Nếu
cuộc sống là một quyển nhật ký dày vừa đủ cho đến ngày tất cả
chúng ta hóa hư vô, thì tôi cam đoan những trang viết cho những cuộc đời
thấm đẫm nước mắt, về số phận con người thấp yếu, đau khổ, tức tưởi những
năm tháng cuộc đời sẽ chiếm số trang dày nhất của quyển sách đời
Thượng Đế đã công tạo. Những con người khốn cùng, lẻ loi cô đơn,
nghèo đói sống nương tựa lẫn nhau không đủ làm nên sức mạnh để thay
đổi vận mệnh. Lực lượng nào đã dày ám những người sống dưới đáy xã hội,
những người nghèo, những thân phận bất hạnh, cô đơn, những con người yếu thế
để họ thất bại nhiều trong lúc nỗ lực chân chính vươn lên đấu tranh để
bảo vệ sự sống, nhân phẩm và tình yêu thương chính đáng của mình của
mình.
Ai
cũng khẳng định được mình có trái tim đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Khả
năng là xã hội nào cũng có những lời hứa gắn bó với những con người
chân chất, thiệt thòi, đau khổ, tứ cố vô thân, những con người dưới đáy
xã hội nhưng thực tế lại thật trớ trêu. Trong cuộc sống đời thường, nhiều
người được tiếp xúc với những cảnh đời bất hạnh rất dễ xúc động, dễ khóc
nhưng để sẻ chia thì con số còn rất hữu hạn.
Khi
viết lại câu chuyện này, tôi bật khóc khi nghĩ đến đời sống cực khổ của
một kiếp con người lầm lũi, lam lũ và bất hạnh, khóc khi kể lại những
khổ đau, oan trái trong một thân phận con người lắm nỗi truân chuyên giữa
dòng đời khắc nghiệt, oan khiên...
Hãy
nghe tôi kể:
…Lần
nữa chị lại khóc, khóc nấc lên như có bao nhiêu nỗi đau khổ vỡ òa hết bởi nhớ
con trai. Làn khói trầm tháng 11 này sao nặng nề, ảm đạm thê lương.
Từ nay, chị không còn chạm được vào tình thương duy nhất trên dương
thế mà chị có được. Trách con tạo xoay vần khắc khe với một phụ nữ
yếu đuối…Lần về thăm con này cũng là lần sau cuối chị nhìn thấy con
mình qua đôi mắt của một linh hồn khổ đau sắp được lệnh rời xa không
gian nhân thế vĩnh viễn không trở lại được nữa. Chị khóc, tiếng khóc
câm lặng trong dòng đời của một linh hồn còn đau đáu niềm thương nhớ
con…
Một
năm trước…
Chiều
mưa buồn lê thê, mưa mùa này sao dai dẳng, những cơn bão không mời mà
đến liên miên, nhấn chìm những con phố, làm nghẹn ngào những cuộc
đời mưu sinh trên đường phố. Có vài tiếng rao vọng lại yếu ớt từ con hẻm
đối diện dãy nhà trọ sinh viên, tiếng trẻ con khóc, tiếng hai người đàn
ông say rượu đốp chát nhau, tiếng khua của mưa trên những mái tôn hoẻn
rỉ hòa vào tiếng côn trùng rả rích giữa xóm lao động nghèo bên trong
lòng một đô thi sang trọng. Nó lọt thỏm, mất hút, lãng quên và đen
đúa, nhớp nhúa. Nhưng nơi ấy, có sức sống âm thầm, có tình thương che
chở nhau, có những nỗi bất hạnh đi liền với những tình tương thân
tương ái, san sẻ.
Chị
Hai đồng nát đã về, con đường vết rạn, bong tróc, nhiều ổ voi, ổ gà, mặt
đường trũng xuống thành ao giữa đường của con phố này làm cho tiếng kêu ken
két từ cái bàn đạp đã gãy một bên của chị càng nặng nề hơn. Chị vẫn đi về
với chiếc xe đạp cũ kỹ mà chị nhặt được ở bãi rác ngoài ngoại ô.
Mượn của bà Năm Thiểu. Trên trời mây xám trôi dồn cục như chuẩn bị
“dội” xuống “đô thành thất thủ” đang chim f trong biển nước chưa rút
kịp vì cơn mưa tối qua. Chị vui vẻ chào bà Tư béo bán chuối chiên
đang dọn hàng chạy mưa. Cuộc sống của chị đơn giản thôi, với bao lao lực
và hi vọng, túi chị bây giờ đã có được vài ba chục ngàn tiền lời bán
phế liệu. Vừa đạp xe, thỉnh thoảng chị lại sờ vào túi của chiếc áo bà ba
ướt mồ hôi, ở đó có niềm vui, tình thương và hy vọng chỉ gọn trong vài
tờ giấy bạc mệnh giá cùng khổ. Chẳng sao, nơi đó có tình yêu thương của
chị là đủ.
Thành
phố này đón rất nhiều người như chị đến sinh sống như một bà mẹ
già có những thế hệ con. Tình thương và cơ hội của bà mẹ thành phố
dường như không công bình để những phụ nữ như chị vật lộn trên mười
năm mà vẫn trắng tay và đi về với chiếc xe đạp cót két như sản phẩm
sau cùng của công nghệ gần hai ba thế kỷ trước.
Cuộc
đời những người giàu có thì tiền của được gắn vào những con số không
ở phía sau tăng dần từng ngày, người nghèo cũng vậy nhưng khổ nỗi
những con số không “nghịch ngợm” lại chạy đừng trước những con số
khác. Đời chị có những con số không ấy: không chồng, không thân thuộc,
không nghề nghiệp, không học vấn và nhiều con số không nữa tăng theo
từng tuổi đời. Cái “có” duy nhất trên đời mang lại niềm an ủi lớn
cho chị là một đứa con 6 tuổi.
Nửa
tháng nay, mưa dầm, cả con phố nghèo này thiên hạ thi nhau mắc bệnh
thời tiết. Mà mẹ con chị có bao giờ được ăn no, có bao giờ đủ tiền
chạy thuốc nên thể tạng suy nhược khó chịu đựng trước những cơn mưa
dầm. Làm ra được đồng nào là lại ngấm hết cả vào thuốc men. Trong xóm trọ
nghèo để mượn tiền thuốc thang là khó khăn vô cùng, ai cũng nghèo thì
khả năng giúp nhau cũng chỉ chừng mực, cơm nước qua ngày được đã là
phước đức. Mẹ con chị được lối xóm giúp đỡ nhiệt tình, nhưng rồi
sau vài chén cơm, miếng cháo loãng ban đầu rồi họ cũng phải bỏ rơi mẹ con chị.
Cuộc sống của họ cũng nhiều vất vả khó lòng cưu mang nỗi mẹ con
chị dù lòng rất xót, rất thương. Họ lực bất tòng tâm. Xóm trọ nghèo bên
sông Sài Gòn như một thước phim buồn liên miên.
Hai
ngày mưa, cơn ho hành hạ chị, chiều nay lại sốt cao không đi lại được
để tìm kiếm nguồn sống nhờ việc bới tìm phế liệu trong các thùng
rác công cộng những ngày nắng. Bà lão bán vé số kế bên cám cảnh
mẹ con chị, giúp cho họ được vài hớp cháo loãng đỡ dạ nhưng cũng
không giúp mãi được với số tiền còm cõi có được từ những xấp vé
số tất tả ngược xuôi trên đường phố của một bà già trên 70. Cuộc
sống sao trái khoáy, những tình người chân chất lại cứ ham mê chạy
tìm những kẻ nghèo, người già và những đứa trẻ thơ hơn là một phần
sung túc còn lại của đời…
Cơn
mưa đêm qua cũng dứt từ lâu, chị đứng dậy. À mà phải tự đứng dậy thôi
chứ chẳng lẽ phải nằm mãi thì lấy gì nuôi đứa bé. Chiếc xe đạp
già cỗi đang đợi chị “thúc mã” lên đường mưu sinh. Sau mấy cơn mưa
nặng, mùi xú uế từ những thùng rác đầy nước mưa xông lên sặc sụa. Mặc
kệ, chị vẫn gồng mình chịu đựng mùi ghe tởm ấy để tìm sự sống cho
mình và cho con. Những thùng rác cũng không đến nỗi bạc đãi, cuối
cùng, chị cũng có tiền độ nhật. Chị sẽ mua đùi gà chiên cho con, tội
nghiệp thằng nhỏ chưa bao giờ được ăn. Nghĩ về số tiền và gương mặt
hớn hở của con trai bé nhỏ, chị quệt mồ hôi và lại đạp xe cót két
trên đường nhưng với nhịp nhanh hơn và vui tươi hơn…
Tiếng
ken két của chiếc xe đạp lướt qua những vũng nước mưa nhẹ tênh. Chị chẳng thấy
đói gì cả. Dù lúc trưa chỉ uống nước, và ăn mớ xôi hôm qua mà chủ trọ cúng
thần tài thổ địa cho chị.
Trên
sạp thịt còn ướt nước mưa lẫn mùi mỡ heo nhớp nháp, có một ông già
co ro, run lẩy bẩy. Chị ngừng xe:
- Ủa, Ông Bảy, trời đất ơi, sao thế này. Ông đi đâu hổm rày vậy. Ông có
sao hông?
- Đói quá, tao đói quá bây ơi. Kiếm gì cho tao ăn chút đi…- Ông Bảy “xe
đạp” hồi trước ở cùng xóm trọ. Ổng có thằng con trai bị tâm thần bỏ đi từ
lâu. Không biết ai báo tin nó đang ngủ bờ ở Chợ Lớn. Thế mà giờ thì ông
đang thoi thóp trên tấm ván đầy mỡ heo chợ sáng này.
- Ờ, ờ ông đợi tui cái. Tui chạy u đi mua cho ông ổ bánh mỳ nghen. - Chị
chạy vào tiệm tạp hóa gần đó. Mua cho già bảy một bịch sữa, một ổ bánh mỳ.
Có bao nhiêu đâu, chỉ hết 10 ngàn, chị nhẫm tính rồi. Còn 40 ngàn mà lo gì. Ông
già đói chẳng lẽ mình bỏ đi, trước đây bác tốt với mình.....
- À, kìa. Gặp rồi đa nghen con kia! Bây nói tao là không có tiền trả mà đi
mua đồ sang heng. Bánh mỳ và sữa nữa. – Bà Năm Thiểu bước xuống xe honda
túm lấy túi áo chị. - Tao không tự lấy thì chắc kiếp sau mày trả quá, đưa
đây, có bao nhiêu đưa hết đây, 1 đồng tao cũng lấy -. Khổ đời, chỉ có 2 tờ
2 chục ngàn cũ xì trên tay chị. Chị giằng lại.
- Bà Năm, con xin bà thương. Con của con đang sốt....
Bà
chủ nợ béo quá, chị thì gầy quá. Tay chị lại ướt nữa, 2 tờ tiền cứ thế tuột
ra. Chị cứ đứng đờ người ra đó mà chẳng biết làm gì, khuôn mặt chị méo xệch
không còn đủ chỗ cho nỗi thất vọng nữa rồi. Và chủ nợ thất nhân cũng đã mất
hút đầu hẻm. Mà không quên cảnh cáo chị và chỉ thằng nhỏ đi theo: “ nó còn
thiếu tao bốn trăm bảy. Cho nó một tuần, tao sẽ đến hỏi chuyện. Không có,
mày lấy luôn chiếc xe đạp của nó cho tao...
Chị
tê buốt hết cả người. Đứng đó trong nỗi đau. Trời nắng nhẹ mà toàn thân
chị nóng ran. Con trai chị. Nó đang nằm đó, nó ngoái cổ nghiêng tai để nghe
tiếng xe của mẹ nó về. Nó nghĩ đến cái đùi gà, nghĩ đến mẹ nó, nghĩ đến những ý
nghĩ nhỏ bé về cuộc đời bé nhỏ của nó. Chị nghĩ thế, trong đầu chị ngập đầy
hình ảnh con trai. Chị toan bước đi thì dẫm lên bịch sữa hồi nãy chị và bà
béo giằng co nhau làm rơi.
Hay
là chị mang bịch sữa và bánh mỳ về cho con trai. Còn ông bảy có là gì của mình
đâu, đúng rồi, cuộc đời mà. Cái gì từ máu từ thịt mình thì mình mới đau, phải
không. Phải, chẳng có gì lớn hơn được tình mẹ con cả. Cũng như mấy ngày trước,
chị cố lê lết ra phố chợ này thiếu nợ. Mà...có được đâu. Làm sao mà được. Đừng
hòng che đậy, đừng hòng rủ rê, lôi kéo chị - những thứ tình cảm xa vời nhợt nhạt
và hời hợt kia. Chị gạt nước mắt. Bước đi. Chị ôm khư khư bịch bánh và sữa, hít
thật sâu, hai mắt chị căng ra để đón sự vô cảm ùa vào. Chị đi về phía ông già
co ro. Không được. Phải mang về cho con.
- Đói.....sao mà lâu về thế cô ơi, cô bỏ tôi luôn sao, ai cũng bỏ thằng già này
luôn sao -. Ông già vừa nằm vừa rên rỉ y như đâm dao vào lòng chị vậy.
“Đời
này biết mấy ai thân…” tiếng hát Jimmy Nguyễn từ chiếc máy hát nhà
lầu có giậu tường vi cao cao vọng xuống.
Chị
nhìn ông bảy, đặt ổ bánh mỳ và bịch sửa vào tay ông rồi khóc, rồi bỏ
chạy. Chị không biết mình chạy vì cái gì. Trời vẫn lùn phùn mưa. Mà đời đâu có
đau lùn phùn vào lúc này nữa.
Ôi
chao ôi! Tình thương đối với chị sao mà nó xa xỉ quá thế này, xa xỉ như những
tờ tiền polyme giá thấp của người nghèo mới ban nảy mà chị cầm
trong tay…
Chị
không biết tại sao mình lại đứng tần ngần trước quán gà nướng từ khi nào. Mà
cũng đúng thôi. Vấn đề lớn nhất của chị bây giờ không phải là đói khổ, là cơ cực,
là lẻ loi, bạc bẽo ở đời sống này. Mà là niềm trông ngóng của thằng con trai chị.
Nó là tất cả...là tất cả...
- Chị bán cho em một…
- À...hôm nay có tiền ăn đùi gà rồi hả? Cấm nợ nghe chưa....đầu tháng không nợ
nọt gì đâu nga….
- Chị yên t....tâm đi, lấy cái nào to nhất ấy... - Chị dấu nét tội nghiệp,
khắc khổ, cái sầu sầu trong mắt lúc trước thật tài. Điều gì khiến chị cố gắng đến
mức đó, ngoài tình mẫu tử đây.
- Ờ...cái con kia, tiền tao đâu, à...á...ăn cướp hả....bớ người ta, ăn cướp...ăn
cướp....Chó má...mày đứng lại cho tao…
Chị
chạy, hình như với chị chỉ có chạy mới thoát khỏi mớ khổ đời.
Chị
nghĩ rồi, bà Tư béo bán chỉ có một mình, mà lại già cả nữa chắc chẳng đuổi
theo chị đâu. Với lại bà ta cũng tốt bụng. Nhưng mà chị chạy ở phố chợ này thì
như chạy vào đường cụt, vì ai chả biết chị. Có lẽ chị đã mụ mị mất rồi. Lần đầu
tiên đi làm cái việc mà thiên hạ gọi là ăn cướp. Chị mụ mị rồi, không bàn cãi nữa.Có
những lúc con người ta tự cho mình mụ mị, vì họ đã lỡ bước chân lên con đường cụt,
mà mắt họ chẳng nhìn thấy một lối ra nào hết cả. Thật thương thay, thương thay
cho chị.
Không
ai đuổi theo. Chị vẫn cầm khư khư đùi gà, vừa ngoái đầu lại vừa chạy. Chị chạy
rất nhanh. Giá mà cuộc đời cứ chạy như thế, sẽ thoát được đói khổ cơ cực thì có
phải hay không. Nhưng không thể. Cuộc đời đâu chỉ chạy là thoát, là rời xa được
đâu.
Chị
chạy ở mé đường, chạy rất nhanh, trên những nắp cống cũ kỹ. Có một cái nắp đã bị
ai đó dỡ lên. Chị không nhìn thấy, chân chị lọt thõm xuống đó. “Bụp”- đầu chị
va vào nắp cống. Cả thân hình chị như cái bóng bay dài của đám trẻ bị xì hơi.
“á... Người ta chỉ nghe có thế. Rồi người ta thấy máu me tràn ra tan vào cả
vũng nước tù đọng nơi cái mương nhỏ của của góc chợ tồi tàn.
Đám
dân nhậu ở cái quán rẻ tiền bỏ bàn đứng dậy, chạy ra...
Bà
lão bán vé số xô cửa bước vào, thằng bé đang sốt quấn chiếc mền
cũ kỹ nhàu nát…
- Bà Năm, sao má con lâu về vậy, ôi đùi gà ngon quá đi mất. Năm ăn một miếng đi
này. ...Khiếp, má cho con tới 50 ngàn cơ đấy. Mà Năm gặp má con ở đâu, làm gì
mà làm hoài, con không cần nhiều thế này đâu, con cần má ở đây à. .....Ngày mai
nè, con khỏe, con sẽ dùng 50 ngàn này mua cho má một tô vằn thắn to thiệt là
to....he he con mua cho Năm nữa chứ... - Thằng nhỏ con chị, vừa nhai đùi gà vừa
thủ thỉ với bà Năm vé số.
Bốn
giờ sáng, bà mới kịp mang cái đùi gà và 50 ngàn qua cho thằng nhỏ:
- Nè Tý, quà của má mày nè, bả chưa về, đang đi mớ hàng mấy ngày lận, của một
công ty giải thể tận Bình Chánh đó con. Mày biết Bình Hưng Hòa ở đâu không? -
Ý nghĩ của bà đứt quảng....hình như bà muốn khóc.
- Ăn đi con, ăn đi… cho má con vui nghen con. Ăn đi còn nhanh lớn nữa. Nhanh lớn
nữa mày hiểu không?
Căn
phòng xập xệ, ánh điện cũng xập xệ, đôi mắt ngái ngủ của thằng nhỏ không thể
nhìn thấy được đôi mắt bà Năm già đang long lanh nước mắt, lòng bà đang quặn
đau.....
Chị
trở về. Người chị nhức mỏi ghê gớm. Trời sáng sớm, phố nghèo đã lục đục âm
thanh. Đó là cái âm thanh “đi trước giấc cuộc đời và đi sau tiếng còi xe
cuối cùng của đêm” để kiếm miếng cơm. Chú Tư xe ôm, bà Ba đồng nát, Bà
Khiêm hủ tiếu.....nhiều lắm. Mới có 4 giờ sáng họ đã lục đục dậy chuẩn bị, thế
mà vui, thế mà họ và chị đã sống qua bao năm tháng như một điệp khúc đời người.
Mà điệp khúc thì cứ lặp đi lặp lại, chứ có gì khác đâu.
Chẳng
ai thấy chị, chị cũng chẳng chào ai. Chỉ lo đi nhanh để về với thằng nhỏ.Tay chị
vẫn cầm khư khu chiếc đùi gà đã nhuốm máu, ăn nhằm gì, về chị rửa lại, chị luộc
lại. Rồi sang lão chủ nhà trọ năn nỉ lão một ít mỡ hành về xối lên. Thằng bé
chẳng lại quíu cả miệng lại ấy chứ.
- Bác Năm, con biết là bác sẽ trông thằng nhỏ mà... - Chị dừng lại. Kìa, sao chị
nói mà bà Năm chẳng hề để ý. Hay bà giận chị....
- Bác Năm…Trời ơi…sao thế này - Chị không thể chạm vào bà Năm nữa. Không thể
chạm vào đứa nhỏ nữa.
- Không…! - Chị hét lên, nhưng chẳng tới đươc cái thế giới của cuộc đời
quen thuộc này nữa rồi. Thằng con chị gối đầu lên đùi bà Năm ngủ ngon lành. Miệng
nó vẫn còn bóng loáng màu mỡ, tay vẫn cầm khư khư tờ năm mươi ngàn. Thỉnh thoảng
nó ú ớ “50 ngàn của má con nè”.
Ở
ngoài kia, một góc của xóm trọ tồi tàn này. Tiếng sụt sùi, tiếng thủ thỉ to nhỏ,
tiếng đóng cộp cộp của búa đinh. Quan tài chị đã được đóng kỹ lại ở bãi bồi của
mé sông. Người ta không thể đưa chị vào căn trọ tồi tàn ấy được. Đó là nhà
trọ của người ta. Ai cho chị được quàn. Tội nghiệp thằng con chị quá nhỏ.
Trời mờ sương rạng sáng bên sông. Xóm ngèo buồn một nỗi buồn liêu tịch…
Hai
ngày sau, thằng nhỏ con chị được chồng bà Tư béo cõng trên vai đi ra khỏi xóm
trọ nghèo ấy. Bà Tư béo đi bên cạnh, một tai xách túi đồ của thằng nhỏ, một tay
vỗ vỗ lên lưng nó :
- Đừng khóc con trai, đã có ba mẹ đây rồi. - Ông bà Tư sống gần hết đời người.
Cũng có phúc đức, mà không biết sao chẳng có con....
Những
con người trong xóm nhỏ ấy thở dài đón yên bình trở lại. Có người gạt nước mắt
mừng thầm cho số kiếp của thằng nhỏ ít nhiều đã đổi thay.
Còn
chị, chị lại bắt đầu một cuộc chạy trốn nữa rồi.
Có
thể bạn cho rằng đây là câu chuyện hư cấu. Cũng được thôi. Hư cấu đấy,
nhưng tôi cứ bị ảm ánh mãi bởi hình ảnh những người phụ nữ tảo tần khốn khổ
có thực giữa cuộc đời. Những trang viết ngắn ngủi này thay cho những
nén hương xin thắp lên bàn thờ của những kiếp đời đau khổ đã đi qua
hồng trần. Tôi cố cầu mong điều tha thứ cho xã hội đã thiếu những
cánh tay vươn tới người đang khốn ấy, để cho họ níu lấy như tia hy
vọng vươn lên cho xứng nhân phẩm làm người, xứng với sự tảo tần, và
con tim hiền lương chân chất và cầu xin phép nhiệm màu đến với những người
đang sống trong những nỗi cơ cực gần giống như thế.
Không
biết tôi sợ cái nghèo vì đói cơm hay vì chiếc áo rách của họ hay sợ cho
cái nghèo làm nên những bế tắc đến đến cùng cực đoạn trường như người
mẹ khổ đau trong câu chuyện của tôi. Nỗi đau ấy sẽ chẳng bao giờ nguôi
ngoai, nhưng biết làm sao khi cùng lúc có rất nhiều mảnh đời đang kêu cứu
mà được bao người chịu lắng nghe vì chẳng ai có thể thấu hiểu nỗi khổ của
ai cả! Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận, ghi nhận, phản ảnh, còn những chia
sẻ thực tế thì sao? Vậy thì kể khổ có ích gì?.
Phạm Huỳnh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét