Không ai xác định được chiếu chèo làng tôi có từ bao giờ.
Trong những ngày này đường làng tôi chăng đèn kết hoa rợp trời, hương án cờ quạt
bày la liệt. Hội làng đã mở. Những chiếu chèo cũng mở theo. Trai thanh gái lịch
áo quần còn tươi màu Tết náo nức đi dự lễ hội, đi xem diễn chèo. Nơi biểu diễn
là sân đình, sân kho... Không sân khấu, không phông màn. Một tấm chiếu được trải
ra. Sân khấu là đây. Chắc vì thế mà người ta gọi là chiếu chèo. Khán giả vây bọc
xung quanh, đứng ngồi lố nhố. Đạo cụ trên tay diễn viên là cái quạt giấy. Nhưng
khi là cái roi ngựa, lúc lại là cây bút đề thơ. Tất cả chỉ là ước lệ. Người xem
vẫn hiểu. Nhạc cụ đơn giản hơn. Gánh nào giàu thì trống nọ đàn kia. Chỉ tính
riêng trống thôi cũng có đến mấy cái. Gánh nghèo chỉ cần một cái trống, một đàn
nguyệt, một cây nhị là đủ để diễn một vở chèo đồ sộ. "Cái trống quan trọng
bậc nhất", bố tôi bảo vậy. "Nó cầm nhịp cho các điệu hát. Phi trống bất
thành chèo, con ạ". Vậy mà vài người hát giỏi làng tôi khi cao hứng vẫn bẻ
làn nắn điệu. Người nghe thấy lạ tai, thấy hay hơn, nhấn nhá tha thiết hơn.
Mỗi xóm có một gánh chèo, cả làng có vài gánh chèo. Từ sớm tiếng trống chèo đã
thôi thúc. Bao trái tim trai gái thổn thức. Bao mái đầu bạc gật gù tâm đắc.
"Chẳng mơ ăn chả ăn nem/Thèm ăn cơm tấm, thèm xem hát chèo". Người ta
giục nhau thế. Vẫn là những con người làng tôi, chiều qua còn cố cấy xong mảnh
ruộng cuối cùng để tối nay thành Thị Kính, Cúc Hoa. Vẫn những bàn tay đen đúa
chai sần vì cầm cày cầm cuốc mà đêm nay múa sao dẻo, sao mềm chả khác gì thêu rồng
thêu phượng. Nói đã hay, hát càng hay hơn. Bảo sao người làng tôi không say mê
cho được. Ai muốn nói gì cũng mặc. Tôi luôn cho rằng chiếu chèo làng tôi là độc
đáo nhất, là hay nhất trần đời. Vẫn những tích chèo cổ như Quan Âm Thị Kính,
Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham... Tích nào cũng đầy ắp nghĩa nhân, mặn mòi thủy
chung son sắt. Bất cứ ai được xem đều thấy lòng mình rưng rưng. Bất chợt dịu hiền,
muốn sống một cuộc đời thật nhân ái, vị tha để chuộc lại lỗi lầm trót phạm của
năm qua. Ai cũng biết trước kết cục của vở diễn, nhưng người ta vẫn háo hức đón
chờ. Đón chờ cái ác phải trả giá, cái chính nghĩa được tôn vinh. Những tràng
pháo tay rầm rầm chả thua gì ở nhà hát trung ương.
Những năm chiến tranh ác liệt, dân làng phiêu tán. Người ra trận, kẻ ra xứ người, chiếu chèo vẫn được tổ chức hạn hẹp. Thiếu đàn ông, phụ nữ phải đóng thế. Cũng "vai năm tấc rộng thân mười thước cao", chẳng kém gì đàn ông thứ thiệt. Chiếu chèo làng tôi không thể mất. Đơn giản vì nó là cái "hèm" của làng. Nó được sinh ra từ lao động. Giản dị mà mạnh mẽ. Mềm mại mà dẻo dai. Nó mang đến cho con người bao niềm vui. Và cũng chở đi bao điều tâm sự. Ai cũng nao nao với điệu Làn thảm, xao xuyến với Quân tử phu dịch, và bật cười với những câu nói hóm hỉnh sâu sắc đến cay độc của anh hề áo ngắn. Ờ, mà ở đời cũng nên có cái cảm giác lạ kỳ như thế. Và chính những làn điệu chèo ấy, cái luyến láy í ì i... thanh tao đằm dịu ấy như chiếc nôi đưa người dân quê tôi trưởng thành.
Yêu quá chừng những ngày làng mình mở hội. Yêu không để đâu cho hết những chiếu chèo đêm trăng. Rồi hết hội, hết chèo. Ngày tháng trôi nhanh quá. Ước gì thời gian dài thêm ra. Ngày đi xem hội, tối lại đến dự chiếu chèo. Chớ bảo người làng tôi tham lam hưởng lạc. Đất làng tôi chật hẹp, không bờ xôi ruộng mật. Người làng tôi phải đổi một bát mồ hôi lấy một bát cơm, phải làm việc bằng chân tay, bằng khối óc chống chọi với thiên tai địch họa để duy trì cuộc sống. Nhưng lúc nghỉ ngơi cũng biết cách nghỉ ngơi hữu ích và thăng hoa. Xin gửi những người xa quê làn điệu chèo quê mình cho nguôi ngoai nỗi nhớ, nguôi ngoai niềm thương.
Mùa xuân cho ta cái vẻ đẹp bên ngoài. Những chiếu chèo đêm hội lại nuôi nấng tâm hồn ta mãi mãi trong hạnh phúc được yêu thương.
Những năm chiến tranh ác liệt, dân làng phiêu tán. Người ra trận, kẻ ra xứ người, chiếu chèo vẫn được tổ chức hạn hẹp. Thiếu đàn ông, phụ nữ phải đóng thế. Cũng "vai năm tấc rộng thân mười thước cao", chẳng kém gì đàn ông thứ thiệt. Chiếu chèo làng tôi không thể mất. Đơn giản vì nó là cái "hèm" của làng. Nó được sinh ra từ lao động. Giản dị mà mạnh mẽ. Mềm mại mà dẻo dai. Nó mang đến cho con người bao niềm vui. Và cũng chở đi bao điều tâm sự. Ai cũng nao nao với điệu Làn thảm, xao xuyến với Quân tử phu dịch, và bật cười với những câu nói hóm hỉnh sâu sắc đến cay độc của anh hề áo ngắn. Ờ, mà ở đời cũng nên có cái cảm giác lạ kỳ như thế. Và chính những làn điệu chèo ấy, cái luyến láy í ì i... thanh tao đằm dịu ấy như chiếc nôi đưa người dân quê tôi trưởng thành.
Yêu quá chừng những ngày làng mình mở hội. Yêu không để đâu cho hết những chiếu chèo đêm trăng. Rồi hết hội, hết chèo. Ngày tháng trôi nhanh quá. Ước gì thời gian dài thêm ra. Ngày đi xem hội, tối lại đến dự chiếu chèo. Chớ bảo người làng tôi tham lam hưởng lạc. Đất làng tôi chật hẹp, không bờ xôi ruộng mật. Người làng tôi phải đổi một bát mồ hôi lấy một bát cơm, phải làm việc bằng chân tay, bằng khối óc chống chọi với thiên tai địch họa để duy trì cuộc sống. Nhưng lúc nghỉ ngơi cũng biết cách nghỉ ngơi hữu ích và thăng hoa. Xin gửi những người xa quê làn điệu chèo quê mình cho nguôi ngoai nỗi nhớ, nguôi ngoai niềm thương.
Mùa xuân cho ta cái vẻ đẹp bên ngoài. Những chiếu chèo đêm hội lại nuôi nấng tâm hồn ta mãi mãi trong hạnh phúc được yêu thương.
Nguyễn Sỹ Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét