Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Nhân bản hoang vu

Nhân bản hoang vu

Dầm chân trong vũng bùn phân lẫn lộn trên đỉnh Núi Mây, Đảo dừng tay khoi, lau vội dòng mồ hôi chảy như ăn vạ trên khuôn mặt chằng chịt vết chiều, nhìn vút vào chân trời hoang vu, chộn rộn. Hoàng hôn mở sân khấu đại nhạc hội phía sau rừng lau, biến những bông lau vốn trắng muốt như những đám mây non, thành một đồi lau rực máu.
Máu chênh chao! Máu ngả ngớn! Máu xiêu xẹo! Và máu rụi rạp, mủn mục, rồi nhợt nhạt đỏ trắng. Một đàn chim ri chí chóe giành nhau chỗ ngủ, vô tình cũng thành đàn chim máu. Đảo ước, giá như hắn ở đây, hắn sẽ vác cái máy ảnh ze-nít ghẻ cóc cáy ra, nhốt cả trời chiều, lau máu, chim máu… vào cục cạc. Biết đâu đấy, sự lãng mạn nửa mùa và rớm máu trên lưng trời này lại hái được tiền. Nói đến tiền mới nhớ, Đảo quăng xẻng lao về chái chòi, khều mãi trong ống đòn tay ra được một cục vo tròn như giấy đại tiện. 15, 20, 40… tất thảy 49k tiền bồm. Có nửa két mì tôm rồi, ngủ ngon được 4 tối liên thông!
Mả chị cái mương nước, cứ hở ra phút nào là cạn khô phút ấy. Đến cái nguồn nước của rừng người ta cũng tranh nhau nhận quyền sở hữu. Nước thì nhiều nhặn gì, vừa bằng bãi tè của trẻ con, máu đổ ra vì giằng giật có khi nhiều gấp 10 ngần ấy rồi. Nước vào ao, vào ruộng, vào nồi như nhau cả. Họp hành cử tri, báo chí chung một mẫu: Bà con có nguyện vọng gì gửi cấp trên? Nguyện vọng á, nhớ không nhầm thì là… không có. Mẹ kiếp! Cứ nghe nhầm, làm nhầm mãi, chán rồi. Nguyện vọng bản này thì bê sang bản kia. Núi Mây nguyện vọng thủy lợi, thì lại xây kênh mương vào giữa rừng đặc dụng Núi Vục. Để hợp thức hóa khai thác, tất lẽ phải có quy đê: Khai hoang ruộng mới (phá rừng), nâng cao đời sống cho dân để phù hợp với chủ trương nông thôn hiện đại… vê vê và vê vê… . Khu ruộng nông thôn hiện đại mãi trên lưng trời, gỗ kéo xuôi, dân trèo ngược, lên đến nơi quay về là vừa tối, khỏi làm. Đảo từng nói càn:
– Nông thôn hiện đại lên ngôi, nông dân tuyệt chủng!
– Đồng chí Đảo! Cút ra khỏi phòng họp…
Đảo bị cấm họp vĩnh viễn! Quyền công dân là con tép. Đầy tớ mới thực quyền. Đảo thân cô thế quả, đành chịu chứ sao. Lạy được hớp nào thì lạy, không thì há miệng ngớp sương. Cái vũng trâu đằm đầu chòi nghiễm nhiên trở thành cứu rỗi. Nước gì chả cần biết, cứ khoi, cứ vục, về rót vào xô cát, vặn vòi cho nước khác rỉ ra. Hôm khỏe rỗi thì nấu, mệt bận tu gỏi luôn. Tanh tanh nhớt nhớt, nhưng được cái chữa khát cực nhạy.
Cả một dải núi dài lừng lững, hồi bé, rừng nguyên sinh rợp rợn, không dăm bảy người không dám vào. Sương lộp độp suốt ngày nghe như tiếng cọp ngáy. Giờ thì sa mạc. Hàng chục khe, suối, thác nước trơ lòng sỏi đá. May còn đám cỏ lau níu giữ lại cái hư danh đại ngàn. Núi lùn dần sau mỗi vụ mưa. Đất lở lói như người bị hoại tử. Đảo sót, khai hoang một mảnh trồng cây vừa mưu sinh vừa chống xói, lập tức bị phạt, bị thu hồi để trả lại cho… lộ trình xa mạc hóa. Thì ra, khi lập biên bản Đảo mới biết nó vẫn là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tái sinh… liên hoàn. Có thánh biết sao lại thế. Lâm tặc thì tuyệt chủng rồi. Giống như khủng long, còn chó gì ăn nữa mà chả chết tiệt nọc. Thông thường, lâm tặc tuyệt chủng là mừng, nhưng cứ nhìn Núi Mây trơ bộ xương tiền sử ra như này, Đảo lại muốn các nhà khoa học vào cuộc bảo tồn, nhân bản để cứu vãn tặc chủng ấy. Nói thì có vẻ ngu ngu, nhưng có lâm tặc, kiểu gì người ta chả phải thiết kế mồi cho chúng xơi, đó là rừng(!)
Nông dân vùng Đảo ở thời nay chân mềm cỏ cứng, cán bộ cũng không ngoài lô-gic ấy. Cứ đứng phía chân trời bên kia, nheo nheo hai hạt nhãn, thấy chân trời bên này mây xanh ngút ngát, vậy là tích vào ô rừng tốt, rừng chuẩn. Haiz! Trần đời còn sót lại Đảo, biệt dị, cô độc và dặt dẹo ăn mày đất, ăn mày nước và khí trời mà khỏe như gỗ đá. Khốn nạn cái là, sống dặt dẹo thế mà lại cứ như thánh, chả cái gì không biết. Ai, cấp nào muốn tư vấn cái gì về con, cây, thậm chí là người… cứ hỏi Đảo. Đảo như bị giời hành cho biết tuốt. Mà biết có lý, biết chỉ có đúng, hay nói theo hàng chợ là biết xịn chứ không biết đểu, biết nhái. Đảo đúng là điên đảo trong cái cõi nhân ngẫu hứng này.
Ngay cả cái cách nghèo của Đảo cũng lạ. Nghèo điêu tàn, nghèo hoang vắng trong cái sự nghèo thuần chủng của Đảo. Có người lấy cả mạng ra cá về cái sự nghèo kiên cố của Đảo rằng, nếu chả may bị tiền rơi vào đầu, Đảo sẽ đốt sạch chúng vì cái tội… thất lễ. Đảo là thế, ngửi thấy mùi tiền là rồ dại ngay, nhưng từ bỏ tiền cũng nhẹ bẫng như tiếng hắt hơi của gió. Đảo quay lưng lại với mọi sự sung túc. Nhất là với thiên hạ. Kệ họ, bằng cách này hay cách khác, giàu có cả. Người khôn ăn vía người dở, người dở ăn hồn cốt nhà nước. Thỉnh thoảng lại bị danh sách rơi vào đầu, đóng thế vai chủ đất, chủ hoặc thành viên dự án… vậy là mặc mẹ chúng mày, cứ giàu cái đã. Haiz! Đảo kiếu. Chả tư cách tư cọt gì cái ngữ dở hơi dở hồn đâu, nhưng kiếu!
Cái vía phá tài của Đảo được ví với mụ sao chổi, đi đâu chết trâu đấy. Dạt về đây chăn trâu bò thuê thì trâu bò không phát triển được. Lớp tịt đẻ, có đẻ cũng quái thai. Lớp cứ gầy rộc đi theo ngày tháng rồi chết. Tội vạ, dĩ nhiên rồi, chả ai đổ cả cho Đảo. Báo cáo gì thì cũng chung một mẫu: do dân không chăm sóc, phó mặc, ỉ lại. Còn chuyện không quy hoạch vùng chăn thả sạch thì chả ai nhắc. Đến ngọn cỏ hoang bây giờ cũng có chủ. Nguyên nhân do giống dự án kém chất lượng, không phù hợp, và nữa, do từng mét vuông mặt đất ở đây thấm đẫm đi-ô-xin (thuốc cỏ). Rồi do công tác phòng ngừa (vắc-xin) bệnh của cơ quan chức năng cũng… mất mùa như thời tiết… thì càng phải giấu nhẹm. Haiz!
Đảo biết thân rồi, số mắt trắng phận đen, chả dám trách ai. Cứ cần mẫn nghèo hoang nghèo hoắt, vậy thôi!
Để nguyên ống chân phân bùn bết bát, Đảo ngồi phẹt xuống hoàng hôn Núi Mây. Xa xa, thấp thoáng trên con đường mòn đỏ quạch như sợi chỉ thêu, một con ruồi lết dần, lết dần về phía núi…
***
Tôi đổ sập vào vách cửa. Khát cháy họng. Đảo nhào ra, đấm vào mặt tôi thùm thụp:
– Tưởng chết luôn rồi?
– Không, có chết cũng phải về đây chết!
– Chết ở đây lấy gì mà chôn? Quạ tuyệt chủng rồi, chỉ còn “giòi táng” thôi.
– Thì giòi táng. Bọn mình là cặp đôi giòi táng! Ha ha
Nằm trong vòng tay Đảo, nghe em kể chuyện hồi chiều, ngâm chân trong phân trâu ngắm hoàng hôn lung linh và triết vấn linh tinh, tôi cười khùng khục. Đảo vẫn vậy, chập chập cheng cheng, phù hợp với tôi, dị dị ẩm ẩm.
Bình mình của cặp đôi rổ rá là ngồi cạy bùn bắp chân, ngắm đồi lau ngập ngụa sương và nắng. Xa xa, trên sợi chỉ đỏ quạch, một con ruồi lạ lết dần lên núi. Quá trưa, con ruồi ấy mới tới Sân bay Núi Mây. Sân bay là do Đảo đặt. Một rẻo đất bằng như được đánh ni-vô, xanh mịn cỏ. Ngày xưa, hổ báo sau mỗi độ săn đuổi rình rọt, hay kể cả các nạn nhân của chúng sau mỗi vụ leo chuyền mưu sinh nghiêng ghệch, phải tụ hội về Sân bay Núi Mây mà duỗi, mà sõng cho gân cốt, xương xẩu được dịp tự huy động thuốc men sẵn có trong người để chữa trị cho cân bằng, phẳng phiu, và ngay ngắn lại.
Tôi và Đảo cũng vậy, sau mỗi ngày nghiêng lệch, xiêu vẹo, cần thiết phải ra Sân bay Núi Mây ngồi cho lòng phẳng lặng, tâm tư, cảm xúc lắng lót êm đềm. Hoàng hôn và bình minh ở đây huyền hoặc. Như cơm cho người đói, nước cho người khát và thuốc bổ cho người suy nhược. Cứ ngồi ngắm chân trời là chả cần ăn gì cũng sống. Không riêng dân nghệ thuật dở hồn, những người bình thường vĩ đại cũng có chung nhận định như vậy. Bằng chứng là “con ruồi” vừa mò đến. Đầu chít khăn, quần áo rằn ri rũ rượt. Vai đeo ba lô, gối nịt miếng phượt. Máy ảnh gông trên cổ, nhãn nheo nheo, chụp choẹt lia lịa vào đám lau và chân trời. Đứng chụp, ngồi chụp, bò chụp, nằm chụp, chổng đít chụp… . Nhìn như đồ thần kinh. Hai chủ nhân ngồi lù lù tựa đống cứt trâu thì chả thấy chào, chỉ thấy lôi xệch người ta ra, bắt diễn mẫu. Mẫu rách nát. Mẫu xỉ nhục. Đồ nỡm!
Đảo tỏ ra khó chịu, tôi phải cấu:
– Diễn xong, thể nào gã chả tặng cho mấy đồng, chí ít cũng là phong lương khô, chống đói.
Ấy vậy mà thằng giặc í, khi xong việc, trơ trẽn:
– Cháu đói quá, ông bà có gì ăn được không ạ?
Đảo xôi máu, gật đầu:
– Có đấy, cứt trâu mày ăn được không?
Thằng giặc con tỏ ra kinh ngạc:
– Bà nói gì thế ạ?
– Tao nói thật đấy, bọn tao ở đây đến cứt trâu cũng không còn mà ăn nữa đấy. Mà tao đáng chị, sao mày cứ gọi bà leo lẻo thế? Trù ẻo à?
Thằng giặc con sợ quá. Trước con mụ ma rừng xù lông lên như sâu róm, bèn nhũn tẹt xuống:
– Dạ, bà… chị xá tội. Em mấy nay lang thang không tí thánh nào vào bụng rồi ạ.
Đảo rồ lên:
– Vậy mày chụp choẹt làm cái cứt gì thế? Chúng tao là phân trâu cũng có giá của phân trâu, nhé!
Rồi Đảo giằng máy ảnh:
– Đưa đây, tao tự tay móc chúng tao ra.
Tôi ngăn Đảo lại. Đảo điên thật rồi. Con người ta hình như lâu ngày quá không được ăn uống tử tế, lại thêm nguyên nhân ít được nói tiếng người nên hay phát rồ. Cũng may, sau hồi vỗ về xoa xuýt của tôi, thằng giặc và con rồ đã chịu ngồi chung một quả núi, chung bầu tối. Ba chúng tôi như ba của nợ, ngồi tựa vào đêm. Đảo xúc động:
– Thì ra thằng em đang đi tìm chân lý đó hả?
– Dạ, chị gái!
– Được cái giải ảnh nào chưa?
– Chưa, nhưng nhất định mai sau em sẽ đoạt giải tầm cỡ hoàn cầu, chị ạ.
– Hoàn cầu cái con khỉ, hoàn hồn đi em!
– Em nói thật đấy. Em cảm thấy em giỏi cực kỳ, chỉ là sớm hay muộn thôi.
Tôi ngồi nghe hai bậc giả tôn tranh tụng mà điên cả tiết. Tôi hỏi gã:
– Giỏi tại sao lại để đói đến độ cứt trâu cũng không có mà ăn?
– Ơ hay cái anh này! Gã bức xúc: – Nghệ thuật là phải trả giá anh nhé, phải hy sinh anh nhé, phải đánh đổi anh nhé, phải biết kiên nhẫn chờ đợi thành quả, kể cả có phải chờ hết cuộc đời này, anh nhé…
– Nhé nhé cái cục kẹt! Tôi chặn họng thằng hợm này: – Ngồi ăn gió đi mà mơ ỉa táo bón. Nhé, nhé, nhé!
Gã cũng gào vào mặt tôi:
– Nói với bác rồ bỏ mẹ. Có mà muốt kiếp mơ cũng chả thành nghệ sĩ được!
Á cái thằng ôn con này. Tôi hồng hộc chạy vào chòi, lôi cái máy ảnh Ze-nít gỉ hoen hoác, và móc dưới gầm giường ra tờ báo văn chương danh giá bậc nhất cái nước này, có in cái truyện ngắn “Gió nảy mầm…” của gã Nhà văn Nguyễn Núi ở trang trại cà phê phá sản bên kia Suối Đắng ra, quăng vào mặt nó.
Biết ngay mà. Thằng ôn con nhìn thấy tờ báo và cái máy ảnh, là như rắn gặp mồng 5. Nó quỳ mọp xuống lạy như tế sao:
– Con xin lỗi, con xin lỗi! Con đúng là có mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn, mong cụ đánh chửi xong rồi tha cho con ạ.
Tôi vểnh râu cáo lên, câng câng như thể không nghe thấy. Đảo thì chạy ra phía tối, tiếng chân va khúc khích. Tội nghiệp thằng giời hành, tưởng tôi là sư tổ Nguyễn Núi, không chịu đứng dạy, mà vừa gập lưng vừa bẩm:
– Con mò lên cái xó giời này cũng vì hai lý do: Tìm “văn cụ” Nguyễn Núi để tầm sư học đạo và kiếm tiền. Giờ gặp cả hai rồi, mơ ước giật giải hoàn cầu của con nhất định thành hiện thực.
Thương nó quá đỗi, tôi nuốt cười vào bụng, vỗ về:
– Ờ, giờ thì trình bày nguyện vọng cụ nghe nào.
– Vâng! Chuyện tầm sư là vì con nghe thiên hạ cõi văn chương đồn đoán về cụ (Nhà văn Nguyễn Núi). Cụ là bậc tiên văn, vừa đắc đạo vừa đắc tửu, lại ẩn dật vô thường, coi miếng ăn của để là phù du, là rác rưởi, nên có thể, cụ chỉ cần uống rượu, nhắm gió nhắm mây là sống khỏe mạnh. Không cần tri âm, chả thiết điền thổ, coi vài chục héc-ta cà phê cứ nhẹ như cát bụi bay đi…
– Thế còn tiền (nghe chói tai quá nên tôi chặn họng nó. Dù sao thì cũng thầm cảm ơn cái gã Núi dị nhân đã hạ cố coi tôi là bạn. Giờ mới biết gã nổi tiếng cỡ nào, được trần đời ngưỡng vọng ra sao. Haiz!)?
Thằng giời hành chỉ ra chân trời. Tôi ngửa cổ lên mà cười ha hả. Đúng là đồ dở hơi cám lợn. Chân trời là chân trời, tiền là tiền. Nó lẫn con mợ nó rồi. Ha ha. Ông tiên con của tôi ơi – tôi đồ gã này sau cũng đắc đạo như Đảo, tôi và Núi, bởi gã đang giẫm đúng vào phân bọn tôi – rồi mày sẽ đắc đạo nghèo như các đại sư tổ mà mày tôn ngưỡng đây thôi! Thậm chí, tôi đồ nó còn thâm hậu bằng cả ba chúng tôi cộng lại, đó là đắc đạo nghèo như tôi và Đảo, đắc đạo tửu, đặc đạo gàn như “văn cụ” Núi… Quả đúng như định, ông con đứng dậy nhìn quanh quất, rồi chửi thề:
– Mẹ! Giá giờ có chén rượu để cắt máu ăn thề, cụ nhể?
Tôi bảo thiếu đếch gì. Đảo đã quay lại, nghe thế, vào vơ hai cái bát, vặn vòi xô cát lọc nước đái trâu đưa cho tôi và nó, tiện làm thơ ký luôn cho cuộc kết nghĩa Núi Mây. Đảo bẻ ngọn lau, viết lên giời rằng: “Ngày lành hôm nay, tại Núi Mây bản Hóng, diễn ra cuộc kết tòng tao ngộ giữa hai kỳ duyên: một là cao nhân “văn cụ” Nguyễn Núi; hai là tiểu tử tiên Giả Văn Đức…”. Biên bản làm xong lúc 0 giờ, mời hai bên điểm chỉ xác nhận!
Chúng tôi vỗ tay, nâng bát uống thề. Giả Đức nốc một hơi cạn, rồi khà:
– Chà, tửu tiên của cụ khai khai như bia Hà Nội í, cụ nhể!
Đảo bụm miệng, lôi tôi ra vách đêm đưa cho mấy mầm giềng dại. Tôi đưa cho hắn như là đồ nhậu của dân thượng đẳng. Thằng ông con – nhà nobel nghệ thuật tương lai – ngoạm một miếng, rồi phán:
– Hồi quế nhà cụ thật là đượm tận xương tủy.
Trong cơn say chuếnh choáng men “bia” Núi Mây, nó khạc ra hàng chục kế hoạch kiếm tiền. Nó bảo nó là vua ở Hà Nội. Ảnh hưởng của nó cỡ ngôi sao doanh nghiệp Jắc-ma, tiếng nói của nó phải kể đến, một lời thốt ra cả quận răm rắp. Nó sẽ kéo đám đấy lên đây đón tiền, cho tôi và Đảo sống đế vương luôn và ngay. Tôi nghe mà nóng tiết chó. Mẹ cháu chứ! Tôi ngần ấy lang bạt, ngần ấy trải nghiệm giá cả, còn chả có kế sách gì, nói chó nó cũng không thèm nghe, vậy mà thằng tiên con này dám múa:
– Mày say thật đó hả?
– Vâng, say ạ!
– Vậy mày có còn trọng lượng khi nói những thứ đó không? Chết tươi luôn con nhé!
– Không đâu thưa cụ, con vô cùng tỉnh táo. Cái bọn ngu muội ấy cứ nghĩ mình khôn thôi, chúng nó mà lên đây chiêm ngưỡng cuộc sống giả thức đạm vàng của hai cụ, con cam đoan chúng nó cắn lưỡi chết tiệt. Chết vì hận. Hận là sao mình ngu muội đến thế. Trần gian này có cõi đáng sống bậc nhất mà bỏ hoang vu, vậy chả hóa ra ngu đại chúng ư. Để con về cho chúng nó biết, muốn khai sáng trí tâm thì lên đây. Giả giá cho cụ, lúc đó, làm phiền cụ dạy cho bọn cu đen ấy nhẽ sống thượng tôn, cụ nhá. Nhưng cụ nhất định phải hứa với con, một điều thôi.
– Hứa gì mày?
– Cụ phải thu tiền.
– Thu tiền gì? Sao lại thu?
– Tiền chụp choẹt. Chứ cứ như hồi chiều con chụp thả phanh, giờ lại còn được cụ mời tửu tiên thế này thì có mà ăn… cứt trâu cụ nhá.
– Mày khùng hả mày? Hoàng hôn của giời. Lau, chim… của đất. Tao lấy cớ gì mà thu?
– Cụ mày ngu lắm!
Mợ cái thằng ôn chó này nó say nước đái trâu thật rồi. Nó mày tao với tôi và Đảo.
– Cụ mày ngu lắm! Cụ mày chỉ cần nhận là đất của cụ mày. Cụ mày trồng lau, nuôi chim, san núi làm sân bay chữa bệnh vẹo, là đủ tư cách pháp nhân… giàu có nhé.
– Nhé nhé cái chị mợ mày, thằng chó điên này!
Tôi định cho nó một sút vào ngay ngã ba truyền thông, nhưng kìm được, bỏ ra ngoài đêm. Canh hai, đêm như hát ru, gió thì thào kể chuyện bọn hợm ngủ trong rừng. Thằng ôn nobel nghệ thuật tương lai ra thông cáo, sớm mai xuôi về Hà Nội. Đảo của tôi hễ cứ nghe đến tiền là bủn rủn chân tay. Đảo từng là lang vườn và phát hiện mình bị bệnh pa-ki-sơn-tiền! Cứ có tiền bảo ăn phân cũng ăn. Thằng ôn nó bảo ngủ với nó cũng ngủ. Thằng ôn ấy khóc mếu rằng, mẹ nó mất từ khi còn bé. Nó phải tự dạy dỗ lấy mình mà thành người, mà trưởng thành. Bố khỉ cái con ngợm, trưởng là thành siêu ngợm! Nó bảo Đảo là thèm cảm giác ngủ với mẹ. Vậy là Đảo ôm nó vào lòng. Ầu ơ tiếng lờm lợm.
Đảo kéo tôi ra sau chòi, giục:
– Mình cầm gói quà này tiễn ân nhân một đoạn đường nhé, cho sang.
Tôi miễn cưỡng bước đi. Ân nhân cắm cúi bước xuôi con dốc. Cả đoạn đường, đứng chỗ nào cũng chân cao chân thấp, xoay chiều nào cũng lệch sườn, vẹo cổ. Chả thế mà không riêng gì tôi và Đảo, mà cả muông thú, súc vật cũng coi cái Sân bay Núi Mây như một bệnh viện cứu tá. Chỉ có đứng ngồi ở Sân bay Núi Mây xương cốt mới không vặn, suy nghĩ mới không vẹo.
Tôi chạy gằn mãi rồi cũng bắt kịp ân nhân. Trao gói quà trong im lặng, rồi quay gót. Khổ, cả cái Núi Mây này còn gì nữa đâu, ngoài lít bia núi mà Đảo kì công cất lọc từ dây chuyền tiêu hóa của bọn trâu bò.
Tôi và Đảo mặc nhiên sau những ngày tháng dài chờ đợi, đã phận cũ soạn lại. Sáng chiều ngắm chân trời, trưa và đêm moi móc khắp hang cùng khe hẻm được rễ gì xào rễ ấy. Lâu lắm rồi, Núi Mây chẳng ai lai vãng. Đất cằn, cỏ rụi, gia súc ngày càng mơ xa. Chỉ còn đàn chim ri và bãi lau là cần mẫn nhuộm đỏ ối màu máu mỗi chiều. Mây trên Núi Mây thì từ lâu đã là đặc sản. Chả giống ở đâu và chả ngày nào giống ngày nào. Mỗi khắc là một bức bích họa khổng lồ và biến dị. Lúc lung linh, khi kì quái.
Nước ngày một khan, trâu có bị điên may ra mới đằm lên vũng nẻ. Đảo phải đào đất, phủ nilon để hứng lấy nước đọng. Mỗi ngày nắng gắt, cũng kiếm được vài trăm mi-li-lít. Lâu lâu, đâm ra nhớ món bia Núi Mây.
Cuộc sống đang đẩy tôi và Đảo dần đến hồi hạ huyệt thì ân nhân bất ngờ quay lại. Sau lưng hắn ta cơ man nào là người, đến chỉ để được trả tiền. Mật phục chụp choẹt, rồi về. Tôi bỏ trốn lên mỏm núi ngồi nhìn xuống sự hỗn loạn của đời mình. Nhìn xuống sự khát thèm tang thương về một khoảnh khắc thiên nhiên của loài người thời hiện đại.
Đảo rêu rao, quảng bá ráo hoảnh như tất, lẽ, dĩ, ngẫu. Sau mỗi ngày, Đảo lại gói một bọc tiền to chôn xuống đất. Chả mấy chốc mà Đảo và tôi đã có một nghĩa địa tiền. Tiền nhiều vô kể. Nhiều như mây, như hoàng hôn và lau trắng. Không nghi ngờ gì nữa, ân nhân đúng là ân nhân. Nhiều lúc tôi lăn tăn ân hận vì sự mạo danh Nhà văn Nguyễn Núi. Nhưng không sao, miễn là cậu ta thành tâm vui vẻ và đặc biệt là trưởng thành, thành đạt.
Cậu ta chả cần gì, chỉ cần được ở cùng sư phụ, được thả sức sáng tạo với lau lách và mây trời. Tối về ngồi tâm đắc những tác phẩm dị hợm và mơ ước về một cuộc vinh danh tầm cỡ thế giới. Cứ như thế cho đến khi cạn sạch rổ pin thì xuống núi.
***
Tôi và Đảo bịn rịn chia tay ân nhân.
Nhưng rồi cũng chả mấy độ, lại phải hốt hoảng đón tiếp oán nhân!
Lại đến như nhiều lần trước, lập biên bản thu hồi toàn bộ tang vật là nghĩa địa tiền, xử phạt nặng nề và đình chỉ khai thác không gian nhà nước; rồi trục xuất vĩnh viễn khỏi Núi Mây sau khi đã “thi hành án” kinh tế. Đoàn người đi rồi, tôi và Đảo vẫn còn run như giun nướng. Tiền đâu ra mà nộp phạt cả trăm triệu bây giờ?
– Mà này? Tôi hỏi Đảo: – Em có kiểm tra tư cách pháp nhân của đoàn công tác không?
– Sợ rúm cả hĩm vào, kiểm tra gì hả giời!
– Mẹ kiếp! Tôi gầm lên: – Có khi nào là cướp giả danh không?
Đảo mếu máo:
– Cướp nào mà chả là cướp!
Chờ bóng đêm ập xuống, tôi nắm tay Đảo lao như bay trên nền cỏ sương sũng sượi. Chả có hương, cũng không hoa quả, bọn tôi quỳ nức nở bên hai ngôi mộ của Người Ngu và bà Ban, khóc từ biệt.
Cuộc đời thật chả nghiệt ngã nào hơn được nữa. Điểm cuối cùng của đường đời là Núi Mây cơ mà? Đảo từng quỳ mọp xuống lố nhố chân người mà van, mà thề, sẽ chỉ uống nước đái trâu, ăn rễ rảu mà sống, chứ tuyệt đối không dám động đến hoang vu và tiền bạc nữa. Biết rồi, những xa xỉ ấy vốn là của người giàu, người quý. Hạ tiện như tôi và Đảo, cứ an yên thanh lọc nước đái trâu thôi, mà cũng chả được. Họ tra vấn sổ đỏ sổ hồng. Đảo từng có sổ đỏ sổ hồng bên Chiềng Đắng, cạnh núi Vách Thưng Trời, hồi tham gia dự án trồng cà phê siêu công nghệ, nhưng đã bỏ đất chạy lấy người. Họ tra vấn họ hàng thân thích, Đảo chỉ mộ Người Ngu và bà Ban, nhưng không hợp lệ. Đảo từng có Nhà văn Núi là thân thích, nhưng sau sự nghiệp “độc đắc truyện” Gió nảy mầm… giờ Núi đã chả khác gì con lợn nghễnh. Lè phè. Lú cẫn. Là con nợ thuần chủng, chủ nợ chỉ chờ vồ được họ hàng thân thích của Núi để “đảo con nợ” sang, hòng tránh nguy cơ mất trắng theo bậc tiên tửu “cửu âm chân teo”. Đi về nơi ấy, nào có khác gì đi về với rừng ma, nghĩa địa(!)
Vậy thì về đâu, khi mà hoang vu cũng chật ních cả rồi?
Đảo bỗng sáng bừng đôi long nhãn:
– Ta quay về núi Vách Thưng Trời để nhân bản hoang vu! Hoang vu sổ hồng sổ đỏ…
– Nhân bản hoang vu? Vậy còn ân nhân? Ta cũng cần nhân bản thật nhiều ân nhân, để sẽ lại có thật nhiều nghĩa địa tiền!
Đào gật gù:
– Đúng! Họ là những con người đang ủng hộ thiết thực sự tái sinh thiên nhiên, tái sinh hoang vu nên cần thiết được nhân bản.
– Vậy còn lâm tặc?
– Không! Để tiệt trừ hậu họa, chúng ta cần phá vỡ mọi kế hoạch, ngay từ khâu nhân bản thêm các nhà khoa học!
– Ừ, không nhân bản các nhà khoa học!
– Ừ, tất cả vì hoang vu!
Tôi chạy theo Đảo bằng thứ tâm trạng chuếnh choáng và một tư duy rỗng tuếch!.
Đào Viên Sơn, 3/12/2018
Nguyễn Đức Lợi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...