Cảm xúc về thiền môn thi ký
Do duyên trời và uy đức của Đức
Phật, vào một ngày thượng tuần tháng Năm, năm Mậu Dần (1998), tôi được đọc tập
thơ “Thiền Môn Thi Ký” và được tiếp kiến Thượng toạ Thích Viên Thành tại Thiền
viện Mỗ Lao, Hà Tây. Yêu thích và giảng dạy văn chương cho các em học sinh gần
bốn chục năm nay, lại là người Hà Tây, nên sau khi đọc xong những bài thơ viết
về đạo Thiền của một Thiền sư đồng hương cũng đang làm công tác giáo dục
(Thượng tọa Thích Viên Thành là “Phó ban giáo dục Tăng ni Trung ương), tôi vô
cùng thích thú. Ngỡ như được nghe tiếng nói tâm tình chân thực của một tri kỷ,
tri âm từng trải qua nhiều năm gian khổ, mang bao nhiêu nỗi buồn, vui trên
chặng đường đi tìm một lẽ sống cho cuộc đời.
Đúng như tên tập thơ “Thiền Môn
Thi Ký”, các bài thơ được viết từ năm 1962 khi ấy tác giả mới 12 tuổi, tạm biệt
quê hương để đi “cầu chính Pháp”, đến năm 1978, lúc đã trưởng thành, tập thơ
gồm hơn 60 bài viết theo thể Đường thi thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú,
đã ghi lại cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu, học hỏi, tìm tòi suốt gần
20 năm trời với những tâm tư, tình cảm cụ thể trong những quan hệ cụ thể, khá
phong phú của một tuổi trẻ mang khát vọng chân như, hoài bão chính giác thật
mạnh mẽ.
“Thơ viết trên đường vào cửa
Phật”, tôi muốn gọi bằng một cái tên nôm na mà gần gũi tất cả những bài thơ ấy
theo cảm nhận của người đọc tập “Nhật ký bằng thơ”, nương theo những chặng
đường tâm tưởng từ cõi chúng sinh đầy những ưu bi, lầm lỗi để bước vào từng bậc
của Thiền, mà ngộ đạo, mà tỉnh giác, để được thanh thản trong cõi tâm linh.
Viết nhật ký bằng thơ vốn xưa nay hiếm. Đọc tập “Thiền môn thi ký”tôi nhận ra
khá rõ nét “một bức chân dung tự hoạ con người tinh thần” của một Thiền sư trẻ
tuổi rất thành tâm và kiên định hướng về Đạo Phật. Thêm nữa, tác giả sử dụng
thể Đường thi và cho biết cũng đã từng đọc thơ Thiền thời Lý, Trần nên vóc
dáng, thần thái nhiều bài trong tập thơ đã hài hoà chất Thiền cổ điển với chất
trữ tình nghệ sĩ hiện đại. Xin thử phác ra vài nét chính về nội dung và nghệ
thuật của tập thơ.
Một ước
nguyện thanh cao mạnh mẽ
Đó là cảm hứng khơi nguồn cho
những bài thơ mở đầu được sáng tác khi tác giả tạm biệt gia đình quê hương đi
tìm lẽ sống. Tuổi còn trẻ quá, mới 12 tuổi, “bụi hồng chưa bợn tấm thanh y”
(Bài Tạm biệt quê hương). Vậy mà tiếng thơ đã chững chạc làm sao. Chia tay
người chú ruột, Nhà thơ đã gửi lại những lời nói thật cứng cỏi:
Chú ơi! Xin chú hiểu lòng tôi
Giờ phút chia tay đã đến rồi
Vẫn biết gia phong cần giữ đấy
Nhưng vì chân lý phải đành thôi.
(Bài “Từ biệt chú đi tu” Số 1, tháng 1 – 1962)
Mối quan hệ giữa cái nhỏ - “giữ
gia phong” – và cái lớn – “vì chân lý” đã được nhận thức rành mạch. Sự lựa chọn
cũng thật dứt khoát. Và mục đích sống cũng được xác định rõ ràng.
...Chú ở lại nhà xây tổ nghiệp
Cháu đi cầu Pháp cứu oan khiên
Kẻ vun cội đức cho tươi tốt
Người đắp nền nhân thật vững
bền...
(Bài “Từ biệt chú đi tu” số 2, tháng 1 – 1962)
Một cậu bé mới chớm tuổi học
phổ thông cấp hai, chưa hề đặt bàn chân tới một thềm bậc cửa Thiền mà đã biết
hướng tới “Chân lý” , đã có khát vọng “cứu oan khiên”, “đắp nền nhân vững
bền”...là điều hiếm thấy ! Quả thật, lúc đầu đọc những câu thơ trên, tôi hơi
sững sờ, e rằng đó chỉ là những câu thơ mang tính sách vở. Nhưng rồi, đọc tiếp
2 bài “Thư gửi mẹ”, được viết sau 2 năm xa quê hương, chính thức sống
cảnh muối dưa đạm bạc chốn tu hành, tôi thực sự cảm phục một nhân cách
thơ, một nhân cách Thiền, tuy non trẻ song khá đĩnh đạc:
Am mây, viện trúc, say mầu đạo
Áo vải, cơm chay, giữ đạo thiền
...Mẹ ơi! Con đã vì chân lý
Giông tố khôn lây chí vững bền
(Bài “Thư gửi mẹ” số 1, năm 1964)
Hình ảnh “am mây, viện trúc”,
“áo vải cơm chay” phác ra một nếp sống đậm chất thiền của bậc chân tu. Và đây,
phong cách sống ấy được khắc hoạ thêm:
Sắt son dạ đã quen mưa nắng
Sành sỏi thân từng dạn gió xương
Huyên náo nhức đầu, ưa tĩnh mịch
Đỉnh chung lợm giọng, mến dưa
tương
(Bài “Thư gửi mẹ” số 2, năm 1964)
Từng cặp câu thơ song đối “Sắt
son >< Sành sỏi” và ”Quen mưa nắng >< dạn gió xương”, cùng tiểu đối
trong từng câu thơ “huyên náo >< tĩnh mịch” và “đỉnh chung>< dưa
tương” chứng tỏ tác giả nắm niêm luật của Đường thi khá vững vàng. Từ chất
thiền ở bài trên, xuống bài dưới đã mộc mạc một âm điệu dân dã đạm chất đời,
chan chứa một niềm vui tự nguyện. Đọc lên, nghe phảng phất hồn thơ triết lý
nhàn tản Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa ”Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người
đến chôn lao xao”.
Nhưng nhà tu hành trẻ Thích
Viên Thành không phải bậc trí giả muốn ẩn mình trong nhàn tản, mà tự nguyện
lánh xa mọi người “huyên náo, đỉnh chung” để hiến mình cho đạo pháp, rèn rũa
phẩm chất trước cửa thiền. Vì thế âm điệu thơ tuy có chút giống người xưa, song
hồn thơ luôn gắn với cuộc đời thường nhật ngày nay. Đọc truyện “Tây du ký” nhà
thơ cất tiếng ca ngợi “Tôn Ngộ Không”:
Một gậy tung hoành khắp cõi
thiên
Dọc ngang cho tỏ chúa hầu viên
Quan phong Bật Mã, lòng nào thoả
Danh tới Tề Thiên, ý chửa yên
Biển động, trời nghiêng lòng
mới hả
Lò nung, núi ép, tính chưa hiền
...
(Bài “Đọc Tây du ký, Tôn ngộ
Không”. Viết cuối năm 1964) Vịnh Tôn Ngộ Không, hay cũng là một cách tự dặn
mình hãy kiên định ước nguyện thanh cao, đẹp đẽ mà mình đã lựa chọn?
Có thể nói, những bài thơ viết
từ đầu năm 1962 đến cuối năm 1964 (8 bài) là tiếng lòng của một tuổi trẻ quyết
tâm đi tìm lý tưởng “Cầu Chính pháp” hướng tới “Chân như”, vì chân lý vì “nền
nhân” ... Người làm thơ còn rất trẻ nhưng ngòi bút khá vững vàng và hồn thơ, cái
tôi tác giả khá rõ nét, phảng phất một chất thiền trong phong cách nhân sinh,
chân thanh, tự nguyện. Những vần thơ thanh cao trong trẻo ấy đã nhịp bước theo
tăng nhân, mở cánh cửa “Thiền môn” vào cõi thiêng đất Phật, để học tập, luyện
rèn không phút nào ngơi nghỉ.
Một bản
lĩnh kiên trì, bền bỉ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ đến ngộ chân như,
hướng về Bảo sở
Từ cuối năm 1964 đến cuối năm
1968, Nhà thơ - Người tu hành bước vào những năm tháng học tập, rèn luyện đầy
gian khổ. Trước hết là những gian khổ trong dùi mài kinh sách, giáo
lý. Nhiều bài thơ trực tiếp ghi lại những cảm nhận khá thông minh của
người đồng tử ham học và mạnh dạnh tìm tòi, khám phá. Như bài “Học”, bài “Đọc
kinh Pháp Bảo Đàn”, bài “Nguyện”, bài “Tỉnh ngủ buổi trưa” ....
Gió hút vào song rét tháng mười
ngồi bên cửa sổ học không ngơi
Đầm đìa trước mặt, quên mưa hắt
Nhí nhéo ngoài hiên mặc khách
chơi..
(bài “Học”)
Những câu thơ tả thực đậm chất
đời thường, đọc lên, thấy lồ lộ một dánh hình, một tư thế, một quyết tâm thật
đẹp. Người đồng tử ấy đã đem tất cả sức lực tâm trí gửi vào đèn sách, mặc mưa
gió, bão bùng, mặc những trò vui trần thế. Nhiều lúc, người ấy đã nguyện trước
Phật đài:
Hữu tình tăm tối thề dong đuốc
Hàm thức mê man quyết dẫn đường!....
Nhẫn nhục độ sinh theo gót Phật
Làm cho biển phúc được chan đầy!
(Bài “Nguyện”)
Khi đã xác định rõ động cơ học
tập đúng đắn thì người học sẽ có đủ sức mạnh tinh thần và thể lực để vượt khó,
để vươn lên. Với động cơ học tập thật rõ ràng, đúng đắn. Học để nêu cao đuốc
tuệ, để soi sáng, dẫn đường cho chúng sinh vượt qua vòng sân si u tối, đi tới
“biển phúc chan đầy”. Bắt đầu từ bài “Nguyện” (Viết năm 1965) này, hai chữ “hàm
thức” mang ý nghĩa “chúng sinh” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và thường kèm
theo những hạn hẹp cần hoằng hoá, khai mở “hàm thức mê man” (Bài “Nguyện”) rồi
“hàm thức còn say” (Bài “Cảm xúc chiều đông”), “thân hàm thức...” (bài “Học duy
thức”) và ... “Hàm thức ba nơi khôn trốn ẩn” (bài “Mưa”) v.v... Như vậy, qua
học tập kinh sách mà cái tôi của một người tu hành dần hoà quyện với cái ta của
hàm thức, đại chúng. Xác định rõ việc học của mình là “dong đuốc ... dẫn đường
cho hàm thức mê man ... đi tới” cũng là thức tỉnh cho chính bản thân mình.
Trong "Kinh Pháp Cú” Đức Phật từng dạy “chỉ có ta lầm điều tội lỗi, chỉ có
ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa sạch cho
ta”. Phật pháp mênh mông sâu thẳm biết nhường nào! Vì thế, càng học, người tu
hành cũng như người trần thế càng cảm thấy mình còn u tối, cần cố gằng gấp bội
phần. Bừng tỉnh sau giấc ngủ buổi trưa, nhà thơ của chúng ta viết:
Ngọ qua mà dạ vẫn chân không
(Bài “Tỉnh ngủ buổi trưa”, năm 1965)
Và đọc kinh “Pháp Bảo Đàn” mà
cảm thấy mình còn nhiều bỡ ngỡ!
Căng mắt nhìn theo tay trỏ
nguyệt
Chao ơi! Pháp giới thật bao la.
Kèm theo những vần thơ tỉnh
thức về những khó khăn, thử thách trong quá trình học tập, tác giả đã ghi lại
những lời Phật dạy mà đọc lên ai cũng thấm thía. Đức Phật dạy: “Người tu hành
như tuyên chiến cùng ma oán. Hai bên giáp trận chỉ có một cách là: Chiến thắng
thì đuổi được kẻ thù, thất bại thì sẽ bị kẻ thù giết chết” ... “Kẻ biết tự
trọng không bao giờ che dấy những lỗi lầm của mình. Những cái nhơ nhuốc trong
đời người đều bắt nguồn từ cái hoen ố nhỏ nhen”. Tuy vậy, những khó khăn thử
thách trong học tập là thuộc cái bản thể ở trong ta. Người biết tự trọng, có
chân tâm, vâng theo lời giáo huấn của đức Phật thì có thể tự mình kiên trì tu
tập, rèn luyện, sẽ đạt tới lý tưởng, dần dần tới cõi chân như, đốn ngộ. Còn
những thử thách, những cản trở của ngoại giới mới thực sự khắc nghiệt đối
với người tu hành. Tăng nhân – thi sĩ, tác giả của “Thiền môn thi ký” đã
gặp phải những điều khắc nghiệt ấy.
Tiếp sau những vần thơ thể hiện
đức kính kiên trì chăm chỉ học tập kinh sách là những vận thơ cay đắng mà đầy
bản lĩnh của một bậc chân tu trước cuộc đời dâu bể.
Từ năm 1965 trở đi, tình hình
chính trị, xã hội trên miền Bắc nước ta có nhiều biến động phúc tạp. Giặc Mỹ mở
rộng chiến tranh, mang bom đạn ra bắn phá các cơ sở quân sự, kinh tế, chính trị
trên toàn lãnh thổ. Cả những vùng dân cư, những nhà thờ Công giáo, những ngôi
chùa cảnh Phật..., chúng cũng không tha. Tất cả nhân tài, vật, lực của mọi miền
thành thị, thôn quê đều phải tập trung vào nhiệm vụ chống lại bọn ác ma xâm lược.
Thượng toạ Thích Viên Thành kể rằng: Vào thời gian này, việc học tập, rèn luyện
để hoằng hoá giáo pháp của ông gặp khó khăn, thử thách khắc nghiệt.
Ba bài thơ “Cảnh chiều”, “Cảm
xúc chiều đông” và “Từ giã chùa Cao Lá” ra đời giữa năm 1965 ghi lại khá chân
thực cảnh ngộ và nỗi lòng của con người trước những khó khăn, thử thách ấy:
Chiều đông cuồn cuộn nổi phong
hàn
Tôi đứng sườn non lệ chưa chan
Đau xót nhìn từng cây cỏ héo
Ngậm ngùi trông mỗi cánh hoa
tàn...
(Bài “Cảm xúc chiều đông”)
Ngoại cảnh là một bức tranh
thiên nhiên chiều mùa đông giá lạnh. Cỏ cây, hoa lá khắp núi rừng đang tàn,
héo. Tâm cảnh là một nỗi buồn tê tái.
Nhà thơ - Vị Tăng Nhân mười bốn
tuổi ấy đứng lặng trên núi cao, ròng ròng hai hàng lệ. Nhìn “từng cây cỏ héo”,
trong “mỗi cánh hoa tàn”, mà đau xót, ngậm ngùi, thương cỏ cây hoa lá đang chết
dần, tàn tạ dần trong những cơn “phong hàn” ác nghiệt của tạo hoá. Và ngậm
ngùi, đau xót hơn nữa là thương cho cảnh ngộ, thân phận của chính mình cũng
đang bơ vơ, đang bị dập vùi... trong cơn gió lạnh cuộc đời. Thiên nhiên và con
người hoà hợp. Ngoại giới và nội tâm hoà hợp. Đó là những câu thơ mang âm hưởng
Đường thi, thật đặc sắc. Đọc thơ Viên Thành, tôi chợt nhớ thơ Đỗ Phủ trong
bài “Thu hứng” nổi tiếng:
Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn lau hiu hắt khí thu loà
Lưng trời sóng gợn lòng sông
thẳm
Mặt nước mây ùn cửa ải xa
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình
nhà
(Bản dịch nôm của Nguyễn Công Trứ)
Bao trùm tất cả những dòng thơ
ấy là một tình thương, có một tấm lòng bao dung rộng lớn. Thương mình, thương
cỏ cây và ... thương đời, thương chúng sinh, hàm thức. Do đó, tuy câu thơ kế
tiếp có đôi chút đắng cay, nhưng tình người vẫn đôn hậu, ấm áp:
Trách đời sinh tử mau ly hợp
Thương cảnh luân hồi chóng tự
tan
Hàm thức còn say trong biển
nghiệp
Bao giờ chở hết tới nê hoàn ...?
Cảnh “luân hồi”, thân “hàm
thức”, và “biển nghiệp” ... được nhắc tới như muốn khái quát cái quy luật “khổ
hải” của kiếp nhân sinh mà Đức Phật từng chỉ dạy. Nhà thơ như muốn bỏ qua mọi
suy nghĩ nặng nề, truy tìm nguyên cứ mình bị đoạ đày, “trục xuất”, để bày tỏ
một cách nhìn, cách nghĩ bình tĩnh, theo sự vần xoay trong cái vô thường của
tạo hoá. Vì thế câu thơ kết “Hàm thức còn say trong biển nghiệp, bao giờ chở
hết tới nê hoàn” không bi thương, trái lại vẫn toát ra một mong muốn tích cực,
mong sao cho chúng sinh và bản thân mau chóng vượt qua “biển nghiệp” (Biển đời
oan nghiệt) để đến bến “nê hoàn” (Cõi Niết bàn, Cực Lạc giải thoát). Và người
tu hành trẻ tuổi ấy đã ra đi, chấp nhận thử thách, quyết tâm tìm về “Bảo sở”,
bước tiếp trên con đường mình đã lựa chọn:
Từ giã chùa Cao lúc sớm mai
Gánh kinh oằn oại chuyển trên
vai
Có vầng tuệ nhật soi từng bước
Bảo sở đường sang chắc chẳng dài
(Từ giã chùa Cao Lá)
Viết được những câu thơ mang âm
hưởng lạc quan kiên định như trên, chắc vị Thượng toạ tương lai đã tâm niệm
được sâu sắc lời Phật dạy, dạy rằng: “Này các Phật tử, các con là Phật sẽ
thành. Ta là Phật đã thành. Khởi được lòng tinh như vậy, đã là đầy đủ được giới
phẩm”. Và hẳn Người hằng tự nhắc mình ghi nhớ, noi theo câu ca của những
người dân bình thường Việt Nam thành tâm đi theo Phật đạo:
Ở đời muôn sự của chung
Phát tâm Bồ Tát bao dung muôn
loài...
Trong truyện cổ Phật giáo có
câu chuyện một vị Tôn giả trên đường hành đạo, hướng về “Bảo sở” đã phải
trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Có lúc Người tưởng ngã gục, đành bỏ dở sự
nghiệp giữa đường. Bỗng thấy hiện lên trước mặt một toà “Hoá thành” đồ sộ,
nguy nga như có ý mời rước kẻ lữ hành tạm nghỉ để ngày mai tiếp tục cuộc hành
hương. Tôn giả sung sướng dừng chân nghỉ rồi ngủ thiếp một giấc dài. Lúc tỉnh
dậy, toà lâu đài đã biến mất. Nhưng xung quanh cây cỏ tốt tươi, khí trời mát mẻ
vừng dương hồng hào, hoa nở ngào ngạt hương thơm, chim muông nô đùa, ca hót,
chào đón… Bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan hết. Trong lòng cảm thấy phơi phới, sức
lực dồi dào như ngày đầu cất bước, Tôn giả đứng dậy, tiếp tục lên đường. Thì ra
có một Thượng sư theo gót Người suốt chặng đường thử thách.
Để động viên, khích lệ đệ tử, Thượng Sư
đã hoá hiện ra thành giả. Sau khi nghỉ ngơi xong vị tôn giả lại tiếp tục cuộc
hành hướng… và cuộc hoàn hương của vị tôn giả ấy đã trọn vẹn… Đối với người tu
hành hậu sinh Thích Viên Thành, sau ngày giã biệt chùa Cao Lá, dấn thân trên
con đường gió bụi mặc dù mắt vẫn chăm chắm hướng về Bảo Sở, lòng vẫn một mực
trung trinh, nhưng chân tay rã rời, trí lực giảm suy. May sao, Phật tổ đã độ
trì, dẫn đường tới chùa Văn Quán, cho ngơi nghỉ ít ngày rồi cho đi hướng tới
Hương Sơn ổn định nơi chốn học hành, tu tập. Nghĩ lại chặng đường thử thách ấy
tăng nhân thi sĩ đã nhớ tới chuyện Phật để tự khích lệ mình. Tới làng Văn
Quán, Ngài có thơ về chùa Văn Quán:
Đương mỏi thì trông thấy Pháp
Tràng
Mấy tầng lầu các vẻ phong quang.
Chắc là Phật hoá ra cho nghỉ
Để khách hoàn hương đỡ vội vàng
Tới Hương Sơn, có thơ về Chùa
Hương:
Chao ôi đã được đến Hương Sơn
Trút hết bao nhiêu nỗi oán hờn
Mưa pháp, gió Từ nhuần thấm mát
Cõi lòng chan chứa một nguồn an.
(Bài “Buổi đầu đến Chùa Hương”)
Kể với tôi về hai bài thơ này
Thượng Toạ Viên Thành nói:
“Chùa Văn Quán là toà thành
tráng lệ, mà Thượng sư dẫn tôi vào cho tạm nghĩ để
chỉnh đốn lại hành trang, tâm tư, nghị lực. Còn Hương Sơn đích thực là Bảo sở,
là kho báu đất Phật giúp tôi trưởng thành”. Người đọc thơ biết rằng lúc này vị
Tăng sinh vẫn đang tuổi hoa niên kinh nghiệm sống chưa nhiều, vốn Phật pháp
chưa sâu nhưng hồn thơ thật phóng khoáng, tư thế con người đã chững chạc lắm
lắm. Mùa xuân năm sau (1966), người thi sĩ tuổi đôi tám tài hoa say Thiền đạo
ấy viết liền mấy bài thơ, tiêu biểu là bài “Lên chùa Tiên Sơn” và bài “Vịnh cây
thông”:
Giờ đây trên đỉnh nhìn tang hải
Mới biết phù sinh kiếp đoạ đầy.
Hai câu thơ phảng phất chất
Thiền, thâu tóm những quy luật tự nhiên và xã hội vào mấy chữ ngắn gọn “tang
hải” (Thanh hải biến ư tang điền. Biển sanh biến thành ruộng dâu), “phù sinh”
(kiếp người giống phù du trôi nổi, sớm sinh chiều thác. Đứng ở Tiên Sơn tự
(ngôi chùa của Tiên trên núi) cũng có ý nghĩa như đứng ở tầm cao thanh thản
nhất của tâm hồn và tư tưởng để nhìn đời, suy ngẫm, nên đã nghiệm được nhiều
điều thật thiết thực, ở bài “Vịnh cây thông”, cái tầm cao thanh thản ấy được
biểu hiện một cách khác:
Sống mấy trăm năm một cuộc đời
Mặc ai sầu héo cứ reo vui
Thân tuy đã dạn dày sương gió
Vẫn đứng hiên ngang tận đỉnh đổi
Ở bài “Lên chùa Tiên Sơn”, nhà
thơ nhận thức về thế giới khách quan. Đến bài “Vịnh cây thông”, từ thế giới
khách quan, mà khẳng định cái bản ngã chủ quan của mình. Hình tượng thơ mang ý
nghĩa ẩn dụ thú vị. Có nét hao hao hình tượng cây tùng trong một bài thơ khá
quen thuộc của Nguyễn Trãi:
…Tuyết sương thấy đã đặng nhiều
ngày
Nhà cả đôi phen chống khoẻ thay
Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
Dành còn để trợ dân này!...
(Bài “Tùng” thơ nôm Nguyễn Trãi)
“Phẩm chất thông” trong thơ
Viên Thành chưa đạt tới độ thâm sâu, hoàn thiện như “Tùng” trong thơ Nguyễn
Trãi. Tất nhiên, vì đấy đang là một người trẻ tuổi mới trải qua thử thách ban
đầu. Song dù sao tâm hồn và tư thế của “Thông – Viên – Thành” vẫn rất đẹp, đáng
trân trọng. Nó toát ra một niềm vui, niềm lạc quan, một thái độ tích cực trước
mọi sương gió cuộc đời, chứ không buồn chán, giá băng như “Cây thông - Nguyễn
Công Trứ” trong một bài thơ cũng rất quen thuộc của nhà thơ tài tử đầu thế kỷ
XIX:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà
reo
Giữa trời cành lá cheo leo
Vậy đấy, trong bốn năm từ tuổi
12 đến tuổi 16, nhà thơ - người tu hành vừa rèn luyện tu dưỡng, học tập, vừa
sáng tác thơ đều đặn. Mỗi bài là một bước đường phấn đấu kiên trì, bền bỉ,
quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để vươn tới, từng bước hướng về Bảo sở, Và
bước đầu, tuy chưa đạt tới sự đốn ngộ chân như, chính giác nhưng đã thắng lợi.
Thắng lợi về sự ổn định nơi tu hành, và cao hơn la sự thắng lợi trong bản thể
chân tâm. Sau bài :Cây thông”, tác giả ghi lại mấy lời Phật dạy như là để sơ
kết một chặng đường. Đức phật dạy rằng: “Những dũng tướng có thể chiến thắng
trăm trận, sức địch muôn người, nhưng không dễ gì chiến thắng nổi mình. Chỉ có
chiến thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Một cốt cách Tăng
nhân – thi sĩ đang dần bước tới chân như, mở rộng tâm hồn chia sẻ mọi nỗi niềm
với chúng sinh, hướng tới thánh đạo, chan hoà cùng thiên nhiên vũ trụ:
Từ năm 1967 trở khi, sau khi đã
tìm được “Bảo sở”, ổn định chốn tu hành tại chùa Hương Tích, chắc rằng vị Tăng
nhân Thích Viên Thành đã từng bước đi lên trong học tập, tu luyện bản thân cũng
như trong truyền bá giáo lý Phật đà. Và cũng chắc rằng, ông đã từng bước trưởng
thành trong phẩm bậc của Tăng sĩ. Chú tiểu đôi tám hoa niên dần dần được thụ
giáo để trở thành được một Tăng nhân vững vàng, chững chạc. Việc đời, việc đạo,
việc chùa…bộn bề, bận bịu nhưng vẫn chứa chan hứng khởi sáng tác thi ca. Số
lượng thơ được sáng tác từ 1967 – 1978, hơn 10 năm không dồi dào thường xuyên
như 4 năm trước, song chất lượng thơ đã vượt lên, đề tài mở rộng. Nhà thơ viết
về mình, về bạn bè, chúng sinh, về thánh nhân, anh hùng, thần Phật, về phong
cảnh thiên nhiên núi rừng, cây cỏ, về vũ trụ bao la. Chất Thiền và chất đời hoà
hợp tự nhiên hơn. Vừa sáng tác thơ nôm, vừa dịch thơ chữ Hán Đường thi. Nghệ
thuật cổ điển và hiện đại, vì thế cũng uyển chuyển hơn…
Đọc từ bài “Nhắn cụ Táo Quân
lên trời” được viết năm 1967, đến bài “Viếng sư thầy Đàm Thu chùa Phương Cù”
được viết năm 1978. Cuối tập thơ, người yêu thơ bắt gặp cuối cốt cách Tăng nhân
– thi sĩ hiển hiện nhiều nét đẹp.
Đường dẫn
tới cõi giác ngộ
Vẫn tiếp nối cái ý chí quyết
tâm ở những năm đầu mới cất bước, nhà thơ - người tu hành không ngơi nghỉ việc
học tập. Từng ngày, từng tháng, từng năm trưởng thành trong nhận thức, giác ngộ
đã được ghi lại thành những lời thơ hàm súc. Trước hết là tự thẩm định lại
bản thân mình:
Tam học (1) tuy tu tâm chửa tịnh
Ngũ trần (2) dẫu bớt dạ còn đam
Đàn – Ba – La - mật (3) từ nay
nguyện
Hạnh Phổ Hiền Vương quyết chí
làm.
(Bài “Tự trách”)
Đến nay phải thụ thân hàm thức
Bởi trước lầm mê tính Phật đà
Cho đến bây giờ tôi mới hiểu
Muôn hình chẳng lọt thức tâm ta.
(Bài “Học duy thức”)
Và sau đó tự chiêm nghiệm để
khẳng định bản chất, bản lĩnh của mình:
Hôm nay nghe được Cha hiền dạy
Mới biết trong mình ngọc vẫn
đeo.
(Bài” Lần đầu đọc kinh Pháp Hoa”)
Hình ảnh “trong mình ngọc vẫn
đeo”, thật đẹp, vừa nôm na, giản dị, dễ hiểu, vừa hàm súc, đa nghĩa, gợi những
liên tưởng, suy ngẫm sâu rộng. Phải chăng nhà thơ đã nhìn thấy Phật mãi mãi ở
trong lòng mình? Tâm tức Phật. Phật ở trong ta, chân lý Phật pháp thâm hậu,
uyên bác đã được nghệ thuật hoá bằng một hình ảnh thơ tươi tắn thật là tài hoa!
Từ sự khẳng định ngọc vẫn sáng
trong mình, Phật mãi ở trong ta, nhà thơ tự hào và mạnh dạn bộc lộ những nhận
thức, những giác ngộ khá vững vàng lẽ chân như, Phật pháp. Bài “Hoạ thơ Thức
Như”, bài “Nhắn bạn đồng tu nhân ngày thụ giới”, bài “Thăm miếu thần linh”… có
những câu thơ như tuyên ngôn về cách sống, rực sáng ngọn đuốc trí tuệ. Đặc sắc
nhất là bài “Họa thơ Thức Như:.
Sinh, tử ba đời do thức hiện
Thánh, phàm chín cõi bởi tâm ta…
…Người không ham dục sang hơn cả
Đời chẳng sân si sướng lắm mà
Phiền não chỉ còn vì sự nghiệp
chướng
Thanh cao nhờ ở cái “không ta”
Tu là cõi phúc, nên tu lấy
Nhắn nhủ cùng ai trẻ chí già.
Rõ ràng, những câu thơ như thế
vừa sâu sắc một chất Thiền, vừa mộc mạc, nhẹ nhõm chất đời, có ý nghĩa răn bảo,
giáo dục thiết thực đối với mọi người.
Mở rộng tâm
hồn chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng sinh, bạn hữu
Thiên chức vẻ vang của người tu
hành mà đức Phật từng dạy đệ tử là thụ giáo và truyền giáo. Do đó, ngay trong
những bài thơ thể hiện niềm vui của người đang bước dần tới chân như, ngộ đạo,
tác giả đã “Nhắn nhủ cùng ai trẻ chí già” hướng về “Thiền môn” học theo Phật
pháp đề hoà đồng cùng mình, chia sẻ mọi buồn vui, gột rửa mọi điều xấu xa, độc
ác, dối trá. Có tới mười bài thơ được viết đều đặn từ 1968 đến 1978 thể hiện
nội dung, cảm hứng mang tính chất nhân đạo, nhân văn này, như “Tiễn bạn”, “
Tặng ông bạn đông y”, “Gửi bạn đồng niên”, “Hoạ thơ Thức Như”, “Nhắc bạn đồng
tu..”, “Khuyên người đa tình” (2 bài) “Khuyên bạn đồng tu”..v.v... Thấy
người tốt thì ngợi ca, động viên để nêu gương tốt, cũng để cùng nhau hoằng
dương đại nghĩa, cứu đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét