Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

"Hương mùi già" - Khúc giao mùa của hồn quê

"Hương mùi già"
Khúc giao mùa của hồn quê

“Hương mùi già” là tập thơ của Nguyễn Thị Tĩnh do Nxb Văn Học ấn hành năm 2021. Thật dễ dàng nhận ra: “Hương mùi già” đặc biệt nhạy cảm và tinh tế trong sự đồng hành và cảm nhận thời gian…
1. Trái tim đập cùng bước chân thời gian:
Có thể nói “mùa” là điểm nhìn và cũng là điểm tựa trong suốt tập thơ. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông không phải là điều mới lạ trong cuộc sống cũng như thơ ca đông tây, kim cổ xưa nay. Nhưng với tác giả, “mùa” trở thành trạm thu phát sóng tâm hồn chị. Hình như con người, cảnh vật quê hương hiện ra rõ nét và gây cho chị nhiều xúc động nhất qua “mùa”. Cũng như vậy, chính những màu sắc, âm thanh, hình khối ấy lại vẽ nên chân dung của mùa thật thần tình khiến cái vô hình hiển hiện như người ta có thể nhìn thấy bà tiên. Đó là khi chị giúp ta nghe tiếng bước chân của mùa xuân:
Xuân choàng áo lụa nhạt vàng
Nhón chân, xuân bước khẽ khàng vào đông…
… Bờ ao có tiếng dế ngân
Hình như dế nhận ra chân xuân về
(Hóng xuân)
Và chị chỉ cho ta nhìn thấy bước chân kỳ diệu ấy qua sắc màu hoa trái:
Bưởi vàng còn ngự trên cây
Mà sao cành đã trắng đầy những hoa
(Xuân nồng)
Có khi không phải màu sắc, âm thanh, mà là những rung động ở trong lòng:
Hạ chưa bước hẳn chân sang
Nắng như thu nhạt mênh mang sắc chiều
Chùng chình chưa dứt cuộc yêu
Nên xuân nấn ná phiêu diêu gió mùa
(Rét nàng Bân III)
Nhưng có lẽ diễn tả tinh tế nhất cảm quan về thời gian là khi con mắt thơ nhìn nơi cái vô hình, cái không thể định danh rõ ràng như một “tập mờ” của thế giới tâm hồn, cảm xúc con người- cái “ hình như”. “Hình như” giữa những sắc màu như thực, như hư, lại như những chân trời đang gọi người bay:
Hình như nắng đã nhạt dần
Vài ba chiếc lá bần thần chuyển gam
Biếc xanh bỗng ngả hanh vàng
Rung rinh như đã sẵn sàng phiêu du.
“Hình như” giữa các cung bậc vô thanh và hữu thanh:
Con ve nhả giọng êm đềm
Nỉ non như kể nỗi niềm mùa đi
Bồng bềnh mây trắng thiên di
Màu sắc động mà âm thanh tĩnh. Chính cái “yên lặng” lại diễn tả bước chân mùa thu đắc địa nhất. Cái “có gì tựa thu” mới đúng là linh hồn của mùa thu: mảnh dẻ, mong manh đến vô thường. Và cái không gọi thành tên ấy không chỉ là hồn của cảnh vật thiên nhiên mà đã mang hồn của con người. Cái “yên lặng” đầy chủ quan, “yên lặng” để có thể nghe cái âm thanh “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu) của khúc giao mùa. Cũng thật thú vị khi hình dung cái “hình như” ấy giống như cái tình cảm thật khó định nghĩa mà chỉ có thể cảm nhận được trong trái tim mình:
Hình như có tiếng chim gù
Yêu thương trao gửi cho dù xa xôi
Phải chăng thu đã chớm rồi?
Du dương gió hát, nắng thôi giận hờn.
2. “Hồn quê kết chữ thành thơ”
2.1- Cỏ cây như cũng có hồn
Khi tái hiện bước chân thời gian trong những cảm giác về mùa vô hình, trừu tượng, phương tiện mà nhà thơ bám víu vào nhiều nhất chính là những hình ảnh hữu hình sống động, đầy màu sắc, âm thanh, hương vị của quê hương. Ta cũng nhận ra, cỏ cây thật sự đã mang tâm hồn của con người trong thơ chị. Có lẽ là một chọn lựa từ cách cảm nhận riêng của chị, như một bản năng hơn là ý thức, chị đã nhìn những sự vật quanh mình như mang mọi cung bậc vui buồn, hờn giận, yêu thương. Biện pháp nhân cách hóa được sử dụng một cách tự nhiên, như không cố ý dùng kĩ thuật mà xuất phát từ nhu cầu bộc lộ cảm xúc và cái nhìn trực giác của nhân vật trữ tình nhiều hơn. Đó là khi chị thấy nàng xuân như cô gái thanh tân e lệ mà nghịch ngợm “nhón chân” để “bước khẽ khàng vào đông”! Là khi chú dế “nhận ra chân xuân về” như đứa trẻ mừng thấy mẹ. Và cả khi câu chuyện quá quen lý giải về tiết trời trở rét tháng ba, thì trong cái nhìn của chị vẫn lung linh ánh nhìn hài hước, cảm thông của riêng chị với cái cách trở nóng sang lạnh bất ngờ của tự nhiên:
Áo len đan đã vừa xong
Hè sang, nàng mặc cho chồng làm sao?
Chồng nàng rời chốn binh đao
Mới nghe vó ngựa xôn xao ngõ nhà
(Nàng Bân III)
Cái tình huống rất “con người” mà chị vẽ ra bằng những hình ảnh thật giàu sức gợi tả như nghe cả tiếng vó ngựa của chồng nàng Bân trở về từ chiến trường xa khiến việc vua trời làm rét tháng ba để chàng thử áo vợ may bằng “nhớ thương” cũng dễ cảm thông hơn, ngọt ngào hơn. Sự vấn vương của tình người khiến người ta cảm nhận và đồng cảm dễ dàng hơn với cái chuyển mùa nửa hạ nửa thu, bởi thật khó mà dứt bỏ: “ cuộc yêu”.
Cùng là cái nắng của trời mà khi mưa thuận gió hòa ngọt ngào hoa trái là cái nắng “như có men say”: … quả mít tròn vo
Từ khi nhỏ xíu nằm co trên cành
Gai dần thưa, vỏ bớt xanh
Bỗng thơm lừng lựng, ngọt lành đưa hương
Vẫn là câu chuyện mưa thu và huyền thoại vợ chồng Ngâu, nhưng đôi mắt hóm hỉnh ân tình của chị khiến chuyện xưa như hiện về trước mắt với cả những giọt lệ “đầm đìa” của cuộc tình trái ngang (Ngưu Lang, Chức Nữ).
Cái nhìn đậm chất nhân sinh của chị đã khiến  mùa hạ khi thì “như một gã say tình”, khi lại ngà ngà say men: Dữ dằn nắng, xối xả mưa/Hạ là ai đó say sưa nồng nàn (Giao mùa), trong khi  thu lại là ai đó hao gầy nhớ nhung (Giao mùa)
Người làm sách giáo khoa phổ thông có thể may mắn nếu gặp những vần thơ lục bát rất nhuần nhị mà không kém phần hóm hỉnh với mật độ nhân cách hóa dày đặc để miêu tả thiên nhiên chuyển mùa như thế giới con người đa dạng đầy sinh động, có thể hấp dẫn tâm hồn cả người lớn lẫn trẻ em:
Chuyển mùa, vắt hạ sang thu
Trời oi ả, gió chu du phương nào?
Nắng buồn nhớ gió, gắt gao
Im lìm chấp nhận, cây nào nói chi!
Nấp sau vòm lá xanh rì,
Ngả vàng quả thị thầm thì thả hương.
Dăm ba chị ớt môi hường,
Cong cong đứng tận góc vườn khoe cay
 (Chuyển mùa)
2.2- Quê hương và Mẹ
Người đọc có thể cùng có nhận xét chung về cái hồn quê, tình quê, hương quê đậm đà trong thơ chị. Mùa và thiên nhiên là những điểm nhấn của hồn quê  trong Hương mùi già. “Quê” vừa là một chủ đề với những nhan đề và từ ngữ có tần số xuất hiện cao trong cả tập thơ. Nhưng hơn hết là cái hồn quê được bộc lộ ra qua chính những cảnh sắc mang hơi thở của quê hương. Là khi xuân, hạ, thu, đông; ngoài những thông lệ thời tiết chung cho cả dải đất nhiệt đới gió mùa hình chữ S trồng lúa nước, còn có cái hơi hướng riêng của vùng quê chiêm mùa hai vụ Trực Ninh của chị. Cùng là những trận mưa, cơn bão mùa thu, mà lời cầu xin của chị có cả hình sông thế biển của mảnh đất quê nhà: Xin ngừng bão tố phong ba
Thuyền còn trên biển, ruộng nhà dưa non…
 (Mưa)
…Xin đừng thêm bão, mưa bù
Lúa đang vào mẩy, mong thu thuận trời
 (Thu muộn)
Mùa thu đang về trên quê chị cũng là điển hình của nhiều làng quê Bắc bộ đầy thi vị, như hiện thực trong miền cổ tích:
Trên cành quả thị nức thơm
Tấm nằm trong thị thả hương khắp vườn.
Sen tàn chẳng muốn soi gương
Kệ con cu gáy đeo cườm nhìn sang
Quê hương mà dù bao năm ở phố, cả đời vẫn quê ấy đã thành máu thịt tâm hồn chị, làm nên mạch nguồn thơ của chị: Hồn quê kết chữ thành thơ. Bởi quê hương là Mẹ. Người mẹ chân lấm tay bùn, bình dị là cả quê hương thân thương trong chị với tháng ba quá dài mà lúa non mới chỉ vừa bén chân; với tháng hai rét lộc, rét đài để mẹ đội mưa, đội cả giêng hai giữa đồng… Có phải vì thế chăng mà chị nhớ hoa gạo đỏ mái đình đầu thôn giữa một trời hoa gạo miên man, mà chị thấy bà mẹ thôn quê nào cũng mang một phần hình bóng mẹ:
Dáng ai như dáng mẹ ta
Quét nhà xong, quét lá hoa dọn đường
Thời gian uốn tấm lưng thương
Cong cong bóng ngả bên đường cái quan
(Quê)
Quê hương cụ thể, gần gũi bằng xương thịt trong hình bóng mẹ. Quê hương cũng khiến người mẹ bình thường, nhỏ bé, tảo tần trở thành cao cả, lớn lao, mang giá trị thiêng liêng, vĩnh viễn, như Hương mùi già chẳng bao giờ hết thơm xui bước chân xa luôn náo nức tìm về. (Về quê).
3. Món quà với “Hương mùi già”
3.1- “Hương mùi già” và gương mặt người thơ
Chị đã chọn “Hương mùi già” làm tên chung cho cả tập thơ. Cái tên thật đúng với nội dung thơ chị, và đúng với chân dung tâm hồn chị – bức chân dung mà chúng ta nhận được qua thơ. Chắc chắn và trước hết đó là con người của quê hương, dù có cả đời sống nơi phố thị, dù có đi xa qua cả đại dương. Có một người nhà quê từ trong tâm hồn, đồng hương với Nguyễn Bính mà khác nhà thơ “Chân quê” ở điệu hồn nữ tính và chất liệu tươi ròng của cuộc sống hiện đại những năm 20 của TK 21. Thử sức với nhiều thể loại, nhưng điệu hồn quê của chị đã gặp và có duyên với thể thơ truyền thống dân tộc nhiều hơn cả, có lẽ bởi vì “ Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất” (Chu Văn Sơn)
Không có gì ngạc nhiên khi người con gắn bó với quê hương như muối mặn của quê mình nhất định phải là con người nặng ân tình trong mọi mối quan hệ nhân sinh: Nơi vui cứ đến, nghĩa nghì cứ thương (Thêm một mùa đông). Có thể thấy điều đó trong những bài thơ của chị giành tặng cha mẹ, ông bà, người anh trai liệt sĩ, giành cho chồng con, cháu và thầy cô, bạn bè. Khó có thể nói ân tình nào sâu đậm hơn, vì nguồn mạch chứa chan “từ huyết quản chảy ra là máu đỏ”.  Trong ánh mắt từ trái tim của chị, vườn quê của mẹ đã thành cả một vườn thượng giới giữa trần gian:
Vườn mẹ chẳng thiếu thứ gì,
Quay về thành phố chân đi ngập ngừng!
(Vườn mẹ)
Nỗi đau mất mẹ có thể khiến mọi đứa con thành bơ vơ. Và nỗi niềm thương mẹ khó có thể có cách diễn đạt nào vừa xót xa, nhói buốt, vừa tự vỗ về hơn cách liên tưởng của người con quê: Tháng Ba mẹ chẳng cần hoa
Cỏ non – mẹ nhận món quà từ xuân
(Tháng ba của mẹ)
Ân tình, chu đáo, sâu đằm, chị “Ru anh”, dặn con, gửi cháu, rồi “Tự ru mình”:
Ngủ đi đừng thức nữa nào
Đừng đưa tạp niệm lẩn vào tâm thanh
Thế giới thơ đã mở ra một tâm hồn nữ thật dịu dàng. Dù trước cái oi nồng, gắt gay của hạ hay cơn bão tố cuồng phong , vẫn đằm thắm cái nhìn vị tha, đôn hậu:
Nắng oi ả nắng, chiều nung nấu chiều
Mưa rừng, bão bể dẫu nhiều
Cõi lòng yên ả là điều ta mong
(Giao mùa)
Trong cái “dịu dàng” là cả một tinh thần kiên cường, lạc quan, từ một sự cân bằng mạnh mẽ. Sức mạnh ấy giúp người ta có thể đương đầu và vượt qua cả mùa đông giá trong chu kì thời tiết thiên nhiên, và trong cả cuộc đời:
Trời xanh biêng biếc sau mưa
Bão tan, cây lại như chưa… gãy cành
(Cảm tác thu)
Cứ thấy thấp thoáng một nụ cười dịu dàng và tịnh nghịch trong cách đối diện với nghịch cảnh:
… Phòng thân lạnh tái tê/ Tôi đốt tim sưởi ấm.
Níu kéo cho thu chậm/ Mà chẳng được nữa rồi
Thôi thì đối mặt thôi/ Ta ngại gì đông nhỉ!         
(Đông sang)
3.2- Món quà từ “Hương mùi già”
Tác giả Nguyễn Thị Tĩnh vốn không phải là nhà thơ với tư cách thành viên một hội nghề nghiệp. Chị vốn là nhà sư phạm, nhà khoa học và quản lý. Và chị là một con người cá nhân với những nét phác họa mà chúng ta thấy được qua thơ như đã nói.
Tập hợp những cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm đủ là kỉ niệm quý, là dưỡng chất lành mạnh cho sức khỏe tinh thần của bản thân trong cuộc sống. Những yêu thương, ân tình, nhân cách của chị trong từng câu chữ sẽ là món quà quý báu nhất mà các cháu con, học trò của chị may mắn nhận được và mãi nâng niu. Những bài, những đoạn, những câu trong đó có thể sẽ đến với ai đó vào một lúc không hẹn trước và họ ngẫm ra chị đã nói hộ mình một điều ấp ủ trong sâu thẳm, đã chia sẻ cùng mình một nỗi nhớ, niềm thương… Người may mắn đó đã nhận được món quà của chị - món quà chị trao đi mà vốn quý chỉ dày thêm. Chị là người tặng quà hạnh phúc.
19/5/2022
Lê Thị Tuyết Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...