Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Những viên đạn đá găm vào tiểu thuyết

Những viên đạn
đá găm vào tiểu thuyết

Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Trước khi viết, tôi thường tắm, gội sạch sẽ, chọn giấy trắng, bút tốt. Sau khi tác phẩm được xuất bản, thường làm lễ tạ, đận túng bấn thì bày hoa quả, lúc có tí tiền thì biện đĩa xôi, thủ lợn, cốt sao thể hiện lòng thành của mình. Dù ít, dù nhiều, ngày nào tôi cũng đọc và viết…
Thành Tuyên Quang vốn là một điểm đến gây được sự chú ý, hiện tại đây đang có công trình phục dựng đoạn tường thành đá ong của nhà Mạc, nhưng ít ai biết rằng, cách đó không xa, thành nhà Bầu (có niên đại song trùng với nhà Mạc) đang rơi vào nguy cơ bị quên lãng…
Càng ít biết hơn, một nhà văn hơn 10 năm nay vẫn lọ mọ đi về chăm chút những di vật ít ỏi của một thời hào hùng xưa cũ.
Chuyên gia thành cổ
Hơn 300 năm trôi qua, biết bao thăng trầm lịch sử, biến đổi của thời thế đã phủ dần lớp bụi mờ quên lãng lên thành xưa quách cũ. Giờ đây, chỉ còn một số rất ít người trong vùng còn biết đến dấu tích của thành nhà Bầu. Con đường từ thị xã Tuyên Quang đến huyện Yên Sơn chưa đầy 20km nhưng vẫn chưa được rải nhựa, lốn nhốn đá cuội lớn cỡ nắm tay, mỗi chiếc ô tô nhỏ chạy qua cũng làm bụi tung mù mịt, phải dừng lại một lúc lâu cho bụi tan hết mới đi tiếp được.
Thành ở đâu? Đi một đoạn, Vũ Xuân Tửu lại dừng lại say sưa chỉ vẽ, nơi này vốn là… thấy không, thấy không; nơi kia vốn là… dù chúng tôi, người ở xa mới đến, chẳng thấy gì rõ rệt. Gần đến thành xưa, cũng chẳng thấy gì ngoài cây lá rậm rì. Vào chân núi, gửi xe máy ở nhà dân để leo lên thành, chỉ còn thấy những đoạn thấp được đắp bằng đất, cao hơn có những đoạn xây gạch vồ, thỉnh thoảng bắt gặp những tảng đá có kích cỡ khá lớn được kè làm bậc cho người và ngựa lên xuống.
Hiện nay khu vực này đã được giao cho dân sử dụng làm đất thổ cư, nhiều đoạn dưới chân thành được san phẳng để làm nhà ở, họ tận dụng những viên gạch, đá cổ đào được để xây tường, lát cổng, thậm chí làm chuồng nuôi gia súc. Rất nhiều bát đĩa cổ được tìm thấy khi xây dựng hay trồng trọt, nhưng do chưa có hiểu biết về giá trị lịch sử cũng như ý thức bảo tồn, người dân thường làm vỡ hoặc nhặt đem về cho những người sưu tầm đồ cổ dưới miền xuôi (cái nào còn nguyên vẹn thì bán với giá rẻ như bán một thứ đồ cũ).
Một loại hiện vật đặc biệt ở đây là đạn! Đạn đá. Rải rác trên mặt thành còn rất nhiều đạn được chế tác từ đá trắng, có nhiều cỡ: từ loại to bằng miệng bát đến viên nhỏ như hạt táo… tròn đều, tương đối nhẵn nhụi. Có những chỗ người dân dọn đất làm vườn, đạn đá lẫn đá cuội vun lại thành đống.
Sau khi đi thăm gần hết những đoạn thành còn sót lại, bất chợt có một niềm băn khoăn chợt gieo vào lòng chúng tôi: Phải chăng vì một lý do lịch sử tế nhị nào đó mà một nơi đáng được trân trọng và gìn giữ xứng đáng như một di tích đang dần trở thành phế tích?
Vũ Xuân Tửu say mê với các tài liệu lịch sử về thành nhà Bầu.
Nỗi niềm hậu thế: Di tích hay phế tích?
Đã thành lệ mỗi dịp lên thành, người dẫn đường cho chúng tôi – nhà văn Vũ Xuân Tửu lại cẩn thận chuẩn bị hương hoa từ nhà để tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân. Anh sắp lễ, châm hương cúi đầu khấn vái rất thành tâm dưới gốc một cây đa chừng 10 tuổi do chính tay anh trồng. Sau đó, anh giở tấm bản đồ cất công sưu tầm được cùng nhiều tư liệu lịch sử, có cả những bảng niên biểu kẻ vẽ, liệt kê chi tiết những năm tháng, sự kiện để chúng tôi hiểu cặn kẽ hơn về những cuộc tranh giành quyền lực kéo dài gần 200 năm giữa nhà Bầu và nhà Mạc.
Bên cạnh đó là diễn biến những trận chiến ở vùng biên cương giúp nhà Lê chống giặc Minh. Có thể nói, ông nhà văn này là một chuyên gia về nhà Bầu và cả nhà Mạc cùng lịch sử một thời ở vùng đất Tuyên này.
Đến nơi cao nhất của thành, Vũ Xuân Tửu bảo chúng tôi chụp cho anh một bức ảnh với cây đa thân thuộc. Đây là cây anh Tửu lấy từ gốc đa Tân Trào về trồng từ năm 2000. Đã gần 20 năm nay, nhà văn vẫn lặng lẽ coi sóc khu thành xưa theo cách của mình, hàng tháng anh đều đặn về đây hương khói. Hỏi: “Có phải vì thấy mình cùng họ với các chúa Bầu nên anh mới bỏ công coi sóc nơi này?”. Nhà văn cười buồn: “Mình (anh có cách xưng hô bằng đại từ “mình” với thổ âm khá đặc trưng của người miền núi) là người có niềm ham thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, trước một di tích chất chứa bao nhiêu điều còn chưa được giải mã của quá khứ, tại sao lại có thể thờ ơ?”.
Vũ Xuân Tửu lại không phải người ở đây mà quê gốc ở Hải Dương, cũng là nguyên quán của Vũ Văn Uyên- khi xưa vị này phạm phải trọng tội phải tìm về Tuyên Quang lánh tạm, sau này lập được nhiều công trạng với triều đình nên đã được trọng dụng. Nhà văn say sưa kể chuyện đã có những người con cháu hậu duệ của các vị chúa Bầu tìm đến anh nhờ giúp đỡ tìm lại di tích xưa của cha ông mình.
Anh cười vô tư: Người ta cứ nghĩ tôi là con cháu thì mới đi làm những việc như thế nhưng có phải đâu. Tôi thì nghĩ, có thể vì một gắn kết sâu xa nào đó trong dòng chảy huyết thống, nhưng nhiều hơn là ý thức công dân cộng với ý thích nhà văn nên Vũ Xuân Tửu mới tự giao cho mình nhiệm vụ làm ấm lại linh hồn của các bậc tiền nhân như thế.
Mà nói cho tròn, tiền nhân cũng không bạc đãi nhà văn. Tiểu thuyết Chúa Bầu của anh có tiếng vang, được tái bản nhiều lần. Đây chính là một tác phẩm mang nhiều tâm huyết của Vũ Xuân Tửu, với ước nguyện một dòng họ hào hùng trong một giai đoạn lịch sử dân tộc không bị trôi vào quên lãng trong sự vô tình của người đời nay.
“Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Trước khi viết, tôi thường tắm, gội sạch sẽ, chọn giấy trắng, bút tốt. Sau khi tác phẩm được xuất bản, thường làm lễ tạ, đận túng bấn thì bày hoa quả, lúc có tí tiền thì biện đĩa xôi, thủ lợn, cốt sao thể hiện lòng thành của mình. Dù ít, dù nhiều, ngày nào tôi cũng đọc và viết. Tôi làm việc nghiêm túc, không cầu may, nhưng vận may hay đến. Tôi được hưởng lộc về văn chương, được nhiều người giúp đỡ, nhưng sáng tác thì chưa được bao nhiêu, nghĩ cũng thấy ngường ngượng, vui vui. Ngòi bút của tôi luôn hướng về dân.” – nhà văn Vũ Xuân Tửu nói.
Anh chia sẻ với chúng tôi một bí mật nhuốm màu sắc tâm linh, đó là khi ngồi viết, bao giờ anh cũng dùng những viên đạn đá nhặt được trên thành để chặn bản thảo. Những viên đạn như tiếp thêm cho anh nguồn cảm hứng dồi dào để tiếp tục nối dài những trang viết không chỉ dành cho một thế hệ độc giả… Nên nói, những viên đạn đã găm bóng hình của nó vào từng trang viết Chúa Bầu quả cũng không ngoa.
Vũ Xuân Tửu rất quý bạn, đặc biệt là bạn văn chương. Kiểu nói chuyện rủ rỉ của anh mới nghe thì như chuyện tầm phào nhưng nghe kỹ mới thấy trong đó là bao nhiêu chuyện đời sâu cay. Nhìn vẻ hồn hậu của anh, nhiều người nghĩ đây là người dễ cam chịu, nhưng hoàn toàn không phải. Có một sức sống, có một luồng thanh khí trong vẻ mặt vô tư ấy, nó giúp anh vượt qua nhiều trắc trở khó sẻ chia với người đời.
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành, Phân hội trưởng Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, khó mà hình dung Vũ Xuân Tửu lại còn là Trung tá Công an tỉnh Tuyên Quang. Và càng khó hình dung một ông trung tá công an, lại chỉ thích viết văn và đi thăm nom thành cổ, đã đoạt Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (2005-2006).
Trở về, chúng tôi mang theo vài viên đạn đá, mỗi viên một kích cỡ khác nhau làm kỷ niệm và thấy mình như có thêm được nhiều phần tự tin mỗi khi viết một điều gì đó. Cho đến ngày sang thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhìn thấy những viên đạn đá thời nhà Hồ được trưng bày rất trang trọng, chúng tôi “khoe” mình đang có đạn đá nhà Bầu.
Ngay lập tức, anh Phạm Vũ Sơn, cán bộ bảo tàng đã khẩn khoản đề nghị được xem hiện vật để xác định niên đại của loại vũ khí cổ này. Những viên đạn cổ sau đó đã được chúng tôi tặng lại bảo tàng, với hy vọng bằng chuyên môn và linh cảm nghề nghiệp, những cán bộ ở đây sẽ tìm ra phương hướng nghiên cứu, góp phần bảo tồn khu di tích; để hậu thế không quá xót lòng khi di tích phải trở thành phế tích.
Hà Nội, 15/5/2010
Lê Anh Hoài
Nguồn: Báo Tiền Phong
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...