Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Thương quê, nhớ mẹ,
chín chiều ruột đau!
(ca dao)
1.
Gà và Vịt đôi bạn thân, tuy dòng giống có khác nhau, nhưng cùng loài gia súc của
nhà Mụ Sáu. Có điều, Vịt bơi dưới nước cũng đặng, đi bộ trên đất cũng xong. Gà
thì bay nhảy mặt đất, té nước coi như toi mạng. Mỗi chiều, thường khi Gà, Vịt gặp
nhau trao đổi vài ba câu chuyện trong nhà, ngoài ngõ; rồi mạnh ai nấy kiếm chỗ
ngủ. Một hôm, Gà ra chiều bí mật, gọi Vịt:
– Hồi trưa, lui cui lượm cơm đổ qua khe bộ ván, tui nghe Mụ Sáu biểu con Hai lo
đồ cúng tam sanh vào lúc trời chạng vạng tối nay.
Vịt kêu cạc…cạc…mấy tiếng, vừa ỏng ẹo, vừa thắc mắc:
– Cúng tam sanh là cúng mần sao? Cúng nơi đâu, hỡi anh Gà trống – có bộ bộ sắc
màu quyến rũ?
Gà trống được Vịt Xiêm mái khen, cái mồng đỏ chót dựng ngược, chưn phải
cào xuống đất:
– Cúng tam sanh tại ngã ba bờ, còn cúng mần sao thời tui hổng biết. Muốn biết,
tụi mình rình coi cho biết.
Gà trống vươn vai, bước chưn mạnh mẽ, vỗ cánh bay lên cành tre mắt hướng về ngã
ba bờ. Trong lúc đó, Vịt Xiêm mái chưn đi hai hàng, đít sà sà, thân lạch bạch
và dừng lại mép ruộng trong nắng chiều nhờn nhợt trên ngọn tre.
Con Hai khệ nệ mang phẩm vật ra ngã ba bờ cùng Mụ Sáu cúng tam sanh. Tàu lá chuối
xé đôi, trãi ngay ngắn, phẩm vật gồm có: Một trứng hột vịt, một miếng thịt ba rọi,
một con tôm. Tất cả được luộc chín, vì sợ phảm vật sống sít thần ăn chọt bụng.
Cúng vái xong, hai má con ngoe ngoải trở vô nhà.
Mù sương bắt đầu giăng qua cánh đồng tháng chạp. Trời nhá nhen tối. Vịt Xiêm
mái bất chợt rùng mình rớt xuống mương ruộng, khi nghe tiếng cười khanh khách của
Thổ thần. Ngài đã đến. Ngài ngồi chễm chệ, mắt đờ đẫn, miệng nhai ngấu nghiến lễ
vật.
– Đứa nào lúp ló đó bây, đến ta biểu coi.
Tiếng của Ngài vang như tiếng trống đình, Gà trống sợ quíu đít, buông cánh rời
cành tre, rớt xuống đất nghe một cái bịch, dông mất. Vịt Xiêm mái chưn run cầm
cập, leo lên bờ.
Thổ thần vừa ăn tôm luộc, vừa phủ dụ Vịt Xiêm mái:
– Đừng sợ! Đừng sợ! Ta không hại mi đâu. Gà trống rủ mi đi coi cúng tam sanh,
lúc có chuyện bỏ mi chạy lấy thân. Bằng hữu như thế, người đời họ gọi là Gà
rót. Mi gặp ta cũng là cái duyên, có điều chi muốn xin, cứ nói.
Vịt Xiêm mái rút cổ, mọp đầu, nhắm mắt, không dám ngước lên nhìn Thổ thần. Thấy
thế, Thổ thần bảo: Ta nào phải Trời mà cấm ngó dung nhan, có dung nhan để muôn
loài ngắm, muôn loài không ngắm thì có dung nhan để mần chi? Chẳng qua, vì gieo
nghiệp ác, sợ muôn loài biết rõ dung nhan, sẽ nhớ thù, báo oán? Thôi, thời khắc
sắp hết, mi xin chi, nói!:
– Dạ! Con chẳng xin chi. Mọi thứ trong cuộc sống, con muốn tự mình lao động. Có
điều con muốn biết: Tam sanh là cái gì mà con người lễ cúng? Tại sao, Trời chọn
gà vào 12 con giáp tiêu biểu, còn chúng con thời không? Tình yêu ở chúng con ra
sao giữa thế gian đầy bất trắc?
– Mi hỏi nhiều, ta không đủ thì giờ giải đáp. Cho phép mi mở mắt ngó ta, mi sẽ
hiểu.
Vịt Xiêm mái mở mắt, một luồn khói xanh bay lên không trung. Bốn bề vắng ngắt!
Xưa nay, đầu vịt xả bỏ tất cả mọi điều, dù điều ấy có lợi. Vì thế, người đời
thường ví ”nước đổ đầu vịt”. Nhưng, lần nầy thì khác, những lời giải đáp của Thổ
thần bằng phép truyền âm tại óc, còn đọng lại trong đầu vịt. Nó hiểu thân phận
giống nòi, không thể thoát khỏi bàn tay Thượng đế!
Gió khuya xào xạc từng chập, từng hồi; có tiếng chuột ré lên đau đớn, bởi lén
lút mò vào ổ trứng bị gà mái ắp mổ thấu xương. Vịt Xiêm mái nằm nghĩ ngợi mông
lung, Gà trống đập cánh gáy rân canh một, bước ra sân và qua đống củi tìm Vịt
Xiêm mái. Mây che ánh trăng khi lu, khi tỏ; cảnh vật chìm vào sương khói, khiến
Gà trống xao lòng. Gà trống nhõng đuôi, xòe bộ lông sắc màu sặc sỡ, mỏ cắn lông
đầu Vịt, định …Vịt Xiêm mái bật tiếng kêu cạc…cạc…đứng dậy. Mồng Gà trống lắc
lư, xẻn lẻn và nói trớ:
– Tui tìm em để hỏi chuyện hồi chiều, Thổ thần có mần gì em không? Tui lo lắm!
Vịt Xiêm mái biết Gà trống xạo, muốn cưỡng bức mình giao phối, nhưng tỉnh rụi:
– Chẳng có chuyện gì, anh Gà trống ơi!
Gà trống bán tín, bán nghi:
Em nói không có chuyện gì, sao ở lâu đến thế?
Vịt Xiêm mái lấy mỏ dúi dúi vào mặt Gà trống.
– Anh ghen tui mần chi cho mệt. Tui với anh tuy bạn thân, cùng sống chung một
nhà; vui buồn chung một chổ và cũng bị người ăn thịt như nhau; nhưng anh không
thể ”mần ăn” với tui được. Bởi, trời bắt con c…anh teo lại khi lớn lên và anh
chỉ còn trứng dái. Anh chỉ ”mần ăn” với gà mái trên khô. Thượng đế ban cho loài
gà trống mái bộ phận sinh dục là cái lỗ huyệt; khi lấy nhau, 2 lỗ huyệt áp sát,
tinh trùng gà trống phọt ra chuyển vào đường sinh sản gà mái, thiên hạ gọi là
hôn lỗ huyệt.
Gà trống bị chiếu tướng, đứng xụi lơ cán cuốc. Được thể, Vịt Xiêm mái nói tiếp:
– Muốn ”mần ăn” với tui phải có con c…mà là con c…vừa cong, vừa xoắn. Anh chẳng
nghe người đời thường bảo:”cong như c…vịt” sao? Trên khô hay dưới nước, tui đều
”mần ăn” ngon cơm. Nếu không có con c…làm sao ”mần ăn” dưới nước. Vả lại, bản
tính tui khù khờ, chậm chạp, dễ bị cưỡng hiếp; nên Thượng đế cấu tao bộ phận
sinh dục phức tạp, chỉ có con c…cong xoắn mới chọt vào được; đồng thời, tui có
bản năng phản vệ: ngực tấn công, mông phòng thủ.
Như lời cảnh cáo Gà trống, Vịt Xiêm mái nghiêm sắc mặt.
– Mình con vật sống chung nhà, tui nói cho anh biết.
Gà trống cụt hứng, nhưng không hiểu nguyên nhân nào đêm nay Vịt Xiêm mái rành
chuyện như vậy. Thường ngày, gia chủ bảo ” xấu như vịt”, ”ngu như vịt”. Giờ thì
chẳng phải vậy rồi, nhìn kỹ nó không xấu, không ngu; nó đẹp và khôn hơn sức tưởng
tượng. Chỉ một buổi chiều thôi, sao nó thay đổi lạ lùng như vậy? Hay là, Thổ thần
đã truyền phép cho nó? Gà trống muốn trắc nghiệm sự hiểu biết của Vịt Xiêm mái
một lần nữa về việc cúng tam sanh, Vịt Xiêm mái nhớ lời truyền
âm giải đáp của Thổ thần, rằng: Tam sanh là 3 cảnh giới sống, trứng biểu tượng
trời, thịt ba rọi biểu tượng đất, tôm biểu tượng nước. Trời, đất, nước, chịu sự
cai quản của Thổ thần. Vậy, Thổ thần khác gì Thượng đế? Người cướp mạng sống
loài vật cúng tam sanh, để cầu bình an và tài lộc cho mình, Thượng đế chấp nhận
sao? Nếu chấp nhận, Thượng đế là đầu mối của bất công.
Đọc được tâm tư Vịt Xiêm mái, Thổ thần phán bảo: bụng dạ con người ra sao, ta
rành rọt. Vì vậy, có tam sanh thì có tam tai. Con người chịu tam tai, mi thời
không. Chu kỳ 12 con giáp, biểu tượng 12 năm. Lẻ là dương, chẵn là âm. Trong 12
năm đó, con người phải gánh 3 năm tai họa. Để giảm thiểu tam tai, người đời
cúng giải hạn và thực hiện theo lý số: Năm đầu, không khởi sự việc trọng đại.
Năm giữa, không dừng những việc đang thực hiện. Năm cuối, không kết thúc những
việc hệ trong đang làm. Ngay như năm Ất Mùi (2015), 3 tuổi gặp tam tai: Hợi, Mẹo,
Mùi. Cách nghĩ của mi chưa thực công bằng.
Nghe Vịt Xiêm mái nói, Gà trống phục sát đất, rổi ngẫm nghĩ: Mình từ trứng nở
thành con, vậy mình có thể bay – biểu tượng trời. Mình là cục thịt di động và
sinh sống trên mặt đất – biểu tượng đất. Người xé thịt mình trộn rau râm, chấm
muối ớt. Lúc nầy, Gà trống như ngộ ra: Vịt giống mà khác mình. Vịt sống dưới nước,
mình thì không. Người không xé, mà chặt thịt vịt, chấm nước mắm gừng. Khi sống
chung nhà, gà vịt không hợp, không hiểu nhau. Lúc bị người nhổ lông, cắt cổ và
chế biến thành thức ăn, cách ăn của người đối với mỗi con cũng có điểm khác,
nên miêng đờì thường bảo ”ông nói gà, bà nói vịt”. Ôi cõi nhân gian trăm điều rắc
rối!
Canh hai, Gà trống đập cánh gáy ò ó o…rồi xách đít chạy te te về chỗ cũ.
2.
Gà xứng đáng đứng hàng thứ 10 trong 12 con giáp. Năm đó, tổ tiên vịt chịu thua
gà. Bởi, gà hết lòng phục vụ trời đất, nhân quần, vạn vật chúng sinh bằng tiếng
gáy chính xác của mình. Gà báo thức và canh giữ thời gian, điều mà vịt không
làm được. Vịt vô tích sự. Cho hay, ở đời ai giúp ích cho vạn vật chúng sinh, cứu
nhân độ thế, trước sau gì cũng được tri ân. Nhược bằng, ác với vạn vật chúng
sinh, hại người hãm thế, dù là con trời, trước sau gì cũng bị trả báo. Miệng thế
gian bêu rếu nghìn năm.
Vịt Xiêm mái buồn tư lự, nhìn bầy con nửa trên bờ, nửa dưới nước đang đùa giỡn.
Ngày mai, phận chúng sẽ ra sao? Thượng đế từng bảo cách nghĩ của vịt chưa thực
công bằng? Nhưng thử hỏi Thượng đế, ngài tạo ra vịt, sao lại tập trung lo cho
người? Vợ chồng người thì ngài gọi là cầm sắt, tình bầu bạn người thì ngài gọi
là cầm kỳ…Ngài cho rằng: Dù hành động tội lỗi hay hành vi đạo đức, thì ở con
người vẫn có tình yêu vĩnh cửu bên trong.
Còn chúng tui, loài vịt chắc cũng phải có tình yệu chớ? Cũng có số
phận chớ? Không yêu, sao cho đạp mái? Không số phận, sao gia chủ không ăn thịt
vịt hôm nay mà đợi ngày mai? Người sinh, bịnh, lão, tử…ứng với 4 mùa xuân, hạ,
thu, đông…nguồn sống tâm linh bất tuyệt! Còn vịt, Thượng đế tính sao? Chẳng lẽ,
vịt có mặt ở trần gian là để cho người cắt cổ, nhổ lông, đánh chén? Hay tại vịt
không có nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý…mà Thượng đế ơi, muôn loài không có
tình yêu, thì vũ trụ nầy sẽ tan trong tích tắc!
Người có bà con, họ hàng. Vịt cũng có bà con, như: Ngan, Ngỗng, Thiên nga… họ
hàng. như: Sâm cầm, Gà nước, Chim lặn…Vịt Xiêm mái từ hôm gặp Thổ thần, đầu óc
đâm ra khan khác, biết cảm xúc, biết phải trái, biết đúng sai.
Người có năm bảy loại người, Vịt cũng có năm bảy loại vịt. Thản như, vịt tàu đẻ
rớt hột ngoài đồng, trong chuồng, không ấp trứng. Mặc trứng ra sao thì ra. Vô sự!
Vịt Mào, vịt Biển, vịt Mỏ nhọn…ăn xong, chẳng màng chỗ đã đến ăn.. Vịt trời bay
từng cặp, có khi từng bầy, rủ thêm Le Le, con Suốt…đêm về phá lúa, trả thù nông
dân gài bẫy, săn bắt chúng. Vịt Uyên Ương, Uyên là trống với bộ lông màu ngũ sắc,
mắt và mỏ đỏ. Ương là mái, tính tình nhanh nhẹn, dịu dàng. Dù là loài vịt di cư
từ miền băng tuyết, nhưng bản chất vịt thủy chung, hạnh phúc. Người đời, trân
quý, ngợi khen. Vịt Xiêm bay được trừ lúc thay lông. Dáng cục mịch, chưn đi 2
hàng, mặt ngốc nghếch, tính hài hước, thương chồng con. Đẻ bao trứng, ấp bao trứng.
Bảo vệ con lúc lâm nguy. Ân ái có chọn lựa, thích thì cho vịt đực ”mần ăn”,
không thích thì đố vịt đực nào ”mần ăn” được.
Đến bây giờ, Vịt Xiêm mái mới thấm thía về tình yêu. Khi Vịt Xiêm mái hỏi Thổ
thần về tình yêu, Thổ thần kiến giải:
– Tình yêu là một năng lực vô cùng hấp dẫn giữa giống cái và giống đực; giữa phổ
thông đến đại đồng. Nó đi từ vi thể cực nhỏ đến thực thể tối cao, và cũng chính
nó đẩy vũ trụ vận hành trở nên hòa điệu. Nòi giống con không thể thoát khỏi sự
hòa điệu ấy, vịt có tình yêu của vịt. Chưa chắc tình yêu loài người cao hơn
tình yêu loài vịt. Cái gì làm chỉ dấu, làm định lượng cho tình yêu? Tâm trời đất,
chính là Thiên mệnh. Đã là Thiên mênh, e khó thoát! Dù thiên hạ từng khuyến
khích” Xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Vậy là rõ rồi, dòng họ vịt ai cũng thuộc nằm lòng chuyện tình yêu ngang trái giữa
Vịt Lặn với Gà Trống Cồ, như một tấm gương răn dạy cho đời sau đừng mắc phải. Vịt
Xiêm mái đứng trước bầy con dưới gốc dừa, bùi ngùi kể
– Mùa đông năm ấy, tiết trời giá lạnh đóng băng mặt nước. Vịt Lặn đành lên bờ
kiếm ăn chung với bầy gà. Mọi thứ trên mặt đất đối với Vịt Lăn đều mới lạ, ngộ
nghĩnh và hấp dẫn. Trong đám gà choi choi đó, chàng Gà Trống Cồ hết lòng chăm
sóc, giúp đỡ nàng Vịt Lặn. Mỗi sáng, chàng Gà Trống Cồ chải chuốt bộ lông sắc
màu sặc sỡ, xòe đuôi đẹp như đuôi Công. Nàng Vịt Lặn mê tít thò lò, nàng đã khớp
đèn trước vẽ đẹp quyến rũ của chàng và quên thân phận mình cốt vịt. Chàng dìu
nàng đi kiếm ăn khi đói, dạo cảnh huê tình khi bóng nắng tắt ở bến sông. Thời
khắc bên nhau, Vịt Lặn không muốn trở về bản quán, không cam lòng rời chàng. Vịt
Lặn đã nhiều đêm tự hỏi: Ta yêu rồi chăng? Thượng đế không ngăn cấm gà vịt yêu
nhau, nhưng Thượng đế cấu tạo bộ phận sinh dục gà vịt khác nhau, thì khác nào
Thượng đế ngăn cấm. Trời đất có gì tuyệt đối? Mẹ Vịt Lặn khuyên nhủ con và khóc
hết nước mắt. Nàng nhất quyết yêu chàng, dù phải chịu hình phạt phân thây xẻ thịt
của đấng tối cao.
Hôm gặp con dưới tán Mận, mẹ nàng ôm con vào lòng:
– Con ơi, cánh hoa dù héo rụng cũng nên tìm đất sạch mà rụng. Gà không có c…mần
sao ân ái con? Tình yêu thế nào rồi cũng đến hồi kết thúc bằng sự thăng hoa
tình dục.
Nàng cười trấn an mẹ:
– Mẹ ơi! con mần sao thoát khỏi tử sinh, con mần sao xé toạt lưới ái tình? Cánh
hoa rụng cần gì đất sạch. Rồi, một ngày không xa, mẹ sẽ có cháu ngoại ”đầu
gà, đít vịt”. Con lạy mẹ, cho con được lựa chọn tình yêu. Con muốn thoát sợi
dây Thượng đế trói cột trái tim.
Hiểu rằng, không lay chuyển được lòng con. Mẹ nàng cảnh báo:
– Con làm một việc trái quy luật, con đang cãi trời.
Vịt Lặn cầm tay mẹ, khóe mắt rưng rưng:
– Xin mẹ!
Vịt Lặn say
đắm trong mê mụi. mỗi lần sánh bước bên chàng, trăm con mắt đổ dồn về phía nàng
trầm trồ, tán thưởng. Mỗi lần ôm ấp chàng, mân mê từng thớ thịt săn chắc, vuốt
ve cái cựa bén ngót và ôi, cái mồng đỏ của chàng đang giựt giựt đáng yêu quá!
Nàng cố bẹt đôi chưn ra hết cỡ, để chàng có thể úp sát cái lỗ huyệt của chàng nằm
chồng lên trên cửa động thiên đường. Trầy trật, hì hụp đứt hơi, chàng không thể
nào đạp mái được. Tuột xuống lưng nàng, mồ hôi chàng đổ ra như tắm. Nàng ê ẩm cả
mình, bực bội khó chịu bởi chàng chẳng ”mần ăn” gì được. Rồi nàng nghĩ: Cái đẹp
mã kia, cái bộ gió hùng dũng ấy, chẳng ăn nhập đến bản lĩnh giống đực.
Rồi ngày qua ngày, cái mê vì khớp đèn buổi đầu tiên ấy, tỉnh dần…tỉnh dần. Nàng
nhận ra điều phi lý, khi tự nguyện gửi thân cho Gà Trống Cồ. Trực giác và duy cảm
của nàng đã đánh lừa nàng. Than ôi! biết bao phận đời từng rơi vào cảnh ngộ như
nàng?
Chuyện Vịt Lặn lấy Gà Trống Cồ, bỏ cội nguồn nòi giống lan truyền khắp xứ. Việc
làm đó trái đạo trời. Và, trời đã nhân danh cái đạo lý riêng mình, giao cho con
người được quyền thiến dái Gà Trống Cồ. Riêng nàng Vịt Lặn, bị trừng phạt thành
Chim Vịt truyền kiếp. Chim Vịt bị đày biệt xứ, cắt đứt cộng đồng vịt, không được
kêu tiếng kêu mẹ đẻ: Cạc…cạc..cạc….chỉ kêu tên tộc của mình: Vịt…vịt…vịt…trong
những chiều cô quạnh nhớ mẹ. nhớ cố hương. Dân gian tội và thương Chim Vịt,
cũng là thương và tội cho thân phận chính mình.
Thỉnh thoảng, Thổ thần hiện lên ngồi ở ngã ba bờ lẫm bẫm: Lời cạn, tượng sâu!
Vịt…vịt…vịt…tiếng Chim Vịt kêu chiều, buồn rã ruột!.
Cuối năm 2014
CAO THỊ HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét