Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Tiểu thuyết lịch sử "Nguyễn Du" của Nguyễn Thế Quang: Bước phát triển mới của văn xuôi Nghệ An

Tiểu thuyết lịch sử "Nguyễn Du" của
Nguyễn Thế Quang: Bước phát triển
mới của văn xuôi Nghệ An

Cuối năm 2012 một sự kiện văn học gây được hào khí mới cho đời sống văn học ở Nghệ An và trong cả nước là sự ra đời của cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn đầu tiên, trên 400 trang in của nhà giáo Nguyễn Thế Quang viết về Đại thi hào Nguyễn Du do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Nhiều người vui mừng vì tác giả của cuốn tiểu thuyết này là một thầy giáo dạy văn THPT, cách đây vài chục năm đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc. Bài giảng ông dạy đạt danh hiệu trên là bài “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu. Phải có một vốn liếng uyên thâm về văn học Trung, Cận đại thầy giáo Nguyễn Thế Quang mới làm được việc đó. Và cũng nhờ vốn liếng đó mà ông đã hoàn thành được cuốn tiểu huyết lịch sử nói trên.
Tiểu thuyết “Nguyễn Du” không khắc họa toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du mà chỉ tái hiện cuộc đời của ông từ lúc ông chịu ra làm quan thời vua Gia Long (năm 1802) cho đến lúc ông qua đời (năm 1820).
Tiểu thuyết có năm phần:
Phần 1 – Ra Bắc: Đây là thời gian Nguyễn Du được Gia Long mời ra làm một chức quan nhỏ tri huyện Thường Tín. Trong thời gian tham chính ở Bắc Hà với nhãn quan tinh tường của mình Nguyễn Du đã nhận ra sự tham lam độc ác với nhưng tính toan thâm hiểm của bọn quan lại trong triều đình và nỗi khổ bị bóc lột không đường cứu thoát của dân thường nên đã cáo quan về quê Tiên Điền để sống cuộc sống ẩn dật.
Phần 2- Bó thân vào với triều đình: nắm được gia thế biết được nhân cách  của Nguyễn Du, Gia Long không để Nguyễn Du ẩn dật lâu dài ở quê nhà mà lại một lần nữa triệu hồi Nguyên Du vào Phú Xuân làm việc cho triều đình. Lần này Gia Long giao cho ông làm ở Viên Đông các với một chức danh nhở hơn thời làm tri phủ ở Bắc Hà. Công việc của Nguyễn Du là là ghi chép các bản tấu trình của các địa phươngg gửi lên để trình Hoàng Thượng xem xét. Tâm trạng của Nguyễn Du trong khoảng thời gian này hết sức u uẩn. Nguyễn Du đã có cảm nhận  việc Gia Long bắt mình vào đây là cách tốt nhất để giam lỏng mình vì Ngài sợ mình làm phản.
Thời điểm này Nguyễn Du còn đau đớn nhận được tin anh trai mình là Nguyễn Nễ cũng đã bị bức tử bởi bọn gian thần vu oan về tội giết người… một thời gian sau Nguyễn Du được bổ nhiệm làm Cai bạ Quảng Bình. Trong thời gian làm Cai bạ Nguyễn Du đã thực sự là một ông quan thanh liêm, thực hành công vụ cẩn trọng, yêu thương dân lành hết mực. Bọn gian thần nhiều lần định hãm hại ông nhưng không hãm hại nổi.
Biết Nguyễn Du là một viên quan thanh liêm đáng tin cậy, Gia Long đã cử Nguyễn Du làm Chánh sứ đi tuế cống sản vật cho Trung Hoa. Đây là những tháng ngày Nguyễn Du có cơ hội đến với những địa danh văn hóa nổi tiếng và tiếp xúc với giới quan lại Trung Hóa, có cảm hứng để viết được những bài thơ xúc động lòng người. Các bài thơ sau này được tập hợp thành tập “Bắc hành tạp lục”.
Đồng thời chuyến đi sứ đã cho Nguyễn Du biết được sự thật về đất nước Trung Hoa trung tâm của Lễ hội – Lễ nhạc. Nhưng vẩn là một Trung Hoa quan lại bóc lột dân thường tồi tệ chẳng khác gì ở đất nước của mình. Khi đến Quế Lâm thăm đền thờ Cù Thức Trĩ làm tuần phủ Quảng Tây, người Mãn Châu chiếm trung nguyên, ông ở lại giữ thành và chết theo thành. Trở thành người anh hùng của tỉnh Quảng Tây, dân chúng lập đền thờ. Thấy đền thờ vắng ngắ, bát hương lạnh lẽo Nguyễn Du lòng nặng nề vô hạn. Trong lúc tâm trạng ông đang còn mang ấn tượng  về một Trung Hoa vua quan xa xỉ, dân chúng điêu linh đang đè nặng trong lòng, giờ lại thêm một Trung Hoa vắng người trọng tiết nghĩa Nguyễn Du đã thốt lên hai câu thơ:
Công đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa
Như hà hương hỏa thái thê lương
(Ai bảo Trung Hoa trọng trung  nghĩa
Mà nay đền miếu lạnh lùng thay)
Cũng trong chuyến đi sứ này, trước khi về nước, ông đã được một thương gia gốc Việt sống ở Bắc Kinh tặng tuyển tập tiểu thuyết kinh điển của Trung Hoa “Hồng Lâu Mộng” và cuốn truyện “Đoạn trường Tân Thanh”. Trong lúc ông muốn viết một tác phẩm để gửi gắm nỗi lòng của mình đối với con người và thời cuộc. Có được một cuốn truyện có thể làm chỗ dựa cho ông thực hiện được ý định của mình, ông  đã chọn “Đoạn trường Tân thanh” làm cốt chuyện để chuyển tại cho một truyện thơ viết bằng thể lục bát Việt Nam đó là “Truyện Kiều” tuyệt tác sau này của mình.
Phần 3- Đoạn trường tân Thanh: Đây là thời gian xin nghỉ về thăm quê sau đợt đi sứ Trung Hoa. Nguyễn Du dựng căn nhà cạnh sống Lam đặt tên là “Vọng Giang đình” để ngắm sóng, hóng mát, sáng tác văn, thơ và hoàn thành “Truyện Kiều” và đàm đạo văn thơ với người thân, với bạn bè.
Phần 4- Sóng gió cung đình: Là phần mà tiểu thuyết dành cho việc kể lại  những cuộc mưu sát thanh trừng tàn nhẫn lẫn nhau của đám quan chức trong triều đình. Trong cơn sóng gió tranh dành quyền lực này nhiều trung thần đã bị kẻ xu nịnh đẩy vào con đường khổ ải chết chết chóc. Nhiều cái chết đã được hiện lên một cách bi thảm dưới ngòi bút tả thực của Nguyễn Thế Quang. Một trong những cái chết oan uổng phải kể đến đó là cái chết của Nguyễn Văn Thuyên, Lê Quang Định, Nguyễn Văn Thành.
Đặc biệt là cái chết của Nguyễn Văn Thành, người đã có công với triều đình và được vua Gia Long mến yêu nhưng vì âm mưu của bọn gian thần muốn hạ sát Thành để  tìm đường tiến thân. Tuy bị giam chưa xử nhưng vì sự vu khống bi ổi và những chứng cớ bịa đặt của Lê Văn Duyệt và Lê Chất nên Thành đã tự sát trong nhà tù. Những tháng ngày sóng gió đó đồng thời cũng là những tháng ngay đầy lo âu của Nguyễn Du về một án mạng văn chương có thể ập đến cho bản thân mình lúc nào không hay bởi bản thảo truyện Kiều của ông có những câu thơ mà kẻ dèm pha xu nịnh có thể dựa vào đó để  vu cho ông cái tội khi quân nhằm hãm hại ông.
Đó là những câu thơ trong “Truyện Kiều” ông viết về Từ Hải “chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Vì lúc này “Truyện Kiều“ đã được chuyển đến tay Gia Long và cũng trong khoảng thời gian đó đã có  người  bị giết vì bị vu khống có thơ chống đối nhà vua đó là Lê Văn Thuyên con trai Nguyễn Văn Thành.
Phần 5-  Phần kết: kể về những ngày cuối đời của nguyễn Du và việc Nguyễn Du làm lễ cắt long mạch của dòng họ mình để mong con cháu mình sau này không phải làm quan.
Tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang
Tuy kết cấu của cuốn tiểu thuyết được chia làm 5 phần nhưng đọc xong người đọc vẩn hình dung được một cách liền mạch về  về con người và thời đại đã hình thành nên nhân cách, triết lý sống và tài năng của Nguyễn Du. Một cảm nhận chung khi đọc tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du”: Đây là một cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn lớn đối với người đọc. Hấp dẫn vì tác giả đã có một tầm  học vấn và tầm nhìn để có được những lý giải sâu sắc, thỏa đáng về những mặt đối lập, về tính cách của các nhân vật đã được tái hiện trong tác phẩm.
Hơn nữa tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng Nguyễn Du mà Nguyễn Du ngoài đời là một thiên tài về thơ ca, một nhân cách lớn đầy lòng yêu thương đất nước con người  nhưng lại là một ông quan bất đắc dĩ, một ông quan ưu thời mẫn thế với cái triều chính mà mình đang phải đối mặt. Một triều chính đầy rẫy sự bất công tàn ác, quan lại phải cắn xé phản trắc lẫn nhau để giành quyền lực và lợi ích mà bản thân ông ông không biết làm gì để thay đổi nó.
Nguyễn Thế Quang đã giúp người độc nhận diện được trí tuệ, nhân sinh quan của hàng loạt nhân sỹ trí thức,vua quan mà sử sách thời Gia Long có nhắc đến. Đặc biệt Nguyễn Thế Quang với bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật kết hợp giữa việc cho nhân vật sử dụng ngôn ngữ độc thoại  và cho nhân vật thứ hai bộc lộ suy nghĩ và nhận xét của mình về nhân vật đang được đề cập tới, đã miêu tả một cách sinh động, đưa đến cho người đọc thái độ yêu, ghét, cảm phục rõ ràng đối với nhân vật chính là Nguyễn Du và một loạt nhân vật khác kể cả Vua Gia Long.
Đặc biệt nhân vật Nguyễn Du đã được hiện lên với những đặc điểm về tính cách, về  sự ứng xử, về tài năng đúng như con người Nguyễn Du trong lịch sử: Nguyễn Du dẫu là một nhân cách lớn nhưng sống và làm quan trong sự buồn bã u uất. Nguyên nhân vì sao Nguyễn Du u uất đã được tác giả lý giải khá rõ trong toàn bộ tác phẩm. Một phần do Nguyễn Du trước đây đã thờ nhà Lê, nay “Tôi trung không thể thờ hai chúa” nhưng nguyên nhân lớn lao hơn là ông phải chứng kiến cảnh đồng bào của mình  phải chịu cực khổ triền miên do sợ hà hiếp của bọn quan lại mà ông không có cách gì để góp phần giải thoát cho họ, lịch sử  cũng đang bế tắc chưa thể giải thoát cho họ.
Nhân vật mà Nguyễn Thế Quang hướng tới tái hiện chủ yếu là hàng ngũ quan lại trong triều đình mà hàng ngũ quan lại này đang ở trong thời kỳ nắm giữ và củng cố triều chính nên tính cách của họ hết sức phức tạp và đa chiều. Nhưng Nguyễn Thế Quang đã lột tả và làm sáng rõ tính cách của các nhân vật của mình một cách sinh động  có phong cách và triết lý sống và nội tâm  riêng mặc cho các nhân vật này là những nhân vật có thật trong lịch sử.
Có nghĩa là nhân vật trong tiểu thuyết “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang cơ bản không làm mất đi những đặc điểm và tính cách vốn có của nhân vật trong lịch sử. Trong tiểu thuyết đầu tay mà Nguyễn Thế Quang miêu tả nội tâm và lý giải thấu đáo mọi  điều uẩn khuất, mọi tâm trạng, mọi tham vọng, mọi âm mưu của hàng loạt quan lại và cả vua Gia Long mà người độc chấp nhận được chứng tỏ Nguyễn Thế Quang đã khá chắc tay khi viết tiểu thuyết lịch sử. Điều này được sáng tỏ thêm tiếp theo tiểu thuyết lịch sử “ Nguyễn Du” Nguyễn Thế Quang đã cho ra mắt thêm cuốn  tiểu thuyết lịch sử thứ hai. Đó là cuốn “Khúc hát những dòng sông”, viết bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Bác Hồ.
Mặt khác với tiểu thuyết “Nguyễn Du” Nguyễn Thế Quang đã chọn được được một cái cớ có sức thuyết phục để  gián tiếp một lần nữa khẳng định ngay khi mới ra đời tác phẩm “Truyện Kiều” cùng với thiên tài của Nguyễn Du đã được người  đương thời sớm chấp nhận. Đó là việc Nguyễn Thế Quang để cho chính Hoàng đế Gia Long đưa ra những lời nhận xét đầu tiên về con người và văn chương Nguyễn Du. Gia Long đã thốt lên khi nhận xét về Nguyễn Du “Ta quý những người có cốt cách như khanh” và trong một lần gặp riêng Nguyễn Du, Gia Long đã thừa nhận” Thơ khanh viết hay lắm sao khanh không có bài nào ca ngợi Trẫm? Khanh có thể viết một bài hay một quyển ca ngợi ta và triều đại ta không?”.
Nhân vật Nguyễn Du và các nhân vật lịch sử khác được tái hiện thành công trong tiểu thuyết “Nguyễn Du” còn do lối biểu đạt tinh tế giàu cảm xúc và khả năng phân tích tâm lý, khắc họa sắc nét tính cách nhân vật qua ngôn ngữ ngắn gọn của Nguyên Thế Quang. Đọc xong tiểu thuyết người đọc không thể quên được những đoạn miêu tả sinh động giàu hình ảnh đầy tình yêu thương nhưng hết sức cao thượng của Nguyễn Du trong đêm Nguyễn Du gặp lại nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương ở Hà Thành.
Sau buổi chiều chia sẽ nỗi niềm về sự xa cách bấy lâu giữa hai người, đêm đó Hồ Xuân Hương mời Nguyễn Du nghỉ lại nhà mình. Trong lúc tưởng như không cưỡng lại được tình cảm khi Hồ Xuân Hương áp sat ngực Nguyễn Du. Khi mà Nguyễn Du cảm thấy “mùi hương sả sực nức và mùi hương ấm từ ngực nàng cúi gần mặt mình” thì Nguyễn nghĩ “Nàng là người tài hoa phóng khoáng nghiêm cẩn ta không thể xúc phạm nàng. Vũ trụ như ngưng lại, Nguyễn nghe tiếng thở dài. Lát sau nàng đứng dậy đi vào phòng riêng”.
Tình cảm đã đến tình thế như thế nhưng lý trí Nguyễn Du đã chiến thắng sự yếu mền của con tim để Nguyễn Du không đi quá giới hạn với Hồ Xuân Hương. Hoặc đoạn kể về sự ứng xử thông minh đúng nghĩa quân thần của Nguyễn Du trong lần Gia Long gặp Nguyễn Du để bàn luận về văn chương:
– Này. Khanh thử nói xem: ta là người thế nào?
Quá bất ngờ mồ hôi Nguyễn toát ra:
– Tâu Hoàng Thượng. Hoàng thượng là đấng thiên tử anh mính, kẻ nô tài này đâu dám có  điều gì ạ.
– Ấy. không được rồi. Đừng nịnh ta. Những từ “anh minh” “sáng suốt” ta nghe chán rồi. Người  cứ nói thẳng ra: ta là ông vua tàn bạo phải không?
Nguyễn toát mồ hôi: Sao ngài lại hỏi ta điều này. Có kẻ nào tấu xằng chăng?. Nguyễn trấn tĩnh:
– Dạ. Thần không nghĩ như thế .
Gia Long điềm tĩnh
– Có thể khanh nghĩ thế mà cũng không nghĩ thế nhưng nhiều người nghĩ thế. Ta có làm nhiều điều mà thiên hạ cho là tàn bạo, ta không muốn nhưng ta phải làm, nếu không ta sẽ chết và không có được giang sơn như ngày nay. Tần Thủy Hoàng tàn bạo lắm phải không? Đúng tàn bạo quá. Diệt Kiến Tần thì được, nghe lời Lý Tư mà đốt sách chôn nhà nho và học trò thì không được. Thế nhưng không có Tần Thủy Hoàng thì Trung Hoa không thống nhất. Điều này ngoài Tần Thủy Hoàng ra thì không ai làm được.
Nguyễn nghĩ: Điều này thì đúng thật và Hoàng thượng là một Tần thủy Hoàng khôn khéo hơn. Vua Gia Long lại nhìn Nguyễn:
– Uống rượu đi. Bá Di, Thúc Tề là người thế nào?
Một sự chuyển đổi nội dung quá nhanh nhưng Nguyễn đã bình tâm, bèn trả lời:
– Dạ. Đó là những người hiền ạ.
Gia Long nhìn Nguyễn lắc đầu:
– Khanh sai rồi. Bảo Bá Di, Thúc Tề là người hiền có nghĩa hiền lành thì còn. Nhưng các ông đó chỉ là kẻ hèn thôi” Độc thiện kỳ thân” cáí đó hèn lắm và ích kỷ, chỉ nghĩ đến cái thanh cao của mình mà không nghĩ đến nỗi khổ đau của thiên hạ. Mỗi người phải có vai trò của mình trong tấn tuồng của nhân loại chứ.. Ta phải tàn nhẫn, đó là vai của ta phải là vậy …”
Tiểu thuyết  lịch sử “Nguyễn Du” là tài năng, sự sáng tạo của bút pháp xây dựng nhân vật của Nguyễn Thế Quang. Trong đoạn trích trên tác giả đã đặt nhân vật trong một hoàn cảnh thử thách đặc biệt để tìm ngôn ngữ, tìm cách ứng xử đặc biệt và thích hợp nhất cho nhân vật trước sự đối diện với đấng bề trên, người có quyền định đoạt sinh mệnh cũng như sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du. Ngược lại Gia Long cũng đã được hiện lên là một vị vua thông minh, sắc sảo, tỉnh táo và gian hùng.
Tiểu thuyết “Nguyễn Du” còn thể hiện bút pháp linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ cung đình, kết cấu chương hồi của tiểu thuyết lịch sử trong việc tái hiện lối sống tàn bạo của quan lại  trong triều đình và cuộc sống khổ đau bị chế độ phong kiến ức hiếp của dân đen  trong triều đại Gia Long. Cái hiện thực ấy là cơ sở để hình thành tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này. Đó cũng là thành công của tiểu thuyết “ Nguyễn Du” trong việc làm hiện dậy một cách sinh động hiện thực lịch sử dân tộc ta trong một gia đoạn lịch sử đáng ghi nhớ đó là thời đaị Gia Long trị vì. Một thời đại đã sinh ra thiên tài Nguyễn Du.
Tiểu thuyết “Nguyễn Du” ngoài việc tái hiện lại cuộc sống gia đình, điều kiện lịch sử, không khí sôi động và nghiệt ngã của thời đại đã hình thành nên con người Nguyễn Du và triết lý sống của ông, còn giúp người đọc nhìn thấy cơ sở hiện thực đã góp phần làm nên thiên tài Nguyễn Du.
Bởi có gần một năm đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Du mới có được tập thơ “Bắc hành tạp lục”, mới có được cốt truyện “ Đoạn trường Tân Thanh” để gửi gắm nỗi niềm của mình bằng kiệt tác Truyện Kiều. Do chứng kiến sự tàn bạo của triều đình phong kiến triều Lê và triều Nguyễn và sự thống khổ của dân đen mà Nguyễn Du xây dựng thành công các nhân vật trong Truyện Kiều đặc biệt là đã có được tiếng kêu xé lòng của những con người lương thiện trong Truyện Kiều của ông. Cũng qua nhân vật Nguyễn Du trong tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du” chúng ta sẽ cất nghĩa được những mặt hạn chế về tư tưởng trong văn chương của Nguyễn Du khi ta nghiên cứu và tìm hiểu văn chương Nguyễn Du.
Điều thành công  khác của Nguyễn Thế Quang cần được khẳng định, tác giả đã làm cho người đọc không bắt gặp cảm giác có độ vênh giữa Nguyễn Du trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang với Nguyễn Du của lịch sử- Nguyễn Du làm nên Truyện Kiều và những áng văn chương bất hủ.
Ngoài những thành công nói trên chúng tôi cũng nhận ra được: Tiểu thuyết “Nguyễn Du” vẩn còn một vài điều sau đây cần được tác giả quan tâm khắc phục để tác giả sẽ đạt được những thành tựu mới trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình:
Nên sử dụng ngôn ngữ địa phương một cách thận trọng hơn và có mức độ nhất định để cho ngôn ngữ tiểu thuyết hàm súc, có pha sắc độ của  của  ngôn ngữ lịch sử đối với các tiểu thuyết lịch sử trong những bối cảnh và trong những không gian nhất định của hiện thực, của tác phẩm.
Có thể không ngần ngại mà nói rằng: sau rất nhiều năm cố gắng đến Nguyễn Thế Quang Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết Nghệ An nói riêng đã có bước phát triển mới. Tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang đã tạo một sức hút mới, một sức cuốn hút có thật của văn chương đối với độc giả. Bớt đi sự âu lo về  sự xuống cấp của văn hóa đọc trong thời gian qua của một bộ phận đáng kể hàng ngũ những người đang cầm bút hôm nay.
Trong bài viết này có chi tiết tác giả nhầm lẫn việc Nguyễn Du mượn sách “Đoạn trường tân thanh”, nhưng thực ra chỉ có thể đó là “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng, còn “Đoạn trường tân thanh” là tác phẩm của Nguyễn Du mà về sau này thường gọi “Truyện Kiều”. (VANVN.VN)
14/8/2023
Nguyễn Đình Anh
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...