tới làm xong cậu giấu bán vài bao lúa là đủ trả con chớ gì, thấy con chó cưng quá, trả uổng”. Chồng thị xuống nước: “Mẹ mầy nuôi đi. Nó ăn có nhiêu đâu mà. Có nó vui nhà vui cửa”. Con chó khôn từ giống khôn ra. Nó rụt rè bước lại gần thị, ghếch mũi hửi, rồi nằm xuống gác đầu lên chân thị lim dim. Nó mặc kệ sự đời. Đời có gì vui! Nó cũng mệt, di chuyển từ Phú Quốc về đây, rảnh hơi đâu nghe cãi nhau như chó sủa vậy! Có lẽ cơn bốc hoả trong lòng thị được xoa diệu bởi sự khôn ngoan của con chó nhỏ. Thị đưa tay vuốt bộ lông vàng nâu óng mượt của nó, nó chả buồn ngoắc đuôi, nằm im thể hiện sự thân thiện là tốt rồi. Buổi đầu làm quen suông sẻ. Thị đồng ý mua con chó với giá gần bằng nửa tháng lương công nhật của thị. Sáng đi tối về. Ngày mưa cũng như ngày nắng.
– Giống chó này càng lớn ăn càng tốn chỉ nhà giàu mới nuôi nổi, ai đời làm không đủ nuôi thân đòi nuôi chó hạng sang.
Thị làm căng mấy ngày rồi cũng thôi. Nó bắt đầu quen hơi thị. Con chó coi vậy mà biết nịnh. Đúng cái giống chó khôn nổi tiếng thế giới có khác. Nó quấn quýt bên thị: “Ngoan nghe con. Để mẹ lấy cơm cho ăn”. Ơ! Thị đã xưng mẹ con với chó rồi. Những hục hặc nhỏ quanh con chó như nuôi đứa trẻ trong nhà luôn bắt đầu từ việc ăn uống, vệ sinh cho nó. Từ ngày đó, chồng thị bớt đi nhậu ở nhà chăm chó. Thị thấy cái lợi từ việc nuôi chó nên bớt chửi chồng hơn trước.
Thế rồi thị đâm ra mê chó. Mê như điếu đổ lúc nào không hay. Thị kể đồng nghiệp cơ quan biết về việc thị bắt đầu nuôi chó, họ tư vấn thị các đủ kiểu, thị nghĩ cũng đúng. Ừ, nó phải lớn lên để giữ nhà chứ. Nhà thị thuộc dạng có của ăn của để, nhưng xuống cấp từ lâu, vợ chồng thị chưa sửa sang lại thành ra rong rêu đóng đầy tường. Thị kệ. Tiền để đầu tư cái khác.
Chỉ có giới thượng lưu mới nuôi giống chó tinh khôn này, thị sướng râm ran. Nuôi chó Phú Quốc lai becgie không đơn thuần như nuôi một con chó nhà em ạ! Theo những người có kinh nghiệm nuôi chó chỉ dẫn, thị bắt chồng đưa chó ra trạm thú y chích ngừa, đăng ký tên cho đứa con chó đẻ của thị. Trong “hồ sơ lý lịch” của nó, vợ chồng thị đặt tên là Jacky cho ra vẻ Tây một chút. Nó giống đực, chuẩn chó Phú Quốc lai becgie. Jacky tròn một năm tuổi, lớn nhanh như thổi. Mỗi chiều thị đi làm về, nó chạy ra tận đầu ngõ, ngoắc đuôi, mừng rỡ. Thị cảm thấy bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Thị dựng xe, sà xuống ôm Jacky vào lòng. Nựng nịu, đớt đát, người lạ tình cờ nghe qua không nghĩ thị nói chuyện với chó. Nó dần hiểu được tiếng người, nằm yên trong tay thị. Chồng thị đã quen việc này. Dắt xe vô nhà cất cẩn thận.
Từ ngày có Jacky, mọi thứ xung quanh thị đều trở nên thứ yếu. Ngay cả con trai thị không còn nằm trong mối bận tâm của thị nữa. Mọi yêu thương thị đều dành cho Jacky. Thị chăm sóc nó như đứa bé hồn nhiên nhất, khi mừng biết ngoắc đuôi, sủa vang nhà làm thị cười sảng khoái. Căn nhà thị vốn từ lâu không có tiếng trẻ con nô đùa, nay có tiếng chó sủa gâu gâu làm thức dậy bản năng của thị. Thị cảm thấy hài lòng và vui sướng. Biết vậy thị đã nuôi chó từ rất sớm! Thị ân hận vì mình hiểu về chó hơi muộn màng. Sau giờ làm, thị tạt qua chợ mua khi thì cá biển, lúc miếng nạm bò vụn, hay thịt heo ế về nấu lên cho Jacky ăn. Đôi lúc chồng thị chạnh lòng và tìm trong mớ thức ăn đó có cái gì còn tươi thì làm riêng cho mình. “Đó! Lúc trước chửi chồng, giờ cưng còn hơn cưng con”. Thị nhe răng cười. Anh cũng cưng Jacky chớ bộ!
Kể về độ mê chó, thị số hai không ai số một. Sáng trưa, chiều tối gặp ai thị cũng kể về Jacky như thể cô gái mới lần đầu được làm mẹ say sưa kể về con mình không cần biết người đối diện ngán ngẫm hay thích thú. Tối lại, sau khi ve vuốt, cưng nựng xong, thị lấy tấm gra trải xuống nền nhà, đốt nhang muỗi cho chó và cả cho mình. Thị đã cuồng chó quên chồng! Những hôm “trái gió, trở trời”, Jacky biếng ăn, lười sủa, đang đi làm, bất kể giờ giấc thị điện về điều khiển từ xa: “Anh ơi! Nhớ cho Jacky uống thuốc nha. Anh ơi! Còn miếng thịt bò trong tủ lạnh anh nhớ nấu cho Jacky ăn nha. Tội nghiệp mấy bữa nay nó ăn ít, ốm nhom rồi đó. Xong rồi, anh nhớ cho nó uống thêm tí sữa nha”. Chồng thị bực, “Đ.M chồng đói không lo, cha mẹ chồng ăn cơm với nước mắm không thèm ngó tới. Tối ngày chó, chó. Nghỉ việc đi về chăm chó. Tao đi nhậu”.
Thế là, chiều đó cả xóm được thị chiêu đãi một trận chửi chồng như con không đẻ. “Tại sao bỏ đói Jacky mà đi nhậu? Tại sao vợ dặn mà không nghe? Cha mẹ anh ở riêng tự mà phục vụ ai ở không đâu đi hầu”. Hai ông bà, người điếc một bên tai, người nghễnh ngãng mở cửa ra nghe tưởng đâu gánh hồ quảng về hát tuồng tích xưa. Thị kéo ông bà vô cuộc. Tại sao ông bà không biết dạy thằng con mình? Chồng thị bực quá, quát lên: “Đ.M mày”. Đã nói thị không phải dạng vừa mà, độp lại liền tai: “Mẹ tao mất rồi. Mẹ mầy còn sống đó”. Bốp! Bốp! Con Jacky sợ quá chui xuống gầm bàn, mắt hết nhìn thị lại nhìn chồng thị. Nó mà biết nói tiếng người sẽ cười nhạo rằng: “Hai người đừng làm trò hề nữa. Chút lại anh anh em em cho coi. Jacky biết mà”.
Bà nhìn ông, nó “bất hiếu” với vợ nó à ông? Ông trả lời bâng quơ, nó nói tui với bà đẻ thằng con xài được!
Niềm đam mê chó của thị chưa dừng lại ở đó. Như có kinh nghiệm và tình yêu thương chó đến mãnh liệt, đi đâu, thấy ai có chó đẻ là thị xin. Không cho thì thị mua. Thị sưu tầm được trên chục con đực cái đủ màu sắc. Các “bé chó” của thị con nào cũng thấy cưng. Đã quen miệng nên thị trở thành mẹ của một đàn chó. Thị chẳng xưng mẹ với chúng là gì? Mỗi tội đàn con ấy, thị chăm chúng chớ chúng chưa đền đáp gì cho thị cả. Có bận lo đi nấu cơm hầu nó, nó cứ chạy loắng quắn dưới chân khiến thị đang bưng nồi cơm nóng té ngửa trên nền gạch, được thể chúng phóng lên người thị đùa giỡn giống như mọi hôm. Đến khi chồng thị hay được, chạy lại đỡ thị lên, đầu sưng, chân bị phỏng,  khớp tay bị trặc. Thị đi không nổi, chồng thị phải dìu. Đám chó hùa theo hộ tống thành ra vướng víu cả chân suýt nữa vợ chồng thị bị đám chó làm cho té lần nữa. Chồng thị nóng ruột, xách cây đuổi chúng ra ngoài. Thấy vậy, thị bỗng ngóc dậy la lên: “Đừng anh! Đừng đánh tụi nó tội nghiệp”. Đến nước này, chồng thị không giữ bình tĩnh được nữa. “Vậy kêu tụi nó chăm đi”. Thị tu tu khóc rống lên, nói: “Chồng gì mà tối ngày chỉ có nhậu. Vợ té, trặc chân, đau tay không phụ cho chó ăn, lại bỏ mặc không quan tâm”. Chồng thị hết kiên nhẫn, đang cầm khúc cây trong tay đập vào gốc cột, gãy làm hai. Thị xanh mặt. Đàn chó chạy dạt ra ngoài sân ngồi chỏ mỏ vô sủa inh ỏi.
Đời như vợ chồng nhà thị diễn bi hài kịch còn tưng bừng hơn cả trên sân khấu.
Không nói, ít ai biết vợ chồng thị có thằng con trai, nó đi học từ năm mười tám tuổi, ra trường, xin được việc làm đến hơn mười năm sau chưa lần nào về nó ngủ lại nhà. Vì căn phòng của nó, thị đã trưng dụng làm nơi chứa đồ nuôi chó. Có dạo thị bổ sung thêm vài bé mèo, đó cũng là nơi trú ngụ của loài lười biếng, ăn rồi nằm ễnh ra ngủ. Trong nhà thị vừa tanh tanh mùi chó, chua chua mùi mèo. Tạo thành một hỗn tạp dơ bẩn, khách đến nhà ít ai dám ngồi lại lâu hơn. Thành ra, đó là khoảng không gian riêng biệt của thị và chó mèo. Chồng thị bực quá, nói không nghe, dọn đằng trước thị bày đằng sau, chịu hết thấu ra vườn cất cái chòi nhỏ ở cho thoáng khí.
Mỗi khi hết tiền mua thức ăn bồi bổ cho chó, thị điện cho con trai: “Alo con à! Mẹ bệnh không tiền đi bệnh viện mua thuốc. Con gửi về cho mẹ xin vài triệu nghe!”. Thằng con lúc đầu cũng tin như thế. Điện thoại rung lên. Tiền vô, thị phi ngay ra chợ mua thức ăn cho chó mèo. Mà sao mẹ bệnh liên tục vậy? Ba nó khai: “Bệnh gì đâu. Mẹ mầy xin tiền về mua sữa cho chó mèo uống đó”. Chồng thị không thể đồng loã, lừa dối, bóc lột sức lao động của thằng con trả lời thẳng cho nó biết. Nó quá thất vọng về thị. Nghĩ mẹ là người có công sinh mình ra, nuôi mình bấy lâu nên “con gửi tiền về cho mẹ bồi dưỡng thôi, con đi làm cực khổ lắm không đủ tiền cho mẹ nuôi chó đâu”. Thế là thị làm mình làm mẩy với con. Thị tru tréo, rằng mấy năm qua ai cung cấp tiền cho mầy ăn học. Giờ đi làm mẹ xin một ít phụ nuôi mấy em chó với mẹ mà cũng kể.
Thị đâu biết để có tiền đi học, con thị nó đi phụ bán hàng rong tới nửa đêm mới về tới nhà trọ. Vì không đủ tiền trọ nó phải thuê căn phòng áp mái, nắng nóng như thiêu, mưa dột ngồi thu lu cả đêm không có chỗ ngủ. Không tiền mua sách, nó ra quầy đứng đọc sách “chùa”, chủ sạp lúc đầu thấy khó chịu, khi hiểu ra thương tình, cứ để nó ghi chép xong rồi cất. Những cái này thị không hề biết. Thị có còn quan tâm đến con thị nữa đâu. Nó khóc không ai hay. Một thằng con trai rất có hiếu với cha mẹ nhưng không lấy vợ. Vì sao ư? Chừng nào mẹ dẹp mấy con chó con sẽ dẫn bạn gái về. Mẹ không thấy xấu hổ à? Thị xuống nước, nuôi mến tay mến chân rồi sao dẹp được con. Tội lắm! Mẹ tội cho nó, mẹ có tội cho con không? Thằng con nói thế thị cứng họng.
Mọi việc trong nhà thị, chỉ xoay quanh mấy con chó. Cho nó đi! Nó lớn rồi cho làm sao được. Đổ bao nhiêu tiền của nuôi nó giờ cho người ta ăn thịt à? Tội chết! Bán đi gỡ gạc lại một ít tiền đỡ tức. Không! Bán cũng tội? Người ta nuôi nó hay giết? Đằng nào thị cũng không chịu. Cả nhà thị lúc nào cũng như nồi cám heo khét lẹt.
Thị nghỉ hưu. Thị bàn với chồng: “Em đi quen chân rồi. Ở nhà không đủ tiền nuôi mấy bé chó. Em ra chợ kiếm gì đó bán có thêm tiền”. Chồng thị nói: “Mẹ mầy hết thuốc chữa rồi”. Mọi lời khuyên thị đều bỏ ngoài tai. Rồi vì thức khuya dậy sớm đi ngoài sương gió, sức khoẻ thị có vấn đề. Thị có dấu hiệu bệnh tâm thần. Ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nói lảm nhảm suốt ngày. Chỉ việc chăm chó, không sót bữa nào. Thằng con thị tức, nó đi điều tra nguyên nhân tại sao thị đang khoẻ mạnh lại ra người như vậy. Thì ra, lâu nay thị giấu chồng con, bao tiền chồng thị làm ruộng bán lúa, bán heo tích luỹ được thị đem đi hùn vốn đổ vào bất động sản cả tỉ đồng. Thằng nhà cái ôm hết tiền đi đầu tư chẳng may chết bất đắc kỳ tử. Con vợ thằng kia nói không biết gì về việc làm ăn của chồng. Thế là những người hám tiền đều bị lừa mất trắng. Thị tiếc của. Thị đâm ra khó ở. Hậm hực với chồng con. Tội nhất là chồng con thị bị thị lừa dối bấy lâu nay. Chồng thị khi biết chuyện: “Thôi bỏ. Của đi thay người!”. Giờ ngồi đâu thị đờ đẫn ra đó, ít nói hẳn, bớt chửi chồng hơn.
Nhưng chó vẫn là vấn đề nan giải nhất trong gia đình thị. Thị ra giá mỗi tháng con trai phải gửi tiền về phụ mẹ. “Tiền lương hưu của mẹ so với thu nhập ở thôn quê là nhiều rồi. Gói ghém xài cũng đủ mà. Mẹ sống tiết kiệm chút đi. Con còn để dành sau này ba mẹ ốm đau còn có tiền đi bệnh viện”. Thằng con nói thế. Nhưng thị nào chịu nghe. Thị đòi con phải trả công ơn mình sinh ra nó, nuôi nó ăn học thế nọ thế kia. Nó ra giá:
– Con đồng ý mỗi tháng đưa mẹ tiền. Nhưng mẹ phải giải quyết đám chó kia con mới chịu.
– Không! Thị khẳng khái trả lời.
Bao nhiêu lần thị đi bệnh viện cấp cứu thằng con vẫn phải chi tiền. Hết bệnh về nhà lại chăm chó.
– Cái nghiệp của mẹ nặng quá rồi. Nó tức tối.
– Chừng nào mẹ mầy chết kêu mấy con chó khiên đi chôn. Tao mệt quá rồi. Ông bà già tao chưa chăm được ngày nào mà tối ngày bắt tao phục vụ chó!
– Con hỏi mẹ lần cuối. Giữa con và mấy con chó mẹ chọn ai?
– Mẹ chọn chó! Thị dõng dạc, không cần suy nghĩ.
Nước mắt lưng tròng. Con trai thị nghẹn ngào, đứng dậy, xách túi đồ từ biệt cha, bước ra khỏi nhà. Thị ôm Jacky vào lòng. Đám chó bu quanh. Bóng con trai đổ dài trên con đường rát bỏng đến buốt tim!.
29/8/2023
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...