Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Ám ảnh dòng sông

Ám ảnh dòng sông

Giống như những lần cãi vã khác, để dồn Hân tới chân tường, thằng em lừng lững cao một mét tám hai của cô lập lại câu: “Khó chịu như bà ở giá là phải!”. Nói xong Tín phủi đít đứng dậy, chẳng cần đếm xỉa đến bộ mặt đỏ rần rồi tái xám của bà chị. Nó lần quần đi tới đi lui như còn muốn tìm xem có câu nào “đắc địa” hơn. Chợt nghe tiếng reo của chiếc mobile trong túi quần,
Tín nghe và lật đật xách cặp ra chiếc xe bốn bánh đang đợi trước sân.
Mẹ Hân đã vắt xong cả chục trái chanh giấy. Loại chanh sai trái có thân leo và bò thành giàn rậm rịt như bầu như mướp. Bà cẩn thận lược hết mớ hột ra khỏi ly nước chanh, cho đường vào khuấy và đập đá bỏ vào. Bà bưng ly nước chanh đặt trước mặt Hân: “Uống đi con, đừng chấp nhứt nó. Miệng lưỡi độc địa chớ bụng dạ nó hiền khô”. Hân muốn nói: “Mẹ lúc nào cũng bênh nó!” nhưng thôi. Cô bưng ly nước chanh uống. Mẹ bỏ đường quá tay. Hình như lúc pha ly nước mẹ nghĩ  tới thằng Tín. Nó hảo ngọt. Lúc chị em Hân còn nhỏ, trong nhà có túng hụt cỡ nào, mẹ cũng không để thiếu hũ đường. Mỗi lần mẹ thắng nước màu, thằng Tín lại ngồi chực bên cạnh. Đợi cho nước đường sôi lên ít dạo, mẹ múc cho cu cậu đầy một muỗng canh. Suốt buổi đó, thằng Tín không rời muỗng đường, nó mút từng chút, hớn hở dễ bảo như chú cún con.
Cũng có một lần, vì một cục kẹo để dành cho thằng Tín mà Hân bị ăn đòn. Số là vào giờ trả bài tập làm văn, cô giáo chọn bài văn của Hân đọc cho cả lớp nghe. Bài văn tả dòng sông. Dòng sông ấy khác nhiều lắm so với dòng sông mà chị em Hân lớn lên bên nó. Dòng sông cuộn chảy và mang theo nó những gì đất trời ban tặng và tước đi. Hân sợ, không dám tả những cái xác lềnh phềnh trên sông. Xác cá, xác rắn, xác chim cò, thỉnh thoảng có những xác người; những cái xác không còn nguyên vẹn. Chúng trương phình và ám ảnh tuổi thơ Hân. Cô giáo khen dòng sông hiền hòa. Cô giáo thích hàng dừa trĩu trái nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh trong, trong đến nỗi thấy con chim lông vàng mỏ đỏ đậu trên tàu dừa, thấy lớp vẩy óng ánh của đàn cá tung tăng. Sau giờ học cô kéo Hân lại. Đặt vào lòng tay Hân gói giấy màu có cắt tua rua ở hai đầu, cô nói: “Cục kẹo cô thưởng dòng sông của em!”. Cầm cục kẹo trong tay, Hân nhảy tưng lên một cái, rồi nó xòe bàn tay ra, ngắm nghía. Con bé biết sau lớp giấy màu bóng kia là cục kẹo ngọt lịm. Nó có thể ngậm cục kẹo, dung dăng về đến nhà mà vị ngọt vẫn còn trong miệng. Cô bé háo hức gỡ lớp giấy. Không phải là loại kẹo trong trong đỏ đỏ vàng vàng mà là cục kẹo có màu trắng đục, kẹo sữa, thứ kẹo thằng Tín khoái nhất. Hân lè lưỡi liếm một cái rồi bọc cục kẹo trở lại như cũ. Cầm viên kẹo trong tay, nó chạy một mạch về nhà.
Thằng Tín lật đật gỡ lớp giấy ra và cũng như chị nó, cu cậu liếm một cái rồi gói lại, bỏ vào túi áo, chạy ù đi. Hân chạy theo: “Em đi đâu đó ?”. “Tín khoe cục kẹo với thằng Tí, thằng Vệ!”. Hân dặn vói theo: “Nhớ cẩn thận, coi chừng cây cầu không tay vịn…”. Tín biến mất. Hân trở vô nhà, vo gạo bắc nồi cơm lên bếp rồi mở nắp khạp rọng cá, bắt từng con cá kèo ra rổ. Lúc gạt lửa nồi cơm và nhấc khỏi bếp nồi canh chua cá kèo nấu với trái giác, Hân nghe tiếng la thất thanh dưới bến sông. Linh cảm lẹ hơn con mắt, chân tay con bé như quíu lại. Nó vừa chạy vừa vấp té. Khi tới đầu cầu, Hân thấy thằng Tín đã được người đi đường vớt lên xuồng. May là Tín chưa ngạt, chỉ uống no một bụng nước, còn cục kẹo sữa, chắc đang tan chảy dưới sông. Mẹ về. Biết việc thằng Tín suýt chết đuối, bà giận run người. Mẹ bắt thằng Tín nằm úp xuống đất. Bà vung chiếc roi mây lên, hỏi: “Con qua cầu một mình để làm gì?”. Chưa bị đánh cu cậu đã òa khóc. Tín đưa tay bụm đít, nức nở: “Tại…tại cục kẹo của chị Hai!”. Mẹ quay qua Hân: “Có phải tại cục kẹo của con?” Hân lúng búng: “Dạ…dạ…phải, nhưng…”. Thất vọng hiện trong mắt mẹ. Môi miệng tái xanh, mẹ nói một hơi: “Em con còn khờ khạo, Hân ơi mẹ dặn con hoài, sông sâu nước chảy làm gì con cũng phải để mắt tới em con, vậy mà con không nghe lời mẹ, chỉ một chút nữa thôi…mẹ phải đánh con mấy roi thiệt đau để cho con nhớ”.
Tối hôm đó, lúc mẹ khép cửa nhà, khép luôn cái đốm sáng đỏ quạch của ngọn đèn hột vịt treo chỗ cột nhà, Hân vẫn còn ngồi ngoài sàn lản ở mé sông. Con bé thút thít khóc. Nó không khóc vì mấy cái vết roi cồm cộm chỗ mông. Nó khóc vì bị xử ép. Khóc vì mẹ không thèm hiểu nó. Tiếng khóc tức tưởi làm mẹ mềm lòng. Nó nghe tiếng đẩy cửa mấy lần và thấy bóng mẹ che khuất ánh sáng ngọn đèn. Con bé chờ mẹ làm cái gì đó cho nó nở cái lá gan. Nó đợi mẹ vỗ về ngọt lạt, nó mới chịu vô nhà. Bằng không thì nó ngồi lì ra đó với lũ muỗi đói. Nhưng mẹ chỉ đứng chỗ ngạch cửa, gọi: “Vô ngủ đi con!” đúng ba lần rồi trở vào nhà. Mẹ không khép cửa. Mẹ vặn ngọn đèn cao hơn và bỏ thêm mấy khúc củi vào bếp un. Hân nghe củi lửa nổ lép bép. Mẹ chỉ nhượng bộ đến thế. Con bé kéo vạt áo chùi nước mắt.  Một ý nghĩ xẹt đến. Nó tin, mẹ sẽ hiểu nó, sẽ dành cho nó tình âu yếm như mẹ dành cho thằng Tín, nếu nó…trôi mất xác. Nó lần mò tìm đến chỗ cầu thang bắc xuống sông. Khi bàn chân chạm nước, nó vội rụt lại. Nó chợt nhớ những cái xác lềnh phềnh. Những cái xác chết chìm, những cái xác trúng đạn. Những cái xác thiếu chân, thiếu đầu. Con bé rùng mình. Trước mặt, bóng tối. Sau lưng, bóng tối. Bóng tối bập bềnh dưới sông. Bóng tối kín bưng trên rừng. Như bị ma đuổi, nó quáng quàng chạy vắt giò lên cổ…
Mẹ đang đặt đầu thằng Tín trên tay. Nó muốn xô thằng Tín ra, nằm chen vào giữa và ôm lấy mẹ. Nhưng thằng Tín lại ú ớ nói gì đó như đang mơ. Mẹ ôm thằng Tín vào lòng, gãi gãi lưng cho nó. Hân rụt rè nằm xuống sau lưng mẹ. Chỉ cần mẹ xoay lưng và quay mặt lại, Hân sẽ úp mặt vào ngực mẹ, nói hết cho mẹ những ấm ức trong lòng.
Mẹ mải gãi lưng cho thằng Tín; cũng như lúc nãy, có lẽ mẹ đang tìm kiếm lời biện minh cho cử chỉ hỗn hào vừa rồi của thằng Tín. Hân thầm mong mẹ gạt bỏ ba cái hột chanh giấy qua một bên và nhìn con gái mình một cái. Khi biết căn bệnh hiểm nghèo đã bắt đầu nhảy cành mọc nhánh như loài chanh giấy kia, Hân nghĩ đến mẹ, người duy nhất mà cô muốn chia sẻ. Hân gọi điện thoại. Khi nghe tiếng mẹ bên kia đầu dây, cô chỉ muốn khóc. Áp ống nghe vào tai, cô lắng nghe giọng nói, hơi thở của mẹ. Hân im lặng mấy giây rồi bảo mình khoẻ, mọi việc bình thường trừ thời tiết ảnh hưởng cơn áp thấp nhiệt đới, nhờ vậy mà cô diện được mấy chiếc áo len tưởng sẽ phải mốc meo. Suốt mấy ngày tiếp theo, bợt bạt rã rời vì tác dụng của những loại hoá chất điều trị, Hân vẫn không dứt ra khỏi ý nghĩ về mẹ, về những người thân và về nơi chốn đã cô đã lớn lên. Cô quyết định mua một chiếc vé tốc hành. Ngồi trên xe đi suốt quãng đường dài gần bốn trăm cây số đầu óc Hân chỉ lởn vởn cái bí mật sẽ tiết lộ với mẹ. Cô định chọn lúc chỉ có hai mẹ con với nhau; lúc làm cơm sau bếp hay lúc bôi thuốc nhuộm tóc cho mẹ. Hân biết, bắt đầu sẽ khó khăn; cô sẽ vòng vo tam quốc rồi gợi lại ký ức: “Mẹ còn nhớ, hồi con còn nhỏ mỗi lần thấy đám ma đi trên sông ngang qua nhà, con lại hỏi mẹ: Con người ta sinh ra làm chi để rồi cũng phải chết?”.
Mẹ không rời mắt khỏi công việc. Bà nhón lấy mớ hột chanh bỏ vào lòng bàn tay, lấy ngón trỏ di đều những hột chanh, nói: ”Mẹ phơi khô ba cái hột chanh này, con mang về trển trồng trước sân. Nó dễ sống lắm. Vài tháng thôi là nó mọc um tùm, con thả giàn cho nó leo. Giàn chanh giấy thơm, mát và đẹp không thua giàn tường vi. Còn trái lại nhiều nước, con chịu khó vắt ra chai để trong tủ lạnh mà uống”. Chợt mẹ quay lại nhìn Hân một lượt từ đầu đến chân: “Da dẻ con coi bộ xấu, phải chịu khó uống nhiều nước chanh. Lâu lâu cũng phải đi kiểm tra sức khoẻ”. Hân thấy mặt mình nóng ran lên như kẻ làm việc xấu bị quả tang, cô  ngượng nghịu: “Con…khoẻ mà, mẹ !”. Ra vẻ tươi tỉnh, cô tiếp: “Con  định rủ mẹ về quê ít hôm”. Nói xong, chính Hân cũng bất ngờ. Ý định trở về quê cũ, hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của chuyến trở về lần này. Cô không giải thích được vì sao? Có thể là do mớ ký ức vừa được nhen nhóm. Cũng có thể cô không đành lòng nhìn mẹ khổ tâm. Mà Hân đã làm mẹ khổ tâm nhiều rồi. Không được như thằng Tín, nó luôn khiến mẹ nở mặt nở mày; còn cô chỉ mang cho mẹ buồn lo. Mẹ muốn cô theo nghề y để có thể cứu người, cứu mình thì cô lại lặng lẽ, thủy chung với công việc mà theo mẹ hết sức buồn tẻ, công việc giữ sách ở một thư viện dù cho Hân có dài dòng với mẹ về cái thế giới kỳ diệu mà cô khám phá được từ sách. Còn chuyện chồng con, đã lâu mẹ không buồn đả động, chỉ còn nén tiếng thở dài. Mẹ đổ hết mớ hột chanh vào cái nia: “Ở đó còn có ai đâu mà về, bà con thân quen tản mát đi tứ xứ”. Hân  hăm hở: “Người cũ không còn thì cũng còn cảnh cũ chớ mẹ!”. Mẹ bưng cái nia lên, đi ra phía sân: “Nghe đâu cảnh cũ cũng không còn, rừng lớp bị phá, lớp bị cháy!”. Hân bước theo, giành cái nia từ tay mẹ: “Nhưng dòng sông thì vẫn còn nguyên ở đó, chớ mẹ ?”. Mẹ chịu thua: “Sông nước thì có ai bứng đi được!”.
Lúc Hân leo lên chiếc xe ôm để ra bến tàu, mẹ đứng dưới giàn chanh giấy nhìn theo. Xe chạy một đoạn, quay lại, thấy mẹ vẫn đứng đó, Hân muốn quay lại, kéo tay mẹ: “Đi với con lần này đi mẹ ! Về cái nơi mà mẹ con mình có biết bao buồn vui !”
Ngồi trên chiếc đò máy chật chội, ngột ngạt mồ hôi, hơi thở, tiếng nói, tiếng cười; Hân càng thấy thiếu mẹ. Gần bốn chục tuổi đời và hơn một nửa thời gian đó quen sống xa mẹ, chưa lúc nào Hân thấy cần có mẹ như lúc này. Chiếc đò máy tấp vô một bến sông. Một người đàn bà hai tay dắt hai đứa bé xuống đò. Đứa bé gái đi trước, len lỏi giữa những băng ghế, chen giữ được một chỗ ngồi cạnh Hân. Lúc người đàn bà dắt thằng bé tới, con bé đứng lên nhường chỗ cho mẹ. Mẹ con bé không chịu ngồi. Chị ta lấy từ trong cái giỏ xách một tấm vải ni-lon, mở ra trải dưới khoang đò. Con bé bỏ chỗ ngồi trên băng ghế, sà xuống chỗ mẹ và em. Ba mẹ con ríu ran trò chuyện, chẳng để ý đám hành khách ngồi chen chúc trên đò mà qua đối đáp và diện mạo của họ, cho biết người vừa đi thăm thú đâu đó, người trở về từ bệnh viện, người vừa được lên chức bà, người vừa đi mở cửa mả người thân, người mang theo lỉnh kỉnh hàng hoá thường thấy bày bán ở những tiệm chạp-phô, người mua thuốc trừ sâu chuẩn bị mùa màng…Họ chuyền cho nhau những trang báo đã nhàu nhĩ, bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất từ lũ lụt, hoả hoạn, giá cả, đường sá, trường lớp, những vụ tham nhũng bầy hầy đến màn trình diễn áo tắm của cuộc thi người đẹp đang diễn ra, rồi những chiêu đánh ghen rạch mặt, những kẻ dại dột tự tử vì tình…Ba mẹ con ngồi dưới khoang tàu bỏ ngoài tai tất cả. Họ chỉ biết có nhau. Người mẹ mở gói xôi đậu đặt trước mặt hai đứa con và nhìn chúng bốc ăn ngon lành với vẻ mặt sung sướng mãn nguyện như chị ta vừa cho con thưởng thức một món ngon vật lạ trên đời. Hai đứa bé ăn một loáng hết chỗ xôi. Mẹ chúng rót nước từ trong chiếc chai nhựa cũ còn dán nhãn hiệu nước suối la Vie ra cái ly nhựa màu đỏ đưa cho thằng em trước rồi đến con chị. Uống hết ly nước thằng bé tụt người xuống, gối đầu lên đùi mẹ. Thằng Tín cũng có cái kiểu làm nũng ấy, chỉ thích gối đầu lên tay, lên đùi mẹ. Đứa bé gái được mẹ kéo vào lòng. Chị ta vạch tóc bắt chí cho con bé. Thỉnh thoảng, Hân cũng được ngồi như thế trong lòng mẹ. Những lúc như thế, vai Hân lưng Hân được cò cọ bầu vú mềm ấm của mẹ.
Tàu dừng lại ở một ngã ba sông, nơi mọc một dãy hàng quán có tiếng trống, tiếng nhạc và giọng hát hổn hển của ca sĩ Phương Thanh. Lúc tàu rời bến, Hân đứng ngơ ngác, ngờ ngợ cho đến khi xác định được vị trí ngôi nhà xưa của mẹ con Hân nằm ở bên kia bờ sông, nơi cánh rừng bạt ngàn giờ chỉ còn lơ thơ đám đước mới trồng. Trên nền nhà cũ mọc lên một ngôi nhà lợp bằng lá, trông xập xệ, tạm bợ; giống như cái chòi để canh giữ vuông tôm. Hân bước vào quán nước gần nhất. Quán vắng khách. Cô chủ quán nằm trên chiếc ghế bố, tờ Công an úp trên mặt, đôi chân bôi nước sơn đỏ bóng ở mười cái móng duỗi dài trên một chiếc ghế thấp. Hân khòm xuống, kéo một chiếc ghế trên mặt sàn gỗ. Cô chủ quán tỉnh ngủ. Cô ta kéo tờ báo ra khỏi mặt, uể oải ngồi dậy, nheo nheo mắt nhìn. Thấy người lạ, cô chủ quán tò mò: “Chị ở chợ mới vô?  Chị đi tìm ai?”.
Nghe câu hỏi, Hân giật mình. Tìm ai gặp ai sau gần 30 năm cô không một lần trở lại nơi này. Hân lưỡng lự rồi cũng nói ra những cái tên cô còn nhớ, những người láng giềng năm xưa, trong đó có cả thằng Tí, thằng Vệ bạn của thằng Tín. Cô chủ quán lắc đầu: “Em không quen, em không biết, em tới ở đây chưa lâu”. Hân gọi một ly nước chanh. Lúc cô chủ quán mang ly nước đến, Hân nói: “Quán vắng quá !”. Cô chủ quán kéo ghế ngồi đối diện Hân: “Giờ thì vắng hiu chớ chiều tối khách tới rần rần. Nước nào xổ tôm trúng, dân đầu trên xóm dưới tựu tập ở đây thâu đêm suốt sáng. Thứ gì ngoài chợ có thì ở đây cũng có…” Cô chủ quán chèo kéo: “Chị ở đây tới chiều tới tối vui…tới bến !”.
Hân uống mấy ngụm nước nhiều đường ít chanh, nhìn dòng nước nhửng lớn, trôi lờ đờ trước mặt. Lúc nhỏ, ở đây, buồn nhất là lúc chiều xuống mà mẹ không ở nhà. Mẹ vắng nhà thường lắm. Không chỉ đầu trên xóm dưới mà cách nhiều con sông, nhiều cánh rừng, nhà nào có người trở dạ sinh con cũng tìm đến rước mẹ. Chỗ bờ sông bên kia, nơi có chiếc sàn lản gie ra mặt nước, chị em Hân thường ngồi ngóng mẹ. Thường căng mắt đợi mẹ một hồi, thằng Tín phụng phịu than mỏi mắt, mỏi cổ, mỏi lưng. Cu cậu chuồi đầu lên đùi chị, ngáp. Mặt trời sà xuống mí rừng, trái tim con Hân thằng Tín đánh trống liên hồi. Hai đứa bé nơm nớp sợ mẹ gặp chuyện chẳng lành. Sông nước mênh mông, chiếc xuồng be tám mong manh, mẹ lại không biết bơi. Thằng Tín bật dậy: ”Chị Hai ơi, sao mẹ chưa về?”. Mặt cu cậu méo xẹo, nước mắt chực trào ra. Con Hân làm ra vẻ cứng cỏi: “Tín muốn đi tìm mẹ không?”. Thằng Tín mừng rơn: “Đi đi, chị Hai!”. Hân vội chạy vào nhà lấy cái thau nhựa giặt quần áo màu gạch cua có cái miệng bằng hai sải tay của thằng Tín, đặt trước mặt cu cậu: “Vậy chị đặt thau xuống nước, Tín ngồi vô thau. Chị vừa bơi vừa đẩy Tín qua sông, sang bên kia bờ, chị em mình chạy đi tìm mẹ”. Thằng Tín đưa mắt nhìn mặt sông. Dòng nước không còn chảy xiết như lúc nãy. Con nước lớn đầy. Bờ bên này và bờ bên kia càng đẩy ra xa. Mặt trời khuất dần sau cánh rừng thâm u. Hoàng hôn loang bầm mặt sông. Lúc gần lúc xa, tiếng con bìm bịp mỏi giọng kéo nhừa nhựa những tiếng kêu dài, rền rĩ loang theo dòng nước. Thằng Tín ôm cánh tay con Hân: “Chị Hai, em sợ !”
“Cũng như em ngày xưa, Tín ơi, chị đang sợ !”- Hân sẽ không giấu tâm trạng của mình nếu Tín đang ở đây và cùng cô tìm về tuổi thơ, cái tuổi thơ ám ảnh bởi bóng tối của dòng sông và cái khoảng trống triền miên ngóng chờ mẹ.
“Mẹ ơi …”, Hân thầm gọi mẹ. Rồi cô nhìn bến sông, nhìn dòng nước nhoè nhoè qua làn nước mắt. Cái bến quê cứ ngỡ đã mờ xa, đã chìm sâu trong ký ức  nào ngờ nó lại cắm neo đời Hân cho dù cô gặp lại dòng sông này, bờ bến này có thể là lần… cuối.
15/8/2002
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...