Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Đường quê đằm nghĩa đượm tình

Đường quê đằm nghĩa đượm tình

Bao nhiêu lần cái sinh thể của làng quê ấy thay đổi là bấy nhiêu lần ta ngóng dõi những dấu chân mình…
Ta ra đi, rồi trở về. Ta trở về, rồi lại ra đi, đằng đẵng những tháng ngày tuổi trẻ. Con đường quê vẫn mãi yên đó, khi nhỏ bé cỗi cằn cõng trên mình bao nỗi lam lũ lầm than; khi thênh thang rộng mở, lặng lẽ cuốn chìm trong đó lớp lớp vết dấu thời gian. Nhưng có sao đâu, trầm tích thời gian dầu có bị khuất chìm đến đâu thì ký ức mãi còn nguyên đó. Nhất là khi ta nhớ về từng bước chân xưa cũ, từng bước chân thơ nhỏ thuở nào.
Mỗi khi nhớ về đường quê, lòng tôi đều khắc khoải bao nghĩa tình ở đó. Chẳng phải bởi những câu chuyện đường quê như lê thê, vằng vặc hơn trong đêm trăng sáng. Cũng chẳng phải vì trên con đường ấy đã diễn ra bao nhiêu cuộc đưa chân người ra trận, bao nhiêu cuộc tiễn biệt người về miền cát bụi… Mà bởi đó là nghĩa tình của con người với con người chứ không hẳn nghĩa tình chỉ riêng với đường quê. Câu chuyện nhẩn nha, chậm lắng tôi thực lòng muốn sẻ chia, ấy chính là cái nghĩa cái tình đã hằn in, đã góp phần làm nên chính con đường quê đầy ân tình thơ mộng.
Trước khi trở thành dải đường nhựa thênh thang như bây giờ, toàn bộ con đường quê tôi được lát bằng gạch. Đó là con đường rộng chừng ba mét và dài hơn ngàn mét chạy tuốt từ đầu làng tới cuối làng. Khi tôi sinh ra, con đường mới chỉ có một đoạn được lát gạch, phần còn lại là đường đất, ngày nắng bụi tung, ngày mưa dấp dính. Thế rồi cứ đôi ba năm trôi qua, có khi đến cả dăm bảy năm mới thêm đoạn nữa để ghép vào. Thời gian để hoàn chỉnh con đường dễ đến vài chục năm. Vài chục năm, đủ cho một đứa trẻ trường thành; đủ để một gia đình được nới thêm ra một gia đình nữa. Và trong câu chuyện của những người cha, luôn miên man phảng phất niềm tự hào rằng, ngày xưa, thuở lấy bố mẹ đã góp gạch để cùng với người làng làm nên khúc đường này, đoạn từ nhà nọ tới nhà kia. Bây giờ thì đến con, rồi đến cháu, đến bao nhiêu thế hệ khác ở làng mình…
Ngoài công sức của người dân trong làng đóng góp để làm nên con đường lát gạch, còn có công rất lớn của những cặp đôi nên vợ chồng trong làng ngoài xóm, trong xóm ngoài làng. Mỗi đôi lứa nên duyên đều góp cho làng một ngàn viên gạch để lát đường. Trai nơi khác đến quê tôi làm rể, cũng góp vào chừng ấy viên gạch. Theo tháng năm, gạch đỏ gạch hồng đều được gom góp, tích tụ ở đầu làng, tới khi được đôi ba vạn gạch thì người dân mới lại hò nhau làm đường. Con đường gạch cứ thế theo ngày tháng mà dài rộng thêm, mà truyền qua đời này sang đời khác, gắn bó nghĩa tình, bền chặt tâm giao. Những đôi lứa đi trên con đường ấy, con cái họ đi trên con đường ấy, cũng lâng lâng rưng rưng niềm hạnh phúc, biết ơn và đôi khi là hãnh diện về cha mẹ mình, về lớp lớp người xưa khuất. Còn với đám trẻ trâu chúng tôi thuở ấy, sáng dắt trâu ra đồng, tối lững thững giong trâu về nhà, đều thấy vang vang quanh mình bản nhạc đều đều của móng trâu nện xuống con đường gạch. Bản hòa thanh vang vọng, dập dồn, chắc khỏe, đầy vẻ háo hức của trâu, bò, ngựa qua đêm thèm cỏ đồng xanh và đủng đỉnh nặng nề lúc bụng tròn căng như quả sim chín buổi chiều tối trở về nhà cứ dội lại một thời ấu thơ dãi dầu, tóc vàng hoe xác xơ theo nắng. Hình bóng của đàn trâu bò nối nhau đi trên đường làng như nhắc về một thuở “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “con trâu đi trước cái cày theo sau” nơi thênh thang đồng ruộng hôm nào.
Thời gian khó cũng dần qua đi. Khi mọi làng quê đang từng ngày đổi mới thì con đường lát gạch cũng không còn phù hợp. Con đường bỗng trở nên nhỏ bé trước xe cộ rầm rập chạy qua, rú còi inh ỏi. Con đường bỗng trở thành cái ách ngăn cản sự phát triển từng ngày của nông thôn mới. Muốn làng quê đổi thay, trước hết phải thay đổi con đường. Thế là người dân quê tôi lại bảo ban, khuyên nhủ nhau hiến đất mở đường. Người góp công, người góp của cùng đoàn kết mở rộng đường. Đời sống sang trang mới, đất đai bỗng trở lên đắt đỏ, nhất là đất mặt đường. Ấy thế mà chỉ sau đôi ba cuộc họp của làng, tất cả mọi người dân có nhà mặt đường đều tự nguyện hiến đất, không đòi hỏi đền bù, ăn chia, điều kiện hay bất cứ thỏa luận nào. Có biết bao nhiêu gia đình ở mặt đường, đất đã bị thu hẹp đến mức không còn đủ xây cất nên một ngôi nhà kết cấu hợp lý. Nhưng có hề gì, khi con người ta đã dốc tâm dốc sức ăn đời ở kiếp với làng, thì góp công, góp sức vào xây dựng quê hương cũng là việc đáng làm và đáng tự hào.
Mỗi khi nhớ về đường quê, lòng tôi đều khắc khoải bao nghĩa tình ở đó. Ảnh: Vũ Mừng
Khi mỗi mét đất mặt đường có giá hàng chục triệu, khi mỗi suất đất mặt tiền có giá tiền trăm, bạc tỷ mà nay phải cắt chia cho công cuộc mở rộng đường làng, cũng tiếc, cũng xót lắm chứ. Nhưng quê hương nên nghĩa nên tình. Bao đời nay, kể sao hết những dòng tên người con quê hương đã vĩnh viễn ra đi, dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc, non sông. Họ đâu có tiếc gì và để lại gì ngoài dòng tên trên bia mộ. Huống hồ đất đai, tiền bạc xây đắp cho xóm cho làng cũng từ tiền nhân gây dựng mà nên. Người dân quê tôi nghĩ thế, và bảo nhau như thế. Con đường nhựa thênh thang, rộng tới hơn chục mét đã được hình thành. Vóc dáng làng quê từ đó cũng tươi nở, rạng ngời, nay công ty này vừa mở, mai công trình kia khánh thành, với nhà cao mọc lên như phố xá, với cây xanh, đường hoa xán lạn xuân thì, với xe, với cộ ngược xuôi hối hả.
Làng quê một thuở yên bình mà nghèo khó nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Vun đắp cho bước chuyển mình ấy là nghĩa tình đằm đượm của người dân quê tôi được hun đúc từ bao đời. Truyền thống lá lành đùm lá rách, truyền thống tương thân tương ái, truyền thống góp công góp của xây dựng quê hương luôn được lưu giữ, như lưu giữ những giá trị tốt đẹp nhất của cha ông và của muôn lòng con dân nước Việt.
Vẫn tiếp nối những cuộc ra đi rồi trở về. Vẫn con đường ngóng dõi những dấu chân. Bầu ký ức thêm đong đầy theo năm tháng. Con đường đất, đường gạch thuở xưa, hay đường bê tông rộng rãi bây giờ, đều cõng trên mình bao ước mong, hoài bão. Mỗi lần cất bước, cảm giác rõ dấu chân mình đang trùng vào từng dấu chân thơ nhỏ. Từ đó, lảnh lót, dâng ngập muôn tiếng cười nói, đùa vui, tâm tình rủ rỉ. Quên sao được năm ấy, tháng ấy, con đường đã từng in dấu những đổi thay.
20/5/2022
Đoàn Văn Mật
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...