Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Người nhạc sĩ ấy

Người nhạc sĩ ấy
Cuối năm, tháng chạp, trời lạnh như cắt, tôi đọc trên VN Express: Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời!.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã từ bỏ chúng ta, ở tuổi 92, hôm ấy là ngày 27 tháng giêng năm 2013. Trước đó, người con trai của ông, ca sĩ Phạm Duy Quang cũng qua đời tại Mỹ, ở tuổi 62 vì bệnh ung thư.
Cái chết của ông là một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam, một cái tang cho giới làm nghệ thuật nói chung và ca, nhạc sĩ nói riêng.
Âm nhạc của ông, những bài hát của ông đã ảnh hưởng sâu đậm cho từng thế hệ Việt Nam, thời tiền chiến, hậu chiến, chiến tranh Việt Nam và cả những lớp người sinh sau đẻ muộn trong bối cảnh hậu 1975.
Có thể ghi nhận Việt Nam chúng ta vinh hạnh vì có 2 nhạc sĩ mà tác phẩm của họ là những tặng phẩm quý báu dâng tặng cho đời: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ phạm Duy.
Mỗi người nhạc sĩ có một vóc dáng riêng, một thế đứng riêng trong lòng người Việt Nam 
Cả hai nhạc sĩ đều đã đã thong dong vui chơi trong trong chốn vĩnh hằng.
Đối với cá nhân tôi, tôi đã từng ngưỡng mộ Phạm Duy và xem ông như là một Thần tượng. 
Tôi không quen biết ông, chưa bao giờ trực tiếp thấy ông bằng xương bằng thịt. Năm 1973, ông có lần theo một người Mỹ về Đà Nẵng để hát tâm ca, tục ca. Hôm ấy, tôi bận dạy học tại Hòa Vang nên không có cơ hội trực tiếp thấy ông. Sau này nghe kể lại, ông bị học sinh trường Phan Châu Trinh và trường Nữ trung học Đà Nẵng ném trứng thối vào mặt để phản đối chuyến lưu diễn của ông!
Gạt qua một bên thái độ chính trị, tôi ngưỡng mộ ông vì nhạc của ông quá hay, quá tuyệt vời. 
Bản thân tôi là người dốt đặc về âm nhạc, nhưng lại mê nghe nhạc, rất cảm xúc với từng giai điệu và ca từ trong những bài hát của ông.Từ đó tôi xem ông như là một thần tượng. 
Khi đã thần tượng hóa một cá nhân nào đó thì tất cả những gì thuộc về người đó đều tốt đẹp và đáng kính phục. Sự thất vọng nếu có xảy đến với ta khi ta khám phá ra những điều mà từ lâu mình trân trọng thì ra là quá tồi tệ, không xứng đáng. Phải vậy không bạn? Từ đó mính cảm giác như mình bị phản bội và sinh ra mình tự giận lấy mình:
- Răng mà ta ngu như rứa?
Phạm Duy đã làm tôi cảm giác mình bị "hố"!
Và bây giờ tôi lại tự đặt ra vấn đề cho chính mình: Thì ra ông ta vẫn là con người, vẫn bị lôi cuốn vào vật chất, vào sự cầu an cho bản thân.
Tôi nói những điều này vì ngoài con người Phạm Duy là một nhạc sĩ tài hoa, thì còn nhiều Phạm Duy khác: Phạm Duy - Chủ nghĩa cơ hội, Phạm Duy - hiếu sắc, hiếu dục, …
Mới đây trên BBC, NS Phạm Duy tuyên bố: "Tôi về VN là vì tôi yêu nước". Câu này biểu lộ sự gắn bó của nhạc sĩ với quê hương nhưng có người nghi ngờ câu nói này chỉ là một mỹ từ quá đẹp nhằm đề cao mình. 
Bởi vì nghĩ lại tôi thấy hình như ông NS nổi tiếng này đã đi qua những thăng trầm của Lịch sử:
1. Ông đi theo Việt minh rồi ông bỏ Việt Minh.
2. Ông đi theo Quốc gia, đến khi Quốc gia mất ông đi theo những người Quốc gia gọi là đi tỵ nạn và theo Mỹ. Nhưng sau đó thấy không ra gì, ông bỏ Mỹ, bỏ lý tưởng quốc gia rồi về lại Việt Nam, núp bóng dưới “Mặt trời chân lý, rất đậm hương và đầy tiếng yêu thương”!!!
Tôi cứ loay hoay mãi, không biết ông có phải là người yêu nước không hay đây chỉ là một hành động “cơ hội chủ nghĩa”, tìm chốn an thân. 
Trên VOA tiếng Việt, nhà thơ Cung Trầm Tưởng kể lại rằng trong một lần đến chơi nhà, ông tâm sự là muốn về để chết trên quê hương! 
Dù sao thì ước muốn của nhạc sĩ theo tôi là rất hợp lý và rất “cội nguồn”. 
Nhưng khi ông dùng cụm từ “là vì yêu nước” thì xem ra không thuyết phục!
Nhất là xét về “lý tưởng sĩ phu” qua hành động mà nhạc sĩ Phạm Duy gọi là yêu nước. 
Tôi rất ngưỡng mộ nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là một người có tài hiếm có. Nhưng tài phải đi với đức. Nhạc sĩ Phạm Duy làm cho tôi bị hụt hẩng!!!
Nói như vậy không có nghĩa là tôi không yêu nhạc của ông. Phải nói là tôi mê nhạc của ông.
Bài viết sau đây như là một kỉ niệm, và nhân đây cũng là một chút tấm lòng trân trọng với người đã yên giấc ngàn thu.
Kính cầu mong linh hồn ông lên cõi Niết Bàn!
NGƯỜI RONG CA DỪNG CHÂN QUÁN BÊN ĐƯỜNG
Kể từ những năm tháng tuổi thơ, những ngày xa xưa còn bé dại ấy, nhạc Phạm Duy đã tác động mạnh đến tâm hồn tôi, ảnh hưởng đến tình cảm, đạo đức, cách nhìn của tôi đối với tha nhân với xã hội,
Ngày xưa ấy, xa lắm rồi, tôi sống với những chuỗi ngày hồn nhiên, hạnh phúc cùng với cha tôi, các anh chị tôi.
Không gian vây quanh tôi là căn phòng lồi, hẹp, những bức tường vôi màu vàng ố, những cái ghế dựa gỗ kiền kiền màu nâu sẫm, cái divan gỗ màu cánh dán tối sẫm, cái bàn bureau, cái kệ sách không biết bao nhiêu là sách, tạp chí.
Ở nhà dưới, là xưởng làm gồm nhiều thợ và học trò. Cha tôi thường điều hành đám thợ, ít khi lên nhà trên. Những tiếng động chát chúa của búa đập, tiếng gò tôn ào ào làm cho tôi sợ hãi sinh hoạt ấy.
Tôi sống trong thế giới của tôi: sách báo, những cuốn truyện, những bản nhạc do nhà xuất bản Tinh hoa ấn hành, …
Tôi nhớ rất rõ, dạo ấy tôi thường cầm một tập nhạc nghêu ngao hát mỗi khi rỗi, hát say mê thích thú, đó là tập nhạc “Con đường cái quan” của Phạm Duy:
“Hỡi anh đi trên đường cái quan, dừng chân đứng lại, dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời…”
Ngày ấy, tôi ít quan tâm cá nhân người nhạc sĩ, thân thế, sự nghiệp, hoạt động chính trị, …tôi còn quá bé. Tôi chỉ nghe hát và thích thì hát và hình như tôi nhớ không nhầm thì nhạc Phạm Duy thấm đẫm vào hồn tôi sớm nhất, từ thuở ấy. 
Tôi nhớ nhà tôi có một chiếc máy quay đĩa, mỗi lần muốn nghe đĩa là phải quay nhiều vòng như là lên giây cót cho chiếc đồng hồ vậy, và phải có kim để bỏ vào đầu để chạy đĩa nhựa. Máy này cha tôi mua từ thời Pháp thuộc. Tôi nhớ có một bài hát tôi nghe hoài không biết chán, đó là bài “Gánh lúa” mà nhịp điệu câu hát làm tôi hình dung ra được người đang gánh lúa trên đôi dóng của họ, bước đi nhịp nhàng, tiếng kêu kiu kịt:
“Gánh gánh gánh, gánh thóc về, gánh thóc về, gánh về, gánh về, gánh về, …”
Dạo đó, tôi đâu biết là bài hát ấy (gánh lúa) là của Phạm Duy.
Sau này lớn lên một tí, tôi say mê những bài hát của ông. Mỗi bài hát, mỗi giai điệu làm tôi choáng ngợp. Các dân ca Nam bộ, các bài hát quan họ đều được Phạm Duy soạn lại theo ca khúc tân nhạc làm ta gần gũi, hòa nhập với đời sống người nông dân nhiều hơn. Như bài “Em bé chăn trâu”: 
“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát ngêu nga. Vui thú không quên học đâu. Nằm đầu non gió mát, cất tiếng ca tiếng lúa đang reo, em đánh vần thật mau…”
Hoặc bài “Ru con”:
“Đêm khuya trăng tàn, mẹ ru con ngủ, à à ơi! À à ơi! ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười, ru con mẹ tưởng như đời nở hoa. À à ơi, à à ơi, sương nắng miền xa, con ơi cha con sương nắng miền xa, mong sao con trẻ quê nhà được vui. À à ơi, à à ơi! ...mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc cướp có thương dân mình, à à ơi, à à ơi, ... »
Một bài hát rất lâu lắm rồi tôi đã nghe ngày xưa một ca sĩ nào đó hát, nhưng mới đây nghe Quỳnh Giao hát lại tôi ngẩn ngơ, lời bài hát mở đầu bằng tiếng kêu êm ái “chiều ơi!”, tôi nghe như gọi tên một người nào thân quen lắm, đã xa tôi ngàn dặm và lâu lắm rồi, rất thân thiết, rất ngọt ngào:
“Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai. Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều. Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai. In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều. Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui, qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!”
Tiếng kêu “chiều ơi!” tôi nghe như lời gọi tha thiết dịu dàng. Thiên nhiên, buổi chiều hòa nhập với con người. Phải chăng đó là thân, là xác, là người nông dân, là hạt lúa của Việt Nam thân yêu? Giọng hát của Quỳnh Giao nhẹ nhàng, trong rõ và đôn hậu như một hơi thở. Tôi chìm đắm, ngẩn ngơ như một kẻ bị hớp hồn bởi ánh mắt của người yêu. 
Phạm Duy viết nhạc như một ngôn ngữ nói bình thường, phát biểu thái độ, cảm nghĩ của chủ thể trước cuộc đời. Người nghệ sĩ phải chấp nhận dấn thân (engagement) để làm đẹp cuộc đời, nhưng dấn thân với thái độ vô vụ lợi, không dính líu (détachement), không màng công danh, không tham vọng chính trị. Đó là một người rong ca. Đi ngao du sơn thủy, mượn lời ca điệu nhạc để gởi gắm tâm sự, thái độ của mình trước cuộc đời. Ngôn ngữ âm nhạc ở đây là ngôn ngữ gần nhất với đại chúng, với con người. Đó cũng là một loại đồng dao với mong ước quyền lực lắng nghe. Phải chăng đó là thái độ minh triết, yêu nước, yêu quê hương: 
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nỗi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi …”
Và người nghệ sĩ ấy đã dấn thân, nhập cuộc. Trong tập “Con đường cái quan” ta thấy bìa 1 trình bày chân dung người nhạc sĩ (hay người rong ca), cây đàn guitare trên vai, đôi giày hả mõ đang đi trên đường. Người nghệ sĩ ấy đã nhập cuộc, đã tham gia kháng chiến trong đội văn công. Thế nhưng nhạc sĩ họ Phạm một lúc nào đó đã ngộ ra, đã phản tỉnh, đã nhận diện được cuộc đời. Và ông lại lên đường đi tiếp, từ Bắc vô Nam. Dấu chân đã mõi, đôi giày đã sờn rách, người nghệ sĩ tạm dừng chân “Quán bên đường”: Phút giây gặp gỡ. Quá khứ tái hiện:
“Ngày xưa, ngày xửa, ngày xưa. Chiều mơ, chiều nắng đẹp tươi, màu tươi. Hai đứa, mình còn trẻ thơ, rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi, thần tiên. À a ha nhớ, nhớ em còn mái tóc bánh bèo. À ha a nhớ, nhớ má chưa hồng ra nét vì em nghèo. Đầu anh, đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc, khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học. Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong rồi mình chia đôi, khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê.”
Đó là thiên đường ngọc ngà. Phạm Duy đẩy nét nhạc dâng lên cao độ thể hiện sự cảm xúc khi hình ảnh quá khứ ngập tràn bằng một cung điệu cao vút: “À ha a nhớ, nhớ…”. 
Tôi nghĩ không ai có thể lồng nét nhạc hay như ông trong khoảnh khắc này: “À ha a nhớ…” Đây là một loại ngôn ngữ âm nhạc diển tả sự hồi sinh của tình yêu, của kỉ niệm như một cảm xúc, quay quắt đến điên cuồng. 
Và hiện tại?
“…Giờ đây kỉ niệm ngày xưa, giờ đây cảnh cũ chìm xa, mù khơi. Gặp nhau một chiều lạnh mưa, nhìn nhau, quần áo bảnh bao, mừng sao”
Không còn biên giới giữa ngôn ngữ nhạc và ngôn ngữ nói nữa mà là sự cuống quýt mừng mừng tủi tủi giữa hai tâm hồn cô đơn gặp lại nhau trong một chiều mưa lạnh giá, với cảnh sống nghiệt ngã đau lòng: 
“Nhìn em còn xinh còn tươi. Đời em tưởng đâu là vui. Nhà em phải chăng là đây? Dè đâu chẳng may là quán, em bèo hình hài đem bán ... Rồi em hỏi anh làm chi? Cầm bút để viết ngày đêm. Viết gì? Đời thôi phải nói là thơm, ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm”. 
Phút buồn vui hạnh ngộ, từ lâu người yêu chỉ là chiếc bóng trên bước đường giong ruỗi. Phút giây này, mặt đối mặt, những cuống quýt thăm hỏi về nhau. Sự thật đau lòng. 
“Em hỏi nghệ thuật là chi? – Là đui, là điếc, là câm người ơi!”
Nghệ thuật là đui, là điếc, là câm. 
Tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh một hôm nào tôi nghe như lời kêu than trong tuyệt vọng, như lời tự thú của người nghệ sĩ một thời miệt mài hoạt động cho lý tưởng. 
Nhưng lý tưởng là gì? Phải chăng là những con đom đóm mà một thời tuổi trẻ mộng mơ đuổi bắt trong đêm tối cho kỳ được. Nhưng khi đã bắt được rồi thì chỉ là những con sâu bọ ghê sợ!
Người nghệ sĩ muốn gởi cho chúng ta một thông điệp, yếu tính của nghệ thuật là sự tự do. Không có tự do thì nghệ thuật chỉ là sự què quặc. 
Năm 1984, Ông Nguyễn Văn Linh, tuyên bố: “Các văn nghệ sĩ đã được cởi trói”.
Tạp chí Sông Hương mở các cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề con người nhìn từ góc độ một chiều hay đa chiều?
Bắt nguồn từ những bức xúc, họa sĩ Bửu Chỉ phân tích nghệ thuật trong hội họa với yếu tính tự do, anh nói:
"...Khởi đi từ nhận thức rằng: nghệ thuật chỉ có trong tự do, nên làm nghệ thuật đó là công việc của cá thể. Vì vậy đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm ở người sáng tạo ...” (Bửu Chỉ: Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời – Tạp chí Sông Hương, Xuân Mậu thìn năm 1988). 
Như vậy với quyền lực, nghệ thuật phải bị điều khiển. Thân phận nghệ thuật chỉ là một sự tàn tật: Đui, điếc, câm.
Và người làm nghệ thuật chấp nhận số phận nghiệt ngã như một định mệnh:
«Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau. Nào có ai đánh mà sao lòng đau. 
Không có bi kịch nào đớn đau bằng sự khô cằn tình cảm, đó là sự phá sản của con người. Sự xuống dốc của niềm tin. Chủ thể, tha thể chỉ còn là vật thể trơ lỳ:
«Cười ư? Anh đã vùi quên nụ cười. Thì xin vài giọt lệ rơi. Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi».
Làm sao cười được với cuộc đời, khi mà trên bước đường giong ruỗi, anh đã kinh qua biết bao nhiêu sự thật, những sự thật đau lòng. Gót chân anh đã chai sạn, đầu gối anh đã mõi. Nhưng mà cười là gì? Phải chăng cười là tín hiệu gởi đi một hạnh phúc, là đám cưới với cuộc đời? 
Trong đôi mắt biết nói, trong nụ cười đã hé, em muốn hỏi anh buồn hay là vui?
Phải chăng trong câu hỏi đã bao hàm câu trả lời. Bản chất cuộc đời vốn bi đát và nói như nhân vật trong «người viễn khách thứ mười» của tác giả Nghiêm Xuân Hồng, không có cuộc sống nào đáng sống, nhưng lỡ sống đành phải chấp nhận cuộc sống.
Bi kịch của con người là ở chỗ đó!
Bài hát «Quán bên đường» của nhạc sĩ Phạm Duy, được phổ nhạc vào khoảng thập niên 1960. lời được tác giả ghi là khuyết danh, nhưng theo dư luận thì bài hát này được Phạm Duy viết theo nội dung một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Đây là một bài hát nói về một câu chuyện tình đẹp mang vóc dáng của thời thế, của hoàn cảnh đất nước.

Quán Bên Đường (Phạm Duy) - Thái Thanh - YouTube

Tuấn Nguyễn
Theo http://www.chutluulai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ

Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ Đất Thanh Tuyền trồng nhiều hoa vạn thọ cũng như đất Trảng Bom trồng nhiều bắp nếp, đất Cánh Đồng Hoang t...