Chuyện nàng Kiều - Giao hưởng số 7
của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Vnmusic lược trích từ cuốn
sách Giao hưởng một đời người (tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu, xuất bản:
Viện Âm nhạc, 2007) phần giới thiệu giao hưởng số 7 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Chuyện nàng Kiều là giao hưởng đồ sộ nhất của Nguyễn Văn
Nam, đồ sộ cả về độ dài (gồm 6 chương) cũng như về “khối lượng” âm sắc (biên chế
dàn nhạc ba quản được bổ sung harpe, piano, các nhạc cụ dân tộc - tì bà, sênh sứa,
trống đế - và giọng nữ trung mezzo soprano lĩnh xướng cùng hợp xướng nữ).
Bên cạnh tiêu đề Số phận, chương I (Andante espressivo)
còn được gắn thêm câu lục bát mở đầu Truyện Kiều mà ai ai cũng thuộc:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Câu chuyện bắt đầu bằng giọng mezzo soprano cất lên trên nền
chồng âm mang màu ngũ cung “h-e-fis-a”, ngâm ngợi và day dứt, kể mà như hỏi lại
đời:
Ngày xưa, nhớ ngày xưa có nàng Kiều
Mà cuộc đời đoạn trường gian truân
Rằng sắc tài nàng đều vẹn toàn
Mà sao số kiếp nỗi niềm chất đầy oan khúc.
Mà cuộc đời đoạn trường gian truân
Rằng sắc tài nàng đều vẹn toàn
Mà sao số kiếp nỗi niềm chất đầy oan khúc.
Màu sắc dân tộc ở đây phụ thuộc rất nhiều vào cách hát khép
miệng, cách nhả chữ ém hơi, ngân nga nhấn nhá trong họng sao cho ra chất Ca
trù. Chậm rãi trầm tư trên các quãng 4, 5 và 8 đúng, câu hát bất ngờ căng thẳng
vút lên ở từ “oan khúc”
Câu hỏi chênh vênh đó được đáp lại ngay bằng nét nhạc đi xuống
liền bậc nặng nề như tiếng chân của định mệnh.
Mượt mà, da diết ở âm khu cao của violon, chủ đề “ngày xưa” vừa
được nâng đỡ bởi giai điệu phụ họa của alto, vừa bị “đeo dính” với motif “định
mệnh”. Trong những sóng phát triển tiếp theo, “ngày xưa” vẫn không thoát ra khỏi
“định mệnh”, rõ ràng sự nghiệt ngã cứ bám riết cuộc đời Kiều. Có lúc định mệnh
không còn là bước chân đe dọa ngấm ngầm, mà lộ diện trong âm sắc dữ dằn của bộ
gõ và piano với cách dùng nắm tay đập vào những phím trầm nhất.
Ngay sau chủ đề “ngày xưa”, hình tượng Kiều được tiếp tục khắc
họa với lời ca “trăm năm trong cõi người ta…” ở giọng nữ trung vẫn theo cái
cách đã gặp trước đó, nghĩa là phối khí rất thoáng, giai điệu chính được hỗ trợ
bằng bè phụ họa và âm nền lồng các quãng 4 và 5 “h-e-fis”. Trong hơi hướng điệu
sa mạc, chất Bắc càng đậm đặc hơn với những nét luyến láy và bước nhảy các
quãng 7 và 8.
Lắng dần trong âm sắc kèn hautbois rồi đến cor, motif “ngày
xưa” vừa khép lại hình ảnh dịu dàng của Kiều, thì câu chuyện cuốn ngay vào đợt
sóng phát triển mới. Sự đối kháng bùng dậy trong đường nét giai điệu đi lên pha
màu sắc oán Nam bộ ở dàn dây, sau pha thêm âm sắc gỗ, cộng với tiết tấu chùm ba
(triolet) thôi thúc ở bộ đồng và bộ gõ. Lúc này định mệnh đã ra tay giáng một
cú đánh thực sự. Motif “định mệnh” đẩy kịch tính lên đỉnh điểm với thủ pháp diễn
tấu quen thuộc của Nguyễn Văn Nam: dây vê đều (trémolo), đồng kéo dài, gỗ láy rền
(trillo), trong khi nhạc cụ gõ và piano thô bạo nện trên cùng một âm hình tiết
tấu, rồi tất cả cùng lúc đột ngột ngắt tiếng.
Motif “ngày xưa” thoáng trở lại dưới hình thức canon hai bè
và lập tức cuốn vào vòng xoáy bất an của cuộc đấu tranh nội tâm. Cơn bão lòng từ
bộ dây trào dâng tới các bộ gỗ, đồng và gõ. Tiếng khóc than ở âm khu cao của
kèn trompette độc tấu pha trộn cả hai nét nhạc “trăm năm” và “ngày xưa” trong nỗi
đau khôn cùng.
Sau cao trào chính, motif “định mệnh” không còn mang vẻ dữ dằn
căng thẳng nữa, nó hòa hợp để biến thành một phần không thể thiếu trong hình tượng
Kiều, như bất hạnh cũng là một phần làm nên một đời người. Hình ảnh Kiều lại lần
nữa hiện lên với motif “trăm năm” dịu dàng trong âm sắc gỗ, mềm mại trong những
nét thêu lướt của đồng bằng Bắc bộ, rồi hướng tới motif “ngày xưa” ở bộ dây.
“Ngày xưa” còn tiếp tục ngâm ngợi lần lượt ở các âm sắc nhạc
cụ solo khác nhau: gỗ, cor, violoncelle, cor anglais, alto. Cuối cùng trống định
âm timbales lại đưa dẫn trở về motif “định mệnh”. Thế đấy, định mệnh vẫn bao
quanh hình tượng Kiều, âm ỉ đeo đẳng cuộc đời nàng. Trong khi tất cả chìm dần
vào chồng âm “h-d-e-fis” thì piccolo khẽ khàng đay quãng 2 thứ “h2-c3”, buông
lơi câu hỏi về phận người, về chân lí.
Mà biết hỏi ai đây, hỏi trời hay tự hỏi mình?
Nghe chương I giao hưởng Chuyện nàng Kiều tại đây.
Chương I là nghịch cảnh giữa hiếu - tình, giữa tài - mệnh, tất
cả gói gọn trong một phận người. Chưa đủ! Tác giả muốn dành thêm cả chương II đẩy
cao hơn nữa tính khái quát, tính triết lí trong mối quan hệ giữa các thế lực đối
kháng. Đây không còn là nỗi oan trái nhất thời trong hoàn cảnh cá biệt, mà là sự
đối kháng muôn đời không thỏa hiệp giữa chính - tà, thiện - ác. Vì thế chương
II (Allegro non troppo) mang tiêu đề Thiện ác đối đầu viết ở hình thức
sonate không phải là chương chậm theo lệ thường, mà giữ vai trò không khác gì một
chương mở đầu liên khúc, thậm chí kịch tính còn quyết liệt hơn so với chương I Số
phận.
Hành khúc của cái ác khởi đầu bằng tiết tấu của trống timbales.
“Hiện thân” cho sự tàn bạo, lạnh lùng, khó nắm bắt, chủ đề 1 dồn dập nhấn ngắt
trên những quãng 2 và các biến âm. Giai điệu zíc-zắc đi lên ở bộ dây được đáp lại
bằng tiết tấu căng thẳng của bộ gõ và sau nữa còn được hưởng ứng bằng chuỗi âm
thô cứng của bộ đồng. Nếu nói đến ảnh hưởng của Schostakovitch trong tính kịch ở
giao hưởng Nguyễn Văn Nam, thì đây sẽ là một trong những thí dụ khá rõ nét.
Chủ đề 2 - cái thiện dịu dàng mềm mại trong âm sắc kèn
hautbois, tiếp đến flûte. Kiều là một đại diện cụ thể cho cái thiện, nên chủ đề
thiện được bắt nguồn từ motif “ngày xưa” của Kiều, cũng nhấn nhiều vào bước lấy
đà quãng 5 đúng “h1-fis2”, nhưng sau đó không đi theo âm điệu sa mạc mà chuyển
sang màu oán Nam bộ. Với cách phối khí thoáng theo kiểu hòa tấu thính phòng và
luôn thay đổi âm sắc, chủ đề 2 phát triển trong sự hòa quyện rất tự nhiên vào
nét nhạc “ngày xưa” để hoàn chỉnh hình tượng cái đẹp, cái tâm, cái thiện.
Thiện - ác cứ thế luân phiên xuất hiện trong những đợt sóng
liên tiếp nối nhau thoái trào. Hành khúc bạo lực biến đổi nhiều về âm hình tiết
tấu nhưng vẫn dữ dằn nhấn vào những quãng 2, vẫn căng thẳng với những biến âm
và đường nét giai điệu đi lên. Cũng có lúc trở lại với nét nhạc ban đầu, cái ác
xen vào giữa các épisode của thiện, dựng lên bức rào đối tỉ ngăn cách các “ốc đảo”
của sự dịu hiền bao dung. Còn hình tượng thiện phát triển mỗi lúc một đậm hơn
chất dân ca Nam bộ trong những câu ngâm ngợi lúc ở nhạc cụ solo, lúc ở giọng nữ
hát ru “ơ à”.
Chủ đề 2 xuất hiện trước trong phần tái hiện đảo và rút ngắn.
Với hình thức canon hai bè trên âm nền quãng 5, thiện vẫn được thể hiện bằng
cách phối khí thoáng theo phong cách hòa tấu cổ truyền, trái ngược với âm lượng
dày đặc của ác trong chủ đề 1. Không còn lộng quyền như trước, nhưng cái ác lúc
này cũng không bỏ lỡ cơ hội biểu dương lực lượng trong sự lặp lại quãng 4 tăng
“d-gis”, một sự căng thẳng không được giải tỏa.
Một hồi trống “bắc cầu” đưa dẫn sang khúc tưởng niệm trầm mặc
của bộ dây. Trên âm nền quãng 4 quãng 5 của dàn dây vang lên cùng lúc giai điệu
ru “ơ à” ở kèn hautbois và motif “câu hỏi” đay lại những quãng 2 ở violon độc tấu.
Câu hỏi muôn thuở về số phận chìm dần vào chồng âm bất ổn “ais-h-fis”.
Nghe chương 2 giao hưởng Chuyện nàng Kiều tại đây
Chương I cho thấy một nàng Kiều đẹp ở sắc, chương II nhấn mạnh
vào nét đẹp trong tâm, còn chương III (Adagio - Con récitativo) mang tiêu đề Cung
đàn bạc mệnh tiếp tục mở ra khía cạnh khác cho nhân vật chính, một nàng Kiều
tài ba, một nét đẹp không thuộc hình thức hay tính cách con người, ấy là cái đẹp
của nghệ thuật.
Lách cách tiếng phách mở màn, điểm thêm vài nhịp trống đế
khơi dậy bầu không khí một chầu hát Ả đào. Violoncelle “thủ vai” đàn đáy với lối
búng (pizzicato molto vibraphone) bắt chước cách nhấn vuốt và rung của đàn đáy.
Bè violon đắm say thay tiếng hát đào nương.
Nét nhạc “đàn đáy” được nhắc lại ở âm sắc gỗ rồi dây và chuyển
rất êm sang motif “ngày xưa”. Và đây, nhân vật chính xuất hiện. Nhấn nhá, rung,
lướt, láy trên âm điệu ngũ cung không bán âm rất gần với dân ca đồng bằng Bắc bộ,
giai điệu của cây đàn tì bà gợi lại hình ảnh đầy nữ tính, nền nã, không khoa
trương của Kiều. Tất cả lặng im trong đoạn độc thoại để âm sắc của tì bà không
bị lấn át, chỉ sau đó mới hòa thêm câu phụ họa của “đàn đáy” ở bè alto và
violoncelle.
Motif “ngày xưa” đầy thương cảm trong âm sắc kèn hautbois, rồi
trở nên đau đớn mãnh liệt trong âm sắc đồng. Phối khí cũng chuyển dần từ thoáng
nhẹ theo lối hòa tấu thính phòng sang dày đặc bè bối và âm sắc tổng hợp. Tiếng
phách và chuông chùa dẫn dắt cho flûte rồi đến cor anglais nhắc lại giai điệu của
tì bà trước đây. Sự đan chen các bè giai điệu đã xóa nhòa ranh giới giữa phần
phát triển với phần tái hiện co ngắn trong khuôn khổ vài nhịp kết.
Trở lại cuộc hát Ả đào với tiếng đàn đáy trong âm sắc
violoncelle độc tấu hòa quyện cùng tiếng hát đào nương trong âm sắc violon. Tì
bà khẽ khàng “nói” lời cuối cùng trước khi chương nhạc tắt lặng trong chồng âm
quãng 5 đúng “cis-gis”.
Nghe chương 3 giao hưởng Chuyện nàng Kiều tại đây.
Chương IV (Andante maestoso) mang tiêu đề Ơn đền nghĩa
trả bắt đầu bằng màn diễn tấu của bộ gõ. Chất dân gian khỏe khoắn dứt
khoát đã tạo nên một Từ Hải sôi nổi, rõ ràng, không phức tạp, đầy nam tính.
Giai điệu cài lẩn trên những quãng nhảy liên tiếp, sự chuyển động linh hoạt
không ngừng, thang âm ngũ cung không bán âm mang đậm không gian đồng bằng Bắc bộ…
tất cả những điểm đó khá quen thuộc như đã từng gặp trong chương scherzo của
các giao hưởng số 5 và số 6, nghe là biết liền đích thị nhạc của ông Nguyễn Văn
Nam!.
Chủ đề “ngày xưa” ngâm ngợi cất lên trong âm sắc đồng và nối
tiếp ở dây. Cao trào của nét nhạc fanfare nhấn mạnh vào những bước nhảy quãng 4
quãng 5 tạo cơ hội cho cái ác lộ diện. Lại một cuộc đụng độ mới giữa hai thái cực
thiện - ác và số phận nghiệt ngã nhất định không chịu buông tha nàng Kiều.
Canon hai bè (trombone và tuba) trên motif “ngày xưa” nối liền với motif “định
mệnh”. Cùng lúc đó chủ đề “ngày xưa” rộng mở bi tráng trong âm sắc trompette.
Tính kịch được đẩy lên tới đỉnh điểm trong cái chết đứng của người hùng dân dã.
Sau những nhịp đồng tấu (tutti) dữ dội, một số nhạc cụ vẫn tiếp
tục căng thẳng đi đồng âm và cùng dừng lại trên nốt “đô” (âm chính của chủ đề Từ
Hải). Tiếng chuông đơn độc bay xa dần và từ xa xăm vọng lại motif “ngày xưa”
cũng đơn độc trong âm sắc kèn cor.
Hình ảnh Từ Hải được tái hiện ngắn gọn trong sự tăng dần âm sắc,
lần lượt bổ sung thêm các nhạc cụ dây, gỗ, đồng. Vẫn sôi nổi, tự tin, mộc mạc,
hình ảnh người anh hùng ấy còn sống mãi trong lòng người ở lại.
Nghe chương IV giao hưởng Chuyện nàng Kiều tại đây.
Tính cách chủ đề chính gần gũi với scherzo, nhưng thực ra
chương IV miêu tả cảnh “chết đứng” đầy kịch tính của người hùng không giữ vai
trò “scherzo đích thực”. Tác giả dường như vẫn thấy thiêu thiếu nếu bỏ qua một
chương scherzo đúng nghĩa. Thế là chương V (Allegretto Scherzando) Interlude trở
thành một khúc “đệm” mang lại vài phút thư giãn theo “tinh thần” câu thơ trích
dẫn từ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
Mua vui cũng được một vài trống canh
Trung thành với phong cách scherzo của Nguyễn Văn Nam, chủ đề
chính ở đây gần với chủ đề Từ Hải ở chương IV, cũng mang chất dân vũ với giai
điệu lẩn khuất trên những quãng nhảy và lối diễn tấu staccato. Không khí dân dã
đầy ắp trong giai điệu luân phiên các nhạc cụ gỗ độc tấu và trong bè đệm do dàn
dây búng (pizz) trì tục chồng âm “d-a-h”.
Phối khí mang tính hòa tấu thính phòng nhiều hơn và hướng tới
sự tinh tế trong chọn lựa âm sắc nhạc cụ. Vai trò chính luôn thuộc về bộ gỗ và
bộ dây, sự tô điểm của nhạc cụ gõ cũng rất đáng kể, còn nhạc cụ đồng thường chỉ
góp mặt trong đỉnh điểm các đợt sóng phát triển. Không phô trương âm lượng, có
những lúc chỉ còn một hai nhạc cụ diễn tấu, chẳng hạn như gần hai chục nhịp đối
thoại nhỏ to của flûte độc tấu cùng sênh sứa, sau đó cùng clarinette, rồi được
thế chỗ bởi cor anglais.
Phần tái hiện được rút ngắn trong một câu nhạc và vẫn giữ âm
sắc nhạc cụ gỗ độc tấu (cor anglais và basson). Chương nhạc kết thúc lặng lẽ bằng
motif “câu hỏi” trên quãng 2 đi lên. Câu hỏi lửng lơ đã xuất hiện cuối chương I
và chương II đến đây vẫn tiếp tục lơ lửng trên những chồng âm bất ổn
“h-c-cis-e-eis-fis-g”.
Trong chương final, nhạc sĩ muốn nhấn mạnh giá trị vĩnh hằng
của cái tâm cái thiện cho dù ở đời những con người thiện tâm luôn chịu thiệt
thòi, thậm chí còn bị vùi dập. Anh định đặt tiêu đề cho chương này bằng một câu
thơ “nhái” cụ Nguyễn Du: “Chữ tài chữ mệnh không bằng chữ tâm”. Nghĩ đi nghĩ lại
thấy chưa ổn, lo đám “sĩ phu Bắc Hà” trách anh cả gan sửa cả thơ đại văn hào
nên anh lại hì hụi mở cuốn Kiều ra tra cứu. Và đây, bên cạnh tiêu đề Đoạn
trường bất tử, chương VI (Adagio - Allegro vivace) còn được dẫn thêm câu thơ mà
với anh là cả một chân lí cho đạo làm người:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Chương cuối bắt đầu bằng giai điệu suy tư cất lên từ dàn dây,
chứa đựng nỗi băn khoăn trăn trở với câu hỏi về sự đời.
Trong quá trình phát triển chủ đề suy tư có thể bắt gặp dấu vết
một loạt motif của các chương trước: câu hát “ơ à” của hình tượng thiện trong
chương II [thí dụ 12], motif “định mệnh” [thí dụ 13] và “ngày xưa” của
chương I [thí dụ 14].
Cao trào của chủ đề suy tư kết thúc đồng âm ở nốt ré để chuyển
tiếp một cách tự nhiên qua đoạn Allegro vivace hoàn toàn trái ngược về tính
cách. Nét nhạc ngũ cung không bán âm đậm chất dân ca Bắc bộ mở ra một không
gian hội hè rộn rã. Trong tuyến giai điệu phát triển dồn dập lại thấp thoáng những
nét nhạc quen thuộc: quãng 2 đi lên của motif “câu hỏi”, những bước lần xuống của
“định mệnh”, thậm chí đỉnh điểm cao trào còn nhấn vào nét nhạc “f2-g2-f2-as2”
giống như đảo ảnh chiều dọc của mở đầu chủ đề ác “d1-cis1-d1-h”.
Canon hai bè giữa âm sắc đồng và gỗ biến motif “ngày xưa” từ
giọng kể thâm trầm thành tiếng kêu thống thiết. Chủ đề “ngày xưa” dịu dần và dĩ
nhiên vẫn bị “bám đuôi” bởi motif “định mệnh”. Phảng phất lối hát thơ Lục Vân
Tiên của Nam bộ, câu hát của giọng nữ trung “Thiện căn ở tại lòng ta…” đơn độc
vang lên trên nốt “rê” trì tục (pédale) ở bè dây.
Chủ đề chính của chương cuối trở lại với hợp xướng nữ cùng giọng
lĩnh xướng, lúc này vẻ suy tư đã biến thành khúc ngợi ca cái đẹp thánh thiện.
Hành khúc niềm tin vào giá trị vĩnh hằng của thiện tâm rộng mở trong âm hưởng của
toàn dàn nhạc cùng hợp xướng và kết ở chồng âm quãng 5 “des-as-es-b”, trong khi
đó piano lấp đầy 12 bán cung bằng lối diễn tấu “kì cục”: tay phải trémolo ở âm
khu trầm tạo hiệu quả của nhạc cụ gõ, các ngón dính sát nhau, lòng bàn tay úp
xuống vỗ lên các phím đen, cạnh bàn tay phía ngón cái đánh vào các phím trắng.
Sau một loạt “kết lịm” của các chương trước, cái kết huy
hoàng của chương final đã khẳng định thế mạnh của cái thiện. Mặc dù đây là điểm
hội tụ nhiều motif của các chương trước, nhưng riêng bộ mặt của cái ác không lộ
diện rõ ràng trong chương cuối, mà chỉ ẩn náu trong sự “đay nghiến” các quãng
2, giống như một câu hỏi chẳng dễ gì lí giải. Chương kết mang tính khái quát về
triết lí sự đời của chính tác giả nhiều hơn là câu chuyện cụ thể về số phận một
người đàn bà tài sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét