Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Đà Lạt - Một buổi chiều tìm lại cảnh xưa

 Đà Lạt - Một buổi chiều tìm lại cảnh xưa!
Được nghỉ Tết rảnh rỗi, quăng xe đạp lên ôtô, tôi trốn lên Đà Lạt một thời gian. Một buổi chiều tha thẩn ngang dọc Đà Lạt bằng xe đạp, chụp hình bằng con Blackberry, để tìm về những cảnh cũ, những kỷ niệm mà ngày xưa dì vẫn dẫn anh chị em tôi ngang dọc Đà Lạt những ngày đầu xuân.
Nhà ngoại tôi ở Thái Phiên, gần hồ Than Thở. Thái Phiên là tên làng, nhưng nay đã được đổi tên thành phường 9. Tên Thái Phiên chỉ còn ở trong các tạp chí Heritage hoặc Travel, và ở cái cổng chào đầu làng “Làng hoa Thái Phiên” để minh chứng cho một làng chuyên trồng hoa và những gì được viết trong Heritage là đúng!
Dắt xe, khoá cửa, bắt đầu đạp. Ngày xưa đường trước nhà ngoại tôi chỉ là đường đất, đến cuối gần ngã 3 có một nhúm đá hộc 4×6, chắc lúc đó do mưa xói mất đi đất. Tôi ghét nhúm đá đó nhất, mất đi sự đồng bộ của cả con đường đất. Nhưng giờ đây đường đã trải nhựa ngon lành, mượt đến độ Ferrari có thể vào tận cửa!
Đến ngã 3 tôi rẽ trái, tìm cái sân patin ngày xưa, nhưng bây giờ đã thành vườn trồng hoa. Cái sân patin ngày đó là nơi tập trung “trẻ trâu”, và tôi cũng là một con trâu trong đó. Nhưng con trâu tôi trượt patin rất lành nghề. Cũng phải vì suốt năm lớp 8, 9 mỗi khi được nghỉ tiết là cả đám học trò lại kéo nhau vào Tao Đàn tập patin. Đến khi sân Hoàng Long ra đời (trong khu nhà văn hoá thể thao Lao Động) thì trình độ trượt patin của tôi đã lên mức hoàn chỉnh, đi lui đi tới đi ngang, đi bằng 2 bánh trước sau, nhảy nhót tưng tưng đủ cả! Xứ mù thằng chuột làm vua, thế là tôi “làm chủ” sân patin Thái Phiên đó. Thế là bắt đầu lọt vào mắt các em gái. Cũng nắm tay dắt đi, em đi ngược, a đi xuôi, rất là điệu nghệ! Những “con trâu trẻ” khác bắt đầu thấy ngứa mắt, đứng ngoài sân mà mắt cứ sòng sọc. May sao có vài chú công an, và ông anh tôi cũng thuộc loại “quen biết trong giới” nên tôi vẫn bình an! Đứng nhìn “sàn diễn” của mình gần 15 năm trước, giờ là luống hoa, luống rau, cảm giác thật lạ!!!
Tiếp tục ra chợ. Ngày xưa mỗi dịp xuân về là chợ Thái Phiên nhộn nhịp hội chợ. Hằng đêm có pede (cho phép tôi dùng từ này vì ngày xưa tôi vẫn gọi thế!) ca hát và xổ lô tô rất vui. Tôi vẫn còn nhớ như in câu hát “lô cà ra cà ra con mấy con mấy vậy ta…” và hàng loạt các bài hát được chế lại rất nhuần nhuyễn để kết thúc là một con số, ví dụ “ba là cây nến hồng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, 3 ngọn nến lung linh, con số chín là con số chín…”. Nhưng mấy năm nay, dường như văn hoá thưởng thức của người ta đã thay đổi, không còn lô tô pê đê hát như xưa nữa, căn chợ chiều ngày đầu năm đìu hiu vắng vẻ như tờ. 
Tiếp tục đạp ra hồ Than Thở. Ngày xưa từ nhà ngoại tôi có đường tắt ra hồ Than Thở, con đường mà dì tôi hay dẫn anh chị em tôi mỗi khi đi về trễ, để save time. Mỗi lần đi chơi về tối, đi ngang qua con đường tắt ven hồ, khi gặp người đi ngược lại dì tôi đều thở phào “gặp người rồi”, hỏi mãi hoá ra dì tôi sợ ma, người ta hay nói ma giấu người khi đi qua khu hẻo lánh này. Làm lũ nhóc chúng tôi sợ lạnh cả lưng, cố đi cho lẹ. Những buổi chiều chạng vạng, những gốc cây khô tạo nên những hình thù kỳ dị. Thời gian đó tôi hay bị chó cắn, nên toàn nhìn ra đó là mấy con chó Bergie. Hồ Than Thở giờ đây không còn hoang sơ nữa, du lịch đã đến nơi, rào lại, bán vé, thu tiền. Trên hồ thấp thoáng những con vịt cho dân du lịch đạp, hàng rào ngăn lại như xé toạc một mảnh đồi!
Cổng vào khu du lịch hồ Than Thở
Tiếp tục thả dốc hồ Than Thở chạy ra trung tâm Đà Lạt. Đi ngang ga, tôi không dừng lại vì mấy ngày trước đã ghé thăm rồi. Ga Đà Lạt giờ đây là điểm đến du lịch, có một tàu du lịch nhỏ đưa khách từ ga đi Trại Mát. Theo quảng cáo, ngồi trên xe lửa cổ này sẽ cảm nhận được lịch sử và có cơ hội ngắm nhìn Đà Lạt qua khung cửa toa xe xưa. Nhưng tôi thì thấy ngoài những mảng vườn, đồi, còn có cả … rác. 
Cũng đến Hồ Xuân Hương, men theo hồ, hít thở không khí mát lạnh trời chiều. Đạp lên khu Hoà Bình. Rạp chiếu phim vẫn còn đấy, nhưng chằng chịt banner, biểu ngữ những lời sáo rỗng. Mất dấu những tấm áp phích phim vẽ bằng tay khi xưa, tuy không lung linh, không rực rỡ nhưng nó chứa đựng cả cái hồn người nghệ sĩ trong mỗi tấm áp phích phim đó.
Rạp chiếu phim Đà Lạt
Tôi đạp vòng theo rạp phim, chợ đồ cũ đã được dời đi nơi khác. Cái chợ dù cho tôi ít lui tới, nhưng vẫn có kỷ niệm vì có lần anh tôi dẫn tôi len lỏi qua cái chợ này, từ lúc đó tôi phát hiện mình có thể kiếm được nhiều thứ hay ho với giá rẻ rề. Đến lúc tôi nhận ra nó hay ho thì cũng là lúc tôi ít lên ĐL, và mỗi lần lên tôi lại chìm vào những club, quán xá, cafe, … Đi dạo xe đạp, chợt nhận ra mình từng thích thú nơi đây, nhưng giờ đây chợ cũ chỉ còn là bãi xi măng nham nhở!.
Chợ đồ cũ, nay đã được dời đi cách đó khoảng 200m
Tiếp tục ra khu Hoà Bình, phía sau nhà hát ngày xưa là nơi tập trung xe ôm và xe lam. Xe ôm chủ yếu là Simson hoặc Minsk. Giờ đây toàn là Honda với slogan “Tôi yêu Việt Nam … đồng”, và taxi. Ngày xưa xe cộ rất khó khăn. Đi chơi về trễ, phải năn nỉ bác tài xe lam, trả thêm tiền để chở về Thái Phiên. Tôi vẫn còn nhớ như in sau khi mua một cây pháo bông, lên xe lam hí hửng về đến nhà thì phát hiện rớt toàn bộ tiền lì xì, tổng cộng gần 100k (thời điểm năm 94, 95 gì đấy). Khóc hu hu, thế là mấy chị thương góp lại lì xì cho thằng em được 30k. (mấy chị thiệt dễ thương).
Tiếp tục vòng về ấp Ánh Sáng. Con đường đặc biệt này nhỏ, dốc và được trải đá. Cái con đường nhỏ đấy có rất nhiều quán bán bún bò, mì quãng, phở, … Giờ đây một phía của đường dốc lát đá ấy đã bị giải toả, kèm theo đó là một con đường mới, song song với 4 làn xe chạy. Hy vọng Đà Lạt vẫn giữ lại con đường lát đá cùng cái tên ấp Ánh Sáng này.
Một phía con đường đã bị giải toả và san bằng
Một người buôn thúng bán bưng ở ấp Ánh Sáng.
Ảnh ấp Ánh Sáng khi chưa giải tỏa. 
Hình thành viên hienmtd@vnphoto.net
Trời đã về chiều, không khí bắt đầu lạnh. Tôi vẫn mặc một áo thun mỏng te và phăm phăm đạp về phía cuối hồ Xuân Hương để ngắm hoàng hôn trải dài trên mặt hồ. Bất chợt một chiếc cano lọt vào khung ngắm, định bụng chờ nó out khỏi rồi mới chụp, nhưng thôi kệ, đừng ném vào quá khứ viên đá, tương lai sẽ không bắn bạn bằng viên đại bác, nhưng cũng nên ném vào quá khứ một chiếc cano để ý thức được rằng dù cho lâu lâu thả rông cảm xúc một chút hoài niệm, nhưng phải nhanh chóng tỉnh lại để sống cho hôm nay, ngày mai … 
Theo https://hochihieu.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...