Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Ẩn dụ định hướng trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận: "Buồn là hướng xuống"

Ẩn dụ định hướng trong ca từ Trịnh Công Sơn
dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận:
"Buồn là hướng xuống"
1. Dẫn nhập Thuyết nghiệm thân đã được biết đến trong triết học Hi Lạp qua Plato và Aristotle và được hệ thống hóa bởi Des Cartes, và lí thuyết này đã thống trị triết học phương Tây trong nhiều thế kỉ. Mô hình tư tưởng hiện thân được phát triển bởi Johnson (1987); Lakoff (1987); Kovecses (1986, 1990,…) đã cho thấy những ẩn dụ cảm xúc như sự giận dữ của con người xuất hiện trong ngôn ngữ và xuất phát từ cơ sở văn hóa, cơ sở sinh lí học của con người. Tiếp đó, các nhà tri nhận luận đã nghiên cứu ngôn ngữ trong mối liên hệ với tính hiện thân, nhận thức và kinh nghiệm thân thể của con người. Ẩn dụ ý niệm dần được phát triển theo hướng chủ nghĩa hiện thực kinh nghiệm, gắn với các lí thuyết thần kinh, căn cứ trực tiếp vào kinh nghiệm hàng ngày của con người. Kinh nghiệm cảm giác là cơ sở đưa ra các đánh giá chủ quan của nhận thức ngôn ngữ [9; 256]. Hướng đi này sau đó đã được Lakoff phát triển thành học thuyết “Trí tuệ nhập thân”, chủ trương nghiên cứu sự phụ thuộc những năng lực tư duy của con người và những quan niệm về thế giới, kể cả những hệ thống triết học vào những đặc điểm cấu tạo của cơ thể và bộ não con người. 
2. Khảo sát trường hợp: “BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG” trong ca từ Trịnh Công Sơn Trong ca từ Trịnh Công Sơn, đối lập với ẩn dụ định hướng VUI LÀ HƯỚNG LÊN là ẩn dụ BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG. Ẩn dụ này không phải võ đoán mà có cơ sở kinh nghiệm sinh lí và văn hóa rõ ràng. Kinh nghiệm sinh lí của con người cho thấy tư thế ủ rũ thường đồng hành với trạng thái tinh thần tiêu cực như buồn bã, thất vọng và chán nản. Hiện tượng này cũng quan sát được ở các thực thể sống khác, khi thực thể đó có vấn đề về sức sống. Chẳng hạn, cây bị héo và lá rũ xuống khi thiếu nước hoặc trước khi chết. Con vật nuôi (chó) khi bị chủ mắng mỏ cũng thường cụp đuôi và nằm co lại, mắt nhìn xuống dưới đất với gương mặt rầu rĩ, chờ được chủ vỗ về hoặc tha thứ. Con người khi buồn bã thường ngồi ủ rũ, gục mặt xuống bàn với tư thế nửa nằm nửa ngồi, ngồi bó gối hoặc nằm co quắp, nằm sấp xuống… như để trốn tránh giao tiếp, trốn tránh ngoại cảnh, gặm nhấm và chiêm ngẫm nỗi buồn.
Hiện tượng này là phổ quát ở mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt có các thành ngữ diễn tả ý niệm BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG như: Gan héo ruột sầu; Ủ dột nét hoa; Héo hon ruột tằm; Rũ như tàu lá; Ủ rũ như gà phải trời mưa; Rũ như con gà cắt tiết, v.v…Trong kho tàng ca dao người Việt, để diễn tả trạng thái tình cảm buồn rầu, ông cha ta cũng có nhiều câu diễn tả tư thế hướng xuống của con người gắn với trạng thái buồn như: 
Chiều chiều ra đứng ngõ sau 
Hai tay rũ xuống như tàu chuối te; 
Gió lao xao tàu cau ngã liệt 
Nghe em lấy chồng, anh rũ liệt chân tay; 
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ 
Con xa mẹ rồi mặt ủ mày chau; 
Bởi anh tin bợm mất bò 
Tin bạn mất vợ nằm co một mình; 
Hà tiện để tiền cho vay 
Đến khi xuống vực khoanh tay ngồi buồn;
Ngồi buồn than thở thở than 
Gối nghi ng, đệm chếch, phòng loan một mình; 
Em bước xuống ruộng sâu dạ sầu sáu tấc 
Em xa anh rồi ruộng đất bỏ hoang… 
Như vậy, trong thành ngữ hay ca dao, tác giả dân gian cũng luôn sử dụng các ẩn dụ định hướng BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG để diễn tả các trạng thái tình cảm theo xu hướng tiêu cực của con người. Khi rơi vào tâm trạng buồn chán, sầu muộn, đau lòng, thất tình, tuyệt vọng, thất thế… con người luôn gắn với tư thế nằm co, ngồi rầu rĩ, bất lực, rũ rượi, ủ dột, héo hon, nhắm mắt, bước thấp bước cao, đi xuống… trạng thái tình cảm buồn luôn gắn với tư thế hướng xuống, xuống thấp. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, trạng thái tình cảm buồn luôn luôn gắn với ý niệm BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG. Nỗi buồn trong ca từ nhạc Trịnh bắt nguồn từ nhiều căn cớ như: buồn vì những lo âu và dự cảm về phận người; buồn vì chứng kiến thảm cảnh chiến tranh; buồn vì những nỗi niềm tuyệt vọng của nhân vị; buồn vì tình yêu chia xa, quay gót, v.v…Sinh ra trong một gia đình phật tử, trưởng thành trên đất Huế, không gian cổ kính, trầm mặc của những lăng tẩm, đền đài, tháp cổ đã thấm đẫm trong kí ức nhạc sĩ; âm thanh gần gũi của tiếng chuông chùa, của những câu kinh kệ luôn gợi nhắc trong ông những suy tưởng sâu sắc về phận người. Là một trí thức Tây học, lại tham gia học ở ban Triết, cũng như bao thế hệ thanh niên trí thức miền Nam cùng thời, Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng bởi triết học Hiện sinh phương Tây, vấn đề thân phận con người và sự tồn tại phi lí của con người trong cuộc đời đã trở thành nỗi hồ nghi, hoang mang không chỉ của riêng ông mà của cả một thế hệ. Nỗi buồn thân phận trở thành một nỗi trăn trở khôn nguôi, được phản ánh bi thiết trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, xuất hiện ở 16/228 ca khúc (chiếm tỉ lệ 7,0%). Cơ sở vật lí cũng cho thấy khi con người ở trạng thái tình cảm buồn bã, u sầu thì có tư thế ủ rũ và có xu thế hướng xuống. Trong ca từ nhạc Trịnh, hình ảnh biểu tượng cây đời u sầu rụng hạt thương đau về nguồn cội (đất đen) là tư thế hạ xuống thấp, trở về nguồn cội của con người: 
Từng hàng thương đau  
Trên cây u sầu Hạt rụng cho anh 
Để lại cho em Từ ngày mang tên  
Sao còn buồn  
Sao thù hằn  
Tủi hờn đất đen 
(Lại gần với nhau) 
Khi buồn là con người thu mình lại, cuộn lại, co cụm trong bóng tối, đời cũng thu mình lại, giấu mặt: 
Từng ngày nhìn nắng úa ngoài hiên 
Một ngày buồn tênh đời giấu mặt 
Thu lại góc mình một bóng tối 
[Ngậm ngùi riêng ta]. 
Trong các ca khúc Trịnh Công Sơn, khi buồn, con người thường ngậm ngùi với những khúc ru: ru em, ru đời, ru tình, rồi lại ru ta. Chính nhạc sĩ đã từng tâm sự rằng ru như vậy chính là tự ru dỗ mình, tự an ủi mình, khi ấy con người cũng ở xu thế xuống thấp, ngủ yên: 
Hương trầm có còn đây, 
ta thắp nốt chiều nay 
Xin ngủ trong vòng nôi, 
ta ru ta ngậm ngùi 
Xin ngủ dưới vòm cây 
(Ru ta ngậm ngùi). 
Luôn ám ảnh trong tâm trí bởi nỗi buồn nhân vị, tìm quên trong men say, con người ngủ vùi cho tuổi xuân trôi đi trong vô thường, bởi biết rằng rốt cuộc rồi đời người cũng chỉ là một cõi đi về" vô định, sinh ra trên đời là đã hẹn hò một ngày sẽ chia li với cuộc sống: 
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn 
(Một cõi đi về). 
Với Trịnh Công Sơn, nỗi buồn nhân vị là nỗi buồn không cơn cớ, là nỗi sầu muộn từ thuở hồng hoang của con người mà lời hẹn “trăm năm” tự mỗi con người đã mắc nợ cuộc đời ngay từ lúc mới sinh ra, ngay từ thuở nằm nôi. Nỗi buồn trĩu nặng kéo con người xuống thấp: 
Đêm ta nằm bóng tối che ngang
Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm 
(Còn có bao ngày). 
Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng bởi triết hiện sinh phương Tây, cho rằng con người ta ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời là đã tiềm ẩn một cái chết đón đợi, cuộc đời con người là một sự trốn chạy khỏi lưỡi hái của khỏi thần chết, và cái chết luôn dồn đuổi con người ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, ngay dưới mỗi vòng nôi đã ẩn tàng một nấm mộ, thân phận con người sinh ra trên đời đã là một bi kịch, một nỗi sầu muộn truyền kiếp: 
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa 
(Cỏ xót xa đưa) 
Vì vậy, khi lắng nghe những âm ba bi ai của cuộc đời, con người lại có xu hướng nằm xuống với đất mẹ như chốn hẹn hò trở về mẫu gốc: 
Nằm trong tiếng bi ai; 
Nằm xuống với đất muôn đời 
(Ngẫu nhiên). 
Tiếng ru của mẹ là tiếng gọi tha thiết con người trở về với nguồn cội, với nơi chốn đã từ đó sinh ra, hóa thân. Trịnh Công Sơn quan niệm bào thai mẹ chính là nơi quê quán thân thuộc của mình, mỗi khi buồn chán hay tuyệt vọng là nhạc sĩ có xu hướng tìm về nơi quê quán tôi xưa, nằm nghe tiếng ru của mẹ, nhớ lại vòng nôi ngọt ngào để ru dỗ cơn đau:
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru 
(Mưa hồng) 
Đôi khi, lo lắng về một ngày mai thế giới sẽ tàn tạ, loài người đi vắng hết khỏi mặt đất này, sự sống thiếu vắng nơi nhân gian, nhạc sĩ lại biến thành đứa trẻ - một đứa trẻ mang suy tư triết học, ngồi trầm mặc, trăn trở không nguôi về nhân thế và thời cuộc: 
Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà 
(Tự tình khúc) 
Khi rơi vào tuyệt vọng, nỗi buồn khiến con người như rũ xuống, khô héo, như rơi xuống vực sâu: 
Trong em ngày ấy vực sâu một đời. 
(Có một ngày như thế) 
Trong ca từ Trịnh Công Sơn, ở nhiều ca khúc có xuất hiện hình ảnh ẩn dụ tri nhận CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, trong đó chuyến xe chính là phương tiện chuyên chở, đưa con người trên hành trình rời xa cõi tạm, trở về bên kia thế giới. Trong những phút buồn bã, không chỉ con người, mà chính ngay cả phương tiện hành trình của con người cũng ủ dột, xuống thấp, sa sút tinh thần: 
Một ngày như mọi ngày 
Giọng buồn lên tiếp nối
Một ngày như mọi ngày
Xe ngựa về ngủ say (...)
Một ngày như mọi ngày 
Bóng đổ một mình tôi. 
(Một ngày như mọi ngày). 
Dự cảm về cuộc sống hữu hạn và mong manh, con người nhạc sĩ đau đáu không nguôi về một cuộc chia li lớn với mặt đất, với loài người, với cuộc sống đang từng ngày hiện hữu. Những dự cảm ấy có chiều sâu từ trong triết lí của nhà Phật; nơi thuyết đề về thân phận mong manh của cây sậy trong triết Hiện sinh phương Tây; trong ám ảm về phận cát bụi trong Thiên Chúa giáo. Những tư thế chùng xuống, nằm xuống, co lại, ngủ yên… của con người đã lột tả những trạng thái đầy tâm sự âu lo, buồn bã, sâu lắng. Con người muốn thu mình lại, đối diện với cái bóng của chính mình, đối thoại với một cõi thế xa xôi: 
Về đồi mây thắp hương nằm mộng 
Rồi ngủ quên giữa trời mênh mông (...) 
Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh
Về cội xưa níu tay nghìn trùng 
(Níu tay nghìn trùng). 
Cảm nhận cái mong manh, hữu hạn của phận người, con người luôn cảm thấy bế tắc ngay giữa những hiu quạnh của đời mình, âu sầu bi lụy, như con chim nhỏ tìm nơi hạ cánh về cuối đèo để được trở về bên đất mẹ vĩnh hằng: 
Trên đôi vai u sầu 
Tìm về nơi cuối đèo
(Như chim ưu phiền) 
Được trở về với đất là về với tổ ấm vĩnh cửu, được hân hoan ca hát ở miền cực lạc: 
Xin được xin nằm yên, 
đất đá hân hoan một miền 
(Rơi lệ ru người). 
Trong ca từ nhạc Trịnh, nỗi buồn thân phận luôn song hành với nỗi buồn chiến tranh. Là một người lớn lên và trưởng thành trong bối cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc, nỗi buồn chiến tranh đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực trong tâm hồn Trịnh Công Sơn. Những ám ảnh kinh khiếp về sự tàn phá của bom đạn, sự chết chóc và những cuộc chia li không báo trước với người thân, sự lạnh lẽo và vô cảm của bia mộ… đã được nhạc sĩ phản ánh vào trong các ca khúc của mình, bằng một tâm hồn nhạy cảm và một trái tim biết lắng nghe những âm thanh đồng vọng cả từ hai phía chiến tuyến. Được xuất hiện ở 13/228 ca khúc (chiếm tỉ lệ 5,7%), nỗi buồn chiến tranh đã đưa những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn trở nên bất hủ với thời gian và gắn liền với lịch sử đau thương của dân tộc. Nỗi buồn ấy được khởi nguồn bởi sự đứt gãy của tình yêu giữa chốn binh đao, khiến con người cảm thấy như bị chôn vùi dưới vực thẳm. Bất lực trước ngoại cảnh, mỗi ngày mới đến con người lại thu mình lại, co mình yên vị trong góc tối; những nụ cười rơi rụng tiễn đưa niềm vui rời xa con người… nỗi buồn kéo con người xuống dưới, thu mình xuống thấp:
Có những vực bờ chôn theo tình đầu (...) 
Nhưng khi về lại thu mình góc tối
Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười 
(Bay đi thầm lặng). 
Sống trong trạng thái ngưng đọng, ao tù, âm u đầy mùi tử khí, con người chỉ biết xuống thấp một cách lặng lẽ, chiêm nghiệm nỗi buồn thời cuộc: 
Ngồi lặng nghe thế giới 
Buồn từng phút giây 
(Buồn từng phút giây). 
Khi buồn là con người xuống thấp, “cúi xuống” để cảm nhận sự bơ vơ của cây cỏ, sự xót xa của mặt trời, sự chông gai của cuộc đời, sự vỡ vụn của xúc cảm, sự dồn nén của hai mươi năm nội chiến đau thương: 
Cúi xuống cúi xuống thật buồn (...) 
Cúi xuống cho tắt nụ cười 
(Cúi xuống thật gần). 
Thời gian 20 năm chiến tranh là cả một quãng thời gian dài, được tính bằng thời gian của một thế hệ. Dân tộc ta mong mỏi hòa bình đến mòn mỏi, mẹ già nuôi hi vọng đến còm cõi cả thể xác lẫn tinh thần, hết hi vọng, ngủ yên, tìm quên lãng trong nỗi sầu muộn: 
Mẹ già hết chờ mong 
Đã ngủ yên 
Mẹ già mãi ngủ yên 
(Du mục). 
Sự kéo dài và nỗi buồn chiến tranh không những khiến mẹ già mệt mỏi, tìm quên trong giấc ngủ, mà còn khiến tuổi trẻ Việt Nam tìm đến trạng thái đi xuống một cách tiêu cực, thụ động, vùi mình trong giấc ngủ để quên đi những tang thương thời cuộc: 
Đời đã khép và ngày đã tắt
Em hãy ngủ đi
Đời mãi đêm và ngày mãi buồn
Em hãy ngủ đi. 
(Em hãy ngủ đi) 
BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI nên người nô lệ da vàng mới “ngủ quên” bao năm trong căn nhà nhỏ, co mình lại, thu mình lại để trốn tránh thế giới gông cùm, xiềng xích ngoài kia: 
Người nô lệ da vàng ngủ quên 
Ngủ quên trong căn nhà nhỏ (…) 
Ngủ quên qu n đã bao năm 
Ngủ quên không thấy quê hương (...) 
Ngồi yên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ
Ngồi yên quên nước quên non
Ngồi yên xin áo xin cơm 
(Đi tìm quê hương).
Sống trong cảnh nô lệ, tất cả đều bị xuống tinh thần, ngồi chờ đợi tự do một cách vô vọng: 
Mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ
Người tù ngồi chờ 
(Chờ nhìn quê hương sáng chói); 
Một người ngồi hai mươi năm 
(Ngày dài trên quê hương). 
BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI, người già co ro trong bất lực, nằm lắng nghe âm thanh của tiếng súng và đạn nổ, nhìn ánh hỏa châu như lưỡi hái tử thần tàn phá quê hương:
Người già co ro chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ 
Em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi 
(Người già em bé). 
Không chỉ con người phản ứng trước nỗi buồn thời cuộc bằng cách vùi mình ngủ quên, mà vạn vật vô tri vô giác cũng cuộn tròn lại, co cụm, thu mình trong cái bao la sầu nhân thế, ngủ cho quên phận nô vong. Loài sâu, loài rong hay chính là những biểu trưng cho phận người bé nhỏ: 
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều (…) 
Dòng sông đó
Loài rong yên ngủ sâu (...)
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa 
(Dấu chân địa đàng). 
Trong ca từ Trịnh Công Sơn, dã tràng là biểu trưng cho phận người Việt Nam, cho tuổi trẻ Việt Nam hành động một cách vô vọng, giống như huyền thoại Siship, lăn vô vọng một tảng đá lên đỉnh núi, triền miên ngày này qua ngày khác mà không đến được đích, không thấy được ánh sáng tương lai. Trong đêm dài của đất nước, tuổi trẻ Việt Nam chìm sâu trong nỗi buồn đau với mặc cảm lưu đày, nhận rõ sự hoài công dã tràng của mình, những nỗ lực cố gắng để thay đổi hoàn cảnh đã tiêu tan, con người thể hiện nỗi buồn với những tư thế hướng xuống:
Dã tràng dã tràng xe cát biển đông
Dã tràng dã tràng dã tràng xe cát hoài công (...)
Thân đày dấu trong môi cười 
Tay dài gối giấc ngủ vùi 
(Dã tràng ca). 
Nhưng không chịu mãi cảnh nằm co, ngủ vùi chờ đợi, người Việt Nam da vàng đã đứng lên, tìm đường đi trên con đường giải phóng. Hành hương trên con đường đi tìm tự do và ánh sáng cho dân tộc, mịt mờ và mò mẫm trong bóng tối, vẫn chông chênh, chưa tìm thấy ánh sáng tương lai, nỗi buồn như lực hút vô hình kéo con người nghiêng đổ, chìm xuống, đè nặng dưới những trăn trở ưu tư: 
Người đi một mình đồi dốc nghiêng xuống 
Người đi một mình vực sâu gọi tên (...)
Người đi một mình chìm sâu lời ca (…)
Vực sâu đá lăn gọi tên nhớ em 
(Hành hương trên đồi cao). 
Và không gì có thể diễn tả hết nỗi niềm đau đớn, tuyệt vọng của người mẹ khi nằm ôm xác con vào lòng, dọc đường chiến tranh: Mẹ nằm ôm con, dọc đường tang thương 
(Một ngày vinh quang một ngày tuyệt vọng). 
Trong thực tế đời sống, kinh nghiệm vật lí cho thấy khi con người buồn chán hay rơi vào trạng thái nội tâm đau đớn, thất vọng, thiếu vắng đi mục tiêu sống có ý nghĩa, hoặc bị tổn thương bởi không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống thì thường có xu thế trốn tránh thực tại, nằm xuống, nằm co mình lại, cuộn tròn trong mệt mỏi, tránh giao tiếp để che dấu nỗi đau hoặc một mình gặm nhấm nỗi buồn. Ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là một biểu hiện của sự bất cần, buông thả, sa sút tinh thần, nói theo triết hiện sinh phương Tây, đây là nỗi “trầm buồn hiện sinh”. Trong ca từ Trịnh Công Sơn không hiếm những biểu hiện ấy: 
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về 
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình (...) 
Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù 
Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần 
Một góc trời người vẫn ngồi một đời nhỏ nhen (...) 
(Phúc âm buồn). 
Trạng thái ‘‘nằm co’’ ấy của con người chính là tấm gương phản chiếu tâm trạng buồn chán, tuyệt vọng và bế tắc trước thời cuộc đảo điên. 
3. Kết luận
Ẩn dụ định hướng là phép ẩn dụ được bắt nguồn từ kinh nghiệm vật lí và văn hóa, không phải được hiểu một cách ngẫu nhiên. Mỗi ẩn dụ có thể sử dụng như là một phương tiện để hiểu một khái niệm bởi những kinh nghiệm cơ sở, trong đó những trải nghiệm mang tính vật lí và trải nghiệm văn hóa đóng vai trò quan trọng. Mỗi ẩn dụ định hướng lại có sự gắn kết trong tổng thể hệ thống, là sự gắn kết giữa các cấp độ ý niệm và sự tương hợp giữa các ẩn dụ. Thông qua việc sử dụng một cách điêu luyện và tinh tế ẩn dụ định hướng BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG, đặt trong sự gắn kết với kinh nghiệm vật lí của cơ thể, những trải nghiệm văn hóa cộng đồng, nỗi buồn thân phận con người, nỗi buồn chiến tranh và những trăn trở về phận người đã được tác giả diễn tả một cách hết sức bi thiết, trở thành một tiếng nói công phẫn, thể hiện mạnh mẽ thái độ lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của các nhà cầm quyền ngay chính trên quê hương mình. Các ca khúc trên cũng trở thành khúc tráng ca, tha thiết kêu gọi hòa bình, kêu gọi tình yêu thương, lương tâm và trách nhiệm giữa con người với con người trong cộng đồng Da vàng vốn cùng chung dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận - ghi chép và suy nghĩ, Nxb Khoa học Xã hội. 
2. Trần Văn Cơ (2009), Khảo luận ẩn dụ tri nhận, Nxb LĐ xã hội. 
3. Nguyễn Đức Dân (2009), Tri nhận không gian trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 12, tr.1-14. 
4. Phan Thế Hưng (2009), Ẩn dụ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận (trên cứ liệu tiếng Việt và tiếng Anh), Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường ĐHSP Tp. HCM. 
5. Ly Lan (2009), Về các ý niệm và phạm trù tình cảm cơ bản của con người (trên dẫn liệu tiếng Anh), Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (163), tr. 21-25. 
6. Ly Lan (2012), Ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của các từ biểu đạt tình cảm trong tiếng Anh (liên hệ với tiếng Việt), Luận án tiến sĩ ngữ văn, Học viện KHXH. 
7. Trần Bá Tiến (2012), Nghiên cứu thành ngữ biểu thị tâm lí tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học tri nhận, Luận án tiến sĩ ngữ văn - Trường Đại học Vinh. 
8. Lý Toàn Thắng (2009), Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, (tái bản, có sửa chữa, bổ sung), Nhà xuất bản Phương Đông. 
9. George Lakoff and Mark Johnsen (2003) Metaphors we live by, London: The university of Chicago press. 
10.http://www.tcs-home.org/banbe/pham-van-dinh/thu-muc-ca-khuctrinh-cong-son. 
Nguyễn Thị Bích Hạnh
Theo http://www.vjol.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...