Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Nhà ở Dốc Im Lặng

Nhà ở Dốc Im Lặng

Ở Hà Nội trước kia có nhiều cái dốc dễ nhớ, như là Dốc Bưởi, Dốc Châu Long, Dốc Hàng Than, Dốc Vĩnh Tuy, Dốc Vạn Kiếp, Dốc Thọ Lão, vân vân còn nhiều; nay chắc cần thêm vào một Dốc Im Lặng.
Cái dốc ví von. Nói thế để nhấn mạnh vào cái phẩm tính thấy lạ nhưng cũng thấy quen, thấy quen nhưng thực thì rất lạ, hay vừa quen vừa lạ ở trong nhau, ôm cái mầm mới lạ – mà thơ Trần Thắng làm nảy ra và nổi bật, theo một cách riêng thoạt trông như là thầm lặng.
Chẳng hạn, như ở chỗ Xuân vẫn qua đây – một bài thơ thật tài tình và thiết nghĩ nó có thể làm một trong các bức tự họa của nhà thơ nấp bên trong tay họa sĩ này: một ‘khuôn mặt nát nhàu chân chim’ ắt là một nét diện mạo rất quen ở có đến phân nửa cõi người, nhưng đây là của một ‘Người vương sương bụi lang thang thiên hà ’ – hẳn là lạ với hết thảy, trong một cung cách lạ-và-quen rất điển hình: ‘Dừng chân đâu cũng là nhà. Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người’. Giang hồ cổ xưa phương Đông, những Tỳ-kheo cổ xưa Ấn Độ hay Expats – Người xa xứ hiện đại phương Tây chẳng phải đều đã làm nổi bật cái nét thân phận chung đó – phận lang thang – của giống người như vậy sao!
Và ở tư cách một Phật tử, người viết bài này thích thú với cái ý này: ‘Hữu hình vừa cõi nhân duyên. Thoát vô hình cõi vô biên chạnh buồn.’ Nó dĩ nhiên nghĩ về hoặc nói đến một sự ‘thoát’ trái ngược với cái đích ‘thoát’ ở Phật pháp, nhưng đó không phải vấn đề ở đây. Trong đôi câu mô tả thuần tinh thần về việc được sinh ra này, một xúc cảm thấm thía của ngẫm nghĩ đã tạo một lực chuyển ý niệm quá quen thuộc về sự sinh ra sang một bối cảnh khác, rộng lớn và do đó trừu tượng, đến mức hoàn toàn, thành ra lạ hoàn toàn, chỉ còn một tiếng ‘buồn’ neo nó lại với quen, hay là để đánh dấu cho nó.
Rồi cả cái cảm thức ‘buồn’ rất quen thuộc ấy (- kiểu “đời là bể khổ…” vân vân -) cũng lập tức hiện sang lạ, ngay đó, trừu tượng trọn vẹn, khi ‘Trăng như đoạt sắc cỏ non. Sông xoa hơi ấm hoàng hôn khỏa vàng’. Liệu có thể diễn giải các hình ảnh hay các ý ở đấy không? – Chắc chắn chẳng gì là không thể; tuy nhiên rất rõ là không nên – bởi vì mọi câu giải đáp đều bị định phận sẽ sai, nhất là khi đối mặt với các cảm xúc sâu xa như thế. Vả lại, tự nó đã hiển bày chính nó rồi: hẳn ai cũng thấy tính tương hợp giữa một ‘Hữu hình’ ra khỏi ‘cõi vô biên’ với một, sau đấy, dĩ nhiên hữu hình, đi vào ‘vương sương bụi’ mà ‘lang thang thiên hà’ ,cũng ‘vô biên’ vậy; cho nên ‘đoạt sắc’ hay ‘xoa’ hay ‘lẫn ánh hào quang’ không ra ngoài bảng màu  của một cảm nghĩ về tính tương hợp lạ lùng đến thế của sinh-diệt rất quen.
Và hẳn cũng nên lưu ý, câu lục-bát vừa dẫn đó thuần hình ảnh, hay cho chặt chẽ, ấn tượng hình ảnh. Đó là một đặc tính của tập thơ này – có thể nói là hình ảnh ưu trội so với lời lẽ, lời tải ảnh nhiều hơn lời chỉ để mang ý; ở đây ý và nghĩ, ở một mức lớn, tìm biểu đạt qua hình ảnh, và đứng đằng sau các hình ảnh, trong đó dĩ nhiên các mô tả màu-mùi-vị cũng được kể như một dạng thức của hình ảnh văn chương.
Điều đó, nhìn chung, là rất quen, trong thơ, mà chỉ những khoảnh khắc của biểu đạt đạt đến chân thực đúng mức sẽ lại khiến nó ra mới và lạ, một cách thú vị bất ngờ – biểu hiện của đẹp; chẳng hạn trong bài thơ Thiên thần của ba:
‘thiên thần tí ti ơi!
quá đỗi ồn ào
ấm mặn cầu vồng con tè đã lắm’
Hẳn là có những người đọc mấy câu thơ này sẽ cười, thậm chí đầy độ lượng, vì thấy hình ảnh thơ này ngộ nghĩnh vân vân, dẫu, và, tất nhiên, rất độc đáo.
Song, nó là hai lần độc đáo: đó không đơn thuần một câu khen nựng thân thiết cha và con, mà nó chứa cái giọng điệu hai gã đàn ông khen nhau, tất nhiên phải rất thân rất gần gũi.
Có cái nhìn đàn ông đặc trưng như thế, tất nhiên tình ruột thịt, vào thằng cu bé tí như một đàn ông sẽ thành, đã tiềm ẩn rõ rệt, thì  mới có lý khi chia sẻ với nó rằng ‘nhiều khi nước mắt cần hơn im lặng’, bảo ban nó rằng hãy ‘phong trần ngạo nghễ với hư danh’, và hết sức nghiêm trang người lớn với nhau rằng ‘con hãy tìm một nơi phải đến. đừng ném thời gian mà không hằn vết.’
Và, từ hình ảnh cái ‘cầu vồng ấm mặn’ đến hình ảnh ‘đừng ném thời gian mà không hằn vết’ là cái lý trình đặc trưng của thơ trong tập này, lý trình từ một cụ thể đến một trừu tượng, hoàn toàn không phải là thao tác thường gặp của sự khái quát, mà là sự đi từ một vẻ ngoài của hiện diện thẳng đến cái căn cốt tinh thần của một tồn tại, chẳng hạn ở đây là từ cái khả thể một đàn ông đến cái làm nên tồn tại một người-đàn ông.
Điều rất thú vị nữa ở câu thơ vừa dẫn – ‘đừng ném thời gian mà không hằn vết’  – là nó rất điển hình cho mô thức câu thơ-hình ảnh của tập thơ này; thậm chí có thể nói đó là điển hình cho cú pháp hình ảnh thơ xuyên suốt cả tập, gặp ở tất cả các bài thơ ở đây.
Đây thuộc kiểu/ dạng hình ảnh của thể động – nó hàm ngụ một quá trình, mang hình bóng một câu chuyện, dĩ nhiên, hoàn toàn ở thức/mode trừu tượng: ném-thời gian-hằn vết. Quá trình đó, câu chuyện đó tất nhiên sẽ có rất nhiều phiên bản cụ thể hóa, khác nhau từ ít đến rất nhiều tùy theo kinh nghiệm và tưởng tượng riêng của mỗi người đọc. Bởi thế nên nhiều người có thể nghĩ đó là kiểu, theo thói thường, một kiểu, thơ-triết-lý. Song, chẳng phải thế. Triết lý, đúng nghĩa hơn cả, thì gần với văn xuôi, hợp tạng với truyện/chuyện kể. Thơ luôn luôn sẵn sàng lên đường đi đến biểu tượng, một biểu tượng. Một biểu tượng thì đặc trưng bởi tính đa nghĩa, dẫu luôn luôn có ý hướng xác định, và do vậy mà có cái đặc tính của thơ “lửng lơ vĩnh cửu” (- J.P. Sartre). Ở câu thơ vừa dẫn, ‘thời gian’ là hai tiếng rất thường và rất quen, nhưng bởi có được hay bị ‘ném’ (tới hay vào – nó có thể là đối tượng hoặc là phương tiện) và nhất là có ‘hằn vết’ nên cái ‘thời gian’ ấy bị hiện hình, hay bị khuôn lại, rõ rệt lạ lùng, ngân vang và hồi đáp tiếng vọng nào đấy.
Ta gặp những hình ảnh thể động theo đúng cái mô thức đó trong tất cả các bài thơ của Dốc im lặng. Chẳng hạn, để kể ra một vài:
‘Một đời quanh bếp tay thành củi khô’ (- Tết của mẹ); ‘Bon chen tham vọng trắng đầu. Trượt chân ngã dụi vào màu cỏ non’ (- Sang đò); ‘mẹ địu con nghêu ngao xin hát. giấc ngủ buồn chéo lưng. cúi xuống tiền nhàu mặt đen cơm trắng’ (- Đất và quê); ‘Cả đời mẹ hứng liêu xiêu. Mong con thẳng thớm giữa điều ngả nghiêng’ (- Buông); ‘đường quanh co. sống sao cho hết vòng vo?’ (- Giới hạn); ‘nét cọ phóng sinh. núi lửa. đại dương’ (- Phóng sinh); ‘Muốn hóa đá câm khi lòng dữ dội. Nhốt thời gian rên xiết cốt xương’ (- Xuân gọi); ‘hai tay đỡ chật mặt buồn. cứa nát bóng ngày rượu thủy tinh’ (- Cúc họa mi); ‘Chén này đời ngược về suông’ (- Tạm thương cạn mình); ‘đắm đuối thu trút áo hiện tại. chạm môi son sóng sánh thế nhân’ (- Tri kỷ); ‘Cát bay hát lời đá. mây trôi khẩu hình đại dương…  ‘niệm mười hai phương lã chã cánh sen.’ (- Lưu lạc); …
Xem thế, thấy rằng cái cảm nhận hay cảm tưởng về quen với lạ mà ta cảm thấy ở thơ này đều không do các cố gắng tìm kiếm làm lạ. Chúng lạ, và rất lạ, trên hết và sau hết đều bởi cái nhìn của tay thi sĩ ôm cái mệnh Thiên di này. Ta đoán rằng đó là một cái nhìn di chuyển. Những hình ảnh, nếu tự nó, thì vốn là im lặng. Trong một trong các bài thơ chất chứa tiếng của im lặng lớn nhất ở tập thơ này, bài Đất và quê, thì cũng là chất chồng lớn nhất của các lớp hình ảnh theo đúng cái mô thức đã nói đến ở trên – các hình ảnh của chuyển động – khiến ta thấy điển hình một cái nhìn công dân trong nhãn quan một nhà báo làm thơ, mà điều tốt nhất hay đáng giá nhất cái nhìn thơ đặc thù ấy mang lại chính là vẻ đẹp biểu tượng tính của một nỗi đau hay nỗi buồn nó soi chiếu.
Và các biểu tượng thì, tất nhiên, thường lấy im lặng làm tư thế chủ đạo để phát ra những âm vô thanh của chúng. Điều ấy lúc nào mà chẳng lạ lùng. Mà ta có thể thấy rất quen ở những chỗ mà trong thực tế tựa hồ là chỗ bắt đầu cho những âm vô thanh đó. Chẳng hạn, trong một câu thơ vừa dẫn trên đây, từ bài Tạm thương cạn mình, viết rằng, ‘Chén này đời ngược về suông’.
Mà có ai biết ‘suông’ có là ai-chỗ nào-cái gì-ở đâu không nhỉ?
Vẻ chân thành và giọng điệu tự nhiên, trong trường hợp này, chính xác là những cái tạo nghĩa cho một tiếng ‘suông’ đó. Và cũng như ở trên, ném-thời gian-hằn vết, ắt là mỗi người đọc sẽ tạo nghĩa cho ‘suông’ bằng các mức kinh nghiệm khác nhau đa dạng của mình. Đấy là cái ưu việt của tính trừu tượng, và dĩ nhiên, của thơ với tư cách một “vật” trừu tượng, nhất là những khi, như ở đây, nó đi đến kích thước trừu tượng thật, vốn có, rất quen và chính bởi thế mà rất lạ, của những vật cụ thể thuộc về sự sống, theo một lối chân thành và tự nhiên nhất trên đời.
Và ở chỗ bước quanh của ý niệm đó, người viết bài này lại thấy mình đến chỗ sắp rẽ vào một cái dốc nào đấy có lẽ rất quen, như sắp đến Dốc Hòe Nhai, chẳng hạn thế – một cái tên không chỉ đẹp, mà rất đẹp, không chỉ lạ, mà luôn luôn lạ nếu phải nghĩ về nguồn cội hẳn cũng ‘quanh co’ của nó. Nhưng hóa ra mình đến chỗ Dốc Im Lặng. Thú vị thật. Cái xứ này! Nếu một ngày kia trở nên một expat, hoặc có thể nắm lấy một cảm hứng ‘lang thang thiên hà’, ắt người viết cũng sẽ tìm một chỗ ở Dốc im lặng.
14/8/2023
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...