Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Thi sĩ với giai nhân

Thi sĩ với giai nhân

Chúng ta thử ngồi nghĩ thầm: một vườn hoa không có bông hoa, một cảnh non sông gấm vóc lại không có một tia sáng, một hồ biếc mà ngàn năm không có lấy một đêm trăng. Và giữa nhân loại này không tìm thấy một giai nhân? Ôi, Thượng đế! Có lẽ nào! Có lẽ nào trên vườn trần gian này không có giai nhân được? Vì giai nhân là hoa của vườn xuân, là ánh sáng của non sông, là trăng của hồ biếc, là nàng Tiên của tất cả. Nàng tiên của mọi linh hồn.
Riêng trong đám thi nhân, giai nhân được họ tôn thờ và ca tụng hơn hết. Người ta phải lợi dụng cả danh nghĩa “giai nhân” để làm mồi cho đám thư sinh không ham học nữa. Ngày xưa, người chẳng đã đánh lừa một anh học trò lười rằng “Thư trung hữu mỹ nhân như ngọc” Anh chàng lười mà đa tình này tưởng trong sách có mỹ nhân đẹp như ngọc thật, liền chui đầu đọc sách. Thế rồi mười năm sau anh tỉnh ngộ. Anh thi đỗ và được giai nhân con quan chánh chủ khảo chú ý. Thế rồi từ đó anh ta lấy tài thi văn của anh ra mà ca tụng “người ngọc”của anh và mở đầu một cuộc “luyện” giai nhân vào trong thơ.
Rồi người ta đua nhau tìm những tiếng hay, những lời đẹp để tặng giai nhân của mình
Và mỗi buổi sáng kia, những cậu thư sinh còn dưới tuổi mười sáu dã cao giọng “kẻ sách”
Quan quan Thư cưu
Tại hà chi châu;
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu (KINH THI)
Dịch
Tiếng Tiéng chim Thư cưu
Hỏi bên sông sâu;
Có nàng yểu diệu,
Khách quân tử cầu
(V.T.Can)
Riêng bốn tiếng “Yểu điệu thục nữ” cũng đủ tả cái cốt cách của một giai nhân rồi. Can chi phải thêm “phù dung như diện, liễu như mi” để cho người yên chí rằng: “mặt nàng” chỉ đẹp bằng hoa phù dung và “mày nàng” chỉ mềm bằng lá liễu. Không “nàng” còn đẹp hơn nữa, đẹp não nùng.
“Người ta” đã giận cụ Tiên điền Nguyễn Du ở những câu này:
...trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
“Người ta”còn đẹp lắm cơ, đẹp nhiều cơ. Không một ai nên ví “người ta” với cái gì cả. Vì chả cái gì sánh được với cái đẹp huyền ảo của “Người ta”
Núi mùa xuân có đẹp, trăng mùa thu có đầy, hoa có thắm, lá có xanh. Nhưng tất cả những cái ấy đều đẹp có hạn cả. Chớ nhan sắc của “Người ta” nó mơ hồ huyền ảo biết ngần nào. Đừng ví với cái gì nữa mà có tội.
Cứ như hai nhà thi sĩ Nguyễn Bính và Nguyễn Nhược Pháp thế mà hóm. Này nhé, “Người ta” của Nguyễn Nhược Pháp chỉ có thế này:
Mê nàng bao nhiêu người làm thơ
Khiếp! Bao nhiêu người làm thơ vì “Nàng”. Chắc nàng đẹp lắm. Đẹp hết chỗ nói. Nhưng cái chỗ “hết chỗ nói” ấy nó cho người đọc một hình ảnh mập mờ mà thích lắm, thích lắm.
Ba năm trở lại đất Hà Đông,
Người cũ, cô Oanh má vẫn hồng.
Tóc vẫn bỏ lơi răng vẫn trắng,
Vẫn ngồi lơ đãng liếc qua song.
Nhưng vẫn vô tình với khách thơ
Qua đường, hai mắt ngại ngùng đưa.
Mà hai mắt ấy lâu nay vẫn
Riêng để nhìn ai trong giấc mơ.
Nguyễn Bính
Thôi nhé, thế là đủ rồi. Một cô gái răng trắng bóng, má hồng hồng, tóc bỏ lơi lại ngồi mơ mộng bên cửa sổ là đủ tài liệu cho một bức vẻ của nhà nghệ sĩ tài hoa rồi.
Và anh chàng nghệ sĩ của màu hoàng yến lại càng “hóm” nữa. Cứ đọc mấy câu thơ “lăng nhăng” này của anh ta, mình cũng cảm động:
Nếu không trăng
Đêm đông tôi ngâm thơ cùng gió lạnh.
Nếu không gió
Trưa hè tôi tìm vận dưới ao sen,
Mà không trăng, không gió, không ao sen.
Tôi im lặng..., nhìn môi người thiếu nữ
V.T.Can
Thế thôi. Không hơn một lời. Không phải nói rằng môi ấy “thắm như san hô”. Vì lắm người có biết san hô là cái quái gì đâu.
Cái nhan sắc của giai nhân đã huyền ảo không chừng thì thi nhân cũng phải tìm những vần mơ hồ mà tả. Ta hãy nhắm mắt lại mà đọc câu này:
Bóng tiên thấp thoáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Rồi ta tưởng tượng, tưởng tượng. Đây là giai nhân của Thế Lữ:
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ,
Cô nàng cao váy ỡm ờ đứng trông
Tóc cô gió lững lơ chòng
Nắng vàng rỡn cặp má hồng hồng tươi.
Đọc mấy lời ấy còn thú vị hơn mấy câu này:
Đôi mắt xanh đắm đuối long lanh,
Như đôi ngọc huyền, sâu sa, huyền bí
Cặp môi son đằm thắm nét anh đào.
Ai thì không biết chứ riêng tôi từ bé tôi không biết “đôi ngọc huyền” và “nét anh đào” là cái quỉ gì để so sánh với mắt “nàng cả”.
TTTN Số
10 tháng 11 năm 1938
KẾT GIAO
Bốn bề cây phủ lá che
Thuyền tâm tư đậu trong khe Tịnh Bình
Giòng mây né gợn phù sinh
Lòng nôi mát dợi tay tình gió ru
Cô đơn chiếc én qua mù
Lênh đênh khói núi, biếc hồ mong manh
Nghìn năm mộng trái sang cành
Gió dừng nhịp võng nghiêng xanh cây chèo
Ghé nhìn quảng trống lao xao
Vươn tay vệt lá kết giao bên ngoài.
Chưa xuân bỗng ấm đôi hài
Cỏ sương đường bụi cũng dài tâm tư
Đã đăng trên TTTN số 16
Nỗi nhớ con của mẹ
Bức ảnh ngày con chụp ở sân trường
Chưa hề nói rằng con đã lớn
Và qua đó
Mẹ nhớ về trước bao năm tháng
Mùa sấu, mùa ve
Sắc đỏ xôn xao của hoa gạo mùa hè
Với mái đầu nhỏ con phơi ngoài nắng phố.
Mùi băng phiến nồng hăng ngăn tủ
Mỗi lúc nhớ tìm áo con đem phơi
Mẹ lại thấy con đang tập vẽ, chép bài
Cả tiếng lỡ tay ai đổ chai, vỡ bát
Vẫn là bóng hình con mẹ tưởng ra trước nhất.
Từ hôm con nhập ngũ, lên đường
Con sống bộn bề trong mẹ nhiều hơn
“Nó lục tung cả nhà”
Vâng, mẹ từng khi tưởng thế
Dù có lúc ngồi nhìn, vẫn thẳng ngay bàn ghế
Tiếng cầu thang khua nhớ những bao giờ
Xanh biếc, tươi lành lá bóng tuổi thơ.
Nếu nghĩ rằng con đang nhiều gian khổ
Mẹ sẽ đánh mất hình con trong nỗi nhớ
Và có bao giờ mẹ quên mất hình con
Hà Nội 12/1973
Lửa sáng đồng
Bút ký bằng thơ
Tình cờ gặp bạn xưa cùng học,
Đêm ấy trăng non cầu Phụ Ngọc;
Bạn vừa dự họp trạm bơm ra,
Tôi tự Tây Sơn xuôi đò dọc.
Ơi cái làng xưa tên Khánh Lễ,
Nằm giữa hai dòng sông chảy rẽ.
Chợt mưa, đã lội mép mô gò,
Chợt nắng, hạn thiu quằn bụng đỉa.
Điếu thuốc rê nâu, bạn cuốn, mời,
Đốt lên làn khói chuyện xa xôi.
Nhắc hồi quán Lỗ xua chim mía,
Nhắc buổi tìm dơi miếu Phật Lồi
(Nhắc cô hàng xén chợ Cây Bông
Nắng chếch phiên thưa, nhạt má hồng;
Nhắc tiếng mõ dồn quanh Bảy Yểng,
Gian lao giành nước – máu theo tuôn!
Nhắc về dĩ vãng ít niềm vui,
Bốn mắt già nheo chút ngậm ngùi!
Giữa lúc guồng bơm tăng máy nổ,
Câu hò sông nước chuyển bè xuôi.)
Kể mấy chuyện vui “nghề quản trị”
Sờ mái tóc sương, hưu chẳng nghỉ,
Bạn cười = “gian khổ, vậy mà vui”
Có đủ măng, tre, dày chiến lũy…
Từ giữa cuộc làm ăn riêng lẻ,
Thêm lúc hạn trời nung đất nẻ,
Năm mươi giếng nước góp công chung,
Mở hướng đưa nhau vào tập thể.
Từ giữa mưu đồ lũ phản dân,
Đảng, Đoàn manh động, khuấy nhân tâm;
Quyết xây vững trục cho toàn huyện,
Làm chốn gieo cày những hạt nhân.
Tiến tới lên đều hai hợp tác
Vượt hết tai trời, qua nạn giặc;
Niềm tin níu bước kẻ ra đi,
Yếu, khỏe chia nhau phần gánh vác.
Bắt đầu thấy rỏ lợi quyền chung,
Bí quyết gì đâu chẳng lạ lùng:
Trước hãy nhìn người mà giao việc
Rồi sau nhìn việc để bình công.
Ngày công ba ký khó khăn sao?
Vẫn vững tay cò tự buổi đầu.
Còn liẹu sức người, lo hết đất,
Gối đầu ba vụ để nâng cao.
Tất cả cho cánh đồng cao sản,
Nhằm luống rộc sâu, lên rẻo cạn;
Lối đi lên, từ ruộng đi về,
Lấy ngắn nuôi dài, không dứt đoạn …
Bỗng rộn thôn trong tiếng trống kèn
Đang giờ khuất núi ánh trăng nghiêng.
Đội tuồng chuẩn bị liên hoan tết,
Câu hát nam xuân nháy ánh đèn.
Riêng ngẫm: ngày xưa có thế đâu?
Một miền quê ngập dưới âm u!
Nhá nhem ngọn đuốc, cha mò cá,
Đĩa bấc tàn theo tiếng mẹ ru!...
Vuốt nhẹ chòm râu, bạn chỉ tay:
Lửa giăng điểm sáng các nhà xay;
Bạc hà đâu cũng dâng hương ngát,
Lửa cất tinh dầu rực đám mây.
Lại lửa lò nung ở xóm ngoài,
Hồng lên bờ đất lạnh mương Khai;
Công trình văn hóa xong phần ruột,
Gạch ngói cần nhanh chuyển bước hai.
Nọ lửa thi đua tổ mộc, rèn,
Lửa nhà truyền thống luyện côn quyền,
Lửa đêm bổ túc bên trường học,
Hướng nghiệp ngày mai lớp xã viên.
Lửa lên tiếp lửa reo đầm ấm,
Từng nở trên đồng săn chuột, bướm,
Từng chong đuốc tiễn bước con, em
Nghĩa vụ, khai hoang tìm đất cắm.
Ung dung bước bộ quãng đường về
Thoảng vịn tầm vai, bạn tỉ tê:
“Việc – đã tiến dần vào kỷ thuật
Còn người - tạm bớt nỗi nhiêu khê”
Cái cảnh ăn đong, làm tạm bợ,
Mờ với bóng hình người chạy chợ
Cửa hàng buôn bán, vốn chung đông,
Rộn cả lòng đêm, còn sáng lửa.
Giờ phải nhen nhiều quầng lửa mới,
Soi tỏ gần xa mà tiến tới;
Nhiệt tình, khoa học thổi bùng lên,
Theo mỗi tấc đường Đảng chỉ lối.
Đường ngang trụ sở còn đông khách,
Cuộc họp vừa xong trong phụ trách.
Thoảng chừng, điện thoại lai reo vang,
Máy chữ, văn thư khua lách cách.
Vòng quanh bóng nước gợn trong veo,
Hồ cá lên tăm động mảng bèo.
Đỉnh núi, trăng non vừa khuất hẵn,
Guồng quay, máy đạp vẫn còn reo.
Tôi đứng nhìn theo mỗi hướng tay
Bạn đưa tay vẽ với niềm say.
Nghĩ về mảnh đất, về năm tháng,
Về những lòng sôi lửa dựng xây.
Anh biết giờ đây dân muốn gì?
Rạp tuồng, nhà cửa, máy ti-vi;
Công viên dạo mát, hồ bơi tắm,
Thóc gạo thừa ra sẽ thế vì.
Phải đâu chuyện đến ngoảnh tai ngơ?
Quyền của mồ hôi được ước mơ.
Lại điếu thuốc rê mời đốt tiếp
Bạn cười: “Anh thấy có nên thơ?”
Chia tay tận sát dốc đường tàu,
Dẫu hẹn mai này đến ở lâu.
Tôi vẫn hướng về Nhơn khánh mới
Huân chương lấp lánh dưới trời sao.
Cuối tháng chạp 1983
Lâm Bích Thủy
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự biến ảo của lục bát Mai Bá Ấn - Trường hợp câu lục Có thể thấy, việc ngắt/ vắt dòng câu lục trong thơ Mai Bá Ấn hết sức linh hoạt và ...