Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Đà Lạt yêu dấu quá khứ và hiện tại

 Đà Lạt yêu dấu quá khứ và hiện tại
Đà Lạt không có phượng vỹ, không có tiếng ve. Hè Đà Lạt buổi chiều trời hay mưa. Mưa cả thành phố.
Mưa lai rai, rả rích. Mưa ồn ào rồi chợt nắng. Mưa Đà Lạt luôn chia sẻ với các vùng miền cả nước khi có bão giông …
Đà Lạt cũng lại lắm ông trời. Chổ này mưa, nơi kia nắng nên ta hay thấy có những người mặc áo mưa “lỡ đà” chạy xe dưới trời oi nắng như kẻ… mad
Hè! Học sinh nghỉ hè nhưng nào đâu được nghỉ!
Nghỉ học ở trường nhưng phải lo học thêm ở nhà. Học để thi hết cấp, thi vào trường điểm, trường chuyên; thi tú tài, rồi cứ marathon chạy thi vào đại học…
Cũng có nhiều học sinh nghỉ hè lại đi phụ việc, làm thêm; bán vé số, … ”Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”(!), làm bất cứ việc gì miễn …có tiền trang trải thêm cho cuộc sống…nghèo!
Làm đời học sinh thật là khổ!… Con nhà giàu khổ theo kiểu giàu, nghèo khổ theo kiểu nghèo cũng vì ráng kiếm cái mảnh bằng để bon chen đi vào đời trong thời , “hội nhập vậy mà khi tốt nghiệp Đại học, ra trường đi tìm việc làm cũng đâu có dễ.
Được đi làm thì nơi sử dụng phải …đào tạo lại , Hè đi du lịch đối với người nghèo là chuyện… xa xỉ… và nếu có thời gian mà đến công viên thả diều… đâu phải ai cũng có thể… tình cờ chỉ nhìn và …mơ ước.
Alexandre Yersin
(1863 -1943) - Bác sỹ, nhà vi khuẩn học người Pháp “tìm ra” Đà Lạt, người Đà Lạt nhớ ơn như là một “ân nhân” nhưng… có lúc cũng rất là …bội nghĩa. Trước năm 1975, đường mang tên Yersin là con phố dài nằm rẽ trái trên ngã ba con đường đèo Prenn - Nguyễn Tri Phương vào thành phố Đà Lạt chạy dài, rẻ trái nối với đường Pasteur (Lê Hồng Phong hiện nay) đến Viện Pasteur nếu chạy thẳng sẽ vòng đến Thác Cam Ly.

Do cái tên gắn với những đường phố nào tên Tây như Pasteur, Calmet, hoặc đã được Việt hóa như Bá Đa Lộc… .
Cũng may, nhân Đà Lạt kỷ niệm 100 năm hình thành - phát triển (1883-1993), chẳng lẽ vô ơn với người cắm dấu mốc cho sự hình thành của Đà Lạt nên “Yersin” mới được “phục hồi nhân phẩm”.
Tên đường Yersin (mới) được đặt tên cho con đường từ ngã tư (trước Thủy Tạ) chạy dọc theo sân vận động - Hồ xuân Hương kéo dài (đường Thống nhất) đến trường Yersin ngày xưa, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay. Công viên Yersin cũng được “hình thành” sau đó; tượng bán thân của Yersin cũng được trang trọng “ẩn” ở công viên.
Đường Yersin bây giờ cũng tấp nập xe cộ như … Yersin xưa. Trên con đường “đời tấp nập”, Hè, ngang qua Công viên, nhiều người đi xe máy trên đường nhìn thấy những cánh diều bay, thấy trẻ em, người lớn đông vui như hội cũng dừng xe lại đứng nhìn…
Có lẽ, ai đó như chợt nhớ lại tuổi thơ của mình, chợt nhớ “một nét văn hóa” của Đà Lạt mộng mơ… xưa và… chắc cũng mơ theo những nụ cười hồn nhiên trên gương mặt tuổi thơ dõi theo cánh diều bay trên bầu trời xanh, phản chiếu lấp lánh trên mặt nước Hồ Xuân Hương… xanh.
Buổi chiều Đà Lạt trên công viên mang tên người tìm ra Đà Lạt đầu tiên(!) êm ả, thanh bình cùng với tiếng động cơ, còi xe hầu như không ngớt…
Công viên Yersin thoai thoải rộng khoảng 11 ha gồm 6 khu vực chính: khu trung hoa viên, vườn ươm, nhà triển lãm, trung tâm thương mại quốc tế, khu vực trồng cây xanh và hồ .
Công viên nằm cạnh sân vận động Đà Lạt …ngày xưa(!), nay có tên mới là Quảng trường Đà Lạt với nền sân cỏ tàn úa, ngả màu loang lỗ chưa được đầu tư Quảng trường đang chờ thiết kế xây mới. Sân vận động Đà Lạt chờ để biến thành Quảng trường cho tương lai! Sân bóng đá Đà Lạt đã không còn. Đội tuyển bóng đá Đà Lạt muốn tập luyện cũng phải thuê lại sân bóng của mình!.
Công viên phát triển cũng nhờ muốn phát triển mạnh du lịch… Hoa, Festival Hoa… Công viên hoa Đà Lạt, công viên lớn nhất của thành phố nằm quanh trên bờ phía Bắc của hồ Xuân Hương, cạnh thung lũng Đồi Cù, chếch bên phải phía trước ven hồ trước đây là Vườn Bích Câu.
Hiện nay diện tích của công viên hoa được mở rộng tới 7000 m², thoáng đãng, hoa sắc bốn mùa. Sát cạnh Công viên kèm thêm một khoảng đồi nhỏ được rào chắn, có một ít tượng đài, “ghế đá công viên” chắc làm để cho người Đà Lạt…”kỷ niệm”, vơi nhớ Đồi Cù xưa…
Quanh Hồ Xuân Hương nay có nhiều công viên nhỏ với những ghế đá nằm rải rác. Khu Công viên Ánh Sáng đã qua thời gian nan giải tỏa, đền bù… đang hình thành nằm dưới con đập Hồ Xuân Hương - Cầu Ông Đạo. Con Suối Cam Ly đang được sửa sang, tô vẻ đẹp… như một con kênh với dòng nước đục màu. Những công viên nhỏ với những cây xanh, cây cảnh, cụm hoa dành cho những cặp tình nhân và những ai thích ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh đất trời, ngẫm cái sự đời, con người, phố thị…
Trẻ em “như búp trên cành”…chẳng có chỗ chơi đang “hội nhập” với thế giới… ảo trong những quán “nét” có mặt hầu khắp mọi con đường thành phố.


NHỚ VỀ XỨ LẠNH
Bao năm rồi không nghe thông reo hú,
Đi rong mưa ủ rủ lạnh hơi sương.
Rảo đồi cù lặng ngắm Hồ Xuân Hương,
Dáng Thuỷ Tạ yêu thương chìm mờ bóng.
Bùi Thị Xuân xanh dương trời lồng lộng,
Như đàn chim khoe sắc cánh xoè lông.
Chuông Linh Sơn vang vọng đọng hư không,
Đồi Trinh Nữ chập chồng mây lượn phủ.
Tiếng Cam Ly âm u dường kêu hú,
Giọng rầm rì nhắn nhủ gợi nhớ thương.
Khu Hoà Bình rộn rả nhạc du dương,
Hàng chợ dưới rợp đường sương nhoà nhạt.
Xa xa thẩm ngàn thông xanh bát ngát,
Thung Lũng Tình Yêu hoang lạc đượm sương.
Hồ Thở Than chìm lặng thoáng mặt gương,
Lời cô đọng yêu thương chìm đáy mộ.
Sáng chủ nhật bao chim rừng lố nhố,
Áo muà đông đầm đậm thấm mộng mơ.
Rạo rực lòng bao ánh mắt mong chờ,
Tung cánh lượn dệt thơ thời son trẻ.
Theo ngày tháng hoa đào bừng sắc ánh,
Tim tím hồng lành lạnh đọng tâm tư,
Rợp trong hồn nhung nhớ những năm dư,
Miền đất lạnh bấy chừ hoa còn nở.
Đà Lạt ơi !!!

Những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố này. Đây cũng là nơi giúp người ta lưu giữ ký ức của tâm hồn.
Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc khiêm nhường trong quán cà phê Tùng để ngắm phố mưa qua. Tùng nổi tiếng bởi địa chỉ này xuất hiện trong hầu hết sách hướng dẫn của các hãng lữ hành và còn bởi nó tồn tại trong một không gian đã đi qua thời gian. Quán cà phê nhỏ không mấy nổi bật ấy từ lâu đã trở thành một góc hồi niệm quá vãng và hơn nữa, là chốn tưởng niệm cho những kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại.
Thật lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác thư thái như thế. Được ngồi lặng lẽ giữa những ẩm khách lặng lẽ. Nhạc, vẫn những giai điệu của người nghệ sĩ rong rêu ấy, thong thả những thanh âm cầu hồn theo tiếng tí tách. Cà phê kết tinh qua phin. Những tà áo dài lướt qua cửa kính như những cánh lay-ơn run rẩy trong màn mưa thoang thoảng leo dốc…
Thời gian ngai ngái ủ vàng trên những mép viền khung cửa, những ranh gỗ của bàn và ghế. Thời gian lê bước chân chậm chạp đi qua và đọng mờ những vết bụi của mình lên những bức tranh tường mà chủ nhân đã tôn trọng lưu giữ như những dấu ấn không dễ xoá nhòa. Tôi có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm sự hay ít ra là hoài niệm về một miền ký ức đã xa. Họ run rẩy đón nhận và sợ chạm vào thực tại sẽ xoá mất cái cảm giác như là chút vốn quý hiếm hoi trong phút cuối ngày.
Trong một góc khuất, đôi ghế nan tre còn đó, thời gian đánh bóng lên từng vân tre của ngày xưa một màu vàng như nhũ. Ngày xưa chưa thật đã xưa, người hát rong đi qua cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh và nữ tri âm của mình đã có những buổi chiều lãng đãng khói sương nơi đây trên đường dài du ca và luân lạc. Trong không gian thoắt ẩn thoắt hiện, nửa thực nửa hư đâu đây là những di âm của cung la thứ mở đầu cho những bản tình ca đồng hành với thời gian. Giờ đây, nàng đã cách hơn nửa vòng trái đất, chàng còn xa hơn, nhưng đôi ghế nan tre lên bóng kia như nấn ná đợi chờ một hội ngộ tương phùng trong tưởng tượng. Không biết người ra đi có còn hồi niệm? Còn tôi và những ẩm khách chiều nay dường như đang hoài niệm về họ trong dư âm của những giai điệu với xúc cảm tốt lành…
Người ta nói, cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ, bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn những kẻ môn đồ của giáo phái cà phê thì cho nó là người đàn bà mang bùa ngải trong mình…
Từng có một quán cà phê bên hồ Xuân Hương mang cái tên nhẹ bồng bềnh bằng tiếng Pháp: Danube Bleu. Dòng sông xanh ấy gắn bó với tôi và bạn bè từ những ngày đầu đặt chân lên xứ sương mù.
Có một đêm như mọi đêm, bản sonate "Ánh trăng” của Beethoven lung linh và thánh thiện đến thế. Những ánh đèn đường ngả bóng xuống mặt hồ như chùm ly pha lê sóng sánh rực rỡ. Chúng tôi vỡ oà cảm xúc và liên tưởng đến cái bi kịch thần thánh trong bức tranh “Bữa tiệc ly” của danh họa Leonar De Vinci.
Đó là đêm cuối cùng, ngày mai bạn tôi rời thành phố cao nguyên đi xa. Đèn trong quán tắt dần. Bữa tiệc với những vũ điệu ánh sáng trên hồ cũng nhạt. Bản sonate chỉ còn du dương những thanh âm cuối cùng, nấn ná luyến lưu cho một cuộc chia tay chưa hẹn ngày tái ngộ. Và nhiều đêm như thế, tôi và người đã ở trọ trong tâm hồn nhau. Cùng “dòng sông xanh” ngửa mặt trông đồi Cù sẫm bóng và lan man những điều gì không còn nhớ nữa. Gặp lại nhau, người hỏi, tôi ngậm ngùi: “Danube Bleu đóng cửa lâu rồi”. Lại có thêm xúc cảm “khắc dấu tìm gươm”.
Cà phê đâu còn là cà phê!…Tâm hồn đã quyện vào nhau trong những giọt tí ta tí tách thõng như sương ấy. Không gian ấy ta luôn lưu giữ và gợi lại những thổn thức hoài niệm về một thời đã qua.
Ở những đô thị khác, muốn có một không gian uyển chuyển tự nhiên như Đà Lạt thật khó. Người dịu tính coi đây như nơi trú chân lý tưởng. Khách giang hồ coi đây là chốn thỏa chí tang bồng Trong cái se lạnh của heo may cao nguyên, lượn theo những con đường lúc ẩn lúc hiện, những quán cà phê giữa lưng chừng dốc như những quán Ba Cá Bống trong cổ tích về cậu bé Puratino ở đất nước Tí Hon. Nào Bích Đào, Dương Cầm, Nam Giao, Nghệ Sĩ…; nào Guitare, Valentine, Memory…; nào 57, 60, 72, 81…
May mắn thay, chỉ với một cà phê Lâm ,hn đã tạo không gian cảm xúc cho sự ra đời những tuyệt phẩm văn chương của Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính; những bản tình ca đi cùng năm tháng của Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Văn Cao; những họa phẩm lưu mãi với thời gian của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Phan Chánh…
Kẻ tục lụy vạn sinh là tôi chưa phải là người sành thứ thức uống đầy thi vị này, cũng không dám lạm ngôn về những thú tao nhã tạo nên hưng phấn sáng tạo của các bậc tao nhân mặc khách. Chỉ biết rằng, chiều nay trong góc quán khiêm nhường ngắm phố mưa qua chợt nao lòng về những ngày quá vãng, những ngày không trở lại thêm một lần nào nữa trong đời…
GIỌT NẮNG BÊN THỀM
THANH TÙNG

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi.
Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng Bài hát mang bao kỷ niệm những ngày đã qua
Lâu lắm rồi em không đến chơi, cây sen đã lá bạc như vôi.
Sỏi đá rêu phong sỏi đá chưa quên chân người.
Bài hát rêu phong bài hát viết không nên lời đã vội ... lãng quên
Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên.
Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên .
Trả lại cho tôi, trả lại cho em.
Trả về hư không giọt nắng bên thềm
Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi,
chim vẫn hót sau vườn nhà tôi.
Một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời.
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi,
chỉ là ... thế thôi.

Lê Uyên Phương & Tình Yêu & Đà Lạt 
Cách nay đúng 10 năm, ngày 29 Tháng Sáu năm 1999 là ngày từ trần của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Người thì đã mất nhưng những bản nhạc vẫn còn được hát và tiếp tục cuộc sống của nó, tạo cảm giác cho những người trẻ yêu nhau. Bắt đầu với bản nhạc viết ở xứ Pleiku nắng bụi mưa sình “Buồn đến bao giờ” rồi đến những bản nhạc kế tiếp, nhạc Lê Uyên Phương đã thổi một luồng gió mới vào tân nhạc Việt Nam. 
Trong bối cảnh khốc liệt của một cuộc chiến tranh mà nỗi khắc khoải tương lai cũng như những băn khoăn từ ngày tháng hiện tại đã làm giới trẻ thấy gần gũi với những ca khúc của ông mà một thời được hát như lời rao giảng bàng bạc của trái tim dù đôi khi có nhuốm nét siêu hình của triết lý. Ngôn từ thiết tha, cung bậc âm thanh thầm thì đã làm những ca khúc như Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Còn Nắng Trên Ðồi, Lời Gọi Chân Mây, Vũng Lầy Của Chúng Ta,... một thời đã thành những lời ngỏ yêu thương cho cả một thế hệ.
Trước khi rời khỏi trần gian có lần Lê Uyên Phương đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn của Trường Kỳ:
Tôi nghĩ rằng cuộc đời này không có gì miên viễn. Cái gì nó cũng có cái lúc của nó. Tuổi trẻ tôi có rồi, khi tôi nghĩ lại thì, cái tuổi trẻ đó thật là tuyệt vời. Tôi có tình yêu rồi, tôi có tình yêu này, tôi có tình yêu khác. Tôi có một giây phút này, có giây phút khác. 
Tôi có tuổi cắp sách đến trường, tôi có những lúc tôi tìm kiếm những gì trong cuộc sống. Có những lúc tôi có, những lúc tôi mất. Tôi thấy tôi có hết, mà có những cái tôi thấy enjoy ghê gớm lắm.
Nếu bây giờ nói, vì bây giờ cái đó nó là cái gì tuyệt vời lắm nên mình phải tìm lại nó nếu không thì nguy hiểm lắm, thì cái đó tôi không stupid để tôi làm. OK, đi, đi luôn đi! Nó có đó và nó mất rồi. Bây giờ khi nhìn sự việc như vậy thì tôi đâu có nghĩ là tôi phải mất mát cái gì đâu, tôi không nghĩ tôi phải sợ cái gì mà mất nó đâu!
Tôi không hối tiếc điều gì hết. Bây giờ tôi không nghĩ là đáng lẽ cái điều đó nó phải thế này thay vì nó phải như vậy. Không! Không! Tôi không nghĩ như thế. Ðối với tôi không có chữ đáng lẽ. Nó phải như vậy, nó là như vậy rồi. Nó có đó, và nó mất đó.
Giản dị thôi, không có gì hết. Tôi chỉ thấy có cái điều như thế này, tôi chỉ sợ một ngày nào đó khi tôi mở mắt ra tôi nhìn và tôi thấy không còn cái gì đẹp hết. Thấy mưa chán bỏ xừ! Thấy nắng chán muốn chết, làm nhạc thấy muốn khùng, muốn điên lên luôn... Tôi sợ cái đó ghê gớm lắm.”
Tự nhiên, khi nghe nhạc Lê Uyên Phương, tôi lại nhớ về Ðà lạt. Thành phố ấy, những giấc mơ thanh xuân, những ước vọng tuổi trẻ. Tôi tưởng tượng như khi mình đang sống giữa thành phố sương mù. Con đường rào rạt tiếng thông reo của những bình minh vừa ửng hồng. Giữa cái trong veo của thiên nhiên, thấy lòng trải ra những kỷ niệm. Xuống con dốc, qua chợ Hòa Bình, đến thung lũng thấp hơn, khu Hồ Xuân Hương, bến xe. Leo lên con dốc nữa, nhà thờ Con Gà. Những cảnh gợi nhớ đến người, có lẽ hoài trong trí nhớ không có Ðà Lạt với rừng thông, với mây trời, không có những bãi cỏ xanh ngút ngàn mông mênh, không có những con dốc đầy hoa, chắc sẽ không có những ca khúc độc đáo mang tên Lê Uyên Phương.
Thành phố ấy, là nơi Lê Uyên Phương viết những bản nhạc đều tiên “Khi Loài Thú Xa Nhau”. Lúc tuổi trẻ, nhạc có nét hoang sơ của những lũng vắng, của mùi mật cỏ, của vị da thịt người tình. Bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ, là những bước chân khám phá giây phút linh thiêng lạ lùng của bà Eva cắn miếng táo cấm đầu tiên
. Nhiều người phê phán sự ví von. Tại sao lại hạ thấp vị trí của con người như vậy. Nhưng phần đông, nhất là giới trẻ, lại ưa thích nồng nhiệt những bài hát mang cái tâm tư khắc khoải cùng những ước vọng, những đam mê rất thường, rất người. Những bài hát có một lúc đã thành một hiện tượng âm nhạc
Nghe nhạc Lê Uyên Phương, những lúc buồn hay những khi vui, vẫn là một nhịp của trái tim hối hả. Tình yêu, khó mường tượng. Có lúc, là mượt mà da thịt của người nữ, gợi cảm, mời gọi. Nó gợi nhớ đến những giọt mồ hôi lóng lánh trên làn da mướt lông măng. 
Nhưng, cũng có lúc, là những cánh chim đơn lẻ chíu chít trên con phố sương mù, của bâng khuâng thoảng đến trong tâm thức. Khi yêu nhau, bóng với hình lẫn lộn, thực lẫn mộng chỉ có tấc gang và bất hạnh cùng hạnh phúc kề cận nhau trong niềm nhòa nhạt của cuộc sống. Nghe nhạc Lê Uyên Phương, trái tim trẻ hoài, trẻ mãi
Cách nay hơn ba chục năm, năm 1973 ở Ðà lạt, Lê Uyên Phương đã viết những lời nhạc trong “Cất Tiếng Hát Giữa Ðời”:
“Hãy thử hỏi lại, ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là một bầu trời xanh
Là mối tình lành
Hay nhẹ nhàng nuối tiếc
Hãy thử hỏi lại
Ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là cơn mưa đầu mùa
Là câu hát vu vơ
Hay một giây tuyệt vọng.”
Bầu trời xanh, cơn mưa đầu mùa, những lời ngỏ của bài hát tình, những câu đối thoại vu vơ ngơ ngẩn, những chiều mưa một mình con dốc, tất cả thành khuôn cửa mở ra một lãnh thổ của tưởng tượng. Ở đó, ngôn ngữ văn chương và cung bậc âm nhạc giao hòa, tưởng như ngàn xa vọng về.
Hạt mưa, sợi nắng, chiếc lá, ngọn gió, không đơn thuần là vật chất, mà còn là tượng hình của cảm giác nào xa xôi lắm nhưng lại thân gần. Như hạt mưa, không chỉ là thuần túy hạt nước rơi xuống từ trời cao, mà, nó gợi lại những nhịp điệu của âm vọng tiếng mưa trên mái tôn thuở thơ ấu nào. Hay giọt nắng, không phải chỉ là mầu vàng phai lóng lánh, mà còn gợi nhớ đến buổi sáng nào dìu em trên ngọn dốc, nghe mùi nhựa thông thoang thoảng giữa đất trời.
Lê Uyên Phương đã viết về ngày xưa, lúc anh vừa viết những bản tình ca cho tuổi trẻ muôn năm. Không phải là không khí của những phòng trà nồng nặc mùi khói thuốc của những trang sách hiện sinh vẽ ra. Mà lúc ấy, còn có bóng dáng của chiến tranh, của những nỗi niềm tuổi trẻ. (“Nhạc trẻ”, tôi vẫn không thích cái từ ngữ gộp chung cho các loại nhạc thật sự cho tuổi trẻ mà chỉ là những bài hát lai căng hát để phục vụ cho nhu cầu đầu tiên của các sân khấu dành cho quân nhân ngoại quốc...)
Viết về Ðà Lạt, nhạc sĩ như người trở về thánh địa xưa của mình, của hồi ức mang mang, của những phút giây chẳng thể nào quên được:
“...không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Ðà Lạt vào những năm của thập niên 60 chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Ðà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình.
Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi, một bài hát mà lúc bấy giờ chúng tôi ai cũng ưa thích, bài “J'Entend Soufflet le Train”, tôi không nhớ ai đã hát bài hát đó, nhưng cái âm hưởng vừa gần gũi vừa xa vắng của bài hát, như một tiếng còi tàu, đã thể hiện đúng tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ.
Phải chăng trong sự thôi thúc của đời sống, trái tim ta đôi lúc cũng bắt gặp được cái nhịp đập bất thường rất kỳ diệu của cuộc đời và trong mỗi khối óc của chúng ta, một số những tế bào não bộ đã hiểu biết được đôi điều về cái đẹp vô cùng của sự não nề trong kiếp sống.
Trong cái bấp bênh của cuộc sống lúc bấy giờ và trong cái xao xuyến khôn cùng của trí óc, âm nhạc đã tự nhiên có sức quyến rũ đặc biệt đối với chúng tôi. Không có thời kỳ nào mà âm nhạc lại đóng vai trò tuyệt vời đến như thế, nó thâm nhập vào con tim chúng ta và biến mọi lo âu của cuộc đời thành một niềm hoan lạc mới.
hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
cho da thịt này đốt cháy thương đau
cho cơn buồn này rót nóng truy hoan
cho thiên đường này
đốt cháy trong cơn chia phôi
chia phôi tràn trề
hãy ngồi xuống đây bên con vực này
ngó xuống thương đau...”

Những quán cà phê lúc bấy giờ đã thực sự trở thành cái nhà của chúng tôi, ngoài giờ đi làm, đi học ra, quán cà phê là nơi chúng tôi thường xuyên có mặt, bất kể ngày đêm, ở đó chúng tôi có thể tìm gặp những người hiểu được mình và có thể thổ lộ mọi điều riêng tư mà không ai phàn nàn gì cả
Bây giờ, tôi đang nằm nghe nhạc Lê Uyên Phương. Một người bạn, rất yêu nhạc của anh đã thu tất cả những bản nhạc anh thành một bộ tặng tôi. Nghe nhạc một mình cũng có cái thú nhất là vào những ngày lạnh chớm Ðông như hôm nay. Trong căn nhà vắng lặng, qua cửa kính nhìn thấy trời và biển, dõi những con chim chao lượn, thấy nhạc và lời như có ý vị hơn. Con tim như có khi xao xuyến. Một thưở nào, như sống lại thoảng khi.
Tự nhiên, nhớ lại lúc còn trẻ, lúc mà các quán cà phê hầu như ở toàn miền Nam đều mở nhạc Lê Uyên Phương. Những năm của thập niên 70. Những tối mưa dầm ở Pleiku, tôi đã nghe “Khi Loài Thú Xa Nhau”, đã nghe “Yêu Nhau Khi Còn Thơ”. Mưa sùi sụt nỉ non làm ẩm ướt cả ngày cái phố núi lạnh căm. Cả bọn ghé vào quán cà phê. 
Thật kỳ lạ, dường như nhạc của Phương phải để cho Lê Uyên hát. Giọng hát hơi khàn có pha ma túy của mê đắm tình yêu, khiến sự giao cảm thành giác quan rung động.
Những nốt láy, những dấu nhấn, những lên cao và xuống thấp thành òa vỡ cảm nhận đến độ rợn người lúc ấy. Bên ngoài trời mưa, gió ào ào qua khuôn cửa, ngồi chung với mấy đứa bạn, thấy cuộc sống như có chút gì tạm bợ, chút gì bâng khuâng.
Ngày mai, có đứa ở trại Biệt Ðộng Quân Biên Phòng phải trở về đơn vị vào trong tôi ngủ nhờ. Nó vừa cười vừa hỏi, “Ðêm nay có mục gì không? Hay là gọi một em cho vui.” Câu thơ Nguyễn Bắc Sơn lại trở về với tôi trong trí nhớ. Lúc ấy, thời buổi chiến tranh, nào biết được đứa nào còn đứa nào mất. Chuyện hiện tại, chỉ biết được đến ngày hôm nay. Ðời sống ngắn ngủi nên tình yêu cũng vội vàng. Nghe nhạc L.U. P, như nghe một thông điệp nào mà mọi người đồng vọng. Cất tiếng hát, dù chỉ trong một sít sao, mà sao vang vọng vô tận muôn năm. Bài “Cất Tiếng Hát Giữa Ðời”:
“Tôi đang làm một con chim giữa đời
cất tiếng hát để đánh thức bình minh
những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ
nhưng dài bằng thế kỷ
Tôi đang làm một con chim giữa đời
Cất tiếng hát để đánh thức con tim
Những tiếng hát ngắn một giây đồ
ng hồ
Nhưng cả bằng cả cuộc đời.”
Ngồi trong quán, đếm những hạt mưa, nhìn thời gian nhẹ rớt trong phin cà phê đen, nghe lời nhạc thì thầm, bạn bè dăm ba đứa thú vị và cảm khái nào hơn. Mãi sau này, làm sao tìm lại được những giây phút bốc đồng bất cần đời ấy được. Tuổi thanh xuân, nhìn đời thẳng tắp, không khuất khúc. Tâm ý lúc nào cũng trong veo chân thật dù buồn hay vui. Tình yêu, thì như đốt lửa bằng nhiệt huyết tuổi trẻ. Ngày mai, có khi chỉ là một chuỗi cười dài vô tư. Y hệt như bài hát
“Dạ Khúc Cho Tình Nhân”:
“Ngày em thắp sao trời
chờ trăng gió lên khơi
mà mưa bão tơi bời
một ngày mưa bão không rời
trên đôi môi thanh xuân
ướp hôn nồng trên gối đắm say
ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy
... Lúc sau này, ngoài những tập nhạc đã hoàn thành như “Yêu Nhau Khi Còn Thơ”,”Khi Loài Thú Xa Nhau”, “Uyên Ương Trong Lồng”, “Bầu Trời Vẫn Còn Xanh”, “Con Người, Một Sinh Vật Nhân Tạo”, “Biển, Kẻ Phán Xét Cuối Cùng”, “Trái tim kẻ lạ”, “Lục Diệp Tố”, anh còn phổ nhạc nhiều bài thơ của các thi sĩ đương thời như Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Công Thiện, Thái Tú Hạp, Kim Tuấn, Hoàng Khởi Phong, Huy Tưởng (riêng tôi cũng ghé vào được vài bài thơ anh phổ nhạc).
Ðến lúc nhắm mắt lìa đời, dường như LUP vẫn còn mải mê với nhiều cơn mộng. Dù một thời kỳ đã qua, một đời người đã xong, nhưng vẫn còn đó những bài hát, còn đó những phím đàn. Vẫn còn những ca khúc cất lên trong sôi nổi hào hứng của tuổi trẻ. Như khi tóc còn mướt xanh và mắt còn biếc thắm.
Anh Lộc, bây giờ chắc anh gần gũi lắm với suối nhạc của Bach, của Strauss, của Schuberg, của Beethoven. Có khi nào anh trở về, ngồi lại và ghé thăm ngọn đồi thấp gần trường tiểu học thị xã “trước mặt là con đường dốc dẫn xuống Hồ Xuân Hương, dọc hai bên đường những cây mai hồng đang nở rộ, trông như những khóm bông gòn màu hồng nhạt lúc nào cũng tưởng chừng như sắp rời ra từng mảnh nhỏ dưới cơn gió chiều hiu hiu của Ðà Lạt?”.
Theo http://www.chotnho.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...