Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều
dài khoảng 41.900 km. Theo thống kê có 112 con sông đổ ra biển. Hải Đăng xin giới
thiệu 12 dòng sông có cảnh quan đẹp và có những dấu ấn trong lịch sử Việt Nam.
1. Sông Hồng
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km.
Sông Hồng còn có các tên gọi khác như Hồng Hà, hay sông Cái (người Pháp đã phiên tên gọi này thành Song-Koï). Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Nguyên Giang, đoạn đầu nguồn có tên là Lễ Xã Giang. Đoạn từ chảy qua Phú Thọ gọi là Sông Thao, đoạn qua Hà Nội còn gọi là Nhĩ Hà hoặc Nhị Hà. Sử Việt còn ghi sông với tên Phú Lương.
2. Sông Đà
Sông Đà, còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.
Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km². Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Trong một số tiếng châu Âu, sông Đà được dịch là sông Đen (tiếng Anh: Black River; tiếng Pháp: rivière Noire).
3. Sông Bạch Đằng
Sông Bạch Đằng, còn gọi là Bạch Đằng Giang, hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình.
Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan quân Tống xâm lược, Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).
4. Sông Gianh
Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672).
5. Sông Bến Hải
Sông Bến Hải hay Rào Thanh là một con sông tại miền Trung Việt Nam. Sông này bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc từ tây sang đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Bến Hải là một địa danh ở thượng lưu sông, nên tên sông Bến Hải lấy từ địa danh này. Sông Bến Hải chảy cách biển khoảng 20 km thì nhận một phụ lưu là sông Sa Lung bên tả ngạn. Hai con sông hợp lưu chảy tiếp ra Biển Đông, qua một làng ở bờ bắc có tên là Minh Lương nên được gọi là sông Minh Lương.
Sông có tổng chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam và Bắc Việt Nam trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Về mặt địa lý thì sông nằm nhích xuống phía nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève quy định đây là giới tuyến phi quân sự tạm thời vào năm 1954.
6. Sông Hương
Sông Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị xã: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đều thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam.
Sông Hương được cho là rất đẹp khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và khi nó chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới. Con sông chảy chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Nó từng là nguồn cảm xúc của du khách khi họ đi thuyền dọc theo dòng sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống.
Cùng với núi Ngự Bình, là sông Hương một thắng cảnh thiên nhiên ở Huế. Từ lâu, núi Ngự và sông Hương đã được coi là những biểu tượng của Huế, Huế thường được gọi là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.
7. Sông Sêrêpôk
Sêrêpôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông. Tính từ chỗ hợp lưu của sông Krông Ana, sông Krông Nô tới cửa sông nó dài 406 km, trong đó đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 126 km, đoạn chảy qua Campuchia dài khoảng 281 km.
Sông Serepôk dài 406 km và có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H'linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... là những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.
8. Sông Đà Rằng
Sông Đà Rằng (phần thượng lưu gọi là Sông Ba, Ea Pa, Ia Pa) là một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ chữ "Ea Rarang" từ tiếng Chăm.
Sông dài 374 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, tây bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao 1.549 mét, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, KBang, Đắk Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa Sơn Hòa và Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phó Tuy Hòa.
Sông Đà Rằng và núi Nhạn là hai biểu tượng của tỉnh Phú Yên.
9. Sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai là con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài 586 km (364 dặm) và lưu vực 38.600 km².
Đồng Nai nguyên tên phiên âm tiếng Miên là "Nông-nại". Đây là vùng đất Chân Lạp người Việt vào khai phá trước tiên.
Theo sách cổ Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức thì sông còn có tên là "sông Phước Long" vì gọi tên theo phủ Phước Long cũ.
10.
Sông Sài Gòn
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực Lộc Ninh (Biên giới VN-
Campuchia), tỉnh Bình Phước chảy qua địa phận giữa 2 tỉnh tỉnh Tây Ninh và Bình
Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện
Nhà Bè và gọi là sông
Nhà Bè (tức là dòng hợp lưu của hai sông Đồng Nai và Sài Gòn).
Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy
dọc trên địa phận thành phố dài khoảng 80 km, có lưu lượng trung bình vào
khoảng 54 m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu có chỗ tới
20 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km².
11. Sông Vàm Cỏ Đông
Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống
sông Đồng Nai.
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn tư vùng đồi núi bên lãnh thổ
Campuchia chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, Tây Ninh, rồi
qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh). Và đi
vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và
kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ và đi ra biển Đông.
Trong cuộc chiến chống Pháp,
nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy trận đánh đốt tàu Hy Vọng của thực dân
Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Trong chiến tranh Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra
nhiều trận đánh ác liệt.
Sông này nổi tiếng với bài hát cùng tên là bài "Vàm Cỏ
Đông" (sáng tác: Trương Quang Lục, thơ: Hoài Vũ), "Lên ngàn"
(sáng tác: Hoàng Việt).
12. Sông Cửu Long
Sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang là tên gọi chung cho các phân
lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam.
Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông
Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông
(sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực
đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220–250 km mỗi
sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông
Cửu Long.
Lưu lượng hai sông này
rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và
chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp đồng bằng Nam Bộ.
Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét