Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Đã cách nhau một tiếng nấc, một thôi đường: Ngày cuối cùng của mẹ!

Đã cách nhau một tiếng nấc,
một thôi đường: Ngày cuối cùng của mẹ!

Mẹ đã vào nhà lạnh. Ngày nóng, điện yếu, nhà lạnh tăng cường thêm đá khô. Còn mình đứng lại trong bóng tối ngày càng dầy thêm nhìn ra cổng 108 sau khi mọi người ra về. Đi đâu bây giờ? Về nhà? Mẹ không còn nằm trên gường cười hấp háy khi mình về sau mỗi ngày. Mới cách nhau vài giờ đồng hồ, trưa đi làm mẹ vẫn nằm ở nhà mà giờ tan tác nhanh thế này, mình chưa kịp hiểu…
Hà Nội ngày 23.5.2013. Nóng nung. Cảm giác như trên đầu có cái máy ép ấn xuống khiến mình tức ngực. Buổi sáng. Mẹ hơi sốt. Mình bảo Thơm: “Chiều đưa bà đi kiểm tra phổi”. Người già, bị bệnh này thường phá sang bệnh khác. Chị Lương Xuân Thuỷ người thân của mình nói: Cơ thể con người dính với nhau như cái hàng rào, một que nghiêng là những cái khác xô theo. Mẹ cả đời không có bệnh phổi nhưng bệnh khác phát lên lập tức viêm phổi. Bao lần vác mẹ đi cấp cứu, rồi về. Nhưng lần này thì khác. Thơm bảo: giờ đang vắng, em đưa bà vào trước, họp xong bác vào nhé.
Lúc đấy là 15h chiều. Bắt đầu giao ban. Mình nói với anh Hà Nam: Mẹ em hơi sốt, em đưa mẹ vào viện nhé. Anh gật nhanh: Em đi đi. Mình gọi taxi và đi đường Thái Hà để vào viện Lão khoa. Bao lần đưa mẹ đi cấp cứu trong đêm mưa lạnh, mình không khóc, sao bây giờ nước mắt tuôn mờ mịt thế này. Qua những phố đông, nhạc ầm ẩm phát ra nước mắt càng chảy và cảm giác mất mát dâng trào.
Vào đến viện, chạy làm thủ tục, túm lấy bác sĩ Ánh như bao lần đã vồ chộp mỗi khi mẹ cấp cứu. Ánh nói: Chị yên tâm, em sẽ kiểm tra ngay.  Và mình ngồi ngoài sân. Rất nhiều chim chào mào đến hót trên những cành cây và xa xa, giờ tan tầm còi xe dày hơn.
Khoảng hơn 17h, tức là sau 2 tiếng đưa mẹ vào, Ánh đi ra. Và ruột mình quặn thắt như đau dạ dày vì chưa bao giờ Ánh bỏ phòng cấp cứu đi ra thế này. “Bọn em đã làm hết khả năng. Bệnh của mẹ chị kéo dài đến hôm nay là kỳ tích…”. Mình ngoảnh hướng khác. Và hiểu, thế là hết. Ngoài trời đang bắt đầu cơn giông. Lúc đấy. Mình cũng chẳng nghĩ xa xôi là mẹ đi rồi. Gọi cho Hoàng Duy đang ở Sài Gòn: “Bà mệt, con ra luôn nhé”! Duy nói như nhiều lần “mẹ đưa bà vào viện đi, con ra sân bay ngay” và mình tắt vội điện thoại, nước mắt tràn hai bên má. Tý gọi từ trường “Bà đi viện hả mẹ, lát học xong con vào chơi với bà”. Mình khóc và nhắn lại “Học xong con về nhà nhé, mẹ ở viện với bà”. Có những nỗi đau quá đau khiến mình không dám nói thẳng tưng. Mình không thể nói với Duy và Tý rằng: “Bà ngoại mất rồi con ạ”.
Hai mươi năm qua, nhà có 4 mẹ con bà cháu. Duy Tý xưng Em với bà và hiển nhiên khi chúng đi đâu, làm gì thì về nhà cũng có bà và mẹ. Và mình mê mải chạy khắp nơi lo cho mẹ như mọi lần mà lú lẫn không phân biệt được lần lo này là vĩnh biệt. Nhà lạnh bệnh viện Bạch mai hôm ấy kín. Một vài người phải nằm hành lang với đá khô. Mình cuống lên chạy sang 108. Lúc đấy là cuối chiều, mọi người đi ăn tối. Gọi nhờ trong tâm trạng làm những gì tốt nhất cho mẹ (không nghĩ là lần này khác những lần trước). Và 108 nhận.
Còn nhớ. Lúc đấy khoảng 7h tối. Chị Hải – làm ở Hội Nhà văn, người gắn bó với cả nhà ôm vai mình: “Bình tĩnh, mẹ vào đây là yên tâm rồi”! Đời người được nối dài bởi những yên tâm nho nhỏ như thế này sao. Chết là hết. Nhưng chết vẫn cần yên tâm là được vào nhà lạnh tốt. Bác Phú, Thơm đưa mẹ từ Lão khoa sang 108 trong bóng tối và mình quay đi không dám nhìn vì không muốn chia tay mẹ trong hoàn cảnh này. Thơm bảo: “Em ngồi bóp tay chân cho bà đợi bác, vì người nhà bệnh nhân trong phòng cấp cứu biết bà mất, bắt bác sĩ đưa bà ra ngoài, em cứ bảo bà còn sống”.
Mẹ đã vào nhà lạnh. Ngày nóng, điện yếu, nhà lạnh tăng cường thêm đá khô. Còn mình đứng lại trong bóng tối ngày càng dầy thêm nhìn ra cổng 108 sau khi mọi người ra về. Đi đâu bây giờ? Về nhà? Mẹ không còn nằm trên gường cười hấp háy khi mình về sau mỗi ngày. Mới cách nhau vài giờ đồng hồ, trưa đi làm mẹ vẫn nằm ở nhà mà giờ tan tác nhanh thế này, mình chưa kịp hiểu.
Duy đang trên máy bay từ Sài Gòn ra và Tý vẫn nghĩ bà ngoại đi khám như mọi lần và lát sẽ về! Mình cứ đứng tựa phòng lạnh, cách mẹ một bức tường. Và gọi bác Phú: “Bác ơi! Cháu không muốn về nhà.” Bác nghẹn giọng “Về nhà bác đi”!
Và đêm đấy, mình về nhà bác và tập quen với việc, sẽ không bao giờ thấy mẹ ở nhà nữa!.
Hà Nội, 23/5/2015
Nguyễn Thị Thu Huệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...