Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Cảm hứng mùa xuân trên trang thơ An Giang

Cảm hứng mùa xuân 
trên trang thơ An Giang
Ba trăm sáu mươi lăm ngày nữa lại qua. Thời gian luôn có những bước đi mới trong chu kì tuần hoàn của tự nhiên, vũ trụ. Gió se se lạnh, nắng phơn phớt hồng, mưa rây rắc nhè nhẹ dẫn đất trời vào xuân. Lửa mùa xuân nhen lên, âm ỉ cháy trong từng mạch rễ, nhánh cây, cả trong hình hài biến ảo phù du của những đám mây…Mùa xuân cũng mang đến cho thơ ca nguồn cảm xúc dạt dào chẳng bao giờ vơi cạn, làm nên sự nở rộ cho khu vườn thơ xuân, cho tao đàn thi ca đất nước và thơ An Giang nói riêng.
Điểm qua những trang thơ xuân, từ các tuyển tập : Thơ tặng tháng giêng, Đi dưới trời xuân, Tầm xuân, Thơ xuân, Mùa xuân thơ, rượu và hoa, Cao vút những vần thơ và các số xuân của báo An Giang, của Tạp chí Thất Sơn từ 2006 đến nay đều thấy được sự hòa quyện tuyệt vời giữa cảm xúc, tình yêu thơ ca với sức sống mùa xuân tràn trề ; sự gặp gỡ giữa các chồi biếc, nụ hoa và những nụ cười trên môi bao người -  niềm hân hoan lẫn bồi hồi lắng đọng khi xuân sang, trước hiện thực cuộc sống đổi thay, phát triển từng ngày trên quê hương.
Nhà thơ Lý Thuận Khanh, cây bút "đại thụ" của câu lạc bộ Người cao tuổi An Giang, năm nào cũng làm thơ chào đón xuân, mừng Đảng, mừng đất nước. Một điều dễ nhận ra là hồn thơ không tuổi của các bậc cao niên luôn có sự hòa quyện giữa hồn thơ và hồn nước. Tiếng thơ của những người đã thất thập cổ lai hy mà vẫn luôn hào sảng trẻ trung :
Kỷ Sửu về, năm chuột đã qua
Ngàn vui đất mước đẹp mùa hoa
Việt Nam đổi mới vang lời hát
Thế giới ngợi mừng dậy tiếng ca
Mừng xuân Kỷ Sửu - (Thất Sơn xuân 2009)
Với đề tài mừng Đảng, mừng xuân, hình tượng đất nước như cánh chim đại bàng do Đảng chấp cánh bay lên, khẳng định bằng nhiều thành tựu đã mang đến cho thơ ca An Giang những vần thơ reo vui muôn điệu, những tình thơ phơi phới bay cùng quê hương khắp trăm miền:  
Đất nước phồn vinh tươi ý Đảng
Non sông giàu đẹp rạng lòng dân
Chen vai quốc tế mừng thêm bạn
Hội nhập toàn cầu - cao chén xuân.
Cao chén xuân - Trương Bá Diệp (Thất Sơn xuân 2007)
Mùa xuân đến là dịp để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, những giọt mồ hôi, công sức, trí tuệ bao người để lại trên mỗi bước đi. Thơ xuân An Giang nói đến thành tựu kiến thiết dựng xây đời no ấm của những con người mang nhịp tim trào dâng, khối óc tỉnh táo sẵn sàng đối mặt trước bao thử thách. Và trên tất cả, mọi thành quả đều là nhờ vào lòng dân, ý Đảng, cùng đưa đất nước tiến nhanh, tiến vững chắc vào tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc   
Tình Đảng dắt dìu ghi nghĩa cả
Lòng dân bảo bọc nhớ ơn sâu
Mừng xuân kiến thiết xây đời mới
Tổ quốc phồn vinh mãi đẹp giàu
Mừng xuân mới - Phạm Phùng Tu (Thất Sơn Xuân 09)
Cả đất nước là khu vườn xuân thênh thang. Cảm hứng thơ còn nói đến sức sống mùa xuân - như một nguồn chảy thông suốt, tuôn dạt dào khắp mọi miền trên dải đất chữ S thân yêu. Thơ của Tô Thanh Tâm, Trương Bá Diệp, Phạm Trùng Tu... chung nhau cảm hứng tự hào nhìn quê hương thay da đổi thịt, càng tri ân Đảng, càng tin yêu nhân dân, thêm yêu quý con người, thiên nhiên, cuộc sống quê nhà : Xuân về hoa nở, cành thêm xinh /Khúc hát quê hương đậm nghĩa tình! /Bảy núi vững bền nền đá cứng /Hai sông lai láng nước tràn kinh /Trăm người như một cùng chung sức/Triệu tấn lúa ngô luôn nảy sinh/Hạnh phúc, người người vui hát mãi /Lời ca vang vọng giữa thanh bình!. Khúc hát quê hương - Tô Thành Tâm (Thất Sơn xuân 2009)
Năm  2010 nước ta giành được nhiều thành tựu to lớn, những thắng lợi vang dội - thắng lợi trong sự nghiệp đưa đất nước vào hội nhập quốc tế toàn diện. Thơ Lý Thuận Khanh hào hứng ngợi ca đất nước thăng hoa, vận nước thế rồng bay : Ta đứng đây giữa bầu trời Tổ quốc /Nghe xuân về vũ trụ hát ca /Mừng Việt Nam rực rỡ thăng hoa /Ba mươi năm trên đường đổi mới /Việt Nam kiên cường đi tới /Với lòng dân, vận nước thế Rồng bay... Xuân Tân Mão, mùa xuân của đất nước, của Đảng quang vinh với 81 năm sắt son, đầy bản lĩnh sáng tạo vững vàng đưa dân tộc đi tới. Nhà thơ Lý Thuận Khanh gọi đó là Mùa xuân cộng lại của những mùa xuân. Tác giả tin tưởng khẳng định với đôi cánh mùa xuân, Đảng ta nhất định sẽ biến khả năng thành hiện thực để muôn đời đất nước mãi mãi là mùa xuân : Tân Mão ơi/ Sao Người đẹp lạ /Một mùa xuân cộng lại những mùa xuân /Có Đảng, Bác Hồ dẫn đường chỉ lối /Đã lớn mạnh rồi /Một Việt Nam anh dũng tuyệt vời -Việt Nam thăng hoa ngày mới - (Thất Sơn xuân 2011).
Nếu với các tác giả cao niên, cảm hứng thơ xuân thường khơi nguồn từ lòng tri ân sâu sắc và niềm tin yêu của nhân dân dành cho Đảng, từ niềm tự hào nhìn quê hương từng bước đi lên vào mỗi độ xuân sang, thì với thế hệ trung niên - các cây bút gạo cội của Hội Văn học nghệ thuật An Giang (như Trịnh Bửu Hoài, Trương Công Thuốt, Nguyễn Lập Em, Lê Thanh My...) thơ xuân của các anh chị thường tập trung vào chủ đề mùa xuân - tri ân tiền nhân, cha ông khai phá vùng đất Tây Nam; khát vọng xuân tình yêu ; xuân đoàn tụ; hình ảnh đất nước quê nhà tràn ngập sắc xuân...
Cảm thức về một mùa xuân yên bình lại đến với An Giang, nhà thơ Nguyễn Lập Em hoài niệm bao nỗi niềm về cha ông một thời mở mang vùng đất phương Nam cùng bao thế hệ nối tiếp giữ gìn, phát triển đất đai cho ngàn đời sau con cháu: Tôi, người hát rong, dõi cánh cò bay/ Dõi theo ngút ngàn nắng mưa/ Ngút ngàn phù sa /Ngút ngàn phèn chua, mồ hôi và nước mắt /Khúc ca xuân mặn chát/...Để xót bàn tay chai sạn cha tôi/ Lưỡi cày cắm lật từng thớ đất/ Cha chẳng đắn đo những điều được, mất/ Hạt đã gieo phải mọc lên mầm/...Mẹ cười được mùa, vai phơi áo bạc/ Gió bấc lao rao. Tết đến rộn ràng/...Tôi hát trên cánh đồng Tứ giác/ Ngợi ca mùa vui/...Ngợi ca màu xanh... Bài thơ Khúc ca xanh trên đồng Tứ giác Long Xuyên chở mang, trĩu nặng ân tình của Nguyễn Lập Em, chị thấm thía: để có được những thành công nhất định trong văn chương học thuật, làm nên những mùa vàng từ các sáng tác của chị và nhiều cây bút đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ trước hết cũng bắt đầu từ đây, sâu nặng nghĩa ân từ đây. Như một định luật tất yếu của cuộc đời, những nối tiếp thầm lặng chuyển giao vay -  trả, nhận - trao: Những lớp người mở đất / Lặng im hòa hơi thở đất đai/...Tiền nhân/ Hiện thân qua đất trời, sông núi...
Nhà thơ quá cố Trương Công Thuốt có bài thơ Mùa xuân một góc phương Nam, trong các khổ thơ đầu tác giả hướng bạn đọc nhớ về quá khứ, thời cha ông dựng nghiệp, đến khổ thơ cuối, trước thực tại mùa xuân đang đến, hình ảnh thơ khép lại đồng thời bừng mở ra những cảm xúc dạt dào, sảng khoái, ngây ngất trước xuân trù phú, yên bình hôm nay, để càng trân trọng, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, cả những người nông dân thầm lặng một nắng hai sương bao mùa nơi đồng ruộng :
An Giang - một góc phương Nam
Lúa trĩu, hoa nở, trái trong vườn chín bói
Đất trời rộng bỗng dưng ta, nhớ
Cha ông một thời liệt oanh.
Riêng nhà thơ Đức Ngân lại phơi phới hoà vào dòng người, dòng xe du xuân qua phố chợ, anh chợt nhận ra: niềm vui hạnh phúc giản đơn là được đón tết quê nhà và bất chợt cảm thương cho bao người xa xứ : Mùa xuân về hoa lá với thơ say /Tình đất, tình người xao lòng sâu nặng /Xứ sở quê mình hai mùa mưa nắng /Đâu quên tình cho người phải phương xa.../Sông Hậu chiều nay sóng vỗ hiền hoà /Hoa nở trên ghe kịp về bán tết /Chợ bến quê người xe đông nghịt /Má em hồng trong muôn sắc hoa xuân. Nhà thơ - chiến sĩ công an Đức Ngân say tình...xuân trên dòng sông Hậu hiền hòa. Anh phát hiện, tìm ra tứ thơ từ hình ảnh ... các cô gái má hồng sắc hoa xuân, nhưng phải chợ bến quê người để chở mang mùa xuân, hoa tết cho đời, làm đẹp, điểm tô bao sắc màu sinh động cho chợ nổi Long Xuyên - một hình tượng mùa xuân về rất riêng, đặc trưng của vùng quê hương sông nước Tây Nam bộ. Từ giọng thơ vui, ngọt ngào tha thiết, chuyển sang khổ thơ cuối như có chút gì day dứt. Hẳn là chúng ta đã làm được nhiều điều cho các mùa xuân qua, nhưng cũng sẽ còn khá nhiêu khê, bề bộn bao việc phải làm tiếp cho những xuân tới: Đường đi lên còn lắm gian truân /Ta vững bước trên đường xuân vươn tới /Bao trăn trở, bao lòng người mong đợi /Cho quê mình rạng rỡ những mùa xuân - Xuân về trên An Giang (Thất Sơn xuân 2007)
Tết đến còn là dịp để bày tỏ tình yêu thương với người thân gia đình, tác giả Ngô Cang có bài thơ Tết nhà quê viết tặng vợ. Trong niềm trân trọng, yêu thương có cả tình quê thi vị xen lẫn nỗi niềm suy tư về thời gian trôi, tuổi đời chất chồng, con người bôn ba mưu sinh. Thế nhưng, bao ưu phiền lo toan dường như rũ bỏ hết khi xuân sang, để cùng quây quần bên mâm cỗ đón tết nhà quê đầm ấm: 
Mệt nhoài áo cơm 
đôi khi cũng ngượng 
đôi khi thèm... lãng mạn với lơ mơ 
bỏ cuộc chơi, ta về quê cuốc ruộng 
cứ gieo trồng... nảy hạt những mầm thơ...
Chiều ba mươi 
quây quần bên mâm cỗ 
chén rượu nồng hứng thú tết nhà quê... 
Thư pháp thơ đề dăm câu nắn nót 
Cảnh nhà ta, hoa cỏ đẹp như tranh 
Ngó đàn chim bay cao cất tiếng hót 
Những ưu phiền thân phận... vụt tan nhanh!                                    
(Thất Sơn xuân 2006)
Mùa xuân - nỗi nhớ, khát vọng tình yêu cũng là đề tài thu hút, chi phối phần lớn các sáng tác thơ xuân An Giang.
 Chút lãng mạn nhớ thương khi xuân đến, được tác giả Trương Kỉnh Nhơn và Trúc Thanh Tâm thể hiện qua câu thơ lục bát mượt mà. Tình yêu mộng mơ của tuổi trẻ đan xen với tình quê trong trẻo. Hình ảnh thơ tuy không mới nhưng vẫn thu hút độc giả từ những cảm xúc đời thật, thân quen như ca dao : Xuân về lại nhớ người dưng : Bỗng nhiên lại nhớ người dưng /Mỗi khi khây khẩy gió xuân tràn về. /Người dưng đi giữa chiều quê /Bà ba áo lụa, tóc thề chấm vai /Gió đưa tà áo lắt lay /Ngẩn ngơ mấy gã con trai bên đường /Lời thương, tôi gởi lời thương /Giấu trong nỗi nhớ hoá tương tư rồi./Người dưng giờ mãi xa tôi /Xuân về tiếc nuối cái hồi xửa xưa. (Thất Sơn xuân 2006)
Trúc Thanh Tâm như ngây ngất trong tình yêu và tình xuân : Nhích đầu, dựa sát bên em /Thời gian rót mật, chiều quên nắng rồi /Giật mình, chiếc lá đang rơi /Anh và em giữa đất trời đang xuân. Đang xuân - Trúc Thanh Tâm (Thất Sơn xuân 2007)
Nhà thơ Anh Sắc lại nồng nhiệt : dang tay ôm cả trời xuân /Khi gió rong chơi khắp cả vùng. Để rồi sâu sắc cảm nhận chân giá trị của hạnh phúc : Nhận biết ngọt lành qua nắng lửa /Thay mùa ánh mắt chiều đông /Ánh mắt trao nhau những giọt hồng /Đời khô héo cũng nẩy mầm non /Bơi trong bão dữ tìm yên tĩnh /Về lại sân lòng lắng đục trong /Thời khắc của đợi mong /Điểm hẹn tình yêu và nụ hôn hy vong /Em mở tệp tin, đón thơ cháy bỏng /Nhận từ anh như tia chớp mặt trời!- Chấp cánh thơ xuân - Anh Sắc (Thất Sơn xuân 2007)
Trong bài thơ Đi bên mùa xuân, Lê Thanh My bày tỏ rằng mùa xuân là mùa yêu thương, đến gió xuân cũng rộng lòng tha hương. Tác giả cảm nhận được từng bước chân của nàng Xuân: Buổi sáng đôi chân bước vào hồn sỏi đá/ Nghe mùa thương đan níu gọi nhau về...Đi bên mùa yêu thương ai nỡ hờ hững, chẳng trải lòng: Em đã lẻn vào hồn ta từ ấy/ Một làn xuân vừa ngan ngát qua đây.
Cây bút trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ lại góp mặt vào khu vườn thơ xuân bằng những phát hiện tinh tế về vẻ đẹp, sức sống của một Chồi xuân. Chồi cây bật dậy giữa một thiên nhiên đất trời tràn ngập hương sắc tươi sáng và thanh âm mùa xuân trong trẻo: Cựa mình trong thớ vỏ/ Sớm nay một sắc xanh ngời/ Ủ từ phểu sương tay gió/ Chồi xuân nâng lộc chơi vơi.../ Tiếng chim chuyền cành lắt léo/ Rót vào trời đất bao la/ Mưa giêng lấm vàng áo cỏ/ Mùa xuân như gần như xa. Thơ Phú Thọ luôn mới mẻ, đầy tính khai phá trong kiếm tìm, xây dựng hình tượng ngôn ngữ riêng. Từ chỗ phát hiện vẻ đẹp cụ thể của thiên nhiên mùa xuân, câu thơ mở ra sự cảm nhận về sức sống mạnh mẽ, sức xuân tràn trề. Người đọc thật thú vị hòa mình vào những cung bậc cảm xúc mùa xuân nồng nàn, rạo rực trong lòng thi nhân: Xòe tay bung cơn gió mát/ Hương từ vạt đất trổ hoa/...Bướm gieo xuân về lối phố/ Ngõ tràn nghìn nếp mật thơm/ Gửi mùa một phong bao đỏ/ Chồi xuân biếc nụ xanh mơn.
Qua đây có thể thấy tự bao giờ mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, đánh thức những tâm hồn, ngòi bút tài hoa của biết bao thi nhân, mà người viết chắc rằng sẽ chẳng bao giờ có thể khám phá, giới thiệu đủ đầy. Duy một điều chắc chắn khẳng định được là từ khu vườn thơ xuân phong phú đa dạng này, thi đàn An Giang đã góp thêm và sẽ mãi góp tiếp những tiếng nói hóa thân, tự nguyện hiến tặng cho Mùa xuân vĩnh hằng của quê hương xứ sở.
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả. Các tuyển tập thơ, nhạc phổ thơ: Thơ tặng tháng giêng, Đi dưới trời xuân, Tầm xuân, Thơ xuân, Mùa xuân thơ, rượu và hoa, Cao vút những vần thơ. Hội Văn học nghệ thuật An Giang và Văn nghệ Châu Đốc. Từ 2005 đến 2011.
2. Các số xuân của báo An Giang, của Tạp chí Thất Sơn từ 2006 đến 2011. Hội Văn học nghệ thuật An Giang.
3. Quốc Chính. Bài viết Chào mừng 81 mùa xuân của Đảng. Thất Sơn xuân Tân mão 2011. Hội Văn học nghệ thuật An Giang.
Huỳnh Diệu 
Theo http://enews.agu.edu.vn/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...