Gồm một số bài viết đã đăng báo hoặc
trên các blogs, websites của nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Gọi là tạp văn, nhưng
rải rác trong tập sách bạn đọc sẽ tìm thấy những vần thơ, đó cũng là một điểm
lạ lùng và khác biệt của tập sách này.
Dường như tác giả rất yêu thơ, và
có lẽ đã từng viết nhiều thơ, nhưng lại không hài lòng với những đứa con tinh
thần của mình. Anh thổ lộ: “Muốn viết, mê viết mà viết ngày càng không
ra chữ. Muốn làm thơ ngây thơ hồn hậu như hồi mới lớn, mới biết yêu, cứ nghĩ
thế nào thì tuôn ra thế ấy cũng không thể nào được nữa. Thơ chẳng còn bao
dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang... viết văn
xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng.” (Vũ điệu
buồn của chữ). Trong một tạp văn khác (Qua những miền xuân cũ), chúng ta
biết nguồn gốc của bài thơ đầu tay mà chính bản thân tác giả cũng không còn
nhớ, anh viết: “Tôi ra ngồi ngó những con bướm vàng bay chấp chới trên
những đóa hoa vàng, và nảy ra một vài câu thơ xuân đầu tiên trong trí óc. Tôi
chép lại mấy câu thơ đó và còn giữ được chúng vài năm, lý do để giờ đây còn
nhớ tới sự tích ra đời của chúng, nhưng chẳng thể nào nhớ nổi mình đã viết
gì. Chao ôi, tôi chỉ có tâm hồn thi sĩ, nhưng lại chẳng có thi tài. Từ bài
thơ đầu tay đó tới giờ tôi làm thơ không nhiều, không liên tục nhưng cũng kha
khá.”
Qua một số bài viết như Qua những
miền xuân cũ, Đêm thánh vô cùng, Vũ điệu buồn của chữ, Về thăm chiến
trường xưa… người đọc có thể hiểu thêm chút ít về cuộc đời của tác giả, chỉ
những chi tiết rất nhỏ, nhưng chúng gợi lên một thời kỳ, một giai đoạn xã hội
anh đã trải qua. Một số bài viết khác như Nghĩ về nhà thơ Quang Dũng, Đọc
Tây tiến viễn chinh, Đọc Như mơ thấy bướm của Ngô Khắc Tài, Đêm mưa đọc Sài
Gòn giữa cơn mưa, Mạc Can, người nói tiếng bồ câu, Đọc lại Dưới ánh sao thu của
Knut Hamsun… phản ánh với chúng ta những cảm nhận, cảm xúc của Nguyễn
Thành Nhân đối với những tác phẩm hay tác giả mà anh đã đọc.
Những suy tư trằn trọc của anh về
nghề (viết và dịch) về vấn đề sáng tác, xuất bản, về thế thái nhân tình và cả
những cảm xúc vui buồn rất đời thường của anh cũng thể hiện qua một số bài
như Nắng nhớ, Dân đen, Cám ơn em và những bài hát cũ, Dịch thuật - con
dao hai lưỡi, Lại một đêm mất ngủ vì thơ, Một phát hiện mới về Mrs. Dalloway…
Với giọng văn có khi hiền lành dung
dị, có lúc lại táo tợn “ba gai”, toàn tập “Vũ điệu buồn của chữ” gợi cho người
đọc nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Và chúng ta cũng có một cái nhìn mới hơn về
tác giả sau khi đọc tác phẩm này của anh.
Với những lý do trên, Nhà xuất bản
Tổng hợp Tp.HCM xin trân trọng giới thiệu tập sách này với bạn đọc. Rất mong
nhận được những ý kiến đóng góp từ quý vị.
NXB Tổng hợp TP.HCM.
Nắng nhớ
Ở Sài Gòn mùa này mưa nhiều hơn nắng.
Nhưng đôi khi vào những buổi chiều trời có nắng. Nắng mùa này đẹp lắm đó em.
Và tôi yêu những chiều nắng vàng tơ đó. Yêu như yêu em vậy. Vì nắng, cũng như
em, “chợt đến chợt đi”, ươm vào lòng tôi ước mơ và nỗi nhớ.
Đôi khi tôi ngồi đếm lại những buồn vui. Rồi thấy hình như đời mình buồn nhiều
hơn vui. Cũng như Sài Gòn mùa mưa, mưa nhiều hơn nắng. Nhưng có sao
đâu. Buồn hay vui, khi đã trở thành dĩ vãng, thành kỷ niệm, đều là những sợi
tơ đan dệt thành cuộc đời tôi. Không có chúng, tôi không còn là tôi nữa.
Tơ ấy từng ngày nuôi dưỡng hồn tôi. Từng ngày, từng ngày qua… Tóc tôi đã
không còn xanh nữa. Mắt tôi đã đục mờ vì nhiều ưu tư phiền muộn. Nhưng sâu thẳm
trong tôi, cỏ xanh thỉnh thoảng lại đâm chồi, nắng ấm đôi khi sưởi lại lòng
tôi lạnh giá. Và những lúc như thế, tôi thấy mình còn yêu thương cuộc sống
này biết bao, còn gắn bó với trần gian khổ lụy này nhiều lắm. Tôi không cần
Thiên đàng. Tôi không cần Niết bàn. Một cõi mà lòng ta không buồn, không vui,
không biết thương đau, ngọt bùi, cay đắng thì có gì là thú vị?!… Không, tôi
chỉ cần được sống. Và chỉ cần còn biết yêu thương… Chỉ cần được gọi khẽ tên
em những khi cuộc đời quất lên lưng tôi những đòn roi nghiệt ngã. Dù sao đi nữa,
tôi vẫn yêu cuộc đời này. Như tôi vẫn yêu em.
Em biết không, ngày xưa, có một người con gái đã nói với tôi rằng: “Cuộc đời
như một tấm gương, mình mỉm cười với nó, nó sẽ mỉm cười lại với mình. Vậy N.
hãy cười nhiều, cười thật nhiều đi nhé!”
Người con gái ấy, hình như là tình đầu của tôi. Hình như tôi yêu nàng
không thể tả. Nhưng đó là một tình yêu ngưỡng vọng, thành kính, thiêng liêng.
Tôi yêu nàng như con chiên yêu Chúa, như Phật tử yêu Đức Như Lai.
Đó là một tình yêu xả kỷ và trong sạch. Cho đến nay, dù có khi tôi yêu người
này người khác trong suốt những năm tháng nổi trôi của đời mình, hình bóng
nàng vẫn sáng mãi ở một góc tâm linh… Nhưng lời khuyên của nàng cũng ngây thơ
như nàng lúc đó. Ôi, tôi đã mỉm cười, rồi nhoẻn cười, rồi nhe răng cười, rồi
cười to hở cả mười cái răng sảng khoái với cuộc đời nhiều lắm chứ! Nhưng cuộc
đời là một cô nàng kiêu kỳ đỏng đảnh, chỉ chịu cười lại với tôi thi thoảng,
trong những lúc tôi cứ muốn bật khóc mà thôi.
Dù sao, tôi vẫn cười nhiều hơn khóc mà, thật đó! Có điều, tiếng cười nhiều
khi nghe còn thảm thương hơn tiếng khóc. Tôi cười để những giọt nước mắt của
mình trôi ngược vào trong. Tiếng cười tôi chỉ để xé nát, để tàn phá nỗi cô
liêu, để làm vơi đi bao uất nghẹn.
…Ơi sông còn lạnh
Ta cười mênh mang
Tiếng cười rung sóng
Xô nghiêng linh hồn
Xô nghiêng bờ cát
Trắng nhòa dư hương
Vỡ tung từng mảnh
Thủy tinh trong ngần
Ơi sông còn lạnh
Tình xa nẻo trời
Tiếng cười chìm đắm
Vào nghìn sao rơi
Tiếng cười rụng trắng
Một vùng tim côi…
Sài Gòn mấy hôm nay cứ mưa hoài mưa
mãi. Và mưa làm tôi nhớ. Nhớ em…
Mỗi khi nhớ quá là lúc tôi không
còn nói nên lời. Không còn nghĩ suy gì được nữa. Khi ấy tôi hát, hát vu vơ…
Rồi thu qua, thu qua, thu qua
Và mưa… mưa… mưa… mưa… mưa… mưa…
Có ai ngồi hát lời yêu khẽ
Gửi gió đưa sang chút ngọt ngào
Có ai ngồi đếm từng chiếc lá
Và gọi tên thầm lúc nhớ nhau…
Tôi đang thầm gọi tên em đây, bé ạ…
Vì chiều nay thu vắng. Và hồn tôi ngập những nắng mông lung. Tạm gọi tên là Nắng
Nhớ.
Mùa yêu
Đời của mỗi chúng ta chia ra làm những
mùa, đôi khi tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ ngợi, và khi nghĩ đến cuộc đời, tôi đã kết
luận một cách ngang xương như vậy. Nhưng mong bạn đồng ý với tôi.
Mùa thơ ấu dài nhất, và tươi đẹp
nhất. Nó cũng sống lâu nhất trong ký ức chúng ta. Mùa này có thật nhiều màu ấm
nóng và tươi mát. Màu xanh của cỏ non, màu vàng tươi của những chùm hoa cúc,
màu đỏ rưng rức của hoa phượng vỹ… Và màu tím nhẹ mong manh của mối tình đầu.
Mùa thơ ấu nôn nao những nhạc khúc sáng trong và mơ màng của tiếng ve gọi nắng,
tiếng cười trong veo của ai đó dưới sân trường, tiếng mưa đêm thầm lặng nhắc
nhớ về những buổi chiều lững thững hồi hộp đi theo bước chân ai…
Lớn hơn một tí, chúng ta bỡ ngỡ bước
chân vào một mùa lạ lẫm, nhiều điều xa lạ và những lo âu. Cuộc sống dường như
trải rộng hơn trước mắt. Đời bỗng mở ra trăm ngàn nẻo, và chỉ cần một quyết định
sai lầm, bạn sẽ không bao giờ còn có thể quay trở lại. Tạm gọi đây là Mùa
vào đời. Mùa của tình yêu đã trưởng thành và chín chắn. Mùa của đấu tranh
giành lấy quyền sống, quyền được làm người. Mùa này có những màu nhiều ấn tượng.
Với tôi, nó có màu đỏ - khát khao
cháy bỏng và ý chí quyết thắng, màu hồng – những lý tưởng, niềm tin hơi ngây
ngô khờ khạo nhưng rất dễ thương. Mùa này với tôi vang lên tiếng đàn guitar bập
bùng của những đêm rừng vắng, tiếng hát trầm hùng tha thiết của những bạn
bè tôi. Đôi khi có tiếng mưa đêm. Nhưng mưa đêm này se sắt, không mơ màng hoa
mộng, mà mang về nhiều xót xa và những nỗi nhớ mênh mông…
Và giã biệt Mùa vào đời nay cũng đã
xa xăm, chúng ta bước sang Mùa kết trái. Quả đời thơm ngọt hay đắng chát
đã đến độ chín muồi. Những gì bạn đã làm, đã sống, đã gieo, giờ bạn sẽ gặt
hái nó, hoặc với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, hoặc với những xót xa thất vọng.
Mùa này không có gì đáng nhớ cả. Ngày tháng trôi nhanh. Cuộc đời đã trở thành
một vòng xoay Merry Go Round [1] đều
đều, tẻ nhạt và lặp đi lặp lại vô cùng vô tận.
Màu sắc đậm đà nhưng cũ kỹ. Bạn đã
là một ông già, một bà già. Không phải ở nghĩa đen, mà là bạn đã già nua, sợ
sệt và không còn hy vọng, không còn lòng can đảm của Mùa vào đời trẻ trung
sôi nổi. Cô đơn bắt đầu gậm nhấm lòng ta, ngay trong hạnh phúc.
Và đến Mùa trái rụng. Cây đời
bắt đầu khô nhựa sống. Người ta bắt đầu sống lại những mùa qua. Cỏ non và gió
lộng thỉnh thoảng quay về trong hồi ức. Lá thu rơi và lòng ta bồi hồi nhớ lại
những gì xa lắc xa lơ… Ngày bỗng trở nên dài, và lòng ta ngày càng lẻ loi cô
độc. Nỗi cô đơn không làm bạn muốn hét lên vì kinh khủng như Mùa trước
đó. Nó lan trải và hòa tan vào từng phút từng giây, vào từng hơi thở hắt hiu…
Mùa này có những âm thanh kỳ diệu. Đôi khi, trong tâm tưởng, những nốt
xưa kỷ niệm chợt tràn về như một dòng suối âm thanh trong vắt, tưới mát
lại trong khoảnh khắc tâm hồn bạn héo hon. Có lẽ đây là một ân sủng thiêng
liêng mà cuộc đời dành cho mỗi con người. Dĩ nhiên, nếu ta còn sống cho đến
Mùa này…
Có lần, tôi nói những ý tưởng lạ đời
này với em. Em ngồi, ngoan ngoãn lắng nghe. Rồi nhoẻn cười. Em nhìn tôi ấm áp
và khoan dung. Như một bà chị ngồi nghe thằng em nhỏ tâm tình những suy nghĩ
ngây ngô. Mắt em trở thành một dòng sông bát ngát. Và tôi, nhìn vào mắt ấy,
muốn mình được trở thành một kẻ chết chìm.
Hồi ấy tôi yêu em. Tôi đã bước qua
Mùa vào đời, đang chập chững làm quen với Mùa kết trái. Và dĩ nhiên là
tôi phản kháng. Tôi cố gắng chống lại những gì vô thức trở thành thói quen.
Như thói quen ngồi ở một cái bàn duy nhất, trong một quán cà phê duy nhất,
trên một con đường duy nhất. Đó là cái mà trước đó tôi đã tự hào gán cho nó một
cái tên khá kêu là tính cách. Còn nhiều thói quen khác như vậy nữa…
Dạo đó, tôi bắt đầu nhận ra sự ngớ
ngẩn già nua của những cái gọi là tính cách ấy. Và tôi trở thành kẻ phản bội
chính mình. Tôi phản đối những gì là tôi, của tôi. Phản đối còn dữ dội, gay gắt
hơn bất kỳ ai khác. Và, trong một lần phản bội chính mình, tôi đã gặp em.
Nơi con suối nhỏ ra đời
tôi bắt gặp lại em tôi
Con suối chảy ra dòng sông
tôi biết mình yêu thật
Nhưng dòng sông trôi ra biển lớn
còn tôi ở lại
Cánh rừng khô xao xác mùa thu
Tình yêu tôi chết lịm cuối chân đồi…
Ngày yêu em tôi không còn có tuổi.
Tôi trở thành trẻ nhỏ. Nhảy tung tăng, la hét, cười vang và khóc nức nở như một
tên khùng. Tim mềm dịu thương yêu và hoa cỏ bỗng tươi một màu sắc mới.
Em học đến năm cuối khoa sinh trường
Tổng hợp. Tôi quyết định ngỏ lời yêu. Mắt em dại đi vì một nỗi ngỡ ngàng kinh
hãi. Tôi biết mà. Tôi biết em không yêu tôi. Tôi cũng biết tôi không nên nói
gì hết cả. Nhưng tình yêu trong tôi đòi vỗ cánh. Hoặc là nó sẽ bay lên trời
xanh hạnh phúc. Hoặc là nó nằm chết gục với trái tim vỡ toang loang máu. Nó
không bằng lòng với sự nửa vời. Và tôi nói. Từ đó, tôi xa em. Hay đúng hơn,
em đã xa tôi.
Tôi đã đi qua Mùa trái rụng. Tình
yêu tôi cũng rơi xuống mục ruỗng dưới thảm cỏ úa cuối mùa. Tôi đã già
nua trước tuổi. Tôi bắt đầu nghĩ đến những ước mơ thời mới lớn và ngồi đếm lại
những Mùa qua.
Ngày đó, cách nay đã bảy năm, tôi vẽ
một bức tranh bằng nỗi nhớ, gửi tặng em nhân ngày sinh nhật. Và rồi xếp xó tất
cả. Cọ, màu nằm khô chết trong chờ đợi. Tình yêu đã vỗ cánh bay lên, hóa
thành chim lửa, thiêu đốt tan tành những ước mơ tôi.
Tôi cho là mình đã chết. Cuộc sống
trôi đi, trôi đi, nhưng không còn dính dáng gì đến tôi nữa. Mọi sự đều trở
thành ảo ảnh, bọt bèo lướt trôi trên mặt sóng. Sâu thẳm đáy lòng tôi, tình đã
hóa đá san hô.
Nhưng không. Bạn ơi! Tôi muốn nói với
bạn điều này. Khi ta còn sống, còn thở, tim còn đập, không có gì kết thúc. Rồi
một ngày nào đó, tất cả lại mới tinh khôi dưới ánh nắng tươi hồng. Một ngày mới
lên. Và tôi lại trở thành trẻ con, ngọng nghịu hát lại những lời tình thơ dại.
Cuộc sống là một điều kỳ diệu. Tình
yêu là một sự ảo huyền. Không bao giờ trái chín chết đi. Trái mục rửa tan vào
lòng đất, trở thành dưỡng chất. Cỏ non rồi sẽ lại đâm chồi. Hoa lại nở và một
chu kỳ mới của cuộc đời bắt đầu lên tiếng hát...
Ở chặng đường này của đời tôi, tôi
biết có một Mùa khác nữa. Tôi thương mến đặt cho nó một cái tên là Mùa
yêu. Mùa này không có tuổi, không già nua, không chết. Nó chỉ ngủ yên, nó chỉ
lắng chìm. Rồi nó lại hồi sinh trong bạn. Như giờ đây nó hồi sinh lại trong
tôi.
Có lần, một anh bạn nhà thơ quê ở
Đà Nẵng tâm sự với tôi rằng, sau khi đã tới Sài Gòn, anh không thể rời xa khỏi
nó được nữa, dù anh cũng đã từng sống ở nhiều nơi khác.
Anh kể về những ngày sống ở Huế, ở
Hà Nội. Những con phố nhỏ. Những hàng cây im nhớ gió. Những người con gái đẹp
mà anh đã lặng thầm thương nhớ, hoặc đã lặng thầm nhớ thương anh. Và cả những
cái gì đó bàng bạc mơ hồ trong tâm tưởng, khó tả thành lời. Hình như đó là
mùi hoa sữa nồng nàn; là một cơn gió heo may đầu thu Hà Nội; là những tối mùa
đông ngồi cùng đôi ba người bạn uống rượu khê trong một cái quán nghèo đầu phố...
Hình như đó là những tà áo dài, những chiếc nón bài thơ chập chờn trên cầu
Trường Tiền như những cánh bướm trắng dịu dàng mỗi chiều giờ tan học; là những
cơn mưa miền Trung lê thê buồn, những lời ru con ngậm ngùi lan trải trên mấy
con đò dọc sông Hương... Tất cả đều đã đan dệt thành cái mà người ta gọi
là kỷ niệm. Của riêng anh.
Nhưng tất cả những cái đó đều trở
nên phai nhạt khi anh vào Sài Gòn, sống với nó suốt mười mấy năm qua. Sài Gòn
vừa như một chàng lãng tử hào hoa, sẵn sàng chơi hết mình vì bè bạn, một gã Lệnh
Hồ Xung hào phóng dễ tin người, sẵn sàng kết giao với mọi giang hồ bằng hữu,
không phân biệt chính tà, miễn là có lòng chân thành và khẳng khái; lại vừa
như một nàng thiếu nữ xinh đẹp và nhí nhảnh, mà muốn chinh phục được, đòi hỏi
người ta phải bộc lộ mọi khả năng trời phú, phải mướt mồ hôi để tự khẳng định
mình...Vậy đó, Sài Gòn đã đón anh với vòng tay mở rộng, và không biết từ lúc
nào, anh đã tự xem mình là một cư dân Sài Gòn “thứ thiệt”.
Tôi khác anh. Tôi sinh ra, lớn lên,
và sống hầu hết cuộc đời cho tới lúc này của mình ở Sài Gòn, nhưng tôi không
biết thật ra mình yêu hay ghét nó. Tôi chán đớ người cái cảnh sáng trưa chiều
tối, ló mặt ra đường là lại phải bon chen trong những lũ lượt chen chúc toàn
là người ngợm, xe cộ, bụi bặm, tiếng ồn. Tôi mệt nhoài vì nhịp sống quay cuồng
với một tốc độ nhanh đến chóng mặt. Tôi nổi quạu vì ở Sài Gòn khó mà tìm được
một chỗ vừa bình dân ít tốn tiền vừa yên tĩnh, không có ai làm phiền đến
mình, để tìm lại cái cảm giác hoàn toàn an bình trong giây phút – Sài Gòn lúc
nào cũng ồn ào, huyên náo, lúc nào cũng đông đảo những người vì sinh kế đã biến
thành những kẻ quấy rầy (những cô bé, chú bé, những anh chị, chú bác, thím
bà... đánh giày, bán vé số, bán nem chả, đậu phọng linh tinh...). Đặc biệt,
tôi thật sự phát khùng vì con gái Sài Gòn càng ngày càng xinh đẹp, mà tôi thì
mỗi ngày lại thấy mình khô cằn già cỗi thêm một chút, ươn hèn nhút nhát thêm
một chút. Thời oanh liệt của tôi đã qua lâu rồi, mà sao mấy nàng con gái lại
cứ mơn mởn đáng yêu thế kia chứ, hở Trời già?!
Nói thì nói thế, chứ mỗi lần xa Sài
Gòn, tôi cũng nhớ nó ghê lắm. Mấy năm chiến đấu xa nhà, hay sau này có những
bận đi xa, tôi vẫn thường hay nằm chiêm bao thấy mình đang ở Sài Gòn, đi la
cà bù khú cà phê cà pháo với đám bạn bè. Nhớ những con đường nhỏ mà tôi hay đạp
xe lang thang mỗi tối trong những mùa hè nóng bức. Nhớ hàng cây phượng vỹ dọc
con đường đến ngôi trường trung học. Nhớ đám bạn học toàn những tay đầu têu
nghịch ngợm như quỷ sứ thiên lôi. Nhớ những cô em học trò xinh xắn. Ôi, những
mối tình học trò ngây thơ, dễ thương chết được. Những Hoàng Thị Ngọ của một
thời, mà ngày nào, nắng cũng như mưa, tôi cũng vẫn: “Em tan trường về.
Anh theo Ngọ về...”[3]
“Ai mang bụi đỏ” đi mất từ lúc nào
không rõ, ký ức tôi khi nhớ về Sài Gòn không thể thiếu những dáng Kiều gầy,
những “Ngọ” của một thời áo trắng nhọc nhằn thiếu ăn thiếu mặc.
Nhưng nhớ nhất là mẹ của tôi. Hồi ở
nhà, tôi luôn làm người buồn phiền vì ham chơi hơn ham học, tối ngày cứ trốn
học rong chơi. Thế nhưng nỗi nhớ mẹ khó tả được nên lời. Cũng như làm
thơ vậy. Tôi đã làm biết bao nhiêu thơ, tặng cho biết bao nhiêu cô nàng trái
tim gỗ đá – thơ thì nhận mà tình tôi thì cứ phớt lờ, nhưng cho mẹ
tôi, tôi đã làm được mấy bài thơ!?...
Vậy đó. Tôi nhớ đủ thứ. Cả những
cái không thể định hình, những cái thật mơ hồ, như là mùi rêu ẩm quá nhẹ
nhàng trên một bức vách tường loang lổ ở một cái quán nhỏ thân quen.
Như một giọng rao “Ai chè đậu đen nước dừa đường cát trắng?” ngọt lịm
người của một cô nàng bán dạo mà hồi đó tôi rất thích, có lẽ là thầm yêu nữa
cũng nên. (Gọi là “cô nàng”, chứ chị ta lớn hơn tôi khoảng ba bốn tuổi. Hồi
đó, tôi mới có mười bốn mười lăm tuổi. Về sau này, tôi không còn thấy những
cô gái gánh gánh chè đi bán dạo của thời niên thiếu. Cả “cô nàng” mà tôi vừa
nhắc, vài năm sau đó cũng biến mất tiêu, chắc là đã nghỉ bán lấy chồng. Ôi,
những dáng mềm xưa quang gánh, nay đã về đâu?...)
Đại loại là những thứ như vậy. Những
thứ đã bám sâu vào ký ức. Những thứ mà dù bạn có già khú đế, có giàu lên hay
nghèo đi, miễn là còn sống, chúng vẫn sẽ còn sống mãi ở đáy lòng. Và khi xa
Sài Gòn, bạn sẽ thấy nhớ chúng vô cùng, nhớ không tài nào chịu nổi. Vậy thì,
tôi yêu hay ghét Sài Gòn, bạn nhỉ?!.
[1] Trò chơi vòng quay ngựa gỗ.
[2] Báo SGGP Thứ 7, 10/6/2006, tựa do TS báo đặt: Không
thể rời xa.
[3] Bài hát Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy, lời
thơ Phạm Thiên Thư.
Triệu Xuân
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét