Tiếng vạc kêu sương
Loài Vạc (Nycticorax), có người gọi là Hạc, là động vật có
cánh, một loài chim thuộc họ Diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm.
Tiếng Vạc kêu sương (*) nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc,
một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người
bạn tình phương xa. Não nề lắm! Tiếng Vạc kêu trong đêm vắng, kêu trong làn
sương lạnh lùng, sao lại không buồn?
Cố NS Trịnh Công Sơn đã ví mình
“Như Cánh Vạc Bay” với niềm trăn trở: “Nơi em về ngày vui không em,
nơi em về trời xanh không em? Ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước
long lanh”. Mình buồn thì buồn nhưng vẫn
mong cho người hưởng trọn niềm vui. Cao thượng lắm!.
Như cánh vạc bay
Trịnh Công Sơn - Guitar Thanh Trang
Tương tự, ngày xưa Thánh Gioan
Tẩy Giả cũng đã ví mình là “Tiếng Kêu Trong Sa Mạc”. Cũng buồn. Cũng lạc loài.
Nhưng nỗi buồn của Ngôn sứ này không ảo não như “tiếng kêu” của đời thường.
Vâng, có lẽ vì vậy mà Chúa Nhật III Mùa Vọng có màu Tím nhưng mang sắc Hồng,
bâng khuâng mong chờ nhưng vẫn hân hoan hy vọng – gọi là Chúa Nhật Vui (Gaudete
Sundae), còn Mùa Chay có Chúa Nhật IV là Chúa Nhật Mừng (Laetare Sundae).
Thiết tưởng cũng nên biết rằng
Vòng Nến Mùa Vọng (Adventkranz) bắt đầu xuất hiện cách nay khoảng 150 năm, do
sáng kiến của mục sư Tin Lành Johann Heinrich Wichern ở Hamburg (Đức).
Bốn ngọn nến tượng trưng cho
[1] Hòa Bình, [2] Niềm Tin, [3] Tình Yêu, và [4] Hy Vọng. Thế giới hiếm khi
không có chiến tranh, giữa người với người cũng vẫn thiếu sự hòa thuận, dù là
những người trong cùng một gia đình. Ngọn nến Hòa Bình cứ mờ dần, chỉ còn leo lét,
rồi… tắt. Cũng vậy, thế giới ngày nay đang mất dần niềm tin, coi niềm tin
tôn giáo là xa xỉ phẩm, thậm chí còn bị phỉ báng hoặc bị bách hại. Ngọn nến
Niềm Tin cứ tắt dần, tỏa ra làn khói trắng luyến tiếc. Tương tự, người ta cũng
không cần ngọn nến Tình Yêu nên không muốn thắp sáng ngọn nến này nữa. Những
người thân ruột thịt với nhau mà còn thổi tắt ngọn nến này thì nó làm sao tỏa
sáng? Ba ngọn nến kia tắt hết, chỉ còn ngọn nến Hy Vọng vẫn sáng, dù ánh sáng
yếu ớt, le lói…!
Ít ra cũng còn ngọn nến Hy Vọng.
Cuộc sống này luôn cần ngọn nến này, dù các ngọn nến Hòa Bình, Niềm Tin và
Tình Yêu đã tắt. Tại sao? Ngọn nến cần thiết vì chính ngọn nến Hy Vọng
(đức Cậy) sẽ đủ sức thắp sáng ba ngọn nến kia. Vâng đó cũng là triết lý sống
của Mùa Vọng, mùa đợi trông Đấng Cứu Thế. Hãy cố gắng ghi nhớ và thực hành theo
lời khuyên của Thánh LM Don Bosco: “Càng khốn khó thì càng phải
tin cậy vào Thiên Chúa”.
Ai biết tin cậy vào Ngài là
biết hạ mình, tự nhận mình bé nhỏ, chắc chắn Ngài sẽ xót thương và cứu vớt.
Ngôn sứ Isaia nói: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa
Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Is
61:1-2). Công lý rất cần được tôn
trọng, vì có công lý thì mới có hòa bình đích thực. Và rồi thế cờ hoàn toàn đảo
ngược.
Niềm vui nối tiếp nỗi mừng,
tăng vọt bất ngờ khi có Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia cho biết:“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức
Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược
cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61:10-11). Không trang phục nào quý giá bằng chiếc áo
Hồng-Ân-Cứu-Độ và áo choàng Chính-Trực-Công-Minh.
Đức Maria là một thôn nữ đơn
nghèo, là một nữ tỳ khiêm hạ, nhưng lại trở nên một con người vĩ đại nhất. sau
khi Bà Chị Êlidabét chúc mừng Cô Em Maria được làm Mẹ Thiên Chúa, Thôn Nữ Maria
đã không thể trì hoãn cái sự sung sướng hạnh phúc thánh đức đó, nên đã đã thốt
lên bài Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức
Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ
hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh
chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc
1:46-50).
Thiên Chúa chí minh luôn bảo vệ
công lý, và Ngài cũng luôn có cách hành động khác hẳn so với phàm nhân: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy
dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:53). Tuyệt vời quá, từ bi quá!
Cuộc đời chúng ta là Mùa Vọng
kéo dài, không ai biết mình đang ở “tuần” thứ mấy của Mùa-Vọng-Cuộc-Đời, nhưng
có lúc chúng ta cảm thấy vui mừng như tâm tình của Chúa Nhật hôm nay, vui mừng
vì chúng ta sắp về đích. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là
điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ
khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ,
còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:16-22).
Được vậy thì sẽ được Thiên Chúa
chúc lành như ước mong của Thánh Phaolô: “Nguyện chính Thiên Chúa là
nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn
và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành:
Người sẽ thực hiện điều đó” (1 Tx 5:23-24). Ước gì chúng ta xứng đáng lãnh nhận ơn phúc như vậy!
Mùa Vọng là mùa mong đợi, bao
hàm ý nghĩa “đến” của Chúa Giêsu – Adventus. Trước khi Chúa Giêsu đến, có một
người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông không phải là ánh sáng, nhưng
ông đến làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Tin Mừng hôm nay
nói tới “Lời Chứng” của ông Gioan (Ga 1:6-8,19-28; tương đương ở Mt 3:1-12; Mc
1:1-8; Lc 3:1-18).
Khi người Do-thái từ Giêrusalem
cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi xem ông là ai. Ông tuyên bố thẳng thắn
và nói ngay: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Nhưng họ không tin, và họ lại hỏi ông như
thế là thế nào, có phải Gioan là Êlia không. Ngớ ngẩn hết sức. Gioan mà sao lại
là Êlia? Ông Gioan một mức xác nhận là “không phải”. Họ lại hỏi ông có phải là
vị ngôn sứ hay không. Ông dứt khoát là “không”. Họ cứ lải nhải hỏi mãi, dai
nhách như đỉa đói, vì họ có nhiệm vụ đi dò la tin tức để về báo cáo với cấp
trên. Động thái của những người có ác ý đó nhắc nhở chúng ta về động thái cố
chấp, thấy nhãn tiền mà vẫn không muốn tin. Hãy coi chừng: Không tin thì nhẹ tội hơn không
muốn tin!
Họ nài ép ông Gioan nói về
chính mình, ông không hề ấp úng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để
Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Hôm đó, trong số họ có mấy người thuộc phái Pharisêu, những kẻ
chuyên “thọc gậy bánh xe”. Họ đặt vấn đề với ông Gioan rằng nếu ông không phải
là Đấng Kitô, không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ thì sao lại làm phép rửa.
Ông Gioan lắc đầu vì chán cái đầu bã đậu của tụi này, rồi ông cười: “Tôi đây làm phép rửa trong
nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến
sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Một ngôn sứ lớn, “nhịp cầu” nối Cựu Ước và
Tân Ước, nhưng lại khiêm nhường quá. Điều này gợi nhớ câu nói khác của Thánh
“trưởng lão” Gioan: “Người phải nổi bật lên, còn
thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:30). Câu này chỉ có Tin Mừng theo Thánh Gioan ghi lại, còn các Phúc
Âm nhất lãm không ghi. Câu này quen “thu gọn” cho dễ nhớ: “Người phải lớn lên, tôi phải
nhỏ lại”.
Kinh Thánh cho biết địa điểm đã
xảy ra vụ này ở tại Bêtania, bên kia sông Giođan, chính nơi ông Gioan đã làm
phép rửa cho Chúa Giêsu. Thảo nào bè lũ Pharisêu và Sađốc quỷ quyệt thật, muốn
“gài bẫy” người khác ngay nơi xảy ra sự việc. Chúng ta cũng có những lần đã
từng ma mãnh như vậy vì muốn “hạ gục” người khác đấy. Tuy nhiên, mọi chứng cớ
gian xảo đều không thể nào “bóp méo” sự thật!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết “thu nhỏ” trước người
khác, chấp nhận là cánh vạc kêu sương vì Danh Đức Giêsu Kitô, vì sự thiện, vì
công lý, vì sự thật, vì lợi ích của tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
(*) Điển tích: Thôi Hộ là danh sĩ đời Trung Ðường, diện mạo
khôi ngô, thích làm bạn với sách vở. Trên đường lên kinh ứng thí giữa tiết
Thanh Minh, mọi người đang vui hội Ðạp Thanh (giẫm lên bãi cỏ xanh). Khi đi
ngang qua vườn hoa đào tuyệt đẹp, chàng dừng lại ngắm và xin nước uống, một mỹ
nhân duyên dáng ra mở cửa. Nàng mời trà, chàng đón nhận. Ðôi tay vô tình chạm
nhau, nàng thẹn thùng cúi mặt, má ửng hồng, chàng cũng bồi hồi, ngượng nghịu.
Gặp nhau không lâu nhưng cả hai thấy tâm đầu ý hợp, quyến luyến nhau. Thôi Hộ
phải đi vì công danh sự nghiệp, Phụng Trinh đứng dưới gốc đào ngơ ngẩn nhìn
theo…
Năm sau, vào ngày hội du xuân, chàng nho sinh nhớ người con gái đã
khiến chàng dệt bao mộng đẹp. Chàng tìm đến vườn đào để thăm. Bước vội vã hân
hoan của chàng khựng lại khi thấy cửa đóng then cài, cảnh cũ còn mà người xưa
vắng bóng. Chàng buồn bã nhìn hoa đào nở tươi trong gió xuân mà bùi ngùi niềm
cô quạnh. Chàng thờ thẫn đau lòng khi nghĩ nàng đã theo chồng. Quá thất vọng,
chàng thảo bốn câu thơ trên cửa cổng, ghi lại tâm tư sầu nhớ ngậm ngùi của
mình.
Chiều đến, nàng cùng cha trở về, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu
thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng xúc động khi biết rõ tình cảm nhớ
mong của chàng ẩn chứa trong đó. Nàng buồn bã hối tiếc không về kịp để gặp lại
chàng. Ngày qua ngày nàng tựa gốc đào tha thiết mong đợi và hy vọng nho sĩ
phong nhã năm xưa trở lại. Thời gian cứ trôi, cánh chim bạt gió cất tiếng kêu
thảm thiết não nùng vì lẻ bạn khiến lòng nàng tê tái. Cứ hết hè lại thu sang,
đông qua rồi xuân về, nỗi nhớ nhung nung nấu khiến lệ trào khóe mắt, bóng chàng
vẫn biền biệt. Nàng tuyệt vọng, bỏ ăn, bỏ ngủ, thân xác tiều tụy, dung nhan võ
vàng.
Người cha lo tìm thầy giỏi chữa trị cho nàng. Làm gì có thuốc trị
bệnh tương tư! Biết mình kiệt sức không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự
của mình cho cha nghe và xin cha tha tội bất hiếu. Người cha xúc động thương
cho phận bạc của con gái. Nhìn con nằm lịm trên giường bệnh chờ đợi tử thần,
ông nóng lòng đứng ngồi không yên. Ông nghĩ đến chàng thư sinh, chỉ có người ấy
mới có thể cứu sống con gái. Vừa ra khỏi cổng, ông găp ngay một chàng thư sinh tuấn
tú. Thấy ông già đi như chạy, chàng vội thăm hỏi. Ông kể lể sự tình…
Nhận ra nhau, hai người vội chạy vào nhà, nhưng cũng là lúc Phụng
Trinh trút hơi thở cuối cùng. Chàng xúc động quỳ xuống, cầm tay nàng, úp mặt
vào mặt nàng vừa khóc nức nở vừa kêu tên nàng thảm thiết. Tiếng kêu bi thương
như lay hồn nàng thức tỉnh, và những giọt nước mắt nóng hổi của tình yêu nhỏ
xuống mặt nàng khiến nàng hồi sinh. Nàng mở mắt nhìn chàng và nở một nụ cười
sung sướng. Ðào Bạch Phụng bằng lòng cho Phụng Trinh và Thôi Hộ nên duyên cầm
sắt.
Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét